Xem mẫu

  1. NHỮNG YẾU TỐ ẢNH HƯỞNG TỚI TÁC ĐỘNG TIÊU CỰC CỦA FDI TỚI MÔI TRƯỜNG ThS. Phạm Thu Vân Trường Đại học Kinh tế Quốc dân Tóm tắt Trong những năm gần đây, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam đã nhanh chóng tăng lên. FDI đóng một đóng góp quan trọng cho nền kinh tế quốc gia và tăng trưởng đô thị của các nước đang phát triển. Tuy nhiên, phát triển kinh tế đi kèm với tình trạng môi trường xuống cấp. Bài viết này phân tích những tác động của FDI tới môi trường và những yếu tố ảnh hưởng tới tác động đó. Từ khóa: FDI, tác động tới môi trường, khí thải CO2. 1. ĐẶT VẤN ĐỀ Sự phát triển về mặt kinh tế là xu thế vận động chủ đạo của mọi đất nước. Qua nhiều năm phát triển và vận động, nền kinh tế thế giới ngày càng hoàn thiện như ngày hôm nay. Vốn đầu tư phát triển trực tiếp FDI là một trong những biến quan trọng đối với quá trình phát triển kinh tế với vai trò là nguồn vốn nền móng và cơ bản thúc đẩy chuyển giao công nghệ giữa các quốc gia (Al-mulali và Tang, 2013). Sự chuyển giao kỹ năng, công nghệ và tri thức thông qua dòng chảy FDI đóng vai trò quan trọng trong việc hoàn thiện kỹ năng trình độ người lao động, tăng cường kỹ năng quản lý, nâng cao chất lượng dịch vụ và tăng hiệu suất sử dụng vốn của nước chủ nhà. Thêm vào đó, tác động qua lại giữa dòng chảy FDI và GDP đã chứng minh vai trò của FDI như một trong những trụ cột của sự phát triển kinh tế (Omri và cộng sự, 2014). Tuy nhiên, cuộc chạy đua về kinh tế phải trả giá bằng sự hy sinh về môi trường nơi dòng chảy FDI đóng vai trò nguyên nhân chính dẫn tới các hủy hoại về mặt môi trường (Omri và cộng sự, 2014). Vì vậy, nghiên cứu này sẽ đi vào phân tích những yếu tố ảnh hưởng tới tác động tiêu cực của FDI tới môi trường. 2. THỰC TRẠNG FDI VÀ NHỮNG ẢNH HƯỞNG KHÔNG NHỎ TỚI MÔI TRƯỜNG 2.1.Thu hút FDI đã đạt được những thành tựu lớn và không ngừng tăng lên qua các năm Theo số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài, tính đến quý I/2019, tổng số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đăng ký là 346,5 tỷ USD với 195,6 tỷ USD vốn thực hiện, 28.125 dự án còn hiệu lực. Tổng vốn đăng ký cấp mới đã tăng thêm 51,9% so với cùng kỳ 2018. Đây là một tín hiệu đáng mừng đối với nền kinh tế. 139
  2. Hình 1: FDI vào Việt Nam phân theo hình thức đầu tư Theo hình thức đầu tư, chủ yếu là hình thức đầu tư 100% vốn nước ngoài (chiếm 72,4% tổng vốn đầu tư), xếp thứ hai là hình thức liên doanh (chiếm 21,6%), các hình thức hợp tác PPP như BOT, BT, BTO chiếm 4%, còn lại là hợp đồng hợp tác kinh doanh. Có thể thấy: Hình thức công ty 100% vốn nước ngoài rất phổ biến và được các nhà đầu tư nước ngoài ưa chuộng. Hình 2: Quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư FDI nhiều nhất Theo đối tác đầu tư, tới tháng 3/2019, đã có 78 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vốn FDI tại Việt Nam. Trong đó, Hàn Quốc nhiều năm liền giữ vững là quốc gia có vốn đầu tư lớn nhất với tổng số vốn đăng ký là 64.014 triệu USD lũy kế đến 20/03/2019 (chiếm 22%), với các thương hiệu lớn đã đặt nhà máy sản xuất tại Việt Nam như: Samsung, LG, Lotte… Xếp thứ hai là Nhật Bản với tổng số vốn đầu tư đạt 56.869 triệu 140
  3. USD chiếm 20%. Tiếp theo là Singapore với 17%, chủ yếu tập trung ở ngành công nghiệp chế biến và kinh doanh bất động sản. Đáng chú ý là Hồng Kông, Trung Quốc, Malaysia, Thái Lan với tổng số vốn chiếm gần 20% tổng vốn FDI đầu tư vào Việt Nam. Hầu hết các dự án này không có công nghệ ở mức độ tiên tiến, thậm chí lạc hậu do đây đều là những nước đang phát triển ở khu vực ASEAN và châu Á. Có những dự án trên danh nghĩa là doanh nghiệp Đài Loan nhưng thực chất lại sử dụng công nghệ yếu kém của Trung Quốc, đặt ra các rủi ro về khai thác tài nguyên cạn kiệt, lãng phí nguồn đất và ô nhiễm môi trường (không khí, đất, nước). Điều này đặt ra thách thức lớn cho Chính phủ Việt Nam trong quản lý các dự án FDI. Hình 3: Ngành nghề thu hút FDI nhiều nhất Theo cơ cấu ngành kinh tế, lượng vốn FDI chủ yếu tập trung vào công nghiệp chế biến, chế tạo với tổng số vốn đăng ký 201.181 triệu USD chiếm 61% tổng vốn FDI. Điều này đã góp phần vào phát triển các ngành công nghiệp chủ lực của nền kinh tế, tạo cơ sở hạ tầng vững chắc cho nền kinh tế. Tuy nhiên, với lượng vốn lớn tập trung vào công nghiệp chế biến chế tạo cũng tiềm ẩn rủi ro lớn đối với vấn đề quản lý ô nhiễm môi trường. 2.2. FDI và những tác động tới môi trường Cho tới nay, đã có nhiều nghiên cứu về mối quan hệ giữa FDI và mức độ ô nhiễm môi trường với nhiều kết quả khác nhau. Theo Cole và Elliot (2005), Cole và cộng sự (2006), Wang và cộng sự (2012), kết quả nghiên cứu chỉ ra mối quan hệ thuận giữa dòng chảy FDI và mức độ ô nhiễm môi trường, tức là đầu tư càng nhiều thì mức độ ô nhiễm môi trường của nước chủ nhà càng tăng. Ngược lại, kết quả nghiên cứu của Kirkulak và cộng sự (2011), Lan và cộng 141
  4. sự (2011), Atici (2012) lại cho thấy mối liên hệ nghịch giữa dòng chảy FDI và ô nhiễm môi trường. Điều này có thể được giải thích bởi sự chuyển giao công nghệ từ các nước phát triển tập trung các ngành công nghiệp có tính chất cải tạo môi trường tại các nước kém phát triển hơn hoặc tại các nước đang phát triển. Do hậu quả của tăng trưởng kinh tế, việc tăng tiêu thụ năng lượng gây ra khí thải nhà kính (CHG), một trong những tác nhân chính trong sự nóng lên toàn cầu. Theo dữ liệu của Ngân hàng Thế giới (2018), Carbon-dioxide (CO2) được coi là chất gây ô nhiễm lớn nhất chịu trách nhiệm cho 68% tổng lượng khí thải nhà kính trong năm 2012. Xu hướng phát thải CO2 ngày càng tăng không chỉ là mối đe dọa đối với các quốc gia phát triển, thực sự, trong thập kỷ qua, các nền kinh tế mới nổi đang nắm giữ quy mô phát thải lớn và gây ảnh hưởng lớn tới sự nóng lên toàn cầu. Tăng trưởng kinh tế và FDI từ quan điểm này, có tác động tích cực đến phát thải CO2 trong dài hạn (Shahriyar và cộng sự, 2019). Các kết quả tương tự cũng được chứng minh ở Pháp, Pakistan, Malaysia (Shahhbar (2018), Bakhsh (2017)), cho thấy mối quan hệ thuận đáng kể giữa vốn FDI và lượng khí thải các bon. Linh và Lin (2014), Chor và Bee (2014) khi nghiên cứu trên dữ liệu Việt Nam trong một khoảng thời gian dài cho thấy mối quan hệ qua lại chặt chẽ trong dài hạn giữa dòng chảy FDI, tiêu thụ năng lượng và suy thoái môi trường. Mức tiêu thụ năng lượng tăng lên khi FDI tăng và đi kèm theo đó là suy thoái môi trường. Vì vậy, FDI đi kèm với công nghệ sạch là yếu tố quan trọng để giảm bớt khí thải CO2, đồng thời duy trì sự phát triển kinh tế bền vững. 3. PHÂN TÍCH CÁC YẾU TỐ ẢNH HƯỞNG TỚI TÁC ĐỘNG TIÊU CỰC CỦA FDI TỚI MÔI TRƯỜNG Giả thuyết về nơi ẩn giấu ô nhiễm Giả thuyết về nơi ẩn giấu ô nhiễm tiềm ẩn cho rằng khi các quốc gia có nền công nghiệp lớn tìm cách thiết lập các nhà máy hoặc văn phòng ở nước ngoài, họ sẽ thường tìm kiếm lựa chọn rẻ nhất về tài nguyên và lao động để cung cấp nguồn đất đai vào lao động cần thiết cho quá trình sản xuất. Tuy nhiên, điều này thường đi kèm với hậu quả về môi trường. Các quốc gia đang phát triển với nguồn lực và lao động giá rẻ có xu hướng có các quy định môi trường ít nghiêm ngặt hơn và ngược lại, các quốc gia có các quy định môi trường chặt chẽ hơn trở nên đắt đỏ hơn đối với các công ty do chi phí liên quan đến việc đáp ứng các tiêu chuẩn này. Do đó, các công ty đương nhiên sẽ chọn đầu tư vào các quốc gia có tiêu chuẩn môi trường thấp nhất hoặc kiểm soát môi trường không chặt chẽ. Áp dụng đối với dòng vốn FDI, giả thuyết nơi ẩn giấu ô nhiễm (Pollution Haven Hypothesis) cho rằng động cơ của một số doanh nghiệp FDI là tìm chỗ để giấu ô nhiễm, và các nước đang phát triển với các quy định lỏng lẻo về môi trường là điểm đến của các doanh nghiệp này (He, 2006). 142
  5. Sự tồn tại của học thuyết nơi ẩn giấu ô nhiễm chứng minh mối quan hệ thuận giữa FDI và ô nhiễm môi trường. Một ví dụ có thể thấy là dòng chảy FDI từ Mỹ sang Mexico hoặc từ Nhật Bản/Đài Loan sang các nước Đông Nam Á (Al-mulali và Tang, 2013). Chung S. (2014) khi nghiên cứu dữ liệu FDI của Hàn Quốc giai đoạn 2000 - 2007, giai đoạn các công ty Hàn Quốc phụ thuộc vào các công nghệ sản xuất cũ thay vì đối mặt với các tiêu chuẩn môi trường khắt khe. Kết quả cho thấy bằng chứng mạnh mẽ rằng các ngành công nghiệp ô nhiễm có xu hướng được đầu tư nhiều hơn ở các nươc với các luật lệ về môi trường lỏng lẻo, xét về cả khía cạnh tổng mức vốn đầu tư và số chi nhánh của công ty nước ngoài. Kết quả này đã ủng hộ học thuyết nơi ẩn giấu ô nhiễm. Kim và cộng sự (2012) cũng đưa ra kết luận tương tự khi sử dụng các dữ liệu từ 164 quốc gia trong 44 năm để nghiên cứu sự ảnh hưởng của FDI tới ô nhiễm thay đổi theo khu vực địa lý và theo thu nhập trung bình của quốc gia. Mức độ khí CO2 được sử dụng để đo mức độ ô nhiễm do đây là một trong những nguyên nhân chính gây ra việc ấm lên của trái đất. Kết quả cho thấy, trong khi các quy định lỏng lẻo về môi trường thu hút vốn FDI, các công ty nước ngoài sử dụng các kỹ thuật công nghệ tiên tiến ít ảnh hưởng tới môi trường so với các công ty địa phương ở các nước có thu nhập thấp. Chất lượng thể chế thấp Theo quan điểm này, chất lượng thể chế thấp sẽ hấp dẫn các công ty FDI gây ô nhiễm (Minh và cộng sự, 2017). Bằng cách tiếp cận chất lượng thể chế từ cơ sở dữ liệu Worldwide Governance Indicators của World Bank, thể chế bao gồm 6 thành tố: Tiếng nói và trách nhiệm giải trình, ổn định chính trị và không có bạo lực, hiệu quả của Chính phủ, chất lượng các quy định, kiểm soát tham nhũng, và nhà nước pháp quyền. Thể chế tác động dương đến FDI thông qua các chỉ số đo lường thể chế như: Trách nhiệm giải trình dân chủ và rủi ro chính trị, quyền sở hữu trí tuệ, mức độ can thiệp của Chính phủ vào hoạt động kinh doanh, và thực thi hợp đồng, các quyền chính trị và tự do dân sự và luật pháp về hợp đồng (Minh & cộng sự, 2017). Tiêu chuẩn về môi trường đối với vốn đầu tư nước ngoài còn lỏng lẻo Với mục đích giảm chi phí sản xuất, các công ty đa quốc gia thường di chuyển địa điểm từ các nước có tiêu chuẩn môi trường cao tới các nước có tiêu chuẩn thấp hơn. Trong khi lao động rẻ có thể là một trong những yếu tố chính ảnh hưởng tới quyết định đầu tư của công ty, thì các quy định lỏng lẻo về môi trường cũng đóng vai trò then chốt khi công ty lựa chọn địa điểm đầu tư. Tiêu chuẩn ô nhiễm cho phép của các nước đang phát triển tất nhiên sẽ đắt đỏ hơn so với ở các nước kém phát triển hơn. Thêm vào đó, FDI không chỉ tập trung vào các ngành công nghiệp cần nhiều lao động như dệt may mà còn tập trung vào các ngành công nghiệp nặng có độ ô nhiễm cao như hóa chất. Có ý 143
  6. kiến cho rằng nhiều ngành công nghiệp “bẩn” như sản xuất giấy, công nghiệp hóa chất, sản xuất thép có xu hướng di chuyển từ các nước công nghiệp phát triển sang các nước đang phát triển, nơi được đánh giá là có môi trường kinh doanh “thân thiện với ô nhiễm”. Những công ty này đưa ra các lợi ích chiến lược cho các nước đang phát triển cần thu hút FDI (Earnhart và Lizal, 2006). Trung Quốc là một trường hợp điển hình cho luận điểm này, với mức độ ô nhiễm môi trường tăng cao tương ứng với mức tăng của vốn FDI và tốc độ tăng trưởng kinh tế. Ở Việt Nam, theo nghiên cứu của Đinh Đức Trường (2015) điều tra tại 80 doanh nghiệp FDI tại 5 tỉnh thành có số lượng vốn và dự án FDI nhiều nhất Việt Nam, với các ngành nghề trải rộng từ sản xuất giấy, chế biến thực phẩm, dệt may/nhuộm, thuộc da, hóa chất, thép, các ngành khác. Kết quả cho thấy 20% doanh nghiệp dự kiến tiết kiệm được chi phí môi trường dưới 10% so với công ty ở nước mẹ, 68% sẽ tiết kiệm từ 10 - 50% chi phí và 12% tiết kiệm được hơn 50% chi phí. Về mặt thuế, phí môi trường, phần lớn các doanh nghiệp cho rằng mức đóng thuế phí hiện nay là hợp lý, có 10% doanh nghiệp cho rằng mức này thấp hơn so với những ảnh hưởng tới môi trường mà doanh nghiệp gây ra. Với nhóm đối tác FDI chính đến từ khu vực châu Á như Nhật Bản (25,4%), Hàn Quốc (23,7%), Singapore (14,8%), Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông, Thái Lan (Cục Đầu tư nước ngoài, 2018). FDI từ các đối tác khác như Mỹ, Đức, Hà Lan, Nga… chưa đạt tỷ trọng cao. Với cơ cấu FDI tập trung vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, vấn đề bảo vệ môi trường lại càng được đặt ra quan trọng hơn cho Việt Nam. Theo Báo cáo của CIEM (2017): Hiện nay Việt Nam chưa có hệ thống số liệu thống kê theo dõi và cập nhật tình hình xử lý chất thải, nước thải, các biện pháp bảo vệ môi trường, cũng như mức độ gây ô nhiễm môi trưởng của các doanh nghiệp FDI. Chính vì vậy, chưa thể đánh giá một cách toàn diện về tác động tới môi trường của khu vực FDI trong điều kiện hiện nay. Đây là một lỗ hổng lớn trong việc theo dõi, giám sát thực hiện các tiêu chuẩn về môi trường đối với doanh nghiệp FDI tại Việt Nam. Hệ thống pháp luật chưa hiệu quả Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư: “Hệ thống văn bản pháp luật về bảo vệ môi trường chưa đầy đủ, thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa - hiện đại hóa và hội nhập; quản lý nhà nước về môi trường thiên về tiền kiểm (nhà đầu tư phải thực hiện báo cáo đánh giá tác động môi trường trước khi thực hiện quy trình đầu tư đối với các dự án thuộc diện phải đánh giá tác động môi trường), chưa chú trọng đến hậu kiểm, đồng thời thiếu chế tài xử lý nghiêm minh”. Có thể lấy ví dụ vụ án Vedan, một doanh nghiệp FDI sản xuất mì chính, lysine và bột ngô của Đài Loan đã đầu độc và phá hủy hệ sinh thái của sông Thị Vải bằng cách xả thải bất hợp pháp nước thải chưa qua xử lý ra sông 99/2018). Theo Nguyen và cộng 144
  7. sự (2011): Bài học quý giá nhất rút ra từ vụ án Vedan là việc ô nhiễm môi trường gây ra bởi việc thiếu hiệu quả khung pháp lý gây ra bởi một nhà đầu tư nước ngoài. Điều thiếu sót ở đây là trong thời gian dài Vedan đã nhiều lần vi phạm các quy định về môi trường mà các cơ quan hữu quan không có hành động hữu hiệu nhằm mục đích ngăn chặn. Cụ thể, Vedan đã bị phạt bốn lần vì vi phạm theo tiêu chuẩn môi trường và theo luật pháp Việt Nam, ba lần dừng hoạt động. Năm 1997, các nhà khoa học môi trường phát hiện phân khúc sông Thị Vải nơi đặt nhà máy Vedan đã bị ô nhiễm nặng qua một số thử nghiệm nghiên cứu điều tra mẫu nước. Tuy nhiên, không có hình phạt hay điều tra nào, vì Vedan là người mua nguyên liệu thô (sắn) được trồng bởi nông dân địa phương. Sau khi liên tục vi phạm các tiêu chuẩn môi trường của Việt Nam, ngày 23/04/2008, Vedan vẫn nhận được giấy phép 05 (năm) năm từ Bộ Tài nguyên và Môi trường để xả nước thải ra sông Thị Vải. Theo Nguyen (2011): Vụ kiện chống lại Vedan là một trường hợp chưa xảy ra và có thông lệ. Nhiều khía cạnh của vụ án vẫn chưa được giải quyết theo luật hiện hành ở Việt Nam. Nó phơi bày một sự thật rằng, Luật Kinh doanh tại Việt Nam đã bị tụt hậu so với sự phát triển kinh tế, đòi hỏi chính quyền và chính quyền địa phương phải tiến hành đánh giá toàn diện và sửa đổi khung pháp lý hiện hành liên quan đến các lĩnh vực như Luật Dân sự và Hình sự, Luật Đầu tư nước ngoài, Luật Lao động và Luật Môi trường, nhằm đánh giá mức độ thiệt hại của các doanh nghiệp FDI gây ra với môi trường và có biện pháp xử lý hiệu quả, ngăn chặn những hành động cố ý phá hủy môi trường. 4. ĐỀ XUẤT MỘT SỐ GIẢI PHÁP QUẢN LÝ NHẰM GIẢM THIỂU TÁC ĐỘNG TIÊU CỰC CỦA FDI TỚI MÔI TRƯỜNG Thứ nhất, Chính phủ cần quan tâm hơn tới vấn đề giảm ô nhiễm môi trường. Cần chú ý đầu tư thời gian và tài chính để cải thiện chất lượng không khí, nguồn nước, đất đai vì lợi ích của người dân và của cả nền kinh tế. Điều đó có nghĩa cần thắt chặt các quy định về môi trường và sử dụng ngân sách để phòng tránh ô nhiễm, điều này có thể dẫn tới giảm mức độ hấp dẫn đối với dòng vốn FDI, đặc biệt là đối với những ngành công nghiệp cũ. Tuy nhiên, nó mang lại lợi ích to lớn tới nền kinh tế, những lợi ích này đến từ sức khỏe cộng đồng và khả năng bùng nổ của những ngành công nghiệp thân thiện với môi trường (Chen et al., 2007). Ngoài ra, các nghiên cứu chỉ ra rằng, các luật lệ về môi trường sẽ rất có lợi cho sự phát triển kinh tế, thông qua ảnh hưởng thuận của chúng tới đổi mới phát triển (Zhu và cộng sự, 2014). Nguyên lý Potter cũng có luận điểm tương tự. Quy định chặt hơn về môi trường và các hỗ trợ tài chính có mục đích có thể dẫn tới sự bùng nổ đối với các ngành kinh doanh thân thiện với môi trường và cải tiến đổi mới trong công nghiệp. Thứ hai, đối lập với quan điểm phát triển kinh tế đồng nghĩa với ô nhiễm môi trường, các nghiên cứu của Hao và cộng sự (2018) lại chỉ ra rằng, kinh tế phát triển có 145
  8. thể cải thiện chất lượng của nguồn không khí. Tuy nhiên, tùy theo các giai đoạn phát triển khác nhau của nền kinh tế, các chính sách khác nhau cần được thiết kế cho từng khu vực địa lý khác nhau. Đối với các thành phố đô thị lớn, vấn đề bảo vệ môi trường đã được chính quyền địa phương khá quan tâm. Tuy nhiên, ở một số địa phương, tình trạng đánh đổi giữa phát triển kinh tế và môi trường vẫn còn tồn tại. Theo đó, các quy định chặt chẽ hơn về bảo vệ môi trường cần được áp dụng để giảm thiểu tác động tiêu cực của doanh nghiệp. Thứ ba, các chính sách về môi trường cần phải phù hợp với đặc điểm vùng địa lỳ và cấu trúc ngành của từng địa phương. Ví dụ, tại các địa phương có ngành công nghiệp nặng là chủ đạo, ví dụ ngành than/nhiệt điện, việc phát triển cải tiến công nghệ để giảm ô nhiễm, đặc biệt là các công nghệ xanh cần được quan tâm đúng mức. Hoặc tại các khu đô thị lớn tập trung đông dân cư, các ngành công nghiệp năng lượng và công nghiệp năng, như sắt, thép, xi măng, cần được hạn chế phát triển. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Báo cáo Quy hoạch các dự án ưu tiên vận động thu hút và sử dụng nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tỉnh Hậu Giang thời kỳ đến năm 2025 2. Đinh Đức Trường (2015). Quản lý môi trường tại các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI) tại Việt Nam. Tạp chí Khoa học ĐHQGHN, Tập 31, Số 5 (2015) 46 - 55 3. Huỳnh Công Minh & Nguyễn Tấn Lợi (2017). Đầu tư trực tiếp nước ngoài và chất lượng thể chế: Bằng chứng thực nghiệm từ các nước châu Á. Tạp chí Phát triển Kinh tế, 28(11), 54 -72 4. Infographic - VnEconomy 5. Nguyễn Cẩm Nhung, Vũ Thanh Hương, Nguyễn Thị Minh Phương (2018). Kinh tế thế giới và Việt Nam năm 2017, triển vọng năm 2018 và một số hàm ý chính sách cho Việt Nam. Tạp chí Khoa học ĐHQGHN: Kinh tế và Kinh doanh, Tập 34, Số 1 (2018) 1 -14 6. Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (2017) Báo cáo đầu tư trực tiếp nước ngoài: Một số vấn đề về thực trạng và giải pháp 7. Al-mulali, U., & Tang, C. F. (2013). Investigating the validity of pollution haven hypothesis in the gulf cooperation council (GCC) countries. Energy Policy, 60, 813 - 819. 8. Atici, G., & Gursoy, G. (2012). Foreign Direct Investment and Export Decision Relationship in the Large Turkish Firms. Journal of Applied Finance & Banking, 2(4), 167 - 184 9. Bakhsh, K., Rose, S., Ali, M. F., Ahmad, N., Shahbaz, M. (2017). Economic growth, CO2 emissions, renewable waste and FDI relation in Pakistan: New evidences from 3SLS. Journal of Environmental Management 196: 627 - 632 146
  9. 10. Chen X, Shao S, Tian Z, Xie Z, Yin P (2017). Impacts of air pollution and its spatial splillover effect on public health based on China’s big data sample. J. Clean. Prod 142, 915 - 925 11. Chor Foon Tang, Bee Wah Tan. The impact of energy consumption, income and foreign direct investment on carbon dioxide emissions in Vietnam. Energy. Volume 79, 1 January 2015, Pages 447 - 454 12. Chung, S. (2014). Environmental regulation and foreign direct investment: Evidence from South Korea. Journal of Development Economics, 108, 222–236. 13. Cole, M. A., & Elliott, R. J. R. (2005). FDI and the Capital Intensity of “Dirty” Sectors: A Missing Piece of the Pollution Haven Puzzle. Review of Development Economics 9(4), 530 - 548 14. Cole, M., Elliott, R., & Zhang, J. (2011). Growth, foreign direct investment, and the environment: evidence from Chinese cities. Journal of Regional Sciences, 51(1), 121 - 138 15. Dinh Hong Linh, Shih-Mo Lin (2014). CO2 Emissions, Energy Consumption, Economic Growth and fdi in Vietnam. Managing Global Transitions 12(3): 219 - 232 16. Kirkulak, B., Qiu, B., & Yin, W. (2011). The impact of FDI on air quality: evidence from China. Journal of Chinese Economic and Foreign Trade Studies, 4(2), 8198 17. Hao, Y., Peng, H., Temulun, T., Liu, L.-Q., Mao, J., Lu, Z.-N., & Chen, H. (2018). How harmful is air pollution to economic development? New evidence from PM 2.5 concentrations of Chinese cities. Journal of Cleaner Production, 172, 743 - 757 18. He, J. (2006). Pollution haven hypothesis and environmental impacts of foreign direct investment: The case of industrial emission of sulfur dioxide (SO2) in Chinese provinces. Ecological Economics, 60(1), 228 - 245 19. Lan, J., Kakinaka, M., & Huang, X. (2011). Foreign direct investment, human capital and environmental pollution in China. Environmental and Resource Economics, 51(2), 255 - 275 20. Myeong Hwan Kim and Nodir Adilov (2012). The lesser of two evils: an empirical investigation of foreign direct investment-pollution tradeoff. Applied Economics, 2012, 44, 2597 - 2606 21. Nguyen, H. P., & Pham, H. T. (2011). The Dark Side of Development in Vietnam. Journal of Macromarketing, 32(1), 74 - 86 22. Omri, A., Nguyen, D. K., & Rault, C. (2014). Causal interactions between CO 2 emissions, FDI, and economic growth: evidence from dynamic simultaneousequation models. Economic Modelling, 42, 382 - 389 23. Shahbaz, M., Nasir, M.A., and Roubaud, D. (2018). Environmental Degradation in France: The Effects of FDI, Financial Development, and Energy Innovations. Energy Economics 74: 843 - 857 147
  10. 24. Shahriyar Mukhtarov, Shahriyar Aliyev, Jeyhun I. Mikayilov, Altay Ismayilov.2019. The impact of FDI on environmental degradation in Azerbaijan. 37th International Scientific Conference on Economic and Social Development – "Socio Economic Problems of Sustainable Development" - Baku, 14-15 February 2019 25. Sunghoon Chung (2014). Environmental regulation and foreign direct investment: Evidence from South Korea. Journal of Development Economics. Volume 108, May 2014, Pages 222 - 236 26. Wang, D. T., Gu, F. F., Tse, D. K., & Yim, C. K. (2012). When does FDI matter? The roles of local institutions and ethnic origins of FDI. International Business Review, 22(2), 450 - 465 27. Zhu S, He C, Liu Y.2014. Going green or going away: environmental regulation, economic geography and firms’ strategies in China’s pollution-intensive industries. Geoforum 55, 53 - 65. 148
nguon tai.lieu . vn