Xem mẫu

  1. TẠP CHÍ KHOA HỌC ĐẠI HỌC ĐÀ LẠT Tập 11, Số 2, 2021 141-154 NHÂN VẬT THUÝ KIỀU TRONG TRUYỆN KIỀU TỪ GÓC NHÌN VĂN HÓA NHO GIÁO Phạm Văn Hóaa* a Khoa Ngữ văn và Lịch sử, Trường Đại học Đà Lạt, Lâm Đồng, Việt Nam * Tác giả liên hệ: Email: hoapv@dlu.edu.vn Lịch sử bài báo Nhận ngày 20 tháng 11 năm 2020 | Chấp nhận đăng ngày 26 tháng 02 năm 2021 Xuất bản trực tuyến ngày 16 tháng 4 năm 2021 Tóm tắt Luân lý đạo đức Nho giáo nói chung thâm nhập vào đời sống văn hóa Việt không phải chỉ là chuẩn mực đạo đức, hiện thân của đạo lý Nho gia mà còn là hiện thân của đạo lý nhân dân mơ ước, nó tồn tại trong thực tế và được con người Việt Nam bảo vệ. Bài viết từ góc độ liên ngành văn học và văn hóa, cụ thể là từ góc nhìn văn hóa Nho giáo để phân tích nhân vật Thuý Kiều trên các phương diện: Trung, hiếu, tiết, nghĩa. Trung hiếu tiết nghĩa ở Thuý Kiều của Nguyễn Du tất nhiên có phần xuất phát từ lễ giáo Nho gia, nhưng quan trọng hơn cả, đó là lẽ sống giàu lòng yêu thương, giàu nhân nghĩa của con người Việt Nam. Bài viết khẳng định trung hiếu tiết nghĩa ở Thuý Kiều tuy mang tên Nho giáo, nhưng thực chất lại là phẩm chất của con người Việt Nam. Phẩm chất của Thuý Kiều cho thấy đạo đức Nho giáo đã được quan niệm lại do truyền thống của dân tộc, do thực tế của xã hội đương thời và cũng do môi trường sinh sống của bản thân Nguyễn Du. Và điều quan trọng hơn nữa là “đạo đức” ấy lại được nung nấu, thấm nhuần qua một tâm hồn đầy ưu ái, một nhân cách lớn, một nhà nhân đạo cao cả. Bài viết góp phần cho thấy “Truyện Kiều” không đơn giản là tác phẩm vay mượn. Từ khóa: Hiếu; Nghĩa; Nhân vật; Tiết; Thuý Kiều; Trung; Truyện Kiều; Văn hóa Nho giáo. DOI: http://dx.doi.org/10.37569/DalatUniversity.11.2.792(2021) Loại bài báo: Bài báo nghiên cứu gốc có bình duyệt Bản quyền © 2021 (Các) Tác giả. Cấp phép: Bài báo này được cấp phép theo CC BY-NC 4.0 141
  2. TẠP CHÍ KHOA HỌC ĐẠI HỌC ĐÀ LẠT [CHUYÊN SAN KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN] THE CHARACTER THUY KIEU IN THE TALE OF KIEU FROM THE PERSPECTIVE OF CONFUCIAN CULTURE Pham Van Hoaa* a The Faculty of Literature and History, Dalat University, Lam Dong, Vietnam * Corresponding author: Email: hoapv@dlu.edu.vn Article history Received: November 20th, 2020 | Accepted: February 26th, 2021 Available online: April 16th, 2021 Abstract Ethical Confucianism in general imparts into Vietnamese cultural life not only moral standards, the embodiment of Confucian morality, but also the embodiment of the people’s morality to dream as it exists in reality and is protected by the Vietnamese people. This article analyzes the following aspects of Thuy Kieu's character: loyalty, honor, chastity, and gratitude from the perspective of interdisciplinary literature and culture, particularly Confucian culture. Nguyen Du's loyalty, honor, chastity, and gratitude in Thuy Kieu, of course, partly comes from the Confucianism tradition, but most importantly, from rich love and humanity; it is what Vietnamese people live for. This article affirms that loyalty, honor, chastity, and gratitude in Thuy Kieu, although called Confucianism, are in fact the qualities of the Vietnamese people. Thuy Kieu's personality shows that Confucian morality has been re-conceptualized by the nation's traditions, by the reality of contemporary society, and also by the living environment of Nguyen Du, himself. And more importantly, that "morality" is inspired again, imbued with a loving soul, a great personality, and a noble philanthropic spirit. This article shows that “The Tale of Kieu” is not simply a copy of an earlier work. Keywords: Character; Chastity; Confucian culture; Gratitude; Honor; Loyalty; The Tale of Kieu; Thuy Kieu. DOI: http://dx.doi.org/10.37569/DalatUniversity.11.2.792(2021) Article type: (peer-reviewed) Full-length research article Copyright © 2021 The author(s). Licensing: This article is licensed under a CC BY-NC 4.0 142
  3. Phạm Văn Hóa 1. DẪN NHẬP Trong thời kỳ phong kiến cùng với các nước Đông Á khác, văn hóa Việt Nam và Trung Quốc được xem là “đồng văn”. Trong vùng văn hóa Đông Nam Á, có thể nói văn hóa Việt dung hợp văn hóa Nho giáo khá sâu đậm. Sự dung hợp này diễn ra như một quy luật khách quan, là nhu cầu tất yếu của quá trình phát triển cộng đồng dân tộc. Tư tưởng Nho giáo đã vào Việt Nam từ thời kỳ Tần Hán (khoảng thế kỷ I TCN). Sau khi chính quyền phong kiến Việt Nam độc lập ra đời, tư tưởng và văn hóa Nho giáo được vận dụng để xây dựng thiết chế phong kiến ổn định: “Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của văn hóa Việt Nam truyền thống, tư tưởng Nho giáo đã dần dần đi vào nề nếp và phát triển, có ý nghĩa rất to lớn đối với sinh hoạt văn hóa và tư tưởng của nước Đại Việt" (Tạ, 2013, tr. 41). Ở Việt Nam, Nho gia được gọi là Nho giáo. Từ thời kỳ độc lập (Thế kỷ X), Nho giáo trải qua quá trình từ bị xem nhẹ đến được coi trọng, rồi chiếm địa vị trung tâm bên cạnh Phật giáo và Đạo giáo. Không chỉ đáp ứng yêu cầu xây dựng một nhà nước phong kiến tập quyền vững mạnh, Nho giáo dần trở thành một phần của văn hóa Việt Nam truyền thống. Luân lý đạo đức Nho giáo trở thành những quy tắc đạo đức trong quan hệ gia đình và xã hội. Nho giáo vào Việt Nam không chỉ là sự truyền bá chữ Hán mà còn là điều kiện có lợi cho sự phát triển của văn học viết bằng chữ Nôm và văn học dân tộc. Như Trần (1996, tr. 49) từng khẳng định: “Nho giáo khích lệ sự phát triển của văn học trung đại Việt Nam. Nho giáo ảnh hưởng trực tiếp đến văn học Việt Nam qua thế giới quan của người cầm bút, chi phối ngòi bút, quan niệm văn học, motif nội dung, hình ảnh, từ ngữ...”. Truyện Kiều của Nguyễn Du (1765-1820) ra đời và trở thành tác phẩm tuyệt thế, đỉnh cao của văn học Việt Nam thời trung đại không thể không nói đến ảnh hưởng của văn hóa Nho giáo. Nghiên cứu từ tác giả Nguyễn Du đến nội dung tác phẩm Truyện Kiều đến câu chuyện cuộc đời nàng Thuý Kiều không thể nào bỏ qua việc tìm hiểu tác động của yếu tố văn hóa Nho giáo, cũng như đặt đối tượng nghiên cứu trên trong không gian văn hóa Nho giáo. Nhà nghiên cứu Vũ (2016, tr. 78) đã khẳng định: “Khi xây dựng hình tượng Thuý Kiều, Nguyễn Du một mặt chống lại những hạn chế, tiêu cực của Nho giáo, mặt khác lại kế thừa và tiếp thu các mặt tích cực của các hệ tư tưởng này như quan niệm về chữ Hiếu, chữ Trung, chữ Tiết...”. Trong Truyện Kiều, Nguyễn Du đã gửi gắm tất cả niềm yêu thương, xót xa và kỳ vọng vào người phụ nữ khi xây dựng hình tượng Thuý Kiều, một người phụ nữ thanh cao, tài sắc và hiếu thuận, nghĩa tình. Từ góc nhìn văn hóa Nho giáo, bài viết không tìm hiểu tất cả các đạo lý Nho giáo như tam tòng, tứ đức, tam cương, ngũ thường mà chỉ phân tích nhân vật Thuý Kiều trên các phương diện: Trung, Hiếu, Tiết, Nghĩa. Thiết nghĩ rằng chỉ trong phạm vi các phương diện trên cũng đủ thấy cách Nguyễn Du đã “tiếp biến” Nho giáo, đưa Truyện Kiều lên đỉnh cao văn học như thế nào và thể hiện lý tưởng thẩm mỹ về đạo đức và con người Việt Nam ra sao. 2. TÁC PHẨM KINH ĐIỂN CỦA NỀN VĂN HỌC VIẾT VIỆT NAM THỜI KỲ PHONG KIẾN – TRUYỆN KIỀU CỦA NGUYỄN DU Đoạn trường tân thanh của Nguyễn Du được người dân Việt Nam quen gọi là Truyện Kiều. Truyện Kiều là một truyện thơ với tổng cộng 3254 hàng thơ, tức 1627 câu thơ lục bát, với cốt truyện dựa vào Kim Vân Kiều truyện của nhà văn Trung Hoa có bút hiệu Thanh Tâm tài nhân. Truyện Kiều được xem là tác phẩm xếp vào hàng kinh điển 143
  4. TẠP CHÍ KHOA HỌC ĐẠI HỌC ĐÀ LẠT [CHUYÊN SAN KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN] của văn học trung đại Việt Nam. Truyện Kiều của Nguyễn Du từ khi ra đời đến nay được đông đảo nhân dân Việt Nam quan tâm, yêu thích và được không ít văn nhân xưa nay tôn sùng. Hoài (1979, tr. 57) đã viết: "Truyện Kiều từng là niềm say mê lớn trong hàng trăm năm, đối với hàng triệu người. Truyện Kiều sẽ mãi mãi là một niềm say mê lớn". Trong khoảng 13 năm từ năm 1789 đến năm 1802, Nguyễn Du từ sống yên ổn trong gia đình quyền quý đột nhiên trở thành người sống cuộc đời “thập tải phong trần” nay đây mai đó “ăn nhờ hết miền sông đến miền biển” (Trần, 2012, tr. 112) trong cảnh “mấy phen” “thay đổi sơn hà”, gia tộc tai biến. Ông không chỉ thấu hiểu nỗi khổ đau chịu đựng chiến tranh loạn lạc của người bình dân thấp cổ bé họng trong xã hội, mà bản thân cũng nếm trải tai họa và bước sang một cuộc đời khác do sự đổi thay của triều đại đem đến. “Những điều trông thấy” (Chữ trong Truyện Kiều) trước mắt khiến Nguyễn Du đau lòng mà cảm thông sâu sắc. Truyện Kiều là tác phẩm truyện thơ Nôm theo thể lục bát kể về cuộc đời phiêu bạt, trầm luân, khổ ải của một người phụ nữ tài sắc tên là Thúy Kiều. Tác phẩm này cho thấy quá trình phát triển đến đỉnh cao của văn học viết chữ Nôm. Với tư cách là một hình thái ý thức xã hội chính thống thời kỳ phong kiến, Nho giáo ảnh hưởng đối với truyện thơ này là điều có thể thấy được. Chúng ta không khó nhận ra rằng Truyện Kiều của Nguyễn Du sở dĩ nhanh chóng được nhiều người biết đến và thâm nhập sâu vào trong đời sống văn hóa của người dân Việt đương thời, được lưu truyền và ngâm nga từ xưa đến nay, không chỉ liên quan đến trình độ sáng tạo nghệ thuật cao siêu của tác giả, còn liên quan đến chủ đề được đề cập đến trong tác phẩm. Đó là tình trạng người dân bị áp bức dưới chế độ xã hội phong kiến thối nát, đặc biệt là người phụ nữ bị ức hiếp dũng cảm cất lên tiếng nói đòi quyền sống, quyền làm người, dám đấu tranh, đả kích các thế lực phong kiến. Cụ thể truyện phơi bày bộ mặt đen tối của chế độ phong kiến, thể hiện thái độ đồng cảm với những người “thấp cổ bé họng”, nêu cao tư tưởng tiến bộ nhân đạo chủ nghĩa. 3. NHO GIÁO VÀ NHÂN VẬT THUÝ KIỀU TRONG TRUYỆN KIỀU Truyện Kiều của Nguyễn Du kể lại cuộc đời Thúy Kiều xuất thân trong gia đình “Gia tư nghĩ cũng thường thường bậc trung” (Nguyễn, 2001, tr. 54), được giáo dục đến nơi đến chốn lại sống cảnh “Êm đềm trướng rủ màn che” (Nguyễn, 2001, tr. 55), nên với nàng, chữ hiếu, chữ tình, chữ trinh tiết gắn liền với đạo đức Nho giáo. Nàng không chỉ “sắc sảo, mặn mà”, “nghiêng nước nghiêng thành” (Nguyễn, 2001, tr. 54) mà còn có tư chất “Thông minh vốn sẵn tính trời” (Nguyễn, 2001, tr. 55), nhưng cuộc đời nghiệt ngã đã đẩy nàng vào bước đường lưu lạc, truân chuyên, phải miệt mài trong “Cuộc say đầy tháng, trận cười suốt đêm” (Nguyễn, 2001, tr. 118), với “Những là oan khổ lưu ly” (Nguyễn, 2001, tr. 181), với bao nỗi lo âu, trăn trở, dằn vặt đến không dám nhận lấy hạnh phúc chính đáng. Với những sáng tạo độc đáo trong nghệ thuật xây dựng, miêu tả tính cách nhân vật, Nguyễn Du đã đặt nàng Thuý Kiều tài sắc, trong sáng, yêu đời, biết cảm thông, kiên cường bất khuất trong hình ảnh của người phụ nữ Việt Nam truyền thống đối diện với một xã hội phong kiến đen tối, hèn hạ, bị ổi, tồi tệ, vô đạo đức. Từ đó, hình tượng Thuý Kiều hiện lên những phẩm chất tốt đẹp, cao quý theo chuẩn mực đạo đức Nho giáo, nhưng đằng sau những phẩm chất tốt đẹp đó nổi bật dấu ấn của Nguyễn Du và văn hóa Việt Nam. 144
  5. Phạm Văn Hóa 3.1. Chữ Hiếu với Thuý Kiều Trong Truyện Kiều, đoạn kể Thuý Kiều cùng hai em đi chơi trong tiết thanh minh, vô tình bắt gặp mả Đạm Tiên “Sè sè nắm đất bên đường/ Dàu dàu ngọn cỏ, nửa vàng nửa xanh” (Nguyễn, 2001, tr. 57). Và Kiều đã thấy Đạm Tiên hiển linh ban ngày và báo mộng ban đêm cho mình. Trong giấc mộng, nàng đau khổ khóc thương: “Thưa rằng, chút phận ngây thơ/ Dưỡng sinh đôi nợ, tóc tơ chưa đền” (Nguyễn, 2001, tr. 67). Thuý Kiều lo lắng bản thân giống như Đạm Tiên mang số phận hồng nhan bạc mệnh, không thể báo hiếu cha mẹ. Hiếu với cha mẹ là trách nhiệm của con cái, mà biểu hiện đầu tiên là báo đền công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ, nhưng đạo hiếu phải xuất phát từ trái tim yêu thương. Một tiêu chuẩn quan trọng của lòng hiếu kính với cha mẹ đó là thuận theo ý cha mẹ mà không hề oán hận. Thuý Kiều và Kim Trọng tâm đầu ý hợp, nhưng khi Kim Trọng hỏi ý nàng về chuyện trăm năm: “Tiện đây xin một hai điều/ Đài gương soi đến dấu bèo cho chăng?” (Nguyễn, 2001, tr. 72), Thuý Kiều đã lưỡng lự đáp lời: Ngần ngừ nàng mới thưa rằng Thói nhà băng tuyết chất hằng phỉ phong Dầu khi lá thắm chỉ hồng Nên chăng thì cũng tại lòng mẹ cha Nặng lòng xót liễu vì hoa Trẻ thơ đã biết đâu mà dám thưa (Nguyễn, 2001, tr. 73) Trước tình cảm đắm say mãnh liệt của Kim Trọng, Kiều không dám quyết định, hôn nhân là chuyện đại sự phải thuận ý cha mẹ. Đạo hiếu với cha mẹ không chỉ là lo lắng cho cha mẹ khi tuổi già sức yếu mà còn biết hy sinh những mong ước bản thân vì cha mẹ. Thuý Kiều không chỉ biết nghe theo lời cha mẹ mà còn dám hy sinh tình yêu đang mặn nồng với Kim Trọng, bán mình chuộc cha sau khi gia đình Vương viên ngoại rơi vào tình cảnh bị người khác vu cáo và quan phủ hãm hại: Duyên hội ngộ, đức cù lao, Bên tình, bên hiếu, bên nào nặng hơn? Để lời thệ hải minh sơn, Làm con, trước phải đền ơn sinh thành. Quyết tình, nàng mới hạ tình: "Dẽ cho để thiếp bán mình chuộc cha!” (Nguyễn, 2001, tr. 88-89) Lý do được nàng nói thật giản dị “Thà rằng liều một thân con/ Hoa dù rã cánh, lá còn xanh cây” (Nguyễn, 2001, tr. 93). Đối diện với bọn nha dịch xấu xa, bạc ác, nàng 145
  6. TẠP CHÍ KHOA HỌC ĐẠI HỌC ĐÀ LẠT [CHUYÊN SAN KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN] đành: “Đau lòng tử biệt sinh ly/ Thân còn chẳng tiếc, tiếc gì đến duyên!” (Nguyễn, 2001, tr. 89). Với hai câu thơ trên đã cho thấy Thuý Kiều của Nguyễn Du rất con người, khác với Thuý Kiều của Thanh Tâm tài nhân suy nghĩ và lời nói đầy đạo lý khô cứng. Kể từ đó, cuộc đời Thuý Kiều bước sang một bước ngoặt lớn, nàng buộc phải ép mình “làm lẽ” Mã Giám Sinh. Trước khi từ biệt gia đình, nàng không lo cho mình mà lo lắng cho cha mẹ, an ủi cha mẹ, hy vọng cha mẹ sẽ mạnh khoẻ sống lâu: Cỗi xuân tuổi hạc càng cao, Một cây gánh vác biết bao nhiêu cành. (Nguyễn, 2001, tr. 92) Hiếu thuận còn phải là quan tâm đến sức khoẻ cha mẹ. Trong Truyện Kiều, sau khi nàng phát hiện mình bị lừa, tương lai đen tối, chỉ có thể lấy cái chết để giải thoát, trong khoảnh khắc đó nàng thay đổi ý nghĩ vì nghĩ đến cha mẹ: Giận duyên, tủi phận, bời bời, Cầm dao, nàng đã toan bài quyên sinh. Nghĩ đi nghĩ lại một mình: "Một mình thì chớ, hai tình thì sao? Sau dầu sinh sự thế nào, Truy nguyên chẳng kẻo lụy vào song thân.” (Nguyễn, 2001, tr. 101) Nàng sợ rằng cái chết của mình sẽ liên luỵ đến mẹ cha, nên đành cố gắng. Sau khi bị Mã Giám Sinh làm nhục, Thuý Kiều không chịu được nỗi nhục nhã mà lấy dao toan tự vẫn. Không ngờ được cứu, nàng oán thán bản thân số phận bi thảm rơi vào chốn lầu xanh, đồng thời hy vọng một ngày nào đó thoát khỏi chốn bùn nhơ này đề về với cha mẹ cho trọn đạo hiếu: Bên trời góc bể bơ vơ, Tấm son gột rửa bao giờ cho phai? Xót người tựa cửa hôm mai, Quạt nồng ấp lạnh, những ai đó giờ? Sân Lai cách mấy nắng mưa? Có khi gốc tử đã vừa người ôm. (Nguyễn, 2001, tr. 109-110) Sau khi Thuý Kiều bị Sở Khanh lừa chạy trốn và một lần nữa rơi vào chốn lầu xanh, trong trăm mối tơ vò nàng tự nhiên nảy sinh nỗi lòng nhớ thương cha mẹ: 146
  7. Phạm Văn Hóa Nhớ ơn chín chữ cao sâu, Một ngày một ngả bóng dâu tà tà. Dặm ngàn, nước thẳm, non xa, Nghĩ đâu thân phận con ra thế này? Sân hòe đôi chút thơ ngây, Trân cam, ai kẻ đỡ thay việc mình? (Nguyễn, 2001, tr. 119) Sau khi gặp anh hùng Từ Hải, Thuý Kiều hồi tưởng lại bản thân hơn 10 năm phiêu bạt trong cuộc đời, nàng nghĩ đến cha mẹ: Đoái thương muôn dặm tử phần, Hồn quê theo ngọn mây Tần xa xa. Xót thay huyên cỗi, xuân già, Tấm lòng thương nhớ biết là có nguôi? Chốc là mười mấy năm trời, Còn ra khi đã da mồi, tóc sương. (Nguyễn, 2001, tr. 165) Có thể nói, trong cuộc đời Thuý Kiều kể từ khi rời nhà ra đi đến lúc đoàn viên có hơn 10 lần Nguyễn Du miêu tả nàng biểu lộ tấm lòng hiếu đạo với cha mẹ trong nhiều đoạn thơ đặc sắc. Với Nguyễn Du và Thuý Kiều hiếu kính là một đạo lý cao đẹp, thể hiện tính nhân văn hoàn hảo. Ở đây chữ Hiếu Nho giáo là vỏ ngoài mục đích biện giải một cách chặt chẽ cho lòng yêu thương, tôn kính cha mẹ vốn có trong văn hóa truyền thống Việt Nam. Hay nói cách khác, Nguyễn Du đã gạt bỏ những thành phần tiêu cực để phù hợp với đạo đức làm người Việt Nam, làm cho chúng mất tính chất đẳng cấp, đạo lý khô khan. Mặt khác, nội dung truyện cho thấy Kiều sống trong thế giới của chữ hiếu và các quan hệ ứng xử được định đoạt bởi những người đàn ông, vì thế không có chỗ cho tình yêu và tự do cá nhân của người phụ nữ. Vấn đề này chưa bao giờ cũ. Bình đẳng giới, nữ quyền, và quyền của người phụ nữ trong việc kiểm soát cơ thể mình, và “xung đột” của các quyền này với truyền thống đạo đức, luân lí… phải chăng đây là vấn đề Nguyễn Du muốn nêu lên – một vấn đề không chỉ mang tính thời đại mà còn mang tính nhân loại. 3.2. Chữ Trung với Thuý Kiều Trong Truyện Kiều, đoạn kể Thuý Kiều tình cờ gặp anh hùng Từ Hải, anh hùng cứu mỹ nhân, trở thành tri kỷ, kết thành phu thê. Về sau triều đình phái Hồ Tôn Hiến thu phục Từ Hải. Nhưng Hồ biết rõ Từ Hải là một dũng tướng, chính diện giao chiến thì không phải là đối thủ của Từ, nên đã sử dụng gian kế. Lợi dụng lòng trung quân, cũng như tư tưởng chồng có công danh hiển đạt thì vợ sẽ được vinh hoa phú quý của Thuý 147
  8. TẠP CHÍ KHOA HỌC ĐẠI HỌC ĐÀ LẠT [CHUYÊN SAN KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN] Kiều, Hồ dụ dỗ Thuý Kiều khuyên nhủ Từ Hải đầu hàng triều đình. Cuối cùng Từ Hải đồng ý giải tán nghĩa quân, quy thuận triều đình, không ngờ trúng gian kế của Hồ Tôn Hiến, bị đánh úp bất ngờ, nghĩa quân bị tiêu diệt. Thuý Kiều khuyên Từ Hải trở về với triều đình thể hiện tấm lòng trung của một người dân đối với vua, với nước: Bằng nay chịu tiếng vương thần, Thênh thênh đường cái thanh vân hẹp gì. Công, tư, vẹn cả hai bề, Dần dà rồi sẽ liệu về cố hương. Cũng ngôi mệnh phụ đường đường, Nở nang mày mặt, rỡ ràng mẹ cha. Trên vì nước, dưới vì nhà, Một là đắc hiếu, hai là đắc trung. Chẳng hơn chiếc bách giữa dòng ... Rằng: "Ơn Thánh đế dồi dào, Tưới ra đã khắp, thấm vào đã sâu”. (Nguyễn, 2001, tr. 175) Nghe lời trung hiếu của Thuý Kiều, Từ Hải đầu hàng triều đình “Đang khi bất ý chẳng ngờ/ Hùm thiêng khi đã sa cơ cũng hèn!” (Nguyễn, 2001, tr. 177). Tư tưởng trung quân của Thuý Kiều kết cục dẫn đến Từ Hải bị quan quân giết hại, nghĩa quân tan tác, bản thân nàng bị hãm hại. Từ nội dung tác phẩm phản ánh tư tưởng trung quân Nho giáo chiếm lĩnh lí tưởng sống của con người trong xã hội. Trong tình huống truyện cụ thể ở đây, phải chăng tác giả thể hiện thái độ đả kích tấm lòng ngu trung của Thuý Kiều. Dân gian Việt Nam có câu: “Chim khôn lựa cành mà đậu, lựa chúa mà thờ”. Với Nguyễn Du, lòng trung phải có điều kiện, không phải là lòng trung mù quáng, sùng bái vua chúa một cách mù quáng. Nếu vua không xứng đáng, vua không giữ lễ quân thần, không lấy lòng nhân đối với dân thì thần dân có thể phản kháng. Đây chính là tư tưởng trung quân Nho giáo đã được Việt Nam hóa: Trung với nước hơn trung với vua. Người Việt Nam đã tiến hành “vượt gộp” thành công và thể hiện một “kiểu lựa chọn” rất Việt Nam. 3.3. Chữ Tiết với Thuý Kiều Ngay từ đầu Truyện Kiều, Nguyễn Du đã giới thiệu Thuý Kiều là một nhân cách đặc biệt “Mai cốt cách, tuyết tinh thần” (Nguyễn, 2001, tr. 54), làm nền cho cuộc đời đầy uẩn khúc, gian truân của nàng. Khi tình yêu của Thuý Kiều với Kim Trọng đang trong độ mặn nồng, nàng sợ Kim Trọng vượt qua lễ nghĩa khi “Xem trong âu yếm có chiều lả lơi” (Nguyễn, 2001, tr. 83) nên đã buông lời khuyên nhủ: 148
  9. Phạm Văn Hóa Đã cho vào bậc bố kinh, Đạo tòng phu, lấy chữ trinh làm đầu. Ra tuồng trên Bộc, trong dâu, Thì con người ấy ai cầu làm chi! Phải điều ăn xổi ở thì, Tiết trăm năm, nỡ bỏ đi một ngày! (Nguyễn, 2001, tr. 83) Tình yêu của Kim Kiều chưa được bao lâu thì đột nhiên được tin chú Kim Trọng tạ thế, chàng bất đắc dĩ phải về quê hộ tang chú. Khi hai người biệt ly, Thuý Kiều buông lời thề hẹn: “Đã nguyền hai chữ đồng tâm/ Trăm năm thề chẳng ôm cầm thuyền ai/ Còn non, còn nước, còn dài/ Còn về, còn nhớ đến người hôm nay.” (Nguyễn, 2001, tr. 86). Sau khi Kim Trọng về quê, gia đình Kiều gặp cơn nguy biến, Thuý Kiều với tư cách là trưởng nữ trong gia đình, trước tai họa của gia đình nàng đành hy sinh tình yêu với Kim Trọng để làm tròn đạo hiếu với cha mẹ. Để báo đáp ân tình với Kim Trọng nàng chỉ còn cách nhờ Thuý Vân trả nghĩa thay. Sau khi bán mình chuộc cha, tương lai nàng thật tăm tối, mất lòng tin vào cuộc đời. Sợ liên luỵ đến cha mẹ, nàng phải theo tên buôn người Mã Giám Sinh, miễn cưỡng bước vào chốn bùn nhơ. Sau tất cả, nàng không cam lòng chịu nhục, nàng kêu lên: “Nàng rằng: "Trời thẳm đất dày!/ Thân này đã bỏ những ngày ra đi!/ Thôi thì thôi có tiếc gì!/ Sẵn dao tay áo, tức thì giở ra” (Nguyễn, 2001, tr. 106). “Đó là tinh thần của người liệt nữ vốn sẵn sàng lấy cái chết để bảo vệ phẩm giá, tiết hạnh” (Trần, 2015, tr. 636). Số phận trớ trêu, sau khi được cứu trong lòng nàng thầm mong: “Tưởng người dưới nguyệt chén đồng,/ Tin sương luống những rày trông mai chờ” (Nguyễn, 2001, tr. 109). Trải qua bao nhiêu khổ đau, cuối cùng Thuý Kiều gặp được anh hùng Từ Hải cứu nàng thoát khỏi kiếp lầu hoa. Cuộc sống hạnh phúc chưa bao lâu thì nàng chỉ vì chữ trung khuyên Từ Hải đầu hàng và rồi nàng rơi vào tay Hồ Tôn Hiến, gián tiếp gây ra cái chết của Từ. Có ăn năn cũng không thể kịp, đến đây nàng lại một lần nữa lấy cái chết báo đền ơn nghĩa với chồng mình Từ Hải: Rằng: "Từ công hậu đãi ta, "Xót vì việc nước mà ra phụ lòng. "Giết chồng mà lại lấy chồng, "Mặt nào mà lại đứng trong cõi đời? "Thôi thì một thác cho rồi, "Tấm lòng phó mặc trên trời, dưới sông!" (Nguyễn, 2001, tr. 181) Kết thúc truyện, Thuý Kiều và Kim Trọng tương phùng nhưng không thể chung mộng, vì Kiều cho rằng bản thân đã không còn xứng đáng, rằng hổ thẹn với chàng Kim, chỉ lấy tình bằng hữu thay duyên vợ chồng, dẫu cho chàng Kim tha thiết khẩn cầu nàng. 149
  10. TẠP CHÍ KHOA HỌC ĐẠI HỌC ĐÀ LẠT [CHUYÊN SAN KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN] Nàng rằng gia thất duyên hài, Xót lòng ân ái ai ai cũng lòng. Nghĩ rằng trong đạo vợ chồng, Hoa thơm phong nhị, trăng vòng tròn gương. Chữ trinh đáng giá nghìn vàng, Đuốc hoa chẳng thẹn với cành mai xưa? Thiếp từ ngộ biến đến giờ, Ong qua bướm lại đã thừa xấu xa. (Nguyễn, 2001, tr. 199-200) Như vậy, dưới ngòi bút của Nguyễn Du việc miêu tả Kiều với quan niệm chữ Tiết ít nhiều chịu ảnh hưởng quan niệm Nho giáo. Cuộc đời Thuý Kiều đã rất nhiều lần rơi vào cảnh ngộ không một người phụ nữ nào mong muốn nhưng từ đầu đến cuối nàng vẫn luôn bảo vệ nguyên tắc đạo đức trung trinh. Bi kịch là vì chữ Tiết trinh mà nàng tự tước bỏ tình yêu của mình, tước bỏ đời sống tình cảm với người yêu thương nàng và nàng cũng yêu thương, chỉ vui rượu thơ sáng tối cùng Kim Trọng – một hình ảnh như hai người đàn ông với nhau. Điều này lại gợi đến một sự xót xa khác của hoàn cảnh: Phần thưởng cho một người đàn bà đức hạnh với hệ giá trị Nho giáo là tự mình huỷ hoại hạnh phúc thực sự. Lồng trong tiếng nói phê phán đó, chữ Tiết trinh nói như Trần “Kiều tái hợp Kim tự biết thân mình nhơ nhuốc không xứng với chàng nữa, nhưng tiết nghĩa của lòng nàng đã được người xưa hiểu rõ và tha thứ” (Trần, 2013). Trước mắt Nguyễn Du, Thuý Kiều vẫn là một người phụ nữ trong trắng, thanh cao. Hay nói cách khác nhà thơ đã “bước qua” quan niệm tiết hạnh của Nho giáo để đưa phạm trù trinh tiết/ thân xác/ vật chất về phạm trù tinh thần – phạm trù tâm hồn, cái đẹp phi vật thể. Cùng với Hồ Xuân Hương, Phạm Thái, Nguyễn Du đã dám đứng ngoài chuẩn mực Nho giáo để tôn vinh tâm hồn đẹp đẽ của người con gái, để yêu thương, trân trọng những phẩm chất rất con người của họ. Bởi thế, Nguyễn Du cho Kiều ba lần bước qua “vườn Thuý” để đến với chàng Kim. Khi “Sóng tình dường đã xiêu xiêu/ Xem trong âu yếm có chiều lả lơi” (Nguyễn, 2001, tr. 83) thì chính Kiều đã khuyên nhủ Kim Trọng giữ lấy “tiết trăm năm”, giữ lấy “đá vàng” cho “duyên đằm thắm” không phải bởi chữ trinh trừu tượng, giáo điều mà bởi cái kết cục bẽ bàng của Thôi Oanh Oanh và Trương Củng, bởi nàng sợ “Quá chiều nên đã chán chường yến anh,... Mà lòng rẻ rúng đã dành một bên” (Nguyễn, 2001, tr. 83) sau cuộc mây mưa vượt rào. Ở đây, có thể khẳng định, ứng xử với Tiết trinh của Thuý Kiều đã mang nội dung mới. Quan niệm của các nhà nhân văn chủ nghĩa thế kỷ XVIII-nửa đầu thế kỷ XIX, mà Nguyễn Du là một đại diện, về chữ Tiết trinh, về nhân phẩm của con người mới mẻ, nhân đạo và phá vỡ chuẩn mực đạo đức giáo điều xa rời thực tế của Nho giáo. Những vấn đề của con người, thuộc về con người và mang tính nhân văn đã được Nguyễn Du từng bước tổng hợp từ truyền thống của dân tộc và khu vực, được ông nâng cao, làm sâu sắc hơn chính từ cuộc đời đầy trải nghiệm và cũng đầy sóng gió của mình. 150
  11. Phạm Văn Hóa 3.4. Chữ Nghĩa với Thuý Kiều Chữ Nghĩa ở hình tượng Thuý Kiều trong Truyện Kiều của Nguyễn Du chủ yếu biểu hiện ở đoạn, sau khi Từ Hải thắng lợi trở về, nghe Thuý Kiều tâm sự về những việc chua xót đã qua, chàng nổi giận lôi đình, lập tức tập hợp quân lính đến Lâm Tri, Vô Tích bắt về những kẻ thù và đưa về ân nhân của Thuý Kiều. Từ Hải để Thuý Kiều toàn quyền xử lý, ân đền oán trả, thưởng phạt phân minh. Đối với Thúc Sinh, Kiều nói: Nàng rằng: "Nghĩa trọng nghìn non, Lâm Tri người cũ, chàng còn nhớ không? Sâm, Thương, chẳng vẹn chữ tòng, Tại ai, há dám phụ lòng cố nhân? Gấm trăm cuốn, bạc nghìn cân, Tạ lòng dễ xứng báo ân gọi là” (Nguyễn, 2001, tr. 169) Thái độ của Thúy Kiều với Hoạn Thư “mà trong lẽ phải có người có ta” (Nguyễn, 2001, tr. 200) cho thấy văn hóa ứng xử truyền thống của người Việt Nam, khiến Kiều trở nên gần gũi, nhân văn hơn. Chữ Nghĩa ở đây chịu ảnh hưởng của hệ tư tưởng Nho giáo, nhưng Nguyễn Du không hề xem nhẹ đạo lý nghĩa tình truyền thống của người Việt Nam. Đó là đạo lý ân nghĩa, thuỷ chung, vị tha, nhân hậu, bao dung và thấu hiểu. Nhân vật Thuý Kiều hiện thân của đạo lý tốt đẹp ấy. Việc làm của Thuý Kiều được quần chúng, qua miệng viên lại già họ Đô đánh giá là “Đã nên có nghĩa có nhân/ Trước sau trọn vẹn xa gần ngợi khen” (Nguyễn, 2001, tr. 192). Đối với kẻ bạc ác như Tú Bà, Mã Giám Sinh, Sở Khanh, Bạc Hạnh, Bạc Bà nàng không tha thứ một ai: Mấy người bạc ác, tinh ma, Mình làm, mình chịu, kêu mà ai thương! (Nguyễn, 2001, tr. 171) Ở đây, Thuý Kiều ân oán phân minh, có ơn trả ơn, nợ oán báo oán. Dưới ngòi bút Nguyễn Du, hình tượng Thuý Kiều với chữ Nghĩa được thể hiện rất sống động. Nếu nhân nghĩa của Khổng giáo phục vụ cho trật tự phong kiến thì nhân nghĩa của Nguyễn Du không những mang dấu ấn thời đại, mà còn là sự kế thừa được truyền thống nhân nghĩa của ông cha ta. Các nhân vật chính diện của Nguyễn Du là những con người hành động vì nghĩa một cách tự giác và đầy nhiệt tình. Ở Thuý Kiều, Nghĩa với Tình gắn với nhau làm một. Thuý Kiều quyết định trao duyên cho Thuý Vân có nghĩa là việc làm vì tình nghĩa, trả nghĩa cho Kim Trọng. Chữ Nghĩa ở đây mang nội hàm tình yêu thương và trách nhiệm. Trước sau, Thuý Kiều vẫn là con người nhân hậu, vị tha, coi ân nghĩa hơn oán thù, sẵn sàng khoan dung, độ lượng với kẻ nhận ra tội lỗi. Nghĩa tình ấy, nơi Kiều, lại là sắc thái tiêu biểu của dân tộc Việt Nam, phù hợp với đạo lý của người Việt Nam. Cách cư xử nhân nghĩa của nàng khiến người đời hả hê lòng dạ. Đồng thời, ở đây 151
  12. TẠP CHÍ KHOA HỌC ĐẠI HỌC ĐÀ LẠT [CHUYÊN SAN KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN] thái độ ứng xử đầy nhân nghĩa của Thuý Kiều cũng phản ánh thái độ căm ghét tận xương tuỷ của Nguyễn Du đối với các thế lực phong kiến đen tối. 4. NGUYỄN DU, NHÀ NHO (QUÂN TỬ VÀ TÀI TỬ) VÀ CON NGƯỜI VIỆT NAM NHÌN TỪ NHÂN VẬT THUÝ KIỀU Trung hiếu tiết nghĩa ở Thuý Kiều thể hiện những đặc trưng gắn với hai motif nhân vật quen thuộc trong thơ ca của Nguyễn Du cả chữ Hán lẫn chữ Nôm. Đó là những thân phận hồng nhan mang đặc trưng “đa đoan” và những phụ nữ với đặc trưng thân phận là “đoan chính”. Ở Thuý Kiều có hình bóng của ca nương, cầm giả xuất hiện khá nhiều trong sáng tác của Nguyễn Du, một mặt bắt nguồn từ nguyên nhân kinh tế xã hội, một mặt có nguyên nhân đến từ tiểu sử và gia tộc. Nguyễn Du đồng cảm với thân phận hồng nhan bạc mệnh của họ. Bên cạnh đó, Thuý Kiều cũng có bóng dáng của tiết phụ, liệt nữ - loại nhân vật xuất hiện khá nhiều trong thơ chữ Hán Nguyễn Du1 – nguyên nhân sâu xa đến từ bối cảnh xã hội và tư tưởng. Nằm trong vành khuyên văn hóa Hán, Việt Nam đương nhiên tiếp nhận và chịu ảnh hưởng của giáo lý Nho gia vốn đề cao “tam cương” với sự thống trị của thế giới đàn ông. Người phụ nữ trong xã hội này phải giữ gìn đức hạnh, nêu cao danh dự. Nguyễn Du ca ngợi người phụ nữ đức hạnh Nho giáo là lẽ đương nhiên. Motif nhân vật phụ nữ “đoan chính” trong thơ Nguyễn Du mang mẫu số chung là đều gặp sự oan trái về cảnh ngộ, sự éo le trong số phận, trong hoàn cảnh đó họ lựa chọn sống theo gương đạo đức. Kiều đã chủ động lựa chọn hy sinh tình riêng để thuận theo chữ hiếu, chọn cái chết để bảo tồn trinh tiết,... Trung hiếu tiết nghĩa của Kiều đã nhận được từ Nguyễn Du lòng thương cảm và sự ngưỡng mộ tuyệt đối. Nguyễn Du đứng trên lập trường của đạo đức Nho giáo để ca ngợi tấm gương đạo đức của người phụ nữ trung trinh hiếu nghĩa, giữ vững đạo cương thường Thuý Kiều. Nhưng, Nguyễn Du với tâm hồn nhạy cảm và trái tim nhân ái đã không chỉ nhìn nàng Kiều như một tấm gương đạo đức để khuyến trừng, mà ông còn luôn thấy được sự cô độc đến thảm thương, sự hy sinh, oan trái đến gần như vô nghĩa ở Thuý Kiều. Hai motif này hòa vào nhau trong thân phận Thuý Kiều, và cùng nhận được sự cảm thương của thi hào họ Nguyễn. Hai motif này xuất hiện trong phẩm chất Thuý Kiều thể hiện mối quan hệ giữa Truyện Kiều với thơ chữ Hán của ông là sự tiếp nối, nâng cao và hoàn thiện thức cảm về cuộc đời của Nguyễn Du. Hai motif này xuất hiện trong phẩm chất Thuý Kiều đến từ sự phức tạp, đa diện trong nhân cách tư tưởng của Nguyễn Du. Trong ông tồn tại lí trí của một ông quan và tình cảm của một nghệ sĩ, cả lí tưởng hành đạo của một nhà Nho quân tử và tư chất tài tình của một nhà Nho tài tử. Hai khuôn mặt này tồn tại song song trong nhân cách Nguyễn Du, có khi bổ trợ cho nhau, có khi xung đột với nhau. Sự đồng hành và mâu thuẫn ấy dường như đã thể hiện trong cách ông xây dựng nhân vật tâm đắc nhất của mình là Vương Thuý Kiều. Kiều đã đi từ chốn “Êm đềm trướng rủ màn che” (Nguyễn, 2001, tr. 55) đến chỗ “Ong qua bướm lại đã thừa xấu xa” (Nguyễn, 2001, tr. 200) mà vẫn được Nguyễn Du mượn lời chàng Kim Trọng để chiêu 1 Thơ chữ Hán Nguyễn Du không chỉ đề vịnh về các nhân vật mang đức hạnh Nho giáo nổi tiếng trong lịch sử Trung Quốc như: Dương Thái Hậu, Dương Quý Phi, Nga Hoàng, Nữ Anh, Ngu Cơ, Tiểu Kiều, Đại Kiều,... mà còn ca ngợi những người phụ nữ dù không xuất thân cao sang quyền quý nhưng để lại tấm gương đức hạnh Nho giáo như người chinh phụ chờ chồng hóa đá ở Lạng Sơn, ba người phụ nữ họ Lưu trầm mình trên biển,... 152
  13. Phạm Văn Hóa tuyết rằng “Như nàng lấy hiếu làm trinh” (Nguyễn, 2001, tr. 200). Ông đã tìm cách hoán đổi các hệ giá trị của Nho gia về đạo đức để giải cứu cho nhân vật yêu quý của mình. Ông đã để cho nàng Thuý Kiều mấy lần định quyên sinh giữ tiết nhưng rồi lại để nàng sống với những suy nghĩ toan tính rất mực “con người”. Dành sự thương cảm nâng niu với phận ca nhi kỹ nữ trên cái nền tảng thâm căn cố đế của đạo đức lễ giáo Nho gia – chính điều đó đã làm nên cái vĩ đại trong nhân cách và văn tài của Nguyễn Du. Quả thật, “sự đa tạp, hỗn dung về tư tưởng chính trị - đạo đức và thẩm mỹ trong bản thân tác giả trung đại là một thực tế quan trọng cần được tôn trọng” (Trần, 2012, tr. 209). Trung hiếu tiết nghĩa ở Thuý Kiều của Nguyễn Du còn là kết quả của một quá trình tiếp nhận và dung hợp văn hóa Nho giáo của người Việt. Bản thân đạo đức Nho giáo có nhiều yếu tố nhân văn phù hợp với đạo đức truyền thống người Việt. Nho giáo cực đoan luôn xem nhẹ vai trò của người phụ nữ đối với xã hội nhưng tư tưởng Việt Nam luôn xây dựng trên nền bản sắc không phân biệt nam nữ để đánh giá và ghi nhận phẩm chất của họ. Thực tế trong tác phẩm, Nguyễn Du không đề cao Kiều ở phẩm chất người con gái nết na, đảm đang, theo kiểu công, dung, ngôn, hạnh Nho giáo. Quan điểm nghiên cứu phong kiến nêu cao đạo đức trung hiếu tiết nghĩa trong Truyện Kiều và nhân vật Thuý Kiều, cho đó là đạo đức của Nho giáo và Kiều là tấm gương của đạo đức ấy. Thực tế, Nho giáo đến thời đại Nguyễn Du đã trở thành tấm khiên cản trở và tội lỗi. Nhân dân sở dĩ yêu mến Kiều và Truyện Kiều là do họ tìm thấy trong đó cái đạo nghĩa của mình. Cho nên trung hiếu tiết nghĩa trong truyện tuy mang tên Nho giáo, nhưng thực chất lại là đạo đức nhân dân, là đạo nghĩa nhân dân. Chẳng hạn Nho giáo là phục tùng, đạo hiếu của nhân dân là tình yêu thương. Với người Việt Nam, tam tòng tứ đức không hề là khuôn mẫu duy nhất định hình nữ tính, người phụ nữ Việt trong truyền thống cũng không nhất thiết là liễu bồ dựa bóng tùng quân, an phận nâng khăn sửa túi. Điều này phù hợp với khẳng định của Zhao và Song (2015, tr. 379), các nhà nghiên cứu người Trung Quốc: “Thuý Kiều của Nguyễn Du vẫn bảo lưu chất tài tình của tiểu thuyết tài tử giai nhân Trung Quốc nhưng Thuý Kiều của Trung Quốc trọng chữ “tài”, Thuý Kiều của Nguyễn Du trọng chữ “mệnh” và chữ “tình”, trọng “nữ tính” hơn. Chữ “tài” của Thuý Kiều Việt Nam chỉ giúp làm nền cho thân phận người phụ nữ. Thúy Kiều của Thanh Tâm tài nhân thể hiện sự điềm tĩnh và dũng cảm của con người trọng đạo lý. Thúy Kiều của Nguyễn Du dịu dàng nhu thuận, nhân ái, bao dung hoàn toàn phù hợp với những chuẩn mực về người con gái lý tưởng thể hiện được những đức tính tốt đẹp của người phụ nữ Việt Nam truyền thống. Từ đầu đến cuối tác phẩm, Kiều của Nguyễn Du luôn giữ phẩm cách thiện lương, thùy mị”. Không giống con người nghĩa lý, đạo lý của Thanh Tâm tài nhân, Thuý Kiều của Nguyễn Du trở thành con người tâm lý, con người tình nghĩa. Ở đây có yếu tố truyền thống văn hóa và văn học đặc thù của mỗi dân tộc đã ảnh hưởng tới phong cách nghệ sĩ. Đọc Truyện Kiều, người ta nhận ra những phẩm chất, tính cách, tâm lý,... của Thuý Kiều như hiện thân người phụ nữ Việt Nam, không xa lạ. Đấy là biệt tài của Nguyễn Du trên tinh thần chủ động của văn hóa nội sinh tiếp biến văn hóa ngoại sinh về phía dòng chảy văn hóa Việt, trong xu hướng dân tộc hóa. Hình tượng Thuý Kiều còn phản ánh tính thời đại Nguyễn Du: Sự thức tỉnh của tiếng nói cá nhân, giải phóng cá nhân và quyền tự do cá nhân trong sự chuyển biến xã hội, thăng trầm thời thế và quyền lực. Cá nhân Thuý Kiều và người phụ nữ nói chung chủ động trong việc ra quyết định, tìm kiếm tình yêu, hạnh phúc, cũng như xác lập các 153
  14. TẠP CHÍ KHOA HỌC ĐẠI HỌC ĐÀ LẠT [CHUYÊN SAN KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN] hệ giá trị và chuẩn mực chứ không đơn giản tuân theo quy chuẩn đạo đức, truyền thống, ràng buộc của xã hội Nho giáo. Đây là biểu hiện của phẩm chất Kiều, cũng là đặc tính của văn hóa Việt: Linh hoạt trước hoàn cảnh. Cùng với các nhân vật khác, Kiều đã định nghĩa lại hiếu, trung, trinh tiết, phẩm giá… và giành quyền quyết định hành động của nàng đối với các giá trị cá nhân này. 5. KẾT LUẬN Bài viết tìm hiểu nhân vật Thuý Kiều trong Truyện Kiều của Nguyễn Du dưới góc nhìn văn hóa Nho giáo, không chỉ giúp thấu hiểu sâu sắc hơn nội dung của tác phẩm, đồng thời thông qua sự thành công trong việc “tái tạo” nhân vật Thuý Kiều có thể nhìn nhận những ẩn tàng sau phẩm chất của nàng là văn hóa Việt truyền thống. Đằng sau sự thành công trong ngòi bút xây dựng hình tượng Thuý Kiều nói riêng, chúng ta nhận ra sự tiếp nhận văn hóa Nho giáo của Việt Nam không hoàn toàn là sự sao chép, mà đó là sự tiếp nhận sáng tạo và có chọn lọc, nói như một số nhà nghiên cứu, Nho giáo đã được Việt Nam hóa. Chữ Nôm và văn học chữ Nôm là dòng văn học dưới sự sáng tạo của người Việt sau khi tiếp thu chữ Hán và văn học Hán. Nguyễn Du và tác phẩm đỉnh cao của văn học Việt Nam thời trung đại Truyện Kiều là một ví dụ điển hình cho tinh thần sáng tạo đó. Dưới ngòi bút của Nguyễn Du tư tưởng văn hóa Nho giáo được thể hiện tinh thần Việt một cách tinh tế. Trong một bài viết, Nguyễn (2016, tr. 26) đã từng khẳng định rằng: “Quyền lực chính trị và quyền lực văn hóa đã sững sờ bó tay trước một kiệt tác văn chương tràn đầy tư thế. Với Truyện Kiều, Nguyễn Du không chỉ thể hiện cái tài năng cá nhân của riêng mình mà còn nói với thế giới về căn cốt của văn hóa Việt Nam”. TÀI LIỆU THAM KHẢO Hoài, T. (1979). Nghìn thu vọng mãi. In trong D. A. Đào (chú giải), Nguyễn Du Truyện Kiều (tr. 58). NXB.Văn học. Nguyễn, D. (2001). Truyện Kiều. NXB. Văn học. Nguyễn, T. T. X. (2016). Nguyễn Du người làm nên những cuộc hôn phối kỳ diệu trong thế giới văn chương. Tạp chí Khoa học & Công nghệ, 19(X3), 26. Tạ, N. L. (2013). Lịch sử Việt Nam (Tập 3). NXB. Khoa học Xã hội. Trần, Đ. H. (1996). Nho giáo và văn học Việt Nam trung cận đại. NXB. Văn hóa Thông tin. Trần, N. T. (2015). Truyện Kiều dưới cái nhìn của kiểu người đọc nhà nho. In trong Kỷ yếu Hội thảo Kỷ niệm 250 năm năm sinh đại thi hào dân tộc, danh nhân văn hóa Nguyễn Du (tr. 635-644). NXB. Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh. Trần, Q. N. (2013). Khảo sát Truyện Kiều (Ch. Thâu, Ghi). http://www.vanhoanghean. com.vn/component/k2/30-nhung-goc-nhin-van-hoa/3866-khao-sat-doan-truong- tan-thanh-cua-nguyen-du-bai-soan-cho-lop-8a-va-b-truong-pho-thong-cap-iii- phan-dinh-phung-ha-tinh-nien-khoa-1950-1951 Trần, T. N. (2012). Văn học Việt Nam từ thế kỷ X đến hết thế kỷ XIX. NXB. Giáo dục. 154
  15. Phạm Văn Hóa Vũ, T. (2016). Sự kế thừa, phát triển tư tưởng và nghệ thuật trong Truyện Kiều. Tạp chí Khoa học Xã hội Việt Nam, (2), 76-85. Zhao, Q. Y., & Song, L. Y. (2015). Kim Vân Kiều truyện của Nguyễn Du với Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm tài nhân: Kế thừa và biến đổi (Phan, Th. V., Dịch). In trong Kỷ yếu Hội thảo Kỷ niệm 250 năm năm sinh đại thi hào dân tộc, danh nhân văn hóa Nguyễn Du (tr. 856-874). NXB. Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh. 155
nguon tai.lieu . vn