Xem mẫu

  1. NHỮNG ĐIỀU CHỈNH TRONG QUAN HỆ THƯƠNG MẠI VIỆT NAM - NHẬT BẢN TRONG BỐI CẢNH HIỆP ĐỊNH ĐỐI TÁC XUYÊN THÁI BÌNH DƯƠNG (TPP) HÌNH THÀNH ThS. Nguyễn Bích Ngọc Trường Đại học Kinh tế Quốc dân Tóm tắt Trước sự trỗi dậy thần kỳ của nền kinh tế Trung Quốc, cùng với sự suy thoái kéo dài của nền kinh tế Nhật Bản đã dẫn đến những nghi hoặc về một sự hoán vị sức mạnh trên phương diện kinh tế chính trị quốc tế đang diễn ra tại khu vực châu Á. Điều này đã khiến Nhật Bản lo lắng về sự lấn át của Trung Quốc trong cuộc chạy đua giành phần thống trị châu Á. Nhật Bản ngay lập tức chuyển hướng trọng tâm vào các liên kết song phương và khu vực biểu hiện thông qua FTA/EPA với mục tiêu hướng đến hội nhập Đông Á thông qua một số đề xuất gia nhập TPP hay RCEP. Bài nghiên cứu tập trung phân tích quá trình tham gia TPP của Nhật Bản, và vai trò TPP trong Chiến lược liên kết khu vực của Nhật Bản? Trong chiến lược liên kết khu vực, ASEAN, Việt Nam là chìa khóa quan trọng trong việc tạo dựng tầm ảnh hưởng của Nhật Bản trong khu vực châu Á, cũng được hưởng lợi từ mối liên kết kinh tế chặt chẽ với Nhật Bản. Vậy cơ hội và thách thức đối với quan hệ thương mại Việt Nam - Nhật Bản trong bối cảnh hình thành TPP là gì? 1. Nhật Bản trong xu thế chuyển dịch từ chiến lược liên kết đa phương sang liên kết khu vực 1.1. Nguyên nhân/bối cảnh hình thành chiến lược liên kết khu vực của Nhật Bản Quá trình toàn cầu hóa, khu vực hóa rõ ràng đem đến nhiều lợi ích cho các quốc gia tham gia. Điều quan trọng của tự do hóa thương mại không chỉ ở góc độ mở rộng thị trường, thúc đẩy hoạt động thương mại quốc tế mà hơn thế là những thay đổi trong cách ứng xử của các quốc gia, cách tạo ảnh hưởng của các cường quốc trong khu vực và trên thế giới. Nhật Bản đóng vai trò một nền kinh tế đứng 271
  2. thứ hai thế giới nhưng là nước đi sau trong tiến trình tham gia xu hướng liên kết khu vực tại châu Á. Quá trình chuyển hướng từ chiến lược liên kết đa phương sang liên kết khu vực của các nước châu Á nói chung và Nhật Bản nói riêng đều có nguyên do. Trong thập niên 1990, thế giới kinh ngạc trước sự trỗi dậy thần kỳ của nền kinh tế Trung Quốc, cùng với sự suy thoái kéo dài của nền kinh tế Nhật Bản đã dẫn đến những nghi hoặc về một sự hoán vị sức mạnh trên phương diện kinh tế chính trị quốc tế đang diễn ra tại khu vực châu Á. Trung Quốc nổi lên và có tầm ảnh hưởng rất lớn tại khu vực sau khi tung ra gói hỗ trợ tài chính cho các nước Đông Nam Á vượt qua khủng khoảng tài chính năm 1997. Điều này đã khiến Nhật Bản lo lắng về sự lấn át của Trung Quốc trong cuộc chạy đua giành phần thống trị châu Á. Nhật Bản đã ngay lập tức chuyển hướng chiến lược hội nhập kinh tế quốc tế, xoay hướng trọng tâm vào các liên kết song phương và khu vực biểu hiện thông qua FTA (Hiệp định Thương mại tự do) và EPA (Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện). Nhận thức được tầm quan trọng của liên kết khu vực, tháng 1/1997, Thủ tướng Nhật Hashimoto đã tuyên bố chính sách Đông Nam Á hay còn gọi là Học thuyết Hashimoto với tiêu đề “Biến kỷ nguyên mới của Nhật và ASEAN thành quan hệ đối tác rộng rãi và mật thiết hơn”. Thể hiện rõ vị trí là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, chiến lược hội nhập kinh tế quốc tế của Nhật Bản không chỉ thể hiện tâm lý cảnh giác mà còn tỏ rõ tính tương hỗ lẫn nhau về lợi ích kinh tế, chính trị. Mặt khác, những bắt buộc cắt giảm thuế quan thông qua FTA cũng tạo bước đột phá trong cải cách các vấn đề trong nước, điều chỉnh Nhật Bản - một thị trường vốn “khép kín” trở nên mở cửa hơn và vượt qua giai đoạn suy thoái của nền kinh tế Nhật Bản. Tham vọng mở rộng cơ hội kinh doanh của các doanh nghiệp Nhật Bản trong khu vực và trên thị trường thế giới cũng là một động lực chính thúc đẩy quá trình liên kết khu vực của Nhật Bản. Bên cạnh đó, Nhật Bản luôn thể hiện mong muốn tạo dựng một khung pháp lý với những cam kết ở cấp độ cao nhằm bảo vệ quyền lợi của các doanh nghiệp Nhật Bản khi thực hiện đầu tư hoặc trao đổi thương mại với các nước và hạn chế tối đa những phiền nhiễu, cũng như những rủi ro chính trị tại thị trường nước ngoài. Qua nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rất nhiều nguyên nhân của quá trình chuyển hướng chiến lược liên kết của Nhật Bản, nhưng có thể thấy áp lực cạnh tranh về mặt kinh tế và chính trị với đối thủ Trung Quốc tại khu vực Đông Á được coi như là lực đẩy chính. 272
  3. Trong các Hiệp định Thương mại tự do hay Hiệp định Đối tác Kinh tế mà Nhật Bản đã ký kết thể hiện rõ 3 đặc trưng cơ bản: - Tính toàn diện, linh hoạt và có tính lựa chọn cao Tính chất này được thể hiện rõ ràng trong Hiệp định Thương mại tự do đầu tiên của Nhật Bản ký kết với Singapore (tháng 11/2002). Tên gọi chính thức là Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện Nhật Bản - Singapore (JSEPA). Hiệp định này không chỉ dừng lại tại các cam kết cắt giảm và xóa bỏ thuế quan như tính chất cơ bản của hình thức Hiệp định Thương mại tự do (FTA) mà hơn thế, nó còn đi đến tự do hóa đầu tư trực tiếp nước ngoài, các vấn đề tạo thuận lợi hóa trong thương mại đầu tư, các cam kết hỗ trợ kỹ thuật đối với đa dạng lĩnh vực như phát triển nguồn nhân lực, hệ thống công nghệ thông tin, hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, phát triển du lịch. Điều này cho thấy, Nhật Bản coi trọng việc thực hiện các liên kết mang tính toàn diện nhằm tác động rõ ràng đến các khía cạnh của hoạt động kinh tế trong đó hàng hóa, nhân lực, vốn, thông tin được tự do chuyển dịch. Định hướng chiến lược chính của Nhật Bản là tăng cường lợi ích của các doanh nghiệp trong hoạt động thương mại quốc tế và giảm thiểu những tác động tiêu cực đến ngành nông nghiệp. Căn cứ vào định hướng trên, Nhật Bản có những tiêu chí riêng trong việc lựa chọn đối tác chiến lược. Nhật Bản ưu tiên lựa chọn các quốc gia có nhu cầu trao đổi thương mại lớn nhưng không phải là những nước xuất khẩu chính các sản phẩm nông nghiệp và các nước xuất khẩu dầu mỏ như Saudi Arabia, Kuwait và Kazakhstant. Về mặt nội dung của các hiệp định liên kết song phương, Nhật Bản tập trung vào 3 nội dung chính bao gồm: tự do hóa thương mại, tăng cường và thúc đẩy hoạt động đầu tư quốc tế đồng thời bảo vệ lợi ích nhà đầu tư, thiết lập hệ thống luật pháp. - ASEAN là trọng tâm trong chiến lược liên kết khu vực Đông Á Khởi nguồn từ Khu vực Mậu dịch tự do ASEAN (AFTA) năm 1992, liên kết và kết nối kinh tế ASEAN không ngừng mở rộng và tạo ra sức mạnh cộng hưởng cho nền kinh tế khu vực năng động. ASEAN là một thị trường chung của hơn 625 triệu dân với tổng GDP là 2.600 tỉ USD, tổng thương mại đã tăng từ mức 1.600 tỉ USD lên mức 2.500 tỉ USD (giai đoạn 2007 - 2013); đầu tư trực tiếp vào ASEAN tăng từ 84 tỉ USD lên 122 tỉ USD (mức cao nhất so với toàn cầu trong năm 2013). Tiếp đà phát triển này, ASEAN là nền kinh tế lớn thứ 7 thế giới hiện nay sẽ kỳ vọng trở thành nền kinh tế lớn thứ 4 thế giới vào năm 2050. Chính từ nội lực phát triển mạnh mẽ của ASEAN nên khu vực này trở thành sức hút lớn và 273
  4. trọng tâm liên kết của các nước. Cả Nhật Bản và Trung Quốc đều xây dựng kịch bản liên kết khu vực Đông Á khác nhau. Trong chiến lược liên kết của Trung Quốc đã vượt trước Nhật Bản khi thực hiện ký kết hiệp định thương mại tự do với ASEAN trong năm 2002. Một ngày sau khi Trung Quốc - ASEAN ký kết hiệp định, Nhật Bản đã đề xuất đàm phán với ASEAN. Thực tế, tiến trình đàm phán giữa Nhật Bản và ASEAN gặp khá nhiều khó khăn và kéo dài thời gian, nguyên do chính là từ sự khác biệt trong điều kiện kinh tế và xã hội giữa các nước thành viên của ASEAN. Vì vậy, Nhật Bản đã quyết định đàm phán và liên kết song phương với từng nước thành viên của ASEAN như FTA Nhật Bản - Malaysia (2004), Philippines (2006), Indonesia (2007), Thailand (2007), Brunei (2007), Vietnam (2008). Cuối cùng, quá trình đàm phán với ASEAN cũng kết thúc và đi đến ký kết FTA Nhật Bản - ASEAN (2008). Tuy nhiên, không dừng lại ở đó, Nhật Bản có thể được hưởng lợi nhiều nhất với vai trò nhân tố chung trong kịch bản hình thành liên kết khu vực Đông Á như RCEP hay ASEAN + 6 (ASEAN, Úc, Trung Quốc, Ấn độ, Nhật Bản, Niu-di-lân, Hàn Quốc), cũng như Hiệp định Đối tác Kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP). Biểu đồ 1. Quy mô kinh tế của Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu, Nhật Bản và nhóm nền kinh tế mới nổi châu Á (ASEAN, Trung Quốc, Ấn độ) Nguồn: Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) 274
  5. Trong đó: PRC - Cộng hòa nhân dân Trung Quốc, ASEAN - Hiệp hội các nước Đông Nam Á. Số liệu trên được đo bằng GDP danh nghĩa - Sử dụng FTA/EPA như một phương thức trợ giúp các nước đang phát triển Các nước đang phát triển như Philippines, Việt Nam đã được hưởng lợi rất lớn từ các hiệp định ký kết với Nhật Bản. Đối với Việt Nam, VJEPA là hiệp định song phương đầu tiên Việt Nam ký kết kể từ khi Việt Nam gia nhập WTO. Hiệp định quy định đầy đủ các cam kết trên mọi lĩnh vực như thương mại hàng hóa dịch vụ, di chuyển lao động, đầu tư, sở hữu trí tuệ, cải thiện môi trường đầu tư, thuận lợi hóa thương mại, tiêu chuẩn kỹ thuật, biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm, giải quyết tranh chấp và các nội dung hợp tác kinh tế khác. Đặc biệt, đây cũng là lần đầu tiên Chính phủ Nhật Bản khẳng định sẽ hợp tác chặt chẽ với Việt Nam để sớm công nhận Việt Nam là nước có nền kinh tế thị trường đầy đủ, xác lập quan hệ thương mại bình đẳng giữa hai nước. Song song với việc ký kết Hiệp định VJEPA, hai bên đã ký kết Biên bản ghi nhớ về việc Nhật Bản hỗ trợ Việt Nam phát triển ngành công nghiệp phụ trợ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất linh kiện của Nhật Bản đầu tư tại Việt Nam, đồng thời mở rộng cơ hội liên kết, hợp tác giữa các doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp Nhật Bản trong lĩnh vực này. Hiệp định này sẽ có tác động về kinh tế, xã hội và một số các tác động khác tới Việt Nam. Bên cạnh xu hướng phát triển FTA+1, mục tiêu chung lớn nhất của Nhật Bản cũng như Trung Quốc là hướng đến hội nhập Đông Á, hình thành khu vực thương mại tự do Đông Á, cụ thể bằng một số kịch bản như ASEAN + 3 và ASEAN + 6 (RCEP). Đặc biệt, Trung Quốc sốt sắng với một loạt sáng kiến mang tính đối trọng mà không có sự góp mặt của Hoa Kỳ như “Quan hệ đối tác kinh tế toàn diện khu vực RCEP”, Ngân hàng đầu tư hạ tầng châu Á (AIIB) và dự án “Một vành đai, một con đường”. Tuy nhiên, bức tranh hội nhập của châu Á trở nên sôi động hơn khi Hoa Kỳ đề xuất tham gia đàm phán mở rộng Hiệp định Hợp tác Kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương được ký kết giữa các nước P4 (Singapore, Chile, NewZealand, Brunei) vào ngày 3/6/2005 và kêu gọi nhiều nước khác ngoài P4 cùng tham gia. Có thể nói Hoa Kỳ sử dụng Hiệp định Đối tác Kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) như một bước mở đường cho việc thiết lập khu vực thương mại tự do châu Á - Thái Bình Dương (FTAAP) nhằm tạo ảnh hưởng đến các nền kinh tế đầy tiềm năng phát triển tại Châu Á. Với những kịch bản liên kết của RCEP và TPP, vai trò của Nhật Bản trong tiến trình đàm phán 275
  6. đều có ý nghĩa quan trọng và tạo đối trọng nhằm tái cân bằng quyền lực trên bản đồ địa chính trị thế giới. Năm 2013, Nhật Bản chính thức tham gia vào TPP và sự thành công trong việc đàm phán ký kết hiệp định thương mại tự do thế kỷ XXI (TPP) vào tháng 10/2015 có vị trí như thế nào trong chiến lược hội nhập của Nhật Bản? Biểu đồ 2. Bức tranh toàn cảnh về các hình thức hội nhập khu vực Châu Á - Thái Bình Dương 2. TPP bước đi quan trọng trong chiến lược hội nhập của Nhật Bản Hiệp định Đối tác Kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương mang tính khác biệt về trình độ phát triển giữa các nền kinh tế (từ các nền kinh tế thu nhập trung bình như Peru và Việt Nam đến các nền kinh tế có thu nhập cao như các thành viên OECD (Hoa Kỳ, Úc). Khi Hoa Kỳ chính thức tham gia TPP, quy mô kinh tế của 9 nước thành viên TPP tăng gấp 20 lần (từ 0,9% lên 27% GDP toàn thế giới tính đến tháng 6/2010). Thị phần này sẽ là 39% khi 3 nền kinh tế lớn (Nhật Bản, Canada, Mexico) gia nhập và tạo nên TPP với 12 thành viên và chiếm 25% tổng giao dịch thương mại toàn cầu. So sánh với quy mô của ASEAN +3 (23%), ASEAN +6 (27%) và Liên minh EU (26%), TPP trở thành liên khu vực 276
  7. với quy mô kinh tế, trao đổi thương mại khổng lồ trên thị trường thế giới. Vì vậy, sự tham gia của Nhật Bản vào quá trình đàm phán TPP gây được nhiều sự chú ý nhất, đồng thời cũng tạo xoay chuyển lớn đến chiến lược hội nhập Đông Á. Sự chần chừ của Nhật Bản trong việc tham gia đàm phán TPP Nguyên Thủ tướng Naoto Kan là người đóng vai trò tiên phong trong việc thúc đẩy quá trình gia nhập TPP của Nhật Bản. Trong bài phát biểu của ông trong Hội nghị APEC tại Yokohama đã đề cập “Nhằm xây dựng một môi trường tốt hơn cho sự phát triển, thịnh vượng của các quốc gia trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, các hiệp định đối tác kinh tế và hiệp định thương mại tự do sẽ đóng vai trò quan trọng. Nhưng, chúng ta cũng cần nghiên cứu việc tham gia những đàm phán như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) với mục đích hình thành khu vực Thương mại tự do châu Á - Thái Bình Dương (FTAAP)” (Kan 2010). Trong tuyên bố chung “Tầm nhìn Yokohama - Mục tiêu Bogor và tương lai” với vai trò Chủ tịch Hội nghị của Nhật Bản đã thống nhất “Khu vực mậu dịch tự do châu Á - Thái Bình Dương hướng tới như một hiệp định thương mại tự do toàn diện được xây dựng trên cơ sở các cơ chế hợp tác khu vực hiện có như ASEAN +3, ASEAN +6, TPP”. Tuy nhiên, lời ngỏ của Nguyên Thủ tướng Naoto Kan về việc Nhật Bản nghiên cứu tham gia đàm phán TPP đã không nhận được sự đồng thuận của các đảng trong nước, và dẫn đến gia tăng những xung đột trong xã hội. Rất nhiều chỉ trích hướng về ông Kan và cho rằng những quyết sách mang tính nhất thời của ông sẽ gây hại đến nông nghiệp, lao động, môi trường, dịch vụ công, và rất nhiều khía cạnh khác của đời sống người dân. Hơn nữa, quyết định của ông Kan thực chất là bài toán chính trị nhằm thắt chặt quan hệ Mỹ Nhật và giải quyết các mâu thuẫn với Trung Quốc. Ngược lại, một số chuyên gia thúc giục Chính phủ Nhật Bản nhanh chóng quyết định việc tham gia TPP như một điều tiên quyết sau khi một loạt FTA của Hàn Quốc ký kết với các nền kinh tế lớn như Liên minh châu Âu (EU) và Hoa Kỳ - những thị trường xuất khẩu hàng đầu của Nhật Bản. Bên cạnh đó, thảm họa sóng thần Tsunami gần như nhấn chìm nền kinh tế Nhật Bản, do đó việc gia nhập TPP sẽ giúp nước này đạt được mục tiêu tái cấu trúc nền kinh tế trở nên năng động và tăng tính cạnh tranh. Tiếp nối Cựu Thủ tướng Kan, người kế nhiệm Yoshihiko Noda đã công bố rõ ràng về khả năng Nhật Bản tham gia vào bàn đàm phán TPP tại Hội nghị thường niên APEC tại Honoluu (11/2011). Thủ tướng Noda cho rằng TPP là Hiệp định thương mại tự do đa phương sẽ đem lại lợi ích lớn cho nền kinh tế Nhật Bản, và ngành nông nghiệp sẽ cần khoảng thời gian thích hợp để sẵn sàng ứng phó với sự cạnh tranh quốc tế. Bên cạnh lời tuyên bố này, Thủ tướng Noda cũng đưa ra các hành động cụ thể như thay đổi về thể chế, cô lập các quan chức ra khỏi quá 277
  8. trình xây dựng chính sách (vốn trước đây được liên kết chặt chẽ giữa các chính trị gia và các quan chức chính phủ). Đồng thời, ông lựa chọn Seiji Maehara - Chủ tịch Hội đồng nghiên cứu chính sách và Yoshio Hachiro - Nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Công nghiệp (METI) để thiết lập nhóm dự án xúc tiến TPP và tiến hành nghiên cứu dự báo để sử dụng như một vũ khí phản biện lại phe đối lập trong Nội Các. Tuy nhiên, thách thức lớn nhất của Thủ tướng Noda là giải quyết những mâu thuẫn chính trị sâu sắc giữa các đảng phái trong Nội Các về vấn đề TPP. Tháng 12/2012, Đảng Dân chủ tự do của ông Shinzo Abe đã chiến thắng Đảng Dân chủ của ông Noda trong cuộc bầu cử và lên nắm chính quyền. Chính sách Abenomics của Thủ tướng Abe hay được gọi là chiến lược “3 mũi tên” với 3 trọng tâm chính gồm: thúc đẩy chi tiêu công, nới lỏng tiền tệ và tăng trưởng kinh tế sâu rộng. Chiến lược này nhằm khuyến khích cải cách công nghệ trong mọi lĩnh vực và khuyến khích các hoạt động sáng tạo rộng khắp ở khu vực tư nhân. Chính sách này được kỳ vọng đem đến sự tái sinh cho nền kinh tế Nhật Bản. Trong đó, ông cũng thận trọng trong việc đề cập đến TPP để tránh tạo ra sự chia rẽ trong nội bộ như thất bại của người tiền nhiệm. Tháng 1/2013, ông phát biểu trong một hội nghị quốc tế “Nhật Bản sẽ không tham gia vào TPP cho đến khi những điều ước được xây dựng dựa trên cơ sở cắt giảm tất cả thuế quan mà không có những ngoại lệ”. Điều này được hiểu Nhật Bản có thể tham gia đàm phán để xây dựng luật chơi của TPP, trong đó một số sản phẩm nông nghiệp nhạy cảm vẫn tiếp tục được coi là những ngoại lệ (như gạo, đường). Không có gì đáng ngạc nhiên khi số phiếu ủng hộ cho ông Abe trong vấn đề TPP dần tăng lên, đặc biệt là các thành viên đến từ nhóm tư nhân, sau khi đã chứng kiến những kết quả khả quan từ hai mũi tên chiến lược của ông Abe. Do đó, ông đã tiến đến thực hiện Chiến lược phát triển mới nhấn mạnh vào các nhóm biện pháp để hiện đại hóa lĩnh vực nông nghiệp như: xóa bỏ sự điều tiết của nhà nước, tập hợp đất canh tác nông nghiệp, cho phép các tổ chức có tư cách pháp nhân được đầu tư và hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp. Cuối cùng, phe phản đối TPP đã nhượng bộ bằng việc đề xuất lên danh mục 6 hàng hóa cần được bảo hộ. Trong đó, nhóm các sản phẩm nông nghiệp, được coi là “nhóm bất khả xâm phạm” không được phép đưa mức thuế quan về 0%. Các nhóm khác thuộc về gạo, thị bò, thịt lợn, sữa, lúa mỳ, đường. Cuối cùng, Nhật Bản chính thức tham gia vào đàm phán TPP vào 7/2013. Có thể thấy, TPP chính là “mũi tên thứ ba” (tái cấu trúc) của chiến lược Abenomics. 278
  9. Các nguyên nhân trong quyết định tham gia TPP của Nhật Bản Thứ nhất, các vấn đề trong quan hệ ngoại giao Nhật Bản - Hoa Kỳ. Trước đó, mối bất hòa giữa Hoa Kỳ và Nhật Bản đang có chiều hướng gia tăng khi cả hai bên không đi đến thỏa thuận chung trong việc mở cửa thị trường nông sản khi đàm phán FTA Nhật Bản - Hoa Kỳ (Urata 2011, 102). Nhật Bản mong muốn Hoa Kỳ cắt giảm thuế quan đối với ô tô nhập khẩu (2,5%), xe tải nhập khẩu (25%) trong khi Hoa Kỳ buộc Nhật Bản phải ngừng bảo hộ đối với ngành nông nghiệp, cũng như bảo hiểm. Hơn nữa, chính quyền của Thủ tướng Yukio Hatoyama (nhiệm kỳ 2009-2010) thể hiện quan điểm trọng tâm vào quan hệ Nhật Bản - Trung Quốc và đặt nhiều kỳ vọng cho việc phát triển Cộng đồng Đông Á thông qua ASEAN + 6, cũng như Khu vực mậu dịch tự do Hàn Quốc - Trung Quốc - Nhật Bản mà gần như không đả động đến quan hệ Nhật - Mỹ vốn đang rạn nứt. Vì vậy, việc lựa chọn tham gia TPP sẽ được hiểu như một nỗ lực hàn gắn quan hệ Nhật - Mỹ và kìm hãm quyền lực của Trung Quốc tại châu Á. Thứ hai, luật chơi của TPP đã được định sẵn bởi các quốc gia thuộc khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đặc biệt là Hoa Kỳ, với mục đích hướng đến tự do hóa thương mại cấp độ cao. Do vậy, quyết định thời điểm tham gia TPP sớm của Nhật Bản sẽ rất quan trọng, trừ khi nước này muốn ở trong vị thế bị động chấp nhận luật chơi. Thứ ba, nguyên nhân thứ ba là áp lực lớn của Nhật Bản khi tụt lại sau Hàn Quốc trong tiến trình ký kết FTA. Chính phủ Hàn Quốc đã chủ động đàm phán ký kết FTA với Hoa Kỳ vào năm 2007, với EU vào năm 2010 và Trung Quốc - 3 thị trường xuất khẩu chính của Nhật Bản. Thứ tư, với xã hội có dân số già và tỉ lệ sinh rất thấp như Nhật Bản, nước này không thể phụ thuộc vào cầu nội địa để tăng trưởng kinh tế mà xuất khẩu là cách thức duy nhất thúc đẩy tăng trưởng. Tổng giá trị xuất khẩu của Nhật Bản là 60 tỷ Yên và 1/4 trong số đó là xuất khẩu vào 9 nước thành viên của TPP. Tương tự, tổng vốn đầu tư FDI đổ vào Nhật Bản có 40% đến từ các đối tác nằm trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Do vậy, Nhật Bản muốn tận dụng TPP như một cơ hội để khôi phục vị thế của nước xuất khẩu, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Thứ năm, các con số dự báo sự tăng trưởng kinh tế của Nhật Bản nếu kịch bản gia nhập TPP thành công là một trong những nguyên nhân quan trọng. Theo tính toán của Văn phòng Chính phủ (Văn phòng Nội Các), GDP Nhật Bản kỳ vọng sẽ tăng từ 0,48% lên 0,65%. Kenichi Kawasaki dự đoán nền kinh tế sẽ tăng trưởng 0,8% (tương đương 4 nghìn tỷ Yên). Ngân hàng phát triển châu Á dự kiến con số sẽ là 1%. Nghiên cứu gần đây nhất của Peter A.Petri và Michael G 279
  10. Plummer (Petri 2012, Nikkei, 28/1/2013) cho rằng việc tham gia TPP của Nhật Bản sẽ đẩy GDP nước này tăng thêm 2% trong giai đoạn 10 năm tới, và lượng xuất khẩu tăng thêm 14%. Thứ sáu, PP được coi như đòn bẩy trong việc tái cấu trúc, vực dậy nền kinh tế và tăng tính cạnh tranh cho ngành nông nghiệp của Nhật Bản như đã đề cập trong Chiến lược của Thủ tướng Shinzo Abe. Việc Nhật Bản tham gia vào Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương không chỉ nhằm vào mục tiêu đi đến hiệp định thương mại tự do với đối tác lớn nhất thế giới - Hoa Kỳ, mà hơn nữa còn giúp nước này củng cố sâu sắc quan hệ với các nước thành viên khác, trong đó có Việt Nam. Trong chính sách của Thủ tướng Shinzo Abe, ông đề cập đến ASEAN và Việt Nam là một trong những điểm đến tin cậy và đối tác chiến lược của Nhật Bản trong quá trình hội nhập Đông Á. Vậy quan hệ thương mại Việt Nam - Nhật Bản sẽ thay đổi như thế nào trong bối cảnh hình thành TPP? 3. Quan hệ thương mại Việt Nam - Nhật Bản trong bối cảnh hình thành TPP Sau hơn 30 năm thực hiện chính sách đổi mới và mở cửa, hội nhập kinh tế quốc tế là một trong những chiến lược ưu tiên hàng đầu của Việt Nam, cùng với cải cách thể chế, tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững. Quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam bắt đầu từ năm 1995, khi tham gia chính thức vào ASEAN và tham gia vào các hiệp định thương mại tự do (FTAs) giữa ASEAN với các đối tác ngoài khối. Những cam kết trong các FTAs này dựa trên sự đồng thuận của tất cả các thành viên ASEAN nên mức độ cam kết thường không cao. Đến giai đoạn hiện nay, Việt Nam đã chủ động trong việc tham gia đàm phán ký kết các hiệp định thương mại song phương có mức độ cam kết sâu, phạm vi rộng, nội dung vượt ra ngoài cam kết thông thường về thương mại, dịch vụ và đầu tư mà còn bao gồm cả các vấn đề về thể chế, pháp lý, môi trường, lao động, doanh nghiệp nhà nước, sở hữu trí tuệ, mua sắm chính phủ. Đối tác đầu tiên Việt Nam lựa chọn là Nhật Bản (Hiệp định Đối tác Kinh tế Việt Nam - Nhật Bản ký kết năm 2008). VJEPA là hiệp định song phương đầu tiên Việt Nam ký kết kể từ khi Việt Nam gia nhập WTO. Qua gần 7 năm hiệp định có hiệu lực, quan hệ Việt Nam và Nhật Bản đã phát triển mạnh mẽ và sâu rộng, đem lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp hai nước. Đặc điểm nổi bật trong cơ cấu kinh tế giữa hai nước là sự bổ sung lẫn nhau và ít cạnh tranh đối đầu trực tiếp. Cán cân thương mại song phương tương đối cân bằng. 280
  11. Bên cạnh những tiền đề trong mối quan hệ song phương, đặt trong bối cảnh chung của quá trình hình thành TPP - Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới của các nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong đó Việt Nam và Nhật Bản được đánh giá là hai điểm sáng, TPP sẽ đem đến rất nhiều những cơ hội và thách thức cho quan hệ thương mại giữa Việt Nam - Nhật Bản. Trước tiên, đánh giá về tỉ trọng thương mại giữa Việt Nam và Nhật Bản so với các đối tác khác. Quan hệ thương mại Việt Nam - Nhật Bản giai đoạn 1990 - 2014 Trong những năm 1990, Nhật Bản và Hoa Kỳ là hai đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam, thị phần xuất khẩu của Việt Nam đến hai thị trường này chiếm hơn 75% tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam. Kể từ sau năm 2002, sau khi Hiệp định Thương mại song phương Việt Nam - Hoa Kỳ (BTA) được ký kết, thị phần xuất khẩu của Việt Nam sang Nhật Bản giảm xuống mức 20%, tương ứng thị phần Hoa Kỳ tăng lên nhanh chóng và Hoa Kỳ trở thành thị trường xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam. Ngay cả khi Hiệp định Đối tác Kinh tế VJEPA được ký kết và bắt đầu có hiệu lực năm 2008, giá trị xuất khẩu của Việt Nam tăng từ 8,4 tỷ USD năm 2008 lên 14,7 tỷ USD năm 2014, gần gấp 2 lần; nhưng tốc độ tăng trưởng xuất khẩu có dấu hiệu chậm lại (4,33% năm 2013; 7,87% năm 2014). Tuy vậy, xét trong tổng thể chung, Nhật Bản vẫn giữ vị trí đối tác xuất khẩu lớn thứ hai sau Hoa Kỳ. (Biểu đồ 3) Biểu đồ 3. Thị phần xuất khẩu của Việt Nam theo các đối tác, giai đoạn 1990-2014 Nguồn: The impacts of TPP and AEC on the Vietnamese Economy: Macroeconomic Aspects and the case of livestock sector, VPER (8/2015) 281
  12. Xét về hoạt động nhập khẩu, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Malaysia và Singapore là 4 đối tác nhập khẩu chính của Việt Nam. Trong đó giá trị nhập khẩu từ Nhật Bản đạt mức cao nhất trong các nước TPP (chiếm 32-38,2% trong tổng kim ngạch nhập khẩu từ các nước TPP từ năm 2008-2014). Kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Nhật Bản tăng từ 2,3 tỷ USD lên 12,7 tỷ USD (gấp hơn 5 lần, với tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 16,19%), đặc biệt là năm 2007 (đạt 31,6%) và năm 2008 (đạt 33,1%). Tuy nhiên, thị phần nhập khẩu từ các nước thành viên TPP so với tổng giá trị nhập khẩu của Việt Nam có xu hướng giảm dần qua các năm (từ 39,9% năm 2000, 30% năm 2009 và chỉ còn 23% năm 2014). Nguyên nhân chính của xu hướng này là sự phụ thuộc lớn vào hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Năm 2014, giá trị nhập khẩu từ Trung Quốc ước tính 43,9 tỷ USD, chiếm 29,6% tổng giá trị nhập khẩu, vượt qua tổng giá trị nhập khẩu của cả khu vực TPP. (Biểu số 4) Biểu số 4. Thị phần nhập khẩu của Việt Nam theo các đối tác, giai đoạn 1990-2014 Nguồn: The impacts of TPP and AEC on the Vietnamese Economy: Macroeconomic Aspects and the case of livestock sector, VPER (8/2015) Tổng thể chung, hoạt động xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Nhật Bản có xu hướng gia tăng tích cực và chiếm tỉ trọng lớn trong khối các nước thành viên của TPP. Kể từ năm 2008 đến nay, mức gia tăng của giá trị xuất khẩu nhanh hơn nhập khẩu do vậy cán cân thương mại giữa Việt Nam và Nhật Bản luôn đạt ở 282
  13. trạng thái thặng dư. Mức thặng dư có xu hướng tăng lên từ 691 triệu USD (2011) tăng gấp đôi lên 2004 triệu USD (năm 2014). (Bảng 1) Bảng 1. Tình hình xuất nhập khẩu giữa Việt Nam với Nhật Bản qua các năm Đơn vị: triệu USD 2001 2006 2007 2008 2009 2010 2011 2012 2013 2014 XK 2.509 5.240 6.090 8.467 6.335 7.727 11.091 13.064 13.630 14.704 NK 2.183 4.702 6.188 8.240 6.836 9.016 10.400 11.602 11.614 12.700 CĐTM 0.326 0.538 -0.098 0.227 -0.501 -1.289 0.691 1.462 2.016 2.004 Tỉ lệ NS - - 1.6% - 7.9% 16.6% - - - - Nguồn: Tổng cục Thống kê Cơ cấu hàng hóa của Nhật Bản và Việt Nam mang tính bổ sung, không cạnh tranh. Nhật Bản là nước nhập siêu lớn về thủy sản, mặt hàng công nghiệp tiêu dùng như dệt may, giày da, thực phẩm chế biến trong khi Việt Nam lại là nước có lợi thế cạnh tranh tuyệt đối về các sản phẩm này. Ngược lại, Việt Nam nhập khẩu từ Nhật Bản máy móc, thiết bị, công nghệ và nguyên liệu cho sản xuất. Trong cam kết của VJEPA, các sản phẩm công nghiệp được cam kết giảm thuế từ 6,51% năm 2008 xuống còn 0,4% năm 2019, dệt may xuất khẩu sang Nhật Bản hưởng thuế 0% (giảm từ mức 7%) từ năm 2009. Sản phẩm da giày cũng hưởng thuế 0% trong 5 - 10 năm. Lĩnh vực đem lại lợi ích xuất khẩu lớn nhất cho Việt Nam từ việc thực hiện VJEPA là thủy sản. Nhật Bản sẽ giảm thuế suất đối với hàng thủy sản của Việt Nam từ mức bình quân 5,4% năm 2008 xuống còn 1,31% năm 2019. Vì Nhật Bản là thị trường xuất khẩu thủy sản hàng đầu của Việt Nam nên cam kết này thực sự có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu. Với việc thực hiện VJEPA, Việt Nam chính thức tham gia chuỗi sản xuất, cung ứng hàng hóa, dịch vụ trong khu vực ASEAN với Nhật Bản. Cơ hội và thách thức đặt ra đối với quan hệ thương mại Việt Nam - Nhật Bản trong bối cảnh gia nhập TPP Cơ hội - Với cam kết xóa bỏ toàn bộ thuế nhập khẩu ngay khi TPP có hiệu lực trừ nhóm các mặt hàng có lộ trình 3, 5, 10 năm, tất cả các nước thành viên đều kỳ vọng vào việc thúc đẩy xuất khẩu làm động lực tăng trưởng của nền kinh tế. Nếu 283
  14. hàng hóa xuất khẩu Việt Nam đáp ứng đầy đủ điều kiện xuất xứ trong TPP để hưởng mức ưu đãi 0%, tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam đến các nước thành viên TPP sẽ tăng dự kiến 28,4% tương đương 67,9 tỷ USD, đặc biệt là nhóm mặt hàng dệt may, da giầy tăng thêm 45,9% (theo nghiên cứu của Petri). Trong đó, giá trị xuất khẩu của Việt Nam và hai thị trường lớn Hoa Kỳ và Nhật Bản sẽ càng tăng mạnh trong các ngành như dệt may, da giầy, thủy hải sản. - Nhật Bản có vai trò quan trọng trong việc đa dạng hóa cơ cấu hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam theo hướng chế tạo xuất khẩu, giảm xuất khẩu nguyên liệu thô và tăng sản phẩm chế tạo có giá trị cao hơn. Tham gia TPP là cơ hội tốt nhất để Việt Nam - Nhật Bản xây dựng chuỗi cung ứng đối với các sản phẩm công nghệ cao, sản phẩm công nghiệp là thế mạnh của Nhật Bản, từ đó gia nhập vào chuỗi cung ứng của khu vực và toàn thế giới. Cụ thể, Nhật Bản và Việt Nam đã triển khai thực hiện chiến lược công nghiệp hóa nhằm tăng cường năng lực sản xuất của 4 ngành công nghiệp chủ lực có giá trị gia tăng cao và năng lực cạnh tranh quốc tế (máy nông nghiệp, công nghiệp môi trường và tiết kiệm năng lượng, công nghiệp điện tử và công nghiệp chế biến nông thủy sản). Bên cạnh đó, tạo động lực và sức ép cho doanh nghiệp Việt Nam đầu tư sản xuất theo hướng giảm thuế xuất khẩu nguyên liệu và sơ chế, đầu tư phát triển trên chuỗi giá trị và chuỗi cung ứng, tăng sản phẩm chế biến có giá trị cao. Qua quá trình hỗ trợ Việt Nam đổi mới công nghệ, tăng trưởng năng suất, các doanh nghiệp FDI Nhật Bản cũng được hưởng lợi trực tiếp bằng việc tăng tỉ lệ nội địa hóa nguyên liệu khi sản xuất tại Việt Nam. Hiện nay, tỉ lệ nội địa hóa nguyên liệu linh kiện của Việt Nam là 27,9%, thấp hơn nhiều so với bình quân chung của khu vực ASEAN là 47,8%. - Với những cam kết mở cửa thị trường mạnh hơn, cao hơn so với những cam kết hiện có trong khu vực, Hiệp định TPP buộc Nhật Bản phải chấp nhận cắt giảm thuế quan đối với các sản phẩm nông sản - một mặt hàng có lợi thế xuất khẩu của Việt Nam. So với VJEPA, Nhật Bản đã đồng ý xóa bỏ thuế quan đối với 78% kim ngạch xuất khẩu nông sản Việt Nam. Đây là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản Việt Nam thúc đẩy và khai thác tối đa thị trường Nhật Bản. - Thương mại dịch vụ sẽ tăng nhanh hơn hoạt động sản xuất nhờ vào cấu trúc cam kết cởi mở với các nhóm ngành dịch vụ trong TPP, thậm chí cao hơn đối với các cam kết về dịch vụ trong WTO. Cam kết trong TPP về dịch vụ và đầu tư sẽ có tác dụng tích cực cải thiện môi trường đầu tư của Việt Nam từ đó tạo cơ sở 284
  15. thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài từ các nước thành viên TPP nói chung và Nhật Bản nói riêng. Đặc biệt, nguồn vốn FDI sẽ gia tăng mạnh mẽ trong các lĩnh vực như tài chính - ngân hàng, bất động sản. Ngược lại, Việt Nam cũng có điều kiện vươn ra một số thị trường TPP trong lĩnh vực dịch vụ. - Với quan hệ kinh tế chính trị chặt chẽ giữa Việt Nam - Nhật Bản, đồng thời quan hệ FTA với Hoa Kỳ thông qua TPP và tiến đến FTA Việt Nam - Liên minh châu Âu, Liên minh kinh tế Á Âu sẽ giúp Việt Nam có cơ hội cơ cấu lại thị trường xuất nhập khẩu theo hướng cân bằng hơn. Từ đó, nâng cao tính độc lập tự chủ cho nền kinh tế vốn đang phụ thuộc quá lớn vào Trung Quốc. - Nhật Bản là nước đầu tiên công nhận Việt Nam có thể chế kinh tế thị trường, bởi vậy, Việt Nam có thể tranh thủ uy tín và sự ảnh hưởng của Nhật Bản trong TPP để vận động các nước thành viên (trước hết là Hoa Kỳ) trong việc công nhận quy chế thị trường đầy đủ của Việt Nam. - Chính sách kinh tế đối ngoại của Nhật Bản ngay trong các giai đoạn đều nhấn mạnh vai trò của khu vực tư nhân là động lực chính trong quá trình phát triển kinh tế. Khi TPP chính thức đi vào thực hiện, các tiêu chuẩn cao về quản trị minh bạch và thông thoáng trong bộ máy Nhà nước sẽ giúp Việt Nam tiếp tục hoàn thiện bộ máy pháp quyền theo hướng tinh gọn, trong sạch, vững mạnh, đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường trách nhiệm kỉ luật, kỷ cương và phòng chống tham nhũng lãng phí. Thách thức - Bên cạnh những kỳ vọng thúc đẩy tăng trưởng giá trị xuất khẩu nông sản vào thị trường Nhật Bản trong thời gian tới thì những yêu cầu khắt khe về an toàn vệ sinh, kiểm dịch sản phẩm, chất lượng sản phẩm, cũng như các rào cản phi thuế quan khác sẽ là những thách thức đặt ra cho doanh nghiệp Việt Nam trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm xuất khẩu; tăng nhanh tỷ lệ nội địa hóa nguyên phụ liệu của ngành và giảm thiểu phụ thuộc vào các nhà cung cấp nước ngoài; tăng cường đầu tư phát triển công nghiệp hỗ trợ; đầu tư vào các vùng trồng cây nguyên liệu; phát triển mối quan hệ hợp tác với các nhà sản xuất nước ngoài có công nghệ tiên tiến; quan tâm đào tạo nguồn lực đáp ứng nhu cầu phát triển thị trường; xây dựng chiến lược phát triển liên kết nội khối tạo chuỗi sản xuất lớn để có khả năng nhận những đơn hàng lớn. - Mặc dù mức độ cam kết giữa Việt Nam và Nhật Bản đã cải thiện và giảm thêm 38% mức thuế quan nhưng gạo vẫn là một mặt hàng loại trừ khỏi bàn đàm 285
  16. phán, bởi vậy, phần lớn gạo của Việt Nam được xuất khẩu đến các nước không tham gia TPP như Indonesia, Philipines và Trung Quốc, so với mức xuất khẩu rất khiêm tốn đến Mỹ và Nhật Bản. Tương tự ngành cao su và cà phê cũng là hai ngành hàng xuất khẩu nông nghiệp có ít tiềm năng phát triển thông qua TPP. - Khó khăn trong tiếp cận thị trường nước ngoài do công tác xúc tiến thương mại của Việt Nam còn yếu và mang tính bị động, chi phí tiếp cận thị trường nước ngoài cao nên các doanh nghiệp khó tiếp cận được thị trường nước ngoài. Quá trình chuẩn bị hội nhập kinh tế quốc tế còn hạn chế về mặt thông tin, hướng dẫn. Chất lượng, năng suất của doanh nghiệp Việt Nam còn thấp, trong khi đó 96% tổng số doanh nghiệp Việt Nam có quy mô vừa và nhỏ, thiếu nhận thức về quá trình hội nhập cũng như những cam kết cụ thể trong TPP, mô hình quản trị thiếu tương thích với mô hình quản trị hiện đại của các nước phát triển. Vì vậy, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ khó tiếp cận và tham gia vào chuỗi giá trị cung ứng toàn cầu, thay vì đó những lợi ích này sẽ thuộc về nhóm các doanh nghiệp FDI Nhật Bản (và các nước thành viên khác TPP). - Mức độ cạnh tranh trở nên chồng chéo và gay gắt, cạnh tranh giữa các doanh nghiệp FDI từ Nhật Bản với các nước thành viên TPP, cạnh tranh giữa các doanh nghiệp FDI với các doanh nghiệp trong nước. Tuy nhiên, với lợi thế từ mối liên kết chặt chẽ được xây dựng trong nhiều năm giữa Việt Nam và Nhật Bản và thế mạnh về vốn, công nghệ và chuỗi cung ứng trên phạm vi toàn cầu, các doanh nghiệp FDI Nhật Bản với sự trợ giúp hiệu quả của JETRO thông qua quá trình cập nhật thông tin đã kịp thời mở rộng sản xuất trên địa bàn cả nước để đón đầu sự kiện TPP hình thành. Ngược lại, doanh nghiệp Việt Nam gặp nhiều khó khăn trong việc chủ động tìm kiếm cơ hội, thường chủ yếu gia công cho các doanh nghiệp FDI. Qua quá trình nghiên cứu và phân tích từ những chuyển đổi trong định hướng chiến lược liên kết khu vực của Nhật Bản hướng đến Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), trong đó Việt Nam là một nước có vai trò quan trọng trong chiến lược tạo sự ảnh hưởng đến khu vực Đông Á của Nhật Bản. Dựa trên tiền đề mối quan hệ hợp tác toàn diện Việt Nam - Nhật Bản, mối quan hệ thương mại giữa hai nước đang chiếm tỷ trọng lớn thứ hai so với các nước thành viên trong khối TPP. Tuy nhiên, trong quá trình thực thi các cam kết của TPP, Việt Nam - Nhật Bản không chỉ đón nhận những cơ hội mà hơn nữa là những thách thức chung và riêng biệt ảnh hưởng đến quan hệ thương mại hai nước. 286
  17. Trong đó, các vấn đề đáng lưu tâm và cần được điều chỉnh để tối đa hóa lợi ích từ quan hệ Việt Nam - Nhật Bản như xây dựng lộ trình, đề án nâng cao năng lực cạnh tranh của các sản phẩm nông sản thông qua triển khai hiệu quả các chương trình hỗ trợ của Chính phủ Nhật Bản trong phát triển nông nghiệp. Thứ hai, doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động nghiên cứu và có giải pháp ứng phó với các rào cản phi thuế quan mà Nhật Bản cũng như các nước thành viên TPP sau khi TPP đạt mục tiêu cắt giảm thuế quan hoàn toàn. Thứ ba, Việt Nam cần thích ứng nhanh chóng để trở thành 1 mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Cuối cùng, các vấn đề nội tại bên trong cũng cần nhanh chóng được giải quyết như phát triển ngành công nghiệp phụ trợ hướng đến tăng tỉ lệ nội địa hóa, xây dựng môi trường đầu tư hấp dẫn với tính cạnh tranh bình đẳng đối với doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, công nghiệp hóa và thúc đẩy đổi mới công nghệ đối với các nhóm ngành xuất khẩu chủ lực. Như vậy, mô hình quan hệ thương mại Việt - Nhật là một phần quan trọng trong chiến lược hội nhập toàn diện giữa hai nước trong tiến trình hội nhập khu vực châu Á . TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Hiệp định Đối tác Kinh tế Việt Nam - Nhật Bản. 2. Báo cáo năng lực cạnh tranh doanh nghiệp xuất khẩu 3 nhóm ngành dệt may, thủy sản, điện tử (2011), The Asian Foundation - CIEM. 3. Báo cáo tác động của cam kết mở cửa thị trường trong WTO và các hiệp định khu vực thương mại tự do (FTA) đến hoạt động sản xuất, thương mại của Việt Nam và các biện pháp hoàn thiện cơ chế điều hành xuất nhập khẩu của Bộ Công Thương giai đoạn 2011 - 2015 (2011), MUTRAP. 4. Stiglitz, Joseph và Shahid Yusuf (2001), Suy ngẫm lại sự thần kỳ Đông Á, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội. 5. Ross P. Buckley, Richard Weixing Hu và Douglas W Arner, (2011) “East Asian Economic Integration”, NXB Edward Elgar, USA. 6. Bài phát biểu của Thủ tướng Nhật Hashimoto tại Singapore ngày 14/1/1997. 287
  18. 7. “Japan's role in Southeast Asian Security” by Chaiwat Khamchoo, Pacific Affairs, 9/1991. 8. Asian Developmet Bank (2005), Asian Economic Cooperation and Integration: Progress, Prospects, and Challenges, Asian Development Bank, Manila, the Philippines. 9. Amako, Satoshi, et al, editors (2013). Regional Integration in East Asia. NewYork, United Nations University. 10. Petri, Peter A. and Michael G.Plummer (2012). The Transpacific Partnership and Asia - Pacific Implications. Washington, DC, Peterson Institute for International Economy. 11. VPER (8/2015).The impacts of TPP and AEC on the Vietnamese Economy: Macroeconomic Aspects and the case of livestock sector. Presented in Workshop Workshop: Analyzing the Impacts of Transpacific Partnership (TPP) and ASEAN Economic Community (AEC) on Vietnamese Economy - Impacts on Macro Economy and Livestock Sector. 288
nguon tai.lieu . vn