Xem mẫu

  1. Phạm Thị Hằng Trường Đại học Nội vụ Hà Nội tại TP. HCM Tóm tắt: Chuyển đổi số (digital transformation) là thuật ngữ được sử dụng khá nhiều trong các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội, song chuyển đổi số trong giáo dục đại học mới chỉ được sử dụng nhiều trong khoảng thời gian gần đây. Bài viết dưới đây tập trung phân tích những lợi ích mà chuyển đổi số trong giáo dục đại học mang lại. Trên cơ sở phân tích những thách thức đặt ra trong chuyển đổi số giáo dục đại học, tác giả cũng đã mạnh dạn đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả chuyển đổi số trong giáo dục đại học giai đoạn hiện nay. Từ khóa: giáo dục đại học, chuyển đổi số, thuận lợi, thách thức. 1. Đặt vấn đề Ngày nay, thế giới đang bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0), cuộc cách mạng công nghiệp lần này đã và đang mang lại nhiều cơ hội và cũng đầy rẫy những thách thức đối với nhân loại. CMCN 4.0 tạo ra nhiều thay đổi lớn lao trong đời sống kinh tế xã hội, đây cũng là thách thức lớn của ngành giáo dục trong việc đào tạo ra lực lượng lao động có trình độ cao nhằm đáp ứng những yêu cầu, đòi hỏi của thực tế. Muốn hòa nhập vào cuộc CMCN 4.0, vào nền kinh tế số, đòi hỏi các cơ sở giáo dục đại học cần phải thay đổi theo hướng chuyển đổi số, trong đó nhấn mạnh đến việc ứng dụng khoa học công nghệ, công nghệ thông tin, mạng internet vào hoạt động dạy và học nhằm tạo ra nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển trong bối cảnh mới của thế giới. Do đó, việc nghiên cứu những thách thức của chuyển đổi số trong giáo dục đại học để từ đó đưa ra các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả chuyển đổi số trong giáo dục đại học trong bối cảnh CMCN 4.0 hiện nay là việc làm cần thiết và có ý nghĩa thực tiễn nhằm tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước. 2. Lợi ích của chuyển đổi số trong giáo dục đại học Hiện nay thuật ngữ chuyển đổi số trong giáo dục đại học vẫn còn có nhiều cách tiếp cận khác nhau giữa các quốc gia. Song nhìn chung, có thể hiểu chuyển đổi số trong giáo dục đại học là sự thay đổi phương pháp dạy học, áp dụng công nghệ thông tin hiện đại vào dạy và học nhằm đáp ứng nhu cầu học tập của sinh viên, học viên và giảng viên, giúp người dạy và người học phát huy tối đa khả năng tư duy, sáng tạo, chủ động. 56
  2. Chuyển đổi số trong giáo dục đại học mang lại những lợi ích nhất định so với giáo dục đại học truyền thống. Một số lợi ích cụ thể mà chuyển đổi số trong giáo dục đại học mang lại như sau: Trước hết, người học có thể học mọi nơi, mọi lúc. Toàn bộ đầu vào cho quá trình giáo dục đại học phải được số hóa, trong đó quan trọng nhất là học liệu, tài liệu, sách giáo khoa. Chuyển đổi số cùng với sự ra đời của hình thức học liệu điện tử (bao gồm sách điện tử, bài giảng điện tử, bộ câu hỏi ôn tập và bài kiểm tra đánh giá quá trình tự học của sinh viên…) do chính giảng viên xây dựng và được tích hợp trên môi trường công nghệ internet số hóa cao đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của người học và sinh viên có thể học mọi nơi, mọi lúc. Thứ hai, sinh viên không bị giới hạn về thời gian, không gian học tập. Nếu như giáo dục đại học truyền thống bị bó hẹp trong không gian bốn bức tường với thầy giảng, trò nghe và chép bài thì chuyển đổi số trong giáo dục đại học sinh viên có thể tiếp xúc, tham gia học tập với bất cứ giáo sư đầu ngành nào, trong bất cứ lĩnh vực nào và không bị giới hạn bởi thời gian, không gian. Chuyển đổi số là phương thức hữu hiệu để huy động nguồn lực trí tuệ của xã hội tham gia học tập, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Thứ ba, tăng cường hợp tác quốc tế về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho các cơ sở giáo dục đại học. Chuyển đổi số giúp gắn kết các quốc gia với nhau. Các nước có thể học hỏi kinh nghiệm của nhau trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo, trao đổi chuyên gia, hợp tác nghiên cứu khoa học với nhau. Chuyển đổi số còn giúp sinh viên có cơ hội được nhận học bổng, làm việc với các tập đoàn lớn trên thế giới. Thứ tư, chuyển đổi số đòi hỏi các giảng viên phải thay đổi phương pháp giảng dạy cho phù hợp. Chuyển đổi số không chỉ là số hóa bài giảng, hay ứng dụng các phần mềm vào soạn bài dạy, mà còn là sự chuyển đổi toàn bộ cách thức, phương pháp giảng dạy, kỹ thuật quản lý lớp học, tương tác với người học sang không gian số, khai thác công nghệ thông tin để tổ chức giảng dạy thành công. Điều này giúp người học, sinh viên có cơ hội được tiếp cận với các phương pháp giảng dạy hiện đại, thúc đẩy tư duy tự học, tự nghiên cứu trong môi trường giáo dục mở. Thứ năm, chuyển đổi số giúp toàn bộ quá trình học của học viên trở nên thú vị hơn. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy của giảng viên như việc chèn các hiệu ứng, hình ảnh, video độc đáo, đặc sắc lồng ghép vào bài giảng khiến sinh viên cảm thấy thích thú hơn trong học tập. Khi tham gia học tập trực tuyến, sinh viên có thể giao tiếp với tất cả mọi người ngay cả trong buổi học và cả trong các diễn đàn sau đó, có thể chia sẻ tiến trình học tập của mình lên phương tiện truyền thông, mạng xã hội,... Điều này làm cho môn học trở nên hiệu quả hơn. 57
  3. 3. Những thách thức chuyển đổi số trong giáo dục đại học Chúng ta không thể phủ nhận những lợi ích mà chuyển đổi số trong giáo dục đại học mang lại. Cùng với những kết quả đã đạt được trong thời gian qua như sự xuất hiện của các khóa học trên các nền tảng trực tuyến MOOCs như Coursera, Udemy, edX, về học liệu mở với sự ra đời của các chương trình ứng dụng học tập, kiểm tra thích ứng (adaptive learning and assessment apps) như Acellus, IXL, Mathletics, và khoa học mở với các cơ sở dữ liệu nghiên cứu khoa học trực tuyến chia sẻ miễn phí (Open Access databases)…Tuy nhiên, chuyển đổi số trong giáo dục đại học cũng mang lại không ít những thách thức, cụ thể: - Khung về tính pháp lý về chuyển đổi số trong giáo dục đại học chưa đầy đủ. Chủ trương về chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo đã được xây dựng song lại chưa được quy định rõ ràng, cụ thể trong các văn bản pháp luật. Hiện vẫn còn thiếu hành lang pháp lý, quy định về chương trình học trực tuyến; thời lượng học, kiểm tra đánh giá, kiểm định chất lượng và công nhận kết quả học trực tuyến. Thu thập, chia sẻ, khai thác dữ liệu quản lý giáo dục và học liệu số cần hành lang pháp lý chung phù hợp với các quy định về bản quyền tác giả, sở hữu trí tuệ, an ninh thông tin, giao dịch điện tử và luật chia sẻ cung cấp thông tin, cụ thể như: Quy định danh mục các thông tin thuộc diện bắt buộc khai báo, nhập liệu - phân biệt với thông tin cá nhân riêng tư thuộc quyền cá nhân; quy định quyền tác giả cho các bài giảng điện tử (trường hợp nào được sử dụng, điều kiện gì, sử dụng toàn bộ hay một phần); quy định khai thác cơ sở dữ liệu, kho học liệu số (những ai được quyền khai thác, khai thác gì, mức độ đến đâu, điều kiện gì, ai thẩm định, ai cho phép); quy định tính pháp lý của hồ sơ điện tử nói chung và sổ điểm, học bạ điện tử nói riêng (đặc biệt trong trường hợp chuyển cấp, chuyển trường ở phạm vi toàn quốc). Tuy nhiên, hiện tượng cục bộ về dữ liệu còn tồn tại ở không ít các nhà trường. - Đặc trưng của chuyển đổi số là sử dụng khoa học công nghệ vào dạy và học, điều này đòi hỏi giảng viên và sinh viên phải học cách thay đổi, thích nghi và ứng dụng những công nghệ mới. Giáo dục đại học truyền thống là thầy giảng trực tiếp, trò nghe và sinh viên khá thụ động trong việc tự nghiên cứu, mở rộng kiến thức. Chuyển đổi số mặc dù đã khắc phục được một số hạn chế so với giáo dục đại học truyền thốn song đào tạo trực tuyến vẫn sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức như cần phải thay đổi tư duy, cách làm, nội dung, chương trình, phương pháp, kỹ năng để tiếp thu kiến thức. Việc thay đổi tư duy là thách thức rất lớn bởi không phải một sớm một chiều là có thể thay đổi được những suy nghĩ vốn đã bám rễ ăn sâu vào mỗi người. Do vậy, cần phải có thời gian để thay đổi. - Thách thức về tài chính, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học. Số hóa, xây dựng, cập nhật học liệu số, thẩm định, chia sẻ học liệu số đòi hỏi sự đầu tư lớn 58
  4. về nhân lực (gồm cả nhân lực quản lý và nhân lực triển khai) cũng như tài chính để đảm bảo kho học liệu số đầy đủ, đạt chất lượng, đáp ứng yêu cầu học tập, nghiên cứu, tham khảo của sinh viên ở cơ sở giáo dục đại học. Muốn chuyển đổi số trong giáo dục đại học thành công cần phải đầu tư cho công nghệ thông tin, cơ sở vật chất. Đây là loại đầu tư khá tốn kém trong khi ngân sách đầu tư cho giáo dục đại học còn hạn hẹp. Đây chính là rào cản, thách thức rất lớn khi mà trí tuệ nhân tạo AI phát triển như vũ bão khiến cho cơ sở vật chất, trang thiết bị không tương thích với nó. - Thách thức về hạ tầng viễn thông, trang thiết bị công nghệ thông tin. Chuyển đổi số đòi hỏi hạ tầng viễn thông phát triển ở một mức độ nhất định, mà yếu tố này liên quan nhiều đến mức độ phát triển kinh tế xã hội của mỗi địa phương. Do vậy, ngành giáo dục không thể đi một mình mà phải đồng hành, phối hợp với các ngành khác. Việc này có thể là thách thức đáng kể bởi họ vốn quen hoạt động và vận hành độc lập. - Thách thức về bình đẳng trong giáo dục đại học. Những sinh viên vốn xuất thân từ nông thôn hoặc miền núi, vùng sâu vùng xa không được tiếp cận hạ tầng viễn thông tốt sẽ có nguy cơ bị bỏ lại phía sau, không chỉ trong tiếp cận giáo dục chất lượng cao mà còn cả giáo dục căn bản như các nguồn tài liệu, học liệu quan trọng cho việc học tập. Những sinh viên xuất thân từ những gia đình khó khăn không có những thiết bị tối thiểu hoặc không đủ khả năng chi trả chi phí dịch vụ viễn thông cũng sẽ là đối tượng có nguy cơ tụt hậu. Ngoài ra, những sinh viên bị khiếm khuyết (khiếm thính, khiếm thị hoặc các khuyết tật vận động cản trở thao tác, điều khiển thiết bị) cũng có nguy cơ lớn phải hứng chịu bất bình đẳng số do những vấn đề liên quan tới các yếu tố đầu vào (sách vở, tài liệu, ngôn ngữ, trang thiết bị…) lẫn quá trình giáo dục (thao tác điều khiển, giao tiếp với thiết bị, phần mềm, giảng viên…). Điều này sẽ tạo ra không ít thiệt thòi cho các em. 4. Một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả chuyển đổi số trong giáo dục đại học Từ những thách thức đặt ra trong chuyển đổi số giáo dục đại học, để có thể nâng cao hiệu quả hoạt động này cần có những giải pháp cụ thể như sau: Một là, từ phía cơ quan Nhà nước. Nhà nước cần hoạch định, ban hành thể chế phù hợp với giai đoạn mới. Hiện nay, các quy định của pháp luật về đào tạo trực tuyến, chuyển đổi số trong giáo dục nói chung, giáo dục đại học nói riêng vẫn chưa hoàn chỉnh và đồng bộ. Do đó, thời gian tới Nhà nước cần ban hành, sửa đổi, bổ sung các quy đinh pháp luật về chuyển đổi số trong giáo dục để các chính sách, quy định pháp luật là cơ sở pháp lý vững chắc, tạo tiền đề thức đẩy các hoạt động liên quan đến chuyển đổi số trong giáo dục đại học được hiệu quả, bắt kịp với sự thay đổi của xã hội trong một chừng mực nhất định nào đó. Bên 59
  5. cạnh việc ban hành pháp luật, Nhà nước cũng cần có cơ chế hỗ trợ về tài chính, cơ sở vật chất cần thiết cho các cơ sở giáo dục đại học được thực hiện chuyển đổi số thuận lợi, hiệu quả. Hai là, về phía cơ sở giáo dục đại học. Đối với các cơ sở giáo dục đại học cần thay đổi nội dung, chương trình đào tạo theo hướng áp dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin vào hoạt động giảng dạy và học tập. Giáo dục 4.0 giúp hoạt động dạy và học diễn ra mọi lúc, mọi nơi, do đó việc chuyển đổi mục tiêu phát triển giáo dục, đào tạo theo số lượng sang chú trọng chất lượng và hiệu quả; chuyển từ giáo dục nhân cách sang kết hợp giáo dục nhân cách với phát huy tốt tiềm năng trí tuệ của mỗi cá nhân; chuyển từ giáo dục kiến thức sang giáo dục kiến thức kết hợp với kỹ năng của người học. Ngoài ra, các cơ sở giáo dục đại học cũng cần quan tâm đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị cũng như nguồn nhân lực: đội ngũ giảng viên, nhà quản lý giáo dục…để luôn trong tâm thế sẵn sàng cho việc chuyển đổi số. Việc đầu tư vào cơ sở vật chất có vai trò then chốt để đảm bảo cho việc chuyển đổi số được thành công. Ba là, về phía giảng viên. Giảng viên tham gia phương thức chuyển đổi số cần hiểu đúng, đầy đủ bản chất của CMCN 4.0 cũng như những ảnh hưởng của nó đến giáo dục nói chung và giáo dục đại học nói riêng. Mỗi giảng viên không ngừng học hỏi, trau dồi kiến thức chuyên môn nghiệp vụ và cần sử dụng tốt các phương tiện, thiết bị điện tử, máy tính, liên quan đến ứng dụng công nghệ thông tin cho việc giảng dạy. Cần thay đổi phương pháp giảng dạy từ truyền thụ kiến thức một chiều, bị động sang áp dụng phương pháp giảng dạy hiện đại, lấy người học làm trung tâm nhằm phát huy tính tự học, tự nghiên cứu của sinh viên. Chuyển từ trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học. Bốn là, từ phía sinh viên. Thách thức lớn nhất khi áp dụng các phương pháp giảng dạy hiện đại đó là nhiều sinh viên đã quá quen thuộc với cách tiếp thu kiến thức thụ động (thầy đọc trò chép) nên khi chuyển qua phương pháp mới đòi hỏi sinh viên phải năng động, khả năng tư duy và tính sáng tạo thì một bộ phận sinh viên không thích ứng kịp. Bên cạnh một số sinh viên rất năng động, yêu thích học tập thì vẫn tồn tại sinh viên chỉ đến lớp vì nghĩa vụ. Do vậy, chuyển đổi số đòi hỏi sinh viên cần phải nâng cao tính chủ động, sáng tạo và hứng thú học tập. Khác với việc tiếp thu lý thuyết một cách thụ động, sinh viên cần phài chủ động trong việc tự học, tự nghiên cứu, tìm kiếm, và phân tích các thông tin để đáp ứng yêu cầu của môn học. Để làm được điều này, sinh viên phải có tư duy độc lập, thảo luận nhóm, tìm hiểu thêm về lý thuyết ngoài sách vở, thầy cô cần tự học qua thực tế, học hỏi, cập nhật thông tin trên phương tiện thông tin đại chúng… 60
  6. 5. Kết luận CMCN 4.0 đã mở ra kỷ nguyên mới cho sự phát triển của loài người. Cuộc CMCN 4.0 không chỉ ảnh hưởng đến lĩnh vực giáo dục mà còn ảnh hưởng đến tất cả mọi lĩnh vực của đời sống xã hội của tất cả các quốc gia. Do vậy, cần chủ động đón nhận những thách thức để từ đó đưa ra những giải pháp, định hướng phù hợp để chuyển đổi số luôn phát huy hiệu quả nhằm hướng đến một xã hội học tập. Tài liệu tham khảo: [1]. Đỗ Thị Ngọc Quyên (2021), Chuyển đổi số trong giáo dục: Những thách thức và nguy cơ, ngày truy cập 05/02/2021, https://tiasang.com.vn/-giao-duc/Chuyen-doi-so-trong- giao-duc-Nhung-thach-thuc-va-nguy-co-26836 [2]. Trung tâm Truyền thông Giáo dục (2020), Hội thảo “Chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo”, ngày truy cập 09/12/2020, https://moet.gov.vn/tintuc/Pages/tin-tong- hop.aspx?ItemID=7123 [3]. Tô Hồng Nam (2020), Chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo: Thực trạng và giải pháp, ngày truy cập 11/9/2020, http://hvcsnd.edu.vn/nghien-cuu-trao-doi/dai-hoc- 40/chuyen-doi-so-trong-linh-vuc-giao-duc-va-dao-tao-thuc-trang-va-giai-phap-6454 61
nguon tai.lieu . vn