Xem mẫu

  1. NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG ĐỘI NGŨ GIẢNG VIÊN ĐÁP ỨNG VỚI XU THẾ PHÁT TRIỂN CỦA CUỘC CÁCH MẠNG CÔNG NGHIỆP LẦN THỨ TƯ TS. Lê Đức Quảng; ThS. Trần Chí Hùng Trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Trị Email: quang_ld@qtttc.edu.vn. Tóm tắt Cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 với những công nghệ mới, làm thay đổi nền tảng sản xuất, phát sinh thêm nhiều ngành nghề mới,… đang diễn ra một cách mạnh mẽ và có ảnh hưởng đến từng cá thể, doanh nghiệp và đặc biệt môi trường giáo dục đại học và cao đẳng – nơi trực tiếp đào tạo nguồn nhân lực phục vụ nền công nghiệp 4.0. Trong bối cảnh đó, vai trò và năng lực của đội ngũ giảng viên cực kỳ quan trọng đối với chất lượng giáo dục của nhà trường. Bài báo này nhằm mục đích phân tích, đánh giá thực trạng đội ngũ giảng viên tại trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Trị, đề xuất các giải pháp nhằm phát triển đội ngũ giảng viên, đảm bảo đủ về số lượng, đồng bộ và hợp lý về cơ cấu, chuẩn về chất lượng đáp ứng với xu thế phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ Tư. Từ khoá: Chất lượng; Tiêu chuẩn; Giảng viên; Cách mạng công nghiệp 4.0. 1. ĐẶT VẤN ĐỀ Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0), là cuộc cách mạng có tốc độ phát triển nhanh chưa từng có trong lịch sử, đã và đang tác động sâu rộng đến mọi lĩnh vực đời sống xã hội trong đó có giáo dục đào tạo. Sự tác động đó đã và đang đặt ra những yêu cầu vô cùng cấp bách cho sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục & đào tạo. Đây chính là thách thức trong việc đào tạo nguồn nhân lực theo nhu cầu của thời đại. Trong bối cảnh đó, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, đã đưa ra định hướng phát triển giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) giai đoạn 2021 – 2030 với nhiều vấn đề, một trong những vấn đề đó là: “Xây dựng đồng bộ thể chế, chính sách để thực hiện có hiệu quả chủ trương giáo dục và đào tạo cùng với khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, là động lực then chốt để phát triển đất nước. Tiếp tục đổi mới đồng bộ mục tiêu, nội dung, chương trình, phương thức, phương pháp giáo dục và đào tạo theo hướng hiện đại, hội nhập quốc tế, phát triển con người toàn diện, đáp 552
  2. ứng những yêu cầu mới của phát triển kinh tế - xã hội, khoa học và công nghệ, thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”. 3 Giáo dục và đào tạo là khâu then chốt nhất nhằm tạo ra nguồn nhân lực thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã hội. Trong lĩnh vực giáo dục thì đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp là lực lượng nòng cốt, giữ vai trò quyết định trong việc biến mục tiêu giáo dục thành hiện thực, quyết định hiệu quả và chất lượng giáo dục. Muốn nâng cao chất lượng giáo dục của nhà trường thì một trong các khâu then chốt là phải nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên nói riêng và đội ngũ viên chức trong nhà trường nói chung. Vấn đề đào tạo phát triển đội ngũ giảng viên trong các Nhà trường, đặc biệt là các trường cao đẳng, đại học hiện nay đang được Đảng, Nhà nước và toàn thể nhân dân quan tâm. Trong Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Đảng Cộng sản Việt Nam đã chỉ rõ mục tiêu: “Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá (CNH, HĐH), hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước”. Để đạt mục tiêu đó, Đảng ta đã chỉ rõ: “Đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục theo hướng chuẩn hoá, hiện đại hoá, xã hội hoá; đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp dạy và học; đổi mới cơ chế quản lý giáo dục, phát triển đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục, đào tạo. Tập trung nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, coi trọng giáo dục đạo đức, lối sống, năng lực sáng tạo, kỹ năng thực hành. Đẩy mạnh đào tạo nghề đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước”. 1 Đảm bảo chất lượng giáo dục đại học, cao đẳng là một trong những vấn đề đã và đang nhận được rất nhiều sự quan tâm từ các quốc gia, các tổ chức và đặc biệt là các cơ sở đào tạo trong nhiều năm qua. Đánh giá chất lượng giáo dục đại học, cao đẳng được xem xét ở nhiều tiêu chuẩn khác nhau như chất lượng chương trình đào tạo, chất lượng cơ sở vật chất, đội ngũ nhân sự giảng dạy, nhân sự hỗ trợ người học, các biện pháp cải tiến chất lượng,... Trong đó, xây dựng đội ngũ giảng viên đảm bảo về số lượng và chất lượng đáp ứng nhu cầu đào tạo và thực hiện mục tiêu chiến lược của mỗi trường đại học, cao đẳng được xem là một trong những yêu cầu quan trọng. Có nhiều tiêu chuẩn mang tính quốc tế, vùng, quốc gia và mang tính đặc thù của từng trường đã và đang được áp dụng để đánh giá được chất lượng đào tạo của nhà trường nói chung, bao gồm đánh giá chất lượng đội ngũ giảng viên. Trong bối cảnh đó, việc nâng cao chất lượng nhằm đảm bảo theo “Quy định về tiêu chuẩn đánh giá chất lượng giáo dục trường cao đẳng” (Quyết định số: 08/VBHN-BGDĐT của Bộ GD&ĐT ban hành ngày 04 tháng 3 năm 2014) là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của các trường Cao đẳng Sư phạm (CĐSP) địa phương nói chung và trường CĐSP Quảng Trị nói riêng. 553
  3. Từ nhận thức trên, việc tăng cường hơn nữa công tác phát triển đội ngũ giảng viên của trường CĐSP Quảng Trị nhằm không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, xây dựng thương hiệu của nhà trường là điều quan trọng mang tính chất cấp thiết đặt ra hiện nay. Bài báo nhằm phân tích, đánh giá thực trạng đội ngũ giảng viên tại trường CĐSP Quảng Trị, đề xuất các giải pháp nhằm phát triển đội ngũ giảng viên, đủ về số lượng, đồng bộ và hợp lý về cơ cấu, chuẩn về chất lượng đáp ứng với xu thế phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. 2. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU Trên cơ sở phương pháp luận của chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử, kết hợp với các phương pháp khác như: Phương pháp phân tích, tổng hợp, đánh giá, so sánh... Từ đó, tìm ra nguyên nhân, giải pháp cho mục tiêu nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên tại trường CĐSP Quảng Trị nhằm đáp ứng với xu thế phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. 3. TỔNG QUAN NGHIÊN CỨU LÝ THUYẾT 3.1. Khái niệm giảng viên và đội ngũ giảng viên trong trường đại học, cao đẳng 3.1.1. Khái niệm giảng viên Theo Hoàng Phê (2003), giảng viên là tên gọi chung của người làm công tác giảng dạy ở các trường chuyên nghiệp, các lớp đào tạo, huấn luyện, các trường trên bậc phổ thông. 4 Theo Điều 66 của Luật Giáo dục (2019) thì nhà giáo là người làm nhiệm vụ giảng dạy, giáo dục trong nhà trường, cơ sở giáo dục khác. Nhà giáo giảng dạy ở cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp gọi là giáo viên; ở cơ sở giáo dục đại học gọi là giảng viên. 5 Từ căn cứ trên tác giả đưa ra khái niệm: Giảng viên là những nhà giáo giảng dạy ở các trường đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ), có tiêu chuẩn, chức trách, nhiệm vụ và quyền hạn theo quy định của Nhà nước nói chung và những quy định đặc thù của từng trường ĐH, CĐ nói riêng. Giảng viên vừa có chức trách của viên chức sự nghiệp, vừa có chức trách của nhà giáo, nhà khoa học, nhà hoạt động xã hội. 3.1.2. Khái niệm đội ngũ giảng viên Theo Hoàng Phê (2003), đội ngũ là tập hợp gồm một số đông người cùng chức năng hoặc nghề nghiệp, thành một lực lượng như đội ngũ những người viết văn, đội ngũ nhà giáo. 4 554
  4. “Đội ngũ” được hiểu chung nhất là tập hợp một số đông người cùng đặc điểm chức năng hoặc nghề nghiệp đựợc tổ chức thành một lực lượng xã hội cùng thực hiện một mục đích nhất định. Từ căn cứ trên tác giả đưa ra khái niệm: “Đội ngũ giảng viên” là một khái niệm chỉ một tập hợp gồm nhiều người cùng chức năng, nhiệm vụ làm công tác giảng dạy, nghiên cứu ở các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng hoặc tương đương. Nói theo danh xưng hàng ngày thì đội ngũ giảng viên chính là các thầy giáo, cô giáo đang làm công tác giảng dạy, giáo dục và nghiên cứu ở các cơ sở giáo dục ĐH, CĐ hoặc tương đương. 3.2. Khái niệm chất lượng đội ngũ giảng viên và nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên 3.2.1. Chất lượng đội ngũ giảng viên “Chất lượng đội ngũ giảng viên” là khái niệm chỉ mức độ một tập hợp các đặc tính vốn có, thể hiện bản chất, đặc trưng cơ bản của nhiều người cùng chức năng, nhiệm vụ làm công tác giảng dạy, nghiên cứu hay còn gọi là các thầy giáo, cô giáo với tư cách là chủ thể của hoạt động giảng dạy trong các cơ sở giáo dục ĐH, CĐ hoặc tương đương, đáp ứng các yêu đặt ra của ngành giáo dục trong từng thời kỳ khác nhau. 3.2.2. Nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên “Nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên” là khái niệm chỉ mức độ cao hơn của một tập hợp các thuộc tính vốn có, thể hiện bản chất, đặc trưng cơ bản, cấu thành nên đội ngũ giảng viên với tư cách là chủ thể của quá trình giảng dạy, nghiên cứu ở các cơ sở giáo dục ĐH, CĐ hay tương đương nhằm để đáp ứng ngày càng cao hơn các yêu cầu đặt ra của ngành giáo dục so với trước đây. 3.3. Tiêu chí đánh giá nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên trong các trường đại học, cao đẳng 3.3.1. Tiêu chí về phẩm chất chính trị, đạo đức và lối sống Theo Chương II của Quy định về đạo đức nhà giáo kèm theo Quyết định số 16/2008/QĐ-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành ngày 16 tháng 7 năm 2008, thì đạo đức nhà giáo được quy định như sau: - Phẩm chất chính trị + Chấp hành nghiêm chỉnh chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; thi hành nhiệm vụ theo đúng quy định của pháp luật. Không ngừng học tập, rèn luyện nâng cao trình độ lý luận chính trị để vận dụng vào hoạt động giảng 555
  5. dạy, giáo dục và đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao. + Có ý thức tổ chức kỷ luật, chấp hành nghiêm sự điều động, phân công của tổ chức; có ý thức tập thể, phấn đấu vì lợi ích chung. + Gương mẫu thực hiện nghĩa vụ công dân, tích cực tham gia các hoạt động chính trị, xã hội. - Đạo đức nghề nghiệp + Tâm huyết với nghề nghiệp, có ý thức giữ gìn danh dự, lương tâm nhà giáo; có tinh thần đoàn kết, thương yêu, giúp đỡ đồng nghiệp trong cuộc sống và trong công tác; có lòng nhân ái, bao dung, độ lượng, đối xử hoà nhã với người học, đồng nghiệp; sẵn sàng giúp đỡ, bảo vệ quyền và lợi ích họp pháp chính đáng của người học, đồng nghiệp và cộng đồng. + Tận tụy với công việc; thực hiện đúng điều lệ, quy chế, nội quy của đơn vị, nhà trường, của ngành. + Công bằng trong giảng dạy và giáo dục, đánh giá đúng thực chất năng lực của người học; thực hành tiết kiệm, chống bệnh thành tích, chống tham nhũng, lãng phí. + Thực hiện phê bình và tự phê bình thường xuyên, nghiêm túc; thường xuyên học tập nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, ngoại ngữ, tin học để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp giáo dục. - Lối sống, tác phong + Sống có lý tưởng, có mục đích, có ý chí vượt khó vươn lên, có tinh thần phấn đấu liên tục với động cơ trong sáng và tư duy sáng tạo; thực hành cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. + Có lối sống hoà nhập với cộng đồng, phù hợp với bản sắc dân tộc và thích ứng với sự tiến bộ của xã hội; biết ủng hộ, khuyến khích những biểu hiện của lối sống văn minh, tiến bộ và phê phán những biểu hiện của lối sống lạc hậu, ích kỷ. + Tác phong làm việc nhanh nhẹn, khẩn trương, khoa học; có thái độ văn minh, lịch sự trong quan hệ xã hội, trong giao tiếp với đồng nghiệp, với người học; giải quyết công việc khách quan, tận tình, chu đáo. + Trang phục, trang sức khi thực hiện nhiệm vụ phải giản dị, gọn gàng, lịch sự, phù hợp với nghề dạy học, không gây phản cảm và phân tán sự chú ý của người học. + Đoàn kết, giúp đỡ đồng nghiệp cùng hoàn thành tốt nhiệm vụ; đấu tranh, ngăn chặn những hành vi vi phạm pháp luật và các quy định nghề nghiệp. Quan hệ, ứng xử đúng mực, gần gũi với nhân dân, phụ huynh học sinh, đồng nghiệp và người học; kiên quyết đấu tranh với các hành vi trái pháp luật. 556
  6. + Xây dựng gia đình văn hoá, thương yêu, quý trọng lẫn nhau; biết quan tâm đến những người xung quanh; thực hiện nếp sống văn hoá nơi công cộng. - Giữ gìn, bảo vệ truyền thống đạo đức nhà giáo + Không lợi dụng chức vụ, quyền hạn để thực hiện hành vi trái pháp luật, quy chế, quy định; không gây khó khăn, phiền hà đối với người học và nhân dân. + Không gian lận, thiếu trung thực trong học tập, nghiên cứu khoa học và thực hiện nhiệm vụ giảng dạy, giáo dục. + Không trù dập, chèn ép và có thái độ thiên vị, phân biệt đối xử, thành kiến người học; không tiếp tay, bao che cho những hành vi tiêu cực trong giảng dạy, học tập, rèn luyện của người học và đồng nghiệp. + Không xâm phạm thân thể, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người học, đồng nghiệp, người khác. Không làm ảnh hưởng đến công việc, sinh hoạt của đồng nghiệp và người khác. + Không tổ chức dạy thêm, học thêm trái với quy định. + Không hút thuốc lá, uống rượu, bia trong công sở, trong trường học và nơi không được phép hoặc khi thi hành nhiệm vụ giảng dạy và tham gia các hoạt động giáo dục của nhà trường. + Không sử dụng điện thoại di động và làm việc riêng trong các cuộc họp, trong khi lên lớp, học tập, coi thi, chấm thi. + Không gây bè phái, cục bộ địa phương, làm mất đoàn kết trong tập thể và trong sinh hoạt tại cộng đồng. + Không được sử dụng bục giảng làm nơi tuyên truyền, phổ biến những nội dung trái với quan điểm, chính sách của Đảng và Nhà nước. + Không trốn tránh trách nhiệm, thoái thác nhiệm vụ, tự ý bỏ việc; không đi muộn về sớm, bỏ giờ, bỏ buổi dạy, cắt xén, dồn ép chương trình, vi phạm quy chế chuyên môn làm ảnh hưởng đến kỷ cưong, nề nếp của nhà trường. + Không tổ chức, tham gia các hoạt động liên quan đến tệ nạn xã hội như : cờ bạc, mại dâm, ma tuý, mê tín, dị đoan; không sử dụng, lưu giữ, truyền bá văn hoá phẩm đồi trụy, độc hại. 3.3.2. Tiêu chí về năng lực giảng dạy Một trong những chức năng rất quan trọng của trường đại học là truyền đạt kiến thức. Chức năng này không thể đánh giá tách rời với chức năng nghiên cứu khoa học. Một giảng viên giỏi phải là người biết kích thích tính tò mò học hỏi của sinh viên bằng cách hướng sinh viên đến những phát hiện nghiên cứu mới nhất và những tranh luận thuộc về chuyên ngành của họ. Muốn giảng dạy có hiệu quả thì cần phải kết hợp với 557
  7. hoạt đông nghiên cứu khoa học. Không thể có một giảng viên tốt mà lại không hề tham gia nghiên cứu khoa học. Một giảng viên giỏi không chỉ truyền thụ kiến thức mà đồng thời còn giúp sinh viên phát triển những kỹ năng phát hiện vấn đề và kỹ năng phân tích và qua đó họ có thể phát triển suy nghĩ của riêng mình. Do đó, để đánh giá đầy đủ năng lực của giảng viên trong lĩnh vực giảng dạy cần có những tiêu chí đánh giá bao quát toàn bộ những yêu cầu về hoạt động giảng dạy đối với mỗi giảng viên. Các nội dung đánh giá năng lực giảng dạy bao gồm: - Đối với thành tích trong giảng dạy + Những ấn phẩm về giáo dục như phản biện các bài báo của đồng nghiệp, tham gia viết sách, xây dựng bài giảng qua các băng Video, đĩa CD. + Trình bày báo cáo về lĩnh vực giáo dục: Trình bày báo cáo tại các hội nghị quốc tế, báo cáo viên cho các hội nghị. + Số các giải thưởng về giáo dục được nhận, kể cả trong và ngoài nước. - Đối với số lượng và chất lượng giảng dạy + Luôn có những sáng kiến đổi mới trong giảng dạy thể hiện ở việc áp dụng các kỹ năng giảng dạy mới, sử dụng các phương pháp kiểm tra đánh giá mới phù hợp với trình độ của sinh viên. Tham gia tích cực vào các chương trình bồi dưỡng phát triển chuyên môn, tham gia giảng dạy hệ sau đại học, tham gia hướng dẫn luận văn, luận án cho học viên cao học, nghiên cứu sinh. + Tham gia vào việc xây dựng, phát triển các chương trình đào tạo, có ý thức tìm kiếm sự hỗ trợ từ các chuyên gia để không ngừng nâng cao trình độ giảng dạy. + Tham gia vào việc đánh giá sinh viên, đặc biệt là việc tham gia vào các hội đồng chấm khóa luận, luận văn hoặc luận án. - Đối với hiệu quả trong giảng dạy + Thiết kế và trình bày bài giảng phù hợp với trình độ kiến thức của sinh viên cho mỗi môn học. + Cung cấp cho sinh viên kiến thức mới, cập nhật. Tạo điều kiện, giúp sinh viên phát triển tính sáng tạo, tư duy phê phán, khả năng độc lập nghiên cứu và giải quyết vấn đề. + Tham gia tích cực vào các hoạt động liên quan đến giảng dạy như tư vấn cho sinh viên trong việc lựa chọn môn học phù hợp, giúp sinh viên xây dựng cho mình mục tiêu, kế hoạch học tập phù hợp. + Có khả năng giảng dạy được nhiều môn học ở các mức độ khác nhau. - Đối với tham gia vào đánh giá và phát triển chưong trình đào tạo, tài liệu học tập 558
  8. + Đánh giá và phát triển chương trình đào tạo, chẳng hạn như đánh giá các môn học, phát triển và đổi mới nội dung các bài thực tập, thực hành bao gồm cả việc tham gia vào việc điều chỉnh nội dung môn học cho cập nhật. + Đánh giá và phát triển học liệu phục vụ cho giảng dạy, chẳng hạn như các công cụ dùng cho giảng dạy, tài liệu hướng dẫn học tập, hướng dẫn làm việc theo nhóm, đào tạo từ xa, sử dụng các công cụ hỗ trợ của máy tính trong giảng dạy, có đầy đủ các tài liệu học tập bắt buộc. + Tự đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, như kỹ năng trình bày, kỹ năng thuyết trình, kỹ năng sử dụng các phần mềm phục vụ cho giảng dạy... 3.3.3. Tiêu chí về năng lực nghiên cứu khoa học Nghiên cứu khoa học được quan niệm là một chức năng đặc trưng của giáo dục đại học. Với chức năng này, các trường đại học, cao đẳng không chỉ là trung tâm đào tạo mà đã thực sự trở thành trung tâm nghiên cứu khoa học, sản xuất, sử dụng, phân phối, xuất khẩu tri thức và chuyển giao công nghệ mới hiện đại. Do đó, để phù hợp với chức năng này, yêu cầu người giảng viên phải tham gia các hoạt động nghiên cứu khoa học và hoạt động này cần được đánh giá. Có rất nhiều cách để đánh giá năng lực nghiên cứu khoa học cũng như các hoạt động sáng tạo của giảng viên. Dưới đây là nội dung đánh giá chất lượng hoạt động nghiên cứu khoa học của giảng viên các trường đại học. - Đối với các công trình nghiên cứu khoa học được công bố + Số lượng và chất lượng các ấn phẩm được xuất bản trong các tạp chí khoa học (đặc biệt là danh tiếng của các tạp chí) hoặc các hội nghị khoa học ở trong và ngoài nước liên quan đến các công trình nghiên cứu. + Việc phát triển và tìm tòi các kỹ năng và quy trình nghiên cứu mới. + Kết quả nghiên cứu được áp dụng vào thực tiễn, vào giảng dạy (những nội dung nghiên cứu được áp dụng như là những ý tưởng mới hoặc những sáng kiến quan trọng cho công việc). - Đối với số lượng sách và tài liệu tham khảo được xuất bản/sử dụng + Sách và các công trình nghiên cứu chuyên khảo. + Số lượng các chương viết trong sách và hoặc đánh giá về các bài báo. + Báo cáo về hoạt các hoạt động học thuật/kỹ năng nghiên cứu. - Đối với việc tham gia vào các hoạt động nghiên cứu khoa học + Số lượng các đề tài, dự án, các công trình nghiên cứu khoa học tham gia. + Vai trò làm chủ nhiệm các đề tài/dự án nghiên cứu khoa học. 559
  9. + Hướng dẫn, bồi dưỡng các nhà khoa học trẻ. - Đối với việc tham gia các hội nghị/hội thảo + Tham gia với vai trò là người thuyết trình cho các hội nghị/hội thảo trong và ngoài nước. + Tham gia giảng dạy và nghiên cứu khoa học với các trường đại học trong nước và nước ngoài. + Các giải thưởng về khoa học. 6 4. KẾT QUẢ VÀ THẢO LUẬN 4.1. Khái quát về đặc điểm, tình hình trường CĐSP Quảng Trị Trường CĐSP Quảng Trị được thành lập theo quyết định số 198/TTg ngày 01/4/1997 của Thủ tướng Chính phủ. Trường CĐSP Quảng Trị tiền thân là trường Trung cấp Sư phạm Vĩnh Linh được thành lập tháng 6 năm 1958. Lịch sử phát triển của nhà trường gắn liền với bề dày truyền thống của quê hương Quảng Trị anh hùng. Sau gần 25 năm thành lập, nay Trường CĐSP Quảng Trị là một cơ sở đào tạo đa ngành đa cấp với Sứ mệnh và tầm nhìn là “Đào tạo đội ngũ cán bộ, giáo viên và nguồn nhân lực có chất lượng cao đáp ứng nhu cầu phát triển giáo dục - văn hoá - kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Trị, khu vực và quốc gia; giữ vững vị trí của trường trong hệ thống giáo dục đại học. Phấn đấu xây dựng và phát triển thành một trường đại học cộng đồng”. Trong thời gian qua, Nhà trường đã đổi mới căn bản và toàn diện trên tất cả các mặt nhằm nâng cao chất lượng dạy và học, phát huy năng lực nghiên cứu khoa học, tính chủ động, sáng tạo của giảng viên và sinh viên. Đội ngũ giảng viên của Nhà trường đã tăng mạnh cả về số lượng và chất lượng, Toàn trường hiện có 18 đơn vị, gồm: 06 phòng, 05 khoa, 02 tổ trực thuộc, 04 trung tâm và 01 trường phổ thông liên cấp (PTLC). Hiện nay tổng số cán bộ, viên chức và người lao động có 117 CBVC (biên chế: 102, HĐ NĐ 68: 04 người, HĐ hưởng lương từ NTSN: 05 người, hợp đồng dịch vụ bán trú: 06 người). Trường có đội ngũ giảng viên có trình độ cao, nhiều kinh nghiệm: 10 tiến sĩ, 67 Thạc sĩ, 26 Đại học và 08 trình độ khác. Đội ngũ của nhà trường có thể đảm nhiệm tốt nhiệm vụ đào tạo chuyên nghiệp bậc cao đẳng, tham gia dạy thỉnh giảng đại học và sau đại học tại các trường liên kết trong đào tạo và NCKH, tham gia hướng dẫn và đánh giá luận văn thạc sĩ và luận án tiến sĩ cho một số trường đại học và viện nghiên cứu, tham gia giảng dạy bậc phổ thông tại Trường phổ thông liên cấp. 560
  10. 4.2. Đánh giá thực trạng, nguyên nhân của chất lượng đội ngũ giảng viên tại trường CĐSP Quảng Trị 4.2.1. Những kết quả đạt được Về cơ cấu đội ngũ giảng viên Qua gần 25 năm thành lập đến nay trình độ tiến sĩ, thạc sĩ của đội ngũ giảng chiếm tỷ lệ tương đối cao trong các bộ môn chuyên ngành. Qua nhiều chương trình, dự án nâng cao trình độ cho cán bộ quản lý, giảng viên (CBQL, GV). Từ năm 2010 nhiều CBQL, GV đã tiếp cận nguồn ngân sách này để tham gia học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ thạc sĩ, tiến sĩ. Đến nay trình độ thạc sĩ, tiến sĩ của các đơn vị trong nhà trường khá cao được nêu trong bảng 4.1 và bảng 4.2 dưới đây: Bảng 4.1. Thống kê trình độ đội ngũ giảng viên TT Đơn vị Số lượng Tiến sĩ Thạc sĩ 1 Khoa Khoa học Tự nhiên - Xã hội 03 0 03 2 Khoa Giáo dục Tiểu học 06 0 05 3 Khoa Giáo dục Mầm non 11 0 08 4 Khoa CNTT 04 0 04 5 Khoa Âm nhạc – Mỹ thuật 04 0 03 6 Tổ Tâm lý – Anh văn 08 02 06 7 Tổ CT-GDTC-QPAN 07 0 07 Bảng 4.2. Thống kê trình độ giảng viên thuộc BGH, Phòng, TT, trường PTLC TT Đơn vị Số lượng Tiến sĩ Thạc sĩ 1 Ban Giám hiệu 02 02 0 2 Phòng TCCT – CTSV 06 01 02 3 Phòng Đào tạo 06 0 04 4 Phòng Hành chính Tổng hợp 13 0 02 5 Phòng Kế hoạch - Tài chính 04 0 01 6 Phòng TTPC-ĐBCL 04 0 04 7 Phòng QLNCKH&HTQT 03 01 02 561
  11. 8 Trung tâm HTHT-TV 05 0 02 9 Trung tâm CNTT – TT 04 0 02 10 Trung tâm NN-TH 03 01 02 11 Trung tâm bồi dưỡng LK- ĐT 05 01 03 12 Trường Phổ thông Liên cấp 13 02 07 Về chất lượng đội ngũ cán bộ giảng viên * Về phẩm chất chính trị, đạo đức và lối sống: Đa số các GV chấp hành nghiêm chỉnh chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; thi hành nhiệm vụ theo đúng quy định của pháp luật. Không ngừng học tập, rèn luyện nâng cao trình độ lý luận chính trị để vận dụng vào hoạt động giảng dạy, giáo dục và đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao. Tâm huyết với nghề nghiệp, có ý thức giữ gìn danh dự, lương tâm nhà giáo; có tinh thần đoàn kết, thương yêu, giúp đỡ đồng nghiệp trong cuộc sống và trong công tác; có lòng nhân ái, bao dung, độ lượng, đối xử hoà nhã với người học, đồng nghiệp; Đội ngũ GV luôn tiên phong và đi đầu trong mọi hoạt động của nhà trường, là những gương sáng cho sinh viên noi theo. * Về năng lực chuyên môn: Để nâng cao chất lượng giáo dục, BGH đã chú trọng đến năng lực chuyên môn, năng lực giảng dạy, năng lực NCKH, năng lực sư phạm. Phần lớn đội ngũ GV đã thể hiện năng lực giảng dạy của mình qua việc áp dụng hợp lý các kỹ năng giảng dạy như kỹ năng giao tiếp, phân tích, tổng hợp, lập kế hoạch, NCKH, giáo dục. BGH cũng quan tâm nhiều việc ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy. Hoạt động nghiên cứu khoa học cũng đã được GV đầu tư đúng mức, quy trình xét duyệt đề cương, đề tài được thực hiện nghiêm túc, thực chất. Kết quả, năm học 2019-2020 có 26 đề tài và sản phẩm thay thế đề tài cấp cơ sở, trong đó có: 20 sản phẩm xếp loại xuất sắc và 06 đề tài xếp loại khá. Số lượng bài báo được đăng trên tạp chí quốc tế và trong nước có uy tín ngày một tăng. Có 3 giảng viên làm chủ nhiệm đề tài NCKH cấp nhà nước do quỹ Nafosted tài trợ. Nhiều giảng viên đã có các công trình nghiên cứu có chất lượng cao. Một số giảng viên của trường đã đảm nhận vai trò thành viên của đề tài cấp nhà nước, cấp bộ. 562
  12. Để có cái nhìn cụ thể hơn về năng lực giảng dạy và NCKH của đội ngũ GV tại trường, kết quả tổng hợp ở 2 bảng sau sẽ cho thấy mức độ đáp ứng với công việc dựa trên đánh giá của chính đội ngũ GV: Bảng 4.3. Kết quả khảo sát mức độ đáp ứng về năng lực giảng dạy và NCKH Tiêu chí đánh giá Mức độ đáp ứng Chưa Đạt Khá Tốt Rất đạt tốt Năng lực giảng dạy Thành tích trong giảng dạy 0,00 4,41 45,71 34,47 15,41 Số lượng và chất lượng giảng dạy 0,00 3,72 40,70 37,64 17,94 Hiệu quả trong giảng dạy 0,00 2,35 16,56 40,63 21,72 Tham gia vào đánh giá và phát triển 2,93 27,45 30,15 29,35 10,12 chương trình đào tạo, tài liệu học tập Năng lực nghiên cứu khoa học Các công trình NCKH được công bố 15, 70 30,56 25,21 17,33 11,20 Số lượng sách và TLTK được xuất bản/sử 18, 45 35,84 24,23 14,34 7,14 dụng Việc tham gia vào các hoạt động NCKH 4,14 14,38 34,01 29,26 18,21 Việc tham gia các hội nghị/hội thảo. 23,21 24,64 26,43 15,67 10,05 (Các tiêu chí khảo sát tương ứng với mục 3.3) Về quản lý phát triển đội ngũ giảng viên  Công tác nâng cao nhận thức cho đội ngũ giảng viên Đảng uỷ, BGH và các đoàn thể nhà trường luôn có kế hoạch tổ chức các hoạt động nhằm nâng cao nhận thức về vai trò, nhiệm vụ của nhà trường, trong việc nâng cao chất lượng giáo dục. Giáo dục nhận thức về nhiệm vụ đào tạo của nhà trường trong giai đoạn mới, nhà trường đang tìm hướng đi để phát triển phù hợp với bối cảnh chung của các trường CĐSP địa phương và nhu cầu phát triển ngành giáo dục của tỉnh nhà.  Công tác bồi dưỡng nâng cao trình độ 563
  13. Công tác phát triển đội ngũ được nhà trường quan tâm, tạo điều kiện cho GV đi học nâng cao trình độ. Tranh thủ các nguồn kinh phí từ các đề án để cho GV tham gia học tiến sĩ, thạc sĩ. Nhiều GV tham gia học ở nước ngoài theo đề án 322 của Bộ GD&ĐT tại các nước Châu Âu. Bên cạnh đó nhà trường đã liên kết với các trường đại học vùng Đông bắc Thái Lan để hợp tác đào tạo và bồi dưỡng trình độ cho GV. Cụ thể có 04 GV tốt nghiệp tiến sĩ và 1 GV tốt nghiệp thạc sĩ tại các trường đại học của Thái Lan. 4.2.2. Hạn chế - Tinh thần học tập nâng cao trình độ của một số giảng viên không cao. Do tác động khách quan từ cơ chế nhà trường chưa thể nâng lên thành trường đại học, nên một số giảng viên có thái độ chủ quan bằng lòng với hiện tại, không muốn phấn đấu hơn nữa. Từ những suy nghĩ đó của một số giảng viên, dẫn đến một số ngành nghề đào tạo của các đơn vị trong nhà trường có đội ngũ giảng viên chưa đáp ứng được theo yêu cầu chung của Bộ GD&ĐT. - Việc bố trí sử dụng giảng viên sau quá trình được đào tạo chưa thật hợp lý với năng lực và trình độ chuyên môn của từng cá nhân. Một số cán bộ quản lý các phòng khoa còn bộc yếu kém về chuyên môn nghiệp vụ và năng lực quản lý, thụ động còn phụ thuộc vào chỉ thị của Ban Lãnh đạo nhà trường chưa phát huy được tính độc lập, tiên phong nhằm thích ứng với cơ chế mới trong giáo dục và đào tạo. - Nhà trường chưa thể chủ động vận dụng chính sách ưu đãi trong kêu gọi, thu hút nhân tài do còn ràng buộc trong cơ chế quản lý các cấp liên quan. Đồng thời do tình hình khó khăn của nhà trường nên các sinh viên tốt nghiệp đại học loại giỏi có tâm lý không muốn về công tác tại các trường sư phạm địa phương. Ngoài ra một số giảng viên có trình độ cao, chuyên môn tốt trong nhà trường do không có điều kiện để thể hiện năng lực, khả năng nên đã xin chuyển công tác, hoặc có tư tưởng đứng núi này trông núi nọ. 4.2.3. Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, vai trò và thách thức đối với đội ngũ giảng viên CMCN 4.0 đã đặt giáo dục ĐH, CĐ trước nhiều thách thức mới. Trong bối cảnh của cuộc cách mạng này, bản thân các trường ĐH, CĐ có thể chưa dự đoán hết được những kĩ năng mà thị trường lao động cần. Hoạt động đào tạo và nghiên cứu của các trường ĐH, CĐ chủ yếu vẫn theo phương pháp truyền thống sẽ phải đối mặt với những thay đổi mạnh mẽ cả về tư duy, cơ cấu kiến thức, kĩ năng và phương pháp. Với sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ, đòi hỏi giáo dục phải đem lại cho người học cả tư duy những kiến thức, kĩ năng mới, khả năng sáng tạo, thích ứng với thách thức và những 564
  14. yêu cầu mới mà các phương pháp giáo dục truyền thống chưa thể đáp ứng. Đây là thách thức lớn đối với đội ngũ giảng viên ở các trường ĐH, CĐ nói chung và trường CĐSP Quảng Trị nói riêng. Trong CMCN 4.0, đội ngũ giảng viên phải là người chủ động, hào hứng đón nhận như một cơ hội, đồng thời coi đây là thách thức phải vượt qua. Giá trị của giảng viên không chỉ là truyền đạt tri thức mà còn hướng dẫn, hỗ trợ sinh viên biết tự định hướng trong học tập, đồng thời họ phải giúp sinh viên điều chỉnh định hướng về chất lượng và ý nghĩa của nguồn thông tin. Giảng viên phải là nhà giáo dục chuyên nghiệp, có đầu óc sáng tạo, biết phê phán, tư duy độc lập, năng lực hợp tác tích cực và hỗ trợ có hiệu quả giữa người học với những gì họ muốn biết, là người cung cấp cách hiểu mới cho người học. Để đáp ứng nhu cầu đó, giảng viên phải trở lại 3 chức năng rất quan trọng: chức năng sáng tạo, chức năng phản biện và chức năng giáo dục. Sự hòa quyện giữa trình độ trí tuệ của nhà khoa học với nhà giáo ở bậc ĐH, CĐ là nền tảng để người giảng viên trụ vững trong tương lai. Đối với giảng viên sư phạm, năng lực và phẩm chất của họ còn phải dựa trên nền tảng nhà giáo, đó là sự kết nối giữa năng lực nhà sư phạm và nhà khoa học. Đã là nhà giáo, một trong những điều quan trọng là phải luôn có ý tưởng mới, đóng vai trò là người chỉ dẫn, khai sáng và thúc đẩy, tìm tòi và tạo điều kiện, chức năng nhà giáo “sáng tạo nhất trong các nghề sáng tạo” lại càng thể hiện rõ hơn trong thời điểm hiện nay. 4.3. Các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên tại trường CĐSP Quảng Trị đáp ứng với xu thế phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư Thứ nhất, tăng cường công tác tư tưởng, nâng cao nhận thức cho đội ngũ giảng viên. Tăng cường giáo dục, nâng cao nhận thức cho cán bộ giảng viên về sự tác động của cuộc CMCN 4.0 trong giáo dục, đào tạo. Giáo dục nâng cao nhận thức cho đội ngũ giảng viên, đội ngũ cán bộ cốt cán trong nhà trường về sự phát triển của nhà trường trong giai đoạn mới, chuẩn bị tinh thần, năng lực và hành động sẵn sàng thích ứng với những mô hình đào tạo mới trong nhà trường. Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, giáo dục một cách sâu rộng trong toàn trường về nhiệm vụ của giảng viên, cán bộ quản lý. Đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau cùng 565
  15. vượt qua khó khăn để duy trì sự phát triển của nhà trường hoàn thành sứ mệnh của ngành giáo dục giao phó. Thứ hai, thực hiện tốt công tác tuyển dụng, tuyển chọn giảng viên, bổ nhiệm, miễn nhiệm cán bộ quản lý và bố trí phù hợp với vị trí việc làm. Việc quy hoạch, tuyển chọn giảng viên theo hướng chuẩn hóa nhằm đáp ứng yêu cầu CMCN 4.0 cần phải đạt được: Chuẩn về kiến thức chuyên môn; Chuẩn về năng lực giảng dạy; Chuẩn về năng lực NCKH; Chuẩn về năng lực quản lý; Chuẩn về đạo đức nghề nghiệp. Xây dựng hình thức thi tuyển hoặc tuyển dụng phải được công khai về thể lệ, quy chế tiêu chuẩn, điều kiện dự tuyển, các nội dung kiểm tra cần được công bố rõ ràng, đầy đủ. Có chế độ, chính sách ưu tiên trong tuyển dụng đối với những người có học vị, học hàm đúng theo chuyên ngành đào tạo, thu hút nhiều nhân tài đáp ứng với nhu cầu đào tạo ngày càng nâng cao chất lượng. Cần tăng cường công tác quản lý giảng viên, thực hiện tốt việc đánh giá gắn với phân công, bố trí hợp lý đội ngũ giảng viên. Thứ ba, tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ giảng viên đáp ứng với xu thế phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư Trong bối cảnh của cuộc CMCN 4.0, nhà trường phải nhanh chóng đổi mới mục tiêu, nội dung, hình thức, phương pháp dạy học, phương thức đánh giá kết quả đầu ra của sinh viên, bồi dưỡng giảng viên theo hướng thực học, thực nghiệm và định hướng vào công nghệ. Cần đầu tư nhiều hơn vào công nghệ, giáo dục tiên tiến, áp dụng đào tạo online, kết nối mạng để bồi dưỡng năng lực nghề nghiệp cho sinh viên, giảng viên trong hệ thống nối mạng thống nhất trong toàn quốc và trên toàn cầu. Tăng cường công tác bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn và năng lực nghiệp vụ sư phạm cho giảng viên; Tạo nguồn kinh phí để động viên CBQL, giảng viên đi học nâng cao trình độ thạc sĩ, tiến sĩ. Thứ tư, thực hiện tốt chính sách thu hút đối với người tài, có chế độ đãi ngộ phù hợp đối với giảng viên. Việc thu hút và sử dụng người tài sẽ góp phần rút ngắn thời gian và kinh phí đào tạo bồi dưỡng. Nhà trường cần coi trọng công tác tổ chức nhân sự, chọn người tài với đầy đủ năng lực, trí tuệ, phẩm chất đạo đức, nhân cách. Xây dựng quy định để thu hút đội ngũ giảng viên có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ, sinh viên tốt nghiệp đại học loại giỏi tạo điều kiện để đội ngũ này về trường công tác. Có chế độ đãi ngộ nhằm động viên khuyến khích kịp thời những giảng viên có trình độ cao, năng lực tốt để “giữ chân” họ công tác, cống hiến lâu dài cho nhà trường. 566
  16. 3. KẾT LUẬN VÀ KHUYẾN NGHỊ 3.1 Kết luận Công tác bồi dưỡng nâng cao trình độ cho đội ngũ giảng viên của trường CĐSP Quảng Trị là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, nhằm góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo trong thời kỳ đổi mới, đáp ứng với xu thế phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Vừa bảo đảm yêu cầu trước mắt, vừa bảo đảm yêu cầu phát triển lâu dài của sự nghiệp giáo dục và đào tạo ở địa phương, đáp ứng nhu cầu lao động xã hội và hội nhập các nước trong khu vực. Để thực hiện những yêu cầu trên, cần có những biện pháp nâng cao trình độ, cho đội ngũ giảng viên. Qua quá trình nghiên cứu và thực tiễn công tác tại trường CĐSP Quảng Trị, trên cơ sở tìm hiểu phân tích những vấn đề về lý luận, đánh giá thực trạng, tôi xin đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên và việc sử dụng cán bộ, giảng viên trong thời gian tới của nhà trường. Các giải pháp nêu trên cần được tiến hành đồng bộ nhằm bảo đảm cho việc thực hiện công tác quản lý cán bộ và nâng cao chất lượng của giảng viên trong nhà trường, vừa thể hiện được mục đích của Nhà nước, vừa đáp ứng được yêu cầu khách quan của xã hội, bảo đảm thắng lợi của sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục Việt Nam trong thời kỳ mới. 3.2. Khuyến nghị * Đối với Bộ Giáo dục và Đào tạo - Cần quan tâm đến chiến lược phát triển của các trường CĐSP địa phương và phê duyệt đề án thành lập trường Đại học Quảng Trị trên cơ sở nâng cấp từ trường CĐSP Quảng Trị theo hồ sơ đề nghị của nhà trường. - Tiếp tục triển khai và tổ chức các chương trình đào tạo trong và ngoài nước nhằm nâng cao chất lượng cho giảng viên khối các trường CĐ, ĐH nhằm tạo cơ hội cho giảng viên các trường được học tập và tiếp cận những tri thức mới phục vụ nhu cầu đào tạo hiện nay. * Đối với UBND Tỉnh Quảng Trị - Cần quan tâm hơn nữa đến chiến lược phát triển của trường CĐSP Quảng Trị trong giai đoạn mới, đồng thời nghiên cứu tính khả thi của đề án thành lập trường Đại học Quảng Trị trên cơ sở nâng cấp từ trường CĐSP Quảng Trị theo hồ sơ đề án của nhà trường theo tinh thần của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Tỉnh Quảng Trị lần thứ XV. *Đối với trường CĐSP Quảng Trị - Truyên truyền, phổ biến các tiêu chí kiểm định chất lượng đội ngũ giảng viên trong “Quy định về tiêu chuẩn đánh giá chất lượng giáo dục trường cao đẳng” của Bộ 567
  17. GD & ĐT. Yêu cầu đội ngũ CBQL, giảng viên cần nắm rõ và thực hiện nghiêm túc, đồng thời làm tiêu chuẩn để đánh giá, xếp loại cán bộ, giảng viên hàng năm. - Tăng cường giáo dục, nâng cao nhận thức cho cán bộ giảng viên về sự tác động của cuộc CMCN 4.0 trong giáo dục, đào tạo. Thường xuyên tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên đề về nâng cao chất lượng giảng dạy và NCKH, nâng cao trình độ ngoại ngữ cho đội ngũ cán bộ, giảng viên. Bên cạnh đó, chú trọng bồi dưỡng kỹ năng tiếp nhận, vận dụng khoa học công nghệ vào quá trình giảng dạy và NCKH. Đặc biệt, đã áp dụng các ưu thế về công nghệ số, mạng xã hội để làm phong phú hình thức, phương pháp giảng dạy. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XI (2013). Nghị quyết số 29- NQ/TW về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”. ngày 04/11/2013, Đảng Cộng sản Việt Nam, Hà Nội. 2 Bộ Giáo dục và Đào tạo (2014). Quyết định Ban hành quy định về tiêu chuẩn đánh giá chất lượng giáo dục trường cao đẳng. Quyết định số Số: 08/VBHN-BGDĐT, ngày 04 tháng 3 năm 2014. 3 Đảng Cộng Sản Việt Nam (2021). Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII - Tập I. NXB Chính trị Quốc gia ST, Hà Nội. 4 Hoàng Phê (2003). Từ điển tiếng Việt, Viện Ngôn ngữ học, Nxb. Đà Nẵng, tr.144. 5 Quốc hội (2010). Luật Giáo dục, số 43/2019/QH14 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 14 tháng 6 năm 2019. 6 Nguyễn Thị Tuyết (2008), Tiêu chí đánh giá giảng viên, Tạp chí Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN, số 24, trang: 131-135. 568
nguon tai.lieu . vn