Xem mẫu

  1. MỘT SỐ Ý KIỂN VỀ KHOA HỌC GIÁO DỤC TRONG BỐI CẢNH MỚI GS.TS Phạm Hồng Quang Đại học Thái Nguyên, Tân Thịnh, Thái Nguyên 1. Nhận thức cơ bản về khoa học giáo dục –yếu tố nền tảng Trong tác phẩm “Biện chứng của tự nhiên” của Ăngghen, ông chỉ ra vai trò to lớn của tư duy lý luận bằng một luận điểm nổi tiếng: “Một dân tộc muốn đứng vững trên đỉnh cao của khoa học thì không thể không có tư duy lý luận”. C.Mác cho rằng, vấn đề cốt lõi, có ý nghĩa chi phối của sự phát triển, đó là sự phát triển của lực lượng sản xuất. Hình thái kinh tế - xã hội mới ra đời tạo ra khả năng giải phóng và phát triển lực lượng sản xuất lên một nấc thang mới so với hình thái kinh tế - xã hội cũ, đồng thời xây dựng và ngày càng hoàn thiện các quan hệ sản xuất mới phù hợp. Ðó cũng là quá trình con người được giải phóng khỏi mọi áp bức, bóc lột, bất công, phát triển toàn diện. Ðó là quá trình "sẽ xuất hiện một liên hợp, trong đó sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của tất cả mọi người". Nghiên cứu khoa học giáo dục là quá trình tìm tòi, khám phá, làm sáng tỏ những mâu thuẫn tồn tại khách quan trong thực tiễn giáo dục nhằm tìm ra các quy luật vận động của quá trình giáo dục, các giải pháp để nâng cao hiệu quả của quá trình giáo dục. Đối tượng của khoa học giáo dục tập trung chủ yếu vào nghiên cứu quá trình phát triển của nhân cách (trong quá trình xã hội hóa, tự hoạt động của con người trong môi trường xã hội với yếu tố lịch sử xã hội cụ thể) thì vai trò “tác động và ảnh hưởng” của giáo dục đến đâu và mức độ thế nào? Ở tầng vĩ mô, chiến lược “dân trí, nhân lực, nhân tài” phải tựa trên nền tảng nhân cách- những con người được giáo dục đầy đủ phẩm chất và năng lực. Bản chất giáo dục, từ “giáo dục” theo gốc Hán Việt có nghĩa là chỉ bảo, dạy dỗ, chăm sóc. Nó bao gồm không chỉ việc dạy học (giáo), mà có cả sự thương yêu quan tâm chăm sóc (dục) trong đó. Trong tiếng Anh, từ “giáo dục -education”, đây là một từ gốc Latin được ghép bởi hai từ là “Ex-vượt ra khỏi” và “Ducere-dẫn”–“Ex- Ducere”. Do vậy, giáo dục có nghĩa là dẫn con người vượt ra khỏi hiện tại của họ để vươn tới những gì hoàn thiện, tốt lành hơn và hạnh phúc hơn. Giáo dục là dẫn dắt, là hướng dẫn, là khích lệ, là truyền cảm hứng…Trong “Thư gửi cho học sinh”, ngày 5/9/1945, Bác Hồ viết: “…một nền giáo dục làm phát triển hoàn toàn những năng lực 51
  2. sẵn có của các em”. Đây có thể coi là tư tưởng cho một nền giáo dục khai phóng. Cũng tại Điều 2 –Luật giáo dục (2019) đã xác định “Mục tiêu của giáo dục là phát triển toàn diện con người…”. Tư duy mới thể hiện trọng Luật giáo dục 2019 đã có bước chuyển nhận thức đúng về vị trí vai trò của giáo dục nhà trường. Mục tiêu giáo dục phát triển toàn diện con người - chính là sự thay đổi căn bản, bởi chỉ có sự thay đổi này, mới có thể phát huy tốt nhất tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân. Nội hàm giáo dục ở đây (mục tiêu giáo dục) được hiểu rộng hơn, hàm chứa tư tưởng tạo điều kiện (tự học) để con người phát triển trong phạm vi rộng hơn là phạm vi hẹp trong chương trình giáo dục của nhà trường. Giáo dục mở đã tạo ra những suy nghĩ khác: Người dạy không duy nhất là giáo viên, người học không nhất thiết phải cùng độ tuổi, học liệu không chỉ là sách giáo khoa, kết quả học không chỉ là điểm số, lớp học không đồng nhất là không gian, thời gian cụ thể…Với tư tưởng phát triển toàn diện con người thì giáo dục gia đình, giáo dục xã hội cần phải được xem là thành phần hữu cơ trong quan hệ với giáo dục nhà trường. Giáo dục nhà trường không phải là nhân tố duy nhất quyết định trực tiếp đến chất lượng con người. Hiểu đúng điều này để xác nhận sự đóng góp của giáo dục đối với phát triển con người là tạo cơ hội và điều kiện là chủ yếu, thúc đẩy các nhân tố tích cực để quá trình phát triển nhân cách phải do chính con người quyết định…Từ đây, gỡ bỏ cách hiểu không đúng về trách nhiệm nhà trường là duy nhất hoặc giáo dục là “vạn năng” đối với sự phát triển của con người. Trong các tài liệu về lí luận giáo dục đã xác định các thành tố quyết định nhân cách gồm 4 thành tố chính (yếu tố di truyền làm nền tảng, yếu tố giáo dục là chủ đạo, yếu tố môi trường là quyết định, yếu tố tự hoạt động của cá nhân là quyết định trực tiếp). Trong đó, yếu tố môi trường là quyết định; quan hệ chủ thể với môi trường thì sự chủ động tích cực của chủ thể là quyết định trực tiếp. Từ đây, trở lại mô hình thí nghiệm của Skinner (học trong môi trường chủ động, tự khám phá, thử-sai…) là công việc chính của nhà giáo dục –thiết kế, tạo môi trường học chủ động cho người học. Điều quan trọng nữa là trách nhiệm “điều phối” của nhà giáo dục để: kích hoạt nhân tố thuận lợi của di truyền, môi trường và hạn chế, sửa chữa, uốn nắn…các mặt không tích cực của yếu tố di truyền (ví dụ câm, mù, điếc…), ngăn chặn yếu tố tiêu cực của môi trường xã hội (các biểu hiện tiêu cực, hạn chế…) để điều chỉnh, thúc đẩy cá nhân hoạt động theo hướng chủ động để tăng “sức kháng thể” của người học. 52
  3. 2. Những tác động của môi trường xã hội Đã có sự thay đổi, sự tác động rất lớn đến giáo dục, đến khoa học giáo dục từ khoa học, từ công nghệ, đặc biệt là cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Giáo dục đã và đang có sự chuyển biến tích cực trong môi trường nhiều biến động lớn (kể cả trong không gian, thời gian thật và ảo) với các thay đổi về tâm lí xã hội của con người, đặc biệt là học sinh. Từ đây, khoa học giáo dục cần cách tiếp cận mới, vì đối tượng tác động đã có nhiều biến động. 2.1. Đặc điểm con người Việt Nam trong bối cảnh môi trường thay đổi (môi trường quốc tế, đặc điểm vùng miền, đặc điểm các dân tộc, đặc trưng các độ tuổi…). Nhân cách người Việt Nam đã và đang “chuyển” từ đặc trưng của con người xã hội thời kì đổi mới, tiếp cận quốc tế hóa và cá nhân hóa cao độ, do vậy nhiều nội dung, cách tiếp cận từ nhiều phương diện của KHGD cần quan tâm đến chuẩn (ví dụ từ khung trình độ quốc gia hoặc khi ứng dụng KHGD vào đào tạo giáo viên về chương trình, về đánh giá, về mô hình học tập…cần thay đổi cho đúng hướng). Tuy nhiên, để luật hóa được hoạt động phát triển chương trình của người giảng viên trong trường đại học, KHGD đã góp phần hoàn thiện vấn đề đó (ví dụ: mục 30. Sửa đổi, bổ sung một số khoản của Điều 55 Luật (2018) như sau: nhiệm vụ của giảng viên: a) Sửa đổi, bổ sung khoản 1 như sau: “1. Giảng dạy, phát triển chương trình đào tạo, thực hiện đầy đủ, bảo đảm chất lượng chương trình đào tạo.” khác với Luật (2012) không có nhiệm vụ phát triển chương trình, vốn phải là nhiệm vụ của giảng viên. Hoặc tiếp cận quốc tế, cần xác định chức năng của người giáo viên mới: “Có trách nhiệm nặng hơn lựa chọn nội dung daỵ học và giáo dục; Tổ chức việc học cho người học; Cá biệt hóa học tập, thay đổi tính chất trong quan hệ thầy trò; Sử dụng rộng rãi hơn những phương tiện dạy học hiện đại ; Hợp tác rộng rãi với các GV, thay đổi quan hệ giữa các GV; Thắt chặt hơn mối quan hệ với phụ huynh và cộng đồng GV tham gia hoạt động rộng rãi trong và ngoài nhà trường…Trách nhiệm của giáo viên: Với học sinh, với xã hội, với nghề nghiệp, với việc hoàn thành tốt công việc; Trách nhiệm đối với các giá trị cơ bản của con người ...” (UNESCO). Đồng thời, trong xã hội số, khi ứng dụng công nghệ mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực, khi sử dụng trong môi trường giáo dục cần quan tâm đến khái niệm “công nghệ” gồm chỉ 1 yếu tố kĩ thuật (Technology), còn lại nguồn lực người (Human); nguồn lực thông tin (information); nguồn lực tổ chức (organization). “Công nghệ-đó là quá trình mà trong đó, khoa học và công nghệ được truyền bá thông qua hoạt động của con người “ (H.Brooks). Như vậy, sự khẳng định nhân tố con người, nguồn lực con người trong cấu trúc năng lực kĩ thuật vẫn là trọng số, để khẳng định giá trị của giáo dục, của 53
  4. khoa học giáo dục. Ví dụ trong quá trình dạy ICT ở Mỹ, giáo viên quan tâm nhiều đến yêu cầu học sinh đề xuất ý tưởng và sử dụng công nghệ để thiết kế hơn là học cách sử dụng phần mềm của người khác. 2.2. Sự thay đổi trong môi trường học tập. Vì sao chúng ta chọn trường ở nước ngoài cho con em mình học tập? Suy ngẫm về xu hướng chương trình giáo dục phổ thông của 3 nước: Singapore định hướng “dạy ít –học nhiều” (tập trung vào chương trình học); Úc xác định chương trình đảm bảo “cân bằng” trong các lĩnh vực học tập ở phổ thông; Phần Lan coi trọng mục tiêu của chương trình giáo dục “vì sự đồng đều của mọi học sinh”. Đây là xu hướng khác biệt với chương trình giáo dục phổ thông ở nước ta. Phải chăng đây cũng là một trong nguyên nhân khiến tỉ lệ du học trở về nước thấp? Đặc biệt, theo UNDP, khái niệm phát triển nguồn nhân lực gồm: “Phát triển nhân tính và khả năng của con người; sử dụng có hiệu quả khả năng ấy”. Như vậy, hiểu đầy đủ về phát triển nguồn nhân lực phải gồm: phát triển (đào tạo) và sử dụng (thị trường lao động) là đồng thời thực hiện trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu. Trong khi nhu cầu thị trường ngày càng cao, thực tiễn luôn biến đổi, người học-công dân thế kỉ 21-là người học suốt đời…và để biết được chất lượng của một chương trình giáo dục phải chờ 5-7 năm sau, thậm chí lâu hơn thế, song xã hội lại chủ yếu “nhìn vào” kết quả giáo dục từ những kết quả dạy học cụ thể; hoặc yêu cầu “sử dụng có hiệu quả khả năng ấy” cũng không thuộc thẩm quyền của nhà trường. 2.3. Về mô hình dạy học hiệu quả. Xu hướng chung là các nhà khoa học ngày nay không tìm kiếm môt lý thuyết tổng quát mà chỉ xây dựng những mô hình riêng lẻ. Một trong những xu hướng đó là nghiên cứu cơ chế học tập trên cơ sở sinh lý thần kinh với trợ giúp của công nghệ mới. Những thực nghiệm của Skinner đã chứng minh việc học chủ động bắt đầu từ “thử-sai” sẽ giúp chủ thể tự tìm đến tri thức, xác nhận tri thức do chính mình tìm kiếm và do vậy có sự bền vững…khác hẳn nguyên lí của cơ chế phản xạ có điều kiện từ thực nghiệm của Páp-lốp. Theo mô hình học chủ động, sẽ tác động đến sự tích cực hóa hoạt động dạy (với chức năng hướng dẫn và thiết kế tình huống, môi trường học) và sẽ đồng bộ với hoạt động học và đánh giá. Ví dụ, khi dạy nội dung “sự rơi của các vật” cô giáo Châu Á trình chiếu trong phòng, cô giáo Mỹ đưa học sinh lên mái nhà, thả từng thứ xuống đất; học sinh lớp 4 đã phải mang nhiều sách Lịch sử về nhà học, đọc và trả lời 2 câu hỏi: Chiến tranh có tác hại thế nào? Làm thế nào để không xảy ra chiến tranh? Khi đánh giá trong lớp, học sinh không trả lời được câu hỏi, giáo viên hỏi: Em là người có khả năng, tại sao hôm nay em không bộc lộ? (Phỏng theo bài: Vì sao nước Mỹ đạt nhiều giải Noben-VietnamNet) 54
  5. 2.4. Cần xác nhận về luận cứ khoa học về môn học và lĩnh vực học tập. Môn học nào cũng quan trọng nhưng không nên cho rằng có môn học quan trọng nhất. Thực tiễn đang diễn ra: cái người học cần học để đi thi là học môn học, còn cái cần để giải quyết các vấn đề của cuộc sống là lĩnh vực học tập, là kiến thức tổng hợp. Định hướng hình thành năng lực cho học sinh trong chương trình giáo dục phổ thông đã rõ nhưng vẫn thiết kế nhiều môn học, thậm chí còn rời rạc, trong khi để giải quyết vấn đề thì cần học vấn rộng, liên ngành. Do vậy, yêu cầu người dạy sẽ làm việc với “biển kiến thức” để chắt lọc, hình thành năng lực cho người học. Người học được “nhúng mình” trong môi trường học tập chủ động gồm các lĩnh vực do giáo viên thiết kế giầu ý tưởng sư phạm. 3. Vấn đề đào tạo giáo viên 3.1. Đa dạng mô hình. Nghiên cứu đổi mới đào tạo giáo viên cần xuất phát từ mô hình đào tạo truyền thống 4 năm tại trường sư phạm hoặc mô hình nối tiếp, cần xác định đúng ưu điểm hạn chế và các giải pháp khắc phục. Vấn đề đặt ra là căn cứ khoa học nào của việc lựa chọn mô hình đào tạo giáo viên phù hợp hiện nay? Liệu cử nhân công nghệ ICT hay tiếng Anh, kĩ sư kĩ thuật-công nghệ, nhạc sĩ, họa sĩ…khi có nguyện vọng làm giáo viên có cần học bài bản về khoa học giáo dục hay chỉ là “nghiệp vụ sư phạm”? Điều quan trọng là cách tiếp cận đúng về môi trường giáo dục. Xây dựng và hoàn thiện môi trường giáo dục-yếu tố cơ bản để nâng cao chất lượng giáo dục. Môi trường giáo dục ngày nay, đã được xác nhận thêm một căn cứ khoa học, căn cứ pháp lí thể hiện tính đúng đắn của khoa học giáo dục-đó là giáo dục khai phóng. Nhận thức mới về mục tiêu giáo dục: Trong điều 2, Luật giáo dục số 43 (2019) đã xác định rõ: “Mục tiêu giáo dục nhằm phát triển toàn diện con người Việt Nam…”. Khác với mục tiêu cũ là đào tạo con người toàn diện. Sự thay đổi lớn này đã tiếp cận xu hướng quốc tế- giáo dục khai phóng, đề cao giá trị con người, là thực hiện lời dạy của Bác Hồ từ 1945: “…Một nền giáo dục làm phát triển hoàn toàn những năng lực sẵn có của các em”. Với tư tưởng phát triển toàn diện con người, giáo dục gia đình, giáo dục xã hội cần phải là thành phần hữu cơ trong quan hệ với giáo dục nhà trường. Giáo dục nhà trường không thể đơn độc trong việc quyết định đến chất lượng con người, chỉ là tạo điều kiện và thúc đẩy, nhân cách phải do chính con người quyết định…Do vậy, với định hướng đúng về giáo dục phổ thông và đại học ở chương trình giáo dục, ở chuẩn đầu ra và tiêu chuẩn đảm bảo chất lượng; rất cần nhận thức xã hội đúng về chiến lược phát triển con người. Giáo dục phải là mối quan tâm hàng đầu của quốc gia. 3.2. Tầm nhìn và môi trường giáo dục đại học cần trọng tâm: chuyển tải kiến thức và hiểu biết bền vững, khơi nguồn cảm hứng cho toàn cầu; với giá trị: suy nghĩ phía 55
  6. trước, hợp tác, cam kết chất lượng là tâm điểm cho các hoạt động; truyền cảm hứng cho mọi thành viên, tạo ra một môi trường gồm các giảng viên cùng nhau nghiên cứu đưa ra các chương trình, nội dung, lĩnh vực cần đổi mới…Đây có thể được coi là các nhân tố cơ bản tạo lập môi trường tốt nhất cho các cơ hội học tập và nghiên cứu sáng tạo –điều kiện đảm bảo cho một trường đại học có được chỉ số hấp dẫn cao. Các mâu thuẫn cơ bản trong trường đại học ở Việt Nam đang phải giải quyết: Giữa tính chất và xu hướng của thị trường hoá chi phối các hoạt động giáo dục đào tạo với chức năng của trường đại học là phát triển văn hoá, khoa học và tăng cường hiểu biết cho dân chúng. Mục tiêu giáo dục đại học nhằm đào tạo ra những con người năng động sáng tạo, tự chủ, có óc phê phán, có năng lực giải quyết vấn đề mới nảy sinh, có năng lực tạo nghiệp, tiến thân, lập nghiệp trong “thị trường sức lao động”. Mục tiêu đào tạo chuyên gia đã xác định trình độ và tính chất chuyên nghiệp ở mức độ cao. Người có trình độ đại học phải có năng lực tự học và sáng tạo, biết tổ chức nghiên cứu và triển khai các ý tưởng khoa học và phát triển những năng lực và phẩm chất tốt đẹp của một chuyên gia trong lĩnh vực chuyên môn và lĩnh vực xã hội khác. 3.3. Giải pháp phát triển môi trường giáo dục đại học cần tập trung vào các hoạt động của giảng viên (giảng dạy, nghiên cứu và tư vấn chính sách), đồng thời là các chỉ tiêu về cơ sở vật chất, thí nghiệm…Tuy nhiên, quan trọng ở mức độ tham gia của cá nhân chiếm lĩnh, tiếp thụ, chuyển hóa các điều kiện bên ngoài trở thành động lực bên trong của chủ thể. Môi trường giáo dục đại học là nhân tố quyết định phẩm chất và năng lực người chuyên gia; xây dựng và hoàn thiện môi trường giáo dục đại học tốt có tác dụng tăng chỉ số hấp dẫn đối với cơ sở giáo dục, trong đó trách nhiệm thuộc về các thành viên trong tổ chức: nhà quản lí, giảng viên và sinh viên. Môi trường tốt là nơi ươm mầm tài năng, duy trì sức sáng tạo và đổi mới. Nghiên cứu phát triển môi trường giáo dục đại học là nội dung trọng tâm của khoa học giáo dục hiện đại. Bản chất của việc tạo lập môi trường giáo dục hiện đại chính là thể hiện tinh thần dân chủ hóa nhà trường, kích thích sáng tạo trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Mục tiêu của giáo dục đại học chính là hình thành những phẩm chất, năng lực nhân cách chuyên gia sáng tạo; nội dung học vấn nền tảng, thiết thực; phương thức giáo dục phù hợp; cách đánh giá chất lượng phù hợp với mục tiêu. Sử dụng mô hình đào tạo giáo viên 4 năm hoặc tiếp nối, trước hết cần nhận thức đúng về phương pháp tiếp cận một vấn đề rất phức tạp, đó là quá trình giáo dục con người-đối tượng nghiên cứu của giáo dục học đại học. Cách tiếp cận hệ thống, xem xét vấn đề giáo dục sư phạm trong các mối quan hệ với kinh tế-xã hội, văn hóa-lịch sử, quốc gia-quốc tế…trong đó động lực của con người trong môi trường cụ thể là quyết định. 56
  7. 4. Một số nhiệm vụ nghiên cứu về khoa học giáo dục trong thời gian tới - Xây dựng các danh mục nghiên cứu khoa học giáo dục. Tập trung vào những vấn đề nền tảng, căn cốt của khoa học giáo dục: nhân cách, giáo dục, dạy học, giáo viên, học sinh, nguyên tắc, nội dung, phương pháp, hình thức giáo dục, đánh giá, chuẩn…Môi trường giáo dục, xã hội hóa, kinh tế học giáo dục, nhân học, sinh lí học thần kinh cấp cao, công nghệ giáo dục. Giai đoạn 2016-2021 triển khai nghiên cứu Chương trình KHGD chủ yếu về quản lí giáo dục và ứng dụng của khoa học giáo dục, một số hướng liên ngành phục vụ quản lí vĩ mô. Bổ sung vào chương trình giáo dục phổ thông 2 lĩnh vực học tập cơ bản: Giáo dục kinh tế và tài chính; Giáo dục môi trường và phát triển bền vững. - Viết lại các giáo trình sư phạm. Cụ thể về: tâm lí học (đại cương và lứa tuổi), giáo dục học (đại cương và các bậc học), quản lí giáo dục, phương pháp nghiên cứu khoa học giáo dục…và các vấn đề giảng dạy tích hợp liên ngành: kinh tế, văn hóa, xã hội, sinh học, toán học, công nghệ, nhân chủng học, dân tộc học…Nghiên cứu mới về tâm lí học sinh và sinh viên trong môi trường 4.0. - Khoa học giáo dục và chính sách. Vai trò của KHGD cần thể hiện rõ nét trong thực hiện 3 đột phá chiến lược (theo Nghị quyết ĐH XIII của Đảng), trong đó có nội dung “Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao” ở giai đoạn tới đây cần nghiên cứu triển khai mạnh mẽ, khắc phục tồn tại “…những quan điểm mới có nhiều phần lâm vào tình trạnh chưa thực sự được quán triệt, còn dừng ở các văn kiện (như vai trò quốc sách hàng đầu của giáo dục) hoặc bị lệch lạc trong quá trình triển khai (xã hội hóa giáo dục được nhấn mạnh về huy động nguồn lực và thậm chí giảm nhẹ vai trò của nhà nước - Ý kiến của Bà Nguyễn Thị Bình, Nguyên Phó Chủ tịch nước). - Nâng cao vai trò và trách nhiệm của những người nghiên cứu về khoa học giáo dục. Xây dựng cơ chế đặt hàng giao nhiệm vụ cho các nhà khoa học. “…trong cuộc thay đổi căn bản, sâu sắc, toàn diện như vậy, các nhà khoa học giáo dục phải là người đóng vai trò nòng cốt trong việc xây dựng luận cứ khoa học cho các chủ trương, chính sách về giáo dục”. 57
nguon tai.lieu . vn