Xem mẫu

  1. JOURNAL OF SCIENCE OF HNUE Social Sci., 2013, Vol. 58, No. 6, pp. 154-159 MỘT SỐ VẤN ĐỀ CẦN QUAN TÂM TRONG PHÁT TRIỂN DU LỊCH BỀN VỮNG CỦA TỈNH BÌNH THUẬN Nguyễn Thị Bích Thủy1 , Nguyễn Minh Hiếu2 1 Khoa Đào tạo Sau Đại học, Trường Đại học Hải Phòng 2 Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam Tóm tắt. Định vị du lịch đã là một vấn đề khó và càng khó hơn khi định vị ngành du lịch Bình Thuận trong quan hệ vùng và liên vùng trong xu thế hội nhập và phát triển bền vững. Muốn làm được điều đó, các cơ quan quản lí du lịch tỉnh Bình Thuận, doanh nghiệp du lịch, du khách và người dân địa phương cần phải tham gia bảo vệ môi trường và tài nguyên du lịch, bảo vệ du khách trước các vấn nạn xã hội và tai nạn trong hoạt động du lịch. Trước mắt và lâu dài, tỉnh Bình Thuận cần xây dựng và hiện thực hóa chiến lược phát triển du lịch bền vững trong bối cảnh hội nhập có tính đến quan hệ vùng và liên vùng nhằm giải quyết những thách thức của ngành kinh tế mũi nhọn trong quá trình phát triển. Từ khóa: Bình Thuận, phát triển du lịch bền vững, bảo vệ du khách. 1. Mở đầu Đã từ lâu du lịch được xác định không chỉ là tiềm năng mà còn là lợi thế không nhỏ trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Thuận. Theo báo cáo của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bình Thuận, năm 2012 ngành du lịch của tỉnh đạt doanh thu 4.358 tỉ đồng và đón hơn 3.141 triệu lượt khách, trong đó đón khách quốc tế vào khoảng 341.160 lượt, tăng 13,5% so với cùng kìnăm 2011. Với những lợi thế vốn có từ tài nguyên du lịch tự nhiên (các bãi biển đẹp như bãi Đồi Dương, Vĩnh Thủy, Thương Chánh, Biển Rạng, Mũi Đá. . . ; nhiều cù lao đẹp giữa biển như Hòn Bà, Hòn Tranh, Hòn Lao Câu; các hồ thiên nhiên hoặc nhân tạo như hồ Biển Lạc, Bàu Trắng, Sông Quao, Suối Đá, Tân Lập, hồ Núi Đất. . . ), tài nguyên du lịch nhân văn (di tích Trường Dục Thanh, Dinh Thầy Thím, hải đăng Kê Gà, Vạn Thủy Tú, Cổ Thạch Tự, núi Tà Cú, đình làng phường Đức Thắng, Đức Nghĩa, nhà lưu giữ bảo vật vua Chăm, làng dân tộc Chăm,. . . ) phong phú và đa dạng, Bình Thuận nổi lên như là trung tâm nghỉ dưỡng biển tiêu biểu của khu vực Nam Trung Bộ nói riêng và cả nước nói chung. Ngày nhận bài 11/5/2013. Ngày nhận đăng 22/08/2013. Liên lạc Nguyễn Thị Bích Thủy, e-mail: nguyenthibichthuy.dhhp@gmail.com 154
  2. Một số vấn đề cần quan tâm trong phát triển du lịch bền vững của tỉnh Bình Thuận Tuy nhiên, trong quá trình phát triển này lại nảy sinh không ít vấn đề cần quan tâm, nếu không nói là những vấn đề cần khắc phục như: bảo vệ môi trường và tài nguyên du lịch, bảo vệ du khách trước các vấn nạn xã hội và thiên tai, chiến lược phát triển du lịch bền vững trong bối cảnh hội nhập, quan hệ vùng và liên vùng,. . . trong quá trình phát triển du lịch bền vững của tỉnh. 2. Nội dung nghiên cứu 2.1. Bảo vệ môi trường và tài nguyên du lịch Có thể nói năm 1995 là năm đánh dấu địa danh Bình Thuận trên bản đồ du lịch Việt Nam và thế giới. Từ một vùng đất rất ít du khách và các công ti du lịch biết đến, Bình Thuận với hàng loạt địa danh du lịch như Hòn Rơm, Phan Thiết, Mũi Né,. . . đã cuốn hút các nhà tổ chức du lịch đến và chọn nơi đây đặt cơ sở làm ăn lâu dài. Chỉ sau một thời gian ngắn, từ năm 2000 đến nay, Bình Thuận đã trở thành trung tâm nghỉ dưỡng, biển đảo, resort của nước ta với hơn 200 resort các loại, được phân bố dọc bờ biển phía Bắc và phía Nam của tỉnh. Với tốc độ tăng trưởng nhanh, khách du lịch và doanh thu từ du lịch đã làm cho tài nguyên du lịch và môi trường bị khai thác ồ ạt, không kiểm soát nổi, thậm chí có nhiều địa điểm đã khai thác vượt quá sức chứa, nhất là vào các kì nghỉ dài ngày và các lễ hội lớn, đã tác động không nhỏ đến môi trường tự nhiên và môi trường văn hóa. Theo [4], tốc độ tăng trưởng khách du lịch và doanh thu du lịch tỉnh Bình Thuận giai đoạn 2000 - 2010 đạt mức bình quân từ 12%-18% /năm. Trong những kì nghĩ lễ dài ngày hoặc vào các mùa lễ hội truyền thống lớn, số lượng du khách lên đến con số từ 40 nghìn đến 60 nghìn người/ngày, đã gây quá tải cục bộ cho tiểu vùng du lịch phía Bắc của tỉnh, và chính từ đó đã nảy sinh hàng loạt vấn đề về môi trường, về vấn đề bảo vệ du khách... Môi trường được khai thác dưới nhiều khía cạnh khác nhau, từ việc khai thác dưới hình thức tự nhiên không tác động, khai thác có tác động một phần và khai thác làm biến đổi môi trường hoàn toàn. Dù khai thác dưới bất kì hình thức nào cũng đều ảnh hưởng đến vi môi trường, thậm chí làm biến dạng các thành phần của môi trường tự nhiên mà thiên nhiên phải mất hàng trăm triệu năm mới có thể hình thành. Mật độ resort được cấp phép xây dựng khá dày đặc nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng nhiều và càng cao của du khách trong nước lẫn du khách quốc tế, đã tác động tích cực đến việc biến đổi các thành phần môi trường tự nhiên (đất, nước, khí hậu, gió,. . . ). Địa hình tự nhiên được khai thác để phục vụ các công trình dân sinh và du lịch đã làm thay đổi hệ số thấm nước, thay đổi dòng chảy ngầm dưới biển, hạ thấp mực nước ngầm do khai thác quá mức và phát quang các hệ sinh thái bề mặt vốn thưa thớt,. . . Từ những thay đổi nhanh chóng của địa hình bề mặt kéo theo là sự thay đổi hệ số xói mòn địa hình bờ biển, xói mòn các dạng địa hình dương, tăng cường hình thành các bồi tụ dưới đáy biển, hình thành các vực nước sâu nguy hiểm ven bờ, thay đổi vi khí hậu ở nhiều khu vực,. . . Theo [6] tác động từ hoạt động du lịch đã ảnh hưởng khá rõ nét đến môi trường tự nhiên trên địa bàn qua các chỉ số mực nước ngầm hạ thấp, xói mòn và bồi tụ địa hình xuất hiện qua 155
  3. Nguyễn Thị Bích Thủy, Nguyễn Minh Hiếu hệ số bồi lắng lòng sông các khu vực xây dựng ồ ạt, thay đổi hoạt động của dòng biển,. . . Lượng du khách gia tăng nhanh tỉ lệ thuận với lượng chất thải ra môi trường, trong khi đó, các biện pháp thu gom, xử lí chất thải chưa tương xứng. Tỉ lệ thu gom rác tại một số khu du lịch và khu vực dân sinh lân cận Phan Thiết - Mũi Né chỉ đạt khoảng từ 70% đến 85% lượng rác thải ra [5,6]. Biện pháp thu gom rác thải chưa áp dụng công nghệ khoa học mà chủ yếu sử dụng phương thức xử lí rác thải thô sơ (hầu hết là chôn lấp hoặc vận chuyển và tập kết đến các khu vực đất trống, sau đó đốt cháy). Điều này, chẳng khác nào đưa ô nhiễm đi xa hơn, đến những nơi vốn không tạo ra nguồn chất thải, và lại gây ô nhiễm ở những nơi mới trong tương lai. Về khí thải và nước thải, tuy chưa vượt tiêu chuẩn môi trường quy định, nhưng cũng đã gây ra các hiệu ứng và tác hại như mẩn ngứa đối với du khách khi tắm ở các khu vực bờ biển gần với các khu dân cư đang sinh sống, gây ngộ độc với một số loài tảo, rong biển hay một số loài cá ven bờ khi chúng tiếp xúc với các nguồn chất thải từ bờ đưa ra. Ngoài ra, các chỉ số về độ ẩm, nhiệt độ, hướng gió, tần suất bão,. . . của khu vực trong những năm gần đây có xu hướng thay đổi tiêu cực, ảnh hưởng đến tâm lí của du khách khi chọn Bình Thuận làm điểm đến trong lộ trình du lịch của mình [6]. Không thể phủ nhận du lịch Bình Thuận khởi sắc đã góp phần khai thác hiệu quả và tôn tạo nguồn tài nguyên du lịch nhân văn của tỉnh. Nhiều di tích lịch sử, văn hóa, kiến trúc được tôn tạo và đưa vào khai thác hiệu quả, góp phần bảo tồn di sản của cha ông và được quảng bá với bạn bè quốc tế. Nhiều lễ hội quốc tế (Lướt ván buồm quốc tế, Festival thuyền buồm, Lễ hội Khinh khí cầu quốc tế, Cuộc thi bán Marathon quốc tế,. . . ), phẩm vật, sản vật, công trình văn hóa nghệ thuật vật thể và phi vật thể được phục dựng, sao chép, khai thác phục vụ nhu cầu ngày càng đa dạng của nhân dân, du khách trong nước và quốc tế đến với Bình Thuận. Tuy nhiên, trong quá trình đó cũng không tránh khỏi những ảnh hưởng không tốt. Việc khai thác quá mức cho phép hoặc khai thác không đúng công năng sử dụng đã làm không ít di sản bị hủy hoại và bị mai một dần. Công tác phục dựng và tôn tạo một số di sản do không được đầu tư đúng mức về kinh phí và sự tham gia của các nghệ nhân, các nhà khoa học chuyên ngành đã trở nên xa lạ với người dân địa phương, thậm chí một số di sản lại đột lốt ngoại lai, thần bí. Không ít lễ hội dân gian bị thương mại hóa quá mức, chạy theo các nhà tài trợ đã mất đi nét truyền thống vốn có của lễ hội. Xu hướng này diễn ra không chỉ ở Bình Thuận mà còn thấy ở khắp nơi trong cả nước. 2.2. Bảo vệ du khách trước các vấn nạn xã hội và tai nạn Bảo vệ du khách trước các vấn nạn xã hội và tai nạn không chỉ là nhiệm vụ của các nhà tổ chức du lịch mà còn là thương hiệu du lịch của một địa danh. Các vấn nạn ăn xin, chèo kéo du khách, tăng giá và thu phí quá quy định, nhất là trong các dịp lễ quan trọng, đây cũng là những hiện tượng thường thấy tại các điểm du lịch ở nước ta. Ở Bình Thuận, tuy không nổi cộm các hiện tượng nêu trên nhưng vẫn đang tồn tại các vấn nạn và gây trở ngại đối với các du khách đến tham quan. Một hiện tượng khác thường thấy là các hướng dẫn tour bắt tay với các nhà sản xuất, 156
  4. Một số vấn đề cần quan tâm trong phát triển du lịch bền vững của tỉnh Bình Thuận các đại lí dẫn khách tham quan các địa điểm không có trong chương trình để nhận tiền hoa hồng. Đây cũng là vấn nạn trong phát triển du lịch bền vững vì gây lãng phí thời gian cho du khách, cắt hoặc rút ngắn chương trình tham quan, thậm chí cắt hoặc rút ngắn các chương trình đặc sắc của chuyến tham quan, làm du khách hiểu không hay về du lịch Bình Thuận. Về lâu dài, việc này sẽ ảnh hưởng đến uy tín và thương hiệu của doanh nghiệp, của một vùng đất du lịch. Tai nạn là điều không ai muốn khi đi du lịch nhưng không có nghĩa là không ảnh hưởng đến khách du lịch. Việt Nam nói chung và Bình Thuận nói riêng được xem là điểm đến an toàn đối với khách du lịch. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, tai nạn xảy ra cho du khách quốc tế trong khi du lịch tại Việt Nam và Bình Thuận có xu hướng gia tăng như tai nạn giao thông, ngộ độc thực phẩm, chết đuối, căng thẳng tâm lí về đề phòng cướp giật, hoạt động mô tô nước ảnh hưởng đến sự an toàn cho du khách tắm biển, . . . Nguyên nhân của vấn nạn thì nhiều, nhưng vấn đề đặt ra là các nhà tổ chức du lịch, các hướng dẫn viên cần dự báo, thông báo và có những ứng cứu kịp thời trước những tình huống không hay xảy ra nhằm giảm thiệt hại về người và tài sản đến mức thấp nhất. Làm được điều này sẽ góp phần gia tăng thị phần cho các công ti tổ chức và giúp du khách có hào hứng quay lại du lịch Bình Thuận lần sau. 2.3. Chiến lược phát triển du lịch bền vững trong bối cảnh hội nhập Trong hội nhập kinh tế, du lịch là ngành hội nhập sâu và rộng, tạo tiền đề phát triển và quảng bá hình ảnh của địa phương ra thế giới. Chính vì lẽ đó, phát triển du lịch cần được tạo điều kiện thuận lợi và ổn định cho mọi đối tượng liên quan, từ các nhà tổ chức, đầu tư du lịch, khách du lịch trong nước và quốc tế, nhà nước và nhân dân địa phương. Chiến lược phát triển du lịch cần đặt trong chiến lược phát triển chung của tỉnh Bình Thuận và cả nước. Muốn vậy, chiến lược đó cần phải đáp ứng các điều kiện cơ bản sau đây: Thứ nhất, các cơ quan quản lí tỉnh Bình Thuận cần có quy hoạch du lịch chung và chi tiết cho từng địa bàn du lịch trong thời gian ngắn và dài hạn, đi kèm là các yêu cầu kĩ thuật đầu tư và nghĩa vụ đóng góp của doanh nghiệp kinh doanh du lịch. Thứ hai, chiến lược quy hoạch du lịch tỉnh Bình Thuận cần ổn định trong một thời gian tương đối dài (khoảng từ 10 đến 20 năm hoặc lâu hơn) theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cũng như bảo tồn nguồn vốn cho nhà đầu tư du lịch trong dài hạn. Du lịch là ngành kinh doanh nhạy cảm và thay đổi theo chu kì, do vậy, trong chiến lược du lịch bền vững cần chỉ rõ quyền hạn và nghĩa vụ của 4 bên (nhà nước, nhà đầu tư, du khách và người dân địa phương). Có như thế mới thu hút và giữ chân các nhà đầu tư, góp phần tăng nguồn thu cho ngân sách, mở rộng thị trường du khách và phát triển bền vững các nguồn tài nguyên du lịch, đồng thời giải quyết nguồn lao động tại chỗ,. . . Thứ ba, chiến lược phát triển du lịch bền vững cần xác định du lịch Bình Thuận định vị ở đâu trong hội nhập du lịch quốc gia và thế giới trước mắt cũng như lâu dài; đồng thời, cần phải xác định mối quan hệ giữa các yếu tố (thông tin du khách, tiếp thị quảng 157
  5. Nguyễn Thị Bích Thủy, Nguyễn Minh Hiếu bá, cơ sở nghỉ ngơi, hạ tầng du lịch, địa điểm tham quan, nhu cầu, thị hiếu, tâm lí của du khách, sản phẩm đặc trưng của địa phương,. . . ) của hệ thống du lịch Bình Thuận trong quan hệ vùng và liên vùng. Thứ tư, chiến lược phát triển du lịch bền vững phải tính toán và dự báo được sức chứa của các điểm du lịch, các cụm du lịch. Trên cơ sở tính toán và dự báo, cần có sự kết, phối hợp với các ngành, nghề và các lĩnh vực phục vụ khác nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách theo chu trình từ đầu vào đến đầu ra của ngành du lịch Bình Thuận. Yêu cầu này cần thực hiện triệt để và mang tính chiến lược lâu dài dựa trên các khảo sát định lượng thật cụ thể và khoa học. Nếu cần thiết nên tranh thủ chất xám của bạn bè quốc tế trong lĩnh vực này để đạt được hiệu quả cao nhất trên các phương diện tự nhiên, kinh tế, văn hóa- xã hội và xây dựng chính sách. 2.4. Quan hệ liên vùng trong phát triển du lịch bền vững Thực tế những năm qua cho thấy, du lịch Bình Thuận sẽ không thực sự bền vững nếu không tính đến các yếu tố vùng và liên vùng. Yếu tố này càng đóng vai trò quan trọng trong hội nhập du lịch quốc tế khi xem xét kết quả đánh giá sơ bộ du lịch nước ta sau 5 năm gia nhập WTO. Tính vùng và liên vùng thể hiện qua tổ chức và điều hành các mạng lưới thông tin du lịch, tour, tổ chức điểm đầu - điểm cuối, điểm du lịch, sản phẩm du lịch bổ sung,. . . và quan trọng hơn cả là sự điều phối các nguồn lực trong hệ thống đầu tư, thông tin, năng lượng, vị trí địa lí, tín dụng, kinh nghiệm quản lí và tổ chức, nguồn nhân lực, các dự án đầu tư [7],. . . Bình Thuận gần như là trung điểm giữa các trung tâm du lịch lớn ở phía Nam là TP. Hồ Chí Minh, Đà Lạt và Nha Trang, với những nguồn lực tự nhiên, văn hóa - xã hội tương đối thuận lợi để có thể cạnh tranh cũng như cộng sinh cùng phát triển. 3. Kết luận Phát triển du lịch đã đóng góp một phần đáng kể cho thu nhập quốc dân, song trong quá trình phát triển cũng cần chú ý đến bảo vệ tài nguyên, bảo vệ môi trường và ngăn ngừa các vấn nạn xã hội xảy ra... Có như vậy mới đảm bảo phát triển du lịch bền vững, hấp dẫn du khách có thể quay lại lần sau đối với các điểm du lịch trong nước nói chung và đối với Bình Thuận nói riêng. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Nguyễn Văn Đính, Trần Thị Minh Hòa, 2009. Giáo trình Kinh tế du lịch. Nxb Đại học Kinh tế Quốc dân, Hà Nội. [2] Phạm Trương Hoàng, 2012. Định vị du lịch biển Việt Nam. Báo Bình Thuận, số ra ngày 20/12/2012. [3] Ngọc Lân, 2012. Bình Thuận – Điểm đến hấp dẫn của du khách Nga. Báo Bình Thuận, số ra ngày 10/12/2012. 158
  6. Một số vấn đề cần quan tâm trong phát triển du lịch bền vững của tỉnh Bình Thuận [4] Cục Thống kê tỉnh Bình Thuận, 2013. Niên giám thống kê Bình Thuận 2012. Bình Thuận. [5] Đặng Văn Phan, Nguyễn Minh Hiếu, Vũ Thị Bắc, 2012. Phát triển không gian kinh tế biển Việt Nam: quan điểm và vận dụng dưới góc nhìn Địa lí học. Hội thảo Quốc tế Việt Nam học lần thứ IV, Việt Nam. [6] La Nữ Ánh Vân, 2012. Phát triển du lịch tỉnh Bình Thuận trên quan điểm phát triển bền vững. Trường Đại học Sư phạm Tp. HCM. [7] Nguyên Vũ, 2012. Bình Thuận vào top 10 sự kiện du lịch quốc gia. Báo Bình Thuận, số ra ngày 30/12/2012. [8] UBND tỉnh Bình Thuận. Đề án quy hoạch tổng thể phát triển du lịch đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. ABSTRACT Some issues of concern regarding the development of sustainable tourism in Binh Thuan Province Positioning tourism is a difficult problem and it’s particularly difficult to locate Binh Thuan tourism industry in the region and the country-wide. To improve this situation, Binh Thuan tourism agencies and business, tourists and local people need to protect their natural environment and places of tourism, focusing on protecting tourists before they are victims of accidents. In the short and long term, Binh Thuan province needs to make and develop realistic strategies in order to realize a sustainable development of tourism in the context of integration, taking into account regional and inter-regional relations to address the challenges of key economic sectors in the development process. 159
nguon tai.lieu . vn