Xem mẫu

  1. NGHIÊN CỨU TÌNH HÌNH BIẾN ĐỘNG ĐẤT ĐAI Ở THỊ XÃ HƯƠNG THỦY, TỈNH THỪA THIÊN HUẾ GIAI ĐOẠN 2005 - 2012 LÊ VĂN THIỆN - HỒ THÀNH TÍN Khoa Địa lý 1. ĐẶT VẤN ĐỀ Đất đai là nguồn tài nguyên vô cùng quý giá đối với mỗi quốc gia nói chung và đối với mỗi địa phương nói riêng. Hiện nay, gia tăng dân số đang gây ra sức ép đối với việc khai thác và sử dụng đất đai. Năm 2010, chính phủ ban hành nghị quyết 08/NQ-CP thành lập thị xã Hương Thủy thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế trên cơ sở toàn bộ huyện Hương Thủy, đồng thời thành lập các phường thuộc thị xã Hương Thủy. Do đó, trên địa bàn thị xã Hương Thủy đã có sự biến động lớn về cơ cấu sử dụng đất. Vì vậy, “Nghiên cứu tình hình biến động đất đai ở thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2005 - 2012” là vấn đề có ý nghĩa khoa học và thực tiễn to lớn. 2. KHÁI QUÁT ĐẶC ĐIỂM TỰ NHIÊN VÀ KINH TẾ XÃ HỘI THỊ XÃ HƯƠNG THỦY ẢNH HƯỞNG ĐẾN TÌNH HÌNH BIẾN ĐỘNG ĐẤT ĐAI 2.1. Đặc điểm tự nhiên a. Vị trí địa lý Lãnh thổ Hương Thủy được xác định ở hệ thống tọa độ địa lý từ 16°08’ đến 16°30’ vĩ độ Bắc và 107°30’ đến 107°45’ kinh độ Đông, với tổng diện tích tự nhiên là 45.602 ha và dân số 100.054 người (2012). Thị xã Hương Thủy có địa giới hành chính như sau: phía Đông giáp huyện Phú Lộc, phía Tây giáp thị xã Hương Trà và huyện A Lưới, phía Nam giáp huyện Nam Đông, phía Bắc giáp thành phố Huế và huyện Phú Vang. Trung tâm thị xã cách thành phố khoảng 12 km theo tuyến Quốc lộ 1A, là cửa ngõ phía Đông Nam và là cầu nối hai trung tâm kinh tế lớn của miền Trung, có những điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH). b. Địa chất Lãnh thổ Hương Thủy có các thành tạo trầm tích và các trầm tích nguồn núi lửa khá phong phú, có tuổi từ Neoproterozoi đến Kainozoi. Thành tạo xâm nhập gồm 2 phức hệ là phức hệ Đại Lộc và phức hệ Hải Vân. Kết quả nghiên cứu cho thấy, thị xã Hương Thủy có các loại đá sau: Đá cát kết phân bố tập trung ở các phường, xã: Thủy Lương, Thủy Tân; Đá sét kết phân bố chủ yếu là vùng gò đồi phía Tây trên phạm vi rộng ở: Dương Hòa, Phú Sơn, Thủy Bằng; Đá granit phân bố chủ yếu ở xã Dương Hòa; Sản phẩm bồi tụ: Gồm phù sa cũ, phù sa mới có nguồn gốc do sông suối, dòng chảy mặt bồi đắp và phân bố rộng rãi trên các phường, xã: Thủy Vân, Thủy Thanh, Thủy Tân, Thủy Châu. c. Địa hình Qua khảo sát nhận thấy địa hình Hương Thủy có bề rộng dọc theo quốc lộ 1A từ thành phố Huế đến huyện Phú Lộc và trải dọc theo hướng Bắc - Nam từ huyện A Lưới, Nam Kỷ yếu Hội nghị Khoa học Sinh viên năm học 2013-2014 Trường Đại học Sư phạm – Đại học Huế, tháng 12/2013, tr: 243-251
  2. 244 LÊ VĂN THIỆN – HỒ THÀNH TÍN Đông xuống huyện Phú Vang. Địa hình thấp dần từ Tây sang Đông, phần phía Tây của thị xã là núi, tiếp đến là các đồi tiếp giáp với vùng đồng bằng. Căn cứ vào đặc điểm địa hình, có thể chia lãnh thổ nghiên cứu thành 2 nhóm dạng hình thái sau: - Nhóm các dạng địa hình đồi núi thấp: Chiếm phần lớn diện tích đất tự nhiên của thị xã (khoảng 76,33%), nằm về phía Tây Nam quốc lộ 1A, bao gồm các xã: Dương Hòa, Phú Sơn và phần lớn diện tích của xã Thủy Bằng, phường Thủy Phương và Thủy Dương. Vùng này có độ cao trung bình từ 400 - 500m, địa hình ở đây có dạng lượn sóng, bị chia cắt mạnh bởi núi thấp và đồi. Đối với dạng địa hình gò đồi độ cao trung bình từ 100 - 300m, độ dốc thay đổi từ 8 - 150 và dạng địa hình núi thấp từ 300 - 700m, độ dốc trung bình 15 - 250. - Nhóm các dạng địa hình đồng bằng: Là một dải đất hẹp nằm về phía Bắc của quốc lộ 1A, bao gồm các xã Thủy Thanh, Thủy Vân, Thủy Phù, Thủy Tân, phường Thủy Lương và Thủy Châu… Với diện tích khoảng 10.825,19 ha, chiếm 23,67% diện tích tự nhiên của thị xã. Địa hình ở đây tương đối bằng phẳng, thấp dần về phía Bắc theo hướng chảy của các dòng sông, độ cao trung bình 2 - 5 m, độ dốc phổ biến từ 0 - 30. Do đó thường bị ngập lụt vào mùa mưa lũ, nhiều nơi nước đọng thành hồ như Thủy Lương, Thủy Tân. Như vậy, các dạng địa hình ở thị xã Hương Thủy tạo điều kiện chi sự hình thành và phân bố nhiều loại đất khác nhau. d. Khí hậu [3] - Nhiệt độ: Nhiệt độ quanh năm ở mức cao, trung bình là 25,3°C. Nhiệt độ cao nhất vào tháng VII khoảng 29,6°C, có khi lên tới 40°C. Nhiệt độ thấp nhất (tháng I) trung bình 19,9°C, có ngày xuống 8,8°C. Dao động nhiệt độ trong năm không lớn khoảng 10°C. Chế độ nhiệt ở đây phân hóa rõ nét theo mùa: Mùa khô từ tháng III đến tháng VIII, chịu ảnh hưởng của gió Tây Nam nên khô nóng, nhiệt độ cao; Mùa mưa từ tháng IX đến tháng II năm sau, chịu ảnh hưởng của gió mùa Đông Bắc nên mưa nhiều, trời lạnh. - Độ ẩm: Vùng nghiên cứu nhìn chung có độ ẩm cao, độ ẩm trung bình năm đạt từ 84 - 87%. Biến trình năm của độ ẩm tương đối của không khí ngược với biến trình năm của nhiệt độ không khí và phân thành hai mùa rõ rệt: Thời kỳ có độ ẩm thấp kéo dài 5 tháng từ tháng IV - VIII, cực tiểu vào tháng 7 là 73%. - Lượng mưa: Hương Thủy có lượng mưa trung bình đạt 2.844 mm/năm (thấp nhất là 1820 mm, cao nhất là 4.319 mm). Ở vùng nghiên cứu mùa mưa bắt đầu từ tháng IX kết thúc vào tháng XII, kéo dài 4 tháng, chiếm trên 60% lượng mưa cả năm, thường gây ra lũ lụt. Mùa ít mưa từ tháng I đến tháng VIII, trong đó 3 tháng II, III, IV mưa ít nhất. Bảng 1. Nhiệt độ, độ ẩm và lượng mưa trung bình các tháng và năm Tháng I II III IV V VI VII VIII IX X XI XII Năm Nhiệt độ (0C) 19,9 21,8 23,7 25,5 28,2 29,3 29,6 28,4 27,1 25,7 22,6 21,3 25,3 Độ ẩm (%) 90 89 87 84 81 76 73 85 88 91 92 93 85,8 Lượng mưa 95 53 32 50 112 116 69 117 386 740 529 276 2637 Biến trình lượng mưa năm ở vùng nghiên cứu có 2 cực đại và 2 cực tiểu. Cực đại lớn xảy ra vào tháng X và có trị số từ 740 đến 1.100 mm. Cực đại nhỏ xảy ra vào tháng V
  3. NGHIÊN CỨU TÌNH HÌNH BIẾN ĐỘNG ĐẤT ĐAI Ở THỊ XÃ HƯƠNG THỦY... 245 hoặc tháng VI với trị số từ 125 đến 250 mm. Mặc dù đỉnh của các cực đại nhỏ thấp hơn nhiều so với đỉnh của cực đại lớn nhưng sự tồn tại của cực đại nhỏ này (thường gọi là mưa tiểu mãn) không thể phủ nhận được. Tuy nhiên không phải năm nào cũng có mưa tiểu mãn. Xác suất xảy ra mưa tiểu mãn khoảng 50%. - Khả năng bốc hơi: Tổng lượng bốc hơi bình quân hàng năm ở vùng nghiên cứu dao động trong khoảng 1.000 - 1.100 mm, chiếm 47% tổng lượng mưa. Biến trình năm của khả năng bốc hơi ngược với biến trình năm của lượng mưa. Thời kỳ mưa ít lại là thời kỳ lượng bốc hơi cao nhất và ngược lại. Ngoài ra, hàng năm trên địa bàn thị xã Hương Thủy hay xảy ra các hiện tượng thời tiết bất thường như bão và áp thấp nhiệt đới, gió Tây khô nóng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và sinh hoạt của người dân. e. Thủy văn Chế độ thủy văn của thị xã chịu ảnh hưởng của các sông: Tả Trạch, Lợi Nông, Như Ý… và các hồ chứa nước lớn trên địa bàn thị xã (hồ Tả Trạch, hồ Châu Sơn, hồ Phú Bài 2) tạo ra một nguồn nước mặt khá phong phú. Sông, suối ở khu vực nghiên cứu có đặc điểm là ngắn, dốc, lắm thác ghềnh, cửa sông hẹp. Mùa lũ dài 3 tháng nhưng lượng dòng chảy chiếm tới 65% lượng dòng chảy năm. Tháng có lượng dòng chảy lớn nhất thường rơi vào tháng X hoặc tháng XI, chiếm khoảng 30% lượng dòng chảy năm. Mùa cạn kéo dài 9 tháng nhưng chỉ chiếm khoảng 35 - 40% lượng dòng chảy năm. Các tháng ít mưa nhất là tháng II, III, IV chiếm 2 - 3% lượng dòng chảy năm. Hằng năm vào tháng V hoặc VI có lũ tiểu mãn. f. Thảm thực vật [2] Thảm thực vật của Hương Thủy đều nằm trong vành đai thảm thực vật nhiệt đới, với sinh khí hậu nhiệt đới - ưa ẩm, gồm hai nhóm lớn: thảm thực vật tự nhiên và thảm thực trồng và một số diện tích không có lớp phủ. Thảm thực vật tự nhiên có rừng kín cây lá rộng thường xanh, phân bố trên độ cao địa hình trên 300 - 400 m, phần lớn đã bị tác động của con người; trảng cỏ, trảng cây bụi thứ sinh cũng có một diện tích tương đối lớn trên vùng đồi núi. Thảm thực vật trồng chủ yếu là lúa nước trên đồng bằng, hoa màu nương rẫy phân bố ở đồng bằng và vùng đồi. Rừng trồng chiếm một diện tích lớn trên vùng đồi núi thấp. 3. ĐẶC ĐIỂM KINH TẾ - XÃ HỘI [1] - Dân cư và lao động + Dân cư Theo số liệu thống kê năm 2012, dân số của thị xã Hương Thủy là 100.054 người, tỷ lệ gia tăng tự nhiên vẫn ở mức cao (1,5%). Dân số sống ở thành thị là 52.706 người, chiếm 52, 7% tổng số dân toàn thị xã. Mật độ dân số đạt 219 người/km2 nhưng phân bố không đồng đều. Dân số chủ yếu tập trung ở các phường, xã có địa hình thấp, gần các tuyến đường giao thông chính như Thủy Vân 1.331 người/km2, Thủy Thanh 993
  4. 246 LÊ VĂN THIỆN – HỒ THÀNH TÍN người/km2…, còn các xã nằm ở khu vực núi thấp thì dân cư thưa thớt như Dương Hòa 7 người/km2, Phú Sơn 46 người/km2. + Lao động Năm 2012, số lao động của thị xã Hương Thủy là 51.160 người, chiếm 51,1% số dân, trong đó 17.195 người lao động trong ngành nông - lâm - thủy sản còn lại là hoạt động trong ngành nghề phi nông nghiệp. Nguồn lao động của thị xã khá dồi dào nhưng trình độ còn hạn chế. Đặc biệt, trong sản xuất nông nghiệp do tính thời vụ nên vẫn còn tình trạng thiếu việc làm, năng suất lao động còn thấp. Do đó, yêu cầu đặt ra đối với Hương Thủy là cần phải đẩy mạnh các hoạt động kinh tế, đa dạng hóa các ngành nghề nhằm tạo ra nhiều việc làm hơn, tận dụng thời gian nông nhàn của người dân từ đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế. - Giáo dục - y tế: Toàn thị xã có 3 trường trung học phổ thông, 9 trường trung học cơ sở, 17 trường tiểu học, 2 trường Tiểu học và Trung học cơ sở và 16 trường mẫu giáo; 1 bệnh viện trung tâm, 12 trạm y tế phường, xã với 140 giường bệnh, 213 cán bộ y, bác sỹ. Trong những năm qua, đầu tư cho giáo dục - y tế rất được quan tâm, mạng lưới trường lớp, cơ sở khám chữa bệnh được nâng cấp, xây dựng mới đã đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của người dân. - Cơ sở hạ tầng: Hệ thống giao thông, thủy lợi, điện của thị xã không ngừng được đầu tư, nâng cấp và xây dựng mới nhằm phục vụ tốt nhất cho hoạt động sản xuất và sinh hoạt của người dân. Hương Thủy có hệ thống giao thông khá thuận lợi cả đường bộ, đường thủy, đường sắt và hàng không. Chạy dọc theo thị xã có 17 km quốc lộ 1A và đường sắt Bắc - Nam đi qua. Ngang qua thị xã còn có đường quốc lộ 49 nối vùng biển và vùng đồi núi. Trên địa bàn thị xã còn có 7 tuyến đường tỉnh lộ chủ yếu là đương cấp phối. Ngoài ra, các tuyến đường liên huyện, liên thôn, liên xã đều được đầu tư mở rộng. Hệ thống kênh mương có tổng chiều dài 187,3 km (hiện đã bê tông hóa được 37 km), trong đó có 65 km kênh cấp I, chiếm 36,6%; 118,7 km kênh cấp II, chiếm 63,4 %; 7 đập dâng nước, trên 45 cống dẫn nước và hàng chục km đê, bờ bao. Toàn thị xã có 4 hồ chứa nước lớn với dung tích 500.000 m3 trở lên và 36 trạm bơm tưới tiêu cho khoảng 80% diện tích trồng lúa. Tất cả 12 xã, phường đều có điện lưới phục vụ sản xuất và sinh hoạt đồng thời xây dựng hoàn thiện hệ thống chiếu sáng công cộng trên quốc lộ 1A từ thị trấn Phú Bài đến thành phố Huế. - Thực trạng phát triển các ngành kinh tế chủ yếu của thị xã [4] Nông nghiệp: Tình hình sản xuất nông nghiệp của thị xã trong những năm qua đã có những bước phát triển đáng kể. Giá trị sản xuất hàng năm tăng bình quân 4,42%, tỷ trọng sản xuất nông nghiệp năm 2009 đạt 29,1% so với tổng giá trị sản xuất trên địa bàn thị xã. Lâm nghiệp: Trồng mới được 420 ha rừng và 145.000 cây phân tán. Công tác bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng được chú trọng hơn; trong năm xảy ra 59 vụ vi phạm lâm luật (giảm 14 vụ so với năm 2008), trong đó: có 02 vụ cháy rừng với diện tích cháy là 2,928 ha và 57 vụ vi phạm khác, đã xử lý và tịch thu 50,918 m3 gỗ các loại cùng một
  5. NGHIÊN CỨU TÌNH HÌNH BIẾN ĐỘNG ĐẤT ĐAI Ở THỊ XÃ HƯƠNG THỦY... 247 số tang vật khác, bán lâm sản và xử phạt hành chính nộp ngân sách Nhà nước hơn 123,589 triệu đồng. Công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp: Công tác sản xuất trên địa bàn thị xã cơ bản được duy trì và có những mặt phát triển khá. Một số ngành nghề tiểu thủ công nghiệp truyền thống như: gò hàn, mộc, chổi đót, tăm hương… được khuyến khích, hỗ trợ để duy trì sản xuất. Thương mại - dịch vụ: Các ngành thương mại - dịch vụ tiếp tục được phát triển, góp phần tích cực vào việc phát triển kinh tế - xã hội, ổn định đời sống nhân dân, đặc biệt là về dịch vụ thương mại; nhà hàng, nhà nghỉ; vận tải; bưu chính, viễn thông… Chất lượng các loại hình dịch vụ cũng được quan tâm hơn, nhiều cơ sở kinh doanh được đầu tư nâng cấp mở rộng. Giá trị sản phẩm ngành dịch vụ (phần thị xã quản lý) đạt 160,81 tỷ đồng, tăng bình quân 12,24%. 4. TÌNH HÌNH BIẾN ĐỘNG ĐẤT ĐAI HUYỆN HƯƠNG THỦY, TỈNH THỪA THIÊN HUẾ GIAI ĐOẠN 2000 - 2012 4.1. Đặc điểm tài nguyên đất ở huyện Hương Thủy Bảng 2. Hệ thống phân loại đất huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế [2] STT Tên đất Ký hiệu Diện tích (ha) Tỷ lệ (%) 45.602,07 100 I. Nhóm đất phù sa P 3.760,19 8,20 1 Đất phù sa không được bồi P 227,70 0,50 2 Đất phù sa được bồi hàng năm Pb 2.531,29 5,52 3 Đất phù sa ngòi suối Py 1.001,2 1,18 II. Nhóm đất đỏ vàng F 38.764,55 85,0 4 Đất đỏ vàng biến đổi do trồng lúa Fl 4.271,49 9,4 5 Đất vàng đỏ trên đá sét Fs 25.463,95 55,8 6 Đất vàng nhạt trên đá cát Fq 966,00 2,11 7 Đất nâu vàng trên phù sa cổ Fp 2.603,66 5,7 8 Đất đỏ vàng trên đá granit Fa 5.459,45 11,99 III. Nhóm đất cát 36,65 0.08 9 Đất cát C 36,65 0.08 IV. Đất xói mòn trơ sỏi đá E 1.572,5 3,44 10 Đất xói mòn trơ sỏi đá E 1.572,5 3,44 Sông suối, ao hồ 1.468,18 3,28
  6. 248 LÊ VĂN THIỆN – HỒ THÀNH TÍN Theo bản đồ thổ nhưỡng tỷ lệ 1:50.000 ở thị xã Hương Thủy có 4 nhóm đất với 10 loại đất chính được trình bày ở bảng 2. Trong đó, nhóm đất đỏ vàng có diện tích lớn nhất 38.764,48 ha chiếm 85%, sau đó đến nhóm đất phù sa với 3.760,19 ha chiếm 8,2%, đất xói mòn trơ sỏi đá có diện tích 1.572,25 ha chiếm 3,44%, đất cát có diện tích nhỏ nhất chỉ 36,65 ha chiếm 0,08%. 4.2. Tình hình biến động đất đai huyện Hương Thủy qua các năm 2005, 2010, 2012 Những năm trước khi Phòng Địa chính được thành lập, công tác cập nhật thông tin, thống kê đất đai, chỉnh lý biến động chưa được tiến hành thường xuyên. Hơn nữa chỉ tiếu thống kê diện tích đất có sự khác biệt, cơ chế quản lý sử dụng đất còn nhiều bất cập do đó số liệu thống kê diện tích đất đai từ năm 1995 trở về trước chưa phản ánh đúng hiện trạng sử dụng và tình hình biến động đất đai của huyện. Trong những năm gần đây, các số liệu thống kê đất đai của huyện Hương Thủy tương đối chính xác do được biên vẽ, cập nhật thường xuyên với sai sót không đáng kể. Chính vì vậy công tác nghiên cứu đánh giá hiện trạng sử dụng đất và tình hình biến động đất đai ở địa bàn nghiên cứu chính xác hơn. Từ đó các giải pháp đề xuất quy hoạch sử dụng đất hợp lý mang tính thực tiễn cao hơn. Qua nghiên cứu các báo cáo thống kê, kiểm kê diện tích đất đai, các bản đồ hiện trạng sử dụng đất các năm 2005, 2010 và 2012 kết hợp với quá trình khảo sát thực địa, chúng tôi phân tích được tình hình biến động đất ở huyện Hương Thủy thời kỳ 2005 - 2012 như sau: Bảng 3. Tình hình biến động đất đai huyện Hương Thủy qua các thời kỳ [5], [6], [7] (Đơn vị: ha) BIẾN ĐỘNG HIỆN TRẠNG SỬ DỤNG ĐẤT ĐẤT ĐAI QUA CÁC NĂM Tăng (+) Giảm (-) LOẠI HÌNH SỬ DỤNG ĐẤT 2005 - 2010 - 2005 2010 2012 2010 2012 Tổng diện tích tự nhiên 45817,49 45602,07 45602,07 -215,42 0 I. Đất nông nghiệp 29841,56 38319,61 33739,56 +8478,05 -4580,05 1. Đất sản xuất nông nghiệp 5228,49 5062,59 5014,57 -165,9 -48,02 1.1. Đất trồng cây hằng năm 4861.70 4714,48 4666,86 -147,22 -47,62 - Đất trồng lúa 3528,88 3460,96 3401,73 -67,92 -59,23 - Đất cỏ dùng vào chăn nuôi 6,60 1,90 1,90 -4,7 0 - Đất trồng cây hằng năm khác 1326,22 1251,62 1263,23 -74,6 +11,61 1.2. Đất trồng cây lâu năm 366,79 348,11 347,71 -18,68 -0,4 2. Đất lâm nghiệp 24323,80 32902,21 28370,66 +8578,41 -4531,55 2.1. Đất rừng sản xuất 13843,90 21482,10 16970,65 +7638,2 -4511,45 2.2. Đất rừng phòng hộ 9959,90 10434,51 10414,41 +474,61 -20,1 2.3. Đất rừng đặc dụng 520,00 985,60 985,60 +465,6 0 3. Đất nuôi trồng thủy sản 289,27 354,81 354,33 +65,54 -0,48
  7. NGHIÊN CỨU TÌNH HÌNH BIẾN ĐỘNG ĐẤT ĐAI Ở THỊ XÃ HƯƠNG THỦY... 249 II. Đất phi nông nghiệp 6124,52 6668,74 11409,05 +544,22 +4740,31 1. Đất ở 1525,80 1624,21 1661,31 +98,41 +37,1 1.1. Đất ở tại nông thôn 1413,49 743,09 763,55 -670,4 +20,46 1.2. Đất ở tại đô thị 112,31 881,12 897,76 +768,81 +16,64 2. Đất chuyên dùng 2966,29 3408,67 8271,16 +442,38 +4862,49 2.1. Đất trụ sở cơ quan, công 293,87 357,68 304,46 +63,81 -53,22 trình sự nghiệp 2.2. Đất quốc phòng 965,68 1001,89 1001,89 +36,21 0 2.3. Đất an ninh 2,00 2,00 7,40 0 +5,4 2.4. Đất sản xuất, kinh doanh 231,51 426,02 426,02 +194,51 0 phi nông nghiệp 2.5. Đất có mục đích công cộng 1473,23 1621,08 6531,39 +147,85 +4910,31 3. Đất tôn giáo,tín ngưỡng 70,81 71,80 71,80 +0,99 0 4. Đất nghĩa trang, nghĩa địa 564,57 548,05 588,77 -16,52 +40,72 5. Đất sông suối và mặt nước 997,05 1016,01 816,01 +18,96 -200 chuyên dùng III. Đất chưa sử dụng 9851,41 613,72 453,46 -9237,69 -160,26 1. Đất bằng chưa sử dụng 405,76 127,92 54,82 -277,84 -73,1 2. Đất đồi núi chưa sử dụng 9445,65 485,80 398,64 -8959,85 -87,16 Bảng 3 cho thấy, diện tích đất tự nhiên biến động giảm trong thời kỳ 2005 - 2010, còn thời kỳ 2010 - 2012 thì diện tích không thay đổi. Sự biến động giảm này không phải do thay đổi địa giới hành chính mà do công tác đo đạc lại để xây dựng bản đồ ngày càng chính xác hơn. * Biến động diện tích đất nông nghiệp Trong thời kỳ 2005 - 2012, diện tích đất nông nghiệp biến động tăng giảm khác nhau. Cụ thể: Thời kỳ 2005 - 2010, diện tích đất nông nghiệp tăng 8478,05 ha, nguyên nhân chủ yếu là do chính sách khai hoang mở rộng diện tích đất canh tác nên đã chuyển đổi số lượng lớn diện tích đất chưa sử dụng sang đất lâm nghiệp. Tuy nhiên, thời kỳ 2010 - 2012, diện tích đất nông nghiệp giảm (4580,05), do năm 2010, Hương Thủy được công nhận là thị xã nên diện tích đất được chuyển đổi sang đất chuyên dùng chủ yếu là đất phục vụ cho mục đích công cộng. Trong cơ cấu diện tích đất nông nghiệp thì diện tích đất sản xuất nông nghiệp liên tục giảm trong thời kỳ 2005 đến 2012 (213,92 ha) trong đó đất trồng cây hàng năm và lâu năm đều giảm, chỉ đến năm 2012, diện tích đất trồng cây hàng năm khác có tăng lên nhưng không đáng kể. Trong cơ cấu diện tích đất lâm nghiệp tăng lên 8578,41 ha giai đoạn 2005 - 2010 thì diện tích đất rừng sản xuất, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng đều tăng, tăng nhanh nhất là rừng sản xuất (7638,2 ha). Đến giai đoạn 2010 - 2012, diện tích đất lâm nghiệp giảm nhanh 4531,55 ha, trong đó diện tích rừng sản xuất giảm mạnh nhất 4511,45 ha sau đó đến diện tích rừng phòng hộ 20,1 ha còn diện tích rừng đặc dụng không giảm.
  8. 250 LÊ VĂN THIỆN – HỒ THÀNH TÍN Diện tích đất nuôi trồng thủy sản có biến động tăng giảm qua các thời kỳ khác nhau. Thời kỳ 2005-2010, diện tích tăng 65,54 ha đến 2010-2012 có giảm nhưng chỉ giảm 0,48 ha. * Biến động diện tích đất phi nông nghiệp Thời kỳ 2005 - 2012, đất phi nông nghiệp biến động tăng (5284,53 ha) đặc biệt là tăng nhanh ở thời kỳ 2010 - 2012 (4740,31 ha). Trong các loại đất phi nông nghiệp thì biến động lớn nhất là đất chuyên dùng và đất ở. Đất ở biến động tăng trong giai đoạn 2005 - 2012 (135,51 ha). Nguyên nhân chủ yếu là do sự giai tăng dân số do đó phải chuyển đổi nhiều diện tích đất chưa sử dụng và đất nông –- lâm nghiệp hiệu quả thấp thành các vùng dân cư mới. Đất chuyên dùng liên tục tăng trong thời kỳ 2005 - 2012 (5304,87 ha), 2005 - 2010 tăng 442,38 ha và tăng nhanh từ 2010 đến 2012, 4862,49 ha. Phần lớn diện tích đất chuyên dùng được mở rộng là đất dùng cho sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp và đất có mục đích công cộng. Đất trụ sở cơ quan công trình sự nghiệp biến động không đáng kể và không ổn định theo thời gian (thời kỳ 2005 - 2010, tăng 63,81 ha; thời kỳ 2010 - 2012 giảm 53,22 ha). Nguyên nhân của sự bất ổn định này là do việc thiết kế di dời các công trình sự nghiệp khi thiết lập các khu dân cư mới. Đất sản xuất kinh doanh nông nghiệp tăng 194,51 ha trong thời kỳ 2005 - 2010 và ổn định đến năm 2012. Nguyên nhân là do mở rộng các cơ sở công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ trên địa bàn toàn thị xã. Đất có mục đích công cộng chiếm diện tích lớn trong các loại đất chuyên dùng và biến động tăng liên tục, tăng 5058,16 ha trong thời kỳ 2005 - 2012 (2005 - 2010, tăng 147,85 ha; 2010 - 2012, tăng 4910,31 ha). Điều này được lý giải là do sự phát triển KT- XH kéo theo các nhau cầu về y tế, giáo dục, các trung tâm vui chơi, giải trí… gia tăng nên diện tích đất mở rộng. Đất sông suối và mặt nước chuyên dùng biến động tăng giảm khác nhau qua các thời kỳ.Thời kỳ 2005-2010, diện tích tăng không đáng kể nhưng đến 2010 - 2012, diện tích giảm 200 ha. Nguyên nhân là do nhiều diện tích mặt nước bị san lấp để lấy đất xây dựng các công trình phục vụ cho dân cư. * Biến động đất chưa sử dụng Diện tích đất chưa sử dụng liên tục giảm qua các thời kỳ, 2005 - 2010 giảm mạnh nhất với 9237,69 ha, 2010 - 2012 giảm 160,26 ha trong đó diện tích đất đồi núi chưa sử dụng giảm nhiều nhất (9047,01 ha). Điều này chứng tỏ thị xã Hương Thủy cũng như tỉnh Thừa Thiên Huế đã thực hiện nhiều chính sách để đưa diện tích đất chưa sử dụng vào sản xuất cũng như phục vụ mục đích xây dựng. Đặc biệt là diện tích đất đồi núi chưa sử dụng được người dân khai hoang, phục hóa chuyển đổi mục đích sang phát triển nông - lâm nghiệp, phủ xanh đất trống đồi trọc qua các dự án trồng rừng như 135, 327. Như vậy, trong thời kỳ 2005 - 2012, đất đai của thị xã Hương Thủy biến động mạnh theo xu hướng tăng diện tích đất phi nông nghiệp, giảm diện tích đất nông nghiệp nhưng cố gắng duy trì diện tích đất trồng lúa ở mức ổn định và đất rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, giảm nhanh diện tích đất chưa sử dụng mà nguyên nhân chủ yếu là do chuyển đổi
  9. NGHIÊN CỨU TÌNH HÌNH BIẾN ĐỘNG ĐẤT ĐAI Ở THỊ XÃ HƯƠNG THỦY... 251 mục đích sử dụng đất, khai thác lãnh thổ phục vụ phát triển KT-XH của thị xã Hương Thủy. 5. KẾT LUẬN Các đặc điểm về tự nhiên và kinh tế - xã hội đã ảnh hưởng đến tình hình sử dụng đất đai và biến động đất đai ở Thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế. Trong thời kỳ 2005 – 2012, hiện trạng sử dụng đất ở Thị xã Hương Thủy có nhiều thay đổi. Sự thay đổi này tương đối phù hợp với tình hình phát triển KTXH của khu vực nghiên cứu. Tuy nhiên, cần có các giải pháp, chính sách đồng bộ nhằm thực hiện các quy hoạch về phát triển KTXH, sử dụng đất một cách hợp lý. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Chi cục Thống kê thị xã Hương Thủy (2013). Niên giám thống kê Thị xã Hương Thủy năm 2012, Hương Thủy. [2] Nguyễn Văn Cư (2005). Điều tra cơ bản tổng hợp có định hướng điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên các huyện tỉnh Thừa Thiên Huế (Huyện Phú Vang, huyện Phú Lộc, huyện Hương Thủy, huyện A Lưới), Báo cáo kết quả nghiên cứu đề tài Khoa học Công nghệ cấp Tỉnh, Huế. [3] Sở Khoa học Công nghệ tỉnh Thừa Thiên Huế (2004). Đặc điểm khí hậu thủy văn tỉnh Thừa Thiên Huế, NXB Thuận Hóa, Huế. [4] Trương Hùng Thắng (2009). Đánh giá tài nguyên đất đai cho mục đích phát triển nông - lâm nghiệp bền vững ở thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế, Luận văn Thạc sĩ Địa lý Tài nguyên và Môi trường, Trường Đại học Khoa học, Huế. [5] Ủy ban Nhân dân Thị xã Hương Thủy (2005). Kết quả Thống kê đất đai năm 2005, Hương Thủy. [6] Ủy ban Nhân dân Thị xã Hương Thủy (2010). Kết quả Thống kê đất đai năm 2010, Hương Thủy. [7] Ủy ban Nhân dân Thị xã Hương Thủy (2012). Kết quả Thống kê đất đai năm 2012, Hương Thủy. LÊ VĂN THIỆN HỒ THÀNH TÍN SV lớp Địa 3C, Khoa Địa lý, Trường Đại học Sư phạm – Đại học Huế ĐT: 0165 905 0154, Email: lethien0808@gmail.com
nguon tai.lieu . vn