Xem mẫu

  1. TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM, ĐẠI HỌC HUẾ | HTKH 2019 NGHI THỨC TRÌNH TẤU CHIÊNG THA CỦA NGƯỜI BRÂU NGUYỄN TIẾN DŨNG Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai Tóm tắt: Chiêng Tha là nét văn hóa độc đáo của người Brâu. Nó khác biệt với phương thức trình tấu chiêng của các dân tộc khác tại Tây Nguyên. Trình tấu chiêng Tha không đơn thuần là biểu diễn một loại nhạc cụ mà bao gồm cả việc hiến tế, sinh hoạt văn hóa, lễ hội của người Brâu. Giá trị của chiêng Tha là lưu giữ nghi thức trình tấu nguyên thủy, phản ánh được lối sống, sinh hoạt, văn hóa, tín ngưỡng của người Brâu trong quá khứ. Từ khóa: Chiêng Tha, Brâu, nghi thức, trình tấu, tín ngưỡng, hiến tế, văn hóa, lễ hội, Tây Nguyên. 1. MỞ ĐẦU Brâu hay Brao là một trong 16 dân tộc rất ít người ở Việt Nam1. Hiện nay, dân số của người Brâu có 162 hộ, gồm 568 người2, sống ở làng Đắk Mế, xã Bờ Y, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum. Người Brâu có quan hệ gắn bó mật thiết với người đồng tộc ở bên kia biên giới như Lào và Campuchia. Theo trang asiaharvest.org, người Brâu tại Campuchia có khoảng 14.000 người tập trung ở tỉnh Ratanakiri và Stung Treng và tại Lào có khoảng 13.000 người tập trung ở tỉnh Attapeu và Champasak. Ngoài ra, một số rất ít người Brâu sống ở Pháp và Mỹ3. Nhiều khi người Brâu bị nhầm lẫn với người Bru hoặc Brou, một nhóm tộc người nói tiếng Katuic Mon-Khmer được tìm thấy ở tỉnh Khammouane và Savanakhẹt của Lào, một số khu vực lân cận của Việt Nam và một số vùng Đông Bắc Thái Lan. Việc nhầm lẫn này là do một nhà nhân chủng học tên là Jacqueline Matras đánh vần sai khi ông viết về một ngôi làng Brao Tanap ở tỉnh Ratanakiri thuộc Campuchia. Người Brâu là một tộc người bán du mục. Họ du canh, du cư nhiều nơi khắp vùng bán đảo Đông Dương, nhất là khu vực tiếp giáp giữa các nước Campuchia, Lào và Việt Nam. Vì thế, họ nói được nhiều thứ tiếng của các tộc người khu vực này như tiếng Lào, Campuchia, Jrai, Ca Dong, Bahnar… Văn hóa của người Brâu rất đặc sắc. Các lễ hội truyền thống của người Brâu hết sức độc đáo như lễ ăn trâu cúng lúa mới (bra moóc), lễ ăn cơm mới (oh đơm), lễ ăn hỏi (loong krạ), lễ cưới (pri jông), hát kể (mộ mư)… Trong các lễ hội này không thể thiếu việc biểu diễn chiêng Tha, một loại chiêng rất cổ của người Brâu và có nghi thức trình tấu đặc biệt, phản ánh được lối sống, sinh hoạt, văn hóa, tín ngưỡng truyền thống lâu đời của tộc người này. 2. NỘI DUNG Việc trình tấu chiêng Tha gắn liền với nghi thức thực hành tín ngưỡng của người Brâu. Người Brâu không gọi “đánh chiêng” hoặc “chơi chiêng” mà gọi là “gọi Tha”, “mời Tha”, “Tha nói” (tha pơi) một cách cung kính. Họ không xem chiêng Tha như một nhạc cụ mà xem chiêng Tha như một vị thần trong thần phả của họ. Vì vậy, trong các lễ hội quan trọng, họ mời Tha về tham dự buổi hiến tế các thần linh. Việc trình tấu chiêng Tha không giống với cách trình diễn 1 Theo kết quả tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009 và Công văn số 1208/UBDT-DTTS ngày 30/10/2015 của Ủy ban Dân tộc. 2 Theo số liệu của UBND xã Bờ Y, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum vào thời điểm tháng 8/2018. 3 Theo tài liệu https://asiaharvest.org/wp-content/uploads/people-groups/Vietnam/Brau.pdf. 10
  2. HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA CÁC NHÀ NGHIÊN CỨU TRẺ | 11/2019 chiêng của các dân tộc khác ở Tây Nguyên. Nếu như chiêng của dân tộc Jrai, Bahnar có thể cải tiến nhiều chiếc chiêng trong một dàn chiêng hoặc trình diễn theo thang âm châu Âu thì chiêng Tha hoàn toàn không làm được điều này. Ông Thao La, một người Brâu giỏi về trình tấu chiêng Tha cho biết, ngày xưa ông bà trình tấu như thế nào thì bây giờ cũng y như vậy, không được thay đổi bất cứ chi tiết nào, nhất là nghi thức trình tấu. Đây là nét độc đáo trong việc trình tấu chiêng Tha của người Brâu. Họ còn giữ được phương thức trình tấu nguyên thủy của loại chiêng này có từ thời cổ xưa. Muốn trình tấu chiêng Tha, người ta phải làm một lễ cúng. Lễ cúng chiêng Tha gồm hai phần: Phần thứ nhất là “đón khách” (gọi là Tơ mui lơách) để mời các thần linh về tham dự và ăn uống; phần thứ hai là “cầu nguyện” (gọi là bin cruing cờ mong chóc) để cầu bình an, sức khỏe, mùa màng. 2.1. Đón khách Nghi thức “đón khách” được thực hiện trong nhà rông và ngoài đồng ruộng. Đầu tiên, họ cúng thần chiêng Tha trong nhà rông. Nghi thức bắt buộc là phải có ít nhất một con gà và một ghè rượu để làm lễ xin các vị thần được mang chiêng ra sử dụng. Ngoài ra, nếu có điều kiện, còn có thêm các món ăn khác như rau rừng, thịt nấu ống lồ ô, gỏi cá (la pa), món cá nấu ống (trấp cạ súch), cơm gói lá (o din),... Một buổi trình tấu chiêng Tha được xem như một lễ hội quan trọng của làng. Người thì lo nấu nướng các món ăn, người lo làm các nhạc cụ khác để cùng trình tấu với chiêng Tha. Nhiều lần điền dã, chúng tôi chứng kiến việc nấu nướng thức ăn bao gồm cả đàn ông và đàn bà. Một hoặc hai, ba người chế biến một món ăn. Họ làm rất cần mẫn, chu đáo và trách nhiệm như cuộc thi nấu ăn quan trọng. Việc làm các nhạc cụ khác để trình tấu cùng chiêng Tha như đinh pú, bhau (sáo thổi ngang), lôr (sáo thổi dục), bôồng bôồng (nhạc cụ dây, chi gõ), goong đinh pe play, goong đinh sơng play (nhạc cụ dây, chi gảy),… thường giao cho những đàn ông hiểu biết về âm nhạc. Việc chế tác nhạc cụ của người Brâu cũng rất đặc biệt. Họ làm từ cây lồ ô và cây bương tươi mà họ chặt trong rừng trước đó một ngày. Họ chỉ sử dụng một lần trong lễ hội rồi bỏ. Lần sau trình tấu, họ lại làm nhạc cụ mới. Bắt đầu buổi lễ, họ cắt tiết gà lấy máu bôi vào mặt trong của chiêng và khấn thần chiêng Tha. Thần chiêng Tha có nhiệm vụ mời gọi các vị thần khác về tham gia buổi hiến tế. Có thể xem thần chiêng Tha như “thiên sứ” để nối kết với thế giới thần linh, từ thần tối cao/ trời (cré)1 đến thần đất (prẹr), thần lửa (hra iu), thần sông (pô đak), thần núi (pô bôir), thần lúa (pô chẻr), thần ruộng (pô na), thần nhà (pô h’năm), thần cây cối (pô long). Sau bài cúng từ 5-7 phút, người ta bắt đầu đi rước các vị thần linh khác ở bên ngoài. Nghi thức “đón khách” tiếp tục được thực hiện ở ngoài đồng ruộng. Những người tham gia lễ cúng đi rước các thần linh khác, gồm chủ tế, trưởng làng, những người tham gia múa hát, thanh niên trai tráng. Đoàn rước đi rất xa, qua một cánh đồng rộng, cách nhà rông của làng khoảng 500m. Họ chọn đám lúa tốt nhất và lấy máu gà bôi vào cây lúa. Họ khấn mời thần lúa và các thần linh khác như thần cây, thần đồi, thần núi, thần nước về tham dự và ăn uống vật phẩm hiến tế. 1 Việc xác định thần phả trong tín ngưỡng của người Brâu đến nay vẫn chưa có tài liệu nào gọi tên thống nhất và chính xác. Trong tài liệu tiếng Anh đã dẫn (Chú thích 3) gọi thần tối cao là Pay Xay và tiếng Việt. Bài viết “Dân tộc Brâu ở Tây Nguyên” của Tô Tuấn (https://vovworld.vn/vi-VN/sac-mau-cac-dan-toc-viet-nam/dan-toc-brau-o- tay-nguyen-158386.vov) có nhắc đến thần tối cao Pa xây. Tôi cho rằng tên gọi này chưa chính xác. Người viết bài này đã điền dã rất nhiều lần và hỏi người người Brâu hiểu biết như ông Thao La, Thao Lợi, Nang San, Nang Cẩm Ly… và được biết tên của thần tối cao của người Brâu là cré. Để có một số tên các thần linh trong mục 2.2 của bài viết này, chúng tôi đã mất rất nhiều thời gian nghiên cứu tài liệu, phỏng vấn dân làng. 11
  3. TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM, ĐẠI HỌC HUẾ | HTKH 2019 2.2. Cầu nguyện Ở đồng ruộng, sau khi bôi máu gà vào cây lúa, chủ tế đọc bài cúng mời các vị thần linh về nhà rông thụ hưởng cùng dân làng. Tại nhà rông, họ mời thần chiêng Tha ăn uống và kêu gọi các vị thần khác cùng ăn uống và phù hộ cho dân làng được lúa nhiều, được sức khỏe, xua tan bệnh tật. Nội dung của bài cúng tùy thuộc vào các lễ hội và có độ dài ngắn khác nhau nhưng đại ý như sau: Cầu xin thần lúa cho lúa nở con nở cái thật nhiều, lúa trổ bông từ gốc đến ngọn, lúa chắc hạt; dân làng sức khỏe dồi dào, gia đình hạnh phúc, con cháu khỏe mạnh, không ốm đau, dân làng đoàn kết, thương yêu nhau. Trong quan niệm của người Brâu, thần lúa (pô chẻr) không phải là thần tối cao nhưng bao giờ họ cũng mời trước, vì họ xem thần lúa rất quan trọng và gần gũi họ. Thần tối cao (cré) chỉ là thần bảo hộ và ở xa nên họ mời sau. Trong thứ bậc các thần thì thần cré (trời) là thần tối cao rồi đến thần đất (prẹr). Thần lúa (pô chẻr) lớn hơn thần chiêng Tha, thần chiêng Tha lớn hơn thần nhà (pô h’năm), thần cây cối (bô long). Trong các sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của người Brâu, chúng tôi chưa thấy nghi thức cúng thần tối cao (cré) mà chỉ thấy họ thường xuyên cúng Tha. Qua đó, chúng ta thấy rằng Tha đối với người Brâu rất gắn bó và gần gũi với họ. Tiếp tục nghi thức cầu nguyện, họ mời thần núi, thần đồi, thần sông, thần cây cối và các vị thần khác về nhà rông của làng ăn uống. Mặc dù sống giữa các quốc gia đạo Phật chiếm đa số nhưng người Brâu vẫn giữ nguyên tín ngưỡng nguyên thủy. Họ theo thuyết vạn vật hữu linh, coi thiên nhiên, vạn vật đều có linh hồn. Người Brâu luôn tin tưởng và tôn thờ các lực lượng của thiên nhiên, bao gồm cả “tinh thần của bầu trời” và “tinh thần của nước”. Họ tin rằng mỗi cá nhân cũng có một thần hộ mệnh để bảo vệ họ khỏi mọi tổn hại và phù hộ cho họ trong mọi việc, mọi sự [6]. Sau khi hoàn tất nghi thức trên, người ta mới được đem chiêng Tha ra trình tấu. 2.3. Trình tấu chiêng Tha Để chuẩn bị trình tấu chiêng Tha, người ta bày thịt gà, ghè rượu, các nhạc cụ của người Brâu như đinh pú, đinh pút, đinh goong, chiêng Tha ra giữa sân nhà rông. Họ hút rượu trong ghè ra và nhổ xuống đất để mời thần đất uống trước. Việc mời thần đất uống rượu không chỉ một người mà nhiều người tham giá hiến tế đều làm như vậy. Trưởng làng và người già nhất trong làng mời thần linh trước tiên, những người tham gia hiến tế mời sau. Nghi thức này cũng cho thấy không chỉ thờ, tôn kính thần trời, thần nước mà họ còn tôn thờ thần đất. Khi điền dã tại Lào, chúng tôi cũng thấy nghi thức mời thần đất cũng tương tự như vậy. Điều này chứng tỏ rằng văn hóa của người Brâu chịu ảnh hưởng sâu sắc văn hóa của các tộc người ở khu vực bán đảo Đông Dương. Có hai người đàn ông trình tấu chiêng và 6 người phụ nữ tham gia chơi đinh pú, hát và múa phụ họa. Trong khi hát và múa, những người đàn bà uống rượu và hút thuốc lá rất nhiều. Thuốc lá được cuộn bằng những lá thuốc khô mà họ tự trồng. Trong khi hai người đàn ông lấy máu gà xoa vào mặt trong của chiêng thì những người phụ nữ chơi đinh pú. Đinh pú là nhạc cụ truyền thống của người Brâu được làm bằng 2 ống lồ ô còn tươi dài khoảng một mét, đường kính ống khoảng 3cm, hai đầu thông suốt. Họ bắt chéo hai ống lồ ô hình dấu nhân và dùng 2 bàn tay vỗ vào đầu ống lồ ô tạo ra những âm thanh vui nhộn. Tiết tấu của bài hòa tấu đinh pú càng ngày càng nhanh. Tùy theo cảm hứng của buổi trình tấu và lượng rượu họ uống mà tiết tấu của bài hòa tấu đinh pú nhanh hay chậm, kéo dài hay chỉ một thời gian ngắn. Chấm dứt màn trình diễn đinh pú là tiếng vỗ tay vỡ òa của dân làng. Tiết mục trình diễn đinh pú được xem như màn dạo đầu. Phần trung tâm là trình tấu chiêng Tha. 12
  4. HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA CÁC NHÀ NGHIÊN CỨU TRẺ | 11/2019 Chiêng Tha có hai chiếc, gồm: chiêng chồng (gong clor) và chiêng vợ (gong tri). Đó là hai chiếc chiêng bằng không có núm. Chiêng chồng có đường kính 47cm, thành cao khoảng 7cm, chiêng vợ có đường kính 53cm thành cao 6cm. Chiêng Tha được treo trên một giá cao khoảng 1.5m. Hai người đàn ông trình tấu chiêng ngồi bệt xuống đất, đối diện với nhau và dùng 2 cây gậy nhỏ bằng song mây dài khoảng 70cm, một đầu uốn cong để gõ vào giữa chiêng. Đồng thời, người trình tấu dùng hai đầu ngón chân cái tì vào thành chiêng để ngắt nhịp. Nhạc chiêng Tha không uyển chuyển, sôi động theo tiết tấu giai điệu như nhạc chiêng Jrai, Bahnar mà gồm những tiếng “long tong, long tong” kéo dài vang vọng khắp bản làng, rừng núi. Tiếng chiêng Tha vừa là tiếng nhạc đệm của bài cúng thần linh vừa giống công cụ đuổi chim trên nương rẫy thời xa xưa. Từ trước đến nay, chỉ có đàn ông trình tấu chiêng Tha, chúng tôi chưa thấy phụ nữ trình tấu loại chiêng này. Một số bài viết cho rằng người cao tuổi mới được trình tấu chiêng Tha chứ người trẻ không được. Tuy nhiên, chúng tôi thấy rằng điều này chưa đúng. Lần điền dã vào tháng 8/2018, chúng tôi chứng kiến người trình tấu chiêng Tha là ông Thao Mưu (sinh năm 1961) và anh Thao Yua (sinh năm 1975). Anh Thao Yua thuộc lớp trẻ của làng Đắk Mế và biết làm, biết chơi rất nhiều nhạc cụ của người Brâu. Bài trình tấu chiêng Tha kéo dài khoảng 15 phút. Trong khi những người đàn ông đánh chiêng thì những người phụ nữ và múa phụ họa. Họ mặc những trang phục truyền thống rất đẹp và nét mặt luôn vui tươi, rạng rỡ. Họ vừa uống rượu vừa múa rất say sưa. Việc trình tấu chiêng Tha kết thúc cũng là lúc hoàn thiện nghi thức “gọi Tha”, tức hoàn thiện một quy trình hiến tế thần linh cầu cho mưa thuận gió hòa, cầu cho cấy cối tốt tươi, mùa màng bội thu, cầu cho mọi người dồi dào sức khỏe, dân làng ấm no, hạnh phúc. Kết thúc trình tấu chiêng Tha, dân làng được thụ hưởng các vật phẩm hiến tế, uống rượu, ca hát và nói chuyện với nhau hết sức vui vẻ. 3. KẾT LUẬN 3.1. Việc trình tấu chiêng Tha không đơn thuần là biểu diễn nhạc cụ mà gắn với tín ngưỡng của người Brâu. Họ không coi chiêng là nhạc cụ mà coi đó là thần linh luôn gần gũi, gắn bó và che chở cho họ. Việc trình tấu chiêng Tha gắn liền với nghi lễ hiến tế lâu đời của người Brâu xưa. Trong đó, tục lấy máu động vật bôi vào cây lúa của người Brâu giống với tục thờ thần lúa của một số tộc người vùng Đông Nam Á. Họ “tin các thần linh được hưởng các lễ vật sẽ làm mùa màng tốt tươi và sức mạnh ma thuật (mana) có trong máu vật hiến tế sẽ thúc đẩy cho cây lúa lớn mạnh”1. Đây là cơ sở để xác định nghi thức trình tấu chiêng Tha của người Brâu có từ rất lâu đời. Giá trị độc đáo của chiêng Tha là nghi thức trình tấu. Nghi thức này chứa đựng văn hóa từ thời cổ xưa của người Brâu hoặc rộng hơn là văn hóa của cư dân Đông Nam Á. 3.2. Tuy nhiên, hiện nay, làng của người Brâu đã bị làn sóng hiện đại hóa đã len lỏi từng căn nhà, góc làng và một phần tâm hồn của người dân nên việc bảo tồn nghi thức trình tấu chiêng Tha rất khó khăn. Một số khó khăn trước mắt là: Số lượng chiêng Tha trong làng còn ít (khoảng 8 bộ), những người có chiêng Tha giữ rất kỹ nên không thể nhân rộng. Số người hiểu biết các nghi thức trình tấu chiêng Tha còn rất ít, chủ yếu là người già, thanh niên không thích học hoặc ít quan tâm vì đi học, đi làm ăn ở xa không có điều kiện tham gia lễ hội của làng. Mặc dù có Đề án hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội dân tộc ít người Brâu và Rơ Măm tỉnh Kon Tum đến năm 20252 nhưng nguồn kinh phí tổ chức hầu hết các lễ hội của dân làng Brâu vẫn là xã hội hóa nên ảnh hưởng cơ chế thị trường, khó bảo đảm được bản sắc văn hóa thuần túy. 1 Dẫn theo Đinh Gia Khánh (2003), Tác phẩm được giải thưởng Hồ Chí Minh, Nxb Khoa học xã hội, tr.1123. 2 UBND tỉnh Kon Tum ban hành Quyết định số 941b/QĐ-UBND và Quyết định số 941c/QĐ-UBND ngày 20/9/2017 về việc phê duyệt Đề án hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội dân tộc thiểu số rất ít người Brâu và Rơ Măm tỉnh Kon Tum đến năm 2025. 13
  5. TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM, ĐẠI HỌC HUẾ | HTKH 2019 Vì vậy, cần phải nghiên cứu nghi thức trình tấu chiêng Tha nói riêng, văn hóa của người Brâu nói chung sâu sắc hơn nữa và có phương án bảo tồn lâu dài, bền vững mới giữ được nét văn hóa độc đáo này. MỘT SỐ HÌNH ẢNH MINH HỌA Hai nghệ nhân nam trình tấu chiêng Tha, 6 phụ nữ múa phụ họa. Ảnh: Nguyễn Tiến Dũng Chiêng Tha, hai nghệ nhân trình tấu chiêng Tha Thao Yua, Thao Mưu và tác giả. Ảnh: Nguyễn Tiến Dũng 14
  6. HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA CÁC NHÀ NGHIÊN CỨU TRẺ | 11/2019 TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Quang Định (2017). Độc đáo lễ cúng lúa mới của người Brâu, Báo Kon Tum, ngày 30/11/2017, baokontum.com.vn/dat-nguoi-kon-tum/doc-dao-le-cung-lua-moi-cua-nguoi-brau-6188.html. [2] Đinh Gia Khánh (2003). Tác phẩm được giải thưởng Hồ Chí Minh, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội. [3] Tú Quyên, Văn Nhưng (2017). Phục dựng lễ Bra Moóc của người Brâu, Báo Kon Tum, ngày 23/10/2017, baokontum.com.vn/van-hoa-the-thao-du-lich/phuc-dung-le-bra-mooc-cua-nguoi- brau-5892.html. [4] Quang Thái (2017). “Chiêng Tha - báu vật của người Brâu ở Kon Tum, Báo ảnh Dân tộc và Miền núi, ngày 01/4/2017, http://dantocmiennui.vn/van-hoa/chieng-tha-bau-vat-cua-nguoi- brau-o-kon-tum/152422.html. [5] Đặng Nghiêm Vạn (1981). Các dân tộc tỉnh Gia Lai - Công Tum, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội. [6] Brau, https://asiaharvest.org/wp-content/uploads/people-groups/Vietnam/Brau.pdf. Title: RITUALS OF PERFORMANCE THE GONG THA OF BRAU ETHNIC Abstract: Gong Tha is a unique culture feature of Brao ethnic. It is different from the gong performance method of other ethnic groups in the Central Highland. The gong Tha performance is not merely a performance instrument, but also the sacrifice, culture activities and festivals of the Brao ethnic. The value of gong Tha is to preserve the primitive performance ritual, reflecting Brao's lifestyle, activities, culture, beliefs in the past. Keywords: Gong Tha, Brao, etiquette, performance, belief, sacrifice, culture, festival, Central Highland. 15
nguon tai.lieu . vn