Xem mẫu

  1. JOURNAL OF SCIENCE OF HNUE Social Sci. Science., 2010, Vol. 55, No. 7, pp. 60-71 NGÔ THÌ NHẬM - NGƯỜI TRÍ THỨC NHO HỌC CHÂN CHÍNH, NHÀ TƯ TƯỞNG LỖI LẠC Nguyễn Bá Cường Đại học Sư phạm Hà Nội 1. Đặt vấn đề Trong số những trí thức Nho học Việt Nam thời phong kiến, Ngô Thì Nhậm (1746 - 1803) là nhà tư tưởng lỗi lạc, nhà văn hóa tiêu biểu. Ông thực sự là một trí thức yêu nước và thức thời, đã có những cống hiến hết sức quan trọng đối với sự phát triển của lịch sử dân tộc. Cuộc đời và sự nghiệp của Ngô Thì Nhậm xứng đáng được các thế hệ người Việt Nam mãi mãi ghi công, tự hào và quan tâm nghiên cứu, học tập. Bài viết phác thảo chân dung và thành tựu tư tưởng triết học, giáo dục học của người trí thức Nho học chân chính Ngô Thì Nhậm. 2. Nội dung nghiên cứu 2.1. Hành trạng của người trí thức Ngô Thì Nhậm trong bước ngoặt lịch sử dân tộc Ngô Thì Nhậm sinh ngày 11 tháng 9 năm Bính Dần (1746), thuở nhỏ tên là Phó, sau đổi tên là Nhậm, tự là Hy Doãn, hiệu Đạt Hiên, đạo hiệu Thiền học là Hải Lượng. Ông xuất thân từ thế gia vọng tộc, “đời đời theo nghiệp nho, khoa bảng công danh” [6;677] ở một làng quê có truyền thống văn hiến - làng Tả Thanh Oai (tục gọi là làng Tó), huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Đông (nay thuộc huyện Thanh Trì, Thành phố Hà Nội). Ngô Thì Nhậm là con trai cả của Ngô Thì Sĩ (1726 - 1780) - người có tài từ chương nổi tiếng, công danh hiển đạt “hiếm có xưa nay”. 2.1.1. Thời niên thiếu và những bước đường trưởng thành của Ngô Thì Nhậm Ảnh hưởng của gia tộc trong nếp sống, lối nghĩ, nên ngay từ khi còn nhỏ, Ngô Thì Nhậm đã giữ được nền nếp học hành, lớn lên đã xác định phải là một trung thần, là người con có hiếu, phải “lấy nhân nghĩa làm sào chống, trung tín làm bánh lái (Nhân nghĩa vi cao trung tín đà)” [7;360]. 60
  2. Ngô Thì Nhậm - người trí thức nho học chân chính, nhà tư tưởng lỗi lạc Ngô Thì Nhậm “bản tính sớm thông minh”, 7 tuổi bắt đầu đi học, đến năm 11 tuổi được cụ nội là Ngô Trân dạy dỗ; 14 tuổi, đã đọc thông các loại Kinh, Truyện, Sử và Tính lý. Do thông minh, lại cần cù học tập cùng với truyền thống gia tộc và dưới sự dìu dắt, hướng dẫn của cha, Ngô Thì Nhậm đã thể hiện tài năng ở tuổi 16 qua việc soạn sách Nhị thập thất sử toát yếu. Năm 17 tuổi, ông được “sát hạch ở trường huyện, hai lần đều chiếm hạng ưu” [6;27]. Cũng trong năm này, mẹ ông mất ở tuổi 33, để lại 5 người con, gánh nặng gia đình đặt lên vai cha và Ngô Thì Nhậm. Năm sau, ông lấy vợ là Ngô Thị Anh để lo việc gia đình và tiếp tục học tập. Năm 20 tuổi, ông đến theo học thầy Đan Sĩ là Tham chính Thanh Hoa và cũng năm đó, thân phụ Ngô Thì Sĩ đỗ Hoàng giáp. Năm 21 tuổi, Ngô Thì Nhậm soạn cuốn Tứ gia thuyết phả. Tài năng của Ngô Thì Nhậm ngày càng được chứng tỏ qua các khoa thi, đúng như lời chúa Trịnh khen là “tài học không ở dưới người”. Năm 23 tuổi, ông thi Hương đỗ Giải nguyên, năm sau (1769), đỗ khoa Sĩ vọng, được bổ chức Hiến sát phó sứ Hải Dương (hàm Chánh thất phẩm). Với phong thái nhà nho, ông “làm quan thanh liêm, giản dị, thường mở lớp dạy học, học trò theo học rất đông”. Năm 1771, nhân việc Ngô Thì Sĩ bị cách chức do triều thần ghen ghét, ông cũng xin cáo quan về nhà, lấy cớ sớm hôm phụng dưỡng cha. Năm 1772, ông dự khảo khóa ở Quốc Tử Giám, đỗ hạng ưu, lấy lý do ốm không ra làm quan. Cũng năm ấy, ông viết xong cuốn Hải Dương chí lược [6;27-28]. Vào đúng tuổi 30 - “tam thập nhi lập”, Ngô Thì Nhậm thi đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân, đứng hàng thứ 5, được bổ làm Hộ bộ Đô cấp sự trung. Năm sau, ông được thăng chức Giám sát Ngự sử đạo Sơn Nam, rồi được bổ làm Giám khảo trường thi Hương ở Hải Dương. Năm 1778, ông được thăng chức Đốc đồng Kinh Bắc. Một sự kiện hiếm có diễn ra trong năm đó là hai cha con cùng đi nhậm chức một ngày (Ngô Thì Sĩ nhậm chức Đốc trấn Lạng Sơn). Ngô Thì Nhậm làm thơ thể hiện rõ ý chí nam nhi, quyết “không làm chiếc đèn cù quay trong viện thanh u”, không khom lưng hưởng lộc,. . . mà bằng chính tài năng của mình để được trọng dụng vào việc nước. Xã hội thời thời Lê - Trịnh nảy sinh đầy rẫy những bi kịch, nhân sinh quan yếm thế tiêu cực nổi lên hàng đầu. Ông nhận thấy nguyên nhân của tình hình đó là do con người gây ra, do các chính sách của triều đình. Đây là một cách nhìn nhận mới mẻ, thoát khỏi sự ràng buộc của hệ tư tưởng Nho giáo phong kiến coi mệnh trời quy định sự hưng thịnh, suy vong của triều đại và xã hội. Thời gian này, Ngô Thì Nhậm vẫn không quên làm giáo dục và có thể, do phải biên soạn sách để giảng dạy cho Thế tử Trịnh Tông mà ông đã hoàn thành và cho in sách Tự học toản yếu. Bài Tựa cho thấy ông không chỉ có đóng góp trong việc phát triển ngữ âm và cấu tạo chữ Nôm mà còn bảo vệ được bản sắc văn hiến của dân tộc. Năm 1781, ông 61
  3. Nguyễn Bá Cường soạn xong cuốn Thánh triều giám thư do chúa Trịnh giao, được trọng thưởng và ban thêm chức. Đứng trước cảnh suy tàn, rối ren của triều đình, ông nhất định không sống xu nịnh mà tỏ rõ sự vững vàng, kiên định, “dốc hết tâm lực của mình đối với sự biến hóa của khí vận” [6;823]. Đây là một quan niệm sống lạc quan, trọng nghĩa, có trách nhiệm với đời. Bởi thế, Trịnh Sâm coi ông như “tuấn mã”, làm được việc nhưng khó tính và không để người ta sai khiến [6;727]. Tháng 10 năm 1782, ngay sau khi chúa Trịnh Sâm mất được một tháng, loạn kiêu binh nổ ra, Trịnh Tông lên ngôi. Những người bị cho là đứng về phe tố giác vụ án năm Canh Tý (1780) khiến cho Trịnh Tông bị giáng làm con thứ, không được nối ngôi, đều bị bắt giết. Trước đó bị dư luận gán ghép là có liên quan đến vụ án nên lúc này Ngô Thì Nhậm đành ẩn lánh về quê vợ ở Sơn Nam (huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình). Trong nhiều bài viết, Ngô Thì Nhậm thậm chí đã phải dựa vào thần linh và trời đất để bày tỏ nỗi oan bị hiềm nghi liên đới vụ án này [6;721-735]. 2.1.2. Thời kỳ “gửi lòng mình vào tĩnh lặng”, Ngô Thì Nhậm quyết tâm chờ thời hành đạo Trong thời gian lánh nạn (1782-1786), ở nhiều tác phẩm, Ngô Thì Nhậm đề cập đến những vấn đề rộng lớn của vũ trụ và nhân sinh, thể hiện tư tưởng tích cực, dạt dào sức sống và ý chí của một tài năng lớn chứ không mang sắc thái yếm thế Lão - Trang. Lánh đời ở ẩn, nhưng ông không hề “trốn đời” mà vẫn luôn đau đáu một niềm giúp dân, giúp nước. Ông cho rằng, “phàm kẻ sĩ quân tử việc làm như rồng như rắn, tùy cảnh mà yên, hiển thì làm cho thiên hạ đều hay, ẩn tàng thì dạy bảo học trò” [6;816]. Vì thế, ông vẫn một mực theo Nho giáo: “Chỉ theo hướng Thi, Thư; Khỏi trái đường “danh giáo”, quyết tâm chờ thời cơ để nhập thế hành đạo. Với ông, đây là thời kỳ, “gửi lòng mình vào tĩnh lặng, gác mọi việc vào vô vi. Ngọc tốt dấu kín nơi sâu, rồng thần lặn không kẻ thấy” để “chờ khi người biết đến mình”, thì “chí lớn nọ đem ra vùng vẫy, giúp tám cực chuyển xoay, vỗ về chín cõi yên rường mối. . . ” [6;355-356]. Trong bài Tự hối (tự răn mình), Ngô Thì Nhậm luôn nhắc nhở mình ngày đêm cần kính trọng và làm theo giáo hóa của Khổng Mạnh: trung thành hướng về cõi quang minh chính đại, không làm những điều bất nghĩa để được hưởng danh lợi, giàu sang [6;240,241]. Ông xác định đây là lúc cần lục tìm lại sử sách để ngẫm nghĩ và xử thế đời nay. Năm 1786, ông viết xong sách Xuân Thu quản kiến - cuốn sách dài “ước chừng vài mươi vạn lời”. Tuy ví mình tựa như “ông lão trong mây, tiêu nhàn ngao du” nhưng ông vẫn chăm chỉ khảo cứu sách cổ và miệt mài dạy học (“Vui với tuổi trẻ đã có sáu bảy học trò” [6;292]). Cũng trong thời gian này, ông sáng tác Tiêu dao du phú bày tỏ tấm lòng son của mình và nêu những quan niệm về vụ trụ, nhân sinh mà qua đây có thể hiểu được thực chất con người Ngô Thì Nhậm. 62
  4. Ngô Thì Nhậm - người trí thức nho học chân chính, nhà tư tưởng lỗi lạc Với “đức mới, lòng mới”, ông nguyện sẵn sàng “giặt mũ, rửa chân” để thể hiện khả năng như “chim bằng cưỡi gió” làm chuyển bánh xe lịch sử [6;367]. Trong chốn mênh mông đi tìm thời đại mới lớn lao, ông luôn giữ gìn khuôn phép, đạo nhà và coi đây là phương thuốc, là con đường hay nhất để chờ cơ hội ra giúp nước. Rõ ràng ông đã thức thời nhận rõ cái “cơ khí thiêng mầu nhiệm” của tạo hóa và tin tưởng tương lai tốt đẹp đang được khai mở với vua sáng, tôi hiền như sự gặp gỡ huyền diệu tương ứng, tương cầu. Năm 1786, Nguyễn Huệ đánh đổ họ Trịnh, giao quyền bính lại cho họ Lê. Ngô Thì Nhậm trở về kinh thành, được Lê Chiêu Thống mới nối ngôi vua ban cho chức Hộ bộ Đô cấp sự trung, sau thăng Hiệu thảo kiêm Toản tu Quốc sử. 2.1.3. Thời kỳ Ngô Thì Nhậm góp sức xây dựng triều đại Quang Trung Ngô Thì Nhậm đưa ra quan niệm sống phải hợp đạo, tùy thời: không câu nệ, cố chấp dựa vào những tín điều xưa cũ mà phải thích ứng nhanh với thời cuộc đang chuyển xoay dồn dập. Từ quan điểm triết học “đạo có thể thay đổi, thời có thể biến thông”, ông xác định phải tùy thời, “nhân thời thế mà làm cách mạng” nên trước hết phải rũ hết bỏ những truân chuyên thời dĩ vãng, kết nghĩa hòa mục, giao hảo lân bang, phục hưng những điều tốt đẹp,. . . [7;643,652]. Xuất phát từ suy nghĩ tích cực đó, ông đã hành động dũng cảm dứt khoát từ bỏ nhà Lê, lao mình vào phong trào cách mạng Tây Sơn. Năm 1788, Nguyễn Huệ ra Bắc lần thứ hai, xuống lệnh truyền gọi các quan lại của triều đình Lê - Trịnh ra giúp nước. Chính sách trọng dụng hiền tài của Nguyễn Huệ được Ngô Thì Nhậm đón nhận ngay. Theo sự giới thiệu của Trần Văn Kỷ (danh sĩ đất Thuận Hóa, đang là tâm phúc của Nguyễn Huệ), ông lập tức được “gây dựng lại”, “dùng làm việc lớn”, được phong làm Lại bộ Tả thị lang, tước Tình phái hầu, giao việc (cùng với Võ Văn Ước) coi tất cả quan văn võ nhà Lê. Đây là một bước ngoặt lớn trong cuộc đời ông và với quyết định sáng suốt, phù hợp với lịch sử, ông “đã có những cống hiến thực sự lớn lao cho đất nước” [4;483]. Ngô Thì Nhậm “đã nêu một tấm gương bằng chính hành động dứt khoát, xuất phát từ một nhận thức lý tính sâu sắc và từ động cơ muốn đem tài sức ra cống hiến” cho dân tộc [2;41]. Nhà nho, nhà giáo Ngô Thì Nhậm lại tiếp tục sự nghiệp chính trị. Ông là người có vai trò to lớn đối với nhà Tây Sơn khi trực tiếp thuyết phục các nhân sĩ trí thức Bắc Hà đứng về phía nhân dân, vì lợi ích dân tộc mà tham gia đóng góp cho sự nghiệp chính nghĩa, tiêu biểu là Phan Huy Ích, Vũ Huy Tấn, Nguyễn Thế Lịch, Ninh Tốn, Nguyễn Đề, Trần Bá Lãm, Đoàn Nguyễn Tuấn,... Không chỉ giỏi nêu cao chính nghĩa để thu phục nhân tài, nhân tâm, Ngô Thì Nhậm còn thể hiện tài năng trong lĩnh vực quân sự khi nêu kế lui binh về Tam Điệp để bảo toàn lực lượng, chờ đại quân của vua Quang Trung tới đánh bại quân Thanh. Cống hiến đó đã chứng tỏ tầm vóc tư duy chiến lược quân sự của người trí thức Nho học Ngô Thì Nhậm. 63
  5. Nguyễn Bá Cường Sau trận Đống Đa toàn thắng, ngay lập tức, với trọng trách tham mưu của Ngô Thì Nhậm, vua Quang Trung đã mở đường văn thư ngoại giao trao đổi với nhà Thanh. Tập Bang giao hảo thoại (được coi là một kiệt tác văn học, kế tục được thần thái, khí phách Quân trung từ mệnh tập của Nguyễn Trãi) cùng với tài đàm phán trực tiếp của Ngô Thì Nhậm đã “đưa đến việc Thanh Đế nhận Quang Trung làm An Nam Quốc Vương, quên mất tham vọng thừa nước đục thả câu chiếm lĩnh phương Nam”. Nhờ có ông mà “việc hòa hiếu được tiến hành mau lẹ và đầy vinh quang cho Tây Sơn” [5;39]. Với thành công ngoại giao lần này vua Quang Trung đã thăng chức cho ông làm Binh bộ Thượng thư (1790). Năm sau, ông lại được thăng Thị lang đại học sĩ, gia ban Dực vận công thần. Năm 1792, ông được cử kiêm chức Thự Tổng tài Quốc sử . Đối với ông, việc làm quan từ lâu đã được xác định không phải là để mưu cầu bổng lộc, danh lợi cá nhân mà nhằm mục đích giúp dân, giúp nước: “Thân hèn bấy nay đem ra giúp nước, Đêm đêm rong ruổi, đâu dám ngại ngần!” [8;259] Hoạt động dưới cờ nghĩa của phong trào Tây Sơn do Quang Trung lãnh đạo, Ngô Thì Nhậm ví mình như sóng biển “nhờ thế cưỡi gió” và nhận thấy ý nghĩa cuộc sống vang vọng khắp non sông [7;361]. Trải qua những hoạt động tận tâm hiến dâng cho đất nước trong hoàn cảnh gian nan đã giúp cho ông có được sự sáng suốt khi làm việc triều chính. Dưới triều đại Quang Trung, ông có điều kiện phát huy được tài năng và phẩm cách trong sáng của một nhà nho chân chính. Nhiều chủ trương mới được ông truyền tải qua các văn kiện quan trọng, như Chiếu lên ngôi, Chiếu xây dựng việc học, Chiếu cầu hiền tài, Chiếu khuyến khích nông nghiệp,. . . Tuy đề ra những chủ trương hợp lý, “thuận lẽ trời lòng dân”, đặc biệt trong lĩnh vực văn hóa, giáo dục nhưng tiếc thay, Hoàng đế Quang Trung đột ngột qua đời sớm ở tuổi 40 (1792), khiến cho những tư tưởng phục hưng xã tắc của Ngô Thì Nhậm không thực hiện được thêm nữa. 2.1.4. Thời kỳ nhàn quan, Ngô Thì Nhậm “giữ lòng trung tín, làm theo điều nghĩa” Vua Quang Trung mất đi, Ngô Thì Nhậm thiếu vắng người hiểu mình và biết dùng mình vào làm việc lớn. Nội bộ triều đình Quang Toản chia rẽ, những công thần thời Quang Trung đều bị gạt khỏi chính trường. Rất buồn rầu vì phải ở ẩn chính nơi triều đình (thành ẩn) nhưng ông vẫn một mực “giữ lòng trung tín, làm theo điều nghĩa” và mong được trọng dụng trở lại để củng cố triều đình trụ vững trong hoàn cảnh khó khăn [8;35,287]. Mặc cho thế cuộc đổi thay, lòng người thâm hiểm, ông vẫn thể hiện khí phách hiên ngang trời phú cho, tự ví mình như cây tùng đứng sừng sững, tự tin trong sương tuyết, “như rồng không sợ đầm, hổ chẳng sợ núi cao”, “cốt cách hiên ngang kỳ lạ, lòng trống rỗng sống trong cõi trần tục, đầu thẳng chỉ biết có trời” [7;275,354-356]. Nhàn quan nhưng Ngô Thì Nhậm luôn trăn trở về thế cuộc đến nỗi mới 53 64
  6. Ngô Thì Nhậm - người trí thức nho học chân chính, nhà tư tưởng lỗi lạc tuổi mà “bạn bè đều gọi là bậc lão thành”. Là nhà nho am hiểu lẽ đời, ông cho rằng “làm hay dừng, lâu hay chóng, cũng chỉ cần sao cho hợp thời mà thôi” [7;319], cốt sao để “trong lòng không hổ thẹn” [8;165]. Ông cùng với một số trí thức Nho học được Quang Trung trọng dụng khi trước, giờ đây chỉ còn là những quan soạn sách, trông coi việc lễ nghi,. . . Năm 1797, ông phụng mệnh trông coi việc san, tu Quốc sử (cũng năm này, ông đem khắc ván in quyển Việt sử tiêu án của Ngô Thì Sĩ). Năm sau, được giao việc trông coi Văn miếu Bắc Thành, ông đã cho sửa sang lại Văn Miếu và nhà Quốc học. Cuối cùng thì cái tâm trạng “lo việc vua, hưởng lộc nước đâu dám đòi về” của Ngô Thì Nhậm cũng được giải quyết. Ông tiếp tục theo đạo Nho để được “cùng chơi trong cõi thánh, học thầy Tăng, Nhan”, nhiệt tình làm giáo dục giúp đời: “Dạy người bảo tận mặt, nói tận tai, không gì lớn bằng việc đó; Giúp đời giúp cả hình hài lẫn tinh thần, chẳng quản gian lao” [7;269,290]. Khi triều đình Quang Toản ngày càng suy yếu, Ngô Thì Nhậm dành thời gian đi sâu vào nghiên cứu triết học Phật giáo để mong tìm được lối thoát trong tư tưởng. Tuy vậy, ông vẫn tỏ ra là bậc trí thức vững chãi trong cuộc sống đời thường, vẫn lao tâm khổ tứ vì cái “Lý” - cái đúng lẽ phải, cái “Nghĩa” - trách nhiệm với xã hội. Những triết lý cơ bản và tinh thần nhập thế của Thiền phái Trúc Lâm đời Trần được ông trình bày và phát triển trong tác phẩm Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh. Dù có lúc mong được nhàn hạ như đám mây để “bay lượn nghìn năm mãi tự do”, nhưng chính cái hiện thực ngổn ngang khiến cho ông phải trở lại chính mình để lặng tâm xét thấu tận cùng sự thái hòa, hưng thịnh, suy vong, sự thay đổi của lòng người,. . . Ông không tán đồng sự họa phúc, báo ứng mà tin tưởng vào hiện thực, yêu cầu phải diệt bỏ giặc cuồng dâm, giống bất lương để không làm tăng thêm mầm họa cho đất nước [8;86]. Như thế, ở thời kỳ xã hội biến loạn, tùy vào triết lý sống mà mỗi người hoặc tự thu mình lại, hoặc tự để mình tuột trôi theo dòng xoáy cuộc đời. Ngô Thì Nhậm tự thấy cần phải thái độ cẩn trọng hơn trong hành động vừa theo lẽ tự nhiên, thuận đạo trời đất vừa phải đề phòng sự bất thường có thể xảy ra ở người đời. Với ý chí ngày càng cao (“tráng chí”), tự ví mình là “đấng cao nhân không ở trong vòng danh lợi”, ông tự nhủ cần phải “biết kết cục, biết đạt đến, thì không mắc lỗi và “hãy tĩnh hãy yên” thì tự mình không ngả nghiêng” [7;334]. Năm 1802, triều đình nhà Tây Sơn mà Quang Trung đã dày công gây dựng đã hoàn toàn sụp đổ. Ngô Thì Nhậm không cộng tác với nhà Nguyễn mà thủy chung son sắt với vua Quang Trung và với sự nghiệp cách mạng của nhân dân. Ngày 16 tháng 2 năm Quý Hợi (09-3-1803), ông qua đời ở tuổi 58 sau trận đòn thù ở Văn Miếu do người của triều đình Nguyễn Ánh thực hiện. Ngô Thì Nhậm để lại một di sản đồ sộ các tác phẩm về nhiều lĩnh vực tư tưởng, chính trị, văn học, nghệ thuật, quân sự, ngoại giao, giáo dục, địa lý,... Phần lớn các tác phẩm được tập hợp trong tùng thư Ngô gia văn phái. Ngoài những tác 65
  7. Nguyễn Bá Cường phẩm như đã nêu ở trên, ông còn sáng tác nhiều tác phẩm khác, như: Công vụ thành thư, Bút hải tùng đàm, Thủy vân nhàn vịnh, Kim mã hành dư, Ngọc đường xuân khiếu, Hoàng hoa đồ phả, Cúc hoa thi trận, Cẩm đường nhàn thoại, Thu cận dương ngôn, Hào mân ai mục, Hàn các anh hoa, Liên hạ thi minh,. . . 2.2. Ngô Thì Nhậm - nhà tư tưởng lỗi lạc Ngô Thì Nhậm là nhà tư tưởng lỗi lạc của lịch sử dân tộc có nhiều cống hiến giá trị cho sự phát triển của nhiều lĩnh vực tư tưởng. Chỉ xét riêng trên bình diện tư tưởng triết học và giáo dục học, ông đã có những đóng góp quý báu về vấn đề con người, giáo dục con người và trọng dụng nhân tài trong sự nghiệp chấn hưng đất nước. 2.2.1. Tư tưởng triết học về con người của Ngô Thì Nhậm Kế thừa và phát triển các học thuyết triết học phương Đông, Ngô Thì Nhậm đã nêu lên nhiều tư tưởng có giá trị sự sinh thành con người. Xuất phát từ quan điểm trong Kinh Dịch, ông coi “trời và người cùng chung một lý” [10;158]. “Lý” ở đây được hiểu như là quy luật vận hành tự nhiên của trời đất và muôn vật, trong đó sự xuất hiện của con người là do trời sinh ra và con người “cùng một thể với trời đất”. Ngô Thì Nhậm đã nêu một định nghĩa về con người với đầy đủ các yếu tố thân thể, tinh thần và cả những điều kiện sinh hoạt, đặc biệt là yếu tố dinh dưỡng cùng những quan hệ xã hội tác động đến con người: “Tóm lại, cái thân của người ta là do tinh khí tụ hợp, còn cái bộ dạng là do sự tập nhiễm ở nơi ăn chỗ ở, hoặc là do sự thay đổi trong cách tẩm bổ” [10;183-184]. Ông cho rằng, trong mối quan hệ giữa tinh thần và thân thể con người thì thân thể là cái có giới hạn, còn “tinh thần thì không tiêu tan”. Do quan niệm tinh thần là yếu tố đầu tiên có trước thân thể, tinh thần mới là cái tồn tại lâu dài nên ông khuyên con người hãy giữ gìn và coi trọng tinh thần. Từ việc thừa nhận hình thể của con người là do hình và khí tạo nên, do đó, không thể không bị quy luật sinh diệt chi phối, Ngô Thì Nhậm đề cao sự sống của con người và nhấn mạnh: chỉ khi người ta đạt tới sự hoàn thiện về nhân cách, trình độ, bản lĩnh thì mới thẩm thấu được ý nghĩa và giá trị của mục đích cuộc sống. Vì vậy, mỗi người cần phải biết trân trọng tuổi trẻ vì “càng già đến, có tiền cũng khó mua được tuổi trẻ” (Lão chí hữu tiền nan mãi thiểu) [7;449]. Trong tư tưởng về bản tính con người, Ngô Thì Nhậm trước hết tiếp cận con người trên cơ sở tự nhiên - “thiên tính tự nhiên”. Ông quan niệm “trời sinh con người đều có lòng ham muốn” nên “ham muốn vốn là tính tự nhiên, luôn luôn thể hiện ở những hành động thường ngày, như đói thì muốn ăn, khát thì muốn uống, không có không được”. Theo đó, việc đáp ứng những nhu cầu tự nhiên là điều kiện tất yếu trong quá trình tồn tại và phát triển của con người. Tuy nhiên, khi nhìn nhận con 66
  8. Ngô Thì Nhậm - người trí thức nho học chân chính, nhà tư tưởng lỗi lạc người trong chính bản tính vốn có của nó, ông đã tuyệt đối hóa cái thiên tính tự nhiên đó khi cho rằng “lòng người chẳng qua là lòng dục mà thôi. Đã có khí huyết tâm tư, ai mà chẳng có lòng dục” [10;145,213]. Điều đặc biệt là Ngô Thì Nhậm đã có những quan niệm “phóng khoáng” khi thực tế thừa nhận sức mạnh của tình ái, tình dục trên phương diện là tính tự nhiên của con người. Ông viết: “Ghê gớm thay, tình ái quả là khó kìm hãm” hoặc: “Kìa như! Tình dục nảy sinh từ chỗ ham muốn, nếu không thấy cái có thể ham muốn, thì tình dục từ đâu mà ra?. . . Trai gái không chế ngự nổi tình dục, cũng là do vậy mà thôi” [9;547]. Dù có cảm thông cho ham muốn thực tế ở con người do bản tính tự nhiên “vốn chẳng thể chịu được cảnh thiếu xuân tình” mà có thể vi phạm những quy tắc đạo đức luân lý ràng buộc ở đời, nhưng ông cực lực phê phán quan hệ nam nữ bất chính và những hành vi trà đạp lên đạo đức nhân luân [7;218]. Thứ hai, ông coi bản tính của con người vừa động, vừa tĩnh, tùy theo hoàn cảnh, hành động và sự hiểu biết của mỗi người. Bản tính con người vốn thiện, nhưng do hoàn cảnh xã hội mà thành ra bạc ác. Từ đó ông cho rằng, cần phải tạo ra hoàn cảnh và những quan hệ xã hội tốt đẹp để hoàn thiện con người. Với quan niệm này, ông chủ trương dùng đạo lý để chế ngự con người, dùng lẽ phải để thu phục và cải biến bản tính con người [9;166]. Ông còn đề cập đến việc cần chú trọng giáo dục con người ngay từ khi còn là bào thai và chỉ rõ sự tác động của điều kiện xã hội, hoàn cảnh gia đình đến việc hình thành tư chất, bản tính của trẻ em [10;184]. Thứ ba, Ngô Thì Nhậm đi từ sự khác nhau về diện mạo thể chất để nhận ra sự khác nhau về bản tính của mỗi người (“người ta ai cũng có bộ mặt vốn có của mình”) [10;183]. Theo ông, cần phải dùng giáo dục, mà chủ yếu là thông qua giáo dục đạo làm người để cho bản chất con người trở nên gần nhau, làm cho quan hệ xã hội trở nên hài hòa để từ đó, xây dựng một xã hội có nền văn hóa, giáo dục hưng thịnh [6;457]. Ngô Thì Nhậm có những cống hiến rõ rệt trong tư tưởng về mối quan hệ giữa con người với tự nhiên và xã hội. Ông cho rằng, trong trời đất có vô vàn sự vật, hiện tượng với nhiều những biểu hiện khác nhau nên con người cần phải nhìn nhận thấu đáo nguồn gốc và bản chất của sự vật thì mới có thể hành động hiệu quả được. Ông coi việc nắm được cái mấu chốt của sự vận hành trong trời đất (đạo trời) chính là nhiệm vụ của đạo trị nước. Ông thấy được tính thống nhất trong thế giới: trời, đất, người đều có sự thống nhất, có tính đa dạng biểu hiện qua nhiều mối quan hệ trực tiếp hay gián tiếp, tùy theo điều kiện nhất định mà cái này hay cái kia là trung tâm. Từ những mặt đối lập và thống nhất trong tự nhiên (thể-dụng, tán-tụ, dị-đồng, cương-nhu,. . . ), ông liên hệ đến sự đối lập và thống nhất trong xã hội và con người [7;722,769]. Nếu con người nhận thức được thực tế đó thì sẽ không thấy bỡ ngỡ trước các biến đổi của tự nhiên và xã hội, sự thay đổi của lòng người và sẽ có cách ứng xử hợp lý mà không cứng nhắc [7;652]. Ngô Thì Nhậm cũng quan tâm 67
  9. Nguyễn Bá Cường nhiều đến chữ “thời” và coi việc nhận thức và thực hiện theo “thời” là có tính nguyên tắc, là cơ sở của mọi hành động bởi “thời” được hiểu là quy luật vận động của tự nhiên, là sự hội tụ của điều kiện khách quan và nhân tố chủ quan, là cơ hội thành công của con người nếu con người biết nhận thức và vận dụng đúng thời [9;52]. Xuất phát từ những tư tưởng triết học đó, ông đã xây dựng nên tư duy chính trị gắn liền với lý thuyết “tam tài”: “Dựng nước lập đô, là việc kinh bang kế lớn; ngồi trong ngoài trị, mà giữ vững được mưu hay. Đạo đức, thực lực, hiểm yếu, gốc ngọn bao gồm: thiên thời, địa lợi, nhân hòa, phạm vi đủ cả” [7;692]. Ông coi nguồn gốc của mọi thắng lợi của con người phụ thuộc vào việc nhận thức và vận dụng đúng đắn ba yếu tố gắn bó mật thiết với nhau: trời - lòng người - thời (hiểu theo nghĩa là tự nhiên - con người và không gian, thời gian). Khi bàn về vai trò của mỗi thành phần trong xã hội, Ngô Thì Nhậm tuy vẫn coi “vua thánh minh” là người tiêu biểu cho xã hội, là gốc của mọi quan hệ xã hội, là chủ của muôn người, muôn vật nhưng ông khẳng định nhân tố quyết định vận mệnh của triều đình và đất nước chính là người dân. Theo ông, dân tuy là người bình thường nhưng lại chiếm số đông, làm ra của cải vật chất để nuôi sống xã hội và triều đình. Ông xem dân là trung tâm của vũ trụ, của mối quan hệ giữa trời và người, vì thế, mọi việc trong xã hội phải hướng về lợi ích của nhân dân [6;581]. Theo ông, cơ sở của sự hòa hợp và phát triển, điều kiện để tạo nên sự cân bằng trong xã hội và tự nhiên là ở việc được lòng dân và đảm bảo đời sống no đủ cho nhân dân [6;576-577]. Ông đề xuất nhiều tư tưởng khuyến khích nhân dân lao động sản xuất, phát huy sức mạnh của nhân dân trong công cuộc đánh giặc cứu nước, đồng thời chỉ ra các biện pháp giải quyết mâu thuẫn, bế tắc trong xã hội. Đặc biệt, ở Ngô Thì Nhậm đã xuất hiện lý tưởng về việc xây dựng mô hình của một xã hội tự quản, ở đó xã hội thanh bình, người dân có đời sống vật chất đủ đầy, đời sống tinh thần (và cả tâm linh) được quan tâm, quan hệ với nhau thân thiện, chân thành, giản dị, thực chất, không cầu kỳ,... người dân sống hồn nhiên mà không cần có người đứng đầu [6;84-85]. 2.2.2. Tư tưởng giáo dục và trọng dụng nhân tài của Ngô Thì Nhậm Đối với sự ổn định chính trị - xã hội và phục hưng đất nước, Ngô Thì Nhậm khẳng định giáo dục có vai trò hàng đầu: “Giáo hóa là việc gấp của quốc gia” [6;549]; “muốn kiến quốc phải coi dạy học làm đầu” [7;621]. Bằng lý luận sắc bén và với tư duy thực tế, ông chỉ rõ: đạo trị nước có ba “cái mấu chốt” luôn hỗ trợ lẫn nhau, có vai trò quan trọng như nhau là “giáo” (giáo dục), “pháp” (hình pháp) và “chính” (chính trị). Khảo sát lịch sử xã hội, ông đã vượt xa nhận thức của nhiều bậc trí thức đương thời, tỏ rõ quan điểm duy vật khi giải thích “mấu chốt” của “những điều mấu chốt” trong đạo trị nước chính là “do tình trạng thiếu thốn và sự thực thiếu thốn" về kinh tế. Do đó ông nêu chủ trương chính quyền phải biết phát huy sức mạnh 68
  10. Ngô Thì Nhậm - người trí thức nho học chân chính, nhà tư tưởng lỗi lạc của dân trong việc thực hiện “giáo”, “pháp” và “chính”. Chỉ bằng chính sự chăm lo đến đời sống nhân dân thì triều đình mới thuyết phục được lòng người, huy động được sức dân và “dựa vào đấy mà lập giáo” thì đất nước ắt giàu mạnh và vững bền. Trong sáu công việc phải quan tâm trong đạo trị nước là “hóa dân, thành tục, cầu hiền, thẩm quan, phú quốc, cường binh” thì “hóa dân” (giáo dục) phải được đặt lên hàng đầu [6;750-752]. Đứng trước thực trạng xã hội con người coi thường kỷ cương phép nước, đối xử tệ bạc với nhau, Ngô Thì Nhậm chỉ ra sự cần thiết phải thay đổi đường lối giáo dục, chú trọng đạo làm người để đạt mục đích đào tạo nên những con người có đức hạnh, thông thạo việc đời. Ông chủ trương xây dựng đạo làm người theo Nho học để từ trong gia đình tới ngoài xã hội có sự hòa nhã, có trật tự, kỷ cương. Về nội dung của đạo làm người, trước hết phải là đức hạnh toàn vẹn (thể hiện ở cách cư xử và thực hiện nghĩa vụ trong các mối quan hệ xã hội), đặt trọng tâm ở “nhân nghĩa” (trau dồi đạo đức, yêu nước, thương dân, trân trọng quyền sống của con người, tạo dựng sự yên ổn cho xóm làng, an ninh cho đất nước),... Tuy khẳng định “nhân nghĩa thẳng ngay là đầu mối lớn của đạo làm người” [7;653] nhưng Ngô Thì Nhậm cũng thừa nhận “sự tu dưỡng điều nhân rất khó khăn, tất phải mất hàng đời người” [9;123]. Đạo làm người phải đề cao “trung hiếu” bởi “Đạo không gì khác, chỉ là trung hiếu mà thôi!... đó là nền to, là gốc lớn. . . Được như vậy thì “phú quý bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất”, mà nền trung hiếu mới vững chắc” [9;18-19]. Theo ông, trung với vua thông qua hành động, thể hiện lòng dũng cảm, ý chí kiên cường thực hiện nghĩa vụ đối vị vua biết vì dân vì nước (không ngu trung); hiếu với cha mẹ phải dốc lòng dốc sức phụng dưỡng, kính thuận. Trung hiếu không chỉ “làm khuôn phép cho gia đình, nghiệp lớn rực rỡ” mà còn là đạo phổ biến toàn dân [7;468,493]. Trong những phẩm chất kể trên của đạo làm người, Ngô Thì Nhậm coi nhân nghĩa là đích đến, trung tín, hiếu thuận là bánh lái theo lẽ phải, hợp đạo lý. Đạo làm người còn phải biết tỏ rõ trách nhiệm của bản thân trước vận mệnh quốc gia, phải giữ trọn khí tiết thanh cao, bảo vệ danh dự của Tổ quốc và làm tròn nghĩa vụ đối với nhân dân. Ngô Thì Nhậm còn thể hiện tầm vóc tư duy chiến lược khi đưa ra tư tưởng trọng dụng nhân tài. Từ quan điểm xây dựng triều đại cần phải có nhiều người hiền tài thì mới vững, bình trị thiên hạ cần phải có nền tảng đạo đức thì mới bền ông nhấn mạnh: “Vua muốn nước “trị”, tất phải có người bề tôi giúp “trị”, sau đó “giáo”, “pháp” và “chính” mới có thể thực hiện được” [6;751], đồng thời chỉ rõ: “muốn đất nước được trị bình phải tuyển chọn nhân tài làm gốc”. Bởi thế, đối với những người cầm quyền thì “ngay từ buổi đầu mới định được thiên hạ” cần thiết phải coi trọng nhà nho, quan tâm trọng đãi kẻ sĩ và luôn mong muốn tìm những người thực tài để giúp nước [7;621]. Ông cũng chỉ rõ vai trò, trách nhiệm của toàn dân trong việc phát hiện và tiến cử những người hiền tài tham gia vào sự nghiệp dựng nước. Chú 69
  11. Nguyễn Bá Cường trọng đến phương cách sử dụng, phát huy tài năng ở những lĩnh vực khác nhau, ông lưu ý không nên câu nệ người cũ hay người mới, có khoa bảng hay không mà phải dựa vào thực tâm, thực tài, có “tư chất hơn người, bền lòng giữ đạo”. Ông nhấn mạnh: “Chọn người thì phải chu toàn, dùng người thì phải nhất quán” nhưng đặc biệt không thể dùng quyền lực để thúc ép sự cống hiến của nhân tài, mà phải đi từ những chủ trương, chính sách hợp lòng người, thuận lẽ phải [7;629,822]. Ngô Thì Nhậm còn yêu cầu người sử dụng nhân tài phải tỏ rõ thực sự cầu thị, lắng nghe, trọng đãi, tin tưởng và trước sau như một. Ông cũng sáng suốt chỉ những đặc điểm ở người tài thường có tính phóng đãng và đa tình [7;400,403]. Vì thế, để bồi dưỡng nhân tài, phải kết hợp giữa dạy văn và dạy hạnh, vừa “phải biểu dương những người có đức hạnh tốt để làm mẫu mực” nhưng đồng thời phải “truất bỏ những người kiêu bạc để răn đe”. Đối với nhà giáo - những người có ảnh hưởng to lớn đối với sự phát triển của quốc gia, theo ông, phải chọn lựa những “nho sĩ có học thức, hạnh kiểm... để làm khuôn mẫu cho học trò noi theo”, đồng thời cần đặc biệt “lấy ưu lễ đãi ngộ, cấp lương cho dồi dào, đề cao bề thế ông thầy” [6;550-551]. 3. Kết luận Có nhiều cách tiếp cận để đánh giá các nhân vật lịch sử nhưng cơ bản phải đặt nhân vật đó trong toàn bộ những quan hệ xã hội phức tạp của thời đại và xem xét toàn diện nỗ lực phát triển cao nhất khả năng chủ quan của họ mà điều kiện lịch sử thời đại đó cho phép. Chỉ khi tìm hiểu sự nghiệp của Ngô Thì Nhậm theo cách đó và cần thiết thông qua chính các tác phẩm của ông thì chúng ta mới thực sự nhận thấy vai trò của một người trí thức chân chính thức thời nhập thế hành đạo vì dân, vì nước. Ngay lúc sinh thời, ông đã tự nhủ: “Ta hãy yên tĩnh lòng ta, giữ điều kín đáo đơn giản của ta. Khi việc làm của ta hợp với mệnh trời, thì đem cả thiên hạ bắc lên cân, cũng không cho là lớn. Ta hãy giữ gìn thân ta, đi con đường rộng rãi của ta. Khi bước đi của ta hợp với “lý”, thì dù có xéo lên đuôi hổ cũng không sao cả” (Vi chi phú) [11;93]. Ông không chỉ nêu lên tư tưởng mà còn hiện thực hóa đạo làm người theo đúng chuẩn mực nhân cách lý tưởng của Nho gia. Từ tư tưởng của ông có thể nhận thấy rằng, ở mọi thời đại, đường lối và chính sách trọng dụng nhân tài có tác động trực tiếp tới sự phát triển của mỗi quốc gia, con người vừa là sản phẩm của giáo dục vừa là chủ thể của lịch sử phát triển dân tộc. Ông được vua Quang Trung đánh giá là người tài, xem như “vừa là bề tôi, vừa là khách”, thuộc “dòng văn học Bắc Hà, thông thạo việc đời” [3;507,540],... Sự nghiệp và khí phách Ngô Thì Nhậm thì những người đương thời khó có thể đạt tới được, “tính cách của ông không thể chê trách” [4;483] và ông đã được lịch sử ghi nhận như là sự kế tục, tiếp nối và phát huy được truyền thống văn hiến mà Nguyễn Trãi đã nêu gương. Ngày nay, tầm vóc Ngô Thì Nhậm được khẳng định là một thiên tài về chính trị 70
  12. Ngô Thì Nhậm - người trí thức nho học chân chính, nhà tư tưởng lỗi lạc học, quân sự học, văn học,. . . Ông xứng đáng “mãi mãi là ngôi sao sáng trên bầu trời Việt Nam, làm vẻ vang cho giống nòi” [1;514]. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Trường Chinh, 2007. Tuyển tập (1937-1954), tập I. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội. [2] Mai Quốc Liên chủ biên và khảo luận. 2001. Ngô Thì Nhậm tác phẩm, I. Trung tâm nghiên cứu Quốc học và Nxb Văn học. [3] Nguyễn Lộc chủ biên, 1993. Tổng tập văn học Việt Nam, tập 9B (Văn học thời Tây Sơn). Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội. [4] Nguyễn Tài Thư chủ biên, 1993. Lịch sử tư tưởng Việt Nam, tập I. Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội. [5] Tạ Chí Đại Trường, 1968. Vai trò của Nguyễn Huệ trong chế độ quân chính của Tây Sơn. Tập san Sử Địa, số 9-10. Nhà sách Khai Trí bảo trợ, Sài Gòn. [6] Viện nghiên cứu Hán Nôm, 2003. Ngô Thì Nhậm toàn tập, tập I. Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội. [7] Viện nghiên cứu Hán Nôm, 2004. Ngô Thì Nhậm toàn tập, tập II. Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội. [8] Viện nghiên cứu Hán Nôm, 2005. Ngô Thì Nhậm toàn tập, tập III. Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội. [9] Viện nghiên cứu Hán Nôm, 2005. Ngô Thì Nhậm toàn tập, tập IV. Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội. [10] Viện nghiên cứu Hán Nôm, 2006. Ngô Thì Nhậm toàn tập, tập V. Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội. [11] Viện Triết học, 1972. Tư tưởng Việt Nam thế kỷ XVIII (trích tuyển tư liệu), tập II. ABSTRACT Ngo Thi Nham, a true Confucianism intellectual, an eminent thinker This article refers to historical documents and Ngo Thi Nham’s works with the aim to draw a portrait and philosophical thought, education of a true Confucianism intellectual. The author affirms that Ngo Thi Nham gave great contributions to various fields such as politics, military science, culture, philosophy, literature and education, etc. Those contributions are of great value to the development of Vietnam in XVIII century, and he deserves to be noted as one of the most typical thinkers of Vietnam. 71
nguon tai.lieu . vn