Xem mẫu

  1. NÂNG CAO HIỆU QUẢ ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ THÔNG TIN TRONG GIẢNG DẠY CÁC HỌC PHẦN LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ CHO SINH VIÊN NGUYỄN HỮU LỢI Trường Đại học Kinh tế - Đại học Huế Tóm tắt: Bài viết này phân tích sự cần thiết khách quan trong việc ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy các học phần lý luận chính trị cho sinh viên. Trên cơ sở đánh giá những ưu điểm, thuận lợi cũng như những khó khăn, nhược điểm, nghiên cứu đề xuất một số kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy các học phần lý luận chính trị cho sinh viên. Từ khoá: hiệu quả, ứng dụng, công nghệ thông tin, giảng dạy lý luận chính trị, sinh viên. 1. ĐẶT VẤN ĐỀ Công nghệ thông tin (CNTT) là một thành tựu lớn của cuộc cách mạng khoa học công nghệ hiện đại. Nó thâm nhập và chi phối hầu hết các lĩnh vực nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ trong sản xuất, giáo dục, đào tạo và các hoạt động chính trị, xã hội khác. Trong giáo dục - đào tạo, CNTT được sử dụng vào tất cả các môn học tự nhiên, kỹ thuật, xã hội và nhân văn. Hiệu quả rõ rệt là chất lượng giáo dục tăng lên cả về mặt lý thuyết và thực hành. Với lượng kiến thức lớn, mang tính khái quát và trừu tượng hóa cao của các môn lý luận chính trị (LLCT) thì việc ứng dụng CNTT trong giảng dạy sẽ giúp giảng viên có một công cụ hỗ trợ rất đắc lực trong việc truyền tải kiến thức cũng như người học có cái nhìn trực quan, sinh động hơn, tránh được sự nhàm chán và khô khan trong quá trình tiếp thu các tri thức mới. 2. NỘI DUNG 2.1. Sự cần thiết khách quan của việc ứng dụng CNTT trong giảng dạy các học phần LLCT cho sinh viên Ứng dụng CNTT vào dạy học là một xu hướng hiện đại hóa quá trình dạy và học, làm thay đổi cách dạy và cách học, giúp người học tham gia học tập một cách chủ động, tích cực và sáng tạo, tăng cường tính trực quan, góp phần nâng cao chất lượng lĩnh hội và nắm vững kiến thức, phát triển năng lực tư duy độc lập, sáng tạo của người học. Đáp ứng yêu cầu của việc chuyển mô hình đào tạo từ niên chế sang tín chỉ Trước đây, trong đào tạo theo mô hình niên chế thì việc giảng dạy LLCT ở bậc đại học chủ yếu theo phương pháp dạy học truyền thống “thầy đọc, trò ghi” một cách thụ động, chưa thực sự gây hứng thú và phát huy tính tích cực, chủ động của người học. 317
  2. TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM - ĐẠI HỌC HUẾ 2017 Hiện nay, trong đào tạo theo mô hình tín chỉ với vị trí trung tâm đã được hoán đổi từ “thầy” sang “trò”, lấy “tự học làm cốt” thì vấn đề đặt ra là phải làm sao phát huy được tính tích cực, chủ động của người học. Đáp ứng yêu cầu đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng tích cực, chủ động Trong xu thế đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo hiện nay cùng với đổi mới về chương trình, nội dung, giáo trình… thì vấn đề đổi mới phương pháp giảng dạy là vấn đề hết sức quan trọng đang đặt ra cho đội ngũ giảng viên trong quá trình giảng dạy, nhất là giảng dạy LLCT vốn “trừu tượng”, “khô khan”… Để có thể truyền tải kiến thức cho người học một cách hiệu quả với không khí nhẹ nhàng, đòi hỏi giảng viên phải luôn biết khai thác và sử dụng các trang thiết bị hiện đại làm “công cụ hỗ trợ” cho quá trình dạy học. Còn người học với tư cách là “diễn viên chính” giữ vai trò trung tâm trong quá trình dạy học phải tích cực, chủ động, sáng tạo, biết phối hợp chặt chẽ với giảng viên trong quá trình lĩnh hội tri thức thông qua các phương tiện dạy học hiện đại liên quan đến CNTT như mạng Internet, truyền hình trực tuyến, máy vi tính, máy tính xách tay... nghĩa là CNTT là công cụ không thể thiếu trong quá trình dạy học hiện đại. Đa dạng hóa phương thức tương tác giữa giảng viên và người học Thay vì việc tương tác giữa giảng viên và người học diễn ra một cách truyền thống trên lớp học như trước đây, với việc ứng dụng các thành tựu của CNTT vào giảng dạy LLCT, giảng viên và người học sẽ có nhiều phương thức mới, hiện đại và năng động hơn trong việc tiếp nhận và xử lý các thông tin. Khi đảm nhiệm giảng dạy ở một lớp học phần hoặc một nhóm tín chỉ, giảng viên sẽ chủ động lập một địa chỉ email chung hoặc một trang, nhóm Facebook kín (Fanpage, Group)… cho cả nhóm. Sau đó công khai tên đăng nhập (username) và mật khẩu (password) cho các thành viên của lớp. Theo đó, tất cả các thông tin liên quan đến lịch giảng dạy, kế hoạch học tập, thảo luận, các tài liệu học tập tham khảo… cũng như các vấn đề thắc mắc của sinh viên sẽ được công bố trên các phương thức tương tác này. Nhờ vậy, giảng viên và người học có thể dễ dàng và thuận tiện trong việc tiếp cận các thông tin mới liên quan đến quá trình học tập và giảng dạy của mình. Với phương thức tương tác hiện đại này sẽ giúp người học và giảng viên xóa bỏ được rào cản về ngôn ngữ, tuổi tác; hạn chế được nhược điểm về mặt thời gian, tâm lý… của việc giao tiếp truyền thông. 2.2. Những ưu điểm, thuận lợi của việc ứng dụng CNTT trong giảng dạy các học phần LLCT cho sinh viên Đối với giảng viên: Thay vì sử dụng hoàn toàn “phấn trắng, bảng đen” truyền thống, với việc ứng dụng CNTT, mỗi tiết giảng bằng giáo án điện tử, giảng viên sẽ chuyển tải được một lượng kiến thức nhiều hơn, do giảng viên không phải mất nhiều thời gian viết và xóa bảng. 318
  3. KỶ YẾU HỘI NGHỊ KHOA HỌC QUỐC GIA... 03/2017 Giảng viên có thể trình chiếu được hình ảnh trực quan sinh động, phim tài liệu, các bảng, biểu (nhất là khi cần phải so sánh), sơ đồ động, mô hình,… giúp cho người học có hứng thú, dễ học, dễ hiểu, dễ nhớ. Những thông tin này, nếu sử dụng bảng phấn sẽ không thể thực hiện được hoặc rất mất thời gian. Giảng viên dễ dàng nhấn mạnh các điểm chính của bài giảng bằng cách phóng lớn nội dung bài giảng, sử dụng hình ảnh, màu sắc, âm thanh phong phú, sống động. Giảng viên có thể thực hiện liên kết các kiến thức của bài giảng một cách nhanh chóng bằng cách quay lại slide đã được trình chiếu trước đó. Thuận tiện, nhanh chóng trong việc chỉnh sửa nội dung theo từng tiết dạy cho phù hợp với điều kiện và trình độ nhận thức của từng lớp học; có thể in bài giảng cho học viên nếu học viên yêu cầu. Việc cập nhật, bổ sung kiến thức cũng được thực hiện dễ dàng. Đối với người học: Giúp người học tham gia học tập một cách chủ động, tích cực và sáng tạo, tăng cường tính trực quan, góp phần nâng cao chất lượng lĩnh hội và nắm vững kiến thức, phát triển năng lực tư duy độc lập, sáng tạo của người học. Tạo động lực buộc người học phải phát huy cao độ các giác quan trong quá trình tiếp thu các tri thức mới. Với việc ứng dụng CNTT vào giảng dạy các môn LLCT, buộc người học không chỉ việc nghe và viết những gì giảng viên truyền tải mà còn phải kết hợp giữa việc nghe, nhìn và tư duy. Buộc người học phải có một quá trình chuẩn bị và tham gia vào tiết học chủ động và tích cực hơn. Người học phải vận dụng hết năng lực của mình trong việc đáp ứng các yêu cầu của giảng viên. Với việc ứng dụng CNTT vào giảng dạy LLCT, các buổi thảo luận, seminar sẽ được tăng cường và hiệu quả hơn. Người học buộc phải đầu tư nhiều thời gian và công sức hơn cho bài tiểu luận, bài tập nhóm, bài seminar của mình hơn từ đó nâng cao được hiệu quả học tập. 2.3. Những khó khăn, nhược điểm của việc ứng dụng CNTT trong giảng dạy các học phần LLCT cho sinh viên Nhận thức của đội ngũ giảng viên về việc ứng dụng CNTT trong giảng dạy chưa đầy đủ nên còn lưỡng lự, chưa mạnh dạn áp dụng đổi mới Do trình độ khai thác, sử dụng CNTT còn hạn chế, mà bản thân đã “có tuổi”, ngại học tập nên “không muốn” hoặc “không thể” ứng dụng CNTT trong giảng dạy. Mặt khác, với một bộ phận giảng viên do đã quá quen với phương pháp giáo dục truyền thống nên việc chuyển đổi, kết hợp sử dụng CNTT còn gặp nhiều khó khăn, cản trở. Do cơ sở hạ tầng và các trang thiết bị CNTT của cơ sở đào tạo còn hạn chế, thiếu đồng bộ nên việc triển khai ứng dụng CNTT của đội ngũ giảng viên phục vụ cho quá trình dạy học theo phương pháp gặp khó khăn… 319
  4. TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM - ĐẠI HỌC HUẾ 2017 Một số giảng viên trẻ, do còn yếu về kinh nghiệm giảng dạy cũng như trình độ kiến thức chuyên môn, nên lạm dụng việc ứng dụng CNTT trong giảng dạy như một “cứu cánh” để bù đắp cho lỗ hổng về kiến thức, sự non kém trong việc xử lý các tình huống trong giảng dạy, tương tác với người học. Cho nên trong thực tiễn đôi lúc xảy ra hiện tượng “dở khóc dở cười” khi sinh viên bất ngờ được nghỉ học vì điện lực thông báo mất điện. Một số giảng viên do quá lạm dụng việc ứng dụng CNTT nên trong quá trình giảng dạy quá sa đà vào việc giới thiệu các tài liệu trực tuyến, tài liệu tiếng nước ngoài, trình chiếu hình ảnh, phim… mà lại quên mất nhiệm vụ chính là truyền tải các nội dung liên quan đến học phần mình đang giảng dạy. Nhiều giảng viên lợi dụng CNTT để cho người học đi du lịch từ nước này qua nước khác bằng màn ảnh nhỏ. 2.4. Một số kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả ứng dụng CNTT trong giảng dạy các học phần LLCT cho sinh viên Dạy học vừa là khoa học vừa là nghệ thuật, nhất là đối với đối tượng là sinh viên thì nó còn là một quá trình nhạy cảm và phức tạp. Với đối tượng người học, đặc điểm môn học và các điều kiện giảng dạy khác nhau thì cũng cần có những phương pháp giảng dạy khác nhau cho phù hợp. Không có một phương pháp giảng dạy nào phù hợp, tối ưu cho tất cả những đối tượng người học khác nhau, những môn học khác nhau. Nhưng với sự bùng nổ của cách mạng khoa học công nghệ và kinh tế tri thức thì việc ứng dụng CNTT như một công cụ hỗ trợ đắc lực trong quá trình giảng dạy và học tập nói chung và các môn LLCT nói riêng là một tất yếu khách quan. Trong giới hạn của bài viết này chỉ kiến nghị những giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả ứng dụng CNTT trong giảng dạy các môn LLCT. Thứ nhất, mỗi giảng viên phải có phông kiến thức đủ rộng và đủ sâu. Theo nguyên tắc “nội dung nào, phương pháp đó”, tức là muốn đổi mới phương pháp giảng dạy trước hết phải đổi mới, điều chỉnh về nội dung giảng dạy cho phù hợp. Vì thế, mỗi giảng viên phải tự mình ý thức việc tự học để không ngừng nâng cao hiểu biết, trau dồi về chuyên môn nghiệp vụ cho đủ “sâu”. Ngoài kiến thức chuyên môn của mình thì cũng phải trang bị cho mình một phông kiến thức đủ “rộng”, mà trước hết là phải nắm vững kiến thức của các bộ môn liên quan trong hệ thống các môn LLCT vì giữa chúng có quan hệ khăng khít, gắn bó chặt chẽ với nhau, bổ sung, hỗ trợ cho nhau trong mỗi bài giảng. Thứ hai, bảo đảm tính sư phạm khi ứng dụng CNTT trong dạy học hiện đại. Việc chuẩn bị một bài giảng có ứng dụng CNTT cần đảm bảo không những tính nội dung khoa học mà còn phải đặt mạnh tiêu chí về tính sư phạm. Tính sư phạm ở đây bao gồm: sự phù hợp về mặt tâm sinh lí người học, tính thẩm mỹ của trang trình chiếu, sự thể hiện nhuần nhuyễn các nguyên tắc dạy học và các phương pháp dạy học. Thứ ba, chú trọng liên hệ thực tiễn các vấn đề lý luận trong quá trình giảng dạy trên nguyên tắc “lý luận gắn liền với thực tiễn”, “học đi đôi với hành”. Khi đã có kiến thức đủ rộng, giảng viên cần phải đầu tư chiều sâu cho chuyên ngành của mình giảng 320
  5. KỶ YẾU HỘI NGHỊ KHOA HỌC QUỐC GIA... 03/2017 dạy. Giảng dạy các môn LLCT nhất thiết phải liên hệ với thực tiễn, gắn liền lý luận với thực tiễn của thế giới, của đất nước, của ngành nghề, của đơn vị. Thứ tư, chủ động, tích cực tìm tòi và mạnh dạn áp dụng phương pháp mới, kết hợp linh hoạt và có hiệu quả nhiều phương pháp khác nhau trong quá trình giảng dạy LLCT như tổ chức học tập theo nhóm, dạy học dựa trên vấn đề, dạy học bằng phương pháp sắm vai, seminar học viên (sinh viên), sử dụng câu hỏi trắc nghiệm khách quan, sử dụng phim tư liệu, giảng dạy thông qua thảo luận, giảng dạy thông qua tham quan thực tế, giảng dạy kết hợp với phương tiện đa truyền thông… Thứ năm, phải sử dụng thành thạo các phương tiện dạy học hiện đại, khai thác tối đa tính ưu việt của CNTT để hỗ trợ cho quá trình nghiên cứu và giảng dạy. Các phương tiện đó bao gồm: máy vi tính, máy tính xách tay, máy ghi âm, máy chiếu, video, radio, băng đĩa hình… Các phương tiện này nhằm bổ sung và làm phong phú thêm cho những nội dung của bài giảng; thay đổi cách học và phương pháp học, tạo sự hứng thú, kích thích tìm tòi, đi sâu nghiên cứu của học viên, làm cho học viên phát huy được tính chủ động, sáng tạo. 3. KẾT LUẬN Tiếp tục đổi mới việc học tập (bao gồm cả nội dung, chương trình, phương pháp giảng dạy, xây dựng đội ngũ giáo viên...) lý luận chính trị trong hệ thống giáo dục quốc dân có tầm quan trọng chiến lược, cần đặt trong tổng thể của việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Phát huy vai trò hỗ trợ CNTT được xem là một trong những giải pháp quan trọng để nâng cao hiệu quả giảng dạy các môn lý luận chính trị trong điều kiện cuộc cách mạng khoa học công nghệ đang tác động mạnh mẽ đến tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội của đất nước. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Vũ Đình Bảy, Nguyễn Văn Quang (2013), Định hướng ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học các môn lý luận chính trị, Tạp chí Thiết bị Giáo dục, Số 97, tr.53-56. [2] Dương Thị Ngọc Dung, Lê Thị Minh Thy (2015), Sự cần thiết đổi mới chất lượng giảng dạy và học tập các môn lý luận chính trị theo nhu cầu xã hội, Kỷ yếu hội thảo khoa học quốc gia Nâng cao chất lượng giảng dạy, học tập các môn lý luận chính trị trong các trường đại học, cao đẳng, Thành phố Hồ Chí Minh, trang 145-153. [3] Trần Văn Hiếu (2011), Thực trạng dạy và học các môn lý luận chính trị khảo sát ở trường Đại học Cần Thơ, Đại học Đồng Tháp và Đại học An Giang, Tạp chí Khoa học trường Đại học Cần Thơ, số 19a, trang 78-85. [4] Lê Công Triêm, Nguyễn Đức Vũ (2006), Ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học, Nxb Giáo dục, Hà Nội. 321
  6. TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM - ĐẠI HỌC HUẾ 2017 Title: IMPROVING THE EFFECTIVENESS OF APPLYING INFORMATION TECHNOLOGY IN TEACHING POLITICAL THEORY CREDITS FOR STUDENTS Abstract This article analyzes the objective need for in the application of information technology in the teaching of the subject of political theory to students. Based on the assessment of the strengths and advantages as well as the difficulties and disadvantages, the article gives some recommendations to improve the efficiency of the application of information technology in teaching political theory to students. Keywords: Effectiveness, Application, Information technology, teaching political theory, student. ThS. NGUYỄN HỮU LỢI Khoa Kinh tế chính trị - Trường Đại học Kinh tế - Đại học Huế ĐT: 0976 757377, Email: nguyenhuuloi@hce.edu.vn 322
nguon tai.lieu . vn