Xem mẫu

  1. NHỮNG ĐIỂM ĐẶC SẮC TRONG TẢN VĂN CỦA VIỆT LINH TRẦN VĂN QUYẾT Trường THPT Vinh Lộc, Phú Lộc, Thừa Thiên Huế Tóm tắt: Tản văn là một thể loại văn học đã có từ lâu trong lịch sử phát triển của văn học thế giới. Trong những năm gần đây, thể loại này có sự phát triển nở rộ trong đời sống văn học Việt Nam. Đóng góp cho sự phát triển đó phải kể đến nhiều cây bút nữ, trong đó có Việt Linh. Với ba tập: Chuyện mình chuyện người, Chuyện và truyện, Năm phút với ga xép, Việt Linh đã tạo được dấu ấn quan trọng trong dòng chảy của tản văn Việt Nam hiện đại. Việc tìm hiểu những đặc sắc trong tản văn của Việt Linh nhằm góp phần khẳng định phong cách tản văn Việt Linh cũng như những đóng góp của tác giả cho thể loại này. Từ khóa: Tản văn, thể loại, Việt Linh. 1. MỞ ĐẦU Thập niên đầu thế kỷ XXI, thể loại tản văn có sự phát triển khá mạnh mẽ như một sự bùng phát, tạo được sự quan tâm của nhiều giới sáng tác, lý luận phê bình nghiên cứu. Điểm qua những đầu sách về tản văn, người đọc dễ dàng nhận ra nhiều tên tuổi quen thuộc. Đặc biệt là sự xuất hiện những nhà văn nữ thành công ở tản văn, tạo được diện mạo riêng như: Nguyễn Ngọc Tư, Hoàng Việt Hằng, Thảo Hảo, Bích Ngân, Phong Điệp, Đỗ Bích Thúy, Dạ Ngân, Việt Linh,… Việt Linh vốn là một đạo diễn điện ảnh. Trong lĩnh vực điện ảnh, Việt Linh đã có nhiều phim được đánh giá cao. Trong lĩnh vực sáng tác văn học, ngoài truyện phim Ở đây có nắng, Việt Linh còn có ba tập tản văn: Chuyện mình chuyện người, Chuyện và truyện, Năm phút với ga xép. Đọc tản văn của Việt Linh, ta nhận ra có nhiều điểm đặc sắc mang đậm dấu ấn thể loại. 2. NHỮNG ĐẶC SẮC TRONG TẢN VĂN CỦA VIỆT LINH 2.1. Sự phong phú về đề tài, nhân vật Trong tản văn của nhiều cây bút gần đây, đề tài, nhân vật mà tản văn quan tâm khá rộng. Bởi đây là thể loại ngắn, có khả năng phản ánh kịp thời cuộc sống với muôn mặt của nó. Nổi bật trong nhiều trang viết của Việt Linh là cảnh quan văn hóa dân tộc; lối sống, phong tục văn hóa của nhiều vùng đất trên thế giới; cuộc sống người Việt xa xứ… Trong nhiều bài viết, tác giả gửi gắm những suy tư, sẻ chia với bao phận người nơi phố thị, chốn làng quê; cũng có nhiều tản văn gợi nhiều suy ngẫm về tình yêu, hôn nhân, tình cảm gia đình… Nhân vật trong tản văn Việt Linh gồm nhiều tầng lớp, nhiều thành phần, đại diện cho muôn lớp người trong xã hội, Đông lẫn Tây. Ở đó, ta bắt gặp chân dung của giới trí thức, những chính khách lớn, những nhà làm phim, những nghệ sĩ; lẫn những người lao động bình thường; và cả những người thân yêu của tác giả. Họ hiện lên qua trang sách của Việt Linh có khi bằng những cái tên cụ thể quen thuộc, có khi chỉ là những kí hiệu viết tắt, hoặc chỉ là những đại từ nhân xưng phiếm chỉ. Nhiều nhân vật hiện lên qua trang sách của chị như những mảnh vỡ không tên, những lát cắt thân phận. Với niềm đam mê nghề điện ảnh, với điều kiện được làm việc với nhiều nghệ sĩ lớn, được đi dự liên hoan phim nhiều nơi, Việt Linh đã có nhiều bài viết về nghề, về giới nghệ sĩ rất sâu sắc (Cannes - thế giới như nó là, Hoàng Cầm sương khói, Bà chúa của Sơn Nam, Phải có ai dám mở cửa, Giã từ bố Vũ, Hai thế giới và ông đạo diễn 95 tuổi, Sử mình qua phim người…). Tất cả 17
  2. TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM – ĐẠI HỌC HUẾ CYS 2016 những bài viết về điện ảnh đã thể hiện được tấm lòng của một nghệ sĩ lớn luôn đam mê với nghề nghiệp. Nhiều tản văn của Việt Linh thể hiện sự quan tâm đến cuộc sống người Việt trên đất khách. Không chỉ sinh sống, làm việc ở Pháp, Việt Linh từng được mời tham dự nhiều cuộc liên hoan phim quốc tế ở nhiều nước. Chính vì thế mà nữ đạo diễn - nhà văn có điều kiện gặp gỡ, tiếp xúc, tìm hiểu và cảm thông với đồng hương ở nhiều nơi trên thế giới. Những bài tản văn như: Giữa Paris gặp các cụ Thái Bình, Chợ Việt trên đất Nga, Ngồi giữa trần gian, Con côi của đế chế, Bèo không dạt,… đã thể hiện cái nhìn thiện cảm và đầy chia sẻ của Việt Linh với người Việt xa xứ. Những trang văn của Việt Linh thấm đượm tình cảm quê hương qua những hình ảnh rất đời thường: “Bạn sẽ làm gì giữa đêm khuya bê tông Paris, khi phải nhìn thấy cận cảnh tô phở nóng Lý Quốc Sư và đĩa quẩy giòn ươm bên cạnh? Bạn sẽ làm gì giữa bê tông Paris khi phải nghe thấy tiếng xì xụp chất nước trong veo bún bò Huế? Thấy cách pha chế tô mì Quảng, thấy những giọt nước mắm chảy từ chai ra chén với một chút tỏi trắng, một chút ớt đỏ, một chút chanh xanh, một chút đường…?” [6, tr. 247]. Trong nhiều tản văn của Việt Linh, ta còn cảm nhận những thức nhận đầy suy tư của tác giả về những vấn đề muôn mặt của cuộc sống đời thường. Có khi đó là sự ngợi ca tình người, tình nghĩa thủy chung, tình bạn không biên giới (Maxima và ba mươi ngàn bông hoa, Miễn là ta tự biết, Làm ơn Tây làm phước ta, Luân hồi hạn hán cơn mưa, Câu hát cánh diều,…). Ở đó, còn có nhiều nhân vật bình dị, đôi khi chỉ thoáng qua trong những trang văn của Việt Linh như những lát cắt, nhưng những câu chuyện thoáng qua trong cuộc đời họ cũng đã để lại nhiều ấn tượng, nhiều day dứt suy ngẫm trong lòng người đọc. Đó là một những đứa con thiếu sự quan tâm đầy đủ của cha mẹ (Chiếc hộp đã đầy); là những người phụ nữ muốn khẳng định tiếng nói nữ quyền (Ba tiếng chuông nữ quyền), khát khao muốn có sự hòa hợp cảm xúc trong đời sống gia đình (Cò đã bay đi), hoặc vì không chịu nỗi những uất ức về tinh thần mà phải tìm đến cái chết (Quấy rối tinh thần)… Cũng có nhiều bài viết thể hiện sự trăn trở về thân phận, những thương lo cho kiếp người gian khổ; những ưu tư lo lắng trước những điều xấu xa, thấp hèn (Thăm thẳm Sophia, Viển vông bóng đèn, Keiko giờ ra sao, Phù sa kí ức,…). Điều đáng nói là cho dù viết về đề tài gì, người đọc cũng nhận thấy tản văn của Việt Linh tha thiết tình yêu thương con người với tất cả sự trân quý, sẻ chia và cả buồn đau, day dứt trước những phận người gian truân. Như Việt Linh từng tâm sự: “Khi viết tôi không nghĩ đến địa lý hay cái gì đó tương tự, tôi chỉ nghĩ đến những gì liên quan tới con người… Tôi nhìn thấy thế giới ngày một “phẳng”, nhưng tôi tin không bao giờ nó “phẳng” đến tận cùng. Nó sẽ vẫn còn những hố, những hang hốc… Để chi? Để con người không trơn tuột, để nghệ sĩ còn có chuyện làm, để nghệ thuật còn ý nghĩa” [7, tr. bìa 2]. 2.2. Kết cấu tự do Nói đến kết cấu của tản văn là nói đến tính linh hoạt. Nhìn từ đặc trưng thể loại, tản văn của Việt Linh hết sức tự do về mặt kết cấu. Có lúc nhà văn tổ chức văn bản theo kết cấu tuyến tính nhưng đa phần tản văn của Việt Linh sử dụng hình thức kết cấu phân mảnh với nhiều miếng, đoạn lắp ghép linh hoạt, hoặc có khi tác giả sử dụng kết cấu liên văn bản. Kết cấu tuyến tính là dạng kết cấu quen thuộc của văn xuôi truyền thống. Kết cấu này được trình bày theo trình tự thời gian. Các sự kiện được kể như níu kéo nhau, cùng tập trung nói về một nhân vật/tuyến nhân vật hay một chủ đề nhất định nào đó. Đặc điểm của lối kết cấu này là sự thể hiện tính liên tục trong mạch chuyện, dễ theo dõi nội dung ý nghĩa của câu chuyện mà nhà văn phản ánh. Trong bài Bác Phêđo, toàn bộ câu chuyện tập trung kể về nhân vật Bác Phêđo, một diễn viên người Nga đã nhiệt thành, có tâm với nghệ thuật và sống tình cảm. Câu chuyện 18
  3. KỶ YẾU HỘI NGHỊ KHOA HỌC TRẺ 2016 11/2016 được kể qua nhiều thời đoạn tuyến tính “năm 1984, Phêđo xuất hiện trước mắt tôi… Nhiều năm sau khi tôi trở về nước…”, nhằm nhấn mạnh, dẫu thời gian trôi qua nhưng tình cảm của những con người không biên giới ấy vẫn không hề thay đổi. Với kết cấu tuyến tính, việc dẫn dắt câu chuyện theo mạch thời gian là điều dễ thấy, nhưng điều làm nên sức hấp dẫn, kết nối người đọc vào câu chuyện chính là ở mạch cảm xúc miên man, là sợi dây tình cảm bền chặt của những người trong cuộc. Bên cạnh kiểu kết cấu tuyến tính, trong tản văn của Việt Linh phổ biến dạng kết cấu phân mảnh. Kết cấu phân mảnh hay còn gọi là kết cấu mảnh vỡ (fragmentation), là kiểu kết cấu quen thuộc của văn chương hậu hiện đại. Với lối kết cấu này, câu chuyện có sự phân rã thành nhiều mảnh chuyện nhỏ. Mỗi mảnh chuyện nhỏ như mỗi miếng ghép, mỗi mảng màu khác nhau cùng làm nên vẻ đẹp của bức tranh đời sống hay cùng hướng đến làm rõ chủ đề của tác phẩm. Cấu trúc của văn bản Ba tiếng chuông nữ quyền [8, tr. 38] phân ra ba mảnh được lắp ghép phi logic. Mảnh ghép thứ nhất là “Cô” - một người phụ nữ ở tỉnh lẻ của Việt Nam, tuổi đã 63, chồng mất sớm, con cháu đề huề, quyết định tái hôn cùng một công nhân Tây về hưu, dám “đi ra khỏi lũy tre an phận, một mình xa tít, khi tuổi xế chiều”. Mảnh thứ hai là “Chị” - một người phụ nữ ở Sài Gòn, tuổi 45, hôn nhân nguội tắt và quyết định tái hôn với một ông Tây bảnh bao đã về hưu. Nhưng rồi cuộc đời không như mơ ước, cô lại gặp bất hạnh với mối duyên mới và chỉ mong có một công việc có thể vùi vào đó “để ít phải ở nhà với ông ta”. Mảnh thứ ba - “Và em”, một người phụ nữ trẻ, có chồng là cán bộ doanh nhân, đời sống hôn nhân “lạc nhịp” nhưng cứ “để khuất qua giữa muôn trùng bổn phận”, để rồi khi “con cái phương trưởng” đành chấp nhận “đổi quan hệ phu thê thành bạn hữu”. Mỗi mảnh là một câu chuyện về cuộc đời, số phận, hôn nhân, tình yêu, quyền sống của ba người phụ nữ. Ba mảnh đời riêng lẻ ghép bên nhau làm bật lên tiếng nói nữ quyền. Ngoài ra, trong tản văn của Việt Linh, ta còn bắt gặp dạng kết cấu liên văn bản. Kết cấu liên văn bản là một khái niệm do Kristeva đưa ra năm 1967 và nó đã trở thành một trong những thuật ngữ cơ bản trong việc phân tích tác phẩm nghệ thuật hậu hiện đại. Đến lượt mình, R. Barthes đã cung cấp cho khái niệm liên văn bản một định thức mang tính quy phạm hóa: “Mỗi văn bản là một liên văn bản; những văn bản khác có mặt trong nó ở các cấp độ khác nhau dưới những hình thái ít nhiều nhận thấy được: những văn bản của văn hóa trước đó và những văn bản của văn hóa thực tại xung quanh” [2, tr. 445]. Lê Huy Bắc khẳng định: “Chủ nghĩa hậu hiện đại xem văn bản được viết ra là giao điểm của vô vàn văn bản. Theo thời gian, đó là văn bản của quá khứ, của thực tại và cả tương lai. Theo không gian đó là văn bản của từng vùng miền. Theo thể loại, đó là văn bản gồm cả truyện, thơ, kịch. Theo loại hình, đó là văn bản của cả văn chương, hội họa, kiến trúc… Theo văn hóa, đó là văn bản đa văn hóa của nền văn hóa trên trái đất” [3, tr. 43]. Từ những ý kiến trên ta có thể khẳng định dạng kết cấu liên văn bản xuất hiện khá nhiều trong các tản văn của Việt Linh. Trong đó sự đan xen, lồng ghép của nhiều đoạn văn bản thơ, kịch, tóm tắt phim, thư, phỏng vấn báo chí, lịch sử,… Tiêu biểu như: Con côi của đế chế (phỏng vấn báo chí), Con khóc mẹ mừng (thư - email), Thư Paris (thư trong thư), Thu Cúc đi kiện (phim ảnh), Gặp nhà thơ trong điện ảnh (phỏng vấn - báo chí), Bà chúa của Sơn Nam (tiểu thuyết), Nhân một người ra đi (thư), Cò đã bay đi (kịch, nhạc ráp), Sử mình qua phim người (lịch sử, điện ảnh)… Tản văn Việt Linh còn có sự đan xen nhiều văn bản trong một bài. Đọc bài Những người lớn khóc, ta suy tư cùng Việt Linh với bài thơ Phản ứng của Trương Quế Chi mà tác giả đã khéo léo đan cài trong bài viết của mình, đọng lại những câu: “Một đứa trẻ/ Ngồi khóc/ Chờ người lớn dỗ dành/ Những người lớn ngồi khóc/ Hoang mang/ Vì không biết phải mang tới những gì cho đứa trẻ thôi khóc”[8, tr. 212]. Sau những vần thơ mở đầu đó, tác giả đã lắp ghép thêm những câu 19
  4. TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM – ĐẠI HỌC HUẾ CYS 2016 chuyện nhỏ khác như câu chuyện những thiếu niên ngồi ở quán cà phê sát Hồ Gươm lừa bố mẹ xài tiền như nước vì có bố là đại gia; chuyện bé Quốc Linh 3 tuổi ở Thanh Hóa bị chính cha mình tưới xăng đốt; chuyện những cô giáo của một trường mầm non ứng xử máy móc, nhẫn tâm khi nhốt những bé con trong phòng không cho ra sân xem xiếc vì bố mẹ các cháu chưa đóng tiền;... Đọc bài Mầm nắng, ta cùng tác giả cảm nhận bài thơ cùng tên của Đinh Vũ Hoàng Nguyên, trong đó có những câu thơ trữ tình như: “Bụng mẹ kết thành đêm/ Ủ hạt mầm nắng ngủ/ Nơi bầu đêm con thở/ Nắng của đời ba xanh…”[8, tr. 172]. Sự kết hợp những câu thơ như vậy cùng với việc thuật lại câu chuyện đầy tình cảm của “người nghệ sĩ ẩn danh, đoản mệnh” đã tạo được sự đồng cảm sâu sắc trong lòng người đọc. 2.3. Nghệ thuật trần thuật nhiều điểm nhìn Trần thuật là “phương diện cơ bản của phương thức tự sự, là việc giới thiệu, khái quát, thuyết minh, miêu tả đối với nhân vật, sự kiện, hoàn cảnh, sự vật theo cách nhìn của một người trần thuật nhất định” [4, tr. 364]. Nói đến nghệ thuật trần thuật không thể không nói đến cách kể chuyện sinh động với nhiều ngôi kể, nhiều điểm nhìn khác nhau. Hoàng Ngọc Hiến cho rằng: “Tản văn bộc lộ trực tiếp cái tôi của người viết, nhưng khác với cái tôi tác giả ở một số thể loại ký, người viết tản văn có tâm thế nhàn tản, cái nhàn của một con người tự “ngộ” biết vượt lên thế cuộc hiện sinh tìm tới lẽ trường tồn cao diệu của đời sống nhân loại” [1, tr. 56]. Có lẽ chính vì vậy mà rất nhiều tản văn của Việt Linh chọn nghệ thuật kể chuyện từ ngôi thứ nhất - cái tôi tác giả. Kể chuyện theo ngôi thứ nhất có hai dạng. Một là, dạng nhân vật xưng tôi và kể lại câu chuyện của chính bản thân mình. Tác giả kể về những câu chuyện vui buồn của mình như một lời tự thuật. Ở dạng này, mỗi mảnh chuyện như một mảnh hồi ký hay tự truyện của chính tác giả (Đi quán gặp tình, Bà chúa của Sơn Nam, Giã từ bố Vũ, Bèo không dạt, Chuyến đi đầu tiên của Thắm, Cuối năm săm soi hạnh phúc,…). Hai là, nhân vật có thể xưng tôi, có thể dùng đại từ “chị”, “người viết” để bày tỏ cái tôi trực tiếp của mình trước một đối tượng, sự việc nào đó, cũng có khi “tôi” là một nhân vật phụ trong câu chuyện, đối thoại với một nhân vật chính khác (Hai thế giới và ông đạo diễn 95 tuổi, Hãy để thời gian có thì giờ, Nhân kiều, Sao dời cũng đâu có sao, Vẫn còn một sợi dây, Xuân sang nhớ cây…). Ngoài hình thức kể chuyện từ ngôi thứ nhất, trong nhiều tản văn của Việt Linh còn có cách kể chuyện đa ngôi - nhiều điểm nhìn. Ở bài Chị sẽ không xin lỗi em, tác giả đã nhập thân vào nhân vật Hoài, miên man trong những dòng thư gửi cho một người em cùng cha khác mẹ ở nước ngoài, để rồi ta cảm nhận những thao thức vui buồn, những sẻ chia của chị với nhân vật. Có bài tác giả sử dụng ngôi kể thứ ba, đứng bên ngoài để quan sát, tưởng như phản ánh khách quan câu chuyện của người khác nhưng lại rất đồng cảm với nhân vật trong câu chuyện mình kể (Con của người tu). Có khi tác giả ẩn tàng sau mỗi chuyện để rồi gửi lại trong đó một nụ cười hài hước gợi nhiều suy ngẫm cho người đọc từ những điều tưởng như nhỏ nhặt (Xe đạp lêu lêu). Cũng có khi tác giả đứng từ góc nhìn điện ảnh, lịch sử, văn hóa… để nhìn nhận, đánh giá con người sự việc liên quan đến đời sống, tư tưởng nào đó. Như bài Điện ảnh riêng tư, tác giả kể lại bước đường dẫn đến thành công của nữ đạo diễn trẻ người Nhật Naomi Kawase. Từ góc nhìn điện ảnh, tác giả đã cảm nhận từ kịch bản, những động thái, những kĩ thuật và cả tài năng điều khiển dàn diễn viên không chuyên… để rồi thầm cảm phục và ngợi ca tài năng của người đồng nghiệp không biên giới với những thành công đáng ngưỡng mộ. Điều đáng nói là không phải cứ bài tản văn nào là theo một điểm nhìn nhất định mà có khi trong một bài có nhiều góc nhìn khác nhau, nhất là những bài với dạng kết cấu phân mảnh. Đặc điểm của những dạng bài này là lắp ghép, xâu chuỗi từ những mẩu, những mảnh chuyện nhỏ từ Đông sang Tây, từ quá khứ đến hiện tại, từ nghề này sang nghiệp nọ nên tác giả linh hoạt trong 20
  5. KỶ YẾU HỘI NGHỊ KHOA HỌC TRẺ 2016 11/2016 việc chọn điểm nhìn tương ứng với từng đối tượng. Tản văn Đẹp ơi, đừng đi… tác giả xâu chuỗi năm mảnh chuyện nhỏ với những góc nhìn khác nhau, kiểu như nhà nhiếp ảnh chụp những bức ảnh bất chợt trên những nẻo đường tác nghiệp. Tản văn thường “bộc lộ trực tiếp tình cảm, ý nghĩ mang đậm bản sắc cá tính của tác giả” [4, tr. 293]. Thế nên, cho dù đứng ở góc nhìn nào, ta cũng thấy tản văn nói chung và tản văn của Việt Linh nói riêng cũng luôn thể hiện một cái nhìn, một sự phản ánh của tác giả về đời sống con người, qua đó, bộc lộ tư tưởng, tình cảm, quan điểm của nhà văn dù trực tiếp hoặc gián tiếp. 2.4. Ngôn ngữ và giọng điệu Ngôn ngữ chính là chất liệu, là phương tiện của văn học. M.Gor-ki từng nói: “Ngôn ngữ là yếu tố thứ nhất của văn học” [4, tr. 215]. Không chỉ thế, ngôn ngữ còn là nơi ghi lại dấu ấn văn hóa, khẳng định tài năng, phong cách, cá tính sáng tạo của nhà văn. Trong nhiều tản văn của Việt Linh, ngôn ngữ có sự đan xen giữa chất trữ tình và chất thô mộc đời thường. Chất trữ tình có thể hiểu là sự “bộc lộ những cảm xúc, chiêm nghiệm, suy tưởng” của chủ thể, “nghĩa là con người tự cảm thấy mình qua những ấn tượng, ý nghĩ, cảm xúc chủ quan của mình đối với thế giới và nhân sinh” [4, tr. 373]. Làm nên chất trữ tình cho tản văn không chỉ ở cảm xúc chủ quan mà còn ở lời văn hàm súc, giàu chất thơ và câu chuyện được nói tới cũng đượm chất trữ tình. Còn chất thô mộc đời thường là sự dung dị, gần gũi của ngôn ngữ. Ở đó, nhà văn có thể sử dụng ngôn ngữ lời ăn tiếng nói hàng ngày một cách có chọn lọc theo ý đồ riêng của mỗi tác phẩm. Đọc tản văn của Việt Linh, ta nhận thấy có nhiều bài lời văn giàu hình ảnh, giàu nhịp điệu đôi khi như một bài thơ văn xuôi: “Nếu như chỉ lúc này đây ta mới chợt bình tâm, biết vượt thoát những ám ảnh đen tối trong quan hệ, trong hành xử… thì âu cái tuổi heo may cũng đáng quý, đáng yêu như bước ngoặt của một trang đời mới. Nghĩ thế chăng mà lòng bỗng nhiên thanh thản, khi phải nhìn lại những làn tóc trắng, khi phải thêm một lần nghe tiếng thời gian” [6, tr. 48]. Nhưng cũng có nhiều bài được xây dựng từ những lớp đối thoại của những con người bình dị trong cuộc sống đời thường, hay có khi là những dòng kể miên man. Ở đó có sự đan xen hai yếu tố trữ tình và thô mộc với những mức độ đậm nhạt khác nhau: “Hôm trước tao vừa mua con điện thoại Vertu ở 65 phố Hàng Bún. Hơn 200 củ, đẹp mê hồn nhưng chưa dám dùng vì sợ bà già biết lại la mắng”. Tiếng cô bé ngồi cạnh: “Sao phải sợ? Bà ấy sợ anh thì có. Anh mà bỏ đi một ngày thì bả khóc hết nước mắt” [8, tr. 211]. Cứ như vậy, những dòng miên man về một câu chuyện rất đời thường với một thứ ngôn ngữ dung dị được Việt Linh chuyển tải đến người đọc và gửi gắm vào đó một cái nhìn đầy lo âu để người đọc tự nhận ra những điều bất bình thường trong cuộc sống. Ngôn ngữ tản văn của Việt Linh còn mang đậm màu sắc ngôn ngữ báo chí. Có thể nói, ngôn ngữ đậm chất báo chí là một đặc điểm quen thuộc trong hầu khắp những tập tản văn hiện nay. Cũng bởi lẽ, tản văn hiện nay đa phần được các nhà văn đăng trước ở các báo, cũng có thể, điều này quan trọng hơn, vì ở nhiều tản văn vẫn có chứa nội dung mang tính thông tin của báo chí, như viết về các sự kiện thời sự, các nhân vật của lịch sử, của công chúng… Ta dễ dàng tìm thấy nhiều thông tin thời sự, nhiều tin tức, thậm chí có nhiều bài mang đậm chất phóng sự, ký sự trong nhiều tản văn của Việt Linh. Ví như bài Biên giới của tình thương, sau tiêu đề là phần dẫn đề - “Chẳng biết ngẫu nhiên sao, chỉ trong vòng hai tháng, nước Pháp lại xảy ra liên tiếp ba sự kiện liên quan đến tình cảm cha mẹ, mở màn cho các cuộc tranh luận lớn xung quanh lĩnh vực luân lý, luật pháp…”[6, tr. 122]. Và sau lời dẫn mở đầu đó, tác giả kể lại ba câu chuyện với ba đề mục: Câu chuyện thứ nhất, Câu chuyện thứ hai, Câu chuyện thứ ba. Bằng lối kết cấu phân mảnh, 21
  6. TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM – ĐẠI HỌC HUẾ CYS 2016 lắp ghép, ở mỗi câu chuyện được kể đều mang tới cho người đọc những thông tin về sự kiện, con người, thời gian, địa điểm cụ thể. Mới đọc thoáng qua, ta có cảm nhận nó như một bản tin: “Ngày 03.8.2003, sau cuộc thi đấu quần vợt ở miền Tây Nam nước Pháp, Alexandre Lagadere, hai mươi lăm tuổi đã tử nạn do lạc tay lái. Kiểm tra thi thể nạn nhân, người ta tìm thấy lượng Témesta (một loại thuốc an thần) khá lớn. Câu hỏi được đặt ra, và câu trả lời khiến người ta choáng váng: Alexandre đã bị cha của đối thủ - Christophe Fauviau - bỏ Témesta vào nước uống!…” [6, tr. 123]. Ta nhận ra ở đây cách viết ngắn gọn, nêu bật được sự kiện, thông tin khá đầy đủ, đáp ứng được sự quan tâm của công luận. Đằng sau mỗi câu chuyện, tác giả đều bày tỏ những suy nghĩ về nhân tình thế thái, đặc biệt có những liên tưởng sâu sắc, kiểu như: “Christophe Fauviau bị bắt kéo theo hàng chục đơn tố cáo: hầu hết các vận động viên tranh giải với các con ông trong hai năm gần đây đều cảm thấy hoa mắt, buồn ngủ… khi thi đấu. Đến nay ông bố Fauviau chỉ thú nhận ba trường hợp, nhưng những con số không làm thay đổi bản chất một “tình thương” lạc lối”[6, tr. 122]. Bài Khu vườn ký ức, chất ký sự, phóng sự khá đậm nét trong cách đặt đề mục, lời dẫn, từng đoạn văn miêu tả, ghi chép: “Bạn đừng ngạc nhiên khi mới đến Paris, ngoài những danh thắng, có ai đó, như tôi chẳng hạn, rủ bạn đi thăm… nghĩa địa. Đó là: “nghĩa trang Pere Lachaise”; “Di cốt của 147 chiến sĩ Công xã Paris bị bắn chết ngày 28 tháng Năm năm 1871 cũng được chôn dưới bức tường Công xã nằm ở phía Nam nghĩa trang. Vì ý nghĩa đặc biệt của bức tường này, Père Lachaise trở thành nghĩa trang được lựa chọn để chôn cất phần lớn lãnh đạo cánh tả Pháp và là nơi làm lễ kỷ niệm hàng năm của những người cánh tả…” [7, tr.113]. Đi liền với ngôn ngữ là giọng điệu. Theo M.B. Khravchenko: “Đề tài, tư tưởng, hình tượng chỉ được thể hiện trong một môi trường và giọng điệu nhất định đối với đối tượng sáng tác” [5, tr. 167]. Giọng điệu phản ánh lập trường xã hội, thái độ tình cảm và thị hiếu thẩm mỹ của tác giả; có vai trò rất lớn trong việc tạo nên phong cách nhà văn và tác dụng truyền cảm cho người đọc. Tản văn thập niên đầu thế kỷ XXI đa dạng về giọng điệu. Tản văn của Thảo Hảo thiên về giọng hài hước, châm biếm mỉa mai những cái xấu của xã hội, dửng dưng mà sắc lạnh. Giọng điệu trong tản văn của Đỗ Bích Thúy giàu chất trữ tình - triết lý, chậm rãi mà thiết tha. Giọng cảm thương, chia sẻ trở thành giọng chủ trong tản văn Nguyễn Ngọc Tư. Giọng điệu tản văn của Việt Linh nhiều sắc thái, vừa đậm chất cảm thương, vừa mang chất giọng hài hước, đan xen chất giọng triết lý, suy nghiệm. Giọng cảm thương, chia sẻ, trải dài trong nhiều tản văn của Việt Linh khi viết về những người Việt vật lộn với cuộc sống mưu sinh trên đất Nga, đất Pháp, trên mảnh đất Việt thân thương; đôi khi cũng cảm thương cho những phận người nhỏ bé, bất hạnh khắp nơi trên thế giới. Ở bài Cảm ơn người lạ, tác giả bày tỏ cảm xúc lắng đọng đầy chân thành của mình với một giọng điệu đằm thắm, yêu thương, chứa đựng nhiều rung cảm đối với người đọc: “Đã lâu, mà khi đọc lại những dòng chữ này tôi vẫn còn rưng rức. Nickname Binhbong mà về sau tôi biết tên là V.A đã nói giùm tôi và những người xa xứ cái khắc khoải quy hương mà không phải ai cũng có cơ hội”…, [7, tr. 19]. Ở bài Thăm thẳm Sophia, ta cảm nhận giọng điệu cảm thương chân thành nhưng cũng đầy xót xa trước cuộc sống của một bé gái mồ côi. Tác giả đã bộc lộ nhiều lo âu, thương cảm cho Sophia: “Foyer là dạng ký túc xá dành cho những đứa trẻ bị phụ huynh né tránh, những đứa trẻ “khó dạy”, ở biên giới hư hỏng. Là nơi đứa trẻ phải về sau buổi học, thay vì trở lại với gia đình. Tóm lại, là nơi chốn của cô đơn, của mặc cảm đen mà đứa trẻ sẽ mang theo khi bước vào đời…”[7, tr. 34]. Tản văn Việt Linh còn có rất nhiều bài mang chất giọng hài hước. Giọng hài hước trong nhiều tản văn của Việt Linh thường mang nụ cười đôn hậu hoặc cũng có khi chê bai những thói xấu của con người ở đâu đó trên mỗi bước hành trình Đông - Tây của tác giả. Ở bài Dấu nặng và 22
  7. KỶ YẾU HỘI NGHỊ KHOA HỌC TRẺ 2016 11/2016 nụ cười ông già không chỉ là cái cười nhẹ nhàng, cảm thông về một lỗi nhỏ trên bảng hiệu tiếng Việt mà còn đan xen giọng buồn thương chia sẻ với cuộc đời, tình người. Cái cười phát ra khi cái bảng hiệu Chợ Đông Dương bị thiếu dấu nặng và dấu sắc sai chỗ thành bảng hiệu Chó Đông Dương. Nhưng đằng sau tiếng cười đó là một tấm lòng: “Thương quốc ngữ, vừa không đành lòng để cái sai buồn cười tiếp tục, tôi nói điều này với người phụ nữ thu ngân khá sõi tiếng Việt. Chị lính quýnh bước ra xem, cười ngất, lính quýnh gọi T. a, T. ơi!” [7, tr. 207]. Cũng có khi tác giả cười vào cả cái xấu xa của những cảnh đời trớ trêu, những chuyện thật như đùa. Như khi đọc bài Ai chui xuống gầm bàn? Tác giả kể lại câu chuyện đọc được trên báo Tuổi Trẻ online. Bài báo kể chuyện một trường Tiểu học ở Cai Lậy mỗi khi trời mưa cả cô và trò phải chui xuống gầm bàn vì sợ phòng sập. Tác giả đã buông lời cảm thán - “Thật khó tin đây là thảm cảnh giáo dục của thời đại chúng ta, thế kỷ 21, ở một ngôi trường đồng bằng không xa xôi hẻo lánh”. Và rồi nghiêm khắc đặt những câu hỏi sắc lạnh: “Ai thực sự chui xuống gầm bàn của thế hệ tương lai đất nước?” [7, tr. 400]. Ngoài giọng điệu cảm thương, hài hước, tản văn Việt Linh còn có nhiều bài mang giọng triết lý đầy suy ngẫm. Ở đó, nhiều khi đọc mỗi trang văn, mỗi mảnh ghép về cuộc đời, số phận của con người, tác giả đều để lại nhiều suy ngẫm cho người đọc. Đó là thứ triết lý không khô khan mà rất thực tế, hiện hữu qua những câu chuyện, cảnh đời sinh động trước mắt. Triết lý về hạnh phúc, tình yêu, hôn nhân, gia đình, sự đối xử giữa người với người, hay những trăn trở về những vấn đề muôn mặt của cuộc sống thường nhật. Có khi đó là những triết lý suy ngẫm về nghề điện ảnh liên quan đến xã hội như bài Chơi tới cùng. Tác giả kể về sự thành công của bộ phim cùng tên của đạo diễn trẻ Peter Cattaneo - nó như là “một vở bi hài kịch lớn của xã hội Anh”. Theo tác giả: “The full monty (Chơi tới cùng) quyến rũ người xem bởi tính trào lộng nhân ái, bởi sự hòa giao tuyệt đối giữa hư cấu và hiện thực… là sự dấn thân vào cuộc sống, chia sẻ tâm trạng, bức xúc của con người trong giai đoạn khủng hoảng”[6, tr. 312]. Từ đó, tác giả đã khẳng định sự thành công của điện ảnh Anh: “Rõ ràng chỉ cuộc sống, sự đối diện - dù gián tiếp - với cuộc sống mới mang lại cho nó cái hồn thật sự”. Đó phải chăng cũng là một giọng điệu triết lý về nghề? 3. KẾT LUẬN Tản văn là thể loại đang tạo được dấu ấn trên dòng chảy văn học hiện nay. Nhiều cây bút cả chuyên lẫn không chuyên đang thử sức và bước đầu đã tạo được thành công. Với ba tập sách dày dặn Chuyện mình chuyện người, Chuyện và truyện, Năm phút với ga xép, Việt Linh thật sự đã tạo được dấu ấn trong thành tựu tản văn đầu thế kỷ XXI. Việt Linh viết tản văn bằng cả tâm hồn và sự nhạy cảm thời cuộc với sự thể hiện phong phú, linh hoạt, sáng tạo. Những trang viết của Việt Linh đã thu hút sự quan tâm của nhiều bạn đọc, cả giới báo chí, các nhà văn và giới phê bình. Huỳnh Như Phương trong lời bạt cuốn Chuyện mình chuyện người đã đánh giá: “Mỗi bài viết của Việt Linh có thể là một phác thảo, một đặc tả hay một cú lia máy… nhưng liên kết lại tất cả sẽ toát lên một bức tranh toàn cảnh về nghệ thuật và thời cuộc”. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Lê Huy Bắc (2013), Văn học hậu hiện đại lý thuyết và tiếp nhận, Nxb Đại học Sư phạm, Hà Nội. [2] Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi đồng chủ biên (2004), Từ điển thuật ngữ văn học, Nxb Giáo dục, Hà Nội. [3] Hoàng Ngọc Hiến (1992), Năm bài giảng về thể loại, Nxb Giáo dục, Hà Nội. 23
  8. TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM – ĐẠI HỌC HUẾ CYS 2016 [4] I.P. Ilin và E.A. Tzurganova (chủ biên) (2002), Các khái niệm và thuật ngữ của các trường phái nghiên cứu văn học (Đào Tuấn Ảnh, Trần Hồng Vân, Lại Nguyên Ân dịch), Nxb Đại học Quốc gia, Hà Nội. [5] M.B. Khrapchenco (1978), Cá tính sáng tạo của nhà văn và sự phát triển của văn học, Lê Sơn và Nguyễn Minh dịch, Nxb Tác phẩm Mới, Hà Nội. [6] Việt Linh (2008), Chuyện mình chuyện người, Nxb Trẻ, Tp Hồ Chí Minh. [7] Việt Linh (2012), Chuyện và truyện, Nxb Trẻ, Tp Hồ Chí Minh. [8] Việt Linh (2014), Năm phút với ga xép, Nxb Trẻ, Tp Hồ Chí Minh. Title: THE SPECIAL CHARACTERISTICS IN ESSAY OF VIET LINH. Abstract: Essay, a literary genre, has a long history in the development of the world literature. In recent years, this genre has been flourished in the life of Vietnamese literature. Viet Linh is one of the writers who has had a great contribution on this. She has made an important mark in the flow of essay modern Vietnam through three works such as “Chuyen minh chuyen nguoi”, “Chuyen va truyen” and “Nam phut voi ga xep”. Understanding characteristics of essay written by Viet Linh is aimed to help to affirm her literary style as well as her contributions on this genre. Keywords: Essay, genre, Viet Linh. TRẦN VĂN QUYẾT Học viên Cao học, chuyên ngành Văn học Việt Nam, khóa 23 (2014-2016), Trường Đại học Sư phạm - Đại học Huế Đơn vị công tác: Trường THPT Vinh Lộc, Phú Lộc, Thừa Thiên Huế Số điện thoại: 0977 919 235. Email: changhocvan@gmail.com 24
nguon tai.lieu . vn