Xem mẫu

  1. Hội thảo khoa học Quốc gia Quản lý tài nguyên, môi trường và phát triển bền vững vùng Tây Bắc, Việt Nam MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ GIỮ GÌN, PHÁT HUY GIÁ TRỊ VĂN HÓA CÁC DÂN TỘC VÙNG TÂY BẮC THỜI KỲ MỚI ĐÁP ỨNG YÊU CẦU PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG Cao Thị Hạnh Bộ môn Lý luận Chính trị - Trường Đại học Tây Bắc Email: caohanhkllct@gmail.com Tóm tắt: Bước vào đầu thế kỷ XXI, phát triển bền vững là xu thế tất yếu trong tiến trình phát triển của xã hội loài người, Việt Nam không nằm ngoài xu thế đó. Trong thời kỳ mới, Đại hội lần thứ XII của Đảng đã nhấn mạnh: “Văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc”[6, tr. 126]. Cụ thể hóa các nghị quyết của Đảng vào thực tiễn các địa phương, Đảng bộ các dân tộc Tây Bắc luôn quan tâm lãnh đạo việc giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững. Từ nghiên cứu tài liệu, khái quát thực tiễn, bài viết góp phần bàn luận thêm một số vấn đề về giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa các dân tộc Tây Bắc thời kỳ mới nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững. Từ khóa: Văn hóa, dân tộc Tây Bắc, thời kỳ mới, phát triển bền vững. 1. MỞ ĐẦU Tây Bắc bao gồm các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái. Vùng văn hóa Tây Bắc là nơi sinh sống của nhiều tộc người như: Mường, Thái, Tày, Nùng, Mông, Khơ Mú, Giáy, Lào, Lự, Bố Y, Sán Chay, Dao, Hà Nhì, Lô Lô, Kháng, Mảng, Xinh Mun, Cống, Si La... Sự đa dạng của các nhóm cư dân thuộc các nhóm ngôn ngữ khác nhau cùng với sự đa dạng sinh thái ở đây đã tạo ra sự phong phú trong văn hóa tộc người vùng Tây Bắc. Tất cả những sinh hoạt kinh tế - văn hóa - xã hội của cộng đồng các dân tộc vùng Tây Bắc đều được thể hiện trong sinh hoạt, sản xuất, trong phong tục tập quán, lễ hội, tín ngưỡng… Đó là di sản văn hóa truyền thống quý báu của các dân tộc Tây Bắc. Tuy nhiên hiện nay, cùng với quá trình giao lưu văn hóa, tác động của cơ chế thị trường, văn hóa vùng Tây Bắc đang có những biến đổi lớn; công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa đã đạt được nhiều kết quả nhưng vẫn còn những hạn chế, bất cập. Tình hình đó đòi hỏi chúng ta tiếp tục nghiên cứu sâu hơn nữa về văn hóa các dân tộc Tây Bắc nhằm cung cấp cơ sở khoa học cho việc thực hiện chủ trương giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc trong bối cảnh mới. Kế thừa kết quả nghiên cứu của các học giả đi trước, trên cơ sở khảo cứu văn kiện Đảng, chúng tôi cố gắng đi sâu phân tích thêm về một số vấn đề về giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa các dân tộc Tây Bắc thời kỳ mới nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững. 2. NỘI DUNG 2.1. Quan niệm về phát triển bền vững và phát huy giá trị văn hóa Quan niệm phát triển bền vững xuất hiện từ những năm đầu thập kỷ 80 của thế kỷ XX, phát triển bền vững đã và đang trở thành một khái niệm trung tâm, thu hút sự quan tâm của các chính khách, các nhà khoa học trong thế giới đương đại. Nó là khẩu hiệu của hàng trăm tổ chức quốc tế, đề tài của nhiều hội nghị, hội thảo toàn cầu, đặc biệt, phát triển bền vững trở thành nội dung quan trọng hàng đầu trong chiến lược phát triển của hầu hết các quốc gia và vùng lãnh thổ. Cho đến nay, khái niệm được sử dụng do Ủy ban quốc tế về Môi trường và Phát triển (Brundtland) đưa ra năm 1987 như sau: Những thế hệ hiện tại cần đáp ứng nhu cầu của mình, sao cho không phương hại đến khả năng của các thế hệ tương lai đáp ứng nhu cầu của họ. Tại hội nghị Rio de Janeiro năm 1992, sự phát triển bền vững được tái khẳng định là: một là sự phát triển thỏa mãn những nhu cầu của thế hệ hiện tại mà không xâm hại tới khả năng đáp ứng những nhu cầu của các thế hệ tương lai. Phát triển bền vững cũng có thể gọi bằng một cách khác là phát triển “bình đẳng và cân đối” lợi ích giữa các nhóm người trong cùng một thế hệ và giữa các thế hệ. Nội hàm của Phát triển bền vững thể hiện trong khái niệm tại Hội nghị Johannesburg - 2002: Phát triển bền vững là quá trình phát triển có sự kết hợp chặt chẽ, hợp lý và hài hòa giữa ba mặt của sự phát triển, gồm phát triển kinh tế, phát triển xã hội và bảo vệ môi trường. Ngoài ba mặt chủ yếu này, nhiều nhà nghiên cứu và hoạt động xã hội còn đề cập tới những khía cạnh khác của phát triển bền vững như chính trị, văn hóa, tinh thần, dân tộc,... và đòi hỏi phải tính toán và cân đối chúng trong hoạch định các chiến lược và chính sách phát triển kinh tế - xã hội cho từng quốc gia, từng địa phương cụ thể.
  2. Một số vấn đề về giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa các dân tộc 493 vùng Tây Bắc thời kỳ mới đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững Bền vững về văn hóa là một thuật ngữ mới đang được cộng đồng quốc tế quan tâm. Tháng 11/2010, Hội nghị thượng đỉnh Liên minh các đô thị và chính quyền địa phương (UCLG) đã thông qua Tuyên bố chính sách “Văn hóa - cột trụ thứ tư của phát triển bền vững”, trong đó chỉ ra 2 hướng tiếp cận quan trọng là: xây dựng các chính sách văn hóa vững chắc và thúc đẩy các khía cạnh văn hóa trong mọi chính sách công. Phát triển bền vững về văn hóa là một trong bốn mặt của sự phát triển bền vững. Nội dung phát triển bền vững về văn hóa bao hàm nhiều nội dung phong phú, đa dạng. Việc điểm qua một số nét chủ yếu của nội hàm phát triển bền vững có lý do của nó. Đó chính là một trong những luận cứ để Đảng ta đề ra chủ trương xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Văn hóa được xem như sự hóa thân của đời sống, nó thẩm thấu vào mọi lĩnh vực hoạt động của con người, xuyên suốt cơ thể xã hội, nó vừa biểu hiện trình độ người, trình độ xã hội, vừa là tấm gương phản chiếu của một dân tộc, là chứng chỉ để phân biệt dân tộc này với dân tộc khác. Mỗi dân tộc dù ở trình độ phát triển cao hay thấp đều có những nét văn hóa đặc thù riêng của mình. Theo đó, văn hóa chứa đựng sự khác biệt. Giá trị văn hóa của một dân tộc là sự chắt lọc và kết tinh tất cả những gì tốt đẹp nhất qua nhiều thời đại lịch sử để tạo nên bản sắc riêng của một dân tộc. Nó được lưu truyền cho thế hệ sau và trở thành nguồn lực nội sinh để phát triển đất nước. Giá trị văn hóa truyền thống phải là những gì tốt đẹp nhất, phổ biến nhất, cơ bản nhất có tác dụng tích cực cho việc chọn lựa và củng cố hệ giá trị, định hướng và dẫn dắt hành động của cả một dân tộc không chỉ trong quá khứ, mà cả hiện tại và tương lai. Dân tộc Việt Nam với lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước đã xây dựng cho mình một nền văn hiến lâu đời với bức tranh văn hóa vô cùng phong phú, đa dạng. Trong đó, Tây Bắc có không gian văn hóa rất rộng lớn với nhiều nét văn hóa đặc trưng, mà ở đó mỗi dân tộc đều có nền văn hóa riêng được thể hiện qua: tiếng nói, trang phục, cách ăn, nét ở, cách thức đi lại, phương tiện sản xuất, thế ứng xử với tự nhiên, xã hội, con người; tâm lý, tính cách dân tộc, phong tục tập quán, những giá trị văn học nghệ thuật, những giá trị tín ngưỡng, lễ hội,… Tóm lại, đó là kho tàng tổng hợp tất cả những giá trị vật chất, tinh thần, ứng xử của đồng bào các dân tộc Tây Bắc trong cuộc sống. Giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc ở Tây Bắc là giữ gìn tài sản vô giá góp phần làm nên vẻ đẹp phong phú đa dạng của nền văn hóa Việt Nam, đồng thời thể hiện tính ưu việt trong đường lối chính sách dân tộc của Đảng trên lĩnh vực văn hóa. Bước vào thời kỳ đổi mới, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII (1996) của Đảng đã khẳng định: văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu vừa là động lực thúc đẩy phát triển. Vì vậy, chúng ta phải quan tâm đến việc “khai thác và phát triển mọi sắc thái và giá trị văn hóa, nghệ thuật của các dân tộc trên đất nước ta, tạo ra sự thống nhất trong tính đa dạng và phong phú của nền văn hóa Việt Nam” [4, tr. 111]. Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII (1998) của Đảng đã ra nghị quyết về Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, nêu rõ quan điểm của Đảng về văn hóa và văn hóa tộc người, trong đó đặc biệt nhấn mạnh việc bảo tồn, phát huy và phát triển văn hóa nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam. Chính sách dân tộc của Đảng trên lĩnh vực văn hóa thể hiện rõ quan điểm xây dựng một nền văn hóa Việt Nam thống nhất trong đa dạng, bảo tồn phát triển các giá trị tốt đẹp của tất cả các dân tộc nhằm bảo đảm quyền bình đẳng trên lĩnh vực văn hóa. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung và phát triển) được thông qua tại Đại hội lần thứ XI (2011) của Đảng ta chỉ rõ: “Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, phát triển toàn diện, thống nhất trong đa dạng, thấm nhuần sâu sắc tinh thần nhân văn, dân chủ, tiến bộ; làm cho văn hóa gắn kết chặt chẽ và thấm sâu vào toàn bộ đời sống xã hội, trở thành nền tảng tinh thần vững chắc, sức mạnh nội sinh quan trọng của phát triển. Kế thừa và phát huy những truyền thống văn hóa tốt đẹp của cộng đồng các dân tộc Việt Nam” [5, tr. 75 - 76]. Nhằm triển khai Nghị quyết Đại hội, tại Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã thông qua Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09/6/2014 về Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, xác định những nhiệm vụ xây dựng và phát triển văn hóa trong giai đoạn mới, trong đó nhấn mạnh việc giữ gìn và phát huy di sản văn hóa các dân tộc thiểu số, nhất là tiếng nói, chữ viết, trang phục, lễ hội truyền thống; các giá trị văn hóa tích cực trong tôn giáo, tín ngưỡng. Kế thừa, phát triển quan điểm chỉ đạo, những định hướng lớn của Đảng về phát triển văn hóa Việt Nam thời gian qua, Văn kiện Đại hội lần thứ XII (2016) của Đảng nhấn mạnh “Văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” [6, tr. 126].
  3. 494 Cao Thị Hạnh Điểm mới trong quan điểm của Đảng tại Đại hội XII về văn hóa là nhấn mạnh vai trò của văn hóa là một trong các trụ cột của phát triển bền vững; Coi văn hóa là điều kiện cần để bảo đảm cho phát triển bền vững ở Việt Nam; Văn hóa vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội. Chăm lo văn hóa là chăm lo củng cố nền tảng tinh thần của xã hội. Thiếu nền tảng tinh thần tiến bộ, lành mạnh, không thể có sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Ngược lại, xây dựng và phát triển kinh tế phải nhằm mục tiêu văn hóa; Văn hóa phát triển là kết quả của sự phát triển kinh tế, đồng thời tạo động lực cho kinh tế phát triển bền vững; Đồng thời, văn hóa còn phải gắn kết chặt chẽ với đời sống xã hội trên mọi phương diện: chính trị, kinh tế, xã hội, pháp luật, kỷ cương,… để trở thành nguồn lực nội sinh quan trọng nhất của sự phát triển bền vững. Thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, Chính phủ đã ban hành các quy định, chính sách cụ thể. Quyết định số 170-QĐ/TTg ngày 14/8/2003 của Thủ tướng Chính phủ Về chính sách ưu đãi hưởng thụ văn hóa, trong đó đặc biệt ưu tiên cho nhân dân ở các xã khó khăn miền núi và vùng sâu, vùng xa được quy định trong Chương trình 135 thực hiện luân chuyển sách báo từ hệ thống thư viện cấp trên xuống hệ thống thư viện cấp xã, tủ sách cơ sở; tiếp tục cấp một số loại sách báo, tạp chí cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Tiếp đó, Quyết định số 1270-QĐ/TTg ngày 27/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Đề án bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam đến năm 2020, với nội dung: điều tra, khảo sát, thống kê, quản lý, trùng tu các di tích lịch sử, di tích cách mạng, di tích văn hóa, danh lam thắng cảnh, khu vực sinh thái đặc biệt, vườn quốc gia ở miền núi, vùng dân tộc thiểu số; Sưu tầm, giữ gìn, nghiên cứu, giới thiệu các kiểu kiến trúc, trang phục, nhạc cụ, khí cụ, công cụ sản xuất, hàng thổ cẩm, đồ gốm sứ của các dân tộc thiểu số trong các bảo tàng, các trung tâm văn hóa, các triển lãm và trong đời sống hàng ngày; Phát triển sự nghiệp văn hóa, thông tin, nâng cao mức hưởng thụ của đồng bào; Xây dựng gia đình, bản, làng (buôn, phum, sóc) văn hóa; Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ văn hóa, thông tin ở cơ sở, trong đó chú trọng đào tạo cán bộ, công chức là người dân tộc thiểu số. 2.2. Thực trạng giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa các dân tộc Tây Bắc thời kỳ mới Thực hiện chủ trương của Đảng và Chính phủ về phát triển văn hóa các dân tộc, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Tây Bắc đã tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức toàn xã hội về nhiệm vụ giữ gìn và phát huy di sản văn hóa, đặc biệt là bảo tồn văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số. Tiến hành điều tra nghiên cứu về di sản văn hóa các dân tộc thiểu số (cả văn hóa vật thể và phi vật thể) nhằm góp phần định hướng cụ thể cho hoạt động bảo tồn và phát huy văn hóa. Đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động bảo tồn văn hóa của đồng bào các dân tộc vào sự nghiệp giữ gìn bản sắc văn hóa. Với sự hỗ trợ kinh phí của Trung ương và phát huy nội lực của từng địa phương, công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc Tây Bắc đã đạt được những kết quả quan trọng: Một là, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa dân gian. Trong những năm qua, Nhà nước ta hết sức quan tâm đến bản sắc dân tộc trong vốn cổ văn nghệ dân gian các dân tộc Tây Bắc. Đã đầu tư sưu tầm các loại hình văn hóa nghệ thuật dân gian các dân tộc như; dân ca, truyện cổ, truyện thơ, ca dao, đồng dao, tục ngữ, thành ngữ, câu đố, dân vũ, nhạc dân gian,… Đã tổ chức ghi âm, ghi hình nhiều lễ hội và các bài khấn liên quan đến các lễ hội cầu mùa, xên bản, xên mường,… Những tư liệu sưu tầm đang được lưu giữ tại nhiều địa phương. Đáng chú ý hiện nay, nơi đang lưu giữ nhiều tư liệu về vốn cổ là thư viện tỉnh Sơn La và Viện Nghiên cứu Văn hóa nghệ thuật Bộ Văn hóa thông tin. Nhà nước đã quan tâm xuất bản vốn văn nghệ dân gian cổ truyền các dân tộc Tây Bắc. Hàng trăm cuốn sách được tuyển chọn biên soạn từ vốn cổ đã được in ấn và phát hành rộng rãi trong xã hội. Có thể điểm ra đây một số tên sách như: Luật tục Thái, Đồng dao Thái, Xống chụ xon xao, Thái kỏm kem, Khun Lú - Nàng Ủa, Mo vái, Mo khuông, Đang vần va, Truyện cổ Thái, Truyện cổ Hà Nhì, Truyện cổ Khơ Mú, Hiếm Hom - Cầm Đôi, Truyện cổ Dao, Tục ngữ Thái, Không thương nhau sẽ khổ, Vươn chang hằm, Lời tang lễ,… Dạy và học tiếng nói, chữ viết các dân tộc được thực hiện đa dạng, các kênh phát thanh, truyền hình bằng tiếng dân tộc. Như tỉnh Sơn La, 11 huyện và 01 thành phố có trạm thu phát truyền hình, hàng năm sản xuất trên 1.000 chương trình tiếng Thái, tiếng Mông, tiếng phổ thông. Hiện nay các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu, Điện Biện đã mở nhiều lớp học tiếng Thái; Sưu tầm chữ Thái cổ, biên soạn, biên dịch. Hòa Bình còn thành lập câu lạc bộ bảo tồn và phát triển văn hóa Mường Mai. Hai là, bảo tồn, khai thác tốt các di tích lịch sử - văn hóa: Nhiều di tích lịch sử - văn hóa như: Khu Di tích lịch sử Tây Tiến, Di tích Thanh niên xung phong - ngã ba Cò Nòi, Nhà tù Sơn La, Nhà tù Lai Châu, Sở Chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ, Tượng đài chiến thắng, Đồi A1, C1,… đã trở thành địa chỉ đỏ, giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ mai sau. Công tác bảo tồn và khai thác cổ vật, hiện vật bảo tàng được chú trọng. Tính đến nay, tại bảo tàng Hòa Bình đã lưu giữ trên 10.000 đơn vị hiện vật và tài liệu trong đó có nhiều hiện vật có giá trị cao như hiện vật văn hóa Hòa Bình, sưu tập trống đồng cổ, sưu tập gốm sứ trong mộ Mường và sưu tập các văn vật của các
  4. Một số vấn đề về giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa các dân tộc 495 vùng Tây Bắc thời kỳ mới đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững dân tộc trong tỉnh. Các quần thể di tích được trùng tu, tôn tạo cũng như tiến hành khai quật khảo cổ, phục vụ hoạt động du lịch trở về cội nguồn. Ba là, khơi dậy, phát triển mạnh mẽ phong trào văn hóa văn nghệ, trong đó đặc biệt coi trọng các giá trị dân gian, truyền thống. Khai thác và sử dụng có hiệu quả các giá trị văn hóa tiêu biểu như: múa chuông dân tộc Dao; múa ô, múa khèn dân tộc Mông; múa xòe (xòe vòng, xòe khăn, xòe nón, xòe quạt, xòe sạp, xòe chai) dân tộc Thái; Ô la so sọ, Nhám nhám bâư của dân tộc Si La,… trong các hội thi dân ca, dân vũ, liên hoan văn hóa văn nghệ, trong dịp lễ hội các địa phương. Ngoài các điệu múa, các dân tộc ít người ở Tây Bắc còn có nhiều loại nhạc cụ dùng để đệm cho hát hay hòa tấu: Tính tẩu của người Tày, Thái, Nùng; sáo, khèn của người Mông; khèn bè, pí thiu, pí tam lay, pí tót, pí pặp, pí đôi của người Thái; cò ke, dàn cồng của người Mường,… Chỉ tính riêng Sơn La đã có hàng nghìn đội văn nghệ các bản (Bản Cá, Bản Bó, Bản Tông, Bản Lầu, Bản Panh,…), tổ dân phố thường xuyên tổ chức các hoạt động văn nghệ, các chương trình văn nghệ đặc sắc giao lưu với các tỉnh bạn và các tỉnh Bắc Lào. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ của đồng bào các dân tộc phát triển khá mạnh, góp phần nâng cao văn hóa, góp phần đẩy lùi những hủ tục lạc hậu, góp phần xây dựng đời sống văn hóa mới trên các bản làng. Bốn là, phục hồi, phát huy có chọn lọc các lễ hội truyền thống. Lễ hội gioóng poọc (Lào Cai); Hội mừng cơm mới của người Thái, hội cầu mùa của người Khơ Mú, xíp xí của người Mường (Sơn La), lễ hội Gầu Tào của người Mông, lễ hội Ksai xà típ của dân tộc Xinh Mun, lễ hội Pang à của dân tộc La Ha,… là những lễ hội mang đậm sắc thái của các dân tộc Tây Bắc. Đây là sinh hoạt văn hóa dân gian tổng thể, đang được lưu giữ góp phần xây dựng bức tranh văn hóa Việt Nam phong phú, đa dạng và đậm đà bản sắc dân tộc. Nhằm tôn vinh bản sắc văn hóa dân tộc thông qua lễ hội dân gian các vùng miền, việc khôi phục và tổ chức các lễ hội truyền thống như: ngày hội văn hóa dân tộc Mường được tổ chức Hòa Bình, Thanh Hóa; ngày hội văn hóa dân tộc Thái; ngày hội văn hóa dân tộc Mông; lễ hội Hoa Ban được tổ chức ở Sơn La, Điện Biên; đặc biệt là “ngày hội văn hóa các dân tộc Tây Bắc” được tổ chức hàng năm,… là hành động thiết thực góp phần vào giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, giáo dục truyền thống tốt đẹp của cha ông. Năm là, mở rộng và nâng cao hoạt động hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở; tăng cường phương tiện và các sản phẩm văn hóa tới vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Dù còn nhiều khó khăn về kinh tế - xã hội, các tỉnh Tây Bắc đã rất nỗ lực đầu tư củng cố, xây dựng thêm và nâng cao hiệu quả hoạt động của nhà văn hóa. Đến nay, hầu hết các xã được phủ sóng phát thanh, truyền hình, có điểm bưu điện - văn hóa, điện thoại và internet. Hoạt động phát thanh truyền hình được đổi mới và nâng cao chất lượng. Nhiều chương trình truyền hình địa phương bằng tiếng dân tộc được thực hiện. Nhiều bộ phim chiếu phục vụ đối tượng hưởng chính sách ưu đãi được lồng tiếng hoặc thuyết minh bằng tiếng dân tộc; số đơn vị chiếu phim trên địa bàn Tây Bắc tăng, số thư viện và đầu sách tăng nhanh. Những thành quả quan trọng đạt được cho thấy: Đảng và Nhà nước đã tạo mọi điều kiện để đồng bào các dân tộc Tây Bắc có quyền hưởng thụ và phát triển các giá trị văn hóa dân tộc mình, đồng thời được hưởng thụ thành quả văn hóa của các dân tộc khác, phát triển hài hòa trong nền văn hóa đa dạng và thống nhất của đất nước, hướng tới sự bình đẳng trên lĩnh vực văn hóa giữa các dân tộc. Bên cạnh những kết quả đạt được là to lớn và có ý nghĩa quan trọng; công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa còn bộc lộ một số hạn chế như: Một số chính sách chưa cụ thể, cơ chế quản lý điều hành thực hiện chính sách còn thiếu sự tập trung đồng bộ; công tác tuyên truyền trong nhân dân, đặc biệt là đối với đồng bào dân tộc thiểu số về bảo tồn di sản văn hóa chưa được chú trọng. Một số nội dung cần bảo tồn gấp như: ngôn ngữ, sáng tác văn học dân gian, tri thức bản địa của các dân tộc chưa được quan tâm toàn diện, dẫn đến hiệu quả bảo tồn còn thấp. Tình trạng bản sắc văn hóa dân tộc Tây Bắc của nhiều tộc người bị mai một nghiêm trọng. Các bản làng của đồng bào các dân tộc ở vùng ven đô thị, ven đường giao thông có nguy cơ “Kinh hóa” như: bản Bó Ẩn, Bản Buổn, bản Giảng Lắc, Bản Lầu, bản Cọ,… trên địa bàn thành phố Sơn La còn rất ít nhà sàn thay vào đó là nhà xây cao tầng hiện đại. Trong sinh hoạt thường ngày cũng như trong lao động sản xuất rất ít thấy bà con các dân tộc ít người vùng Tây Bắc mặc trang phục truyền thống của dân tộc mình; thay vào đó, các trang phục truyền thống chỉ xuất hiện trong các dịp sinh hoạt lễ hội truyền thống. Đa phần các bộ trang phục sản xuất thủ công không còn mà thay vào đó là các trang phục mà nguyên liệu được sản xuất bằng phương pháp công nghiệp. Các thầy đồ, thầy cúng hiểu sâu về thế giới tâm linh người dân tộc, nhiều nghệ nhân giỏi ngày càng già hóa đi; trong khi lớp trẻ có xu hướng ngày càng ít học tiếng dân tộc, thay vào đó là sử dụng ngôn ngữ của dân tộc Kinh, không còn hào hứng với văn hóa truyền thống của chính dân tộc mình. Nhiều trẻ em người dân tộc không biết nói tiếng mẹ đẻ, không thích mặc trang phục dân tộc, những làn điệu dân ca, dân vũ, trò chơi dân gian,... của dân tộc mình. Nhiều thanh
  5. 496 Cao Thị Hạnh niên các dân tộc vùng Tây Bắc đi làm công nhân tại các nhà máy, khu công nghiệp tại các tỉnh miền xuôi, nơi đó lại không có điều kiện, môi trường cho sinh hoạt văn hóa. Chính vì vậy, chưa giải quyết hài hòa và thỏa đáng mối quan hệ giữa bảo tồn di sản với phát triển kinh tế - xã hội. Khoảng cách hưởng thụ văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số Tây Bắc chênh lệch khá cao so với các vùng khác trong cả nước. Hiện nay lối sống thực dụng, chạy theo đồng tiền, tệ nạn xã hội và một số loại tội phạm trên một số địa bàn có chiều hướng gia tăng. Hệ thống thiết chế văn hóa, cơ sở vật chất, kỹ thuật cho hoạt động văn hóa còn thiếu và yếu, có nơi xuống cấp, thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cộng đồng. Kinh phí bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa hạn hẹp. Chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” chưa cao, thiếu sự đầu tư cho phong trào cơ sở, kết quả không bền vững; còn tình trạng chạy theo thành tích. 2.3. Một số kiến nghị nhằm giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa các dân tộc Tây Bắc nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững Để tiếp tục bảo tồn giá trị văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số Tây Bắc và để những giá trị đó mãi là dòng chủ lưu trong sự biến đổi nhiều chiều của đời sống xã hội hiện nay, tác giả đề xuất một số kiến nghị như sau: Một là, Quan tâm giáo dục lý tưởng, đạo đức và lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ về vị trí, vai trò của giá trị văn hóa truyền thống trong sự phát triển bền vững theo quan điểm của Đảng. Các địa phương phải cụ thể hóa chủ trương của Đảng thành chính sách nhất quán, đồng bộ, phù hợp với đặc điểm các dân tộc liên quan tới công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa. Có cơ chế nâng cao mức hưởng thụ văn hóa cho đồng bào dân tộc thiểu số. Phát huy vai trò của các tổ chức đoàn thể quần chúng, các tổ chức xã hội trong việc vận động, tổ chức giới trí thức, văn nghệ sĩ thực hiện nhiệm vụ văn hóa. Có chính sách khuyến khích văn nghệ sĩ gắn bó với cơ sở, sáng tạo ra những tác phẩm có giá trị phục vụ sản xuất và đời sống văn hóa của nhân dân. Hai là, tăng cường nguồn lực cho hoạt động văn hóa. Tăng ngân sách cho hoạt động văn hóa các địa phương; tiếp tục mở rộng, xây dựng công trình văn hóa cộng đồng ở các xã đặc biệt khó khăn. Đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động văn hóa thông tin, khuyến khích nhân dân xây dựng phong trào văn hóa, văn nghệ tại địa phương. Đào tạo, phát triển đội ngũ cán bộ văn hóa, cán bộ khoa học người dân tộc, am hiểu văn hóa bản địa kết hợp với sử dụng những kết quả sưu tầm, nghiên cứu của các nhà khoa học Trung ương để phân loại, bảo tồn, giữ gìn và phát huy được giá trị văn hóa các dân tộc Tây Bắc. Thành lập các Câu lạc bộ bảo tồn văn nghệ dân gian các dân tộc cấp tỉnh; tổ chức lớp truyền dạy thực hành các điệu múa cổ của các dân tộc ở các huyện, thị, thành phố. Đồng thời xây dựng thiết chế văn hóa đến tận các bản làng làm cầu nối trong việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, hướng các hoạt động văn hóa phục vụ mục tiêu phát triển bền vững. Ba là, cụ thể hóa các chính sách văn hóa. Cần triển khai nhiều công tác nghiên cứu, sưu tầm tài liệu hiện vật về các dân tộc nhằm lưu giữ, bảo quản lâu dài và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc. Ðồng thời, tổ chức quảng bá giới thiệu văn hóa truyền thống các dân tộc Tây Bắc đến du khách và các nhà nghiên cứu trong và ngoài tỉnh thông qua các hoạt động triển lãm ảnh, trình diễn thực hành các lễ hội dân gian truyền thống, trình diễn nghề thủ công truyền thống và nghệ thuật trình diễn dân trong những dịp tổ chức các sự kiện văn hóa lớn của tỉnh và khu vực, ngày hội văn hóa các dân tộc trong tỉnh. Bốn là, đẩy mạnh cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa. Hướng cuộc vận động vào phong trào thi đua yêu nước của từng ngành, từng địa phương, đơn vị vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Đẩy mạnh xây dựng gia đình văn hóa, làng bản, khối phố, trường học văn hóa, có chính sách khen thưởng những đơn vị, gia đình thực hiện tốt hàng năm. 3. KẾT LUẬN Tây Bắc là vùng văn hóa đặc sắc với những di sản văn hóa phong phú, đa dạng, giàu bản sắc. Dưới ánh sáng đường lối đổi mới của Đảng ta, công tác giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa các dân tộc Tây Bắc đã được các cấp ủy Đảng, chính quyền nhận thức ngày càng sâu sắc và quan tâm chỉ đạo. Bản sắc văn hóa các dân tộc được tôn trọng, chú ý giữ gìn, khai thác, công tác xây dựng nếp sống văn hóa được chú trọng. Tuy nhiên, những thành tựu đạt được trong công tác giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa các dân tộc Tây Bắc chưa đáp ứng những kỳ vọng của đồng bào các dân tộc. Chính vì vậy, việc giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa các dân tộc phải là một quá trình đồng thời với phát triển kinh tế - xã hội, ổn định và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Đây là nhiệm vụ của người dân vùng Tây Bắc; sự tham gia đông đảo, rộng khắp của nhân dân các dân tộc thiểu số vào phong trào này là nhân tố quyết định để giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.
  6. Một số vấn đề về giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa các dân tộc 497 vùng Tây Bắc thời kỳ mới đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững TÀI LIỆU THAM KHẢO [1]. Bộ Văn hóa Thông tin (2001), Văn bản của Đảng và Nhà nước về công tác văn hóa các dân tộc thiểu số và miền núi, Công ty In và Văn hóa phẩm, Hà Nội. [2]. Trần Bình (2001), Tập quán hoạt động kinh tế của một số dân tộc ở Tây Bắc Việt Nam, Nhà xuất bản Văn hóa dân tộc, Hà Nội. [3]. Trần Bình (2017), Tây Bắc vùng văn hóa giàu bản sắc, Nhà xuất bản Mỹ Thuật, Hà Nội. [4]. Đảng Cộng sản Việt Nam (1996), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, Hà Nội. [5]. Đảng Cộng sản Việt Nam (2011), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội. [6]. Đảng Cộng sản Việt Nam (2016), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội. [7]. Hoàng Nam (1998), Bước đầu tìm hiểu văn hóa tộc người - Văn hóa Việt Nam, Nhà xuất bản Văn hóa dân tộc, Hà Nội. [8]. Nhiều tác giả (2001), Giữ gìn, phát huy di sản văn hóa các dân tộc Tây Bắc, Nhà xuất bản Văn hóa dân tộc - Tạp chí Văn hóa nghệ thuật, Hà Nội. [9]. Hoàng Lương (2011), Lễ hội truyền thống các dân tộc Việt Nam các tỉnh phía Bắc, Nhà xuất bản Thông tin và truyền thông, Hà Nội. [10]. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Phân viện Hà Nội (2002), Văn hóa bản làng truyền thống các dân tộc Thái, Mông vùng Tây Bắc Việt Nam, Nhà xuất bản Văn hóa dân tộc, Hà Nội. PRESERVING AND DEVELOPING THE CULTURAL VALUES OF THE NORTHWEST ETHNIC GROUPS IN THE RENOVATION PERIOD TO MEET THE SUSTAINABLE DEVELOPMENT REQUIREMENTS Cao Thi Hanh Department of Political Theory - Tay Bac University Email: caohanhkllct@gmail.com Abstract: In the early 21st century, sustainable development has become an inevitable trend in the development process of human society. Vietnam is not exceptional. In the new context, the XII Congress of the Party affirmed vital role of culture: “Culture becomes a solid spiritual foundation of society, an important endogenous power to ensure the sustainable development and solid protection of the nation” [6, page. 126]. Specifying the Party's resolutions into local realities, Tay Bac Provincial Party Committee always expresses its concern about preserving and promoting the cultural values to achieve sustainable development goals. Drawing on a review of literature and the generalization of shared reality, this article contributes to the further discussion of some issues related to the preservation and promotion of cultural values of the Northwest ethnic groups in the new context of sustainable development. Keywords: Culture, Northwest ethnic group, Sustainable development.
nguon tai.lieu . vn