Xem mẫu

  1. NÂNG CAO NĂNG LỰC HÀNH NGHỀ CHO SINH VIÊN NGÀNH GIÁO DỤC MẦM NON TẠI TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM - ĐẠI HỌC HUẾ ĐẶNG THỊ NGỌC PHƯỢNG Trường Đại học Sư phạm - Đại học Huế Tóm tắt: Trong đào tạo giáo viên mầm non, năng lực hành nghề là vấn đề cần được quan tâm. Nâng cao năng lực hoạt động thực hành nghề tạo điều kiện cho sinh viên mầm non tự thay đổi vị thế của mình trong cộng đồng, xã hội bằng cách biết ứng dụng những lý luận đã học, trang bị kỹ năng nghiệp vụ chăm sóc trẻ mầm non. Điều này sẽ góp phần hình thành “tay nghề” cho các giáo viên mầm non tương lai, giúp họ nhanh chóng thích ứng với nghề nghiệp, nhằm phát triển toàn diện nhân cách trẻ. Từ khoá: giáo dục mầm non, năng lực thực hành nghề, kỹ năng. 1. MỞ ĐẦU Nâng cao năng lực hành nghề là vấn đề cần đặt ra cho tất cả những người làm công việc dạy học. Trong đào tạo giáo viên mầm non, điều này càng cần được quan tâm hơn. Bởi do thực tiễn hiện nay, năng lực thực hành nghề của giáo viên mầm non chưa kịp đổi mới để phù hợp với xu thế hội nhập quốc tế của đất nước. Một số nội dung trong đào tạo thực hành nghề cho sinh viên mầm non vẫn chưa phù hợp với nhu cầu thực tiễn. Trong phạm vi nghiên cứu ở Hội thảo này, chúng tôi chỉ muốn đề cập đến năng lực hoạt động thực hành nghề của sinh viên mầm non trong bối cảnh đổi mới giáo dục và đào tạo hiện nay. 2. NÂNG CAO NĂNG LỰC THỰC HÀNH NGHỀ CHO SINH VIÊN NGÀNH GIÁO DỤC MẦM NON 2.1. Năng lực thực hành nghề của giáo viên mầm non Nói đến năng lực là nói đến cái tài. Xuất phát từ yêu cầu đổi mới giáo dục mầm non (GDMN) trong bối cảnh đổi mới giáo dục và đào tạo hiện nay, theo chúng tôi, giáo viên mầm non cần có những năng lực cơ bản làm nền tảng để phát triển. Khi bàn về năng lực của giáo viên mầm non trong bối cảnh hội nhập, tác giả Lương Thị Nhung cho rằng: “Giáo viên mầm non phải có những phẩm chất và năng lực ở một mức độ cao hơn của quá trình hoạt động và sáng tạo. Điều này thể hiện ở khả năng thích ứng, giải quyết, điều khiển các hành vi, các quá trình theo đúng chuẩn các hệ thống giá trị” [2; tr.97]. Điều này khẳng định năng lực cần đáp ứng của giáo viên mầm non trong thời kỳ hội nhập. Xuất phát từ đặc thù lao động sư phạm, yêu cầu về năng lực thưc hành nghề của giáo viên mầm non rất phong phú và đa dạng. Có thể tổng hợp thành 4 nhóm năng lực: năng lực hành động, năng lực chủ thể hoá, năng lực xã hội hoá và năng lực giao tiếp. Mỗi nhóm năng lực được cụ thể hoá thành các năng lực thành phần. 406
  2. KỶ YẾU HỘI NGHỊ KHOA HỌC QUỐC GIA... 03/2017 Nhóm năng lực hành động bao gồm: năng lực hiểu biết chuyên môn, năng lực tổ chức, quản lí trẻ; năng lực triển khai chương trình dạy học thích hợp; năng lực sử dụng phương pháp dạy học, đánh giá hiệu quả; năng lực tự học, biết cách tự học và biết dạy cách học; năng lực sử dụng ngoại ngữ, sử dụng máy tính và các phương tiện thiết bị dạy học khác. Nhóm năng lực chủ thể hóa yêu cầu giáo viên mầm non cần có tinh thần trách nhiệm cao thể hiện ở sự quan tâm, chăm sóc, giáo dục trẻ và thường xuyên có ý thức học hỏi để không ngừng nâng cao trình độ nghiệp vụ và hoàn thiện bản thân. Nhóm năng lực này bao gồm: năng lực phát hiện và giải quyết vấn đề, cố vấn và hỗ trợ trẻ em phát triển; làm chủ được các chiến lược dạy học, giáo dục; có khả năng nắm bắt, phân tích và phản ánh thực tiễn dạy học; có khả năng làm chủ và kiến tạo tri thức khoa học; có năng lực tự kiểm tra hoạt động chăm sóc, giáo dục của mình và đồng nghiệp để rút kinh nghiệm và học tập nhằm nâng cao hiệu quả chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ mầm non; có năng lực hiểu biết tâm lý trẻ em; có năng lực hiểu biết, nắm bắt về quyền trẻ em, luật chăm sóc bảo vệ trẻ em; có năng lực tự điều chỉnh hành vi của mình; có một số năng lực sư phạm riêng biệt như múa, hát, đọc và kể diễn cảm... Nhóm năng lực xã hội hóa bao gồm: năng lực chuẩn hóa, năng lực thích ứng; năng lực tư duy sáng tạo và tư duy dự báo; năng lực tổ chức cuộc sống và các hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ một cách linh hoạt, sáng tạo; có ảnh hưởng tích cực đến cộng đồng, xã hội; có năng lực thể hiện tính linh hoạt, mềm dẻo trong cuộc sống xã hội; có khả năng vận động nhân dân, các tổ chức xã hội tham gia vào sự nghiệp giáo dục; có năng lực kết hợp việc chăm sóc, giáo dục trẻ ở gia đình và xã hội vì lợi ích sự nghiệp giáo dục mầm non. Nhóm năng lực giao tiếp bao gồm những kỹ năng ứng xử đối với mọi thành viên trong môi trường giáo dục; có năng lực trao đổi thông tin và thu nhập thông tin; có quan hệ đồng nghiệp và xã hội tích cực, có lợi cho sự hợp tác và phát triển Giáo dục - Đào tạo. Như vậy, giáo viên mầm non cần có những năng lực trên để hoàn thành sứ mệnh của mình. Kiến thức chuyên môn phải kết hợp với thực tiễn mới tạo ra những năng lực toàn diện. Ở Việt Nam những năm trở lại đây, một bộ phận giáo viên mầm non tốt nghiệp các trường trung cấp sư phạm mầm non đã học nâng cao trình độ chuyên môn trong các chương trình đào tạo ngoài chính quy ở bậc cao đẳng hoặc đại học. Đây là một cơ hội rất tốt cho giáo viên mầm non tự phản hồi giữa những kiến thức nghề nghiệp thực tiễn với những kiến thức học thuật hàn lâm. Những trải nghiệm từ thực tiễn giảng dạy được đánh giá, được soi chiếu từ những hiểu biết về lí thuyết giáo dục và dạy học để từ đó giúp người giáo viên nâng cao khả năng tự phản hồi những kinh nghiệm của mình theo những khung lí thuyết nhất định. Tuy nhiên, thực tế là đã không ít giáo viên bỏ lỡ cơ hội này, xem nhẹ việc học tập nghiêm túc trong những khóa đào tạo và mới chỉ thực hiện cơ học việc “chuẩn hóa bằng cấp” chứ chưa thực sự là chuẩn hóa năng lực hành nghề của mình. 407
  3. TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM - ĐẠI HỌC HUẾ 2017 Chương trình đào tạo giáo viên mầm non đã dành một thời lượng khá lớn để rèn luyện cho sinh viên kĩ năng sư phạm, đảm bảo cho sinh viên sau này ra trường có thể “hành nghề” một cách tự tin. Tuy nhiên, trước những đổi thay của nền kinh tế, xã hội, của sự phát triển khoa học và công nghệ, tay nghề của giáo viên mầm non hiện nay vẫn còn những bất cập so với đòi hỏi của xã hội. Do vậy, cần tạo sự chuẩn hóa ở đầu ra của quá trình đào tạo giáo viên mầm non theo hướng đào tạo họ thành những giáo viên “biết suy xét”, bởi vì, “Những giáo viên biết suy xét sẽ nhận thức được những nhân tố ảnh hưởng tới thực tiễn công việc của mình và vì vậy họ có thể cải tiến việc giảng dạy, từ đó tạo được ảnh hưởng tích cực tới hệ thống giáo dục mà họ làm việc cho nó” [Farrell, 2004]. 2.2. Biện pháp rèn luyện năng lực thực hành nghề cho sinh viên mầm non 2.2.1. Bồi dưỡng cơ sở lí luận vững chắc cho sinh viên Đào tạo sinh viên mầm non hướng tới sự hình thành ở các giáo viên mầm non tương lai những kiến thức, kỹ năng, kỹ xảo cần thiết để tổ chức và hướng dẫn các hoạt động giáo dục mang tính phát triển nhân cách trẻ trên cơ sở những kết quả nghiên cứu về việc chuẩn bị cho trẻ đến trường tiểu học. Kỹ năng tổ chức, hướng dẫn các dạng hoạt động giáo dục khác nhau cho trẻ, cách giao tiếp với trẻ, cách tác động sư phạm mang tính nhân văn, dạy các biện pháp tổ chức môi trường hoạt động phát triển cho trẻ. Cần tiến hành thực hành sư phạm thường xuyên để nâng cao kỹ năng thực hành nghề. Các tiết học thực hành kiến tập diễn ra trong các trường mầm non không chỉ bao gồm việc quan sát các hình thức tổ chức, các dạng hoạt động chăm sóc - giáo dục thường ngày và phân tích chúng mà còn có sự trao đổi giữa giảng viên trường sư phạm với giáo viên trường mầm non và các sinh viên kiến tập về việc thực hiện các nhiệm vụ giáo dục và dạy học với trẻ. Kết quả là các giáo viên mầm non tương lai bắt đầu có ý thức về việc nghiên cứu các môn học chuyên ngành. Điều này khiến sinh viên có hứng thú hơn với nội dung bài học, số lượng các câu hỏi, tranh luận về nghề nghiệp của sinh viên tăng lên. Như vậy, việc nghiên cứu các học phần về lĩnh vực GDMN sẽ mang ý nghĩa quan trọng đối với từng cá nhân người học, hình thành hứng thú bền vững đối với hoạt động nghề cho sinh viên và tạo sự chuyển biến từ những mục đích bên ngoài thành các nhu cầu bên trong ở họ. Lâu dần sẽ hình thành lòng yêu nghề, một phẩm chất rất quan trọng của người giáo viên. Hoạt động thực hành nghề phải được đánh giá trên cơ sở phân tích các thành phần của hoạt động sư phạm. Hoạt động này phải dựa trên những biểu hiện sau: - Kỹ năng phân tích những điều kiện thực hiện các hoạt động giáo dục mầm non, xây dựng môi trường hoạt động mang tính phát triển. - Kỹ năng lập kế hoạch cho hoạt động giáo dục. Sinh viên mầm non phải biết lập kế hoạch dài hạn cho các mục đích, nhiệm vụ giáo dục và giáo dưỡng; các biện pháp để đạt mục tiêu, thiết kế các hoạt động cùng với đồng nghiệp, với cha mẹ trẻ để đạt mục đích đề ra. 408
  4. KỶ YẾU HỘI NGHỊ KHOA HỌC QUỐC GIA... 03/2017 - Kỹ năng tổ chức các hoạt động giáo dục nhân cách trẻ. Cần thực hiện cá biệt hóa giáo dục trong điều kiện trẻ hoạt động cùng nhau, tổ chức trẻ trong quá trình giáo dục - dạy học, xây dựng môi trường hoạt động phát triển, nắm kỹ thuật sư phạm. - Kỹ năng giao tiếp với bạn bè, với sinh viên mầm non, với cha mẹ trẻ, thực hiện sự tác động qua lại: phát triển sáng kiến giao tiếp chung, giúp trẻ bước vào tập thể cùng các bạn đồng lứa và với người lớn, phát triển chức năng điều khiển, lập kế hoạch và giao tiếp ngôn ngữ. - Sinh viên tự đánh giá kết quả hoạt động sư phạm của mình, nắm vững kỹ năng sư phạm, đưa ra kết luận về mức độ tay nghề của bản thân. Sau khi kết thúc học lý luận, hoạt động thực hành củng cố xu hướng nghề cho cá nhân người học, tạo điều kiện để sinh viên tự rèn luyện tay nghề trong môi trường sư phạm và khẳng định mình như một chuyên gia GDMN. Những hoạt động này hình thành sự chuẩn bị nghề cho giáo viên Mầm non tương lai nhằm thực hiện chương trình GDMN, được xây dựng theo hướng tiếp cận phát triển từng nhân cách trẻ. 2.2.2. Rèn luyện năng lực thực hành nghề thông qua các môn học phương pháp Những học phần phương pháp thuộc Khối kiến thức chuyên sâu của ngành (Kiến thức bắt buộc), tính chất học phần chủ yếu là lý thuyết, chưa dành nhiều thời gian cho thực hành: - Phương pháp giáo dục thể chất cho trẻ mầm non (3 tín chỉ ); - Phương pháp cho trẻ mầm non làm quen với toán (3 tín chỉ); - Phương pháp tổ chức hoạt động khám phá môi trường xung quanh cho trẻ mầm non (3 tín chỉ); - Phương pháp phát triển ngôn ngữ cho trẻ mầm non (3 tín chỉ); - Phương pháp tổ chức hoạt động tạo hình cho trẻ mầm non (3 tín chỉ); - Phương pháp tổ chức hoạt động âm nhạc cho trẻ mầm non (3 tín chỉ); - Phương pháp cho trẻ làm quen với tác phẩm văn học (3 tín chỉ). Qua khảo sát trên, chúng ta thấy chương trình mầm non lý thuyết nhiều, thực hành còn ít nên sinh viên chưa có đủ kỹ năng để nuôi dạy trẻ, đáp ứng xu thế phát triển của xã hội hiện đại. Số tín chỉ dành để cho sinh viên rèn luyện và làm quen với nghề đang còn ít so với lý thuyết đã được học trong 4 năm (17 tín chỉ/135 tín chỉ). Vì vậy, giảng viên cần phải linh động và sáng tạo trong các giờ dạy phương pháp để nâng cao năng lực thực hành nghề cho sinh viên. 2.2.3. Rèn luyện năng lực thực hành nghề thông qua các hoạt động rèn luyện NVSP Trong chương trình chính quy đào tạo cử nhân hệ đại học chuyên ngành Giáo dục Mầm non, khung chương trình đã xây dựng 135 tín chỉ cho hệ đào tạo 4 năm. Cụ thể: 409
  5. TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM - ĐẠI HỌC HUẾ 2017 - Rèn luyện nghiệp vụ sư phạm thường xuyên ở học kỳ 2,3,4 với số tín chỉ: 06. - Thực hành dạy học tại trường Sư phạm thực hiện ở học kỳ 5,6 với số tín chỉ: 04. - Kiến tập sư phạm thực hiện ở học kỳ 5 với số tín chỉ: 02. - Thực tập sư phạm thực hiện ở học kỳ 8 với số tín chỉ: 05. Hoạt động rèn luyện nghiệp vụ sư phạm thường xuyên (RLNVSPTX) hướng tới việc rèn luyện cho sinh viên các năng lực sư phạm cần thiết cho người giáo viên tương lai. Vì thế, hoạt động RLNVSPTX được coi là một khâu quan trọng trong quy trình đào tạo giáo viên nói chung và giáo viên mầm non nói riêng. Gắn lý thuyết với thực hành, đưa lý luận vào áp dụng trong thực tiễn công tác chăm sóc - giáo dục trẻ mầm non và góp phần tăng cường mối quan hệ giữa trường đại học và các trường Mầm non. Hoạt động RLNVSP mang tính chất thường xuyên nên nó trở thành điều kiện quan trọng và thuận lợi để rèn luyện kĩ năng sư phạm cho sinh viên, là cầu nối giữa lí luận đào tạo giáo viên mầm non với thực tiễn GDMN. Trong các hoạt động RLNVSP, sinh viên có điều kiện bộc lộ năng lực thực tiễn của mình và được thực tiễn kiểm nghiệm, đánh giá. Hơn nữa, do kết quả RLNVSP được đánh giá bằng “người thực, việc thực” nên hoạt động này có một ý nghĩa quan trọng trong việc hình thành phẩm chất và năng lực nghề nghiệp cho năng lực thực hành nghề và là “đòn bẩy” chất lượng đào tạo giáo viên mầm non có trình độ đại học, góp phần thực hiện nhiệm vụ đào tạo đội ngũ giáo viên mầm non có chất lượng cao, đáp ứng những yêu cầu của đổi mới GDMN. 2.2.4. Rèn luyện năng lực thực hành nghề thông qua kiến tập, thực tập sư phạm Năng lực thực hành nghề cho sinh viên không chỉ dừng lại ở việc bồi dưỡng cơ sở lí luận, được củng cố qua các môn học phương pháp, được rèn luyện thông qua các hoạt động rèn luyện NVSP mà còn được trải nghiệm qua kiến tập, thực tập sư phạm. Nội dung kiến tập sư phạm (3 tuần) dành cho sinh viên năm thứ 3 bao gồm: nghe báo cáo, tìm hiểu cơ cấu tổ chức của trường mầm non, chức năng của các thành viên tham gia hoạt động chăm sóc - giáo dục trẻ ở trường mầm non; quan sát chế độ sinh hoạt ngày của trẻ ở trường mầm non và tổ chức rút kinh nghiệm. Bước đầu phối hợp với giáo viên mầm non tổ chức các hoạt động chăm sóc - giáo dục trẻ ở trường Mầm non. Nội dung thực tập sư phạm (6 tuần) dành cho sinh viên năm thứ 4 đi sâu củng cố những hiểu biết về tình hình giáo dục, cơ cấu tổ chức của một trường mầm non, chức năng, nhiệm vụ của giáo viên đứng lớp qua thâm nhập thực tế nhà trường. Sinh viên thực tập giảng dạy: tổ chức 2 hoạt động học có chủ đích cho trẻ mẫu giáo về các lĩnh vực giáo dục mà sinh viên đã được học lí thuyết và thực tập làm công tác chủ nhiệm lớp. Trong thời gian thực tập, mỗi sinh viên bước đầu cùng giáo viên trong lớp thực tập luyện tập thực hiện các công việc như: tổ chức chế độ sinh hoạt ngày ở lớp nhà trẻ và lớp mẫu giáo, tổ chức hoạt động ngoài trời cho trẻ mẫu giáo, tổ chức buổi lễ hội với trẻ trong lớp. 410
  6. KỶ YẾU HỘI NGHỊ KHOA HỌC QUỐC GIA... 03/2017 Quy trình này cần đảm bảo sự thống nhất với các tri thức về lí luận GDMN và phương pháp tổ chức các hoạt động giáo dục chuyên biệt cho trẻ. Sinh viên cần nắm được các tri thức này trước khi tiến hành thực tập tổ chức các hoạt động chăm sóc - giáo dục trẻ. Ngoài những kiến thức về tâm lý trẻ lứa tuổi mầm non, sinh viên mầm non cần có kỹ năng ứng xử tương ứng. Sinh viên mầm non muốn thành công phải là người am hiểu về tâm lý trẻ lứa tuổi từ 0 đến 6. Tuy nhiên, không phải cứ được trang bị kiến thức là có thể vận dụng tốt vào thực tiễn. Do vậy, việc nắm bắt được tâm lý trẻ và hình thành được hệ thống kỹ năng ứng xử tương ứng với những đặc điểm tâm lý đó là một yêu cầu rất quan trọng, có như vậy cô giáo mới có biện pháp tác động phù hợp. Tâm lý trẻ ấu nhi (12-36 tháng) khác so với tâm lý trẻ mẫu giáo (3-6 tuổi), thậm chí trong cùng một nhóm tuổi thì tâm lý trẻ hiếu động khác với tâm lý trẻ rụt rè, nhút nhát. Nếu cô giáo không hiểu điều này, không có cách ứng xử phù hợp sẽ dẫn đến sự giáo dục rập khuôn, cháu nào cũng như cháu nào. Đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, tâm lý trẻ cũng nhiều biến đổi do tác động từ các yếu tố khách quan (gia đình, xã hội). Do vậy, người giáo viên mầm non phải càng nắm vững những điều này để có sự điều chỉnh cách thức, nội dung chăm sóc, giáo dục trẻ cho phù hợp. Kỹ năng khéo léo ứng xử sư phạm rất cần thiết đối với giáo viên mầm non. Đối với những người hoạt động trong ngành sư phạm thì năng lực ứng xử sư phạm là một năng lực không thể thiếu. Trong quá trình chăm sóc, giáo dục trẻ, giáo viên mầm non thường xuyên phải đối mặt với rất nhiều tình huống khác nhau - những tình huống có thể chỉ xuất hiện ở các lớp học mầm non, chỉ xảy ra ở trẻ mầm non. Đơn giản nhất là việc trẻ mách cô về việc các bạn tranh giành đồ chơi, giẫm lên chân, bấu vào tay, giật tóc... cho đến việc hướng dẫn trẻ vui chơi, học tập nhưng trẻ không thực hiện theo như cô hướng dẫn tô mặt trời màu màu vàng trẻ lại tô màu đỏ, màu xanh hoặc việc trẻ nghịch ngợm, phá hỏng đồ chơi trong lớp... Vậy trước những tình huống đó cô sẽ phải xử sự như thế nào để vừa thỏa mãn trẻ, khiến trẻ cảm nhận được sự công bằng của cô lại vừa khiến trẻ hành động theo sự định hướng của cô? Thực tế gần đây cho chúng ta thấy có rất nhiều câu chuyện đáng tiếc xảy ra ở một số giáo viên mầm non thể hiện xung quanh việc ứng xử với trẻ. Họ có thể vững vàng về chuyên môn nhưng chỉ vì không có năng lực khéo léo ứng xử sư phạm nên đã gây nên những hậu quả không mong đợi, khiến dư luận xã hội nhức nhối, quan tâm. Mỗi đứa trẻ là một con người riêng biệt, thế giới tâm hồn của chúng vô cùng phong phú, chứa đựng rất nhiều điều thú vị. Nếu sinh viên mầm non không có năng lực khéo léo ứng xử sư phạm thì sẽ khó nếu không muốn nói là không thể mở cánh cửa của thế giới tâm hồn chúng và những tác động giáo dục đối với trẻ theo đó khó phát huy được tác dụng, khó đưa lại hiệu quả giáo dục cao. Thời đại hiện nay đòi hỏi con người năng động sáng tạo. Để tạo ra lớp trẻ có khả năng sáng tạo thì bản thân sinh viên mầm non phải nhận thức được tầm quan trọng của 411
  7. TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM - ĐẠI HỌC HUẾ 2017 năng lực sáng tạo, phải nỗ lực sáng tạo trong hoạt động thực hành nghề để chăm sóc và giáo dục trẻ em. Vì vậy, đào tạo những sinh viên mầm non có năng lực cao trong hoạt động thực hành nghề là đòi hỏi rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay. 3. KẾT LUẬN Nâng cao năng lực hoạt động thực hành nghề đáp ứng nhu cầu cho sinh viên mầm non, tạo điều kiện để họ có thể tự thay đổi vị thế của mình trong cộng đồng, xã hội bằng cách biết ứng dụng những lý luận đã học, trang bị kỹ năng nghiệp vụ chăm sóc trẻ mầm non. Việc đào tạo giáo viên Mầm non có trình độ đại học cần chú ý nâng cao chất lượng, nhất là chất lượng thực hành nghề. Vì vậy, sinh viên mầm non không chỉ được trang bị những kiến thức về lý luận mà cần chú trọng những kỹ năng trong hoạt động thực hành nghề. Điều này sẽ góp phần hình thành “tay nghề” cho các giáo viên mầm non tương lai, giúp họ nhanh chóng thích ứng với nghề nghiệp và thực hiện hiệu quả chương trình GDMN nhằm phát triển toàn diện nhân cách trẻ. Trên đây là một số suy nghĩ về năng lực của người giáo viên mầm non trong thời kỳ hội nhập quốc tế hiện nay. Trước những đòi hỏi mang tính thách thức và chính đáng, mỗi sinh viên mầm non cần tự trang bị cho mình những kiến thức, những năng lực hoạt động thực hành nghề để việc dạy học cho trẻ đạt hiệu quả, để bản thân mỗi giáo viên mầm non phải là người đầu tiên nhận thức được trách nhiệm, sứ mệnh của mình trong bậc học đầu tiên của nền giáo dục quốc dân, tạo nên những cây non có sức sống tốt, những thế hệ tương lai vững mạnh. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Bộ Giáo dục và Đào tạo (2009), Chương trình Giáo dục Mầm non, Hà Nội. [2] Lương Thị Nhung (2012), “Thảo luận về nhân cách của giáo viên Mầm non trong thời kỳ phát triển và hội nhập”, Kỷ yếu Hội thảo mô hình nhân cách GVMN trong thời kỳ hội nhập Quốc tế, tr. 95-99. [3] Nguyễn Ánh Tuyết (2004), Giáo dục mầm non, những vấn đề lý luận và thực tiễn, Nxb Đại học Sư phạm, Hà Nội. Title: IMPROVING PRACTICAL TEACHING QUALIFICATIONS FOR STUDENTS IN DEPARTMENT OF PRE-SCHOOL EDUCATION AT HUE UNIVERSITY OF EDUCATION Abstract: In training pre-school teachers, practical qualifications always require essential consideration. Improving capability of practising professional qualifications would enable students in Department of Pre-school Education to change their positions in the community and society by applying learnt theories in reality and equipping themselves with necessary competences to take care of pre-school children. This would contribute to establishing professional skills for future pre-school teachers, helping them adapt promptly to their occupation to comprehensively develop the young’s personality. Keywords: pre-school education, practical teaching qualification, skills. 412
  8. KỶ YẾU HỘI NGHỊ KHOA HỌC QUỐC GIA... 03/2017 TS. ĐẶNG THỊ NGỌC PHƯỢNG Khoa Giáo dục Mầm non, trường Đại học Sư phạm, Đại học Huế ĐT: 0914 313 085, Email: hongnhung22071996@gmail.com 413
nguon tai.lieu . vn