Xem mẫu

  1. KỶ YẾU HỘI NGHỊ KHOA HỌC SINH VIÊN NĂM HỌC 2018-2019 NHÂN SINH QUAN CỦA NGƯỜI VIỆT TRONG TỤC NGỮ CA DAO VÀ VẬN DỤNG VÀO DẠY HỌC CÁC BÀI “CÔNG DÂN VỚI ĐẠO ĐỨC” (GDCD LỚP 10) ĐÀO THỊ THÙY LINH Khoa Giáo dục Chính trị Email: thuylinh.gdct@gmail.com Tóm tắt: Trong biển nguồn vô tận của nền văn hóa dân gian, tục ngữ và ca dao được coi là một lĩnh vực chứa đựng nhiều tri thức phong phú đa dạng, đó là những tri thức được chắt lọc từ thực tiễn lao động sản xuất, từ thực tiễn cuộc sống và tranh đấu của biết bao thế hệ người Việt Nam. Bài viết khai thác và làm sáng tỏ một số tư tưởng về nhân sinh quan của người Việt được ẩn chứa trong tục ngữ, ca dao. Trên cơ sở đó, rút ra ý nghĩa thực tiễn xác lập quan niệm sống của con người Việt Nam trong thời đại mới và vận dụng vào giảng dạy một số bài học đạo đức môn Giáo dục công dân lớp 10 nhằm góp phần nâng cao hiệu quả dạy học các bài học của môn này ở trường THPT hiện nay. Từ khóa: Nhân sinh quan, tục ngữ, ca dao, quan niệm, biện pháp giáo dục. 1. MỞ ĐẦU Văn hóa dân gian là một nguồn chứa đựng những tri thức vô cùng phong phú thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, nó có thể cung cấp cho người giáo viên và học sinh những tri thức được trình bày dưới dạng đơn giản, dễ hiểu, dễ cảm thụ. Thông qua tục ngữ, ca dao những quan niệm, những trăn trở suy tư của cha ông được đúc kết dưới dạng triết lý vừa ngắn gọn súc tích, vừa cô đọng sâu sắc đồng thời cũng thật gần gũi và dễ hiểu, trong đó đáng chú ý là những quan niệm về con người, gia đình, người thân, bè bạn, những quan niệm về Tổ quốc, về tình yêu, đồng loại... Đó là những bài học, những tri thức giúp cho chúng ta qua đó nhìn lại bản thân mình, vận dụng để hoàn thiện mình hơn, sống đẹp và sống có ích hơn. Có lẽ cũng vì thế mà tục ngữ, ca dao có một sức sống mãnh liệt trong tâm hồn người Việt Nam, nó như một dòng sữa tinh thần nuôi dưỡng chiều sâu tâm hồn và bồi đắp nên nhân cách cho biết bao thế hệ người Việt. Kết nối nội dung của tục ngữ ca dao trên đây với đặc thù tri thức môn GDCD lớp 10 đã cho thấy chúng có thể trở thành nguồn tư liệu phong phú cho quá trình dạy và học. Trên cơ sở căn cứ vào nhiệm vụ, mục tiêu và nội dung chương trình đạo đức môn Giáo dục Công dân ở lớp 10 hiện hành, tác giả chọn lọc, tập hợp một số câu ca dao, tục ngữ trong rất nhiều tác phẩm, công trình nghiên cứu hoặc sưu tầm về tục ngữ, ca dao, nhằm cung cấp cho giáo viên và học sinh một tài liệu tham khảo để vận dụng vào quá trình dạy và học những bài đạo đức môn Giáo dục Công dân lớp 10 một cách hiệu quả hơn. 2. NỘI DUNG 2.1. Nhân sinh quan trong triết học và triết lý dân gian của người Việt trong tục ngữ, ca dao Có thể nói rằng, nhân sinh quan là một trong những vấn đề cơ bản trung tâm, xuyên 65
  2. TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM, ĐẠI HỌC HUẾ suốt của lịch sử triết học, những vấn đề liên quan trực tiếp đến hoạt động tinh thần, liên quan đến đời sống của con người luôn luôn được các nhà triết học, trường phái triết học đặt ra và giải quyết. Nhân sinh quan có thể nói vắn tắt, đó là cách nhìn nhận, là các quan điểm về con người của triết học. trong lịch sử triết học khi bàn về vấn đề con người thì các trường phái triết học đã đưa ra nhiều quan niệm khác nhau. Mặc dù, đề cập đến những vấn đề, những khía cạnh khác nhau của con người, dưới hình thức này hay hình thức khác từ thời cổ đại vấn đề con người đã trở thành một trong những đề tài triết học cơ bản. Tuy nhiên, ở mỗi thời đại vấn đề đó được đặt ra và giải quyết trong những bối cảnh và nội dung khác nhau. Nhưng xét cho cùng, những vấn đề về cách nhận thức thế giới, cải tạo thế giới..., cũng nhằm mục đích vì con người, phục vụ cho cuộc sống của con người. Từ đó, chúng tôi cho rằng nhân sinh quan là những quan niệm về con người, về vai trò, vị trí và thái độ của con người trong thế giới. Tục ngữ, ca dao là một gia tài phong phú và quý báu bao gồm: những kinh nghiệm đời sống, kinh nghiệm lịch sử xã hội đã tích luỹ lại được từ hàng ngàn năm lao động và đấu tranh của nhân dân ta. Nó bao gồm những kiến thức của nhân dân lao động thời xưa về khoa học - kỹ thuật, về lịch sử - xã hội, về triết học, những kiến thức này tuy còn gắn chặt với kinh nghiệm, nhưng so với tất cả các hình thức văn hoá tinh thần dân gian khác thì đó là dạng kiến thức đã tiến gần hơn cả đến dạng kiến thức khoa học mà trình độ nhận thức của nhân dân lao động thời xưa có thể đạt tới được. Đó cũng là một pho sách giáo khoa hướng dẫn cách suy nghĩ về những trường hợp của cuộc sống mà nhân dân ta hay gặp phải trong quan hệ với giới tự nhiên và các quan hệ xã hội. Một pho sách giáo khoa về tư tưởng mà nhân dân lao động thời xưa đã xây dựng nên được qua hoạt động thực tiễn sản xuất, và thực tiễn xã hội hàng nghìn năm của mình. Tuy cách suy nghĩ, phương pháp tư tưởng của di sản tục ngữ, ca dao còn chưa tách rời tư duy cảm tính, song so với tất cả các sản phẩm văn hoá tinh thần khác, thì đó là kiến thức tiến gần hơn cả đến trình độ trừu tượng mà tư duy của nhân dân lao động thời xưa có thể đạt tới được. Tục ngữ, ca dao là một kho tàng phong phú về văn hoá dân tộc, gồm hàng nghìn câu nói ở dạng làm sẵn có thể dùng để diễn đạt hàng loạt những tư tưởng khác nhau từ những vấn đề cụ thể đến những vấn đề trừu tượng về thế giới khách quan và đời sống con người. Tài liệu ngôn ngữ này quý báu vì nó vừa kết tinh được nhiều đặc điểm của tiếng nói dân tộc, vừa in dấu được lối nghĩ của nhân dân, vừa là một chất liệu ngôn ngữ sinh động, giàu tính hiện thực, sản phẩm của những điều kiện sống, lao động và đấu tranh của những điều kiện lịch sử - xã hội riêng của nhân dân ta, của dân tộc ta. 2.2. Cách thức vận dụng tục ngữ ca dao vào dạy học các bài “Công dân với đạo đức” (GDCD lớp 10) Xuất phát từ sự phù hợp giữa nội dung nhân sinh quan trong tục ngữ, ca dao với đặc thù tri thức của các bài dạy trong chương trình môn GDCD lớp 10, việc vận dụng tục ngữ, ca dao sẽ được tiến hành ở nhiều hình thức khác nhau. Sau đây là những hướng vận dụng cơ bản: 66
  3. KỶ YẾU HỘI NGHỊ KHOA HỌC SINH VIÊN NĂM HỌC 2018-2019 2.2.1. Vận dụng tục ngữ, ca dao để dẫn dắt vào nội dụng bài học Trước khi vào nội dung chính của bài học hay một đơn vị khiến thức của bài, giáo viên thường dùng lời nói để giới thiệu dẫn dắt nhằm tạo tâm thế và kích thích sự hứng thú của học sinh vào nội dung bài học thì sẽ thu được kết quả cao, cụ thể có hai hình thức cơ bản sau: Thứ nhất, vận dụng để vào bài mới. Thực chất đây là hình thức giáo viên dùng những câu tục ngữ, ca dao có nội dung phù hợp với chủ đề bài học để thay thế cho lời vào bài. Từ đó giáo viên làm rõ chủ đề bài học bằng những câu hỏi có tính định hướng, chuẩn bị tâm thế tiếp nhận tri thức bài mới cho học sinh. Ví dụ: Để dẫn học sinh vào bài: “Công dân với cộng đồng” (bài 13 GDCD lớp 10) giáo viên có thể đưa câu tục ngữ: “Lá lành đùm lá rách Lá rách ít đùm lá rách nhiều” Trong cuộc sống, mỗi cá nhân sẽ không thể tồn tại và phát triển nếu không thể gắn kết với cộng đồng nhất định. Đó là gia đình nơi ta được sinh ra, được nuôi dưỡng che chở, che chở và yêu thương; đó là quê hương – nơi ta lớn lên với biết bao kỷ niệm thân thương giữa vòng tay bè bạn, thầy cô và những người thân thuộc; đó là Tổ quốc – đã mang đến cho ta sức mạnh từ ngàn năm trước, kết nối yêu thương, sức mạnh trong trái tim ta với triệu triệu đồng bào đến ngàn vạn năm sau; đó là nhân loại – gia đình lớn cùng ta chung sống trên mọt tinh cầu nhỏ xíu giữa vũ trụ bao la, dù khác nhau mái tóc, màu da… nhưng vẫn nâng đỡ, che chở nhau bởi tình đồng loại. Chúng ta đã và đang nhận rất nhiều từ những cộng đồng mà chúng ta tham gia và chúng ta cũng phải có trách nhiệm đóng góp vào sư phát triển của những cộng đồng ấy. Đó cũng chính là nội dung của bài học tiếp theo Bài 13: Công dân với cộng đồng. Thứ hai, vận dụng để dẫn học sinh vào từng phần của kiến thức. Cũng giống như vận dụng để vào bài mới, chỉ có điều trong trường hợp này giáo viên đưa tục ngữ, ca dao vào để giúp học sinh tiếp cận một đơn vị kiến thức nào đó trong cấu trúc bài học. Do đó, nội dung của câu tục ngữ, ca dao không phải là biểu đạt chung của toàn bài mà là một phần của bài học. Ví dụ: Khi dạy bài "Công dân với tình yêu hôn nhân và gia đình" (Bài 12 GDCD lớp 10) để dẫn học sinh vào phần C: “Mối quan hệ gia đình và trách nhiệm của các thành viên”, giáo viên có thể đọc câu ca dao: “Thờ cha mẹ, ở hết lòng. Ấy là chữ hiếu, dạy trong luân thường, Chữ đễ nghĩa là nhường. Nhường anh, nhường chị, là nhường người trên. Ghi lòng tạc dạ chớ quên Con em phải giữ lấy lề con em” 67
  4. TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM, ĐẠI HỌC HUẾ Giáo viên đọc xong bài ca dao có thể đặt vấn đề: “Những câu ca dao cô (thầy) vừa đọc nói lên điều gì?”. Dựa vào ý kiến phát biểu của học sinh mà giáo viên đưa ra kết luận rồi dẫn dắt vào mục c. 2.2.2. Vận dụng tục ngữ, ca dao để làm minh họa nội dung tri thức Đây là hình thức được giáo viên sử dụng thường xuyên, đặc biệt là khi giảng dạy các khái niệm, phạm trù có tính khái quát, trừu trượng cao. Thay vì dùng lời lẽ, lý luận để phân tích, lý giải tri thức bài học. Giáo viên lại đưa tục ngữ, ca dao vào để thực hiện nhiệm vụ này. Ví dụ: Khi giảng đến khái niệm: “Nghĩa vụ là gì” (Bài 11: Một số phạm trù cơ bản của đạo đức học GDCD lớp 10). Để làm rõ khái niệm trên giáo viên có thể đưa vào bài giảng các câu tục ngữ. “Tận trung với nước, tận hiếu với dân” Hoặc: “Vì nước quên thân vì dân phục vụ” Hay là: “Việc nước trước việc nhà” Giáo viên phân tích các câu tục ngữ trên để lý giải cho khái niệm “Nghĩa vụ là gì”, nghĩa vụ là trách nhiệm của cá nhân đối với yêu cầu, lợi ích chung của cộng đồng, của xã hội. Lồng ghép tục ngữ, ca dao theo dạng này nhiều lúc đem lại hiệu quả rõ rệt, tri thức đạo đức của bài học đã được chuyển thành hành vi đạo đức thông qua cách ứng xử mà ông cha ta đã đúc kết trong tục ngữ, ca dao. Do đó, bằng nghệ thuật của mình giáo viên làm toát lên và giúp học sinh nắm được tư tưởng chủ đạo của câu tục ngữ, ca dao. Như vậy cũng có nghĩa là giúp học sinh nắm được tri thức của bài, cách vận dụng này đặc biệt có hiệu quả đối với việc giáo dục hành vi đạo đức cho học sinh. 2.2.3. Vận dụng tục ngữ, ca dao để củng cố bài học Đây là một hình thức vận dụng tục ngữ, ca dao sau khi giáo viên đã kết thúc bài học, giáo viên đưa ra những câu tục ngữ, ca dao phù hợp sau đó nêu vấn đề để học sinh dựa vào kiến thức đã học lý giải vấn đề đó. Ví dụ: Khi kết thúc bài: "Công dân với tình yêu, hôn nhân và gia đình" (bài 12 GDCD lớp 10) giáo viên có thể nêu câu tục ngữ: “Thuận vợ thuận chồng tát Biển Đông cũng cạn” Giáo viên hỏi học sinh: Em hiểu như thế nào về câu tục ngữ trên?. Dựa vào thái độ của học sinh qua các ý kiến. Giáo viên tổng kết và đưa ra quan điểm của mình. Sau đó giáo viên có thể đọc thêm các câu tục ngữ, ca dao: “Yêu nhau mấy núi cũng trèo Mấy sông cũng lội, mấy đèo cũng qua” 68
  5. KỶ YẾU HỘI NGHỊ KHOA HỌC SINH VIÊN NĂM HỌC 2018-2019 Hay: “Tóc đến lưng vừa chừng em bối Để chi dài bối rối dạ anh” Đây là cách cũng cố bài vừa hấp dẫn vừa đem lại hiệu quả cao, giúp học sinh có một tâm thái nhẹ nhàng sau giờ học. Như vậy, việc vận dụng tục ngữ, ca dao vào bài giảng đạo đức phải tùy theo mục đích và nội dung của bài học. Thiết lập mối quan hệ hợp lý giữa nội dung tri thức và nội dung tục ngữ, ca dao truyền tải là ưu điểm lớn trong quá trình chọn lựa. Giáo viên cần khai thác tối đa để nâng cao hiệu quả bài dạy đạo đức. 2.3. Ý nghĩa sư phạm của việc vận dụng quan niệm về con người trong tục ngữ, ca dao trong dạy học môn GDCD lớp 10 2.3.1. Tạo ra hứng thú và hấp dẫn cho bài học Tạo hứng thú học tập là một yêu cầu của bất cứ hình thức lên lớp nào. Đó là điều kiện quan trọng làm cho giờ học đạo đức trở nên hấp dẫn và sinh động. Đó là sự hấp dẫn từ chính những ca từ, nội dung bộc lộ tình cảm, sự biểu hiện xúc cảm của tâm trạng là sự ngân vang của tâm hồn, sự hấp dẫn còn được dấy lên từ chính hình thức thể hiện của tục ngữ, ca dao, lối thơ “lục bát và song thất lục bát”, ngôn ngữ dễ đọc, dễ thuộc, dễ nhớ nhưng lại không dễ quên. Thông qua những câu tục ngữ, ca dao giáo viên có thể minh hoạ cho sự kiện, những hiện tượng hay nguồn gốc phát sinh, phát triển của tri thức mà học sinh cần tiếp thu. Nội dung tục ngữ, ca dao phù hợp với nội dung của bài giảng kết hợp với lời nói dịu dàng, trữ tình đằm thắm của giáo viên sẽ tạo ra hứng thú, hấp dẫn cho bài học giúp học sinh tiếp thu bài một cách nhẹ nhàng, thấm sâu thu hút được sự chú ý của học sinh ngay từ trên lớp. 2.3.2. Vận dụng tục ngữ, ca dao là một biện pháp giáo dục đạo đức có hiệu quả Đối với các bài dạy đạo đức, vận dụng tục ngữ ca dao là một biện pháp giáo dục đạo đức có hiệu quả. Cái đích mà bài học hướng đến là thông qua hệ thống tri thức để giúp hình thành ở học sinh niềm tin đạo đức và rèn luyện hành vi ứng xử phù hợp với các chuẩn mực đạo đức của xã hội. Mục tiêu này sẽ khó đạt được nếu người giáo viên áp đặt học sinh bằng hệ thống lý thuyết thuần tuý. Dạy đạo đức phải tạo ra được sự chuyển biến tự giác từ ý thức bên trong của mỗi học sinh. Vận dụng tục ngữ, ca dao vào các bài dạy đạo đức, giáo viên thông qua những hình tượng nghệ thuật, tiếng nói của bản thân chủ thể trữ tình sẽ tác động mạnh vào tâm tư tình cảm của học sinh, giúp chuyển tri thức thành niềm tin, niềm tin đó sẽ hướng tuổi trẻ vào việc thực hiện hành vi đạo đức một cách tự nguyện, có những hành động tích cực trong việc thực hiện nghĩa vụ công dân, yêu quê hương, yêu đất nước, hướng tới cái “chân” “thiện” “mỹ”, trân trọng kế thừa và phát huy truyền thống tốt đẹp của gia đình, quê hương... Chính vì thế việc vận dụng tục ngữ, ca dao không chỉ có tác dụng đem lại mỹ cảm nghệ thuật, làm phong phú đời sống tâm hồn mà còn bồi dưỡng thái độ của học sinh trước những hành vi đạo đức trong cuộc sống. Giúp học sinh nắm bắt các phạm trù cơ bản của đạo đức dễ dàng hơn, có tình cảm và niềm tin đối với các quan điểm đạo đức đúng đắn, biết tự điều chỉnh, hoàn thiện 69
  6. TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM, ĐẠI HỌC HUẾ bản thân theo các yêu cầu cơ bản về đạo đức của người công dân Việt Nam trong giai đoạn hiện nay. 2.3.3. Góp phần phát huy tính tích cực, chủ đọng, sáng tạo của học sinh Việc vận dụng tục ngữ, ca dao vào trong các bài giảng đạo đức là một việc không dễ dàng gì, nhưng vận dụng như thế nào để phát huy tính tích cực của học sinh, tự giác làm giàu thêm vốn kiến thức của mình lại là công việc khó khăn hơn nhiều. Nếu học sinh cũng có một vốn tục ngữ, ca dao phong phú thì giờ giảng của giáo viên sẽ tránh được sự đơn điệu, nhàm chán nhờ sự tham gia của người học. Phát huy được tính tích cực của học sinh, cả học sinh và giáo viên sẽ cùng tham gia hoạt động, không khí lớp học cũng không còn trầm lắng, nặng nề nữa. Giáo viên có thể yêu cầu học sinh lấy một câu tục ngữ, hoặc ca dao để minh hoạ cho một đơn vị kiến thức nào đó, hoặc từ một câu tục ngữ, ca dao mà học sinh đưa ra, cả lớp sẽ phân tích để thấy được nội dung và ý nghĩa mà chủ thể trữ tình muốn truyền tải trong đó. Bằng cách thức này học sinh sẽ tiếp thu tốt hơn. 3. KẾT LUẬN Khác với tư tưởng ở các nước phương Tây mang tính toàn diện, hệ thống. Còn tư tưởng của người Việt chưa trở thành một hệ thống mà nó được biểu hiện một cách tản mạn, phân tán trong “văn học dân gian, sử học”. Trong đó, tục ngữ, ca dao được đánh giá là một lĩnh vực chứa đựng những giá trị tư tưởng quý báu của người Việt. Tục ngữ, ca dao đã thể hiện tư tưởng nhân sinh quan của người Việt qua cách nhìn nhận biện chứng về mối quan hệ giữa con người với thế giới tự nhiên, về kinh nghiệm trong lao động như nhận biết về khí hậu, thời tiết, đất đai, mùa màng..., trong quan hệ xã hội đó là đạo lý làm người, là tinh thần đoàn kết tương thân tương ái “thương người như thể thương thân”... Lồng ghép tục ngữ, ca dao vào trong bài dạy đạo đức có nhiều tác dụng tích cực. Nếu giáo viên biết cách khai thác tối đa những ưu điểm này của việc lồng ghép tục ngữ, ca dao đối với bài dạy đạo đức sẽ làm cho giờ học trở nên sôi nổi và hiệu quả. Để tục ngữ, ca dao phát huy hết thế mạnh của mình khi sử dụng, giáo viên phải có nhiều cách thể hiện khác nhau. Tuỳ từng bài học, từng nội dung kiến thức, từng câu tục ngữ, ca dao mà giáo viên sử dụng một cách linh hoạt nhằm đạt được những mục đích khác nhau. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Nguyễn Hùng Hậu (2002). Đại cương lịch sử tư tưởng triết học Việt Nam, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội. [2] Đoàn đức Hiếu (2001). Lịch sử triết học phương Đông, NXB Đại học Huế. [3] Châu Nhân Khanh (2001). Ca dao Việt Nam, NXB Đồng Nai. [4] Đinh Gia Khánh (2000). Văn học dân gian Việt Nam, NXB Giáo dục, Hà Nội. [5] Triều Nguyên (2001). Ca dao, ngụ ngôn người Việt, NXB Thuận Hoá. 70
nguon tai.lieu . vn