Xem mẫu

  1. Chịu trách nhiệm xuất bản GIÁM ĐỐC - TỔNG BIÊN TẬP PGS.TS. PHẠM MINH TUẤN Chịu trách nhiệm nội dung PHÓ GIÁM ĐỐC - PHÓ TỔNG BIÊN TẬP ThS. NGUYỄN HOÀI ANH Biên tập nội dung: TS. NGUYỄN THỊ QUỲNH NGA TS. HOÀNG MẠNH THẮNG ThS. PHẠM VĂN THÔNG ThS. NGUYỄN VĂN TUÂN ThS. NGUYỄN CÔNG TÂY LÊ THỊ THU HỒNG PHAN KIM YẾN NGUYỄN VIỆT HÀ Trình bày bìa: TRẦN QUYẾT THẮNG Chế bản vi tính: TRẦN VĂN TIẾN Đọc sách mẫu: PHÒNG BIÊN TẬP KỸ THUẬT BÍCH LIỄU In 550 cuốn, khổ 19 x 27cm, tại Công ty cổ phần In Khuyến Học Phía Nam, địa chỉ: Lô B5-8 đường D4, Khu công nghiệp Tân Phú Trung, Củ Chi, Thành phố Hồ Chí Minh. Số đăng ký xuất bản: 2354-2021/CXBIPH/2-24./CTQG. Quyết định xuất bản số 456-QĐ/NXBCTQG ngày 01/7/2021. In xong và nộp lưu chiểu tháng 11/2021. Mã số ISBN: 978-604-57-6925-6.
  2. LỜI NHÀ XUẤT BẢN Thượng tướng Trần Văn Trà (1919-1996) sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo, quê ở xã Tịnh Long, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi. Ông sớm tham gia hoạt động cách mạng và trở thành một trong những vị tướng tài năng của Quân đội nhân dân Việt Nam, gắn liền với những chiến công hiển hách trên chiến trường miền Nam trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược. Kể từ khi chính thức bước vào con đường binh nghiệp với trận đánh quân Pháp ở mặt trận Cầu Bông ngày 23/9/1945, ông đã cống hiến cả cuộc đời cho cuộc trường chinh 30 năm của dân tộc, đã gắn bó với đồng chí, đồng bào Nam Bộ, với Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng. Trong quá trình công tác, ông đã đảm nhận nhiều chức vụ quan trọng như: Khu trưởng Khu 8, Phó Tư lệnh Nam Bộ, Tư lệnh kiêm Chính ủy khu Sài Gòn - Gia Định, Tư lệnh Phân liên khu miền Đông, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Tư lệnh Quân giải phóng miền Nam Việt Nam, Trưởng đoàn đại biểu quân sự Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam trong Ban Liên hiệp quân sự bốn bên ở Sài Gòn, Phó Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh, Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân khu 7, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng... Năm 1982, ông nghỉ hưu. Dù được nghỉ hưu nhưng ông vẫn không ngừng làm việc. Với cương vị là Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Thành phố Hồ Chí Minh, ông đã có nhiều hoạt động để xây dựng Hội và chăm lo cho đời sống của đồng chí, đồng đội. Đặc biệt, ông cũng dành thời gian cho việc nghiên cứu và để lại cho đời nhiều công trình, bài viết nhằm tái hiện và tổng kết chặng đường 30 năm đấu tranh giải phóng của quân và dân trên vùng đất B2 Thành đồng. Năm 1996, Thượng tướng Trần Văn Trà từ trần, khép lại một cuộc đời cống hiến trọn vẹn cho cuộc kháng chiến vệ quốc thần thánh của dân tộc, cho lịch sử vẻ vang của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng. Với mong muốn xuất bản một bộ sách thể hiện tương đối đầy đủ về cuộc đời, sự nghiệp và những công trình, bài viết của Thượng tướng cũng như những tình cảm của các đồng chí, đồng đội dành cho Thượng tướng, gia đình Thượng tướng Trần Văn Trà đã chuyển cho TS. Quách Thu Nguyệt toàn bộ các công trình, bài viết, di cảo của ông. 5
  3. Sau khi nghiên cứu tập tư liệu đồ sộ đó, TS. Quách Thu Nguyệt đã tổng hợp và tuyển chọn lại thành bộ sách Thượng tướng Trần Văn Trà và những chặng đường lịch sử B2 Thành đồng. Bộ sách gồm 4 phần chính và phần Phụ lục, được chia thành hai tập (Tập 1 gồm các phần I, II; Tập 2 gồm các phần III, IV và Phụ lục). Phần I tái hiện cuộc đời, sự nghiệp của Thượng tướng Trần Văn Trà, được tổng hợp từ những trang nhật ký và nội dung Thượng tướng trả lời phỏng vấn của báo chí. Các phần II, III, IV là những ghi chép về chiến tranh, tái hiện cuộc chiến tranh 30 năm giải phóng trên vùng đất B2 Thành đồng, qua đó lý giải nguyên nhân thành công, thất bại ở từng trận đánh và rút ra bài học kinh nghiệm trong chỉ đạo chiến tranh. Phần Phụ lục gồm các bài viết của đồng chí, đồng đội, những người từng có dịp làm việc, tiếp xúc với Thượng tướng, qua đó làm rõ hơn nhân cách, tài năng của Thượng tướng. Cuối bộ sách còn có một số hình ảnh góp phần khắc họa sinh động thêm về cuộc đời Thượng tướng Trần Văn Trà. Mặc dù TS. Quách Thu Nguyệt và Nhà xuất bản đã có nhiều cố gắng trong việc thẩm định, xác minh tư liệu, sự kiện, sắp xếp, biên tập nội dung các phần cho phù hợp, nhưng bộ sách không tránh khỏi vẫn còn một số hạn chế, thiếu sót. Chúng tôi rất mong nhận được ý kiến đóng góp của bạn đọc để lần xuất bản sau bộ sách được hoàn thiện hơn. Xin trân trọng giới thiệu bộ sách cùng bạn đọc. Tháng 11 năm 2021 NHÀ XUẤT BẢN CHÍNH TRỊ QUỐC GIA SỰ THẬT 6
  4. LỜI NÓI ĐẦU Những ngày cuối cùng của tháng Chạp năm Mậu Tuất (2018), tôi được phu nhân Thượng tướng Trần Văn Trà trao cho toàn bộ tài liệu, các công trình, bài viết, những trang đánh máy, di cảo viết tay của cố Thượng tướng với lời nhắn gửi: “Con cố gắng giúp thím sắp xếp, biên tập để xuất bản tập sách cuối cùng của chú nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của chú (1919 - 2019)”. Vậy mà tôi đã lỗi hẹn! Hơn hai năm để đọc tất cả nguồn tài liệu mà trong ấy phần nhiều là các trang đánh máy, các bản thảo viết tay, những trang viết nháp dở dang, những phát biểu, biên bản đúc kết được ghi chép lại từ các băng ghi âm các buổi làm việc cùng các trợ lý phục vụ cho công trình tổng kết chiến tranh Việt Nam, các bài viết từ các trang báo đã ố vàng được cắt ra, sắp xếp, gìn giữ cẩn thận..., quả là một việc thật khó khăn với cá nhân tôi. Làm sao nắm được toàn bộ ý tứ, nội dung trong ngồn ngộn tài liệu thấm đẫm mùi thời gian để hệ thống hóa, sắp xếp cấu trúc, bố cục sao cho thể hiện trung thực tư tưởng, tình cảm, tầm tư duy khái quát, lòng yêu nước, lý tưởng dấn thân vì độc lập, tự do, hòa bình cho Tổ quốc của một người con quê hương xứ Quảng. Làm sao khắc họa được chân dung và phẩm cách của một người lính Cụ Hồ trở về từ hai cuộc chiến tranh vệ quốc thần thánh; của một sĩ quan quân đội xông xáo, nhạy bén và bản lĩnh trên khắp chiến trường Nam Bộ; của một cựu chiến binh hết lòng vì đồng chí, đồng đội sau ngày đất nước im tiếng súng, sạch bóng quân xâm lược... Lúc còn làm Giám đốc - Tổng Biên tập Nhà xuất bản Trẻ, cùng với gia đình và người trợ lý gần gũi nhất của Thượng tướng Trần Văn Trà là Đại tá Nguyễn Viết Tá, chúng tôi đã từng trực tiếp tổ chức, biên tập các cuốn sách về Thượng tướng và người thân trong gia đình. Đó là các cuốn sách: Gởi người đang sống (1996), 7
  5. 365 ngày vĩnh biệt anh - Thượng tướng Trần Văn Trà (1997), Cảm nhận về Xuân Mậu Thân (1998), Liệt sĩ - Luật sư Lê Đình Chi và gia đình (2009). Nay, duyên may một lần nữa được tiếp cận nguồn tư liệu di sản của tướng Trà, tôi thật sự bị lôi cuốn và không khỏi thán phục vì kiến thức uyên thâm, tầm tư duy khái quát, độ nhạy bén về chiến lược, chiến dịch, chiến thuật trong chiến tranh, trong các trận đánh cụ thể. Qua những trang tư liệu đọc được, tôi càng thêm kính phục phẩm chất, phong cách làm việc và nghiên cứu nghiêm cẩn, khoa học của một người lính trí thức, văn võ song toàn. Có thể nói, cùng với những thành tích của một chỉ huy quân đội trên chiến trường miền Nam, sau ngày hòa bình lập lại, ở cái tuổi lý ra phải được ngơi nghỉ, nhưng Thượng tướng vẫn dốc sức cho công việc tổng kết chiến tranh và chăm lo “đền ơn đáp nghĩa” cho những đồng đội, những người lính đã dành cả thanh xuân để xông pha nơi làn tên mũi đạn bảo vệ nền độc lập nước nhà trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Đóng góp giá trị nhất của Thượng tướng sau khi nghỉ hưu chính là việc tổ chức công trình tổng kết chiến tranh: Chặng đường 30 năm B2 Thành đồng. Theo kế hoạch, công trình tổng kết sẽ được phân kỳ theo mỗi giai đoạn chiến tranh, tương ứng với từng tập: Tập 1: Từ Hiệp định Giơnevơ năm 1954 đến phong trào Đồng khởi năm 1960. Tựa sách là “Hòa bình hay chiến tranh”. Tập 2: Từ năm 1961 đến năm 1965 - thời kỳ đánh bại chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”. Tựa sách dự kiến là “Khởi nghĩa vũ trang và chiến tranh cách mạng”. Tập 3: Từ năm 1965 đến năm 1968. Tựa sách dự kiến là “Chiến tranh cục bộ”. Tập 4: Từ năm 1969 đến năm 1973. Tựa sách dự kiến là “Mỹ cút, ngụy nhào”. Tập 5: Từ Hiệp định Paris năm 1973 đến ngày 30/4/1975. Tựa sách là “Kết thúc cuộc chiến tranh 30 năm”. Tiếc rằng, cho đến nay, công trình tổng kết chỉ kịp hoàn thành và xuất bản được Tập 1 và Tập 5, các tập còn lại: 2, 3, 4 vẫn còn dang dở. Song, thật ngẫu nhiên, Tập 5 với tiêu đề “Kết thúc cuộc chiến tranh 30 năm” cũng là tập cuối, nhưng lại được công bố và xuất bản đầu tiên vào năm 1982 và Tập 1 là tập đầu tiên được hoàn tất và công bố sau đó vào năm 1992. Như vậy, với tập mở đầu và tập kết thúc, phần nào cũng giúp người đọc thấu hiểu được nguồn gốc của cuộc chiến tranh Việt Nam (từ năm 1945 đến năm 1975), những nỗ lực của quân dân miền Nam cùng với quân dân cả nước sẵn sàng hy sinh tất cả và bền bỉ, quyết tâm đấu tranh 8
  6. cho nền độc lập, tự do và thống nhất nước nhà để có một kết thúc có hậu là ngày toàn thắng 30/4/1975, đánh cho Mỹ cút, ngụy nhào. Riêng Tập 2, ngay sau khi hoàn tất Tập 1, đề cương đã được bàn bạc và cơ bản đã được bố cục xong, ngay cả chương đầu tiên của tập này cũng đã hoàn tất, các chương tiếp theo được hẹn rằng sau chuyến đi công tác nước ngoài quay về sẽ tiếp tục, vậy mà người chủ trì công trình quan trọng này đã vĩnh viễn ra đi. Thượng tướng Trần Văn Trà mất vào ngày 20/4/1996 trong sự thương tiếc của nhiều người và công trình tổng kết chiến tranh vẫn chưa hoàn thành. Bộ sách Thượng tướng Trần Văn Trà và những chặng đường lịch sử B2 Thành đồng gồm 2 tập với cấu trúc 5 phần, trong đó chiếm phần lớn (ở phần II, phần III, phần IV) là những ghi chép chiến tranh. Với tư cách là chứng nhân, là người tham gia vào cuộc chiến, hơn thế với tư cách một nhà khoa học, nghiên cứu về cuộc chiến tranh Việt Nam, Thượng tướng đã phác thảo một bức tranh toàn cảnh về cuộc chiến 30 năm (1945-1975). Cuộc chiến 30 năm giành độc lập, thống nhất đất nước đã được mô tả dưới góc nhìn từ hai phía: địch - ta, chính nghĩa - phi nghĩa; được phán đoán, phân tích kỹ về chiến lược, chiến dịch, chiến thuật, cả việc nhận định đánh giá, lý giải nguyên nhân thành công, thất bại ở từng trận đánh cụ thể để có thể rút ra những bài học quý giá về khoa học và nghệ thuật trong chỉ đạo chiến tranh. Phần Phụ lục gồm các bài viết của đồng chí, đồng đội, của những người từng quen biết, làm việc, tiếp xúc với Thượng tướng, đã cho chúng ta nhìn rõ hơn tài năng, phẩm cách và tâm hồn của Thượng tướng cũng như những tình cảm yêu thương, quý trọng mà mọi người dành cho ông khi còn tại thế hay kể cả khi đã vĩnh viễn rời xa cõi tạm. Sau cùng, nói như phu nhân Thượng tướng Trần Văn Trà, đây là bộ sách cuối cùng, tôi xin bổ sung thêm, đây cũng là bộ sách đầy đủ nhất của Thượng tướng về tổng kết cuộc chiến 30 năm diễn ra nơi mảnh đất phương Nam, về lịch sử cá nhân, về hành trạng và đóng góp của Thượng tướng dành cho quê hương, cho mảnh đất B2 mà ông đã dành cả đời hiến dâng. Do đây là bộ sách cuối cùng và đầy đủ nhất của Thượng tướng, nên đan xen vào các trang viết có tính chất tổng kết, hệ thống, chúng tôi đã cố gắng chụp và đánh máy lại những trang nháp viết dở dang, vừa để lưu giữ bút tích, vừa để người đọc cảm nhận được cốt cách, tâm hồn của một vị tướng như những câu thơ nhẹ nhàng, thanh thoát được ông cảm tác ngay khi hòa bình lập lại mà người thân, đồng đội, đồng chí vẫn luôn nhắc nhớ: 9
  7. “Ra đi hai bàn tay trắng, Trở về một dải giang san. “Trăng xưa hạc cũ”, dòng sông lặng, Mây nước yên bình, thiên mã thăng”. Xin được trân trọng giới thiệu bộ sách Thượng tướng Trần Văn Trà và những chặng đường lịch sử B2 Thành đồng đến bạn đọc gần xa. Những ngày cuối năm 2019 TS. Quách Thu Nguyệt Nguyên Giám đốc - Tổng Biên tập Nhà xuất bản Trẻ 10
  8. PHẦN I RA ĐI HAI BÀN TAY TRẮNG... 1 * Thượng tướng Trần Văn Trà tên thật là Nguyễn Chấn, còn có tên là Lê Văn Thắng, các bí danh: Tư Chi, Tư Nguyễn, Ba Trà; sinh ngày 15/9/1919; tại làng Châu Sa, nay là xã Tịnh Long, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi. Ông mất ngày 20/4/1996 trong một chuyến công tác nước ngoài. Đây là phần phác họa chân dung cuộc đời Thượng tướng Trần Văn Trà, được tổng hợp từ những trang nhật ký và nội dung Thượng tướng trả lời phỏng vấn của báo chí. Chúng tôi mượn câu đầu trong bài thơ do Thượng tướng cảm tác để đề tựa cho phần mở đầu này: “Ra đi hai bàn tay trắng, Trở về một dải giang san. “Trăng xưa, hạc cũ”, dòng sông lặng, Mây nước yên bình, thiên mã thăng.” * TS. Quách Thu Nguyệt tổng hợp. 11
  9. Lên đường vào Tân Sơn Nhất (Lộc Ninh, 1973) 12
  10. Tôi sinh năm 1919. Quê ở xã Tịnh Long, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi. Cha tôi là thợ xây, không có ruộng, mẹ tôi buôn bán gánh gồng chắt chiu nuôi anh em chúng tôi ăn học với mong muốn anh em chúng tôi trở thành người có học. Những năm 1930-1931, phong trào cách mạng ở quê tôi rất mạnh, thường biểu tình chống Pháp, chống thuế, chống phu phen tạp dịch. Cha tôi luôn tham gia các cuộc đấu tranh này. Tôi lúc đó mới 11-12 tuổi, học trường huyện nhưng cũng tham gia chép truyền đơn, rải truyền đơn, dán khẩu hiệu theo hướng dẫn của các anh lớn. Huyện thường có biểu tình nên trường hay phải nghỉ học. Có lần, lính lê dương, khố đỏ đặt súng máy ven đường chặn không cho đoàn biểu tình lên tỉnh. Đoàn biểu tình đưa kiến nghị, nó nhận, nhưng bắt giải tán. Hai bên giằng co. Nó bắn, người cầm cờ ngã xuống. Người sau lao lên cầm cờ. Chết nhiều quá. Đoàn biểu tình chạy sang hai bên đường. Có những anh bạn lớp trên tôi cũng bị bắn chết. Cảnh tượng đó bây giờ còn đậm nét trong đầu tôi. Sau đó, lính về tận làng tôi khủng bố. Ở quê tôi có hai nhà nho tham gia phong trào Cần Vương là ông Lê Trung Đình (Cử Đình) và ông Nguyễn Tự Tân (Tú Tân) bị chúng chém ở bãi sông Trà Khúc. Những người già kể cho tôi nghe với lòng cảm phục. Ở trường huyện có ông giáo người Quảng Trị chắc cũng là nhà cách mạng, thường đọc thơ văn, kể chuyện về cụ Phan Đình Phùng, Phan Bội Châu. Lúc ấy, dù còn bé, tôi cũng có được một quyển sách đầy thơ văn cách mạng. Ảnh hưởng này đối với tôi rất lớn, suốt đời tôi ghi nhớ bài học làm người: Phải sống như thế nào cho xứng đáng là con cháu các cụ. Nhà nghèo nên mặc dầu các cụ tôi rất mong tôi học cao hơn nhưng tôi không học được các ngành khác. Năm 1936, tôi thi vào Trường Kỹ nghệ ở Huế. Ở đây, tôi tham gia ngay phong trào học sinh của trường, của thành phố Huế. Năm 1938, tôi đã được Chi bộ Đảng nhà trường kết nạp. Bọn mật thám đánh hơi, theo dõi, nên năm học cuối cùng tôi bị quản chế, không cho ra ngoài trường và thi đậu xong không được sắp xếp công việc. Tôi biết anh Ba Lê Duẩn năm 1938, khi tôi được kết nạp Đảng. Năm 1939, tôi vào Sài Gòn xin làm ở nhà máy xe lửa. Tôi thi tuyển làm thợ tiện và Xứ ủy Trung Kỳ cũng giới thiệu tôi sinh hoạt Đảng ở đây dưới sự chỉ đạo của Thành ủy Sài Gòn. Nhưng chỉ 6 tháng sau, do có anh em ở Huế bị bắt khai báo nên tôi cũng bị bắt đưa ra Huế. Khi ở Huế, học ở Trường Kỹ nghệ, tôi đã được theo học lớp huấn luyện, nghe anh Lê Duẩn - Bí thư Xứ ủy Trung Kỳ giảng. Khi vào Sài Gòn, tôi lại được gặp anh khi anh vào họp Hội nghị Trung ương Đảng ở Sài Gòn. Tôi đã nói với anh là tôi đang bị truy lùng, nên trốn hay làm thế nào. Anh bảo tôi: Đã bị lộ rồi, nếu bị bắt, nhận là đảng viên thường, không khai báo gì cũng chỉ tù mấy tháng là xong. 13
  11. Khi bị đưa ra Huế, vào nhà tù, tôi đã thấy các anh Nguyễn Chí Thanh, Tố Hữu, Hoàng Anh... và các anh trong Đảng bộ Thừa Thiên, cả trong Chi bộ của tôi cũng đang ở trong tù. Anh em khai tôi là Thanh niên dân chủ. Tôi cũng nhận như vậy và bị nhẹ nhất, không bị tra tấn gì vì tôi là người cuối cùng bị bắt. Ra tòa, tôi bị chúng kết án 6 tháng tù. Nhưng 8 tháng sau, chúng mới thả, bắt về quản thúc tại Quảng Ngãi. Nhờ có bạn bè làm ở dinh quận, dinh tuần vũ, tôi tìm cách trốn đi. Anh em làm cho cái căn cước giả, cho tôi ba đồng bạc (lúc đó quý lắm). Vào Đà Lạt, tôi tá túc ở chỗ anh em cùng trường làm việc ở đấy một thời gian, sau đó về Sài Gòn. Đi xe lửa xuống đến An Lộc, không dám đi qua Biên Hòa, tôi xuống tàu và lại tá túc ở chỗ anh em học cùng trường ra. Từ đó, tôi đi bộ về Chợ Lớn. Sau đó, tôi lại xin làm thợ ở Sở Cao su, Công ty Cuốc Tơ (Cẩm Mỹ ngày nay). Làm 6 tháng, tôi lại về Sài Gòn bắt liên lạc với các đồng chí như Lê Xuân Định học cùng Trường Kỹ nghệ để trở lại hoạt động (năm 1943). Ở trường, tôi hoạt động từ năm 1936, khi tôi ra trường anh mới bắt đầu hoạt động (năm 1939). Lúc này, anh Định đã là đảng viên rồi. Anh báo cho tôi biết, anh Trường Chinh phái các anh Nguyễn Hữu Ngoạn, Nguyễn Hữu Xuyến vào bắt liên lạc với Đảng bộ trong này. Tờ Giải phóng được giao cho tôi, in bằng xu xoa. Báo đã ra được 3 hay 4 số thì Ngoạn từ miền Bắc vào, cho biết ngoài đó người ta in bằng litô. Đưa cho tôi xem một tờ in rất đẹp, nhưng đồng chí chỉ biết là in litô là viết chữ trên đá, còn cách in thế nào thì không rõ. Tôi thấy in litô rất đẹp, nhưng do không biết cách in như thế nào, tôi quyết đi tìm hiểu. Tôi mượn quần áo rất sang đi đến một nhà in (không nhớ tên) nằm trên đường Catinat, gần Nhà hát thành phố, chủ là người Việt. Nhà in lớn, in cả litô và typô. Tôi giả là sinh viên trường Mỹ thuật Hà Nội, người Đà Nẵng. Nói dóc với chủ rằng tôi có ông già khá giả lập một nhà in litô ngoài đó, nhưng thợ dở quá in không được đẹp, nên vào đây tham quan coi thế nào. Người phụ trách nghe tôi nói học trường Mỹ thuật thì thích lắm, đưa tôi đi thăm các chỗ viết, in. Khi đó, tôi mới biết in litô là như thế nào. Dịp may, tôi làm quen với ông quản đốc rồi giả bộ ra về. Nhưng ra ngoài, đợi hết giờ làm việc, tôi kéo anh ta vào khách sạn đãi cốctai hẳn hoi, rồi bàn với anh ta: Nếu anh giúp nhà in của tôi in đẹp thì tôi xin hậu tạ. Anh ta chỉ cho tôi cách viết và in rất chi tiết, làm sao bảo đảm in đẹp. Anh ta còn cho tôi chai mực và dặn: Anh in thử, nếu tốt tôi sẽ ra giúp anh. Vậy là tôi mua một tấm đá cẩm thạch, đồ nghề viết thẳng trên đá bằng tay trái, cuối cùng cũng in đẹp. Mừng quá, tôi đưa một số anh em, có cả Việt Châu - em ruột tôi, cùng viết với tôi. Tôi vừa biên tập vừa in ấn được tờ Giải phóng từ số 6 (hay số 7) đến số 11 thì bị địch bắt. Hồi ấy, tôi mướn nhà ở Tân Định (nay là Xí nghiệp Nông cơ), ban đêm thường đi ngủ chỗ khác. Vào một ngày tháng 5/1944, khoảng 12 giờ đêm, không may, khi tôi chuẩn bị ra về thì trời mưa nên đành ngủ lại. Đúng đêm đó, tôi bị địch bắt. Mật thám, cảnh sát 14
  12. từ Chợ Lớn được điều qua bao vây và bắt chúng tôi. Khi chúng đưa chúng tôi lên xe ngồi chung, tôi dặn anh em cứ đổ hết cho tôi, đừng khai nhận gì hết. Chúng đánh thì cứ đánh, cứ nói đó là của anh Thắng, anh em chỉ ở trọ trong nhà để đi làm. Có hai anh em bị đánh đau quá nên nhận có làm, chúng lại lôi tôi ra đánh. Tôi nói các ông đánh họ đau quá nên họ nhận bậy chớ họ có biết gì. Cứ thế chúng đánh tôi nhiều đòn, do tên Cảnh trực tiếp thực hiện. Ngoạn bị bắt trước tôi cũng bị đánh. Tôi bị tra tấn ở bót Catinat, xong chúng đưa vào Khám Lớn. Huỳnh Văn Tiểng, Nguyễn Hải Trừng, Lưu Hữu Phước cũng bị Pháp bắt vào Catinat. Các anh nghe bọn chúng kháo nhau một số người bị bắt, bị tra tấn ở đây mới đưa vào Khám Lớn có tên Thắng đã từng bị Tây quản thúc ở quê là chủ bút, chắc chắn sẽ bị đày ra Côn Đảo, nên khi vào tù các anh đã tìm hiểu tôi là ai, ở đâu và gửi tặng tôi một cái khăn mùi xoa (khăn tay). Sau này, gặp anh Lưu Hữu Phước, anh nhắc tôi mới nhớ ra. Khi anh Nguyễn Hải Trừng ra Đồng Tháp cũng nhắc đã kéo tôi vào cầu tiêu nói chuyện Việt Minh. Như vậy là nhóm đó biết tôi hồi ở bót Catinat. Tụi tôi có 9 người, bị chúng đưa từ bót Catinat qua Khám Lớn Sài Gòn. Tôi tưởng chúng nhốt tôi ở khu chính trị, ai ngờ chúng nhốt chúng tôi chung với nhóm Bình Xuyên và bọn cướp ở lầu 3. Thấy một góc chưa có ai, chúng tôi ngồi vào đó tán với nhau để chờ phát cho mỗi người một chiếc chiếu. Thấy tôi lo cho anh em, bọn tù ở đây cho tôi là sếp, kêu tôi tới. Tên Sáu Khải ngồi trên một đống chiếu hỏi tôi: Tụi bây làm sao mà vào đây? Tôi nói tụi tôi không làm gì cả, nghi làm chính trị nên chúng nó bắt. Nó nói tụi bây làm chính trị đó hả, làm chính trị mà không biết tôn ti trật tự là cái gì cả, tại sao không đến đây trình diện? Sáu Khải vừa nói xong, tên Thắm nhào lại đánh tôi, tôi đứng dậy đánh lại một cái. Tụi đứng chung quanh tản ra. Mới đầu có thế thôi, chúng hăm dọa một chút. Nhưng do tôi đánh trả lại nên chúng mới nói chuyện phải chăng: Trong này cũng như ngoài đời, ai vào đây phải qua tôi, các anh là chính trị phạm nên không biết. Thôi về đi, cứ nằm ở đó. Làm cái gì sau này phải xin phép. Tên Sáu Khải là tên trọng án, Pháp nhốt chung để trị bọn tội phạm. Qua đó, tôi mới biết đây không phải là nhóm chính trị mà là bọn mặc rô (ma cô), Bình Xuyên. Tên Bảy Rô là Bình Xuyên cũng bị giam ở đây. Tên Sáu Khải và một tên nữa (tôi không nhớ tên) là sếp bọn này. Biết như thế, tôi bắt đầu vận động, nói chuyện, tìm hiểu người nào không xấu để giác ngộ dần một số người Bình Xuyên và một số ăn cắp dây đồng. Bảy Rô là một trong số được tôi giác ngộ. Tên Mười Một cũng được giác ngộ, nhưng sau ra kháng chiến nó phản thùng. Tên Thắm bị tôi đánh nên căm lắm, nó mài một cây sắt định đâm tôi, nhưng nhờ giác ngộ một số anh em như Bảy Rô, nên họ chia nhau canh gác ngày đêm đề phòng hắn đâm tôi. Bảy Rô sau ra kháng chiến giữ vững tinh thần từ đầu đến cuối. Còn Mười Một thì hỏng. Các tay khác tôi không gặp lại. 15
  13. Ngày 22/8/1945, Chính phủ Trần Trọng Kim thả tù chính trị nên tôi được tự do. Ngày 25/8/1945, chúng tôi tham gia khởi nghĩa giành chính quyền ở Sài Gòn. Khi ra tù, tôi bắt liên lạc ngay với Xứ ủy và được phân công về Kỳ bộ Việt Minh do anh Nguyễn Văn Nguyễn phụ trách. Khi ấy tình hình nội bộ ở Sài Gòn cũng phức tạp. Nhóm Tiền phong do anh Giàu, anh Giáp, anh Khiêm... phụ trách. Nhóm Giải phóng do anh Dân Tôn Tử, anh Khương, chị Thập... phụ trách, không muốn đứng cùng đội hình với nhóm Tiền phong vì nghi kỵ lòng trung thành của các anh ấy và khác nhau về chủ trương. Khi tôi bị bắt, anh Lê Hữu Kiều thay tôi phụ trách tờ Giải phóng. Nhóm Giải phóng liên lạc với Trung ương, nên nói chung hoạt động nắm vững đường lối của Đảng hơn. Nhưng khi chúng tôi bị bắt thì đứt liên lạc với Trung ương và mãi đến năm 1945 Trung ương mới liên lạc được với Nam Bộ nhưng với nhóm Tiền phong. Ngày 23/9/1945, Pháp đánh ta. Cuộc kháng chiến ở Nam Bộ bùng nổ. Tôi bắt đầu là người lính cách mạng từ đấy. Và trận đầu là gậy tầm vông đánh giữ mặt trận Cầu Bông trong nội đô. Sau ngày 23/9/1945 ít lâu, mặt trận Sài Gòn vỡ. Cơ quan lãnh đạo ta dồn về Mỹ Tho. Tôi xin ở lại chiến đấu tại Sài Gòn. Lúc này, đáng lẽ sau khi giành được chính quyền ta phải giáo dục cách mạng, vũ trang quần chúng ngay, tổ chức lực lượng vũ trang trung kiên do Đảng lãnh đạo. Nhưng, khi ấy lại dựa vào 4 sư đoàn tự lập bao gồm lính phòng vệ đoàn của Nhật và lính của Pháp vừa chạy theo cách mạng, có bổ sung một số thanh niên do mật thám Nhật - Pháp chỉ huy như Nguyễn Hòa Hiệp, Lý Hoa Vinh..., không có một nhà cách mạng, một đảng viên cộng sản nào. Sau đó, bốn sư đoàn này không đánh giặc, mà lại chạy ra ngoại thành tước vũ khí của dân quân và cướp bóc nhân dân. Cùng lúc đó còn có lực lượng Bình Xuyên, Cao Đài, Hòa Hảo càng làm cho tình hình thêm phức tạp. Do đó, tôi cùng các anh Hoàng Dư Khương, Lê Minh Định (trong Xứ ủy Giải phóng) bàn bạc với nhau ra họp Tỉnh ủy Gia Định (nhóm Giải phóng) để bàn việc phải thành lập quân đội, phải nắm lực lượng vũ trang mới bảo vệ được chính quyền cách mạng. Chúng tôi lập ra “Giải phóng quân liên quận Hóc Môn, Bà Điểm, Đức Hòa” (3 địa phương có cơ sở mạnh). Anh Tô Ký trong Tỉnh ủy Gia Định làm Chỉ huy trưởng, anh Hoàng Dư Khương trong Xứ ủy Giải phóng làm Chính trị viên. Tôi lo công tác Đảng và quần chúng. Sau một tháng, anh Khương đề nghị thay đổi nhiệm vụ giữa tôi và anh ấy, được tập thể đồng ý. Thế là tôi làm Chính trị viên. 16
  14. Tình hình miền Nam lúc đó rất khó khăn mặc dầu được sự tăng cường của các lực lượng Nam tiến và anh Nguyễn Bình được Trung ương cho vào chỉ huy Khu 7 (miền Đông), anh Đào Văn Trường chỉ huy Khu 8 (miền Trung), anh Vũ Đức (người dân tộc Tày cùng vào với anh Nguyễn Bình) chỉ huy Khu 9 (miền Tây). Theo quyết định của Trung ương, anh Trần Văn Giàu ra Bắc, hai Xứ ủy Tiền phong và Giải phóng hợp nhất, mời bác Tôn Đức Thắng làm Bí thư Xứ ủy, bác không nhận, giới thiệu anh Lê Duẩn. Trên đường ra Trung ương, tháng 3/1946, anh Lê Duẩn gặp tôi, bàn đưa một bộ phận lực lượng “Giải phóng quân liên quận” tăng cường cho Khu 8 và tôi phải chịu trách nhiệm củng cố, chấn chỉnh Khu 8. Tôi cùng anh em Khu 8 lập ra Chi đội 14 (như trung đoàn sau này), tôi là Chi đội trưởng và bắt đầu xây dựng Đồng Tháp Mười làm căn cứ địa. Sau khi anh Lê Duẩn ra Bắc, các anh Hoàng Quốc Việt, Cao Hồng Lãnh, Lê Văn Lương và một số anh nữa cũng ra. Các anh khác như Phạm Hùng, Hà Huy Giáp..., tản mát khắp nơi. Xứ ủy không còn. Anh Phạm Văn Bạch - Chủ tịch Ủy ban kháng chiến hành chính cũng ra Trung ương, bộ máy lãnh đạo hầu như không còn. Ở các tỉnh thì vẫn có hai tỉnh ủy Tiền phong và Giải phóng. Giữa lúc đó, địch đánh bung ra. Ta mạnh đâu đánh đấy. Nhiều nơi tan rã. Xây dựng được Chiến khu 8 (Đồng Tháp Mười), thì anh Ung Văn Khiêm từ Khu 9 lên gặp tôi đề nghị tôi tổ chức cho anh ấy ra Trung ương báo cáo tình hình. Tôi giữ anh ấy lại không cho đi vì đã có quá nhiều người ra Trung ương báo cáo rồi. Tôi cùng anh Khiêm đứng ra thay mặt cho nhóm Giải phóng và Tiền phong triệu tập lập nên Xứ ủy Đảng lâm thời do anh Khiêm làm Bí thư và tiếp tục thống nhất, củng cố các tỉnh ủy. Sau đó Xứ ủy xây dựng lại Ủy ban kháng chiến hành chính Nam Bộ do anh Phạm Ngọc Thuần làm quyền Chủ tịch, anh Ung Văn Khiêm làm Ủy viên nội vụ, anh Nguyễn Bình là Ủy viên quân sự. Đây là việc làm quan trọng, củng cố được bộ máy lãnh đạo toàn Nam Bộ cả về Đảng và chính quyền, đem lại tin tưởng cho nhân dân trong tình thế gay go của những ngày đầu kháng chiến lúc bấy giờ. Chúng tôi cũng xây dựng được lực lượng vũ trang Khu 8 và bắt đầu hoạt động đồng đều và vững. Tháng 9/1946, Trung ương chỉ định tôi làm Khu trưởng Khu 8, anh Nguyễn Văn Vịnh làm Chính trị viên, anh Trương Văn Giàu làm Khu phó. Tháng 11/1946, chúng tôi họp hội nghị toàn khu lần đầu tiên để củng cố tổ chức bảo đảm sự lãnh đạo thống nhất, chặt chẽ. Xứ ủy và Ủy ban kháng chiến hành chính đóng trên địa bàn Khu 8 tại Đồng Tháp Mười cũng tạo thêm điều kiện cho khu có nền nếp hoạt động vững vàng. 17
  15. Cũng đúng tháng 11/1946, anh Vũ Đức - Chỉ huy Khu 9 ra Bắc bị phục kích, hy sinh, Trung ương chỉ định anh Huỳnh Phan Hộ làm Khu trưởng Khu 9, anh Phan Trọng Tuệ làm Chính trị bộ. Năm 1947, anh Lê Duẩn vào gặp chúng tôi ở Đồng Tháp Mười. Tình hình kháng chiến Nam Bộ đang lên mạnh, Xứ ủy chính thức được bầu trong một cuộc hội nghị tại Đồng Tháp Mười do anh làm Bí thư. Cuối năm 1947, đơn vị chủ lực cơ động đầu tiên của Nam Bộ được thành lập, đó là Tiểu đoàn 307 thuộc Khu 8. Sau đó các khu cũng thành lập những tiểu đoàn chủ lực. Giữa năm 1948, Trung ương yêu cầu đoàn đại biểu quân - dân - chính Nam Bộ ra báo cáo. Tôi ra Việt Bắc và đây là lần đầu tiên tôi được gặp Bác Hồ - đồng chí Nguyễn Ái Quốc mà khi còn hoạt động bí mật trước năm 1945, tôi đã từng biết qua tài liệu và tiếng tăm. Có những đơn vị chủ lực lại có sự củng cố, phát triển các lực lượng địa phương và dân quân du kích nên có được những trận đánh thắng lợi có tiếng vang như trận Cổ Cò, trận Giồng Dứa trên quốc lộ 4, trận đánh chìm tàu trên kênh Sở Thượng của Khu 8; trận Tầm Vu, trận Mương Điều của Khu 9; trận La Ngà, Trảng Táo của Khu 7. Các chiến dịch Trà Vinh, Cầu Kè, Lê Hồng Phong đã nâng tầm chỉ đạo tác chiến, sáng tạo chiến thuật đánh địch chứng tỏ một bước trưởng thành của lãnh đạo cùng quân và dân Nam Bộ. Tôi được phân công làm Phó Tư lệnh Nam Bộ, anh Nguyễn Bình là Tư lệnh. Năm 1949, chuẩn bị “Tổng phản công”, tôi được điều về làm Tư lệnh kiêm Chính ủy khu Sài Gòn - Gia Định. Năm 1950, Trung đoàn 306 của khu bắn pháo vào tàu Mỹ ở Sài Gòn, kết hợp cùng với phong trào sinh viên học sinh biểu tình chống Mỹ rầm rộ đuổi tàu Mỹ chạy khỏi Sài Gòn. Năm 1951, anh Nguyễn Bình ra Bắc, trên đường đi trên đất Campuchia gặp lính tuần tiễu Campuchia, anh hy sinh. Và lúc đó, Nam Bộ cũng được chia thành 2 phân liên khu: miền Đông gồm các tỉnh tả ngạn, miền Tây gồm các tỉnh hữu ngạn sông Tiền Giang. Miền Đông, tôi làm Tư lệnh, anh Phạm Hùng làm Chính ủy, anh Nguyễn Văn Vịnh làm Phó Tư lệnh. Miền Tây, anh Lê Hiến Mai làm Tư lệnh, anh Phan Trọng Tuệ làm Chính ủy. Anh Lê Đức Thọ phụ trách miền Tây. 18
nguon tai.lieu . vn