Xem mẫu

NÉT ĐẶC SẮC VỀ TRÍ TUỆ TRONG NHÂN CÁCH HỒ CHÍ MINH
NGUYỄN VĂN QUANG
Trường Đại học Sư phạm - Đại học Huế
Tóm tắt: Nhân cách Hồ Chí Minh là những phẩm chất và năng lực của một
anh hùng dân tộc vĩ đại, nhà văn hóa kiệt xuất, nhà hoạt động chính trị, lãnh
tụ của Đảng Cộng sản và dân tộc Việt Nam. Một trong những biểu hiện của
đặc trưng nhân cách Hồ Chí Minh là sự uyên bác về trí tuệ, được biểu hiện
qua mẫn cảm chính trị, nhãn quan chính trị thiên tài và khả năng dự báo
thiên tài về các vấn đề liên quan đến cách mạng Việt Nam.
Từ khóa: nhân cách, Hồ Chí Minh, trí tuệ

1. ĐẶT VẤN ĐỀ
Hồ Chí Minh không chỉ là một nhà hoạt động chính trị lỗi lạc của cách mạng Việt Nam,
mà còn là một chiến sĩ cống hiến không mệt mỏi cho hòa bình, hữu nghị và hợp tác giữa
các dân tộc; một nhà tư tưởng, nhà lý luận, nhà văn hóa ghi dấu ấn trong lịch sử phát
triển nhân loại… Nhân cách Hồ Chí Minh được kết tinh từ truyền thống văn hóa - giáo
dục của gia đình, quê hương, đất nước; từ sự tác động đa chiều của điều kiện văn hóa, xã
hội, lịch sử và con người của dân tộc và thời đại; từ giáo dục của nhà trường và quá trình
tự giáo dục của bản thân, sự khổ công tu dưỡng, rèn luyện; từ tư chất, năng lực của con
người Hồ Chí Minh; từ ảnh hưởng của chủ nghĩa Mác - Lênin, của các học thuyết, tư
tưởng tiến bộ của nhân loại; từ gương sáng của các nhà hoạt động chính trị tiến bộ, nhà
văn hóa trên thế giới.
Nhân cách Hồ Chí Minh là kết quả của quá trình tự ý thức về sứ mệnh của chính mình
mà nền giáo dục, trước hết là gia đình với người cha giàu lòng yêu nước, điều kiện sống
của môi trường và xã hội xung quanh, không khí tư tưởng - chính trị đương thời ở một
xứ sở bao giờ cũng sôi sục ý chí kiên cường bất khuất. Nhân cách Hồ Chí Minh được
định hình, bồi đắp và không ngừng hoàn thiện trong cuộc đấu tranh kiên cường, bền bỉ
cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp và giải phóng con người để hướng
con người tới giá trị chân, thiện, mỹ.
Với những đặc trưng về trí tuệ, phẩm chất, năng lực và phong cách, nhân cách Hồ Chí
Minh có giá trị to lớn trong việc soi sáng con đường phát triển của dân tộc, định hướng
xây dựng con người mới và sự tu dưỡng không ngừng nghỉ của nhiều thế hệ người Việt
Nam. Nhân cách bao gồm nhiều mặt, tuy nhiên, trong bài viết này, chúng tôi tập trung
vào mặt trí tuệ của nhân cách Hồ Chí Minh.
2. TRÍ TUỆ TRONG NHÂN CÁCH HỒ CHÍ MINH
2.1. Nhân cách
Nhân cách là một chủ đề được nghiên cứu từ rất sớm ở cả phương Đông và phương
Tây. Khổng Tử quan niệm về nhân cách con người thể hiện ở Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín.
Tạp chí Khoa học và Giáo dục, Trường Đại học Sư phạm Huế
ISSN 1859-1612, Số 02(34)/2015: tr. 105-113

106

NGUYỄN VĂN QUANG

Trong đó Nhân là gốc. Ở phương Tây, B.G.Ananhiep cho rằng nhân cách là cá thể có
tính chất xã hội, là khách thể và chủ thể của từng bước tiến lịch sử. Học giả
X.L.Rubinstein coi nhân cách là ý thức và thái độ của chủ thể đối với thế giới xung
quanh, người khác và chính bản thân.
Ở Việt Nam, thuật ngữ nhân cách được luận giải theo nhiều góc độ khác nhau: (1) Nhân
cách được hiểu là con người có đức và tài hay là tính cách và năng lực hoặc là con
người có các phẩm chất: Đức, trí, thể, mỹ, lao (lao động); (2) Nhân cách được hiểu như
các phẩm chất và năng lực của con người; (3) Nhân cách được hiểu như phẩm chất của
con người mới: làm chủ, yêu nước, nhân ái, tinh thần quốc tế vô sản, tinh thần lao động;
(4) Nhân cách được hiểu như mặt đạo đức, giá trị làm người của con người… Trong
công trình Tâm lý học đại cương, Nguyễn Quang Uẩn xác định nhân cách là tổ hợp
những đặc điểm, những thuộc tính tâm lý của cá nhân, biểu hiện bản sắc và giá trị xã hội
của con người. Nhân cách là sự tổng hoà không phải các đặc điểm cá thể của con người
mà chỉ là những đặc điểm quy định con người như là một thành viên của xã hội, nói lên
bộ mặt tâm lý - xã hội, giá trị và cốt cách làm người của mỗi cá nhân. Từ điển tiếng Việt
ghi rõ nhân cách là “tư cách và phẩm chất con người” và “phẩm chất” đó được Hồ Chí
Minh nêu rõ là các “tư cách của người cách mạng với 23 điều ngắn gọn, thuộc về ba
cách ứng xử của người cách mạng với: chính bản thân, với người khác và với công việc.
Từ sự luận dẫn các quan niệm, quan điểm nêu trên, có thể khẳng định: Nhân cách là hệ
thống những phẩm giá của một người được hình thành và phát triển trong tương tác
giữa con người với xã hội, nó đặc trưng cho mỗi con người, thể hiện những phẩm chất
bên trong con người nhưng lại mang tính xã hội sâu sắc.
2.2. Nhân cách Hồ Chí Minh
Dưới góc độ tâm lý học, “Nhân cách của Hồ Chí Minh không tách rời quá trình hình sự
tự ý thức, ý thức về sứ mệnh của chính mình mà nền giáo dục, trước hết là ở gia đình
với người cha giàu lòng yêu nước, điều kiện sống của môi trường và xã hội xung quanh,
không khí tư tưởng - chính trị đương thời ở một xứ sở bao giờ cũng sôi sục ý chí kiên
cường bất khuất” [7, tr. 8]. Theo cách tiếp cận này, nhân cách Hồ Chí Minh có thể hiểu
là “sự tự ý thức về bản thân mình đối với cuộc sống do những tác động đa chiều của
thực tiễn xã hội”. Nhà nghiên cứu Mạch Quang Thắng khái quát Nhân cách Hồ Chí
Minh là: “chuẩn mực giá trị của dân tộc Việt Nam và thời đại Hồ Chí Minh”. Nhà văn
học Đức Eđuard Claudius (1911-1976) cho rằng nhân cách Hồ Chí Minh là sự thống
nhất giữa tư tưởng và hành động, sự thống nhất giữa hoạt động và nhân cách chính trị
với thái độ rất giản dị, khiêm tốn, nhân hậu.
Xét về nội dung, nhân cách Hồ Chí Minh được biểu hiện qua các biểu hiện như: Ưu tiên
đạo đức; Tận tụy quên mình; Kiên trì, bất khuất; Khiêm tốn, giản dị; Hài hòa, kết hợp;
Thương, quý người, nâng đỡ con người, thấu tình đạt lý; Yêu thiên nhiên, hòa hợp với
thiên nhiên. Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng khi viết về nhân cách Hồ Chí Minh đã nêu
lên một nội dung quan trọng - một thuật ngữ khoa học là “chất Người” trong nhân cách
Hồ Chí Minh. Theo Phạm Minh Hạc, nhân cách Hồ Chí Minh chính là 23 giá trị nhân

MỘT VÀI NÉT ĐẶC SẮC CỦA NHÂN CÁCH HỒ CHÍ MINH...

107

cách đúc kết trong những thành tố tiểu cấu trúc nhân cách bao gồm: “Tâm, tài, lực”…
về sau khái quát thành lý thuyết “cấu trúc vĩ mô của nhân cách bao gồm tài, đức”, trong
đó đức là gốc.
Từ các cách tiếp cận nhân cách Hồ Chí Minh nêu trên, có thể hiểu: Nhân cách Hồ Chí
Minh là những phẩm chất, năng lực, lý tưởng, ý chí kiên cường, trí tuệ sáng suốt và tầm
nhìn xa của một nhà chính trị thiên tài, có sức hấp dẫn, lôi cuốn mạnh mẽ đối với quần
chúng, được thể hiện qua phong cách, lối sống của Người. Nhân cách Hồ Chí Minh là
biểu trưng sáng ngời về phẩm chất và năng lực con người Việt Nam.
2.3. Trí tuệ trong nhân cách Hồ Chí Minh
Cho đến nay, các nhà khoa học Việt Nam và thế giới tiếp cận nhân cách Hồ Chí Minh tập
trung chủ yếu vào khía cạnh “đạo đức” - phần “phẩm chất” nhiều hơn là khía cạnh “trí
tuệ” - phần “năng lực”. Do đó, hiện nay vẫn chưa có khái niệm “nhân cách Hồ Chí Minh
về trí tuệ”, cũng như chưa xác định nội hàm “trí tuệ” trong nhân cách Hồ Chí Minh.
Hồ Chí Minh - vị lãnh tụ thiên tài của cách mạng Việt Nam, Người không chỉ sáng ngời
về phẩm chất đạo đức, phương pháp, phong cách và lối sống, mà còn là hình tượng mẫu
mực về trí tuệ uyên bác, nhãn quan sắc bén và am tường nhiều giá trị văn hóa dân tộc và
thế giới.
Từ khái niệm nhân cách (2.1) và nhân cách Hồ Chí Minh (2.2), ta có thể hiểu trí tuệ trong
nhân cách Hồ Chí Minh là những năng lực đặc biệt của Hồ Chí Minh, được thể hiện qua
sự uyên bác về trí tuệ, lối tư duy độc lập, tự chủ, sáng tạo, mẫn cảm với cái mới, khả năng
tiếp biến và thâu hóa các giá trị văn hóa, nhãn quan chính trị sắc bén và tầm nhìn chiến
lược của một thiên tài.
3. NÉT ĐẶC SẮC VỀ TRÍ TUỆ TRONG NHÂN CÁCH HỒ CHÍ MINH
Nét đặc sắc về trí tuệ trong nhân cách Hồ Chí Minh được thể hiện rất phong phú. Từ kết
quả nghiên cứu, chúng tôi khái quát những nội dung như: sự uyên bác về trí tuệ, nhãn
quan chính trị sắc bén; mẫn cảm với cái mới, khả năng thâu hóa các giá trị tinh hoa văn
hóa dân tộc và nhân loại; khả năng dự báo và nắm vững quy luật vận động của cách
mạng Việt Nam…
3.1. Trí tuệ mẫn tiệp, nhãn quan chính trị thiên tài trong việc lựa chọn con đường
cứu nước, giải phóng dân tộc
Với khả năng tư duy độc lập, linh hoạt, sáng tạo, nhãn quan chính trị thiên tài, Hồ Chí
Minh đã vượt qua “sự hạn chế” về tầm nhìn và phương pháp đấu tranh của các chí sĩ
như Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh… trong việc tìm kiếm con đường cứu nước và
giải phóng dân tộc. Người đã xác định đúng phương hướng và phương thức cứu nước,
kiên trì và dũng cảm thực hiện lý tưởng cao đẹp giành độc lập cho dân tộc, tự do, hạnh
phúc cho nhân dân.
Ở độ tuổi thanh thiếu niên, Hồ Chí Minh đã chứng kiến những làn sóng đấu tranh mạnh
mẽ của dân tộc, từ bậc vua quan trung thần, nghĩa sĩ cho đến quần chúng nhân dân đang

108

NGUYỄN VĂN QUANG

bị đọa đày đau khổ. Năm 1908, Người thấy rõ hạn chế “chưa biết tổ chức và chưa có tổ
chức” từ sự thất bại của phong trào kháng thuế của nhân dân Trung kỳ. Thất bại của các
cuộc kháng Pháp do các sĩ phu yêu nước khởi xướng, đến xu hướng cứu nước mới của
Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh… đã giúp Hồ Chí Minh thấy con đường cách mạng,
phương pháp đấu tranh của các bậc tiền bối không phù hợp với thực tiễn cách mạng
Việt Nam, ý thức hệ phong kiến và tư sản “không có khả năng vạch ra giải pháp đấu
tranh phù hợp với hoàn cảnh lịch sử và xu thế phát triển của thời đại”. Hồ Chí Minh
khâm phục họ nhưng không tán thành con đường cứu nước nào, cũng như từ chối con
đường Đông Du theo lời mời gọi của cụ Phan Bội Châu vào năm 1905, vì theo Hồ Chí
Minh, con đường cứu nước của Hoàng Hoa Thám còn nặng cốt cách phong kiến đã
không thể dẫn tới thắng lợi, con đường cầu viện Nhật Bản của Phan Bội Châu chẳng
khác gì “đuổi hổ cửa trước, rước beo cửa sau”, còn con đường cải lương của Phan Châu
Trinh chẳng khác gì “xin giặc rủ lòng thương”. Đúng như Trần Văn Giàu nhận định
“Nguyễn Tất Thành không đi Phồn Xương, tuy đó là con đường ngắn nhất. Không đi
Nhật, tuy có các bậc chú bác khuyến khích. Không đi Hoa Nam, tuy ở đó có cách mạng
Tân Hợi đang bước vào giai đoạn “cử đồ đại sự”. Trong ba đường ấy, Nguyễn Tất
Thành không chịu một con đường nào” [1, tr. 81].
Từ sự phân tích trên ta có thể thấy, Hồ Chí Minh có một “cái nhìn khác”, một nhãn quan
đầy sức phê phán trong nhận thức về kẻ thù và con đường cứu nước, giải phóng dân tộc.
Hồ Chí Minh đã mạnh dạn “khước từ” cái sai để đi tìm cái đúng, từ chối, từ bỏ cái lạc
hậu, lỗi thời để đi tìm cái tiên tiến, phù hợp với thời đại. “Đấy là sự vượt qua những lối
mòn cũ kỹ để đi tìm cho được con đường mà dân tộc cần đi. Đấy là sự khẳng định một
bản lĩnh, một khả năng suy nghĩ độc lập và sáng tạo mà lịch sử đang đòi hỏi. Đấy chính là
bước ngoặt rất quan trọng khi Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước” [2, tr. 11].
Cũng từ những năm tháng trên quê hương và sự ảnh hưởng của các giá trị văn hóa dân
chủ, tiến bộ phương Tây, đặc biệt là tư tưởng “Tự do, Bình đẳng, Bác ái” của cách
mạng Pháp, cho nên và hẳn nhiên nước Pháp trở thành tâm điểm cuốn hút Hồ Chí Minh
trong hành trình tìm đường cứu nước. “Khi tôi độ 13 tuổi, lần đầu tiên tôi được nghe ba
chữ Pháp Tự do, Bình đẳng, Bác ái... Tôi rất muốn làm quen với nền văn minh Pháp,
muốn tìm xem những gì ẩn giấu đằng sau những chữ ấy” [4, tr. 461]. Đây là một sự lựa
chọn đúng đắn cả về hướng đi và cách đi so với những nhà cách mạng tiền bối, thể hiện
sự nhạy cảm và sáng tạo độc đáo trong suy nghĩ và hành động của Nguyễn Tất Thành.
Từ năm 1911 đến năm 1920, suốt hành trình gần 10 năm khảo cứu con đường cứu nước,
Hồ Chí Minh đến với chủ nghĩa Mác - Lênin thông qua bản Sơ thảo lần thứ nhất những
luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của V. I. Lênin được công bố trên báo
Nhân đạo ngày 16-17 tháng 7 năm 1920. Cùng thời gian đó, nhiều chí sĩ cách mạng
cũng được tiếp xúc với luận cương của Lênin, nhưng chỉ Hồ Chí Minh, với nhãn quan
chính trị sắc bén, tinh tường đã khẳng định “đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con
đường giải phóng chúng ta” [6, tr. 562]. Hồ Chí Minh nhận thức được rằng cái mà dân
tộc cần trước tiên không phải vũ khí, mà là cách thức đánh đuổi thực dân để cứu nước,
là cách thức làm cách mạng, hay nói đúng hơn là phải có “lý luận và phương pháp cách

MỘT VÀI NÉT ĐẶC SẮC CỦA NHÂN CÁCH HỒ CHÍ MINH...

109

mạng”. Với thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại và kết quả hoạt động thực
tiễn trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, sự nghiên cứu triệt để lý luận
mácxít đã đem lại cho Hồ Chí Minh nhận thức sâu sắc về cách mạng và con đường cách
mạng mà chưa có nhà hoạt động cách mạng nào có được - “Muốn cứu nước và giải
phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản” [6, tr. 30].
3.2. Nhạy cảm với cái mới, linh hoạt trong việc thâu hóa các giá trị văn hóa của
dân tộc và nhân loại
Một trong những nhân tố làm nên sự vĩ đại của Hồ Chí Minh là sự nhạy cảm với cái
mới, đầu óc phê phán tinh tường và linh hoạt trong việc tiếp biến các giá trị văn hóa.
Chính nhờ các nhân tố chủ quan này, Hồ Chí Minh đã hóa thân vào dân tộc và nhân
loại, làm thăng hoa chính dân tộc và thời đại mình, để lại dấu ấn không phai mờ trong
lịch sử phát triển của nhân loại.
Trước khi ra đi tìm đường cứu nước, Hồ Chí Minh được trang bị nền tri thức văn hóa
Quốc học, Hán học và sớm tiếp thu những tri thức Tây học. Suốt hành trình 30 năm tìm
đường cứu nước, Hồ Chí Minh đã có mặt ở khắp các châu lục, đi qua gần 40 nước khác
nhau trên thế giới và làm nhiều nghề để sống, để tranh đấu. Bằng con đường tự học, Hồ
Chí Minh đã khiến thế giới kinh ngạc về trí tuệ mẫn tiệp, sự uyên bác từ mọi phương
diện. Theo sách Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, Hồ Chí Minh tự
học bằng việc mượn những cuốn sách nhỏ từ những người bạn làm việc trên tàu, học
tiếng Pháp khi làm vườn cho ông chủ tàu ở Saint Adresse, vào ngày nghỉ anh học tiếng
Anh với một giáo sư người Ý. Hồ Chí Minh đã tranh thủ thời gian và học với bất kỳ
người nào, ngoài những cuộc đi xem để học, anh không thích chơi bời gì khác. Trong
bản khai lý lịch dự Đại hội lần thứ VII Quốc tế Cộng sản, Hồ Chí Minh đã khai ở mục
thứ 18, biết tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Quảng Đông, tiếng Ý và cả tiếng Đức.
Từ năm 1920, Hồ Chí Minh bắt đầu hoạt động lý luận sôi nổi. Người đã viết cuốn sách
Những người bị áp bức (Les Opprimés) bằng tiếng Pháp và nhờ Marcel Cachin đề tựa,
viết bài cho các báo Le Populaire, L’Humanité… Báo cáo của mật thám ngày
16/3/1920 còn cho biết: “Nguyễn Ái Quốc đang dịch một đoạn “L’ Esprit des Lois”
(Vạn pháp tinh lý) của Montesquieu sang quốc ngữ” và “Quốc chẳng được một Hội kín
nào giúp đỡ. Ông ta rất tự trọng, muốn là do tự mình đảm nhận việc in sách bằng tiền để
dành”. Tiếp đó, Hồ Chí Minh viết Bản án chế độ thực dân Pháp (Le Procès de la
Colonisation Francaise) được xuất bản tại Pháp năm 1925, nêu rõ tư tưởng và tinh thần
chiến đấu của dân tộc và nhân dân Việt Nam… Rõ ràng, thực tiễn cách mạng Việt Nam
lúc bấy giờ đã xuất hiện nhiều nhân sĩ, trí thức yêu nước với nhiều quan điểm, hệ tư
tưởng và đường lối cứu nước khác nhau. Tuy nhiên, trong số đó, chỉ có Nguyễn Ái
Quốc với nhận thức “tìm con đường mới” đã tiếp nhận, thâu hóa các giá trị tinh hoa của
dân tộc và thời đại. Người đã hoạt động lý luận sôi nổi để hình thành nên những quan
điểm lý luận làm nền tảng hoạt động cho cách mạng Việt Nam.
Hồ Chí Minh đã kết tinh các giá trị văn hóa Đông Tây - hai nền văn hóa lớn của nhân
loại để làm giàu trí tuệ của mình. Sự kết tinh ấy không chỉ thể hiện trong nhận thức khi

nguon tai.lieu . vn