Xem mẫu

  1. NGUỒN LỰC TÀI CHÍNH CHO KHỞI NGHIỆP SÁNG TẠO – NHỮNG NGHIÊN CỨU TẠI CÁC NỀN KINH TẾ MỚI NỔI VÀ XU HƯỚNG CHO CÁC NGHIÊN CỨU TẠI VIỆT NAM Nguyễn Minh Thành* 1 TÓM TẮT: Các nghiên cứu trước đây chỉ ra một thực tế: để có được tăng trưởng bền vững cần phải đầu tư cho các startups trong lĩnh vực đổi mới, sáng tạo; và nguồn lực tài chính là vấn đề phải quan tâm đầu tiên. Các nguồn lực tài chính cho các startups có thể là: (i) nguồn vốn từ các thể chế: các khoản vay nợ ngân hàng (banks, MFIs), vốn đầu tư mạo hiểm (venture capitals); (ii) vốn phi thể chế: các khoản đầu tư từ nhà đầu tư thiên thần (angel investors), các chương trình tăng tốc (accelerators), các nhóm đầu tư (crowdfunding). Các khoản vay nợ ngân hàng vẫn là kênh huy động vốn chủ yếu của các startups, tuy nhiên, không dễ để họ có thể tiếp cận được các dòng vốn này. Các nền kinh tế phát triển và đang phát triển đã có những đầu tư cho công nghệ tài chính và thị trường cho vay kiểu mới và điều này đang phát huy tác dụng. Vốn đầu tư mạo hiểm thường có xu hướng tìm tới các startups trong lĩnh vực công nghệ, đổi mới sáng tạo. Các khoản đầu tư thiên thần, các chương trình gia tốc hay các nhóm đầu tư cũng đã hình thành ở nhiều nền kinh tế phát triển và đang phát triển. Bài viết tổng hợp một số nghiên cứu tiêu biểu tại các nền kinh tế đang phát triển có sự tương đồng với Việt Nam để làm bài học kinh nghiệm cho các nghiên cứu cũng như việc hoạch định chính sách liên quan tới nguồn lực tài chính cho các startups tại Việt Nam trong thời gian tới. Từ khóa: Nguồn lực tài chính; khởi nghiệp; sáng tạo. 1. KHỞI NGHIỆP SÁNG TẠO – ĐỘNG LỰC CHO TĂNG TRƯỞNG BỀN VỮNG 1.1. Sự trỗi dậy mạnh mẽ của các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển Khủng hoảng tài chính toàn cầu (Global Financial Crisis) giai đoạn 2008 – 2009 được nhiều sử gia trong lĩnh vực kinh tế xem như là cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất kể từ cuộc Đại khủng hoảng2 (The Great Depression). Tuy nhiên, giai đoạn khủng hoảng tài chính toàn cầu này cũng được nhớ tới bởi lý do đây là lần đầu tiên trong lịch sử mà các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển có những đóng góp vào sản lượng toàn cầu3 nhiều hơn so với các nền kinh tế phát triển (International Monetary Fund, 2017). Kể từ đó cho tới nay, các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển không ngừng gia tăng những đóng góp cho GDP toàn cầu, và theo dự báo của IMF (2017) thì đến năm 2020, GDP của các nền kinh tế này sẽ chiếm 60% GDP toàn cầu. Xa hơn, tới năm 2035, Goldman Sachs còn dự báo khối 04 nền kinh tế mới nổi lớn nhất - BRICs sẽ có GDP vượt khối các nền kinh tế phát triển - G7 (Goldman Sachs, 2003). * Khoa Kế Toán, Học viện Tài chính, Hà Nội, Việt Nam, tác giả nhận phản hồi: TS. Nguyễn Minh Thành. Tel.: +84 - 912691315. E-mail address: nguyenminhthanh.hvtc@gmail.com 1 Còn được gọi là Đại suy thoái diễn ra từ năm 1929 đến hết các năm 1930 và lấn sang đầu thập kỷ 1940, bắt đầu sau sự sụp đổ của thị trường chứng khoán Phố Wall vào 29 tháng 10 năm 1929 (Nguồn: https://en.wikipedia.org/wiki/ Great_Depression) 2 Được đo lường thông qua chỉ tiêu “Sức mua tương đương” (PPP - Purchasing Power Parity).
  2. 756 HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC TẾ KHỞI NGHIỆP ĐỔI MỚI SÁNG TẠO QUỐC GIA Hầu hết các nền kinh tế mới nổi đều có tốc độ tăng trưởng nhanh chóng. Theo thống kê của IMF, năm 1980, GDP bình quân đầu người của Hàn Quốc mới chỉ bằng 17% so với Mỹ; nhưng đến năm 2016, chỉ số này của Hàn Quốc đã bằng 67% so với Mỹ. Dựa vào sự phát triển này mà IMF đã phân loại Hàn Quốc là một nền kinh tế phát triển. IMF cũng dự báo chỉ số này sẽ tiếp tục tăng trong tương lai. Tương tự là trường hợp của Trung Quốc, GDP bình quân đầu người của quốc gia này chỉ bằng 2% so với Mỹ vào năm 1980 nhưng đến năm 2016 đã tương đương 27% (International Monetary Fund, 2017). 1.2. Khởi nghiệp sáng tạo – xu thế phát triển của tương lai Dự án nghiên cứu năm 2003 của Goldman Sachs đã thu hút được sự quan tâm rất lớn từ cả những nhà đầu tư lẫn những nhà hoạch định chính sách. Hầu hết đều đồng ý với dự báo mà Goldman Sachs đưa ra, đó là: các nền kinh tế mới nổi sẽ tiếp tục tăng trưởng nhanh, và sự tăng trưởng này phải dựa trên sự phát triển của khoa học công nghệ. Nhiều nghiên cứu về vấn đề nền tảng của sự phát triển như của Abramowitz (1956) hay Solow (1957) và một vài nghiên cứu gần đây đều chỉ ra rằng: một nền kinh tế phát triển ngày nay không thể có khả năng đạt được mức thu nhập cao nếu như không có tốc độ thay đổi công nghệ nhanh chóng. Điều này cũng có nghĩa rằng một nền kinh tế mới nổi/đang phát triển ngày nay sẽ không thể thu hẹp được khoảng cách về thu nhập với các quốc gia phát triển nếu họ không liên tục đổi mới, sáng tạo. Quan điểm về một nền kinh tế ngày nay mà nếu chỉ dựa vào gia tăng các yếu tố đầu vào của quá trình sản xuất sẽ không thể duy trì được tăng trưởng bền vững đang được số đông các nhà khoa học trên thế giới đồng tình. Tăng trưởng bền vững cần một sự đổi mới về chất chứ không phải là một sự tăng cường về lượng. Biến đổi về chất chính là những đổi mới, sáng tạo trong linh vực công nghệ. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều tranh luận xoay quanh vấn đề đổi mới, sáng tạo (Furman, Porter, & Stern, 2002). Chủ đề tranh luận đầu tiên có thể kể tới như: (i) những ảnh hưởng tới tốc độ thay đổi công nghệ và (ii) sự thay đổi vai trò của đổi mới, sáng tạo trong bối cảnh của các quốc gia đang phát triển nhằm hướng tới những mức độ thịnh vượng cao hơn của nền kinh tế. Hay như chủ đề về tầm quan trọng của khởi nghiệp trong đổi mới, sáng tạo tại các nền kinh tế mới nổi/đang phát triển cũng đang được nhiều học giả quan tâm (Casanova, Cornelius, & Dulta, 2017). Vai trò của khởi nghiệp trong đổi mới, sáng tạo đã được nhiều nghiên cứu thực hiện trong bối cảnh của các nền kinh tế phát triển. Tuy nhiên, những nghiên cứu như thế này tại các nền kinh tế mới nổi/đang phát triển vẫn còn nhiều khoảng trống. Và chủ đề thứ ba vẫn còn được tranh luận là chủ đề về nguồn lực tài chính cho khởi nghiệp trong đổi mới, sáng tạo (Casanova, Cornelius, & Dulta, 2017). Casanova và cộng sự thống kê và cho thấy có nhiều nghiên cứu thực chứng chỉ ra rằng việc thiếu hụt những nguồn lực tài chính là trở ngại đáng kể cho hoạt động khởi nghiệp trong đổi mới, sáng tạo tại các nền kinh tế phát triển và trở ngại này thậm chí còn lớn hơn tại các nền kinh tế mới nổi/đang phát triển. Tóm lại, các vấn đề lý thuyết được đưa ra như sau: một nền kinh tế trong bối cảnh ngày nay nếu muốn hướng tới phát triển bền vững thì cần phải liên tục đổi mới, sáng tạo trong lĩnh vực công nghệ. Và với sự năng động, nhạy bén và thích nghi nhanh của mình thì các doanh nghiệp khởi nghiệp (startups) là những chủ thể trong nền kinh tế có thể đẩy nhanh tốc độ đổi mới, sáng tạo trong lĩnh vực công nghệ. Để các startups có thể phát huy được hết vai trò của mình thì nguồn lực tài chính là vô cùng cần thiết và cần phải được quan tâm đầu tiên. Đã có nhiều nghiên cứu tại các quốc gia phát triển chứng minh cho các vấn đề lý thuyết này. Tuy nhiên, những lý thuyết này có đúng tại các quốc gia đang phát triển như Việt Nam hay không vẫn còn cần phải có những nghiên cứu tiếp theo để cung cấp thêm bằng chứng. 2. NHỮNG VẤN ĐỀ TÀI CHÍNH CHO KHỞI NGHIỆP SÁNG TẠO TẠI CÁC NỀN KINH TẾ MỚI NỔI Các phân tích của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD - Organization for Economic Cooperation and Development) đều chỉ ra rằng các doanh nghiệp trẻ năng động – những doanh nghiệp
  3. INTERNATIONAL CONFERENCE STARTUP AND INNOVATION NATION 757 chấp nhận rủi ro với tiềm năng tăng trưởng cao – đã có những đóng góp rất lớn trong việc tạo ra việc làm. Trong một báo cáo năm 2016 của mình, OECD đã cung cấp thông tin về khả năng tạo việc làm của các startups trong 21 nước thuộc OECD và những quốc gia không thuộc OECD. Theo đó, những doanh nghiệp có số năm hoạt động nhỏ hơn 5 năm chỉ sử dụng 21% lao động nhưng lại tạo ra 47% lượng công việc (OECD, 2016). Các doanh nghiệp này có có những đột phá trong lĩnh vực công nghệ và xây dựng mô hình kinh doanh kiểu mới. Các nhà hoạch định chính sách tại các quốc gia này nên cung cấp cho các startups một môi trường kinh doanh thuận lợi nhất, cho phép các nguồn lực (bao gồm và chủ yếu là nguồn lực tài chính) đầu tư dễ dàng vào họ và tạo điều kiện để họ được thực hiện và thử nghiệm các ý tưởng của họ trên thị trường. Về mặt tài chính, hiện nay có các nguồn tài chính có thể cấp vốn cho các startups như: (i) nguồn vốn từ các thể chế: các khoản vay nợ ngân hàng, vốn đầu tư mạo hiểm; (ii) vốn phi thể chế: các khoản đầu tư từ nhà đầu tư thiên thần, các chương trình tăng tốc, các nhóm đầu tư. 2.1. Ngân hàng, hạn chế của tín dụng ngân hàng và vai trò của phát triển công nghệ tài chính Ngân hàng – nguồn vốn chủ yếu cho các startups Ngày nay, các khoản vay nợ tài chính từ các ngân hàng vẫn là kênh huy động vốn chủ yếu của các startups. Xuất phát từ mối quan hệ giữa sự phát triển tài chính với tăng trưởng kinh tế1, nhiều nhà khoa học cho rằng khởi nghiệp sáng tạo chỉ có thể phát triển trong môi trường mà các startups có thể tiếp cận với các nguồn tài chính bên ngoài (Rajan & Zingales, 1998; Demirgüҫ-Kunt & A., 1998; De Gregorio & Guidotti, 1995; Dabla-Norris, et al., 2015; Rousseau & Wachtel, 2011; Gennaioli, Shleifer, & Vishny, 2012). Nghiên cứu của Ayyagari năm 2015 dựa trên số liệu khảo sát doanh nghiệp của World Bank cho 47 nền kinh tế mới nổi đã tìm thấy mối liên hệ tích cực giữa tỷ lệ đầu tư được tài trợ bởi nguồn vốn bên ngoài của công ty với mức độ đổi mới, sáng tạo của công ty. Ngược lại, ở những nước mà các công ty chủ yếu phụ thuộc vào quỹ nội bộ, hợp đồng thuê nhà, gia đình và bạn bè, và các nguồn không chính thức khác, các công ty ít sáng tạo hơn. Tỷ lệ đầu tư của các công ty được tài trợ bởi ngân hàng cũng có mối quan hệ thuận chiều với thu nhập bình quân đầu người (Casanova, Cornelius, & Dulta, 2017). Vì vậy, để thúc đẩy sự phát triển, các quốc gia cần phải liên tục nâng cấp hệ thống tài chính của mình để các startups có thể tiếp cận được càng nhiều nguồn vốn vay từ ngân hàng càng tốt. Cũng vì những đóng góp của các startups đối với đổi mới, sáng tạo mà trong báo cáo “Doing Business” của mình, World Bank từ lâu đã ủng hộ việc cải cách khu vực tài chính như một điều kiện tiên quyết cho việc tiếp cận dễ dàng hơn về tài chính của các startups, qua đó đẩy mạnh những tiến bộ về công nghệ và tăng trưởng kinh tế (World Bank, 2016). Hạn chế của dòng vốn từ ngân hàng Mặc dù các dòng vốn vay từ ngân hàng là hết sức cần thiết cho các doanh nghiệp, tuy nhiên, một lượng lớn các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại các nền kinh tế mới nổi chưa tiếp cận được các dòng vốn này, đặc biệt là các doanh nghiệp mới thành lập có rất ít tài sản hữu hình và không có kinh nghiệm vay nợ ngân hàng trong quá khứ. Theo ước tính của McKinsey (2016) dựa trên dữ liệu của IFC Enterprise Finance Gap và SME Finance Forum, chênh lệch giữa nhu cầu vốn vay của các MSMEs2 với khả năng cung cấp tín dụng của các ngân hàng là khoảng 2,2 nghìn tỷ USD. Và có khoảng 200 triệu MSMEs không được phục vụ hoặc không được các ngân hàng chấp nhận cho vay. Trong số này, không ít các startups có khả năng đổi mới, 1 Phát triển tài chính là một phần quan trọng và không thể tách rời của quá trình tăng trưởng kinh tế. Các hệ thống tài chính hoạt động tốt giúp huy động tiết kiệm, thúc đẩy chia sẻ thông tin, cải thiện việc phân bổ nguồn lực và tạo điều kiện đa dạng hóa và quản lý rủi ro (Levine, 2005). 2 MSMEs: Micro, Small & Medium Enterprises.
  4. 758 HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC TẾ KHỞI NGHIỆP ĐỔI MỚI SÁNG TẠO QUỐC GIA sáng tạo, tạo việc làm và đóng góp tích cực cho tăng trưởng kinh tế. Một số rất ít được tiếp cận với các khoản vay ngắn hạn nhưng với những khoản vay trung và dài hạn – những khoản vay vô cùng quan trọng với các startups thì không hề tồn tại. Ngay cả khi các startups này có khả năng vay vốn ngân hàng nhưng vẫn còn có nhiều yếu tố khác hạn chế khả năng tiếp cận tín dụng của họ. Vấn đề này không chỉ xảy ra ở những nước đang phát triển mà còn trong cả những nước phát triển, số lượng các doanh nghiệp mới thành lập phải sử dụng tài sản đảm bảo cho những khoản vay nhiều gấp đôi so với các doanh nghiệp đã hoạt động lâu năm (Chavis, Klapper, & Love, 2012). Và giá trị tài sản đảm bảo của các startups tại các nền kinh tế mới nổi thường nhiều gấp hai đến ba lần1 so với các startups tại các nền kinh tế phát triển. Ngoài ra, lãi suất cho vay tại các nền kinh tế mới nổi cũng thường cao hơn lãi suất cho vay tại các nền kinh tế phát triển (Dabla-Norris, et al., 2015). Những giới hạn/khó khăn tín dụng này đã giải thích cho việc tại sao mật độ các doanh nghiệp siêu nhỏ và nhỏ tại các nền kinh tế mới nổi lại cao hơn nhiều, cũng như sự vắng mặt của các doanh nghiệp vừa và lớn tại các nền kinh tế này khi so sánh với các nền kinh tế phát triển (Banerjee & Duflo, 2005). Sử dụng dữ liệu khảo sát của World Bank, Chavis (2012) chỉ ra rằng có 18% các doanh nghiệp tại các nền kinh tế mới nổi sử dụng tín dụng ngân hàng trong 02 năm đầu tiên sau khi thành lập, trong khi đó có trên 30% sử dụng những nguồn vốn không chính thức, và phần còn lại thì sử dụng tín dụng thương mại và các nguồn khác. Các doanh nghiệp đã tồn tại trên 10 năm thì ít sử dụng nguồn không chính thức hơn. Có khoảng 10% doanh nghiệp loại này sử dụng tín dụng thương mại và khoảng 35 – 40% dựa vào tín dụng ngân hàng. Tuy nhiên, mối quan hệ giữa tuổi doanh nghiệp với nguồn vốn tài trợ có thể phức tạp hơn nghiên cứu của Chavis rất nhiều. Thực tế, trong nghiên cứu của Chavis và cộng sự, họ đã chỉ ra những tình huống đặc biệt khác biệt giữa các quốc gia: các doanh nghiệp trẻ có khả năng tiếp cận tín dụng ngân hàng tốt hơn các công ty cũ ở các quốc gia có hệ thống luật pháp mạnh hơn và thông tin tín dụng tốt hơn2. Và điều này cũng phù hợp với những khuyến nghị, ủng hộ của World Bank về việc cải cách khu vực tài chính tại các quốc gia trong báo cáo “Doing Business” của tổ chức này. Bổ sung thêm vào những nghiên cứu này, Alfaro et al (2015) cho rằng cải cách khu vực tài chính tại các quốc gia sẽ thúc đẩy sự tham gia của các ngân hàng nước ngoài và sự tham gia này khuyến khích sự hình thành doanh nghiệp tại các nền kinh tế mới nổi. Các tổ chức tín dụng vi mô (MFIs) và tín dụng nhỏ Khoảng cách vốn 2,2 nghìn tỷ USD đối với các MSMEs đã dẫn tới việc hình thành các tổ chức tín dụng vi mô (MFIs – Microfinance Institutions). Sự ra đời và phát triển của MFIs đã trở thành sự kiện toàn cầu, mặc dù những đóng góp của MFIs cho việc xóa đói giảm nghèo thông qua khuyến khích sự phát triển các startups là không thực sự rõ ràng. Tín dụng vi mô lần đầu xuất hiện vào giữa những năm 1970 tại Bangladesh nhằm tháo gỡ những khó khăn đã dẫn tới tình trạng đói nghèo kéo dài tại quốc gia này. Được chính thức thành lập vào năm 2012 và được xem như những đổi mới, sáng tạo về tài chính của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, đến nay tín dụng vi mô đã trở thành một hiện tượng lớn với hơn 200 triệu người vay trên toàn thế giới (Casanova, Cornelius, & Dulta, 2017). Các tổ chức tài chính vi mô thường duy trì mối quan hệ chặt chẽ với khách hàng của họ bằng cách tập hợp một nhóm những người vay có liên quan đến nhau, những người vay này đồng thời chịu trách nhiệm về nghĩa vụ nợ của các thành viên khác trong nhóm, qua 1 Theo khảo sát của World Bank, giá trị tài sản đảm bảo so với giá trị khoản vay bình quân là 124% tại các nền kinh tế mới nổi, trong khi đó, tỷ lệ bình quân tại các nền kinh tế phát triển chỉ là 50%. 2 Cung cấp thông tin tín dụng tốt hơn bao gồm: thiết lập một văn phòng hoặc cơ quan tiếp nhận đề nghị cấp tín dụng của các startups; cung cấp dữ liệu lịch sử về các giao dịch tín dụng thành công; bảo đảm quyền lợi của bên đi vay khi khai báo dữ liệu theo luật; cung cấp thông tin tín dụng online; cung cấp dữ liệu nhà bán lẻ và tiện ích của họ; và cung cấp điểm tín dụng (credit score).
  5. INTERNATIONAL CONFERENCE STARTUP AND INNOVATION NATION 759 đó họ luôn cố gắng để đảm bảo rằng những người khác trong nhóm sẽ trả nợ (Banerjee & Duflo, Poor Economics. A Radical Rethinking of the Way to Fight Global Poverty, 2011). Một điểm khác biệt nữa của các MFIs đó là họ không sử dụng các chính sách thu hồi nợ mang tính cưỡng bức, thay vào đó họ sử dụng “sức mạnh của sự xấu hổ” bằng cách thông qua các mối liên kết với những người trong nhóm và các mạng lưới xã hội khác để gây sức ép lên những người không trả nợ và theo Banerjee et al (2015) cốt lõi của hình thức cho vay tín dụng vi mô đó là “không có sự lựa chọn”. Các tổ chức tín dụng vi mô hoạt động dưới nhiều hình thức. Đầu tiên, các tổ chức này hoạt động như những ngân hàng chính sách nhằm mục tiêu xóa đói, giảm nghèo bằng cách tài trợ cho những hoạt động kinh doanh nhỏ. Ngày nay có khoảng 1100 tổ chức hoạt động theo cách này, với các khoản cho vay hàng năm khoảng 23 tỷ USD và tổng dư nợ tín dụng vào cuối năm 2015 là 89 tỷ USD. Thứ hai, họ phát triển từ các tổ chức phi lợi nhuận thành các doanh nghiệp có lợi nhuận, họ đặt trọng tâm nhiều hơn vào các chương trình tiết kiệm nhằm sinh lời, tổng các khoản tiền gửi lên tới 37 tỷ USD (Casanova, Cornelius, & Dulta, 2017). Ngoài ra, họ còn đa dạng hóa các sản phẩm bảo hiểm vì lợi ích của khách hàng và chính bản thân các tổ chức tín dụng vi mô. Cuối cùng, các tổ chức tín dụng vi mô đã thay đổi rất nhiều. Sự tham gia của các quỹ đầu tư tài chính quy mô nhỏ đóng vai trò quan trọng trong việc tạo nguồn cho các MFIs này. Mặc dù tham gia tạo nguồn cho các MFIs vẫn là nhà đầu tư cá nhân, tuy nhiên một lượng không nhỏ các tổ chức như các nhà đầu tư tổ chức, quỹ lương hưu, công ty bảo hiểm và quỹ tương trợ cũng rất quan tâm tới việc đầu tư vào các MFIs (Goodman, 2007). Ngoài những ưu điểm có được, các tổ chức tài chính vi mô cũng có hạn chế là những ràng buộc tương tự với các ngân hàng truyền thống. Theo đó, họ dựa chủ yếu vào quy trình thủ công và tiền mặt, dẫn đến chi phí giao dịch cao và hạn chế khả năng đạt được quy mô lớn hơn (Casanova, Cornelius, & Dulta, 2017). Điều này dẫn chúng ta tới vai trò tiềm năng của tài chính số (digital finance) để nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức tín dụng và thúc đẩy sự xuất hiện của các hình thức trung gian tài chính mới. Công nghệ tài chính và thị trường cho vay kiểu mới Tài chính số là một hệ thống dịch vụ tài chính được cung cấp qua cơ sở hạ tầng kỹ thuật số. Thay vì giao dịch bằng tiền mặt thông qua các chi nhánh ngân hàng truyền thống, cá nhân và doanh nghiệp được kết nối với cơ sở hạ tầng thanh toán số hóa thông qua điện thoại di động, máy tính và thiết bị điểm bán hàng (point-of-sales). Trong những năm gần đây, đầu tư vào công nghệ tài chính (fintech) đã phát triển trên khắp thế giới, đặc biệt là tại Mỹ và Châu Á (theo tính toán của Casanova et al (2017) dựa trên dữ liệu của KPMG và CB Insights). Các dịch vụ tài chính, trung gian vốn… sẽ được cải thiện thông qua hạ tầng kỹ thuật số. Thống kê của Viện nghiên cứu toàn cầu McKinsey (2016), 80% người trưởng thành tại các nền kinh tế mới nổi có sử dụng điện thoại di động, nhưng chỉ có 55% là có tài khoản ngân hàng, tương đương khoảng hai tỷ người đang không sử dụng các dịch vụ của ngân hàng. Thống kê này cho thấy tiềm năng có thể khai thác từ dịch vụ thanh toán thông qua điện thoại tại các quốc gia đang phát triển. Nghiên cứu của Beck et al (2015) tại Kenya cho thấy có sự liên kết mạnh mẽ giữa việc sử dụng thanh toán qua điện thoại di động1 với việc tiếp cận với tín dụng thương mại. Kết quả khảo sát các doanh nghiệp tại Kenya của Beck et al cho thấy sự sẵn có của công nghệ thanh toán trên di động làm tăng sản lượng kinh tế tới từ các startups lên khoảng 0,33% đến 0,47%. Mặc dù tất cả các nước có thể có lợi từ công nghệ tài chính, tuy nhiên, tiềm năng của nó được cho là lớn nhất ở các nền kinh tế mới nổi, nơi sự phát triển thường bị giới hạn bởi các hệ thống tài chính kém phát triển. Nếu tài chính kỹ thuật số giúp các quốc gia này vượt qua được những giới hạn kể trên thì các công 1 Thanh toán thông qua tài khoản của thuê bao điện thoại.
  6. 760 HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC TẾ KHỞI NGHIỆP ĐỔI MỚI SÁNG TẠO QUỐC GIA nghệ tài chính mới có thể giúp kinh tế của các quốc gia tăng trưởng đáng kể (Casanova, Cornelius, & Dulta, 2017). Cụ thể tài chính kỹ thuật số có tiềm năng tiếp cận nhiều khách hàng hơn với chi phí thấp hơn đáng kể, qua đó năng lực cho vay của các tổ chức fintech và các ngân hàng truyền thống sẽ tăng lên vì các khách hàng này được tiếp cận với các dịch vụ tài chính nhiều hơn. Bất kỳ giao dịch kỹ thuật số nào đều lại dữ liệu lưu trữ, điều này cho phép người cho vay nâng cao hệ thống tính điểm tín dụng của họ. Các dữ liệu giao dịch này quan trọng với cả ngân hàng truyền thống lẫn cho các nền tảng P2P1 dựa trên hệ thống Internet kiểu mới. Ngày càng có nhiều ngân hàng hợp tác với các công ty fintech để cung cấp các khoản vay thông qua các nhà cho vay trực tuyến, điều này có thể thúc đẩy việc hòa nhập tài chính và giúp đạt được những bộ phận dân cư chưa được phục vụ các dịch vụ tài chính trong nền kinh tế. Tất nhiên, đi kèm với sự phát triển của các fintech và tài chính kỹ thuật số là sự gia tăng của giám sát pháp lý (Bradford, 2012). 2.2. Các startups trong lĩnh vực công nghệ, đổi mới sáng tạo và thị trường cho vốn đầu tư mạo hiểm Cho đến nay, cuộc cách mạng công nghệ tài chính (fintech – financial technology) đã được tài trợ phần lớn bởi các nhà đầu tư mạo hiểm và các nhà đầu tư thiên thần. Thay vì cung cấp các khoản cho vay, các nhà đầu tư này cung cấp vốn cổ phần cho các fintech. Đầu tư vào một startups thường trải qua bốn giai đoạn: (i) ươm mầm hạt giống (seed stage)2; (ii) giai đoạn đầu (early stage)3; (iii) mở rộng (expansion stage)4; (iv) kết thúc (later stage)5. Giai đoạn ươm mầm hạt giống thường là giai đoạn quan trọng nhất đối với mỗi startups. Tuy nhiên, sử dụng lý thuyết người đại diện (agency theory), Kaplan & Strömberg (2004) lưu ý một số vấn đề trong giai đoạn này như sau: (i) nhà khởi nghiệp có thể không làm việc chăm chỉ để tối đa hóa giá trị sau khi đã nhận được khoản đầu tư; (ii) nhà khởi nghiệp hiểu được giá trị của mình lớn hơn so với nhà đầu tư mạo hiểm; (iii) nhà đầu tư mạo hiểm không đồng ý với nhà khởi nghiệp và muốn đưa ra quyết định; (iv) nhà khởi nghiệp gây sức ép lên nhà đầu tư mạo hiểm bằng việc đe dọa rời khỏi startups khi nhà khởi nghiệp xác định được giá trị của mình đối với công ty. Mối quan hệ và các giao dịch hợp tác đầu tư giữa các quỹ đầu tư mạo hiểm cũng đã được nhiều nhà khoa học nghiên cứu như Gompers & Lerner (2001) và Hochberg et al. (2007) (2007). Theo đó, nếu các quỹ tăng cường chia sẻ các cơ hội đầu tư vào cùng một startups thì các quỹ sẽ có nhiều cơ hội nâng cao hiệu quả hoạt động của quỹ đó hơn. Ngoài ra, Sørenson và Stuart còn phát hiện ra rằng các khoản đầu tư mạo hiểm tại Mỹ thường có xu hướng nằm trong bán kính 500 dặm và các công ty thường có xu hướng tập trung xung quanh các trường đại học dẫn đầu trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học, ví dụ như Thung lũng Silicon ở California hay Tuyến 128 ở khu vực Boston hoặc Tam giác nghiên cứu ở Bắc Carolina (Sørenson & Stuart, 2001). 1 Viết tắt của peer-to-peer. Theo khái niệm trong lĩnh vực công nghệ, P2P là việc các máy tính/thiết bị di động chia sẻ dữ liệu hoặc các nguồn khác thông qua mạng thay vì một máy chủ trung tâm. Liên hệ sang lĩnh vực tài chính, P2P là hình thức tín dụng mà một trang web chuyên biệt sẽ kết nối các bên cho vay và bên đi vay với nhau. Dữ liệu để đánh giá về bên đi vay là hệ thống điểm tín dụng (credit scrore) được đánh giá từ nhiều nguồn, trong đó có thông qua các dữ liệu về những giao dịch được thanh toán trên điện thoại của bên đi vay. Thông qua website này, thủ tục cho vay sẽ rút ngắn được rất nhiều thời gian cũng như chi phí (nguồn: https://dictionary.cambridge.org/dictionary/english/peer-to-peer?q=Peer-to-Peer, truy cập ngày 11/4/2018). 2 Vốn đầu tư ít, chủ yếu cấp cho một nhà phát minh để thành lập một nhóm phát triển ý tưởng kinh doanh và nghiên cứu thị trường. 3 Vốn đầu tư cho công ty đang trong giai đoạn thử nghiệm sản phẩm hoặc sản xuất thử. Giai đoạn này thường kéo dài trong 3 năm đầu. Đội ngũ quản lý nòng cốt được hình thành và công ty sẵn sàng hoạt động kinh doanh. 4 Vốn đầu tư chủ yếu cho tài sản lưu động, công ty đi vào sản xuất kinh doanh. Một số nhu cầu vốn khác như mở rộng quy mô, tiếp thị, cải tiến sản phẩm… Các nhà đầu tư tổ chức tham gia nhiều hơn. Vai trò của nhà đầu tư từ hỗ trợ sang chiến lược. 5 Vốn đầu tư trong giai đoạn công ty đạt được tốc độ tăng trưởng ổn định. Công ty có thể cung cấp được những sản phẩm, dịch vụ nổi tiếng; có thể mở rộng thị trường, tăng trưởng doanh thu đáng kể, có dòng tiền dương.
  7. INTERNATIONAL CONFERENCE STARTUP AND INNOVATION NATION 761 Quy trình đầu tư chặt chẽ cũng giải thích cho việc rất ít các startups nhận được vốn đầu tư từ các quỹ đầu tư mạo hiểm. Hàng năm tại Mỹ có khoảng 600.000 doanh nghiệp khởi nghiệp. Và trong giai đoạn 2001 đến 2015, chỉ có 1.200 startups nhận được vốn đầu tư trong giai đoạn đầu từ các quỹ đầu tư mạo hiểm, tương ứng 0,2% tổng số startups trong giai đoạn đó (National Venture Capital Association, 2016). Những năm gần đây, Trung Quốc và Ấn Độ đã nổi lên như là những nơi nhộn nhịp nhất toàn cầu với sự góp vốn của các quỹ đầu tư mạo hiểm từ nước ngoài cho các startups, thậm chí nhiều hơn của Châu Âu (Casanova, Cornelius, & Dulta, 2017). Phần lớn khoản tài trợ này là cho các startups trong lĩnh vực thương mại điện tử (e-commerce) và các dịch vụ liên quan đến Internet - tương tự như các xu hướng gần đây ở thị trường Mỹ - cái nôi của vốn đầu tư mạo hiểm. Mặc dù vốn đầu tư mạo hiểm đầu tư vào các thị trường mới nổi đã tập trung nhiều vào Trung Quốc và Ấn Độ, nhưng gần đây các quỹ đầu tư vào các startups đã tiếp tục đà tăng trưởng ở các nền kinh tế khác (ví dụ như Nga, Mexico, Chile, Turkey…) (World Bank, 2016)1. Việc truy cập Internet và việc sử dụng điện thoại di động đóng một vai trò quan trọng. Ở những nước này, tương tự như ở Trung Quốc và Ấn Độ, phần lớn các khoản đầu tư vào thị trường tài chính tập trung vào bán lẻ, và tác động lớn tiếp theo dường như là về phát triển hệ thống tài chính đi kèm. Nhiều quốc gia đã đặt trọng tâm vào việc thúc đẩy chuyển đổi kỹ thuật số để mở ra tiềm năng biến đổi lớn của Internet. Những biện pháp này cho thấy đã có nhiều hơn nỗ lực thu hút vốn đầu tư mạo hiểm thông qua các chương trình do chính phủ tài trợ. Khi bàn về các startups trong lĩnh vực công nghệ, Fannin (2012) đã cho rằng Việt Nam đã và đang thu hút được nhiều sự quan tâm từ các nhà đầu tư mạo hiểm trong nước và quốc tế. Lý do thu hút các dòng vốn này cũng tương tự như Trung Quốc và Ấn Độ, đó là bởi: tốc độ tăng dân số, tốc độ tăng trưởng kinh tế, và mức độ gia tăng ấn tượng của số người dùng điện thoại di động và mạng internet. Được xem là chậm hơn Trung Quốc 10 năm, các nhà lãnh đạo công nghệ nổi tiếng đã bắt đầu đầu tư vào các startups tại Việt Nam, đặc biệt là trong lĩnh vực truyền thông kỹ thuật số và các trang web giải trí. Ví dụ như Tencent đã mua cổ phần của startups trong lĩnh vực mạng xã hội và gaming là VNG Corp.2, hay Rebate Networks thành lập một website thương mại điện tử và xã hội với tên gọi là NhomMua. 2.3. Vốn đầu tư mạo hiểm Các startups có thể được đầu tư bởi vốn đầu tư mạo hiểm từ các nhà đầu tư mạo hiểm độc lập (IVC – Independent Venture Capital) hoặc nhà đầu tư mạo hiểm thuộc các tập đoàn (CVC – Corporate Venture Captital). Các nhà đầu tư trong các quỹ đầu tư mạo hiểm độc lập IVC thường là những tổ chức như các quỹ từ thiện, quỹ sáng lập, quỹ phụ cấp lương hưu, hay các quỹ của người giàu… Các nhà đầu tư này rót vốn vào các quỹ đầu tư mạo hiểm độc lập thường vì mục đích lợi nhuận tài chính. Còn các quỹ đầu tư thuộc các tập đoàn CVC thường được hình thành bởi chính các tập đoàn kinh tế trên thế giới; mục đích chủ yếu của quỹ này là bổ sung cho các chương trình nghiên cứu và phát triển R&D của tập đoàn họ. Ví dụ có nhiều công ty lớn hoạt động trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo của Mỹ như AT&T, Amgen, Bloomberg, Chevron, eBay, Google, General Electric, General Motors, Intel… đã tài trợ vốn đầu tư mạo hiểm cho rất nhiều startups trên thế giới. 1 Vietnam, Thailand, Brazil không nằm trong các nền kinh tế này. Mặc dù tỷ lệ sở hữu doanh nghiệp mới tăng cao nhưng tỷ lệ vốn đầu tư mạo hiểm tính trên GDP của các quốc gia này lại nằm trong nhóm thấp nhất. (Nguồn: theo tính toán của Casanova et al (2017) từ các nguồn dữ liệu Capital IQ, Thomson One, Dealogic, Preqin, IMF. 2 Chủ của cổng thông tin Zing, chủ của các game online nổi tiếng được nhiều người chơi tại Việt Nam, chủ của ứng dụng Zalo hoạt động trên nền tảng di động.
  8. 762 HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC TẾ KHỞI NGHIỆP ĐỔI MỚI SÁNG TẠO QUỐC GIA Tại Mỹ, từ năm 2013 đến 2015, số vốn đầu tư mạo hiểm của các CVC chiếm 12%, tương đương 5 tỷ USD/năm trong tổng số vốn đầu tư mạo hiểm của quốc gia này. Trong khi các IVC đầu tư vì mục đích sinh lời thì CVC đầu tư, theo quan điểm của các nhà khoa học, vì một tập đoàn muốn tìm kiếm lợi nhuận thì họ phải đầu tư cho những hiểu biết bên ngoài tập đoàn để từ đó có thể cải thiện lợi thế cạnh tranh (Dushnitsky & Lenox, 2005). Một vài nhà khoa học tìm hiểu nguyên nhân tại sao CVC lại đạt được kết quả cao hơn so với R&D từ trong nội bộ của tập đoàn như (Ma, 2016; Lerner, 2013). CVC cũng đang gia tăng ở các thị trường mới nổi, đặc biệt là ở Trung Quốc và Ấn Độ. Tại cả hai nước, các tập đoàn công nghệ của 02 quốc gia này đã ủng hộ một số lượng lớn các startups. Ngoài ra, một số lượng đáng kể các startups đã nhận được tài trợ từ một số tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới như Amazon, Cisco, eBay, Eli Lilly, Google, Intel và Microsoft… Những chương trình CVC đã toàn cầu hóa, phản ánh sự hội nhập quốc tế của thị trường vốn đầu tư mạo hiểm. CVC trong nước và nước ngoài chiếm khoảng 5% -8% tổng đầu tư mạo hiểm vào Trung Quốc và Ấn Độ, không chênh lệch quá lớn so với CVC Mỹ. 2.4. Các hình thức phi thể chế về tài chính cho các startups: khoản đầu tư thiên thần, chương trình tăng tốc (accelerators), nhóm đầu tư Trong khi nguồn vốn từ ngân hàng là nguồn vốn vay thì nguồn vốn đầu tư từ các quỹ đầu tư mạo hiểm VC là nguồn vốn chủ sở hữu của các startups. Các nguồn này đều được gọi là nguồn vốn mang tính thể chế (institutional capital/finance). Ngoài những nguồn này, các startups có thể được tài trợ vốn bởi các nguồn phi thể chế (noninstitutional capital/finance) như: các khoản đầu tư thiên thần (angel investors), các chương trình tăng tốc (accelerators) và các nhóm đầu tư (crowdfunding). Các khoản đầu tư thiên thần Nhà đầu tư thiên thần thường là những doanh nhân đầu tư bằng chính tiền của họ. Nhà đầu tư thiên thần phát triển trong những năm 1980 tại Mỹ - thời điểm mà thị trường vốn đầu tư mạo hiểm VC đã nở rộ. Nhà đầu tư thiên thần thường đầu tư vốn trong giai đoạn 1 (ươm mầm – seed stage) và giai đoạn 2 (khởi đầu – early stage) trong một chuỗi gồm 4 giai đoạn như đã nói ở phần trước. Ngày nay, các nhà đầu tư thiên thần thường tổ chức thành nhóm nhằm nâng cao hiệu quả và giảm thiểu rủi ro cho các khoản đầu tư của mình. Mặc dù vì tính chất phi thể chế của các khoản đầu tư này nên thông tin về thị trường của các nhà đầu tư thiên thần thường bị giới hạn; tuy nhiên, có nhiều bằng chứng cho thấy hình thức tài chính này đã có những động lực phát triển không chỉ ở Mỹ mà còn ở những nền kinh tế phát triển và cả những nền kinh tế mới nổi/đang phát triển. Một vài nghiên cứu gần đây cho thấy nhà đầu tư thiên thần dường như là sự bổ sung cho VC hơn là một sự thay thế. Ở các nền kinh tế mới nổi, đầu tư của nhà đầu tư thiên thần cũng quan trọng như đầu tư của các quỹ đầu tư mạo hiểm VC và đều được coi như một nguồn tài trợ vốn cho các startups. Ở các quốc gia này, các nhà đầu tư thiên thần đóng vai trò như “người gác cổng” (gatekeeping), họ nâng cao khả năng của các công ty đã được tài trợ trong việc có thể tiếp tục đạt được những nguồn vốn đang theo đuổi. Qua đó, nhà đầu tư thiên thần có thể giúp thu hẹp khoảng cách về tài chính giữa những gì bạn bè và gia đình có thể cung cấp ở giai đoạn ban đầu cho các startups với những gì mà nhà đầu tư mạo hiểm, ngân hàng và các nguồn khác có thể đóng góp khi các startups ổn định. Cụ thể, khi các startups đã nỗ lực hết sức để huy động nguồn từ bạn bè và gia đình nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của các ngân hàng hay các quỹ đầu tư mạo hiểm để giải ngân thì lúc nào nhà đầu tư thiên thần có thể đầu tư và lấp đi khoảng cách đó. Nhà đầu tư thiên thần có tập trung vào những lĩnh vực cụ thể như VC, họ có đầu tư vào hầu hết các startups công nghệ mới nổi? Nhà đầu tư thiên thần ít tập trung vào các startups trong lĩnh vực công nghệ hơn là các quỹ đầu tư mạo hiểm VC. Các nghiên cứu chỉ ra rằng vẫn chưa rõ ràng để xác định phạm vi/
  9. INTERNATIONAL CONFERENCE STARTUP AND INNOVATION NATION 763 khu vực mà các nhà đầu tư thiên thần đang tập trung đầu tư, tuy nhiên có bằng chứng gợi ý rằng nhà đầu tư thiên thần có ảnh hưởng tích cực tới sự tồn tại, tăng trưởng và tạo việc làm của các startups mà họ đã đầu tư. Ngoài ra, có hiện tượng là với những nền kinh tế ít “thân thiện” hơn với tinh thần khởi nghiệp thì các startups khi kêu gọi vốn từ nhà đầu tư thiên thần thường có xu hướng lớn hơn, hoạt động lâu hơn và sẵn sàng tạo ra doanh thu. Các startups tại những nền kinh tế như thế này thường tìm kiếm những khoản tài trợ nhỏ hơn so với các doanh nghiệp ở các quốc gia có tinh thần khởi nghiệp “thân thiện” hơn. Các chương trình tăng tốc/khuyến khích Chương trình tăng tốc có thể làm tăng các hoạt động của các startups. Trong khi mới chỉ xuất hiện vào những năm 2000 nhưng nó đã phát triển nhanh chóng với tổng số ước tính khoảng hơn 2000 và trải đều khắp thế giới (Cohen & Hochberg, 2014). Chương trình tăng tốc đơn giản là một chương trình kéo dài chỉ trong khoảng 3 tháng. Trong thời gian này, chương trình tăng tốc này cho phép các nhà khởi nghiệp tham gia có thể định hình và xây dựng những sản phẩm đầu tiên, xác định khách hàng tiềm năng và đảm bảo đủ các nguồn lực cho tăng trưởng. Bản thân chương trình tăng tốc chỉ cung cấp 1 lượng vốn vừa phải trong giai đoạn ươm mầm (seed stage). Đóng góp chủ yếu của chương trình tăng tốc là cung cấp một loạt các cơ hội kết nối, giáo dục, và hướng dẫn từ phía những nhà đầu tư mạo hiểm và các cố vấn (mentors) - những người có thể cũng là những doanh nhân thành đạt, những người có nhiều kinh nghiệm… Qua đó, chương trình tăng tốc làm gia tăng khả năng tồn tại, tăng trưởng và tiếp cận được nhiều vốn hơn cho các startups từ các quỹ đầu tư mạo hiểm hay từ các ngân hàng. Mặc dù chương trình tăng tốc thường được sử dụng kèm với việc đầu tư mạo hiểm của các tập đoàn CVC nhưng chương trình này đang được nhiều chính phú của nhiều quốc gia sử dụng như là một công cụ để khuyến khích tinh thần kinh doanh, đổi mới và tăng trưởng. Các nhóm đầu tư Tài trợ vốn theo nhóm (crowdfunding) bao gồm các nhóm cho vay (crowd lending) và các nhóm đầu tư (crowd investing). Các nhóm đầu tư có thể đóng một vai trò lớn hơn trong việc đưa các startups đang có nhu cầu tìm kiếm tài chính và nhà đầu tư tìm kiếm những ý tưởng tốt xích lại gần nhau. Không giống như các nhà đầu tư thiên thần (angel investors), các chương trình tăng tốc (accelerators), và các nhà đầu tư mạo hiểm (veture capitalist), các nhà đầu tư đám đông ít bị giới hạn về mặt địa lý, cho phép các nền tảng trực tuyến phát huy hết tính ưu việt. Tuy nhiên, hầu hết các nhà đầu tư đám đông tương đối ít kinh nghiệm, và với số vốn đầu tư nhỏ hơn đáng kể, họ ít có khả năng thực hiện việc kiểm soát đầu tư thường xuyên hơn so với các nhà đầu tư mạo hiểm và các nhà đầu tư thiên thần. Thay vào đó, họ có thể quyết định chinh sách theo đuổi nhiều nhà đầu tư có kinh nghiệm hơn – những người đang dẫn dắt những nhóm hoặc quỹ đầu tư khác. Trong trường hợp này, đầu tư của đám đông và đầu tư của nhà đầu tư thiên thần sẽ là sự bổ sung chứ không phải là sự thay thế. Tuy nhiên, việc theo đuổi hoặc liên kết đầu tư với những nhà đầu tư thiên thần có thể làm tăng rủi ro bởi những hành vi mang tính bầy đàn (Wilson & Testoni, 2014). Cuối cùng, nhiều nước vẫn thiếu một khuôn khổ pháp lý cho phép các nhà đầu tư nhỏ lẻ tham gia đầu tư vào nhóm thông qua việc chào bán và quảng cáo nói chung. Các đổi mới về quy định pháp lý đang được triển khai tại một số nước nhằm cân bằng các mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp trong khi hạn chế rủi ro cho các nhà đầu tư. KẾT LUẬN Theo quan điểm khoa học thông qua nhiều nghiên cứu đã được thực hiện, một quốc gia/nền kinh tế nếu muốn có tăng trưởng nhanh, bền vững thì bắt buộc phải dựa vào đổi mới, sáng tạo. Chuyển đổi từ
  10. 764 HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC TẾ KHỞI NGHIỆP ĐỔI MỚI SÁNG TẠO QUỐC GIA tăng trưởng bởi yếu tố lượng sang tăng trưởng bởi những thay đổi về chất. Và vấn đề đổi mới, sáng tạo sẽ được thực hiện tốt nhất bởi nhóm các doanh nghiệp mới với nhiều ý tưởng kinh doanh sáng tạo dựa trên sự phát triển của khoa học kỹ thuật, đặc biệt là sự phát triển của công nghệ thông tin. Và để các doanh nghiệp mới (startups) này có cơ hội biến ý tưởng của mình thành hiện thực, qua đó góp phần tạo việc làm, xóa đói giảm nghèo, tăng trưởng kinh tế… thì đòi hỏi trước hết là phải có những cơ chế hỗ trợ tài chính, bao gồm cả vốn tín dụng và vốn đầu tư. Nhiều quốc gia/nền kinh tế trên thế giới, bao gồm cả phát triển và mới nổi đều đã có những cơ chế hỗ trợ tài chính cho các startups được sắp xếp theo mức độ phổ biến như sau: (1) vốn vay từ ngân hàng, các trung gian tài chính và thị trường cho vay kiểu mới; (2) vốn đầu tư mạo hiểm (venture capital); (3) các khoản đầu tư thiên thần (angel investing); (4) các chương trình tăng tốc (accelerator programs); (5) các nhóm đầu tư (crowdfunding). Để góp phần giúp các nhà hoạch định chính sách tại Việt Nam đưa ra được những cơ chế hiệu quả nhằm đẩy mạnh thu hút vốn tài trợ cho các startups tại Việt Nam, đứng ở góc độ khoa học, chúng ta cần phải giải quyết được các câu hỏi nghiên cứu như: những yếu tố nào, nhân tố nào ảnh hưởng tới các cơ chế hỗ trợ tài chính cho các startups? Ví dụ như khi xem xét các giải pháp nhằm đẩy mạnh nguồn vốn cho vay từ các ngân hàng hay các MFIs cho các startups, chúng ta cần xem xét từ vấn đề cải cách hệ thống tài chính theo hướng ứng dụng nhiều hơn công nghệ thông tin, hạn chế giao dịch tiền mặt, khuyến khích các giao dịch thanh toán bằng điện thoại… Từ đó có thể đẩy nhanh tốc độ luân chuyển vốn trong nền kinh tế. Ngoài ra, các giao dịch được thanh toán qua điện thoại hay các giao dịch không bằng tiền khác sẽ làm cơ sở để xây dựng hệ thống đánh giá điểm tín dụng (credit score) của cá nhân và tổ chức trong nền kinh tế, trong đó có các startups. Trên cơ sở đó, các ngân hàng và các MFIs có thể rút ngắn thời gian thẩm định hồ sơ vay, dẫn tới giảm chi phí cho vay, đồng thời giảm tỷ lệ tài sản đảm bảo bắt buộc cho một khoản vay. Để đẩy mạnh công nghệ hóa trong lĩnh vực tài chính, nhiều ngân hàng trên thế giới đã hợp tác, thậm chí là đầu tư mạo hiểm CVC vào các fintech. Qua đó, cải thiện và nâng cấp hệ thống giao dịch của ngân hàng theo hướng thuận tiện hơn cho khách hàng. Tại Việt Nam cũng đã có nhiều ngân hàng thực hiện hợp tác với các fintech1. Hay như với hoạt động đầu tư vào các startups của các nhà đầu tư mạo hiểm (venture capitalist), để thu hút nguồn vốn này, đứng trên góc độ khoa học chúng ta cũng cần xem xét mối quan hệ giữa nhà đầu tư mạo hiểm (bên đầu tư) với nhà khởi nghiệp (bên có ý tưởng và kêu gọi vốn đầu tư). Theo các nghiên cứu của Kaplan et al (2004) và một số nhà khoa học khác thì mối quan hệ giữa nhà đầu tư mạo hiểm với nhà khởi nghiệp tương đối phức tạp. Ngoài ra, mối quan hệ giữa những nhà đầu tư mạo hiểm cũng có ảnh hưởng tới cơ hội nhận được vốn góp của các startups. Chính vì vậy, khi hoạch định chính sách cho hoạt động của nhà đầu tư mạo hiểm tại Việt Nam chúng ta cũng nên xuất phát từ góc độ khoa học để các chính sách có thể đem lại hiệu quả cao nhất. Bên cạnh đó, việc hoạch định chính sách với các hình thức phi thể chế tài chính khác cho các startups như chính sách hoạt động của các nhà đầu tư thiên thần, các chương trình tăng tốc, các nhóm đầu tư cũng cần phải được nhìn nhận dưới góc độ khoa để từ đó các chính sách ban hành có thể phát huy hiệu quả, đảm bảo hoạt động khởi nghiệp trong lĩnh vực đổi mới, sáng tạo tại Việt Nam đi đúng hướng và đạt được các mục tiêu đã đề ra. Bài viết chỉ nhằm thống kê một số nghiên cứu về hỗ trợ tài chính cho khởi nghiệp trong lĩnh vực đổi mới, sáng tạo trên thế giới, đặc biệt là trong các nền kinh tế mới nổi. Từ đó có thể làm bài học kinh nghiệm và cơ sở lý thuyết cho các nghiên cứu tiếp theo trong bối cảnh tại Việt Nam. 1 Theo Báo cáo toàn cảnh Fintech khu vực Asean 2018 của EY, các startups Việt Nam đã rót 129 triệu USD vào các fintech và 47% số fintech này hoạt động trong lĩnh vực thanh toán (cao nhất khu vực Đông Nam Á). Đây là cơ hội mở ra cho các NHTM trong việc cải thiện hệ thống của mình bằng ứng dụng công nghệ trong thanh toán, giao dịch.
  11. INTERNATIONAL CONFERENCE STARTUP AND INNOVATION NATION 765 TÀI LIỆU THAM KHẢO Abramowitz, M. (1956). Resource and output trends in the United States since 1870. Alfaro, L., Beck, T., & Calomiris, C. (2015). Foreign bank entry and entrepreneurship. Columbia University: Unpublished Working Paper. Retrieved April 9, 2018, from https://www0.gsb.columbia.edu/faculty/ccalomiris/ papers/Foreign%20Bank%20Entry%20and%20Entrepreneurship.pdf Banerjee, A., & Duflo, E. (2005). Growth theory through the lens of development economics. In P. P. Aghion, & S. (. Durlauf, Handbook of Economic Growth, vol. 1 (pp. 473–552). Amsterdam: Elsevier. Banerjee, A., & Duflo, E. (2011). Poor Economics. A Radical Rethinking of the Way to Fight Global Poverty. New York: Public Affairs. Banerjee, A., Breza, E., Duflo, E., & Kinnan, C. (2015). Do credit constraints limit entrepreneurship? Heterogeneity in the returns to microfinance. Columbia University. Unpublished Working Paper. Retrieved April 9, 2018, from https://www0.gsb.columbia.edu/faculty/ebreza/papers/BanerjeeBrezaDufloKinnan.pdf Beck, T., Pamuk, H., Ramrattan, R., & Uras, B. (2015). Mobile money, trade credit and economic development: theory and evidence. CentER Discussion Paper 2015-023. Tilburg University. Bradford, S. (2012). Crowdfunding and the federal securities laws. Columb. Bus. Law Rev. Casanova, L., Cornelius, P. K., & Dulta, S. (2017). Financing Entrepreneurship and Innovation in Emerging Markets. London: Elsevier. Chavis, L., Klapper, L., & Love, I. (2012). International differences in entrepreneurial finance. In D. (. Cumming, The Oxford Handbook of Entrepreneurial Finance (pp. 755–776). Oxford and New York: Oxford University Press. Cohen, S., & Hochberg, Y. (2014). Accelerating startups: the seed accelerator phenomenon. Retrieved April 12, 2018, from http://papers.ssrn.com/sol3/papers.cfm?abstract_id=2418000 Dabla-Norris, E., Guo, S., Haksar, V., Kim, M., Kochar, K., Wiseman, K., & Zdzienicka, A. (2015). The new normal: a sector-level perspective on growth and productivity trends in advanced economies. In IMF, IMF Staff Discussion Note. Washington, DC. De Gregorio, J., & Guidotti, P. (1995). Financial development and economic growth. World Dev., 23(3), 433–448. Demirgüҫ-Kunt, & A., M. V. (1998). Law, finance and firm growth. Journal Finance, 53(6), 2107–2137. Dushnitsky, G., & Lenox, M. (2005). When do firms undertake R&D by investing in new ventures? Strategic Management Journal, 26, 947–965. Fannin, R. (2012). Startup Asia: Top Strategies for Cashing in on Asia’s Innovation Boom. Wiley. Furman, J., Porter, M., & Stern, S. (2002). The determinants of national innovative capacity. Res. Policy, 31 (6), 899–933. Gennaioli, N., Shleifer, A., & Vishny, R. (2012). Neglected risks, financial innovation, and financial fragility. J. Financ. Econ., 104, 452–468. Goldman Sachs. (2003). Dreaming with BRICs: the path to 2050. Global Economics Paper No. 99. Retrieved from http://www.goldmansachs.com/our-thinking/archive/archive-pdfs/brics-dream.pdf Gompers, P., & Lerner, J. (2001). The Money of Invention. Boston: Harvard Business School Press. Goodman, P. (2007). Microfinance investment funds: objectives, players, potential. In I. v. MatthäusMaier, Microfinance Investment Funds. Leveraging Private Capital for Economic Growth and Poverty Reduction (pp. 11–45). Berlin: Spinger Verlag. Hochberg, Y., Ljungqvist, A., & Lu, Y. (2007). Whom you know matters: venture capital networks and investment performance. Journal Finance, 62, 251–301. International Monetary Fund. (2017). World Economic Outlook. Washington, DC: International Monetary Fund. Kaplan, S., & Strömberg, P. (2004). Characteristics, contracts, and actions: evidence from venture capitalist analyses. Journal Finance, 59, 2177–2210.
  12. 766 HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC TẾ KHỞI NGHIỆP ĐỔI MỚI SÁNG TẠO QUỐC GIA Lerner, J. (2013). Corporate venturing. Havard Business Review, 91(10), 86–94. Ma, S. (2016). The life cycle of corporate venture capital. Retrieved April 12, 2018, from https://papers.ssrn.com/sol3/ papers.cfm?abstract_id=2691210 McKinsey Global Institute. (2016). Digital finance for all: powering inclusive growth in emerging markets. National Venture Capital Association. (2016). Yearbook. Retrieved April 11, 2018, from https://nvca.org/wp-content/ uploads/delightful-downloads/2016/11/NVCA-2016_Final.pdf OECD. (2016). Database on Employment Dynamics. Retrieved from https://www.oecd.org/sti/ind/Policy-Note-No- Country-For-Young-Firms.pdf Rajan, R., & Zingales, L. (1998). Financial dependence and growth. The American Economic Review, 88(3), 559-586. Rousseau, P., & Wachtel, P. (2011). What is happening to the impact of financial deepening on economic growth? Econ. Inq., 49(1), 276–288. Solow, R. (1957). Technological change and the aggregate production function. Sørenson, O., & Stuart, T. (2001). Syndication networks and the spatial distribution of venture capital investments. American Journal of Sociology, 106, 1546–1588. Wilson, K., & Testoni, M. (2014). Improving the role of equity crowdfunding in Europe’s capital markets. Bruegel Policy Contribution. World Bank. (2016). Doing Business in 2017: Equal Opportunity for All. Washington, DC: The World Bank.
nguon tai.lieu . vn