Xem mẫu

  1. NHỮNG THÁCH THỨC TRONG ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG GIÁO VIÊN Ở NƯỚC TA HIỆN NAY NGUYỄN HUY PHÒNG Viện Văn hóa và Phát triển - Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Tóm tắt: Để thực hiện thành công công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo (GDĐT) không thể không nhắc tới vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng của đội ngũ thầy cô giáo - nhân tố quyết định đến sự thành bại của sự nghiệp “trồng người”. Trong những năm qua, công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên (GV) đạt được những kết quả đáng tự hào, đáp ứng được những yêu cầu, đòi hỏi của xã hội. Tuy nhiên, trước những biến động của tình hình trong và ngoài nước cũng như những đòi hỏi từ chính người học và thực tiễn cuộc sống, đặt ra nhiều vấn đề cần khắc phục trong đào tạo, bồi dưỡng GV. Nghiên cứu này đề cập những thách thức trong công tác đào tạo, bồi dưỡng GV, đồng thời đề xuất một số giải pháp phát triển năng lực đội ngũ nhà giáo nhằm đáp ứng tốt yêu cầu của tình hình giáo dục ở nước ta hiện nay. Từ khoá: đào tạo, bồi dưỡng giáo viên. 1. VỀ THỰC TRẠNG ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG ĐỘI NGŨ GIÁO VIÊN Theo thống kê của Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý cơ sở giáo dục - Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm học 2007-2008, “cả nước có khoảng 1.069.100 nhà giáo (bao gồm: 171.900 giáo viên mầm non; 344.900 giáo viên tiểu học; 312.400 giáo viên trung học cơ sở; 136.600 giáo viên trung học phổ thông; 15.100 giáo viên các trung tâm giáo dục thường xuyên; 14.500 giáo viên trung cấp chuyên nghiệp; 20.200 giáo viên các trường dạy nghề, trung cấp nghề, cao đẳng nghề, trung tâm dạy nghề và 53.500 giảng viên đại học, cao đẳng). Về chất lượng đội ngũ nhà giáo, hầu hết nhà giáo có trình độ đào tạo đạt chuẩn và trên chuẩn, cụ thể: giáo viên mầm non đạt 90%; giáo viên tiểu học đạt 97,8%; giáo viên trung học cơ sở đạt 98,6%; giáo viên trung học phổ thông đạt 97,5%; giáo viên trung cấp chuyên nghiệp đạt 94,66%; giáo viên dạy nghề đạt 58,88%; giáo viên cao đẳng nghề đạt 82,83%; giáo viên trung cấp nghề đạt 73,16% và giảng viên đại học, cao đẳng đạt 92,93%. Số chưa đạt chuẩn giảm dần hàng năm” 1. Để đáp ứng nhu cầu học tập của xã hội, nhiều cơ sở giáo dục, trường học đào tạo giáo viên sư phạm được mở rộng quy mô, số lượng, thu hút được đông đảo học sinh, sinh viên đăng ký. Tính đến tháng 9 năm 2013, theo số liệu thống kê của Bộ GD và ĐT, “cả nước có 94 cơ sở đào tạo giáo viên mầm non, phổ thông. Trong đó, có 9 trường ĐHSP; 1 trường ĐH giáo dục, 28 trường ĐH có khoa, ngành đào tạo SP; 31 trường CĐSP; 22 trường CĐ có khoa, ngành đào tạo SP và 3 trường trung cấp sư phạm. Trong 1 Dẫn theo Nguyễn Hải Thập, Thực trạng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục và những nội dung căn bản nghiên cứu khi xây dựng luật viên chức (Nguồn: duthaoonline.quochoi.vn) 373
  2. TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM - ĐẠI HỌC HUẾ 2017 số các cơ sở đào tạo giáo viên mầm non, phổ thông có 93 cơ sở đào tạo giáo viên mầm non, 90 cơ sở đào tạo giáo viên tiểu học, 90 có sở đào tạo giáo viên THCS và 38 cơ sở đào tạo giáo viên THPT. Quy mô đào tạo giáo viên mầm non, phổ thông hiện nay khoảng 367.000 sinh viên (chiếm khoảng 15,5% tổng quy mô sinh viên chính quy dài hạn của cả nước). Năm học 2012-2013 mạng lưới các cơ sở đào tạo giáo viên mầm non, phổ thông tuyển mới khoảng 66.700 học sinh, sinh viên hệ chính quy tập trung. Trong cùng năm, đã có khoảng 31.200 giáo viên mầm non, phổ thông tốt nghiệp (trong đó: giáo viên trình độ đại học khoảng 12.600 giáo viên THPT; giáo viên trình độ đại học và cao đẳng gồm: khoảng 9.100 giáo viên THCS, khoảng 4500 giáo viên TH, khoảng 2 5.000 giáo viên mầm non)” . Còn theo số liệu mới nhất, hiện cả nước có 108 cơ sở đào tạo giáo viên mầm non và giáo viên phổ thông, bao gồm 9 trường ĐH sư phạm, 1 trường ĐH giáo dục, 31 khoa, ngành sư phạm trong các trường ĐH đa ngành, 35 trường cao đẳng sư phạm, 19 khoa, ngành Sư phạm trong các trường CĐ đa ngành, 3 trường trung cấp sư phạm và 10 trường trung cấp chuyên nghiệp. Sự phát triển mạng lưới các cơ sở đào tạo giáo viên đã đáp ứng được tình trạng thiếu hụt đội ngũ giảng dạy ở các cấp học, tạo nguồn nhân lực dồi dào, đáp ứng tốt nhu cầu của xã hội. Trình độ GV không ngừng được nâng cao, các chính sách của Đảng, Nhà nước về giáo dục có nhiều đổi mới, nhằm khuyến khích động viên GV yên tâm, yêu nghề, gắn bó với môi trường giáo dục. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục phổ thông giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025” (Quyết định số 732/QĐ-TTg, ngày 29/4/2016), trong đó đề xuất phấn đấu đến năm 2020, 100% giảng viên và cán bộ quản lý giáo dục (bao gồm các trường, khoa, ngành sư phạm) được đào tạo đạt chuẩn về trình độ trở lên theo quy định và được bồi dưỡng nâng cao năng lực giảng dạy, giáo dục, năng lực quản lý, năng lực ngoại ngữ và năng lực công nghệ thông tin. Phấn đấu 100% nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông được bồi dưỡng, cấp chứng chỉ theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp trước khi được bổ nhiệm vào hạng nghề nghiệp tương ứng; 100% nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông công tác tại vùng dân tộc sử dụng được ít nhất một tiếng dân tộc ở địa bàn công tác. Đến năm 2025, Đề án bảo đảm năng lực đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông; giảng viên, cán bộ quản lý cơ sở đào tạo và bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục được chuẩn hóa ngang tầm với các nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới, đáp ứng mục tiêu, yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo. Đây là những định hướng, chủ trương lớn nhằm phát triển đội ngũ nhà giáo có chất lượng nhằm phục vụ tốt nhất cho sự nghiệp GDĐT, tạo nên nguồn lực quan trọng để góp phần phát triển bền vững đất nước. 2 Bộ Giáo dục và Đào tạo, Báo cáo quốc gia giáo dục cho mọi người năm 2015 của Việt Nam, Hà Nội, 2014. 374
  3. KỶ YẾU HỘI NGHỊ KHOA HỌC QUỐC GIA... 03/2017 Tuy nhiên, do sự phát triển nhanh, ồ ạt các trường, khoa, ngành đào tạo sư phạm; chạy theo số lượng mà chưa thực quan tâm đến nâng cao chất lượng đào tạo, đào tạo không theo nhu cầu của thực tiễn…, đang đặt ra nhiều vấn đề về sự khủng hoảng, dư thừa GV, những lỗ hổng về kiến thức, kỹ năng sống, đạo đức của một bộ phận thầy cô, đòi hỏi sự thay đổi nhận thức, tư duy của các cơ sở đào tạo và các cấp, các ngành có liên quan và của chính đội ngũ người thầy. 2. NHỮNG THÁCH THỨC TRONG ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG GIÁO VIÊN Đào tạo, bồi dưỡng GV là sứ mệnh quan trọng, quyết định đến chất lượng và sự thành bại của sự nghiệp “trồng người”. Với tính chất là nghề sáng tạo, gieo mầm tri thức, nuôi dưỡng ước mơ, sáng tạo cho thế hệ trẻ, nghề làm thầy đòi hỏi quá trình tuyển chọn, đào tạo, sử dụng nghiêm túc, công phu và khắt khe nhất. Những đóng góp công sức của các thế hệ nhà giáo trong lịch sử đã để lại những dấu ấn sâu đậm, tạo nên sự hùng cường, vững mạnh của quốc gia, dân tộc. Và ngày nay, Đảng, Nhà nước, Nhân dân vẫn không ngừng dành mọi ưu tiên đặc biệt để nâng cao, phát triển và tôn vinh “nghề cao quý nhất” của xã hội. Tuy nhiên, do những tác động phức tạp của bối cảnh tình hình trong và ngoài nước khiến cho bức tranh giáo dục có những gam màu xám cần phải khắc phục để giáo dục nước nhà tiến kịp với trình độ giáo dục tiên tiến của các nước khu vực và thế giới. Nhìn nhận về quá trình đào tạo, bồi dưỡng GV ở nước ta hiện nay trên những bình diện khái quát, có thể thấy khâu đào tạo GV của các cơ sở giáo dục đang đứng trước những thách thức không nhỏ. Thứ nhất, là tình trạng cung đang vượt cầu. Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, “hiện cả nước đang thừa khoảng 35.000 cử nhân Sư phạm. Dự báo năm 2020, cả nước sẽ thừa hơn 70 nghìn cử nhân (trong đó thừa 41.000 giáo viên Tiểu học, 12.200 giáo viên Trung học cơ sở và 16.900 giáo viên Trung học phổ thông). Trong khi đó, hằng năm các trường đại học và cao đẳng tuyển thêm khoảng 24,5 - 46 nghìn chỉ tiêu sư phạm. Dự báo năm 2020 cả nước thừa 70.000 cử nhân sư phạm, tuy nhiên năm 2016 vẫn tuyển sinh thêm hơn 65.300 chỉ tiêu, thừa hơn 27.300 chỉ tiêu so với kế hoạch đào tạo thay thế giáo viên về hưu và đào tạo bổ sung giáo viên tăng thêm bình quân hằng 3 năm” . Tình trạng này dẫn tới sự lãng phí thời gian, tiền bạc trong đào tạo cử nhân sư phạm, lãng phí nguồn nhân lực được đào tạo bài bản, gây ra sự khủng hoảng niềm tin đối với nhiều sinh viên ra trường. Theo thống kê, năm 2014-2015, có 35.000 giáo viên tiểu học và giáo viên phổ thông ra trường không có việc làm. Năm học 2014-2015, ở cấp trung học phổ thông, số giáo viên được tuyển dụng trên tổng số hồ sơ đăng ký dự tuyển ở một số tỉnh như: Cần Thơ 75/518 (14,5%), Bình Định 217/1393 (15,6%), Phú Yên 73/230 (31,7%), Đắk Lắk 100/3000 (3,33%). Tại Quảng Bình hàng ngàn sinh viên sư phạm ra trường nhưng không tuyển một giáo viên nào. Tại Hà Tĩnh, không tuyển 3 Nguồn: http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Dao-tao-giao-vien-dang-thua-chi-tieu-thieu-chat-luong- post170849.gd 375
  4. TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM - ĐẠI HỌC HUẾ 2017 dụng giáo viên trong 4 năm qua. Tại tỉnh Quảng Nam, suốt 6 năm qua cũng không tuyển dụng giáo viên. Đây là bài toán khó đang đặt ra cho các cơ sở đào tạo, cần có chương trình, kế sách cụ thể để xác định chỉ tiêu tuyển dụng sao cho phù hợp với nhu cầu xã hội. Tình trạng này kéo theo hệ lụy là nhiều học sinh có năng lực sẽ không mặn mà theo đuổi ngành sư phạm, cho dù được ưu đãi về miễn giảm học phí trước tình cảnh khâu “đầu ra” đang gặp cơn khủng hoảng dư thừa, kéo theo chất lượng đào tạo GV sẽ ngày càng suy giảm. Thứ hai, là chất lượng đào tạo GV không đồng đều, thậm chí không đáp ứng được yêu cầu thực tiễn. Vì số lượng cơ sở đào tạo mở ra quá nhiều nên thiếu chỉ tiêu tuyển sinh, thiếu người học nên phải hạ điểm sàn để thu hút người học. Năm 2015, không ít trường Đại học địa phương, ở nhiều ngành, điểm chuẩn chỉ 12 điểm/ 3 môn (kể cả điểm ưu tiên, nếu có). Như vậy, trung bình mỗi môn 4 điểm (hoặc xấp xỉ 4 điểm) thì đỗ Đại học Sư phạm. Với chất lượng đầu vào thấp thì dù phương pháp đào tạo có hiện đại đến đâu cũng không thể “cho ra lò” những cử nhân đủ tiêu chuẩn chất lượng mà xã hội yêu cầu. Mặt khác, ở một số cơ sở đào tạo, cơ sở vật chất lạc hậu, thiếu đồng bộ, nhiều cơ sở phải thuê mướn phòng học, cản trở đến quá trình giảng dạy, nghiên cứu. Hệ thống giáo trình còn sơ lược, chậm đổi mới, bổ sung. Phần lớn thời gian đào tạo, sinh viên sư phạm ngồi trên giảng đường, thời gian thực tập hạn chế khiến cho kỹ năng xử lý tình huống, kỹ năng sư phạm còn nhiều khiếm khuyết. Ở Đại học Thủ đô Hà Nội, sinh viên thực tập 12 tuần, chiếm 5/95 tín chỉ (5,3%). Đại học Sư phạm Thái Nguyên, sinh viên sư phạm đi thực tập 10 tuần chiếm 5/135 tín chỉ (3,7%) trong tổng số tín chỉ… Điều này phản ánh quá trình đào tạo GV còn thiên về lý thuyết, nặng về những vấn đề kinh viện, hàn lâm; thiếu tính thực tiễn. Thứ ba, tư tưởng, lối sống của một bộ phận sinh viên sư phạm có những biểu hiện lệch lạc, lệch chuẩn. Là ngành đào tạo những người thầy của tương lai, ngành sư phạm đòi hỏi sự khuân mẫu, mực thước. Tuy nhiên, do những tác động xấu của tình hình xã hội, mặt trái của internet, mạng xã hội facebook… đã khiến không ít sinh viên sư phạm sa vào những tệ nạn xã hội, đánh mất hình ảnh, nhân cách bản thân; bỏ bê việc học hành; giảm sút ý chí phấn đấu. Theo thống kê của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2, “tỷ lệ sinh viên xếp loại học lực yếu, kém có chiều hướng gia tăng. Năm học 2014, số sinh viên xuất sắc chiếm khoảng 4%, giỏi gần 14%, trong khi trung bình là 21,4% và yếu 12%”4. (Cụ thể, khoa Toán có 1.023 sinh viên nhưng chỉ có 10 em đạt kết quả học tập xuất sắc, 92 giỏi. Ngược lại, số học sinh trung bình là 248 và gần 200 yếu, 1 em bị buộc thôi học và 16 em nằm trong diện cảnh báo vì kết quả học tập kém. Khoa Giáo dục công dân có 299 sinh viên thì chỉ có 1 em có học lực xuất sắc, 31 em giỏi, nhưng trung bình thì 82 em và 44 sinh viên học lực yếu. Khoa Lịch sử có 496 sinh viên, 4 em không 4 Nguồn: http://vnexpress.net/tin-tuc/giao-duc/hon-30-sinh-vien-su-pham-xep-loai-trung-binh-yeu-2972585.html 376
  5. KỶ YẾU HỘI NGHỊ KHOA HỌC QUỐC GIA... 03/2017 được xét kết quả học tập, buộc thôi học 1, cảnh báo 6. Sinh viên trung bình 102 và yếu 80 em. Số sinh viên xuất sắc 41 và giỏi 64 em). Thứ tư, quá trình tự đào tạo, đào tạo lại của sinh viên sư phạm sau khi ra trường còn nhiều bất cập, không được thực hiện thường xuyên. Một tâm lí phổ biến của nhà giáo khi được tuyển dụng vào các đơn vị sự nghiệp công lập là sự ỉ lại, ngại đổi mới, sáng tạo, quen với những giáo án, giáo trình đã từng biên soạn. Quá trình tự đào tạo, bồi dưỡng còn nhiều hạn chế, mang tính hình thức, đối phó. Bên cạnh đó, các đợt tập huấn chuyên môn thường xuyên do Bộ, Sở tổ chức còn nặng về hình thức, chưa bám sát thực tiễn tình hình dạy và học. Nội dung tập huấn chuyên môn còn nghèo nàn, lạc hậu, thiếu hơi thở của cuộc sống và không đề cập, giải quyết được những tình huống nảy sinh từ thực tiễn dạy - học. Đây là một trong trở ngại trong quá trình đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục nước nhà. Bởi đổi mới bắt đầu từ sự thay đổi tư duy, nhận thức của chính đội ngũ nhà giáo. Nhưng với trình độ nhận thức không đồng đều giữa GV vùng miền; sự triển khai thiếu đồng bộ thông tư, chỉ thị hướng dẫn của ban ngành cấp trên khiến cho ngành giáo dục ở nhiều địa phương cứ loay hoay trong lối mòn của tư duy, nhận thức; kìm hãm sự phát triển, tiến bộ của giáo dục. Một yếu tố khác chi phối đến tâm lí, cuộc sống của nhà giáo là dù chính sách tiền lương và sự đãi ngộ của nhà nước đối với ngành giáo dục đã có những cải thiện nhưng còn chậm và nhiều bất cập khiến giáo viên không thể sống bằng nghề. Để đảm bảo cuộc sống mưu sinh, họ phải dạy thêm, làm thuê những ngành nghề khác để gia tăng thu nhập. Cơ chế đãi ngộ, tuyển dụng GV còn nhiều kẽ hở, thiếu minh bạch đã ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lí và khát vọng cống hiến của đội ngũ thầy cô giáo. Một thực trạng đáng báo động hiện nay là nhiều GV do không chuyên tâm nâng cao trình độ chuyên môn, thiếu kỹ năng sống; bị những tác động xấu của môi trường xã hội nên đã có những hành động phản giáo dục, phi văn hóa, như tình trạng thầy cô xúc phạm thân thể, nhân phẩm học sinh; thầy cô vi phạm đạo đức, chuẩn mực nhà giáo; ứng xử thiếu văn hóa; vi phạm pháp luật… Điều này ảnh hưởng lớn đến môi trường, đời sống giáo dục, đến việc hình thành nhân cách những thế hệ tương lai. Vì thế việc đổi mới giáo dục cần bắt đầu từ đổi mới suy nghĩ, nhận thức của người thầy - yếu tố quyết định đến sự thành công của nền GDĐT Việt Nam. 3. MỘT SỐ GIẢI PHÁP NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG ĐỘI NGŨ GIÁO VIÊN Để nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng GV hiện nay, các cấp các ngành, đặc biệt là ngành giáo dục và đội ngũ thầy cô giáo phải quán triệt sâu sắc tinh thần đổi mới căn bàn toàn diện GDĐT mà Đảng, Nhà nước đã đề ra trong Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII, đặc biệt là trong Nghị quyết số 29/NQ-TW, BCH Trung ương Đảng khóa XI với mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm là: Phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý. Đào tạo GV đáp ứng nhu cầu của xã hội. Đầu tư, phát triển mạnh mẽ các trường Đại học sư phạm theo hướng tiên tiến, hiện đại, đồng bộ, tiến kịp 377
  6. TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM - ĐẠI HỌC HUẾ 2017 với trình độ của các trường sư phạm tiên tiến trong khu vực và quốc tế. Đổi mới nội dung, phương pháp đào tao, bồi dưỡng GV. Có cơ chế, chính sách đầu tư xứng đáng cho GDĐT… để đến năm 2030 nền GDĐT nước nhà trở thành một trong những nền giáo dục tiên tiến, hiện đại của thế giới như Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII đã đề ra. Để đạt được mục tiêu đó, trước mắt cần thực hiện tốt một số giải pháp như: - Cần quy hoạch, sắp xếp lại hệ thống các cơ sở đào tạo sinh viên sư phạm. Cần đầu tư có trọng tâm, trọng điểm vào một số trường Đại học sư phạm quốc gia. Tránh đào tạo tràn lan, chú trọng vào nâng cao chất lượng. Đổi mới hệ thống giáo trình sao cho phù hợp với đối tượng vùng miền; cập nhập những tri thức mới của cuộc sống thực tiễn trong và ngoài nước. - Việc tuyển sinh, đào tạo ngành sư phạm cần căn cứu vào nhu cầu thực tế của cuộc sống. Cần có những cuộc điều tra xã hội hộc để dự báo về tình hình, nhu cầu GV của các địa phương (số lượng, cơ cấu ngành/ môn học), đặc biệt là các tỉnh miền núi, vừng sâu, vùng xa, hải đảo. Từ đó các cơ sở giáo dục Cao đẳng, Đại học xác định kế hoạch, lộ trình tuyển sinh, đào tạo sao cho gắn kết chặt chẽ với đòi hỏi của xã hội, tránh lãng phí tiền của, nhân lực. - Phải đổi mới cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư cho sinh viên sư phạm thì mới thu hút được người tài đầu quân, lựa chọn ngành sư phạm để cống hiến. Giải quyết tốt bài toán việc làm, tạo niềm tin của người dân vào tương lai của nghề cao quý. - Quá trình tự đào tạo, bồi dưỡng thường xuyên cần được đổi mới, tăng cường về nội dung chương trình, cách thức tổ chức thực hiện. Mỗi nhà trường phải là một cơ sở tự đào tạo, rèn luyện, bổi dưỡng giáo viên. Không ngừng tìm tòi, đổi mới, sáng tạo, hết lòng, hết sức phục vụ sự nghiệp “trồng người”. 4. KẾT LUẬN Đổi mới là một quá trình lâu dài, đòi hỏi sự kiên trì, quyết tâm và sự vào cuộc của các chủ thể: cán bộ quản lý, thầy cô giáo, học sinh và gia đình - xã hội. Đây là yêu cầu cấp thiết trong bối cảnh hiện nay. Giáo dục cần phải chuyển mình, đổi mới toàn diện trong tất cả các khâu, hướng đến phát huy năng lực, sở trường của từng học sinh; chú trọng giáo dục nhân cách, lối sống, hình thành cho họ những đức tính tốt về tình yêu gia đình, quê hương, đồng loại; sống có trách nhiệm với bản thân, cộng đồng; góp sức mình làm giàu đẹp cho quê hương, đất nước. Để giáo dục thành công và về đích sớm, đội ngũ thầy cô giáo có vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng. Vì thế việc quan tâm, phát triển đội ngũ nhà giáo có năng lực, trình độ, phẩm chất, đạo đức nghề nghiệp là vấn đề cấp thiết hiện nay. Cần nhận thức đúng về chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước về phát triển giáo dục, toàn tâm, toàn ý cho sự nghiệp trồng người; vượt qua những cám dỗ, những thói quen xấu; tự đổi mới, hoàn thiện bản thân thì quá trình đổi mới căn bản, toàn diện GDĐT chắc chắn sẽ thành công./. 378
  7. KỶ YẾU HỘI NGHỊ KHOA HỌC QUỐC GIA... 03/2017 TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng xuất bản, Hà Nội, 2016. [2] Bùi Văn Quân, “Đề xuất định hướng và giải pháp bồi dưỡng giáo viên”, Kỷ yếu Hội thảo khoa học về Xây dựng chương trình bồi dưỡng thường xuyên giáo viên mầm non, phổ thông và giáo dục thường xuyên, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Hà Nội, 2008. [3] Nguyễn Thiện Nhân, “Đào tạo theo nhu cầu xã hội một giải pháp chiến lược để nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo hiện nay”, Tạp chí Dạy và học ngày nay, số 3/2008. Title: CHALLENGES IN TRAINING, FOSTERING TEACHERS IN OUR COUNTRY NOWADAYS Abstract: To reach the success in basic and comprehensive education and training innovation, we cannot but talking about the role, the very special position of teaching staff- decisive factor which leads to make-or-break things of the career “growing people. In recent years, the training and cultivation for teachers achieved proud results, met requirements, needs of society. However, faced with changes of the situation at home and abroad as well as requirements from the learners and real life, causes a lot of problems needed to be overcome in training, cultivating teachers. This study mentions the challenges in training, fostering teachers, as well as suggests some solutions to develop the competence of teaching staff to meet the requirements of education in our country well. Keywords: training, fostering teachers. TS. NGUYỄN HUY PHÒNG Viện Văn hóa và phát triển - Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Số 135 Nguyễn Phong Sắc, Quận Cầu Giấy, Thành phố Hà Nội ĐT. 0987 805 607 379
nguon tai.lieu . vn