Xem mẫu

  1. NHỮNG NĂNG LỰC THIẾT YẾU CỦA NGƯỜI GIÁO VIÊN NGỮ VĂN TRÊN CON ĐƯỜNG ĐỔI MỚI CĂN BẢN TOÀN DIỆN GIÁO DỤC ĐẶNG LƯU Trường Đại học Vinh Tóm tắt: Tiếp cận năng lực là hướng thay đổi căn bản nền giáo dục Việt Nam hiện nay. Theo hướng thay đổi này, việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên là một trong những yêu cầu bức thiết. Khi xây dựng chương trình phổ thông khung năng lực của học sinh đã được chú trọng, trong khi đó, năng lực chung và năng lực chuyên biệt của giáo viên vẫn chưa được đề cập thấu đáo. Nghiên cứu này phân tích thêm một số năng lực thiết yếu của giáo viên Ngữ văn trong bối cảnh mới của nền giáo dục. Từ khoá: năng lực, tiếp cận năng lực, năng lực ngữ văn, cảm thụ thẩm mỹ, tổ chức đối thoại. 1. ĐẶT VẤN ĐỀ Hiện nay, giáo dục Việt Nam đang chuyển từ dạy học cung cấp tri thức (tiếp cận nội dung) sang dạy học phát triển các năng lực của học sinh (tiếp cận năng lực). Nghĩa là, chuyển từ việc dạy cho học sinh biết cái gì sang việc dạy để học sinh làm được gì. Đây là con đường các nền giáo dục tiên tiến của thế giới đã/đang đi, và giờ đây không còn là lối mòn nữa, mà đã thành đại lộ. Tiếc rằng, trên đại lộ ấy, vẫn còn thiếu dấu chân của chúng ta. Sự khởi động hiện nay tuy chậm, nhưng đó là sự bắt đầu cho một lộ trình không thể đi ngược. Ở một số bài viết được công bố trên các diễn đàn, trong các cuộc hội thảo gần đây, vấn đề dạy học theo hướng tiếp cận năng lực đã được thảo luận khá sôi nổi. Nhìn chung, các ý kiến thường tập trung bàn về nhiệm vụ hình thành và phát triển năng lực cho học sinh, còn năng lực của giáo viên (kể cả năng lực chung và năng lực riêng, thuộc bộ môn cụ thể) vẫn chưa được chú ý đúng mức, trong khi, đây là một khâu then chốt, quyết định sự thành bại của việc đổi mới. Do vậy, vấn đề này cần phải được nghiên cứu sâu hơn, thậm chí, phải xây dựng được một hệ thống năng lực của giáo viên bộ môn. Với nhận thức như vậy, bước đầu chúng tôi xin đề cập đến một số năng lực mà người giáo viên Ngữ văn cần tự phát triển (dù đã qua một quá trình đào tạo ở trường Đại học Sư phạm) nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới hoạt động dạy học - một khâu quan trọng trong nền giáo dục hiện nay. 2. NỘI DUNG 2.1. Một số quan niệm về năng lực của giáo viên Ngữ văn Bên cạnh những năng lực chung của người làm nghề dạy học, giáo viên Ngữ văn cần có những năng lực gì? Ta bắt gặp nhiều đáp án khác nhau cho câu hỏi này, tùy vào mục đích của người phát biểu ở các tình huống cụ thể. Trong cuốn Phương pháp dạy học Văn, nhóm tác giả Phan Trọng Luận, Trương Dĩnh, Nguyễn Thanh Hùng, Trần Thế Phiệt đã phân biệt vai trò người giáo viên trong 323
  2. TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM - ĐẠI HỌC HUẾ 2017 cơ chế cũ và người giáo viên trong cơ chế mới. “Một bên là cảm thụ thay rồi truyền thụ, dùng những thủ thuật bên ngoài, còn một bên là tổ chức thiết kế hoạt động bên trong của học sinh để các em cảm thụ, phân tích, chiếm lĩnh tác phẩm, do đó mà có được những bước tự nhận thức, tự phát triển về mọi mặt” [5, tr. 66]. Sự chuyển đổi vai trò như các tác giả đề xuất rõ ràng đòi hỏi ở người giáo viên Ngữ văn những năng lực cụ thể trong hoạt động dạy học. Hai tác giả Nguyễn Thanh Hùng và Lê Thị Diệu Hoa thậm chí còn kỳ vọng người giáo viên phải tỏa sáng trong kỷ nguyên giáo dục mới. Cuộc cách mạng về người giáo viên được hai tác giả nêu cụ thể ở bốn lĩnh vực: 1) Tri thức về quản lý điều hành lớp học; 2) Tri thức về phương pháp giảng dạy; 3) Tri thức về chuyên môn sâu; 4) Tri thức về chẩn đoán [3, tr. 165-169]. Khái niệm tri thức được dùng và diễn giải trong tài liệu trên thực chất là những năng lực mà bất cứ người giáo viên có trách nhiệm nào cũng phải tự trang bị. Có điều, đó vẫn là những năng lực chung, chưa có sự phân biệt giữa người giáo viên Ngữ văn với giáo viên đảm nhiệm các môn học khác. Tại Hội thảo quốc gia Về dạy học Ngữ văn trong nhà trường phổ thông Việt Nam (Huế, tháng 01/2013), ông Đỗ Ngọc Thống có nêu những năng lực chung và năng lực sư phạm của người giáo viên, trong đó, năng lực sư phạm đặc biệt quan trọng. Theo tác giả, “người có năng lực sư phạm là người biết vận dụng một cách thành thạo những kiến thức, kỹ năng, thái độ, tình cảm và những hiểu biết tổng hợp có được không chỉ trong nhà trường mà cả kinh nghiệm từ cuộc sống... để giúp người học đạt kết quả một cách tốt nhất” [6, tr. 1443-1456]. Trên cơ sở hệ thống tiêu chí đánh giá năng lực sư phạm của Thụy Điển, ông cho rằng, người giáo viên cần được trang bị và phát triển các năng lực sư phạm then chốt: năng lực giao tiếp; năng lực ICT (sử dụng công nghệ thông tin); năng lực thích ứng và hợp tác; năng lực tư duy phê phán, giải quyết vấn đề và sáng tạo; năng lực học cách học; năng lực văn hóa chung; năng lực cảm xúc (thẩm mỹ và nhân văn) [6, tr. 1443-1456]. Trong bài Các năng lực đặc thù của giáo viên Ngữ văn phổ thông, Phạm Thị Thu Hương viết: “Chuyển hóa từ tri thức sang năng lực..., người giáo viên Ngữ văn phải thực sự là một người đọc, người nói, người viết, người nghe tích cực, chủ động, có khả năng tự nghiên cứu chuyên môn, có hiểu biết, đặc biệt là sự độc lập, sáng tạo, tinh tế, nhạy cảm, có chất văn” [4, tr. 795-805]. Hiện nay, ngành sư phạm ở một số trường đại học đang xây dựng chương trình mới, đón đầu những thay đổi căn bản, toàn diện nền giáo dục. Theo tìm hiểu của chúng tôi, ở các cơ sở có đào tạo ngành sư phạm Ngữ văn, hướng xây dựng chương trình theo yêu cầu phát triển năng lực của người giáo viên Ngữ văn đã được vạch ra. Chuẩn đầu ra, khung năng lực, khung chương trình, đề cương chi tiết môn học... đều tập trung vào điểm này. 2.2. Các năng lực thiết yếu của người giáo viên Ngữ văn Một hệ thống năng lực của giáo viên Ngữ văn làm chuẩn mực cho việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ rõ ràng đang trong quá trình xây dựng. Ở đây, các chương trình đào 324
  3. KỶ YẾU HỘI NGHỊ KHOA HỌC QUỐC GIA... 03/2017 tạo của các trường đại học tiên tiến trên thế giới cũng như thực tế giảng dạy của các trường đại học trong nước (cả ưu điểm và những bất cập) sẽ là những tham khảo cần thiết. Trong bối cảnh hiện nay, bên cạnh những năng lực chung, người giáo viên Ngữ văn cần bồi đắp thêm một số năng lực sau đây: 2.2.1. Năng lực cảm thụ thẩm mĩ Có lẽ không ai nghi ngờ về đòi hỏi về năng lực này ở người giáo viên Ngữ văn. Từ trước đến nay, mọi người đều thống nhất ở quan niệm: dạy văn học là dạy một bộ môn có tính nghệ thuật nhằm đánh thức những rung cảm thẩm mĩ tinh tế, bồi đắp khả năng cảm thụ cái đẹp trong văn học cho học sinh. Chương trình môn học này đã có những thay đổi theo từng thời kỳ, song loại văn bản nghệ thuật (gồm thơ, truyện, ký, kịch) bao giờ cũng chiếm tỉ trọng lớn nhất. Thực tế, ở bậc trung học phổ thông, mỗi học sinh có những thiên hướng nghề nghiệp khác nhau, nhưng dù chọn nghề gì cho tương lai, kể cả những nghề không dính dấp gì với văn chương, thì những rung cảm thẩm mĩ vẫn là yếu tố không bao giờ vắng bóng trong đời sống thường nhật của mỗi người. Có những giáo viên phổ thông đã ghi được những dấu ấn rất sâu trong tâm hồn học sinh qua những giờ dạy Văn chính là ở chỗ này. Muốn bồi đắp niềm say mê cái đẹp trong văn học cho học sinh, dĩ nhiên người giáo viên cần có năng lực cảm thụ thẩm mĩ dồi dào. Năng lực ấy biểu hiện ở trực giác nghệ thuật bén nhạy, ở những rung cảm sâu sắc, ở khả năng phân tích cái đẹp của hình tượng nghệ thuật và các hình thức biểu hiện của nó. Mặt khác, cái đẹp trong văn học bao giờ cũng có tính loại hình lịch sử. Những khuôn vàng thước ngọc của thơ trung đại chẳng hạn, không còn phù hợp với thơ lãng mạn 1932 - 1945; những âm điệu du dương của câu văn biền ngẫu khác xa với câu văn gân guốc của văn học hiện thực... Muốn giúp học sinh hiểu được điều đó, giáo viên phải có nhãn quan rộng rãi, có cái nhìn loại hình. Tóm lại, cái đẹp trong văn học phải được cảm nhận bằng tâm hồn và nhận thức bằng lí tính. Có như vậy, người giáo viên mới vượt qua giới hạn của cảm tính, chủ quan để có thể biến năng lực thẩm mĩ thành một thế mạnh trọng tổ chức dạy học các văn bản nghệ thuật. 2.2.2. Năng lực ngôn ngữ Ngôn ngữ là công cụ chung của người giáo viên. Tuy nhiên, đối với giáo viên Ngữ văn, tiếng Việt không chỉ là phương tiện dạy học, mà còn là tri thức cần nắm vững và vận dụng linh hoạt, sáng tạo. Điều này không chỉ biểu hiện “lộ thiên” ở các bài Tiếng Việt trong chương trình, mà còn ở những bài Đọc hiểu văn bản và Làm văn. Nó cho thấy, năng lực ngôn ngữ phải là năng lực đặc thù của người giáo viên Ngữ văn. Năng lực này thể niện ở khả năng đọc hiểu văn bản; khả năng nói và viết; khả năng đối thoại và tổ chức đối thoại. a) Năng lực đọc hiểu văn bản Đây cũng là một năng lực chuyên biệt của môn Ngữ văn. Dù trong các môn học tiếng nước ngoài, nội dung đọc hiểu luôn được xem là thiết yếu, nhưng đọc hiểu ở đây 325
  4. TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM - ĐẠI HỌC HUẾ 2017 mang một hàm nghĩa khác và có những đòi hỏi khác. Nói cho cùng, năng lực đọc hiểu chứa đựng trong nó hàng loạt “năng lực bộ phận” như năng lực nắm bắt cái mã riêng của văn bản, năng lực phát hiện thông tin chính yếu của văn bản, năng lực tư duy hệ thống (biết nhìn văn bản như một cấu trúc toàn vẹn mà các yếu tố của nó luôn ngầm báo một điều gì đó về cái toàn thể), năng lực cắt nghĩa - lý giải các tầng bậc ý nghĩa của văn bản, năng lực đối thoại (với tác giả văn bản, với các vấn đề đặt ra trong văn bản, với sự diễn giải của bao nhiêu người khác về chính văn bản đó)… Để có khả năng đọc hiểu văn bản, giáo viên phải có được một năng lực ngôn ngữ nhất định, và ngược lại, chính năng lực đọc hiểu được phát triển đầy đủ sẽ tạo điều kiện cho năng lực ngôn ngữ ngày càng hoàn thiện, nhờ đó, giáo viên có thể hoàn thiện thêm khả năng nói và viết của mình. Muốn phát triển năng lực đọc hiểu, giáo viên phải tự bồi dưỡng bằng nhiều cách: hướng dẫn học sinh giải quyết những đề đọc hiểu trong các tài liệu khác nhau, tự kiểm tra khả năng giải mã các văn bản nghệ thuật mới mẻ ngoài chương trình (chẳng hạn những bài thơ, những truyện ngắn, tiểu thuyết mới xuất bản...). Nếu tiến hành thường xuyên những “bài tập” kiểu ấy, chắc chắn trình độ cảm thụ thẩm mĩ và năng lực ngôn ngữ của giáo viên sẽ được nâng lên rõ rệt. b) Năng lực nói, viết Một trong những “công cụ” chủ yếu của giáo viên là lời nói. Công cụ này có sắc bén thì dạy học mới có hiệu quả, đặc biệt là đối với môn Ngữ văn. Hiện nay, phương pháp đàm thoại, phương pháp đặt vấn đề, phương pháp giao tiếp... đang được đề cao. Nhưng như vậy, không có nghĩa phương pháp diễn giảng đã bị “khai tử”. Trong nhiều trường hợp, các phương pháp trên phải phối hợp với diễn giảng thì chúng mới phát huy được hiệu lực. Dù lấy học sinh làm chủ thể, dù coi trọng tính tích cực, chủ động của học sinh đến đâu cũng không thể hình dung một giờ dạy học lại có thể thiếu sự điều hành của giáo viên thông qua phương tiện ngôn ngữ. Hoạt ngôn không phải là đặc điểm chung của mọi giáo viên. Có người nói hay, có người nói thiếu hấp dẫn. Sinh viên, giáo viên Ngữ văn cũng có tình trạng phân lập năng lực nói như thế. Người giáo viên cần ý thức được khả năng nói của mình để có hướng tự học tập, bồi dưỡng. Làm một diễn giả trước công chúng là chuyện khó, song để trở thành một giáo viên ăn nói thuần thục trước học sinh là điều có thể tập luyện được. Âm lượng, nhịp điệu lời nói phải thế nào để phù hợp với từng kiểu bài học, làm sao để lời nói có sức thu hút, giàu tính biểu cảm mà không “sến”, làm sao khắc phục tình trạng dùng đặc thổ âm (mà không ít giáo viên ở một số vùng miền rất “nặng nợ”) để đáp ứng những chuẩn mực của ngôn ngữ văn hóa trong dạy học... Tất cả đều đòi hỏi một quá trình luyện rèn không mệt mỏi. Bên cạnh việc sử dụng ngôn ngữ dạng nói, giáo viên cần có ý thức thường xuyên tự nâng cao năng lực viết của mình. Trong môn Ngữ văn hiện nay, viết là một trong bốn kỹ năng cơ bản cần tập trung rèn luyện cho học sinh theo hướng tạo lập văn bản thuộc những phong cách chức năng 326
  5. KỶ YẾU HỘI NGHỊ KHOA HỌC QUỐC GIA... 03/2017 khác nhau. Muốn phát triển năng lực viết cho học sinh thì dĩ nhiên người giáo viên phải mạnh ở mặt này. Lô gic là vậy, nhưng thực tế, số ở đông giáo viên, khả năng viết còn hạn chế. Nhiều người cảm thấy hết sức khó khăn khi cuối mỗi năm học phải viết một bản sáng kiến kinh nghiệm. Khoan hãy nói chuyện giá trị khoa học ở những bản sáng kiến kinh nghiệm kia, chỉ xét về mặt diễn đạt, thể hiện qua dùng từ, tạo câu, dựng đoạn, ta cũng có thể thấy bao nhiêu vấn đề. Hạn chế về năng lực viết cũng bộc lộ trong nhiều luận văn, luận án mà tác giả của chúng vốn là thầy cô giáo dạy Ngữ văn ở các trường trung học. Đối với giáo viên Ngữ văn, luyện viết có nhiều cách. Luyện qua mỗi lần soạn giáo án, thể hiện sự suy nghĩ, tìm tòi độc lập, không quá lệ thuộc vào tài liệu. Luyện cách làm bài trước các đề thi, đề kiểm tra dành cho học sinh. Luyện bằng các bài bình, bài phân tích những tác phẩm tâm đắc. Công việc này dĩ nhiên là khó khăn, phiền toái, đòi hỏi ở người giáo viên sự kiên nhẫn, niềm đam mê và ý thức cầu tiến. Nhưng nếu vượt qua những rào cản tâm lý, bỏ thói quen trì trệ, dễ dãi, thì hiệu quả thu được qua luyện viết là rất đáng kể. Sẽ hạn chế được loại đề thi không khác gì những “câu hỏi của nhân sư” đánh đố học sinh. Mỗi bài dạy sẽ là một dịp được cùng học sinh khám phá bao điều thú vị ẩn chứa trong từng văn bản tưởng quen mà lạ. Và hơn hết, khi việc viết đã thuần thục, giáo viên sẽ tự tin và có thể công bố bài viết của mình trên các báo, tạp chí, ở các cuộc hội thảo. Nói đến niềm say mê viết, không thể không nhắc đến các thầy giáo Đỗ Kim Hổi, Vũ Dương Quỹ, Lê Đình Mai (Hà Nội), Đặng Thiêm (Hà Tây cũ), Trần Đồng Minh (Thành phố Hồ Chí Minh), Trương Tham (Bình Định)... Gần đây, ở Hà Tĩnh, cô giáo Phan Thị Thanh Thủy đã viết hẳn cả một cuốn sách thể hiện những góc nhìn mới về Truyện Kiều với nhan đề Truyện Kiều - chưa xong điều nghĩ (Nxb Hội nhà văn, 2016). Với một giáo viên Ngữ văn trung học cơ sở, đó quả thực là một thành tích đáng nể. Tác dụng tích cực của thói quen viết lách là điều không thể phủ nhận. Những sáng kiến hay, những tìm tòi thú vị về cách thức dạy học có thể bắt nguồn từ các bài viết. c) Năng lực đối thoại và tổ chức đối thoại Dạy học tích cực đang là một xu hướng có nhiều ưu việt, bởi sự năng động, linh hoạt trong tư duy của học sinh được kích thích và phát huy cao độ. Về vấn đề này, trong tương quan với các môn học khác, môn Ngữ văn có rất nhiều ưu thế, bởi trước những vấn đề xã hội cũng như những vấn đề hàm chứa trong các tác phẩm văn học, không có cái gọi là chân lý hiển nhiên. Đối thoại và tổ chức đối thoại, vì thế, cũng là một năng lực cơ bản của người giáo viên Ngữ văn. Muốn có thái độ đối thoại và cách thức tổ chức đối thoại tích cực, cần tạo không khí dân chủ thật sự trong hoạt động dạy học. Dù hơn hẳn học sinh về vốn tri thức và khả năng nhận thức, nhưng giáo viên cần đóng vai trò “là người tham dự - chia sẻ” [2] trong lớp học, tạo quan hệ bình đẳng với học sinh trên con đường đi tìm chân lý khoa học cũng như chân lý đời sống. Có một thực tế, hiện nay, sức ỳ của học sinh trong học tập môn Ngữ văn là rất lớn. Phần lớn các em chỉ học theo kiểu thụ động, đối phó, niềm say mê và sự yêu thích 327
  6. TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM - ĐẠI HỌC HUẾ 2017 văn học nghệ thuật như một nhu cầu tự thân là điều hết sức hiếm hoi. Nhiều người mới ra trường, tiếp xúc với học sinh, dễ thất vọng khi thấy thực tế khác rất xa với sự hình dung trước đây (trong quá trình đào tạo ở đại học) về nghề nghiệp, về đối tượng giáo dục. Chính vì thế, nêu vấn đề để thu hút sự quan tâm của học sinh, khơi lên ở các em niềm hứng thú trong trao đổi, tranh luận, trình bày chủ kiến là điều không dễ. Với những đòi hỏi bức bách về đổi mới phương pháp, người giáo viên phải nâng cao trình độ và bản lĩnh. Truyền thụ tri thức, rèn luyện kĩ năng đã khó, hướng dẫn cách cảm thụ cũng như cách nghĩ riêng cho học sinh về một vấn đề nào đó còn khó bội phần. Sự cập nhật tri thức phải luôn đi đôi với việc nâng cao trình độ sư phạm. Một khi đã quán triệt tinh thần coi học sinh là chủ thể tiếp nhận, tất yếu giáo viên sẽ phải đối diện với sự đa dạng, phức tạp trong tư duy, trong cách phát ngôn của các em. Tinh thần “nhất nguyên” sẽ được thay thế bằng tình trạng phân lập trình độ cảm thụ, sự xung đột giữa các luồng ý kiến. Đó là điều kiện để tạo nên những cuộc đối thoại cần thiết trong dạy học Ngữ văn. Đối thoại và tổ chức đối thoại là biểu hiện rõ rệt năng lực ngôn ngữ của giáo viên. Ở đây, những quan hệ liên nhân, thái độ, tình cảm trong nói năng, cách thức sử dụng các yếu tố ngôn ngữ... là những vấn đề cần đặc biệt quan tâm. Những năng lực này không định hình ngay một lúc, mà phải được phát triển, hoàn thiện dần dần qua quá trình dạy học. 2.2.3. Năng lực kích thích khả năng phản biện của học sinh Trong hệ thống các môn khoa học xã hội, môn Ngữ văn đặc biệt thuận lợi cho việc trình bày những ý kiến riêng của học sinh. Do đó, một khi giáo viên chú trọng hoạt động đối thoại trong dạy học, một khi mọi tìm tòi dù đúng hay sai đều được tôn trọng, thì lúc ấy khả năng phản biện của người học sẽ được kích thích. Tinh thần phản biện của học sinh thể hiện rất đa dạng. Có khi là sự nghi ngờ về một nhận định; có khi là niềm khao khát được phát triển đầy đặn một nội dung bài học; lại có khi các em muốn phát biểu ý kiến trái ngược với sách vở, với bài dạy của thầy. Nếu phản biện là sự thể hiện rõ rệt năng lực tư duy của học sinh, thì kích thích khả năng phản biện lại là một năng lực sư phạm quan trọng của giáo viên Ngữ văn. Trong thời đại ngày nay, không ai là người độc quyền, ban phát chân lý. Mọi quan niệm đều phải được soi xét kỹ lưỡng bởi lý trí, dưới ánh sáng khoa học. Trong chương trình Ngữ văn trung học hiện hành, những vấn đề văn học và đời sống đều gợi mở nhiều cách cảm nhận, đánh giá khác nhau. Học sinh có thể tiếp cận nhiều luồng thông tin, nhiều nguồn tri thức. Vì thế, kích thích khả năng phản biện phải đi đôi với sự định hướng tư duy và nhận thức. Những gì các em tiếp thu hôm nay trong nhà trường sẽ được kiểm chứng gắt gao và rất nhanh ở đời sống xã hội cũng như ở bậc học kế tiếp. Đây là những thử thách không nhỏ đối với trình độ và bản lĩnh của người giáo viên Ngữ văn. 3. KẾT LUẬN Những năng lực của người giáo viên Ngữ văn mà chúng tôi đã phân tích trên đây thực chất là đòi hỏi rất cụ thể về chất lượng của đội ngũ, là một khâu quan trọng trong 328
  7. KỶ YẾU HỘI NGHỊ KHOA HỌC QUỐC GIA... 03/2017 việc đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục nước nhà. Những năng lực đó không tồn tại biệt lập, đơn lẻ, mà thống nhất, hài hòa trong nhân cách của người giáo viên. Trong điều kiện hiện nay, những đòi hỏi như vậy có phải là hơi cao? Đúng thế! Nhưng muốn đổi mới thực chất và có hiệu quả, muốn không tụt hậu so với các nền giáo dục trong khu vực, không thể hạ chuẩn. Trước bài toán nan giải này, tất cả các khâu: chất lượng đầu vào ngành sư phạm, chương trình đào tạo, tương lai nghề nghiệp của người học, chế độ lương bổng, điều kiện làm việc, cung cách quản lý... phải có sự đồng bộ. Bỏ qua một trong những mắt xích ấy, đổi mới mãi mãi chỉ là những ước vọng cao vời. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Trần Thị Ngọc Diễm (2014), “Đề xuất giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục theo hướng vận dụng đối với sinh viên Ngữ văn”, Kỷ yếu Hội thảo quốc gia Dạy học Ngữ văn trong bối cảnh đối mới căn bản, toàn diện giáo dục phổ thông, Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, tr. 764-773. [2] Phan Huy Dũng (2007), “Về vai trò người tham dự - chia sẻ của giáo viên trong giờ dạy học Văn”, Kỷ yếu Hội thảo khoa học Dạy học Ngữ văn ở trường phổ thông theo chương trình và sách giáo khoa mới, Nxb Nghệ An, tr. 103-106. [3] Nguyễn Thanh Hùng (chủ biên), Lê Thị Diệu Hoa (2007), Phương pháp dạy học Ngữ văn Trung học phổ thông những vấn đề cập nhật, Nxb Đại học Sư phạm. [4] Phạm Thị Thu Hương (2014), “Các năng lực đặc thù của giáo viên Ngữ văn phổ thông”, Kỷ yếu Hội thảo quốc gia Dạy học Ngữ văn trong bối cảnh đối mới căn bản, toàn diện giáo dục phổ thông, Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, tr. 795-805. [5] Phan Trọng Luận (chủ biên), Trương Dĩnh, Nguyễn Thanh Hùng, Trần Thế Phiệt (1999), Phương pháp dạy học Văn, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội. [6] Đỗ Ngọc Thống (2013), “Các năng lực then chốt và năng lực sư phạm trong đào tạo giáo viên”, Kỷ yếu Hội thảo khoa học quốc gia về dạy học Ngữ văn ở trường phổ thông Việt Nam, Nxb Đại học Sư phạm, tr. 1443-1456. [7] Đoàn Thị Thu Vân (2014), “Từ mục tiêu phát triển năng lực học sinh, nghĩ về chương trình học, thi môn Ngữ văn và vị trí của người thầy”, Kỷ yếu Hội thảo quốc gia Dạy học Ngữ văn trong bối cảnh đối mới căn bản, toàn diện giáo dục phổ thông, Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, tr. 153-160. [8] Pasi Sahlberg, Bài học Phần Lan, Nxb Thế giới, 2016. Title: THE ESSENTIAL COMPETENCES OF A LITERATURE TEACHER IN INNOVATING EDUCATION BASICALLY AND COMPREHENSIVELY Summary: Nowadays, approaching the student competency is the fundamental change in current Vietnam education. Towards to this change, the training and cultivation of teachers is one of the urgent demands. In the process of building school education program, competency framework of students was focused on. Meanwhile, the common and the specialized competencies of the teacher have not been addressed thoroughly. This article analyses some essential capabilities of literature teachers in the new social context of education. 329
  8. TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM - ĐẠI HỌC HUẾ 2017 Keywords: Proficiency, the proficiency approach, literature proficiency, aesthetic sense, dialogue organization ĐẶNG LƯU Khoa Sư phạm Ngữ văn, trường Đại học Vinh 330
nguon tai.lieu . vn