Xem mẫu

MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ TRUYỀN THÔNG ĐẠI CHÚNG, VĂN HÓA ĐẠI CHÚNG VÀ VĂN HÓA TRUYỀN THÔNG TRONG KỶ NGUYÊN KỸ THUẬT SỐ TS. Đặng Thị Thu Hương∗ Bài viết này hệ thống lại quan điểm của các trường phái nghiên cứu truyền thông nổi bật trong thể kỷ XX để tìm hiểu về mối quan hệ nội tại và tác động qua lại giữa truyền thông đại chúng, văn hoá đại chúng và văn hoá truyền thông. Đồng thời, tìm hiểu lịch sử nghiên cứu về hiệu quả và tác động của truyền thông đại chúng đối với công chúng, bài viết sẽ nêu bật vai trò của truyền thông đại chúng đối với sự thay đổi về nhận thức, hành vi và lối sống của con người. Từ đó, bài viết đặt vấn đề về vai trò, và trách nhiệm của truyền thông đại chúng Việt Nam trong việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá Việt trong thời kỳ hội nhập quốc tế và toàn cầu hóa của kỷ nguyên kỹ thuật số. 1. Truyền thông đại chúng, văn hóa đại chúng và văn hóa truyền thông Truyền thông là quá trình liên tục, qua đó chúng ta hiểu được người khác, và làm cho người khác hiểu được chúng ta (Martin P. Adersen 1959 trích theo Frank Dance 1970). Truyền thông ra đời và phát triển do nhu cầu khách quan của xã hội về thông tin giao tiếp của loài người, do trình độ và điều kiện KT-XH cũng như sự phát triển của khoa học kỹ thuật. Truyền thông đại chúng là một dạng thức truyền thông đặc biệt trong lịch sử loài người - khi mà người truyền thông tin có thể truyền tải thông điệp cho đông đảo quần chúng về số lượng và rộng khắp về địa lý - điều mà các cách thức truyền thông trước đó không thể nào có được. Nói theo Lerner (1957 trích theo Trần Hữu Quang 2008), thì sự chuyển tiếp từ các hệ thống truyền thông truyền miệng sang các hệ thống truyền thông đại chúng chính là một trong những điều kiện và đặc điểm của quá trình chuyển đổi từ xã hội cổ truyền sang xã hội hiện đại. ∗ Trường Đại học KHXH&NV, ĐHQGHN Còn văn hóa là khái niệm mang nội hàm rộng lớn với rất nhiều cách hiểu khác nhau, liên quan đến mọi mặt đời sống vật chất và tinh thần của con người. Ngay từ năm 1952, hai nhà nhân loại học người Mỹ là Alfred Kroeber và Clyde Kluckhohn (1952) đã thống kê được 164 định nghĩa khác nhau về văn hóa. 50 năm sau, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa thế giới (UNESCO 2002) đưa ra định nghĩa: Văn hóa nên được đề cập đến như là một tập hợp của những đặc trưng về tâm hồn, vật chất, tri thức và xúc cảm của một xã hội hay một nhóm người trong xã hội và nó chứa đựng, ngoài văn học và nghệ thuật, cả cách sống, phương thức chung sống, hệ thống giá trị, truyền thống và đức tin. Văn hóa là sản phẩm của loài người, được hình thành và phát triển trong mối quan hệ thích nghi giữa con người với tự nhiên, giữa con người với xã hội, và cũng chính văn hóa lại tham gia vào việc tạo nên con người, duy trì sự phát triển bền vững cho xã hội. Văn hóa, theo cách hiểu của xã hội học và nhân học, không phải chỉ liên quan đến đời sống tinh thần mà còn là lối sống, bao gồm cả phương thức sản xuất và công nghệ, khối tri thức và cách tạo ra tri thức, cách suy nghĩ và cảm xúc, cách sinh hoạt và giải trí, cách giáo dục và đào tạo con người. Văn hóa được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác thông qua quá trình xã hội hóa - hoạt động không chỉ bó hẹp trong mối quan hệ giao tiếp trực tiếp giữa cá nhân với gia đình và cộng đồng xã hội (như nhà trường hay làng xóm), mà còn thông qua các mối quan hệ giao tiếp gián tiếp giữa con người với các phương tiện truyền thông đại chúng. Nói theo James Wilson và Stan Le Roy Wilson (1998) trong mối quan hệ giữa văn hóa và truyền thông, văn hóa là một hệ thống nhằm sáng tạo, chuyển giao, lưu trữ và chế biến thông tin, và sợi chỉ xuyên suốt tất cả các nền văn hóa là truyền thông và giao tiếp. “Văn hóa đại chúng” (mass culture) hay văn hóa phổ thông (popular culture) là nền văn hóa có các sản phẩm được sản xuất hàng loạt bằng kỹ thuật công nghiệp và được đưa ra thị trường vì quyền lợi của quảng đại người tiêu dùng (Strinati 1995). Văn hóa đại chúng theo cách hiểu của các nhà nghiên cứu phương Tây là nền văn hóa của một xã hội đại chúng - xã hội được hình thành vào cuối thế kỷ 19 dưới tác động của quá trình công nghiệp hóa kéo theo sự gia tăng về số lượng người lao động; sự phát triển mạnh mẽ của hoạt động sản xuất hàng hóa hàng loạt rồi tiêu thụ theo cơ chế thị trường; sự mở rộng về không gian nhờ tiến bộ về giao thông và thông tin; quá trình đô thị hóa và tập trung dân cư tại các đô thị, đồng thời với sự hình thành đời sống chính trị dân chủ. Nền văn hóa này có đối tượng thụ hưởng là đại đa số dân chúng - những người có trình độ giáo dục ở mức độ tương đối, và được phổ cập, truyền bá rộng rãi thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng (PTTTĐC) như báo chí, phát thanh và ngày nay là truyền hình và internet. Văn hóa đại chúng gắn liền với sự xuất hiện của công nghiệp văn hóa (culture industry) – thuật ngữ xuất hiện lần đầu tiên trong bài tiểu luận kinh điển ‘Công nghiệp văn hóa: Biện chứng của thời đại khai sáng” của Max Horkheimer và Theodor Andorno vào năm 1947, trong đó, 2 đại diện tiêu biểu của trường phát Frankfurt cho rằng, văn hóa đã được thương phẩm hóa, được con người mua bán, và nó dường như mất đi khả năng đóng vai trò phê phán mang tính trừu tượng. Họ cho rằng văn hóa đại chúng thuộc về nền văn hóa công nghiệp, trong đó, nguyên tắc thương nghiệp thay thế cho nguyên tắc nghệ thuật, đòi hỏi của thị trường thay thế cho yêu cầu về tinh thần, và điều này khiến cho văn hóa đại chúng trở nên tầm thường, chỉ mang ý nghĩa minh họa, không có quan hệ gì tới tính chân thực hoặc giá trị nghệ thuật. Các học giả của trường phái Frankfurt cho rằng, công chúng là những người tiêu thụ thụ động không có khả năng đề kháng trước sự thuyết phục của các PTTTĐC; là các cá nhân đang bị biến thành những khối đại chúng (masses), chỉ biết làm theo người khác, và không còn óc phê phán. Theo họ, tính đại chúng trong các sản phẩm văn hóa đại chúng xét về mặt ý thức hệ, đại diện cho sự sáng tạo mang tính cảm tính của tập đoàn chiếm hữu tư bản văn hóa xã hội, là sự lừa dối, chế ngự đại chúng một cách công khai của chủ nghĩa cực quyền trong xã hội tư bản thông qua các hoạt động giải trí. Nói cách khác, tính đại chúng của văn hóa đại chúng không phải do quảng đại quần chúng quyết định, không phải nảy sinh từ nhu cầu của bản thân quảng đại quần chúng nhân dân, và vì vậy, tính đại chúng của văn hóa đại chúng nằm ngoài đại chúng. Các học giả của trường phái Frankfurt phê phán các đặc trưng của văn hóa đại chúng gồm: xu hướng hàng hóa hóa, xu hướng kỹ thuật hóa, xu hướng tiêu chuẩn hóa và xu hướng áp đặt hóa. Cũng cần phải nói thêm rằng, trước khi trường phái Frankfurt lên tiếng phê phán mạnh mẽ công nghiệp văn hóa, F.R.Leavis và một số nhà nghiên cứu khác như Q. D.Leavis và T.S. Eliot cũng đã chỉ trích ‘văn hóa đại chúng’, trên lập trường của văn hóa tinh hoa (elite culture). Trong tác phẩm ‘Mass Civilization and Minority Culture’ (1930), Leavis cho rằng văn hóa đại chúng không có giá trị thẩm mỹ như văn hóa tinh hoa – loại văn hóa được gìn giữ thông qua văn học, nghệ thuật, âm nhạc và tư tưởng, loại văn hóa chỉ do một số ít người tạo ra và một số ít người có khả năng thưởng thức và chiêm nghiệm; văn hóa đại chúng là tầm thường và giải trí phàm tục vì ‘văn hóa đại chúng’ là loại văn hóa tiêu dùng dành cho đại chúng có trình độ văn hóa thấp… Ông và những người cộng sự cho rằng thương mại là mối hiểm họa cơ bản của văn hóa, trong khi đó, thương mại lại gắn liền với sản phẩm đại chúng và văn hóa đại chúng. Khác biệt với trường phái Frankfurt về lập trường quan điểm, trường phái Birmingham (Anh), với các đại diện tiêu biểu là Raymond Wiliams, Stuart Hall, Tony Bennett, Janet Wollacott và John Fiske lại cho rằng văn hóa đại chúng có 3 đặc trưng tiêu biểu là: không mang tính kinh điển, có tính sáng tạo của người tiêu dùng trong quá trình tiếp nhận sản phẩm văn hóa, và xóa nhòa ranh giới giữa nghệ thuật cao cấp và văn hóa bình dân. Giữ thái độ lạc quan với văn hóa đại chúng, các học giả của trường phái Birmingham khẳng định sự tích cực, chủ động sáng tạo của quần chúng, cũng như đề cao tính nghệ thuật và xúc cảm thẩm mỹ của quần chúng trong quá trình tiêu dùng và thụ hưởng sản phẩm văn hóa đại chúng. Họ đồng thời mở rộng nội hàm của thuật ngữ ‘văn hóa’ và khẳng định, văn hóa là thực tiễn mà cũng là kinh nghiệm, vì vậy, nghiên cứu văn hóa không chỉ giới hạn trong sản phẩm văn hóa, mà còn là toàn bộ quá trình sản xuất, phân phối, và tiêu thụ sản phẩm văn hóa. Văn hóa, bao gồm cả văn hóa vật chất và tinh thần, luôn tiếp biến và quá trình này diễn ra nhanh chóng do các nguyên nhân chủ yếu gồm phát minh, khám phá, phổ biến và khuyếch tán. Với sự ra đời của báo in, radio, truyền hình, và internet, thế kỷ XX là thế kỷ mà các PTTTĐC có những bước phát triển mạnh mẽ, tạo tiền đề cho sự phát triển của xã hội thông tin trong nền kinh tế tri thức ở thế kỷ XXI. Các PTTTĐC là tác nhân cơ bản tạo nên văn hóa đại chúng (Mai Quỳnh Nam, 2010). Và nói như K. Tuner (1984), thì văn hóa đại chúng và truyền thông đại chúng có mối quan hệ cộng sinh phụ thuộc lẫn nhau một cách mật thiết, và chính sự liên kết chặt chẽ này đã làm xuất hiện văn hóa truyền thông (media culture) - hình thức văn hóa hình thành và chịu sự chế định bởi đặc trưng của chính bản thân các PTTTĐC. Dưới ảnh hưởng của các PTTTĐC, biến đổi mạnh mẽ nhất của văn hóa hiện nay được nhiều nhà nghiên cứu lên tiếng cảnh báo là sự tiếp biến từ văn hóa đọc sang văn hóa nghe nhìn, từ văn hóa bút mực sang văn hóa mạng, từ văn hóa tinh hoa sang văn hóa tiêu dùng, vận hành theo quy luật của thị trường với xu hướng chủ yếu là nghệ thuật hóa hàng hóa và hàng hóa hóa nghệ thuật. Nói cách khác, các PTTTĐC không chỉ là kênh chuyên chở những vấn đề văn hóa nghệ thuật, phát tán các sản phẩm của ngành công nghiệp văn hóa, mà bản thân nó là môi trường văn hóa sống động tác động hàng ngày, hàng giờ lên từng thành viên trong cộng đồng xã hội. Thế kỷ XXI đang chứng kiến sự chuyển mình của văn hóa truyền thông, với sự chuyển biến về kỹ thuật từ kỹ thuật analog sang kỹ thuật số, tạo nên sự thay đổi từ truyền thông đại chúng sang phi đại chúng hóa truyền thông đại chúng thông qua các thiết bị và kênh giao tiếp cá nhân hiện đại (iPods, Facebook, Blogs…). Các kênh truyền thông rời rạc, riêng rẽ đang trở nên hội tụ, tích hợp và đa phương tiện. Dòng chảy thông tin không phải một chiều, hai chiều mà đa chiều tạo nên thời đại bùng nổ thông tin, trong đó nhiều giá trị tốt xấu đan xen nhau và khó kiểm soát hơn bao giờ hết… Diện mạo mới của truyền thông đại chúng đang tạo nên làn sóng mới về văn hóa truyền thông, và ngược trở lại, tác động đến sự thay đổi về văn hóa, xã hội, kinh tế và cả chính trị của xã hội loài người. Dù chưa thể cân đo đong đếm những ảnh hưởng của nền văn hóa đại chúng Mỹ, nhưng sự xâm thực của nó dựa trên mạng lưới truyền thông đại chúng toàn cầu là có thực. Sức lôi cuốn của nền văn hóa này đang trở thành một loại công cụ vô cùng hữu hiệu trong việc phát tán sức mạnh mềm của Mỹ, với thông điệp đi kèm là biểu tượng của các giá trị đi cùng chủ nghĩa cá nhân và tự do ngôn luận. Mỹ hiện là nước thu hút nhiều di dân nhất thế giới (gấp 6 lần so với nước đứng thứ 2 là Đức), là nước xuất khẩu phim ảnh, chương trình truyền hình lớn nhất thế giới (khống chế 75% thị trường truyền hình và trên 60% thị trường ... - tailieumienphi.vn
nguon tai.lieu . vn