Xem mẫu

  1. NGÔN NGỮ TIỀM ẨN TRONG CHÈO CỔ Nghiên cứu nghệ thuật chèo ta có thể cảm nhận, đằng sau vẻ đẹp về nội dung và hình thức là vẻ đẹp tiềm ẩn. Vẻ đẹp ấy là một thứ tiềm ngôn ngữ, ẩn tàng sau mỗi lời thơ, làn điệu hay hoàn cảnh của nhân vật chèo. Đây là thứ ngôn ngữ không được diễn tả bằng lời nhưng chứa đựng những triết lý sâu sắc trong cuộc sống. Cảm nhận và lý giải tiềm ngôn ngữ không chỉ là một cách nhìn nhận vào bản chất mà còn là một cách tôn vinh vẻ đẹp và sức sống trường tồn cho nghệ thuật chèo. Có người đến với chèo để nghe làn điệu chèo mượt mà, sâu lắng. Có người đến với chèo để thưởng thức tài nghệ diễn kỹ của diễn viên hoặc đến với nhân vật mà mình yêu thích. Có người đến để được buồn, vui qua câu chuyện bi, hài đậm chất trữ tình. Nhưng cũng có người đến với chèo để sống lại cảm xúc của một thời tuổi trẻ, để đắm mình trong không gian làng quê xưa và cảm nhận những triết lý nhân sinh sâu sắc. Được sinh ra từ hình thức ca vũ và tín ngưỡng dân gian, cùng với những biến đổi qua thời gian và quá trình giao lưu, tiếp biến, chèo đã tích hợp vào nó nhiều yếu tố văn hóa, không ngừng hoàn thiện để trở thành một hình thức nghệ thuật độc đáo vừa đậm chất dân gian, vừa mang tính bác học.
  2. Nếu dòng sữa mẹ dân gian đã nuôi dưỡng chèo thành hình thì tầng lớp trí thức qua các thời đại đã góp phần không nhỏ vào việc đưa chèo từ hình thức diễn xướng dân gian trở thành nghệ thuật sân khấu và làm cho chèo thêm thi vị. Chúng ta sẽ không ngạc nhiên khi thấy trong mỗi tích chèo cổ, bên cạnh triết lý dân gian và triết lý âm dương là bóng dáng của các tư tưởng Nho, Phật, Lão. Phải chăng chính sự “hòa quyện” này đã trở thành xuất phát điểm làm nên nét giản dị, mộc mạc và sự sâu sắc cho nghệ thuật chèo? Sẽ không khó để nhận ra nội dung giáo huấn đạo đức với đạo đức quan Nho giáo trong các tích chèo. Đó là những chuẩn mực đạo đức, thước đo phẩm hạnh của người phụ nữ - những đối tượng chính mà chèo hướng tới. Mặt khác, nó cũng chính là điểm tham chiếu để chèo xây dựng nên những nhân vật nữ pha, nữ lệch, những nhân vật mà hành vi ứng xử, cùng với biểu hiện đạo đức của họ chính là một phần đối trọng với chuẩn mực đạo đức Nho giáo. Quan Âm Thị Kính là một tích chèo nổi tiếng với những mảnh trò đạt tới đỉnh cao của nền nghệ thuật sân khấu truyền thống. Tích diễn đã để lại cho người xem cảm nhận về chữ nhẫn trong tinh thần Phật giáo, thông qua nhân vật Thị Kính. Dù phải chịu đến hai lần oan uổng (thuở làm vợ, chồng ngờ thất tiết, lúc giả trai, gái đổ oan tình), Thị Kính vẫn thanh thản nuôi con của Thị Mầu cho đến ngày hóa Phật. Nhưng, không chỉ một chữ nhẫn trong tinh thần Phật giáo làm nên Quan Âm Thị Kính. Ở đó còn có cả chuẩn mực đạo đức Nho giáo và những nét đẹp trong tư duy triết lý dân gian. Trước khi bị hoàn cảnh xô đẩy để “buộc phải trở thành Phật”, Thị Kính đã từng là người con gái có đủ cả công, dung, ngôn, hạnh. Một cô gái đến tuổi lấy chồng vẫn luôn canh cánh bên lòng nỗi niềm - “riêng còn e một cõi linh thông, muộn mằn chửa nảy chồi đan quế” và “ lấy ai để thừa hoan tất hạ”.
  3. Và ông Mãng - một người nông dân nơi thôn dã, đã được các nghệ nhân chèo xây dựng như một điển hình của người nông dân quê mùa chất phác, trọng tình nghĩa, trọng đạo lý và trọng quy luật của đất trời. Tích Quan Âm Thị Kính cho thấy, việc nhân duyên của Thị Kính và Thiện Sĩ vốn đã được hai gia đình ông Sùng và ông Mãng giao ước từ trước. Giao ước này là nét văn hóa khá phổ biến ở cộng đồng gia đình người Việt trước đây. Nhưng trên cả những giao ước xã hội đó, là lối ứng xử hợp đạo trời. Lối ứng xử này, được thể hiện qua câu trả lời của ông Mãng với Thiện Sĩ: “Bản tức bác bên ấy sinh anh là giai, tôi sinh gái để chi chẳng gả. Há rằng tôi có ham chốn giàu sang...” Câu trả lời của ông Mãng cho thấy, trong suy nghĩ của những người nông dân như ông, việc trai lớn dựng vợ, gái lớn gả chồng là lẽ thường, đâu cần phải ép gả, bán mua. Có thể nói, lối t ư duy này là một trong những thuộc tính bản chất đã mặc nhiên tồn tại trong con người. Cội nguồn của nó thuộc về quy luật, về bản thể của tự nhiên. Khi sinh ra, trong mỗi con người đã sẵn có một phần bản thể của tự nhiên (nhân thân tiểu vũ trụ), nhưng do môi trường sống, thiết chế xã hội hoặc vì dục vọng che lấp làm cho ít người còn nhận ra được nó. Bà mẹ tự nhiên đã sinh ra muôn loài, ban cho muôn loài sự sống và quyền duy trì nòi giống, đó là điều giản dị nhưng cũng vô cùng thiêng liêng. Con người cần phải biết trân trọng lẽ th ường này, trước hết cần phải biết trân trọng sự sống, hạnh phúc của bản thân và đồng loại. Hiểu được lẽ thường ấy, trên sân khấu, các nghệ nhân chèo đã giải quyết vấn đề hôn nhân cho con cái thật thấu tình, đạt lý. Trong hôn nhân, cha mẹ là người định hướng nhưng trao cho các con được quyền lựa chọn. Chèo đã minh chứng cho luận điểm này qua ứng xử của ông Mãng với Thị Kính, cũng như ứng xử của Thừa tướng với Thị Phương. Dưới đây là lời của ông Mãng và Thừa tướng nói với Thị Kính và Thị Phương:
  4. Ông Mãng với Thị Kính: Có Thiện Sĩ đây thực đấng con nhà, cha rắp định kỳ duyên kim cải, con có lấy thì con khá nói, kẻo ra lòng cha ép duyên con?. Thừa tướng với Thị Phương: Có nên chăng thời con cứ nói, kẻo mang điều cha ép gả duyên con?. Qua cách ứng xử trước việc gả chồng cho con gái của những người có địa vị xã hội hoàn toàn khác nhau, có thể thấy, trong t ư duy của họ có cùng một điểm xuất phát là tính nhân bản. Mặc dù khó có thể lý giải hết bằng lời song có thể cảm nhận, trong cách ứng xử đó đã sẵn có cái tinh thần của đạo pháp tự nhiên. Một sự kiện được xem là hệ trọng của đời người, thông thường, kèm với nó là đủ thứ ràng buộc, nhưng đã được chèo giải quyết bằng một cách vô cùng giản dị. Triết lý của tự nhiên cũng được các nghệ sĩ chèo gửi gắm ngay trong câu hát cách của chàng Thiện Sĩ khi ra vai: Mượn mụ tùy cơ Ai đem chiếc thuyền tam bản tới bờ đào nguyên Nhớ khi xưa Từ Thức gặp tiên Người, tiên vấn vít kết duyên cõi trần Ngẫm xuân xanh được mấy lần. Rồi chuyển qua câu nói sử: Bạch nhật mạc nhàn quá
  5. Thanh xuân bất tái lai... Sự mượt mà, sâu lắng của điệu hát cách và nói sử đã trở thành phương tiện để các nghệ sĩ chèo gửi gắm ngôn từ mà ẩn sâu trong đó là quy luật của tạo hóa, gợi cho người nghe về sự hữu hạn của đời người trước cái vô hạn của tự nhiên. Câu chuyện về chàng Từ Thức gặp tiên để rồi người, tiên vấn vít kết duyên cõi trần... đâu chỉ là ước mơ huyền thoại. Lời thơ trong đó còn gợi cho ta ngẫm suy về quy luật sinh, diệt, gợi cho ta sự cảm thông và chia sẻ, nâng niu và quý trọng những phút giây hạnh phúc ngắn ngủi của cuộc đời này. Biết đâu trong cái được cảm nhận ấy, mỗi người có thể sẽ suy ngẫm để sống tốt hơn lên. Phải chăng đó cũng là một phần mục đích giáo huấn mà chèo hướng tới? Dường như mỗi lời thơ, điệu hát, hay hoàn cảnh trong chèo đều dễ tiềm ẩn những triết lý về nhân sinh, vũ trụ. Ở lớp diễn vu quy, chỉ bằng câu nói lối của chàng Thiện Sĩ, đây đã tới ngõ mận, vườn đào, trông chẳng khác tranh đồ thủy mạc đã dẫn dắt người xem không chỉ tưởng tượng về một phong cảnh đào nguyên, mà còn cảm nhận về mùa xuân, mùa của đất trời, âm dương giao hòa cho cây cối đâm chồi nảy lộc, cho đôi lứa tìm đến nhau. Không dừng lại ở đó, ngõ mận vườn đào còn mang ẩn ý: đây là nhà của một cô gái đẹp. Tại sao nói vậy? Trước khi trả lời câu hỏi này, chúng ta có thể tự đặt ra câu hỏi: Tại sao các nghệ sĩ chèo lại chọn ngõ mận, vườn đào, mà không là ngõ cây mít, cây cam...? Câu hỏi ấy đã được chính chèo trả lời rằng: Người xưa thường xem cây đào, cây mận là biểu tượng của người con gái. Chính vì vậy, trong chèo có đào liễu: Đi đâu đào liễu một mình, hai vai gánh nặng nhật trình đường xa... và đào lý: Đào lý một cành tơ trúc phím loan, đêm đêm nguyệt lặn sao tàn... Xa hơn nữa là lời thơ yêu đào trong Kinh Thi, đã
  6. được Thị Kính hát trong bài Sử truyện: Đào chi yêu yêu, kỳ diệp trăn trăn, chi tử vu quy nghi kỳ gia nhân, chi tử vu quy nghi kỳ gia thất . Như vậy là chàng Thiện Sĩ đi hỏi vợ vào mùa xuân. Thật là trai trẻ, gái đẹp gặp nhau vào mùa xuân, chẳng phải là hợp với lòng người, thuận với đạo trời lắm sao! Nếu những lời thơ, câu hát và hoàn cảnh, cũng như không - thời gian mà chàng Thiện Sĩ đi hỏi vợ, cho ta cảm nhận về kiểu tư duy âm dương, cùng với ngôn ngữ tiềm ẩn thì khúc ngâm bốn mùa được cất lên trong tâm trạng buồn nhớ da diết của nàng Châu Long, một lần nữa lại cho ta cảm nhận về lòng nhân ái và tinh thần sắc - không của Phật Giáo. Thấm thoắt thoi oanh Phút thay đã ba thu có lẻ Tình hoài vọng kể sao xiết kể Thân một nơi, lòng ở một nơi Buồn thay nhẽ xuân san g con én mách Buồn thay nhẽ nắng hạ cánh hoa rơi Buồn thay nhẽ thu qua cánh nhạn khơi Buồn thay nhẽ sương đông cành lá rụng... Có thể nói tám câu thơ đầu của khúc ngâm là sự dồn nén tâm trạng của người vợ trong suốt ba năm phải xa chồng, nuôi bạn chồng trong hoàn cảnh có một không hai. Đó là nỗi nhớ mong triền miên, khắc khoải theo bốn mùa, năm
  7. tháng. Đây cũng là tâm trạng chung của bất kỳ người phụ nữ nào khi rơi vào hoàn cảnh như vậy. Nghe khúc ngâm trên, cùng với sự cảm thông với nỗi buồn nhớ chồng của nàng Châu Long, chúng ta còn như thấy phảng phất đâu đây nỗi xót xa của thân phận người phụ nữ. Tuổi xuân có thì mà thời gian không đợi. Nhưng ở bốn câu kết: Uyên ương trong ấm cùng cao giọng Gió vàng riêng lạnh kẻ cô đơn Chim vẫn hòa đôi, hoa vẫn thắm Hoa nở, chim gù gợi nhớ thương Đọc kỹ, ta sẽ cảm nhận được sự giải tỏa. Nó giúp cho nhân vật, cũng nh ư cho mỗi chúng ta có thể lấy lại sự thăng bằng trong tâm hồn. Thật giản dị, song lời thơ đã toát lên một chân lý vĩnh hằng: mỗi con người cũng chỉ như những sinh vật bất kỳ mà tạo hóa đã sinh ra. Trong hoàn cảnh của mình, nhiều khi, sự cô đơn, trống vắng hay khổ đau chỉ là của riêng ta, là phù du trong cuộc đời này mà thôi. Với Châu Long cũng chỉ là gió vàng riêng lạnh kẻ cô đơn, còn ngoài trời kia chim vẫn hòa đôi hoa vẫn thắm. Rõ ràng, nỗi buồn của Châu Long hay nỗi buồn của bất kỳ ai đó trong cuộc đời này đều chẳng có ý nghĩa gì đối với không - thời gian, vũ trụ. Có chăng, chính cái “hồn nhiên” của đất trời, uyên ương trong ấm cùng cao giọng hay hoa nở chim gù, mới là cái đã gợi cho mỗi người về sự trống vắng, cô đơn, trong hoàn cảnh của mình. Hiểu được lẽ đó chính là sự thức nhận của mỗi con người về cái ta trong cái mênh mang của vũ trụ này.
  8. Phải chăng triết lý nhân sinh của người Việt và thế giới quan Nho, Phật, Lão hòa quyện, thấm đẫm trong cách cảm cách nghĩ của ông Trùm, bác Thơ và những nghệ nhân chèo xưa để họ viết nên những vần thơ giản dị mà sâu sắc? Phải chăng cũng nhờ lối tư duy này mà nỗi buồn của nàng Châu Long dường như không làm cho sự vật xung quanh trở nên tiêu cực? Chúng ta đã từng gặp những câu trong thơ Nguyễn Du: Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ. Nếu có một chút so sánh với những câu thơ trên chúng ta sẽ thấy, một bên là từ nỗi buồn của cá nhân (người buồn) dẫn đến sự cảm nhận tiêu cực về thế giới xung quanh (cảnh có vui đâu bao giờ). Còn một bên là sự diễn tả nỗi buồn trong sự thức nhận minh bạch giữa cá nhân và vũ trụ, giữa tiểu ngã và đại ngã. Có thể nói, sự thức nhận tinh thần triết học Phật giáo cho ta hiểu rõ một điều: Mọi nỗi buồn vui, đau khổ của con người đều chẳng là gì trước cái đại tự nhiên này, chỉ là sắc - không, không - sắc mà thôi. Xung quanh vẫn luôn sôi động, dù có ta hay không có ta. Điều quan trọng là trong cái vô cùng hữu hạn của cuộc đời, con người nên sống chân thành và yêu quý nhau hơn. Khúc ngâm bốn mùa cho chúng ta liên tưởng về bài thơ của thiền sư Mãn Giác: Xuân khứ bách hoa lạc Xuân lai bách hoa khai Sự trục nhãn tiền quá Lão tòng đầu thượng lai Mạc vị xuân tàn hoa tận lạc
  9. Đình tiền tạc dạ nhất chi mai. Và nhớ về câu thơ của nữ sĩ Xuân Quỳnh: ...Nhiều những lúc tưởng chừng như chẳng có Trước cuộc đời rộng lớn mênh mang Nhưng lúc này ta ở bên nhau Niềm vui sướng trong ta là có thật... Chèo được sinh ra từ những tấm lòng nhân ái trong dân gian, nh ững cái hay, cái đẹp trong chèo là vô cùng. Nhưng, như trên đã nói, mặc dù chèo là hay là đẹp, song trong cái hữu hạn của sự biết, người viết cũng không thể nào cảm nhận được tận cùng, chỉ là bước đầu có đôi dòng tìm hiểu.
nguon tai.lieu . vn