Xem mẫu

  1. Hội thảo khoa học Quốc gia Quản lý tài nguyên, môi trường và phát triển bền vững vùng Tây Bắc, Việt Nam PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG VÙNG TÂY BẮC VIỆT NAM GẮN VỚI NGHIÊN CỨU, BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY HỆ THỐNG DI TÍCH, DI VẬT KHẢO CỔ HỌC (NGHIÊN CỨU ĐIỂN HÌNH TRƯỜNG HỢP TỈNH YÊN BÁI) Đào Vĩnh Hợp Trường Đại học Sài Gòn Email: daovinhhop.dhsg@gmail.com Tóm tắt: Vùng Tây Bắc Việt Nam, trong đó có tỉnh Yên Bái mặc dù còn có nhiều khó khăn nhưng thực tế có nhiều tiềm năng cho phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội. Đặc biệt hơn cả, trải qua hàng ngàn năm, vùng đất này vẫn lưu dấu hệ thống di tích, di vật khảo cổ học phản ánh “buổi bình minh”của lịch sử loài người và quá trình dựng nước, giữ nước của dân tộc ta. Trong bối cảnh hiện nay, các di sản này chính là tiền đề quan trọng phát triển bền vững vùng, trong đó có hoạt động du lịch bền vững. Trên cơ sở điển cứu về tiềm năng hệ thống di sản khảo cổ học của tỉnh Yên Bái, bài viết xác định vai trò, đánh giá thực trạng, đồng thời cũng đề xuất những giải pháp trong phát triển du lịch bền vững của tỉnh và vùng gắn với nghiên cứu, bảo tồn và phát huy hệ thống di tích, di vật khảo cổ học. Từ khóa: Di sản, du lịch bền vững, khảo cổ học, phát triển bền vững, Tây Bắc. 1. GIỚI THIỆU Về cơ bản, có thể chia Bắc Bộ Việt Nam thành ba tiểu vùng địa lý: Vùng Tây Bắc; Vùng Đông Bắc và đồng bằng Sông Hồng. Trong đó, Tây Bắc là khu vực còn nhiều khó khăn hơn cả do có đặc điểm địa lý, cấu trúc địa chất khá phức tạp: phần lớn lãnh thổ là núi núi non hiểm trở, dốc lớn; khí hậu cũng có nhiều bất lợi như: gió nóng, mưa đá vào mùa hè, sương muối, băng giá vào mùa đông, lũ quét, sạt lở đất đá,… Ngoài ra, cơ sở hạ tầng, giao thông của vùng nhìn chung cũng chưa phát triển so với cả nước, đi lại chưa thuận lợi, lại thêm đường biên giới dài tiếp giáp với hai quốc gia láng giềng Trung Quốc và Lào,... Tuy nhiên, ngày nay Tây Bắc cũng có nhiều thuận lợi cho phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội. Bên cạnh những lợi thế về điều kiện tự nhiên, tài nguyên (nước, rừng, khoáng sản,...), vùng còn có nhiều đồng bào dân tộc cùng sinh sống với sắc thái văn hóa đa dạng. Đồng thời, vùng còn tiềm ẩn nhiều di sản lịch sử, văn hóa,... Trong đó phải kể đến hệ thống di tích, di vật khảo cổ học phong phú và mang nhiều giá trị. Đây chính là thế mạnh cho phát triển chung của Tây Bắc, đặc biệt phát triển du lịch bền vững gắn với các loại hình du lịch mới, đặc sắc như: “du lịch văn hóa”, “du lịch di sản”. 2. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU Bài viết sử dụng phương pháp nghiên cứu cơ bản của khoa học lịch sử kết hợp với các phương pháp liên ngành: văn hóa học, kinh tế, du lịch,... Ngoài ra, phương pháp nghiên cứu so sánh cũng được tiến hành trong giải quyết các vấn đề đặt ra. Trên cơ sở nghiên cứu, khảo sát về tiềm năng di sản văn hóa, bài viết khái quát về thành tựu nghiên cứu khảo cổ học cũng như hệ thống các di tích, di vật khảo cổ của tỉnh vùng Tây Bắc nói chung và tỉnh Yên Bái nói riêng. Trên cơ sở lý luận và thực tiễn đó, bài viết phân tích tầm quan trọng và thực trạng công tác nghiên cứu, bảo tồn và phát huy hệ thống di sản này trong thời gian qua. Đồng thời đề xuất giải pháp cho bảo tồn phát huy giá trị di sản khảo cổ gắn với phát triển bền vững vùng, đặc biệt là du lịch bền vững. 3. TỔNG QUAN VỀ VÙNG TÂY BẮC VÀ TỈNH YÊN BÁI 3.1. Vùng Tây Bắc Tây Bắc là vùng miền núi phía Tây của miền Bắc Việt Nam. Về vị trí địa lý, vùng Tây Bắc được giới hạn bởi dãy núi Hoàng Liên Sơn ở phía Đông và là dãy núi Sông Mã ở phía Tây [1]. Về mặt hành chính, vùng Tây Bắc gồm 6 tỉnh: Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái, Tây Bắc có chiều dài biên giới với hai nước láng giềng khoảng 870 km (trong đó có 310 km giáp với Trung Quốc ở phía Bắc và 560 km giáp với Lào ở phía Tây) và nhiều cửa khẩu lớn. Cơ cấu dân tộc vùng Tây Bắc rất đa dạng. Trong đó dân số người Kinh chiếm tỷ lệ thấp nhất trong toàn quốc (20,8 %) [2] và đồng bào dân tộc thiểu số lớn nhất toàn quốc. Hiện vùng có trên 20 dân tộc thiểu số sinh sống, gồm: Thái, Tày, Nùng, Mông, La Hủ, Si La, Hà Nhì, Lô Lô,... Vì Tây Bắc là một vùng có nhiều dân tộc cùng chung sống, đa ngôn ngữ, nên có các đặc trưng văn hóa phong phú đa dạng nhất so với các vùng, miền khác trong cả nước.
  2. Phát triển bền vững vùng Tây Bắc Việt Nam gắn với nghiên cứu, bảo tồn 527 và phát huy hệ thống di tích, di vật khảo cổ học (nghiên cứu điển hình trường hợp tỉnh Yên Bái) Mỗi dân tộc ở Tây Bắc đều có những nét văn hóa riêng, như: Múa xòe của người Thái, múa khèn của người Mông, hát Then, Si, Lượn của người Tày, Nùng,… Vùng cũng có nhiều tiềm năng về thủy điện, khoáng sản, du lịch, kinh tế cửa khẩu, nông, lâm nghiệp,... Với vị trí nằm ở địa đầu Tây Bắc của Tổ quốc và lại nằm gần các vùng đông dân cư có tiềm lực khoa học, công nghệ, thương mại dịch vụ, giáo dục đào tạo, có tài nguyên khoáng sản lớn như vùng Đông Bắc, đồng bằng Sông Hồng, vùng Bắc Trung Bộ,... Trong lịch sử và cả hiện tại, Tây Bắc trở thành địa bàn chiến lược đặc biệt có vị thế trọng yếu về an ninh, quốc phòng và có nhiều điều kiện để phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội. 3.2. Tỉnh Yên Bái Yên Bái là một tỉnh miền núi nằm ở phía Tây Bắc của Tổ quốc, có vị trí địa lý: phía Tây Bắc giáp tỉnh Lào Cai và tỉnh Lai Châu; phía Đông và Đông Bắc giáp tỉnh Hà Giang và tỉnh Tuyên Quang; phía Đông Nam giáp tỉnh Phú Thọ và phía Tây giáp tỉnh Sơn La. Tổng diện tích tự nhiên của tỉnh là 6.887,45 km2, xếp thứ 8 trong số 12 tỉnh thuộc vùng núi và trung du phía Bắc về diện tích đất đai. Toàn tỉnh Yên Bái có 9 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm Thành phố Yên Bái; Thị xã Nghĩa Lộ; 07huyện gồm: Trạm Tấu; Mù Cang Chải; Văn Chấn; Văn Yên; Lục Yên; Trấn Yên; Yên Bình với 173 đơn vị hành chính cấp xã (gồm 150 xã, 13 phường, 10 thị trấn) [3]. Theo số liệu năm 2019, dân số của tỉnh Yên Bái đạt 823.034 người, bao gồm dân số thành thị 163.260 người, chiếm 19,84 %; dân số nông thôn 659.774 người chiếm 80,16 %. Dân cư phân bố không đồng đều giữa các huyện, thị xã, thành phố. Mật độ dân số trung bình toàn tỉnh năm 2019 là 119 người/km2. Là “cửa ngõ”vùng Tây Bắc, nơi giao thoa của hai khu vực Đông Bắc - Tây Bắc, tỉnh Yên Bái là nơi quần cư của 30 dân tộc, trong đó có 13 dân tộc bản địa cùng sinh sống lâu đời. Người Kinh chiếm 42,71 %, còn lại là các dân tộc khác (Tày, Thái, Dao, Mông, Mường,…) chiếm 57,29 % với truyền thống và bản sắc riêng đã hình thành nên một nền văn hóa rất đa dạng, phong phú và nhiều nét độc đáo [4]. 4. TIỀM NĂNG KHẢO CỔ HỌC CỦA VÙNG TÂY BẮC VÀ TỈNH YÊN BÁI Vùng Tây Bắc có bề dày lịch sử lâu đời, những di tích khảo cổ học của vùng có niên đại kéo dài từ thời đại đồ đá cũ đến thời đại kim khí. 4.1. Di tích khảo cổ từ thời đại đồ đá đến thời đại kim khí Giai đoạn sơ kỳ đá cũ Di chỉ hang Hùm (Tân Lập - Lục Yên) được phát hiện và khai quật trong những năm 1963, 1964. Tại đây, đã phát hiện hàng ngàn hóa thạch của 30 loài động vật, trong đó đặc biệt có 3 chiếc răng hàm của Homo sapiens (người khôn ngoan). Việc tìm thấy những chiếc răng hàm của người khôn ngoan sớm đã xác nhận thời đại sơ kỳ đá cũ đã tồn tại và phát triển trên vùng đất của người Yên Bái ngày nay. Giai đoạn hậu kỳ đá cũ Đến nay được xác nhận bởi kỹ nghệ Ngườm và văn hóa Sơn Vi. Văn hóa Sơn Vi (niên đại 30.000 - 11.000 năm BP): Được phát hiện lần đầu vào năm 1968, tại gò Vườn Sậu, xã Sơn Vi, huyện Lâm Thao (Phú Thọ). Cho đến nay ở Việt Nam đã phát hiện trên 140 địa điểm văn hóa Sơn Vi. Các di tích văn hóa Sơn Vi phân bố rộng (địa điểm Đồi Cao (Lai Châu) là điểm xa nhất về phía Tây) trên 2 loại địa hình: đồi gò - thềm sông và hang động - mái đá. Loại hang động - mái đá có số lượng ít (15 địa điểm) nằm ở vùng tập trung văn hóa Hòa Bình (Sơn La, Hòa Bình và Thanh Hóa). Các di tích văn hóa Sơn Vi thường phân bố ở vùng trung lưu các sông lớn, trong đó trung lưu Sông Hồng (gồm đất các tỉnh Yên Bái, Phú Thọ và Hà Tây (đã được sáp nhập vào Hà Nội từ năm 2008) là nơi tập trung cao nhất (110 địa điểm). Văn hóa Sơn Vi có 2 giai đoạn phát triển. Giai đoạn sớm gồm những di tích có công cụ cuội kích thước lớn, kỹ thuật ghè đẽo thô, ghè một mặt, một lớp là chính. Công cụ mũi nhọn, chopper rìa ngang, unifaces chiếm tỷ lệ đáng kể. Tiêu biểu là các địa điểm: Bản Phố, Hái Luồm, Hủa Lon (Sơn La), Cầu Đen, Công Nghiệp (Lào Cai). Ngoài văn hóa Sơn Vi, trong thời đại đồ đá cũ Việt Nam còn có các di tích cuội ghè khác, trong đó có Nậm Tun (Lai Châu), Bản Phố, Hát Luồm, Hủa Lon (Sơn La) [5]. Từ năm 1979 trở đi, hàng loạt các địa điểm thuộc văn hóa Sơn Vi được phát hiện với di tích mở đầu là đồi Bách Lẫm (thành phố Yên Bái nay). Tại đây đã phát hiện được 13 di vật của văn hóa Sơn Vi. Từ đó đến nay đã thu được trên 400 di vật gồm công cụ, phế vật, mảnh tước hạch cuội,... Phản ánh đây là vùng cư trú và sản xuất công cụ thời hậu kỳ đá cũ. Các điểm tiêu biểu ngoài Bách Lẫm có: Xóm Soi (Giới Phiên), Đá Bia (Minh Bảo), Lương Thịnh III (Tân Thịnh), Khe Quỷ (Yên Hợp), bến Mậu A (Mậu A), Đào Thịnh,... Cho đến nay, trên địa
  3. 528 Đào Vĩnh Hợp bàn tỉnh Yên Bái đã phát hiện được gần 50 điểm di tích của văn hóa Sơn Vi, tập trung chủ yếu dọc thung lũng Sông Hồng. Giai đoạn đá giữa và đá mới “Văn hóa Hòa Bình” được M. Colani định danh vào năm 1932. Không gian phân bố của văn hóa này khá rộng lớn, bao gồm các tỉnh Hòa Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị, Lai Châu, Sơn La, Hà Giang, Ninh Bình. Cư dân “văn hóa Hòa Bình” chủ yếu cư trú trong các hang động và mái đá ở vùng núi đá vôi. Người Hòa Bình sống tập trung thành từng cụm, mỗi cụm từ 3 đến 10 di tích liền kề nhau. Bên cạnh tuyệt đại đa số di tích hang động, hầu như mới chỉ có một di chỉ ngoài trời - di chỉ Sập Việt (Sơn La). Các nhóm di tích Tây Bắc (Sơn La và Lai Châu) cũng thuộc hậu kỳ thời đại đồ đá mới. Tại hang Nậm Tốc Lù (Cảm Nhân - Yên Bình) nằm trên núi đá vôi theo hướng bắc nam ở độ cao 50 m so với mặt thung lũng cũng tìm thấy một số công cụ thuộc văn hóa Hòa Bình. Đặc biệt, di tích Khảo cổ học Bến Mậu A [6] thuộc địa bàn thôn Hồng Phong, thị trấn Mậu A, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái là một di tích rất quan trọng trong hệ thống di tích thời đại đá cũ hậu kỳ ở Yên Bái nói riêng và vùng Sông Hồng nói chung. Đây là di chỉ hiếm hoi có tầng văn hóa trong hệ thống Văn hóa Sơn Vi, là di chỉ có khối lượng di vật rất lớn, loại hình rất đa dạng, cho phép chúng ta hiểu được rõ hơn diện mạo của Văn hóa Sơn Vi ở Việt Nam. Đây lại là một điểm thuộc Văn hóa Hòa Bình đầu tiên biết đến ở vùng dọc Sông Hồng. Di tích chứa cả 2 giai đoạn: Văn hóa Sơn Vi - Văn hóa Hòa Bình. Giai đoạn kim khí Đến nay đã tìm thấy trên 20 địa điểm có dấu tích văn hóa thời đại cuối đá mới đầu kim khí, phân bố không đều. Trong đó, có một số khu vực phân bố chính là các vùng núi đá vôi thuộc các tỉnh Lạng Sơn, Hòa Bình, Hà Tây, Sơn La, Lai Châu. Khu vực Văn Yên cũng tìm được các rìu lưới xéo, rìu xòe cân, nhiều đồ gốm thuộc các giai đoạn Phùng Nguyên, Đồng Mậu, Đường Cồ tại các điểm Yên Hưng, Yên Hợp,... 4.2. Di vật khảo cổ Những dấu tích của thời đại kim khí ở Yên Bái khá phong phú, độc đáo trong đó nổi bật lên là các di vật thuộc văn hóa Đông Sơn hay mang phong cách Đông Sơn. Văn hóa Đông Sơn được phát hiện năm 1924 [7], thuộc thời đại kim khí, có niên đại trên dưới 2.000 năm cách ngày nay. Tại nhiều nơi trên địa bàn của tỉnh Yên Bái, đặc biệt là lưu vực Sông Hồng đến nay đã phát hiện trên hàng ngàn loại di vật thời đại văn hóa Đông Sơn, bao gồm nhiều loại hình: đồ dùng sản xuất; đồ dùng sinh hoạt, vũ khí, đồ trang sức,... trong đó phải kể đến các hiện vật quý, mang giá trị văn hóa tiêu biểu như: thạp đồng và trống đồng. Các thạp đồng: Tính đến năm 2008, trên đại bàn tỉnh Yên Bái đã phát hiện được 24 chiếc thạp đồng, gồm: Thạp đồng Đào Thịnh (từ I đến XIX), thạp đồng Hợp Minh, thạp Khe Dứa, thạp Khe Ván, thạp Làng Pa (từ I đến V), thạp Đồng Nếp (I và II), thạp Yên Phú, thạp Đèo Lũng Lô [8]. Trong số đó, thạp đồng Đào Thịnh I và thạp đồng Hợp Minh là tiêu biểu và đặc sắc hơn cả. Thạp đồng Đào Thịnh I: Thạp được tìm thấy vào ngày 14/9/1960 tại xóm Đồng Danh, xã Đào Thịnh (Trấn Yên, Yên Bái). Đây là chiếc thạp có kích thước lớn, còn nguyên vẹn cả nắp đến thân. Thân thạp hình khối trụ, to trên thót dần xuống đáy. Thân thạp cao 81,0 cm; đường kính miệng 61,0 cm; đường kính đáy 60,0 cm. Nơi phình to nhất của thân là 70,0 cm. Tổng số có 25 băng hoa văn trang trí quanh thân từ miệng đến đáy. Thạp đồng Hợp Minh: Thạp được phát hiện vào năm 1995, trên quả đồi thuộc xã Hợp Minh (Trấn Yên, Yên Bái). Thạp có chiều cao từ nắp đến đáy là 48,4 cm. Thân thạp cao 41,5 cm. Những mô típ văn hóa trên thạp Hợp Minh mang phong cách kiểu trang trí hoa văn trên thạp Đào Thịnh, trống đồng Ngọc Lũ, Hoàng Hạ, Sông Đà,... Các trống đồng: Trống đồng Đào Thịnh: Cũng tại địa điểm phát hiện thạp đồng Đào Thịnh, ngày 25/9/1962, đã phát hiện ra trống đồng Đào Thịnh và nhiều đồ vật bằng đồng khác (bình, lọ, tượng cóc, quả cân, dao găm, giáo, lưỡi qua) và các đồ trang sức bằng đá, lọ gồm có văn đan. Trống thuộc loại trung bình, mặt còn nguyên vẹn, tang mất một phần, lưng còn một ít và không còn phần chân, không rõ chiều cao. Trống có 4 đôi quai kép, chỉ còn lại 2 đôi, không có tượng cóc. Mặt trống không chờm khỏi tang, chính giữa là ngôi sao 12 cánh, giữa các cánh là hoa văn hình tam giác có các đường chéo song song. Từ trong ra ngoài mặt trống có 4 vòng hoa văn. Đường kính mặt trống là 49,5 cm; đường kính tang là 57 cm; phần còn lại của trống cao 27 cm; tang trống dày 0,25 cm. Hoa văn tang trống chỉ còn 2 vòng là hình tam giác gần đáy quay vào nhau bố trí gần mép trống, còn lại để trơn, có bốn đường chỉ nổi chạy song song quanh tang trống. Hoa văn lưng trống gồm 4 cụm hoa văn dọc, cách đều nhau
  4. Phát triển bền vững vùng Tây Bắc Việt Nam gắn với nghiên cứu, bảo tồn 529 và phát huy hệ thống di tích, di vật khảo cổ học (nghiên cứu điển hình trường hợp tỉnh Yên Bái) cao 11,5 cm và một cụm hoa văn ngang dưới. Hoa văn đơn giản, chỉ là hai đường hình tam giác gần đáy quay vào nhau. Trống đồng làng Vạc Minh (Minh Xuân - Lục Yên ): Phát hiện ngày 25/5/1978 tại gò làng Vặc. Di vật đào được là chiếc trống đồng không nguyên vẹn, mất chân và phần lớn lưng nên không xác định được chiều cao. Trống có bốn quai, chỉ còn hai quai. Mặt trống còn nguyên vẹn, có ba vết thủng nhỏ gần tâm trống, có 4 tượng cóc nhưng đều mất, chỉ còn lại dấu vết chân, cóc quay ngược chiều quay của kim đồng hồ. Mặt trống chờm khỏi tang 1,5 cm; tang được thiết kế không phình mà hơi đứng, lưng thẳng, phía dưới hơi loe ra. Đường kính mặt 64,5 cm; đường kính tang 61,5 cm; đường kính lưng (phần giáp tang) 52,0 cm; tang cao 14,0 cm; mặt dày 0,45 cm; trống cao toàn bộ còn lại 37 cm. Trống đồng Mông Sơn (Yên Bình): Được tìm thấy ngày 15/3/1984 trên một quả gò thuộc địa phận xã Mông Sơn. Di vật là một chiếc trống chôn ngửa do quá trình mưa gió đã lộ ra một phần thân trống. Trống không còn nguyên vẹn, 4 tượng cóc đã bị cưa mất 3 còn 1. Chân bị vỡ, mặt bị cắt rời khỏi thân, quai chỉ còn một chiếc, trống thủng nhiều chỗ, mặt trống chờm ra ngoài tang, tang không phình, lưng thẳng, chân hơi choãi. Đường kính mặt 56 cm, cao còn lại 30 cm. Hoa văn mặt trống: trung tâm là ngôi sao 12 cánh, giữa các cánh là văn hóa lông chim công, ngoài là 11 vòng hoa văn. Trong đó vòng 7 từ trong ra là hình chim cách điệu hình trâm, xen kẽ nhau từng đôi một, chim bay theo ngược chiều kim đồng hồ. Gần mép trống có 4 tượng cóc đơn giản cũng quay ngược chiều kim đồng hồ. Ngoài ra, trên địa phận tỉnh Yên Bái còn phát hiện được nhiều hiện vật khảo cổ khác, như: Tại thành phố Yên Bái nay tìm thấy một số đồ đồng tại khu nghĩa trang thuộc bệnh viện tỉnh (rìu đồng, nồi đồng); Ở Trấn Yên phát hiện được rìu đồng, giáo đồng (Quy Mông, Báo Đáp),...; Năm 2013, tại gò Dốc Giang, xã Yên Hợp huyện Văn Yên đã phát hiện trống đồng Heger loại I, mang đặc điểm của trống đồng Đông Sơn; Năm 2015, phát hiện nhóm di vật thuộc văn hóa Đông Sơn ở xã Đông An, huyện Văn Yên;... Bảo tàng tỉnh Yên Bái cũng đang lưu giữ các khuôn bằng đá đúc rìu, đúc đồng thuộc thời kỳ văn hóa Đông Sơn. 4.3. Thành tựu nghiên cứu khảo cổ học trong những năm gần đây Trong vòng 10 năm gần đây, trên địa bàn tỉnh Yên Bái hiện có nhiều di chỉ khảo cổ học nổi tiếng được nghiên cứu, khai quật, cụ thể: Khu di tích Hắc Y - Đại Cại: Di tích Hắc Y thuộc xã Tân Lĩnh, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái, được phát hiện năm 1995. Trải qua 7 lần khai quật đến nay đã phát lộ diện mạo một trung tâm Phật giáo lớn nơi miền Tây Bắc, có niên đại thời Trần đồng thời đã thừa hưởng yếu tố chuyển tiếp từ thời Lý và được duy trì sang thời Lê. Hắc Y vốn dĩ là một quần thể di tích kiến trúc tôn giáo - tín ngưỡng: đình - đền - chùa và các công trình phụ trợ khác gồm: Núi Thần áo đen (hắc y), Chùa tháp Hắc Y, Chùa Dõng, Đền Đại Cại, Chùa Thượng Miện, chùa Bến Lăn, Ao Vua, Trường Đua,... Qua những lần khai quật các nhà nghiên cứu thu được nhiều di vật gồm vật liệu thuộc kiến trúc Phật giáo như gạch, ngói (ngói mũi sen đơn, ngói mũi sen kép, ngói mũi lá, ngói mũi tròn), đá chân cột, các loại tượng đất nung như tượng “đầu rồng lạ”, phượng, uyên ương, lân, voi, sư tử, lá đề,…; đồ thờ, đồ gốm, sứ, tiền đồng,… mang phong cách văn hóa thời Trần. Đặc biệt đã tìm thấy dấu tích lò nung, khuôn đúc,... chứng tỏ những sản phẩm được sản xuất tại chỗ. Đền Đại Cại còn mang dấu tích tín ngưỡng dân gian cổ xưa với tín ngưỡng thờ nhiên thần sơ khai của các tộc người thiểu số. Ngày 26/11/2007, tại huyện Lục Yên, UBND tỉnh Yên Bái tổ chức Hội thảo khoa học “Giá trị lịch sử, văn hóa di tích Hắc Y (Yên Bái)”. Tại vùng đất Văn Chấn - huyện miền núi phía Tây tỉnh Yên Bái Cuối năm 2010, Bảo tàng tỉnh Yên Bái đã tiến hành điều tra khảo sát khu vực cánh đồng Mường Lò và các vùng phụ cận thuộc xã Phú Nham, huyện Văn Chấn. Kết quả đã phát hiện được phế tích lò nung vật liệu kiến trúc cổ, đặc biệt là 2 phế tích kiến trúc cổ bước đầu xác định có niên đại thời Trần tại đồi Pú Chìa Chùa và đồi Pú Tre. Phế tích kiến trúc Pú Tre thuộc địa phận Bản Ỏ, xã Phù Nham. Bộ VH, TT & DL ra Quyết định số 2408/QĐ- BVHTTDL cho phép thăm dò, khai quật khảo cổ di tích đồi Pú Tre. Kết quả đã phát lộ nền móng của một kiến trúc thời Trần, có quy mô lớn và độc đáo với mặt bằng hình chữ nhật quay mặt về phía tây, đồng thời gợi mối quan hệ giữa kiến trúc và vật liệu ở Pú Tre với di tích Hắc Y [9]. Quần thể kiến trúc “Hoàng thành Yên Bái”ở Tân Lĩnh Qua nhiều lần khai quật, các nhà khảo cổ đã phát hiện quần thể dày đặc các dấu tích kiến trúc Phật giáo thời Lý - Trần trải dài khắp xã Tân Lĩnh (Lục Yên - Yên Bái) và lan ra một số vùng lân cận. Tại đây, những di chỉ còn
  5. 530 Đào Vĩnh Hợp lại khá nguyên vẹn, nhiều hiện vật có hình dạng và niên đại giống hiện vật tại Hoàng thành Thăng Long (như: gạch, ngói, đá chân cột, lá đề, sen, cúc,... tượng đất nung linh vật các loại: đầu rồng, phượng,... cùng đồ thờ, đồ gốm sứ,...) nên tạm gọi là “Hoàng thành Yên Bái”. Kết quả nghiên cứu cho thấy nơi đây từng đóng vai trò là trung tâm hay “kinh đô” Phật giáo vùng Tây Bắc. Ngoài ra, còn có sự có mặt của hàng trăm những hiện vật của văn hóa Champa như Naguda, hình người con gái múa hát, bệ hoa sen bằng đất nung,... đã được tìm thấy cũng gợi lên mối quan hệ với văn hóa Champa ở miền Trung. 5. NGHIÊN CỨU, BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY GIÁ TRỊ CỦA HỆ THỐNG DI TÍCH, DI VẬT KHẢO CỔ HỌC GẮN VỚI PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG VÙNG TÂY BẮC: THỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP 5.1. Tầm quan trọng của hệ thống di tích, di vật khảo cổ Kết quả nghiên cứu khảo cổ học trong thời gian qua mang lại nhận thức mới rất quan trọng về lịch sử của vùng đất phía Tây Bắc của Tổ quốc. Chứng tỏ Yên Bái nằm trong địa bàn sinh tồn và phát triển liên tục của người Việt cổ trên đất nước ta, kéo dài từ thời đại đồ đá cũ đến thời đại kim khí. Đặc biệt, các di tích khảo cổ học thuộc nền văn minh Sông Hồng của thời đại Hùng Vương đã có mặt khá dày đặc trên các vùng đất ngày nay thuộc địa phận tỉnh Yên Bái đã góp phần chứng minh tiềm lực của cư dân Việt Cổ. Bấy giờ, đời sống cư dân đạt đến trình độ nhất định: họ đã biết đến trồng trọt, chăn nuôi, đánh cá,... Nghề thủ công như gốm, đúc đồng cũng phát triển ngay trên vùng đất Yên Bái. Những di vật đã tìm được trên đất Yên Bái cho thấy trình độ nghệ thuật, thẩm mỹ của con người trong thời đại Hùng Vương khá cao. Thạp đồng Đào Thịnh, Thạp đồng Hợp Minh phát hiện ở Yên Bái được các nhà khoa học đánh giá là những thạp đồng to nhất, trang trí hoàn mỹ nhất ở Việt Nam cho đến nay. Việc phát hiện các dấu tích kiến trúc thời phong kiến độc lập tự chủ trên vùng đất biên viễn này đồng thời cũng minh chứng một cách cụ thể, sinh động truyền thống lịch sử hào hùng đấu tranh dựng nước và giữ nước của nhân dân các dân tộc Yên Bái nói riêng và Tây Bắc nói chung. Bên cạnh đó, còn góp phần chứng minh nhiều vấn đề của ngành Khảo cổ học Việt Nam. Di chỉ Bến Mậu A giúp khẳng định về mối quan hệ giữa văn hóa Hòa Bình và văn hóa Sơn Vi và con đường phát triển từ văn hóa Sơn Vi lên văn hóa Hòa Bình - chí ít là ở Yên Bái; Hang Ma Mút gợi lên vấn đề về địa chất, môi trường cổ,...; Các di tích và di vật kiến trúc thời phong kiến tự chủ quan hệ mật thiết giữa vùng biên viễn Tây Bắc với khu vực Hoàng thành Thăng Long, văn hóa Champa;... “Du lịch văn hóa” (cultural tourism) là khái niệm được đặt ra và sử dụng rộng rãi từ giữa thế kỷ XX. Theo định nghĩa của Tổ chức du lịch thế giới UNWTO (World Tourism Organization): Du lịch văn hóa là những chuyến đi mà mục đích chính hoặc mục đích bao gồm trong đó là thăm các địa điểm, sự kiện mà giá trị văn hóa, lịch sử của chúng khiến chúng trở thành một phần trong di sản văn hóa của một cộng đồng. Theo Luật Du lịch Việt Nam thì: “Du lịch văn hóa là loại hình du lịch được phát triển trên cơ sở khai thác giá trị văn hóa, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, tôn vinh giá trị văn hóa mới của nhân loại” [10]. Du lịch văn hóa thực chất chính là hình thức du lịch đi ra khỏi nơi cư trú của mình đến một nơi khác để khám phá và tham gia những hoạt động văn hóa bao gồm các hoạt động âm nhạc, hội chợ và lễ hội, cưới hỏi và các nghi lễ, tham quan các nơi ở và công trình di tích, tìm hiểu tự nhiên, văn hóa nghệ thuật dân gian,…[11]. Bên cạnh đó, “Du lịch di sản” (heritage tourism) là một phần của du lịch văn hóa. Loại hình du lịch này cung cấp một trải nghiệm xác thực về giao tiếp với đời sống, sự kiện hay những thành tựu của các dân tộc trong quá khứ. Ở một nghĩa rộng, nó bao gồm đi đến các địa điểm khảo cổ và lịch sử, vườn quốc gia, bảo tàng hay những nơi mang ý nghĩa truyền thống và dân tộc để trải nghiệm những nền văn hóa khác và khám phá nguồn gốc tiền sử và lịch sử của họ, những giá trị di sản cả vật thể và phi vật thể [12]. Vùng Tây Bắc hiện đang bảo tồn một khối lượng lớn các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đa dạng, phong phú, tạo tiềm năng phát triển du lịch của vùng. Di tích và di vật khảo cổ chẳng những cung cấp dữ liệu khoa học phục vụ hiệu quả cho việc nghiên cứu lịch sử, văn hóa của địa phương mà từ đó có thể bảo tồn, phát huy trong hoạt động kinh tế hiện nay của tỉnh và vùng. Nhờ vậy, sẽ góp phần quảng bá hình ảnh du lịch của Yên Bái đến đông đảo khách du lịch trong và ngoài nước. 5.2.Thực trạng công tác bảo tồn, phát huy Những năm qua, chính quyền và nhân dân các tỉnh vùng Tây Bắc đã chung tay xây dựng và phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội của vùng nói chung, trong đó chú trọng đến công tác nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị di sản gắn với phát triển du lịch. Căn cứ trên những giá trị khoa học nổi bật, Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã xếp hạng di tích Quốc gia đối với Di tích lịch sử khảo cổ học Hắc Y thuộc xã Tân Lĩnh, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái (Quyết định số 38/2001/QĐ-BVHTT, ngày 12/7/2001); Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái công nhận Di tích
  6. Phát triển bền vững vùng Tây Bắc Việt Nam gắn với nghiên cứu, bảo tồn 531 và phát huy hệ thống di tích, di vật khảo cổ học (nghiên cứu điển hình trường hợp tỉnh Yên Bái) Khảo cổ học Bến Mậu A, thị trấn Mậu A, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái là Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh (Quyết định số 275/QĐ-UBND, ngày 16/8/2005). Hai chiếc thạp đồng của tỉnh Yên Bái đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Bảo vật Quốc gia: Thạp đồng Đào Thịnh (Quyết định số 1426/QĐ-TTg ngày 01/01/2012) hiện nay được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia; Thạp đồng Hợp Minh (Quyết định số 2599/QĐ-TTg, ngày 30/12/2013), hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng tỉnh Yên Bái [13]. Đây chính là những cơ sở pháp lý quan trọng để bảo tồn và phát huy giá trị di sản tiêu biểu của Yên Bái trong thời gian qua. Nhờ khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh du lịch đặc thù, ngành du lịch vùng Tây Bắc đã và đang từng bước khởi sắc, xác lập hình ảnh trên bản đồ du lịch Việt Nam. Yên Bái đã chuyển mình hòa nhập vào sự phát triển du lịch chung của các tỉnh miền núi và trung du phía Bắc. Năm 2019, ngành du lịch Yên Bái đã có những bước tăng trưởng vượt bậc, đóng góp vào sự tăng trưởng chung của tỉnh và vùng. Năm 2019 tiếp tục được đánh giá là một năm thành công của du lịch Yên Bái khi đón nhận khoảng 727.000 lượt khách du lịch, tăng 29,8 % so với cùng kỳ (trong đó: Khách quốc tế đạt 150.000 lượt), doanh thu du lịch ước đạt 438 tỷ đồng (tăng 31,5 % so với cùng kỳ). Ngành du lịch đã về đích trước 1 năm so với mục tiêu năm 2020 đón thu hút 700.000 lượt khách trong đó 40.000 lượt khách quốc tế, tổng thu từ khách du lịch đạt 350 tỷ đồng. Tại Nghị quyết 35 -NQ/TU về đẩy mạnh phát triển du lịch tỉnh Yên Bái giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2020 đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng [14]. Gần đây nhất, trên lĩnh vực phát triển du lịch, Yên Bái đã triển khai các chính sách, dự án, đề án như: Triển khai các chính sách hỗ trợ phát triển du lịch theo Nghị quyết số 14/2018/NQ– HĐND ngày 02/8/2018 của Hội đồng nhân dân tỉnh; Triển khai xây dựng hệ thống du lịch thông minh tỉnh Yên Bái theo Quyết định số 2533/QĐ-UBND, ngày 31/10/2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh; Kế hoạch Phát triển du lịch tỉnh Yên Bái năm 2020, Số 32/KH-UBND, 19/3/2020 [15],... Tây Bắc nói chung và Yên Bái được biết đến với các hoạt động du lịch nổi tiếng như: Du lịch Mường Lò, khám phá ruộng bậc thang Mù Cang Chải; Festival dù lượn “Bay trên mùa nước đổ”; Lễ hội bưởi Đại Minh và khám phá hồ Thác Bà; Lễ hội về miền đất Ngọc Lục Yên; Lễ hội quế Văn Yên;... Tuy nhiên, thực tế trong thời gian qua, du lịch của vùng Tây Bắc gần như chưa khai thác hết tiềm năng cũng như chưa nhận được sự đầu tư đúng mức của các ngành, các cấp. Đặc biệt là vấn đề nghiên cứu, bảo tồn và phát huy tiềm năng về các di tích khảo cổ học ẩn chứa trong lòng đất của tỉnh nhà. Hơn nữa, trải qua nắng mưa của thời gian, bom đạn chiến tranh, đặc biệt là dưới tác động của quá trình đô thị hóa, nhiều di sản khảo cổ đang đứng trước tình trạng hư hại, xuống cấp. Còn nhiều di tích, di vật chưa được xếp hạng đồng nghĩa với việc chưa có cơ sở pháp lý để bảo vệ các di tích. Bên cạnh đó, công tác bảo tồn các cổ vật chưa thật sự khoa học, đảm bảo an toàn, nhiều hiện vật có giá trị đã bị thất thoát. Tình trạng bảo tồn di tích, di vật hay công tác trùng tu, tuyên truyền cùng vấn đề giữ gìn cảnh quan môi trường cũng chưa thật sự tốt; vấn đề thương mại hóa di tích;... đã gây ảnh hưởng đến giá trị di sản, thậm chí di tích dễ có nguy cơ bị “xóa sổ” trên bản đồ khảo cổ học. 5.3. Một vài đề xuất Theo nghiên cứu của Viện Chiến lược phát triển “Phát triển bền vững bao trùm các mặt của đời sống xã hội, nghĩa là phải gắn kết sự phát triển kinh tế với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, gìn giữ và cải thiện môi trường, giữ vững ổn định chính trị - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh” [16]. Chương 1, điều 3, mục 4 của Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) (năm 2020) đã đưa ra định nghĩa: “Phát triển bền vững là phát triển đáp ứng được nhu cầu của hiện tại mà không làm tổn hại đến khả năng đáp ứng nhu cầu đó của các thế hệ tương lai trên cơ sở kết hợp chặt chẽ, hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế, bảo đảm tiến bộ xã hội và bảo vệ môi trường” [17]. Luật Du lịch Việt Nam năm 2007 cho rằng: “Phát triển du lịch bền vững là sự phát triển du lịch đáp ứng đồng thời các yêu cầu về kinh tế - xã hội và môi trường, bảo đảm hài hòa lợi ích của các chủ thể tham gia hoạt động du lịch, không làm tổn hại đến khả năng đáp ứng nhu cầu về du lịch trong tương lai” (Điều 3, Chương 1) [18]. Để phát triển du lịch Tây Bắc theo hướng bền vững gắn với tiềm năng khảo cổ học của vùng, chúng tôi đưa ra một số đề xuất sau: Thứ nhất, cần ưu tiên tối đa cho việc nghiên cứu, bảo tồn hệ thống các di tích, di vật khảo cổ học Để nghiên cứu, bảo tồn và phát huy các di sản khảo cổ học, cần gắn với sự quản lý của Nhà nước, các cấp chính quyền cũng như sự nhập cuộc của nhà nghiên cứu và sự phối hợp của cả cộng đồng (sự nhập cuộc của nhà nghiên cứu, người dân địa phương, du khách,...). Cần tiếp tục đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học nhằm đánh giá đầy đủ, chuẩn xác hơn về các giá trị của di sản, có cơ sở pháp lý bảo vệ các di tích, di vật khảo cổ học. Nghiên cứu góp phần thu thập những dữ liệu khoa học phục vụ công tác trùng tu, tôn tạo và phát huy giá trị di tích trong tương lai. Các cấp chính quyền, cơ quan
  7. 532 Đào Vĩnh Hợp quản lý văn hóa cần đầu tư kinh phí để tu bổ, cứu nguy khẩn cấp cho các di tích đang xuống cấp nghiêm trọng, đồng thời xác lập hồ sơ công nhận hay đưa vào danh sách bảo vệ. Tuyên truyền vận động giúp nâng cao ý thức bảo tồn di sản trong nhân dân. Với chức năng sưu tầm, bảo quản, nghiên cứu, trưng bày và tuyên truyền về các di sản văn hóa, hiện vật lịch sử, Bảo tàng tỉnh Yên Bái cần đẩy mạnh công tác sưu tầm, bổ sung hiện vật gốc, hình thành thêm các bộ sưu tập hiện vật mới, đồng thời nghiên cứu, phân loại, giám định khoa học và xây dựng các bộ sưu tập hiện vật quý hiếm hiện đang lưu trữ nhằm phục vụ trưng bày, phổ biến tri thức. Trong thời gian tới, các cơ quan chức năng cần tiếp tục nghiên cứu, mở rộng diện khảo sát, khai quật quy mô, đối với các di tích kiến trúc thời kỳ phong kiến. Từ đó góp phần xác định chính xác nguồn gốc, tính chất, niên đại cũng như các vấn đề có liên quan của công trình kiến trúc trong suốt quá trình tồn tại. Tiến tới xây dựng hồ sơ khoa học, trên cơ sở đó kiến nghị và đề xuất với các cơ quan chức năng bảo tồn và phát huy giá trị di tích trong tương lai. Tiến tới giới thiệu, phục vụ công chúng và du khách ngày càng đầy đủ và đa dạng hơn. Thứ hai, đầu tư khai thác tiềm năng, phát huy giá trị di sản khảo cổ học gắn với phát triển du lịch di sản văn hóa Có thể thấy “Du lịch văn hóa là loại hình mà du khách muốn được thẩm nhận bề dày lịch sử văn hóa của một nước, một vùng thông qua các di tích lịch sử, văn hóa, những phong tục, tập quán còn hiện diện” [19]. Điểm cốt yếu của du lịch văn hóa, du lịch di sản là mối quan hệ bộ ba: giáo dục - phát triển - bảo tồn. Nhìn chung vùng Tây Bắc hiện ẩn chứa nhiều tiềm năng trong phát triển đa dạng các loại hình du lịch, đặc biệt là theo hướng du lịch di sản văn hóa. Trong bối cảnh phát triển và hội nhập như hiện nay, để du lịch vùng Tây Bắc phát triển bền vững và tương xứng với những tiềm năng và lợi thế vốn có, các di tích, di vật khảo cổ, đặc biệt là những di sản ẩn chứa bên dưới lòng đất, nhất thiết cần được quan tâm nghiên cứu, khám phá. Các di tích cần được đầu tư, khai thác để trở thành những điểm sáng của du lịch vùng Tây Bắc. Khu Di tích Hắc Y - Đại Cại hằng năm đón nhận hàng ngàn lượt khách từ mọi miền đất nước tới tham quan, hành hương, chiêm bái. Đây cũng là địa điểm khảo cổ học hấp dẫn đối với nhiều nhà nghiên cứu lịch sử, khoa học. Khách du lịch đến vùng Tây Bắc và tỉnh Yên Bái không chỉ với mục đích khám phá núi non hùng vĩ, cảnh sắc thiên nhiên tuyệt đẹp hay tìm hiểu về phong tục tập quán của đồng bào các dân tộc vùng cao, mà còn muốn chiêm nghiệm những giá trị di sản văn hóa. Hệ thống di sản khảo cổ học phong phú, đa dạng đang tạo ra cho vùng Tây Bắc các loại hình du lịch mới độc đáo: Du lịch di sản, văn hóa. Với những giá trị khảo cổ học, lịch sử, văn hóa đặc trưng, trong thời gian tới, ngành văn hóa du lịch cần đưa các di tích khảo cổ học tiêu biểu của vùng Tây Bắc vào danh sách các khu, điểm du lịch. Đồng thời, tăng cường xây dựng sản phẩm du lịch theo hướng đa dạng hóa, kết hợp du lịch cội nguồn, văn hóa, tâm linh, sinh thái, ẩm thực và mua sắm đặc sản,... với tham quan, học tập và nghiên cứu tại các di tích lịch sử, văn hóa, di chỉ khảo cổ. Thứ ba, cần có những giải pháp tổng hợp nhằm phát triển du lịch Tây Bắc theo hướng bền vững gắn với nghiên cứu, bảo tồn và phát huy tiềm năng khảo cổ học của vùng. Để phát triển bền vững vùng Tây Bắc, đặc biệt là chiến lược phát triển du lịch bền vững gắn với bảo tồn, phát huy tiềm năng khảo cổ học của vùng, cần có những giải pháp tổng hợp. Thực tế, phát triển một điểm du lịch khảo cổ cần xem xét nhu cầu của địa phương và những ảnh hưởng trên cộng đồng địa phương [20]. Do đó cần gắn với sự nhập cuộc của nhà nghiên cứu nhằm quảng bá hình ảnh của di sản ra bên ngoài một cách rộng rãi qua các phương tiện truyền thông như sách báo, tạp chí, internet... Đầu tư tối đa cho việc nâng cao hơn nữa các yếu tố hạ tầng đô thị, xây dựng đồng bộ hạ tầng giao thông, môi trường cảnh quan, xây dựng các chương trình quảng bá du lịch,... Chú trọng đến yếu tố nguồn nhân lực: đào tạo nguồn nhân lực, cử cán bộ tham gia lớp bồi dưỡng kiến thức du lịch, tập huấn kỹ năng làm du lịch cho người dân. Việc hình thành những tuyến du lịch gồm các cụm công trình có chức năng dịch vụ, du lịch và các công trình kiến trúc khảo cổ, lịch sử, văn hóa sẽ có ý nghĩa quan trọng. Kêu gọi đầu tư xây dựng các khu di tích khảo cổ, khu du lịch văn hóa, tâm linh, sinh thái, khu du lịch đa chức năng với nhiều sản phẩm du lịch đặc trưng của vùng Tây Bắc,... nhằm phục vụ đa dạng nhu cầu thưởng ngoạn của du khách gần xa, đồng thời tạo ấn tượng độc đáo trong lòng du khách về một vùng Tây Bắc xanh, sạch, đẹp, giàu giá trị văn hóa và thân thiện, mến khách. Vùng Tây Bắc có khả năng kết nối vùng với các vùng, tỉnh lân cận như: vùng Đông Bắc, đồng bằng Sông Hồng,... Do vậy, cần đẩy mạnh khai thác và nâng cao chất lượng hoạt động của nhiều tour, tuyến kết nối du lịch vùng Tây Bắc với các vùng phụ cận. Như như tuyến du lịch Phú Thọ - Lào Cai - Yên Bái chẳng hạn [21]. 6. KẾT LUẬN Trong thời gian qua, thành tựu nghiên cứu khảo cổ học, lịch sử, văn hóa, cổ nhân, cổ sinh,... đã góp phần chứng minh Yên Bái nói riêng và Tây Bắc nói chung chính là một điểm sinh tụ của người Việt cổ. Đây cũng là địa
  8. Phát triển bền vững vùng Tây Bắc Việt Nam gắn với nghiên cứu, bảo tồn 533 và phát huy hệ thống di tích, di vật khảo cổ học (nghiên cứu điển hình trường hợp tỉnh Yên Bái) bàn có bề dày lịch sử, văn hóa phát triển liên tục qua nhiều thời đại. Trong phát triển toàn diện kinh tế, văn hóa - xã hội của vùng Tây Bắc hiện nay, hoạt động du lịch đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Để phát triển bền vững vùng, đặc biệt là du lịch bền vững, vấn đề nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị di sản khảo cổ học trở thành nhiệm vụ cấp bách hơn bao giờ hết. Qua đó, chẳng những đã minh chứng cho những thành tựu giá trị đặc sắc về khảo cổ, lịch sử, văn hóa mà các thế hệ cư dân đã để lại mà còn giúp vực dậy tiềm năng di sản đang “ngủ quên” trong núi rừng Tây Bắc. Nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị của hệ thống di tích, di vật khảo cổ học của tỉnh Yên Bái gắn với phát triển du lịch bền vững chính là một trong những giải pháp nhằm quản lý hiệu quả tài nguyên, môi trường, phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Bắc Việt Nam. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1]. Lê Bá Thảo (2009). Thiên nhiên Việt Nam. Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam: Tr.76. [2]. Phạm Thành Nghị (2010). Phát triển con người vùng Tây Bắc, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia: Hà Nội: Tr.61. [3]. “Vị trí địa lý - Địa hình - Địa giới hành chính của tỉnh Yên Bái” (02/8/2019). Từ http://www.yenbai.gov.vn(Cổng thông tin điện tử tỉnh Yên Bái). Truy cập ngày 20/5/2020. [4]. “Dân cư”, (24/10/2018). Từ http://www.yenbai.gov.vn(Cổng thông tin điện tử tỉnh Yên Bái). Truy cập ngày 20/5/2020. [5]. Hán Văn Khẩn, (2008). Cơ sở khảo cổ học, Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội: Tr.123. [6]. “Di tích Khảo cổ học Bến Mậu A”, (07/8/2019). Từ http://www.yenbai.gov.vn (Cổng thông tin điện tử tỉnh Yên Bái). Truy cập ngày 30/5/20120. [7]. Hà Văn Tấn (chủ biên), (1994). Văn hóa Đông Sơn ở Việt Nam. Nhà xuất bản Khoa học Xã hội: Hà Nội: Tr.5. [8]. Hà Văn Phùng, (2008). Thạp đồng Đông Sơn, Nhà xuất bản Khoa học Xã hội: Hà Nội: Tr. 35 - 45. [9]. Nguyễn Văn Đoàn, (2017). “Tiềm năng di sản văn hóa trên vùng đất Văn Chấn (Yên Bái)”. Từ http://baotanglichsu.vn (Bảo tàng Lịch sử Quốc gia). Truy cập ngày 11/5/2020. [10]. Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam (2005). Luật Du lịch, Luật số: 09/2017/QH14, Hà Nội, ngày 19 tháng 6 năm 2017. [11]. Alexis Papathanassis, (2011). The Long Tail of Tourism, GableVerlag: P.191. [12]. X. David Leslie, Marianna Sigala (2005). International Cultural Tourism: Elsevier: P.5 - 7. [13]. Đỗ Vũ, (2016). Bảo vật quốc gia. Từhttp://thegioidisan.vn (Tạp chí điện tử Thế giới Di sản). Truy cập ngày 30/4/2020. [14]. “Nhìn lại một năm ấn tượng của du lịch Yên Bái”, (27/01/2020). Từ http://sovhttdl.yenbai.gov.vn (Trang thông tin điện tử sở văn hóa, thể thao và du lịch Yên Bái). Truy cập ngày 18/5/2020. [15]. “Kế hoạch Phát triển du lịch tỉnh Yên Bái năm 2020”. Từ http://dulich.yenbai.gov.vn (Trang thông tin du lịch Yên Bái). Truy cập ngày 24/5/2020. [16]. Viện chiến lược phát triển, (2001). Cơ sở khoa học của một số vấn đề trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam đến năm 2010 và tầm nhìn 2020. Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia: Hà Nội: Tr.122. [17]. Bộ Tài nguyên và Môi trường, (2020). Luật Bảo vệ môi trường, sửa đổi năm 2020. Từhttp://duthaoonline.quochoi.vn (Thư viện Quốc hội - Văn phòng Quốc hội). Truy cập ngày 20/05/2020. [18]. Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam (2005). Luật Du lịch, Luật số: 09/2017/QH14, Hà Nội, ngày 19 tháng 6 năm 2017: Tr.2. [19]. Trần Văn Thông, (2003). Quy hoạch du lịch: những vấn đề lý luận và thực tiễn, Trường ĐHDL Văn Lang. Khoa Du lịch: Tài liệu lưu hành nội bộ: Tr. 96 - 97. [20]. Surabhi Srivastava, (2015). Archaeotourism: an approach to heritage conservation and area development. GJESS: P.35 - 36. [21]. Lê Văn Minh, (2012). “Định hướng đầu tư xây dựng thị trường - sản phẩm du lịch tại các tỉnh Phú Thọ - Yên Bái - Lào Cai”. Tham luận tại Hội thảo xúc tiến đầu tư ba tỉnh vùng Tây Bắc - Yên Bái - Lào Cai. Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch.
  9. 534 Đào Vĩnh Hợp SUSTAINABLE DEVELOPMENT IN THE NORTHWEST VIETNAM AREA WITH RESEARCH, PRESERVATION AND DEVELOPMENT OF THE SYSTEM OF ISSUES AND ARCHAEOLOGICAL RELICS (CASE STUDY IN YEN BAI PROVINCE) Dao Vinh Hop Saigon University Abstract: In spite of facing many difficulties, the northwest area of Vietnam, including Yen Bai province, has an enormous potentiality to promote its economy, culture and society. Especially, during thousands of years, this land has still conserved a system of relics and archeological objects, which reflects “the dawn age” of humanity and the process of our ancestors’ birth national establishment and defense. In the current context, these heritages become an advantage of developing the region durably, including sustainable tourism. Basing on the potential of Yen Bai’s system of archeological heritage, the paper will define the importance and assess the real of this system. In addition, we propose some solutions to improving the sustainable tourism cemented by preserving and promoting the archeological remains. Keywords: Heritage, sustainable tourism, archeology, durable development, the northwest.
nguon tai.lieu . vn