Xem mẫu

  1. NGUYÊN NHÂN HÌNH THÀNH CỘNG ĐỒNG NGƯỜI VIỆT Ở THÁI LAN TỪ THẾ KỶ XVII ĐẾN THẾ KỶ XX HOÀNG THỊ TRÀ NHUNG Khoa Lịch sử Tóm tắt: Cộng đồng người Việt ở Thái Lan bắt đầu hình thành từ các đợt di cư vào thế kỷ XVII. Nhìn chung quá trình di cư, nhập cư của người Việt diễn ra liên tục trong suốt từ giữa thế kỷ XVII đến thế kỷ XX với các nguyên nhân khác nhau như: bài xích tôn giáo, nạn mất mùa đói kém, chiến tranh Xiêm – Việt trên đất Campuchia. Đặc biệt, vào cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, trên con đường đi tìm đường cứu nước, giải phóng dân tộc nhiều chí sĩ yêu nước Việt Nam đã chọn Thái Lan làm địa bàn hoạt động của mình.Sau cùng là sự lánh nạn chiến tranh Đông Dương của Việt Kiều từ Lào sang miền đất Đông Bắc Thái Lan sau khi chiến tranh thế giới thứ hai chấm dứt. Từ khóa: di cư, nhập cư, định cư, cộng đồng 1. MỞ ĐẦU Người Việt xuất hiện ở Thái Lan từ rất sớm, với lịch sử trên dưới 300 năm sớm nhất vào thời kỳ Authaya và muộn nhất là thời kỳ sau chiến tranh thế giới thứ hai, người Việt ở Thái Lan luôn gắn liền với những biến cố lịch sử của Việt Nam cũng như những biến động trong quan hệ khu vực. Đến đầu thế kỷ XX cộng đồng người Việt ở Thái Lan chính thức hình thành với nhiều nguyên nhân khác nhau. 2. NỘI DUNG Vào cuối thế kỷ XV đầu thế kỷ XVI, các cường quốc phương Tây cũng như Giáo hội Thiên chúa giáo La Mã đã tìm cách mở rộng ảnh hưởng về châu Á, châu Phi và châu Mỹ. Vua Pháp Louis XIV (1643-1715) hết sức ủng hộ cho công cuộc truyền bá đạo Thiên Chúa, chính nhà vua đã viết thư yêu cầu chúa Trịnh ở Đàng ngoài cho phép truyền bá đạo Thiên Chúa.Trong thư của vua nói đến vấn đề truyền giáo: “Điều mà chúng tôi mong mỏi hơn hết cho Ngài và xứ sở của Ngài, là các thần dân của Ngài, những người đã theo đạo duy nhất của vị chúa tể của Trời Đất, được tự do truyền giảng đạo này, một đạo cao nhất, sáng nhất, thánh thiện nhất và hơn hết là để các vua cai trị một cách tuyệt đối các dân tộc”[6, tr. 49]. Vua Pháp không ngần ngại kêu gọi chúa Trịnh đi theo Thiên Chúa giáo: “Chúng tôi cũng tin rằng nếu Ngài biết những chân lý, những châm ngôn, mà đạo này dạy, Ngài sẽ là người làm gương theo đạo đầu tiên cho thần dân của Ngài” [6, tr. 49]. Để đáp lễ, chúa Trịnh Cán đã gửi quà biếu cho vua Pháp, đồng thời, ông viết thư trả lời ngay cho vua Pháp về ý muốn truyền giáo với những lời thẳng thắn: “Ý muốn của Ngài về việc mong chúng tôi cộng tác trong việc truyền bá quý đạo, chúng tôi không thể chấp nhận được vì chúng tôi đã có những cổ tục do luật lệ định ra, đã rõ ràng chống lại việc này... Làm sao chúng tôi có thể coi thường một tập tục lâu đời để thoả mãn tình bạn riêng tư” [6, tr. 51]. Kỷ yếu Hội nghị Khoa học Sinh viên năm học 2016-2017 Trường Đại học Sư phạm, Đại học Huế, tháng 12/2016: tr. 94-101
  2. NGUYÊN NHÂN HÌNH THÀNH CỘNG ĐỒNG NGƯỜI VIỆT... 95 Đây là thái độ rõ ràng, dứt khoát không chấp nhận của chúa Trịnh về việc đề nghị truyền bá đạo Thiên Chúa của vua Pháp. Dù chúa Trịnh không đồng ý, nhưng các nhà truyền giáo vẫn ngấm ngầm, len lỏi bằng nhiều hình thức để truyền đạo như: cải trang làm thương gia, thợ sửa đồng hồ, sửa các máy móc, máy thiên văn... Chính sự bài xích Thiên Chúa giáo của chính quyền Trịnh- Nguyễn ở Đàng Ngoài đã tác động đến sự hình thành nhóm người Việt đầu tiên định cư ở Thái Lan mà cụ thể là ở Ayutthaya từ thế kỷ XVII (vùng này nằm cách biên giới các tỉnh Đông Bắc Thái Lan từ 600 - 800 km). Nhà nước Ayutthaya vào những năm giữa thế kỷ XVII trên bước đường xây dựng trở thành một quốc gia thịnh vượng đã mở cửa giao lưu hàng hóa bằng đường biển với các nước phương Tây như Bồ Đào Nha, Hà Lan, Pháp, Tây Ban Nha... Với thái độ cứng nhắc có phần cực đoan trong chính sách bài xích Thiên Chúa giáo, trong lúc các giáo sỹ phương Tây đang lôi kéo ngày một nhiều các giáo dân tại các làng quê ở cả ba miền Bắc, Trung, Nam. Chính sự bài xích quyết liệt này đã khiến nhiều gia đình công giáo phải bỏ làng quê ra đi hoặc tìm lối thoát về tinh thần. Sự ra đi của các gia đình nông dân Nam Bộ (toàn bộ các gia đình đều là tín đồ theo Thiên Chúa giáo) đã tạo thành một làn sóng nhập cư, đó có thể coi là đợt nhập cư đầu tiên của của người Việt vào Thái Lan bằng con đường biển, người Xiêm đương thời gọi họ là người Duôn Cochinchina [7, tr. 23]. Với chủ trương mở cửa đất nước, mở rộng quan hệ buôn bán với nước ngoài, vua Narai vĩ đại của Xiêm (1656- 1688) thi hành chính sách cởi mở trong đãi ngộ với mọi cộng đồng người nước ngoài đang làm ăn sinh sống ở Ayuthaya, không phân biệt tôn giáo. Đó là những thuận lợi ban đầu đối với người Việt lớp đầu tiên. Họ không những không bị cản trở mà còn được hoan nghênh. Trong một bản đồ vẽ năm 1687 về Ayutthaya của sứ thần Pháp Simon de la Loubèle đã được xuất bản vào năm 1691, có một khu phố của người Việt ở Kinh đô Ayutthaya với tộc danh là “Cochinchinois” với khoảng 100 người [9, tr.25] họ chủ yếu làm nông nghiệp thuần túy và một số nghề phụ gắn liền với nông nghiệp như đánh bắt cá tôm, chế biến hải sản và một số nghề thủ công liên quan khác như đóng thuyền, dệt vải, dệt chiếu... Khi người Việt đã xuất hiện ở một số vùng đất của Xiêm thì vào những năm cuối của vương triều Ayuthaya, nước Xiêm rơi vào cảnh suy tàn bởi cuộc chiến tranh Thái– Miến (1766- 1767). Cùng với những cuộc chạy loạn của người Việt ra khỏi Ayuthaya đi về phía Tây như Kanchanaburi, hay xuống phía Nam như Nakhon Sithămmarat thì ở phía Đông xuất hiện làn sóng nhập cư mới của người Việt vào nước này. Đây là những đợt nhập cư không xuất phát từ lý do tôn giáo. Nó bị xô đẩy bởi cuộc chiến tranh xâm lấn lãnh thổ vì mục đích bảo vệ ngai vàng, vừa gây thanh thế của triều đình Thoonburi vào thời điểm vua Taksin đem quân đánh đất Hà Tiên.Vào thời kỳ Thonburi (1767- 1782), một số người trong gia quyến và thuộc hạ của chúa Nguyễn Phúc Xuân dấy binh chống Tây Sơn tại Quảng Nam nhưng thất bại đã chạy vào Hà Tiên rồi tìm đường vượt biển sang Xiêm lánh nạn. Trong thời gian này, Mạc Thiên Tứ (Mạc Thiên Tích), trấn thủ đất Hà Tiên bị nghĩa quân Tây Sơn đánh bại, phải chạy sang cầu cứu triều đình Thonburi. Cả hai nhóm người này đều được vua triều đình Thonburi là Taksin (người Việt thường
  3. 96 HOÀNG THỊ TRÀ NHUNG gọi là Tạc Sút) tạo điều kiện cho sinh sống ở đây và gọi họ là “gia đình Hoàng tộc lưu vong” [8, tr. 53-71]. Khi triều đại Thonburi sụp đổ, mở ra vương triều Bangkok, một đợt nhập cư nữa của người Việt vào Thái Lan bắt đầu. Đó là cuộc nhập cư ồ ạt của hàng trăm binh sĩ, dân thường theo đoàn tùy tùng của Nguyễn Ánh sang nương náu ở đất Xiêm [8, tr. 53-71]. Nguyễn Ánh lần đến Bangkok trong tư thế của một chúa vương thất cơ lỡ vận, cầu xin sự giúp đỡ, cưu mang. Trước hết, ông cần một chỗ dung thân cho mình và đám tàn quân vừa bại trận. Năm 1783 đã diễn ra một trận ác chiến giữa quân Tây Sơn và quân Nguyễn Ánh, quan quân Nguyễn Ánh bị đánh bại. Đám tàn quân hộ giá Nguyễn Ánh phải chạy thục mạng xuống Hậu Giang rồi sang Campuchia, quân Tây Sơn truy lùng ráo riết nên phải kéo nhau ra lánh nạn ngoài vịnh Xiêm. Đúng mùa đông lạnh giá, lênh đênh ngoài biển, thiếu thức ăn, nước uống, không vũ khí, tàu thuyền lại thêm mẹ già, con nhỏ (hoàng tử Cảnh bấy giờ mới hơn 3 tuổi)…Tất cả dồn đến như thách thức Nguyễn Ánh và đưa ông vào thế cùng lực kiệt. Trước khó khăn ấy, Nguyễn Ánh đã chọn triều đình Băng Cốc để nhờ cậy. Vì từ vịnh Xiêm, ông chỉ có thể chạy về Băng Cốc hoặc chạy tới Campuchia. Nhưng triều đình Campuchia luôn lục đục, suy yếu không thể là chỗ dựa tin cậy. Hơn nữa Campuchia lại cận kề với Đàng Trong, rất dễ bị quân Tây Sơn tiếp tục truy đuổi. Không có cách lựa chọn nào khác, Nguyễn Ánh đã nghĩ tới triều đình Băng Cốc để cầu cứu sự cưu mang, giúp đỡ, vì đây khá an toàn cho quan quân Nguyễn Ánh tá túc. Đất Xiêm không quá gần vùng Gia Định để quân Tây Sơn không thể tới đây truy lùng nhưng cũng không quá xa để khi thời cơ tới, quan quân Nguyễn Ánh có thể cấp tốc quay về lấy lại đất Gia Định làm “căn cứ địa” đánh lại Tây Sơn. Hơn nữa Xiêm là một nước lớn ở khu vực, triều đình Rama vừa được sáng lập, rất cường thịnh, Nguyễn Ánh có thể tranh thủ sự giúp đỡ vể mọi mặt của họ để gây dựng lại cơ đồ. Nguyễn Ánh đã cho Chu Văn Tiếp, cận thần thân tín làm “tiền trạm” bí mật tới Băng Cốc cầu viện. Vua Xiêm bằng lòng sai Văn Tiếp trở về đường núi, sai tướng Thát Si đen đem thủy quân sang Hà Tiên ngầm đón vua sang nước họ. Mùa xuân năm Giáp Dần (1784) Thế Tổ Nguyễn Phúc Ánh sang nước Xiêm. Sau khi đến Băng Cốc (tháng 3-1874) được một vài tuần, Nguyễn Ánh đã cho đón gia quyến cùng đám quan quân còn ở ngoài vịnh Xiêm về[5, tr.59]. Số thuộc hạ của Nguyễn Ánh bấy giờ có khoảng 200 người. Vua Xiêm ra lệnh thu xếp cho Nguyễn Ánh cùng gia quyến và đoàn tùy tùng lập cư ở làng Xẳmrôông, xã Khoọc Krabư (bên phía bờ Đông sông Chaophagia, đầu con kênh Phađung krungkaxểm), cho hưởng lộc mỗi năm 5 “chăng” (tên đơn vị tiền tệ thời cổ = 80 batk [10, tr. 29]… Tuy nhiên sau nhiều năm chờ đợi thời cơ trên đất Xiêm, Nguyễn Ánh hiểu ra rằng không thể nhờ cậy ở triều đình Xiêm để xây dựng sự nghiệp đế vương của mình, năm 1787 Nguyễn Ánh bàn với thuộc hạ thân tín tìm cách rời Xiêm quay về nước. Nguyễn Ánh rời Bangkok trở về nước chỉ đem theo 150 người thuộc hạ, số còn lại ở kinh thành Bangkok khá đông. Những người này được vua Rama 1 cho rời khỏi khu Khoọc Krabư đến nơi định cư mới là xã Bangphô. Dựa vào tình hình sinh hoạt của họ, vua Rama 1 cho phép cộng đồng người Việt ở Bangphô tự quản lý lấy nhau gọi là “Duôn Bangphô”... Lớp người Việt Nam này từ đó vĩnh viễn ở lại Bangkok góp phần
  4. NGUYÊN NHÂN HÌNH THÀNH CỘNG ĐỒNG NGƯỜI VIỆT... 97 không nhỏ vào công cuộc xây dựng thủ đô Bangkok bằng nhiều ngành nghề đa dạng, phong phú của họ. Trong lĩnh vực quốc phòng, lớp trai tráng khỏe mạnh được bổ sung vào nhiều binh chủng khác nhau và đã từng tham gia chiến tranh chống quân Miến và quân Mã Lai ở phía Nam. Ngoài yếu tố tôn giáo thì yếu tố chiến tranh cũng là một trong những nhân tố tác động đến sự hình thành cộng đồng người Việt ở Thái Lan. Theo tư liệu lịch sử Thái Lan, một phần trong sự nghiệp lớn lao của vua Rama 3 là tiến hành cuộc chiến tranh với Việt Nam trên đất Campuchia kéo dài suốt 15 năm. Năm 1834 khi rút chạy khỏi Campuchia, Hà Tiên và Châu Đốc quân Xiêm còn bắt dân Campuchia sống dọc bờ sông Tonlé Sap và một vài nơi khác đưa về Xiêm. Ngoài ra, quân Xiêm cũng mang theo 2000 người Việt phần lớn theo đạo Thiên chúa giáo đưa về sống ở ngoại thành Băng Cốc và sử dụng số người này để phá rối vùng biên giới Việt Nam– Campuchia sau này. Số người này bổ sung cho dân số làng Xảmxển trở thành một làng tập trung số đông người Việt sinh sống. Đến thế kỷ XIX sự phát triển của Thiên Chúa giáo đã kéo theo quá trình di cư của tín đồ khi có cơ hội. Dưới thời Nhà Nguyễn, tuy vua Gia Long là người rất có thiện chí với Thiên Chúa giáo nhưng ông vẫn chủ trương bảo vệ Nho giáo và nghi lễ thờ cúng tổ tiên. Đến thời kỳ Minh Mạng (1820-1840) vấn đề truyền giáo của phương Tây luôn làm cho nhà vua trăn trở, âu lo. Năm 1825, vua Minh Mạng ban hành dụ cấm đạo: “Các tôn giáo sai trái của người Tây Dương làm hư hỏng lòng người. Đã từ lâu nhiều tàu Tây Dương đến đây buôn bán và đã để lại các đạo trưởng trong vương quốc này. Các đạo trưởng đã lôi kéo và làm hỏng nhân tâm, làm suy thoái thuần phong mỹ tục. Đó chẳng phải tai họa lớn cho đất nước. Vậy phải chống lại sự lạm dụng này để đưa dân chúng trở lại con đường chính… phải canh phòng cẩn thận mặt hải cảng, miền núi, tất cả mọi ngả đường thủy bộ để ngăn không cho các đạo trưởng Tây Dương xâm nhập lén lút, trà trộn vào dân chúng để gieo rắc bóng đen trên vương quốc” [1, tr. 191]. Dưới thời Thiệu Trị, nhà vua vẫn duy trì chính sách cấm đạo được ban hành từ thời Minh Mạng nhưng không tỏ ra cực đoan hơn triều vua trước. Năm 1848, vua Tự Đức lên ngôi, phê duyệt lệnh cấm đạo đồng thời thể hiện chính sách chống lại đạo Thiên Chúa một cách gay gắt hơn. Đây cũng chính là thời kỳ cấm đạo, sát đạo trong lịch sử dân tộc. Chủ trương này không chỉ được các vị vua nhà Nguyễn thi hành mà ngay cả các phong trào chống Pháp sau đó cũng nêu cao tinh thần “Bình tây sát tả” (Diệt giặc Pháp, loại bỏ người theo đạo Thiên Chúa). Trong giai đoạn này, những người theo đạo Thiên Chúa bị bách hại, phải tìm sang Thái Lan lánh nạn bằng nhiều con đường: Đường bộ (vượt qua dãy Trường Sơn sang vùng Đông Bắc Thái Lan) và đường biển (đến Chanthaburi, Bangkok). Lúc này ở Thái Lan vua Rama4 thực hiện chính sách mở cửa, cùng với sự tuyên truyền của các cố đạo phương Tây khiến cho khoảng 5.000 đến 7.000 người Việt chạy sang Thái Lan [2, tr. 54-60]. Họ chủ yếu đến từ vùng đất miền Trung Việt Nam, vượt qua vùng núi non hiểm trở ở giải Trường Sơn qua Lào rồi vượt song Mekong đến vùng Đông Bắc Thái Lan. Nhân dân Thái thường gọi chung những người Việt Nam sang cư trú ở Thái Lan trong giai đoạn đầu tiên này là “Duôn càu” (người Việt Nam cũ). Họ đã khai phá những vùng đất hoang vu thành các cánh đồng trồng lúa nước, bước đầu lập
  5. 98 HOÀNG THỊ TRÀ NHUNG nên các làng của người Việt và từng bước phát triển nghề nông nghiệp như trồng trọt, chăn nuôi, một số nghề thủ công truyền thống khác từ quê nhà sang cũng được phát triển. Trong quá trình lập làng họ đã quyên góp tiền của và công sức để xây dựng nhà thờ Thiên Chúa giáo với những lễ thức nghiêm ngặt mà họ đem theo từ quê nhà. Một nguyên nhân khác dẫn đến sự hình thành cộng đồng người Việt ở Thái Lan là phong trào yêu nước của những sĩ phu. Tiêu biểu trong phong trào Cần Vương nổi bật với cuộc khởi nghĩa Hương Khê (1885-1895) do Phan Đình Phùng lãnh đạo. Phan Đình Phùng đã đọc đủ biên niên sử để tìm hiểu vì sao Gia Long đã không sử dụng thành công các căn cứ ở Xiêm để mua sắm vũ khí chiến tranh, ông cũng đã tìm hiểu tuyến đường cổ mà Gia Long đến vùng đông bắc Thái Lan. Lực lượng Phan Đình Phùng không phải là những người duy nhất lánh sang Xiêm mà các nhà lãnh đạo phong trào Cần Vương như: Trương Công Định và Phan Thanh Tôn cũng gửi các lực lượng còn lại của họ qua Campuchia và hạ Lào tạo mối liên hệ với các căn cứ xung quanh Ubon Thani và Sisaker (khu vực phía đông của Xiêm). Lực lượng này đã nhận được sự đảm bảo, ưu ái của người Xiêm. Với sự lánh nạn của những sĩ phu trong phong trào Cần Vương đã làm cho số lượng người Việt ở Thái Lan tăng lên nhanh chóng. Hoạt động của người Việt ở Thái Lan sôi nổi nhất là khi Nguyễn Ái Quốc về Xiêm. Vào khoảng tháng 8.1929, Nguyễn Ái Quốc đến Phì Chịt, bắt liên lạc với các đồng chí Việt Nam tại một hiệu buôn Hoa Kiều, cơ sở giao thông phụ trách đơn cán bộ từ Phì Chịt đi Quảng Châu, Hương Cảng và ngược lại. Sau đó, với tên “Thầu Chín”, người đi Uđon, ở lại đây khá lâu, rồi đi Sa Côn, Na Khon và nhiều nơi khác... [3, tr. 39]. Những ngày hoạt động tại Xiêm, Nguyễn Ái Quốc đã đề ra 4 chủ trương “Thái - Việt thân thiện” gồm: Tôn trọng pháp luật Thái Lan, học tiếng Thái, quan hệ hữu nghị với nhân dân Thái và đoàn kết nội bộ người Việt để làm cách mạng cứu nước. Nguyễn Ái Quốc ở Thái Lan chỉ có hơn một năm, đến khoảng tháng 9/1929, Người rời Xiêm để chuẩn bị cho việc hợp nhất các tổ chức cộng sản, thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam đầu năm 1930. Tuy chỉ ở đây một thời gian ngắn, nhưng những lời nói và việc làm của Nguyễn Ái Quốc đã ảnh hưởng đến người Việt một cách sâu sắc làm cho nếp sống của người Việt thay đổi hẳn, tác phong công tác của cán bộ được chỉnh đốn, cơ sở quần chúng được mở rộng và củng cố vững chắc. Đến giữa thế kỷ XX, thực dân Pháp vạch kế hoạch chiếm Đông Dương nằm trong mưu đồ khôi phục lại các thuộc địa đã bị mất. Tháng 3 năm 1946 thực dân Pháp mở đầu chính sách vũ trang xâm lược Lào với mục tiêu chính là các vùng Trung Lào và Thượng Lào. Quân Pháp đã đàn áp khốc liệt lực lượng vũ trang của quân đội Lào, thường dân Lào và lực lượng quân Việt kiều cứu quốc. Trong hoàn cảnh tương quan lực lượng hết sức chênh lệch như vậy, lực lượng vũ trang Lào và quân đội Việt kiều cứu quốc đã phải tháo lui để bảo toàn lực lượng theo hai ngả, một ngả vượt sông Mê Kông sang tỉnh Nakhon phanôm thuộc vùng Đông Bắc Thái Lan,một ngả hướng theo đường 9 Nam Lào. Theo thống kê chưa đầy đủ, có khoảng 5 vạn Việt kiều từ Lào sang Thái sau sự kiện Thakhek, tạo thành một lực lượng Việt kiều yêu nước đông đảo, đoàn kết cùng nhau chống đế quốc xâm lược. Nhân dân Thái Lan, cùng với cộng đồng Việt kiều ở đây
  6. NGUYÊN NHÂN HÌNH THÀNH CỘNG ĐỒNG NGƯỜI VIỆT... 99 từ trước đã nhiệt tình giúp đỡ cộng đồng người Việt Nam tản cư. Nhân dân địa phương đã chia sẻ khó khăn, nhường nhà sàn làm nơi ở tạm, nhường cơm sẻ áo, chăm sóc ý tế đối với người bị thương, đau yếu mong họ qua khỏi cơn bĩ cực. Đợt di cư này của người Việt được Chính phủ tiến bộ của Thủ tướng Pridi Banomyong giúp đỡ. Đại bộ phận những người Việt từ Lào sang Thái trong thời gian này đều có quê quán ở miền Bắc và miền Trung Việt Nam. Họ ở ngay những tỉnh Thái Lan đối diện với Lào: từ Viêng Chăn sang Nong Khai và Udon Thani; từ Thakhek sang Nakhon Phanom và Sakol Nakhon; từ Savannakhet sang Mukdahan và huyện Thai Phanom; từ Phêre sang Ubon Ratchathani. Đây là đợt nhập cư lớn nhất của người Việt vào Thái Lan. Cho đến nay, khi nói đến Việt kiều Đông Bắc Thái Lan là nói đến thế hệ người này bởi cuộc sống của họ hơn nửa thế kỉ qua đều gắn với lịch sử bang giao của hai nước Việt- Thái. Chính sách của chính quyền Thái Lan đối với thế hệ những người nhập cư đợt này khá ngặt nghèo. Nếu như những người Việt có mặt ở Thái Lan vào các thế hệ trước được gọi là dân nhập cư, được nhập quốc tịch Thái thì với tầng lớp người Việt đến Thái Lan vào giai đoạn này, đến những năm cuối thế kỉ XX chính quyền Thái Lan coi họ là dân tị nạn, gọi họ là “Người Việt mới”. Như vậy đến năm 1946, số lượng Việt kiều sinh sống ở Thái Lan qua ba đợt di cư khoảng trên 80.000 người [9, tr. 886-895]. Họ đã kết thành một khối với tình dân tộc, nghĩa đồng bào của những con người xa quê hương sâu sắc. Chính đây là cơ sở thuận lợi để Việt kiều yêu nước ở Thái Lan có những bước phát triển mới cả về lượng lẫn về chất hình thành nên một cộng đồng vững chắc. Với sự giúp đỡ của chính quyền và nhân dân Thái, cộng đồng người Việt đã ra đời từng bước ổn định cuộc sống và có những đóng góp cho Tổ quốc, quê hương. Cộng đồng người Việt ở Thái Lan đã có những đóng góp tích cực cho công cuộc giải phóng dân tộc, góp phần củng cố vững chắc khối người Việt ở đây. Trong cuộc kháng chiến chống Pháp cộng đồng người Việt ở Thái Lan tích cực hoạt động. Tổng hội Việt kiều (do các tổ chức Việt kiều hợp nhất vào đầu năm 1945) đã thành lập nên các chiến khu dọc theo vùng rừng núi Đông Bắc Thái Lan và biên giới Thái Lan - Campuchia. Bộ đội Việt kiều giải phóng được triệu tập lại, thanh niên trong cộng đồng người Việt Nam khắp Thái Lan nô nức lên đường về tập trung tại các chiến khu. “Tất cả có 13 chiến khu với 2000 cán bộ chiến sĩ, trung bình mỗi chiến khu có khoảng 70 đến 150 người. Lớn nhất là chiến khu Umke Noonghoi có đến 420 người” [4, tr. 142]. Bằng các đội quân được tăng cường từ đất Thái Lan, các đội quân đã trở về chiến trường Nam Bộ tham gia các trận đánh, góp phần chia lửa cho các chiến trường khác. Trong những trận chiến đấu đó đã có nhiều người con sinh ra ở đất Thái Lan những đã ngã xuống trên quê hương Việt Nam. Tính riêng trong thời kỳ chống Pháp, Việt kiều Thái Lan đã đóng góp một vạn thanh niên tòng quân đánh giặc cứu nước. Về tiền của, chỉ tính từ năm 1946 đến Hiệp định Giơneve được ký kết ( 1954), trung bình mỗi năm kiều bào đóng góp 12 triệu đồng tiền Đông Dương [4, tr. 190]. Cộng đồng người Việt ở Thái Lan còn đảm đương trách nhiệm
  7. 100 HOÀNG THỊ TRÀ NHUNG của người ở hậu phương. Mỗi gia đình người Việt đều nghe theo lời dạy của Bác, đều có “Hũ gạo kháng chiến”, có nhiều hành động thiết thực đầy cảm động. Sau khi đế quốc Mỹ thay chân thực dân Pháp xâm lược Việt Nam, người Việt ở Thái Lan lại tiếp tục sự nghiệp vẻ vang của mình, cùng với nhân dân cả nước chống đế quốc Mỹ xâm lược. Đến những năm 1950, số lượng Việt kiều ở Thái Lan đã lên tới 10 vạn người. Đến năm 1958, Chính phủ Thái Lan càng gấp rút thực hiện chủ trương đưa người Việt về nước, đến 4-1964 việc hồi hương bị hoãn lại do giặc Mỹ bắt đầu gây chiến tranh phá hoại miền Bắc. Trong mọi hoàn cảnh bà con luôn hướng về đất nước, ngày 3-9-1969, Đài tiếng nói Việt Nam báo tin Bác Hồ đã qua đời sau cơn ốm nặng. Thực hiện di chúc của Bác hồ những phong trào như “nở hoa đánh Mỹ”, “nuôi quân” được phát động sôi nổi ở khắp các tỉnh Đông Bắc Thái Lan. Phong trào được người Việt ủng hộ nhiệt tình, Ban vận động được thành lập và quyết định đặt tên cho số tiền ủng hộ của bà con người Việt tương đương: “lá” (1.000 bath), “nụ” (5.000 bath), “hoa” (10.000 baht). Ngày 06-8-1976, Việt Nam và Thái Lan thiết lập quan hệ ngoại giao, đây là sự kiện lịch sử trọng đại trong quan hệ hai nước vì lúc này quan hệ nhân dân- nhân dân đã được đẩy cao lên quan hệ nhà nước- nhà nước. Sự kiện trọng đại này có một phần không nhỏ của cộng đồng Việt kiều ở Thái Lan. Có thể nói, trong suốt những năm sống ở Thái Lan, Kiều bào không chỉ làm tròn nghĩa vụ với nước mẹ, mà còn làm tròn nghĩa vụ của chiếc cầu nối cho mối quan hệ của hai nước được nhen lên và phát triển. 3. KẾT LUẬN 3.1. Từ thế kỷ XVII đến thế kỷ XX cộng đồng người Việt ở Thái Lan đã hình thành sau nhiêu đợt di cư với nhiều nguyên nhân khác nhau như: nguyên nhân chính trị, nguyên nhân tôn giáo, nguyên nhân kinh tế...Trong hơn 3 thế kỷ qua, cộng đồng người Việt ở Thái Lan không ngừng phát triển, gia tăng về số lượng. Hiện nay, cộng đồng người Việt ở Thái Lan có khoảng hơn 11 vạn người với nhiều thế hệ khác nhau. Họ luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau và luôn hướng về quê hương đất nước. Địa bàn định cư chính của người Việt ở Thái Lan là khu vực Đông Bắc và miền Trung (Thủ đô Bangkok và một số tỉnh phía Đông). Trong đó, vùng Đông Bắc được xem là thủ phủ của người Việt ở Thái Lan. 3.2. Sau khi cộng đồng người Việt được hình thành họ đã nhanh chóng hội nhập về tất cả các mặt như kinh tế, chính trị, văn hóa- xã hội. Từ một cộng đồng của những người tha hương, chạy loạn, người Việt đã dần xác lập được địa vị kinh tế, chính trị của mình. Sự hình thành của cộng đồng tương đối sớm cùng với một số lượng đông đảo, sống tập trung trên một địa bàn không xa Tổ quốc Việt Nam là những cơ sở quan trọng để người Việt ở Thái Lan trở thành một tập thể bền vững, chặt chẽ để hướng về tổ quốc. Trong quá tình hội nhập cộng đồng người Việt vẫn luôn gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc riêng biệt của mình. Điều này được thể hiện rất rõ qua đời sống văn hóa ẩm thực, các trang phục truyền thống, cách bài trí nhà cửa, kiến trúc các công trình công cộng và đặc biệt là trong các lễ tang ma, trong tôn giáo, tín ngưỡng,...
  8. NGUYÊN NHÂN HÌNH THÀNH CỘNG ĐỒNG NGƯỜI VIỆT... 101 3.3. Cũng như những cộng đồng khác, cộng đồng người Việt ở Thái Lan là một cộng đồng yêu nước, có nhiều đóng góp cho cách mạng Việt Nam. Nhiều thế hệ người Việt tại đây đã che chở cho các nhà cách mạng Việt Nam hoạt động. Trong tiến trình đấu tranh giải phóng dân tộc Việt Nam, cộng đồng người Việt ở Thái Lan đã đóng vai trò to lớn trên nhiều mặt cả sức người và sức của cho cách mạng Việt Nam tiểu biểu trong cuộc kháng chiến chông Pháp (1945-1954) và chống Mỹ (1954- 1975). TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Phan Phát Huồn (1958). Việt Nam giáo sử, tập I, NXB Cứu - Thế Tùng - Thư, Sài Gòn. [2] Nguyễn Công Khanh, Hà Nguyên Khoa (2014). Đạo Thiên Chúa trong cộng đồng người Việt ở Thái Lan, Nghiên cứu Đông Nam Á, số 2, tr. 54-60. [3] Nguyễn Văn Khoan (2008). Người Việt ở Thái Lan 1910- 1960, NXB Công an Nhân dân, Hà Nôi. [4] Trần Đình Lưu (2004). Việt kiều Lào – Thái Lan với quê hương, NXB Chính trị Quốc gia Hà Nội, Hà Nội. [5] Lại Bích Ngọc (2003). Về việc vua Xiêm Rama I cưu mang, giúp đỡ Nguyễn Ánh, Nghiên cứu Đông Nam Á, số 1, tr. 59. [6] Nguyễn Khắc Ngữ (1990). Phương Tây tiếp xúc với Việt Nam, tập 2, Liên lạc Việt - Pháp thế kỷ XVII, XVIII. Tủ sách nghiên cứu Sử - Địa xuất bản, Montreal. [7] Sôvăttri Nathalang (1993). Chùa người Việt ở Thái Lan, Luận án Tiến sĩ ngành nhân học, Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Thawmmaxat, Băng Cốc. [8] Philipe Courtine (1994). Cộng đồng người Việt ở Trung Hoa, Bangkok - Một sự đồng hóa trăm năm, Nghiên cứu Đông Nam Á, số 3, tr. 53-71. [9] Poole, Peter A. (1967). Thailand's Vietnamese Minority, Asian Survey, (vol.VII, no.12), pp.886-895. [10] Chaophagia Thinhphakonvông (1983). Biên niên sử hoàng gia triều của Rama1, NXB Ôngkan khaskuruxapha, Băng cốc. HOÀNG THỊ TRÀ NHUNG SV lớp Sử 4B, khoa Lịch sử, trường Đại học Sư phạm – Đại học Huế ĐT: 0163 601 7624, Email: hoangthitranhung@gmail.com
nguon tai.lieu . vn