Xem mẫu

  1. PHÁT TRIỂN KINH TẾ TƯ NHÅN Ở HÂI PHÒNG - VÇN ĐỀ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN 669 MỘT SỐ TRAO ĐỔI VỀ XÂY DỰNG VÀ HOÀN THIỆN KHUNG KHỔ PHÁP LÝ ĐỐI VỚI HỘ KINH DOANH ThS. Nguyễn Thị Thu Hằng Khoa Lý luận chính trị, Trường Đại học Hải Phòng Tóm tắt: Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 03 tháng 6 năm 2017 của Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII “về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa" đã chỉ ra kinh tế tư nhân sẽ là một trong những động lực quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế tại Việt Nam trong những năm tới. Hộ kinh doanh là hình thức kinh doanh quan trọng trong khu vực kinh tế tư nhân với hơn 5,1 triệu HKD, đồng thời chiếm hơn 30% GDP. Vì vậy, việc nghiên cứu nhằm hướng tới xây dựng và hoàn thiện một thể chế pháp lý đầy đủ và phù hợp đối với hộ kinh doanh là một yêu cầu cấp thiết. Bài viết, trên cơ sở đánh giá vai trò của hộ kinh doanh và các quy định pháp luật hiện hành, đưa ra một số kiến nghị hướng tới đáp ứng yêu cầu nêu trên. Từ khóa: Nghị quyết số 10-NQ/TW, kinh tế tư nhân, hộ kinh doanh. SOME IDEAS ABOUT BUILDING AND PERFECTING THE LEGAL FRAMEWORK FOR HOUSEHOLD BUSINESS Abstract: Resolution No.10-NQ /TW of June 3, 2017 of the 5th Plenum of the Party Central Committee XII about "Developing the private economy sector into an important driving force of the socialist-oriented market economy" has shown that the private economy will be the important driving force for economic growth in Vietnam in the coming years. Household business are important form of business in the private sector, with more than 5.1 million ones, and accounting for over 30% of GDP. So, the research geared towards building and perfecting a complete and appropriate legal institution for household business is an urgent requirement. The article, based on the assessment of the role of business households and current legal provisions, making some recommendations towards meeting the above requirements. Keywords: Resolution No.10-NQ /TW, private economy, household business. I. MỞ ĐÆU Kinh tế tư nhân tại Việt Nam được xác định là khu vực kinh tế nằm ngoài khu vực kinh tế nhà nước (không bao gồm khu vực có vốn đầu tư nước ngoài), bao gồm kinh tế cá thể, tiểu chủ và kinh tế tư bản tư nhân dựa trên sở hữu tư nhân về tư liệu sản xuất. Hiện nay, kinh tế tư nhân tồn tại dưới các hình thức như: doanh nghiệp tư nhân, công ty trách
  2. 670 KINH TẾ TƯ NHÅN Ở HÂI PHÒNG - THỰC TRÄNG VÀ GIÂI PHÁP nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần (không có hoặc có vốn nhà nước dưới 50%) và các hộ kinh doanh cá thể(1). Với đặc thù hoạt động kinh doanh ở Việt Nam chủ yếu ở quy mô nhỏ, hộ kinh doanh (HKD) là hình thức tổ chức kinh doanh phổ biến ở Việt Nam. Ở phương diện số liệu thống kê, hộ kinh doanh hiện nay chủ yếu được hiểu với tính chất là chủ thể kinh doanh do cá nhân, hộ gia đình làm chủ, không đăng ký kinh doanh theo Luật doanh nghiệp và có hoạt động chính là hoạt động phi nông nghiệp(2). Số lượng HKD ở nước ta hiện nay chiếm một tỷ lệ lớn trong khu vực kinh tế tư nhân với hơn 5,1 triệu HKD, đồng thời chiếm hơn 30% GDP (trong đó chỉ có trên 1,6 triệu HKD có đăng ký kinh doanh). Vì vậy, để phát triển kinh tế tư nhân, cần thiết phải coi trọng xây dựng khung chính sách nhằm khuyến khích, tạo điều kiện cho HKD phát triển ổn định, phù hợp với năng lực vốn có. II. NỘI DUNG NGHIÊN CỨU 1. Hộ kinh doanh và vai trò trong nền kinh tế 1.1 Hộ kinh doanh trong pháp luật Việt Nam Trong thời kỳ tập trung bao cấp, do quá trình cải tạo XHCN thực hiện công hữu hoá tư liệu sản xuất, hình thức kinh doanh cá thể bị xoá bỏ. Kể từ sau khi nước ta thực hiện công cuộc đổi mới (năm 1986), với việc thừa nhận sự tồn tại của nhiều thành phần kinh tế, HKD đã có môi trường pháp lý để phát triển trong nền kinh tế. Trên cơ sở tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI: “Khuyến khích phát triển kinh tế gia đình. Sử dụng khả năng tích cực của nền kinh tế tiểu sản xuất hàng hoá…”, Hội đồng bộ trưởng đã ban hành Nghị định số 27-HĐBT ngày 9/3/1988. Nghị định đã công nhận sự tồn tại của các thành phần kinh tế cá thể và tư bản tư doanh với các hình thức hộ cá thể, hộ tiểu công nghiệp (xưởng, cửa hàng…), và xí nghiệp tư doanh. Theo Điều 2 của Bản quy định ban hành kèm theo Nghị định này, hộ cá thể có điều kiện (i) Tư liệu sản xuất và các vốn khác thuộc sở hữu của người đứng tên kinh doanh; (ii) chủ đăng ký kinh doanh phải là lao động trực tiếp; (iii) những người lao động khác phải là bố mẹ, vợ, chồng, con hoặc những người thân khác có tên trong sổ đăng ký hộ khẩu của người đứng tên đăng ký kinh doanh; (iiii) thu nhập sau khi đóng thuế thuộc quyền sở hữu của chủ hộ. Khác với hộ cá thể, hộ tiểu công nghiệp ngoài điều kiện tư liệu sản xuất và các vốn khác thuộc sở hữu của chủ hộ, còn kèm thêm các điều kiện: (i) là các công xưởng hoặc cửa hàng; (ii) được thuê mướn lao động theo hợp đồng giữa chủ và người làm thuê; (iii) chủ hộ có thể là người đóng vai trò chính về kỹ thuật sản xuất và tự điều hành sản xuất kinh doanh. Như vậy, đây được coi là những quy định đầu tiên về HKD trong pháp luật thời kỳ sau đổi mới. (1) Chuyên đề số 18: Phát triển kinh tế tư nhân và cơ cấu lại nền kinh tế trong điều kiện CMCN 4.0, Viện nghiên cứu kinh tế trung ương, 2018, tr.2. (2) XavierOudin, Laure Pasquier Doumer, IRD, TS. Nguyễn Thắng,The importance of household business and informal sector for inclusive growth in vietnam, NXB Thế giới, 2017, tr.28.
  3. PHÁT TRIỂN KINH TẾ TƯ NHÅN Ở HÂI PHÒNG - VÇN ĐỀ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN 671 Tuy nhiên, phải đến năm 2000, HKD (hay còn được gọi bằng tên gọi khác là HKD cá thể) với tính chất như hiện nay mới chính thức được ghi nhận và điều chỉnh bằng Nghị định số 02/2000/NĐ-CP ngày 3/2/2000 của Chính phủ về đăng ký kinh doanh. Theo Nghị định số 02/2000/NĐ-CP: “HKD cá thể do một cá nhân hoặc hộ gia đình làm chủ, kinh doanh tại một địa điểm cố định, không thường xuyên thuê lao động, không có con dấu và chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với hoạt động kinh doanh” (Điều 17). Ngày 02 tháng 04 năm 2004 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 109/2004/ NĐ-CP về đăng ký kinh doanh thay thế cho Nghị địnhsố 02/2000/NĐ-CP, trong đó quy định “HKD cá thể do một cá nhân hoặc hộ gia đình làm chủ, chỉ được đăng ký kinh doanh tại một địa điểm, sử dụng không quá mười lao động, không có con dấu và chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với hoạt động kinh doanh” (Điều 24). Như vậy, từ chỗ không được thường xuyên thuê lao động, Nghị định số 109/2004/ NĐ-CP đã cho phép HKD cá thể được sử dụng không quá 10 lao động để tiến hành hoạt động sản xuất, kinh doanh. Với việc ban hành Nghị định số 88/2006/NĐ-CP ngày 29/8/2006 về đăng ký kinh doanh thay thế Nghị định số 109/2004/ NĐ-CP, HKD cá thể được đổi tên thành HKD và tên gọi này được tiếp tục sử dụng trong các văn bản ban hành sau đó cũng như hiện nay. Theo Điều 36 Nghị định số 88/2006/NĐ-CP quy định: “HKD do một cá nhân là công dân Việt Nam hoặc một nhóm người hoặc một hộ gia đình làm chủ, chỉ được đăng ký kinh doanh tại một địa điểm, sử dụng không quá mười lao động, không có con dấu và chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với hoạt động kinh doanh”. Khái niệm này tiếp tục được sử dụng trong Nghị định số 43/2010/NĐ-CP ngày 15/4/2010 của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp. Cùng với sự ra đời của Luật doanh nghiệp năm 2014, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 78/2015/NĐ-CP ngày 14/9/2015 về đăng ký doanh nghiệp. Nghị định này đã cụ thể hóa về chủ thể thành lập HKD ngay trong khái niệm HKD, đồng thời quy định giảm số lượng lao động được phép sử dụng: “HKD do một cá nhân hoặc một nhóm người gồm các cá nhân là công dân Việt Nam đủ 18 tuổi, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, hoặc một hộ gia đình làm chủ, chỉ được đăng ký kinh doanh tại một địa điểm, sử dụng dưới mười lao động và chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với hoạt động kinh doanh” (Điều 66). Trên cơ sở khái niệm HKD được đề cập trong các văn bản quy phạm pháp luật nêu trên, có thể thấy HKD trong pháp luật Việt Nam mang một số đặc điểm cơ bản sau đây: - Về chủ thể thành lập: HKD chỉ có thể được thành lập bởi công dân Việt Nam hoặc hộ gia đình. Với cá nhân hoặc nhóm người thành lập HKD, ngoài điều kiện quốc tịch, còn phải bảo đảm có năng lực hành vi dân sự đầy đủ (từ đủ 18 tuổi trở lên, không bị mất hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự theo quy định của Bộ luật dân sự). Đối với hộ gia đình, việc thành lập HKD được thực hiện trên nền tảng kinh tế chung của các thành viên, mọi hoạt động kinh doanh do các thành viên trong gia đình quyết định, hộ gia đình cử một người làm đại diện để thực hiện các giao dịch kinhh doanh.
  4. 672 KINH TẾ TƯ NHÅN Ở HÂI PHÒNG - THỰC TRÄNG VÀ GIÂI PHÁP - Về chế độ trách nhiệm: HKD có chế độ trách nhiệm vô hạn. Cá nhân là chủ HKD phải chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với hoạt động kinh doanh của hộ.Trường hợp HKD do nhóm người làm chủ, nếu tài sản của HKD không đủ để thực hiện các nghĩa vụ tài sản, các thành viên phải đóng góp bằng tài sản riêng của mình để trả nợ. Tương tự với trường hợp hộ gia đình làm chủ, nếu tài sản của HKD không đủ để thực hiện các nghĩa vụ tài sản thì phải sử dụng tài sản chung của hộ gia đình hoặc các thành viên phải đóng góp bằng tài sản riêng của mình để trả nợ. Tính chất liên đới giữa các thành viên được thể hiện khi có một trong số các thành viên hoặccủa nhóm người hoặc của hộ gia đình không có khả năng góp thêm tiền và tài sản để trả nợ theo thỏa thuận thì các thành viên khác có trách nhiệm phải lấy tài sản của mình để tiếp tục trả nợ cho đến khi khoản nợ được thanh toán đầy đủ. - Về tư cách pháp lý: HKD không có tư cách pháp nhân, không có con dấu riêng. Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định tại Điều 74: "Một tổ chức được công nhận là pháp nhân khi có đủ các điều kiện sau đây: (i) Được thành lập theo quy định của pháp luật; (ii) Có cơ cấu tổ chức chặt chẽ theo quy định của pháp luật; (iii) Có tài sản độc lập với cá nhân, pháp nhân khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình; (iv) Nhân danh mình tham gia quan hệ pháp luật một cách độc lập". HKD không có sự tách bạch rõ ràng giữa tài sản của hộ và tài sản của chủ hộ, đồng thời trong quá trình hoạt động chủ hộ cũng có thể phải tiếp tục bỏ tài sản riêng của mình vào để duy trì hoạt động của hộ cũng như phải dùng toàn bộ sản của mình để chịu trách nhiệm về hoạt động kinh doanh. Vì vậy, về mặt pháp lý, HKD không đáp ứng điều kiện để trở thành pháp nhân. - Về sử dụng lao động và quy mô kinh doanh: HKD chỉ được sử dụng số lượng lao động hạn chế (dưới 10 lao động như quy định tại Nghị định 78/2015/NĐ-CP). HKD chỉ được kinh doanh tại một địa điểm,do đó, không thể mở chi nhánh, văn phòng đại diện ở trong nước và nước ngoài. Trường hợp muốn đầu tư muốn mở rộng quy mô với việc mở thêm các địa điểm sản xuất kinh doanh hay sử dụng số lượng lao động nhiều hơn mức quy định, bắt buộc phải chuyển sang hình thức doanh nghiệp để kinh doanh. 1.2 Vai trò của hộ kinh doanh trong nền kinh tế Việt Nam Cùng với sự tăng trưởng, phát triển của các thành phần kinh tế trong giai đoạn qua, khu vực kinh tế tư nhân trong đó bao gồm HKD ngày càng tăng trưởng về số lượng cũng như ngành nghề kinh Doanh. HKD giữ vị trí quan trọng trong nềnn kinh tế, thể hiện ở một số khía cạnh sau đây: - Thúc đẩy sự phát triển của kinh tế thị trường HKD là hình thức kinh doanh phổ biến nhất của các chủ sở hữu với quy mô nhỏ. Theo thống kê, số lượng HKD hiện nay nhiều gấp khoảng 10 lần tổng số doanh nghiệp đang hoạt động và vẫn có xu hướng tăng qua các giai đoạn phát triển (Hình 1).
  5. PHÁT TRIỂN KINH TẾ TƯ NHÅN Ở HÂI PHÒNG - VÇN ĐỀ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN 673 Do đơn giản về thủ tục gia nhập thị trường, có ít ràng buộc pháp lý về tổ chức quản lý, phù hợp với nhiều đối tượng chủ thể, lứa tuổi, vùng miền và không đòi hỏi quá cao về khả năng tài chính…mô hình HKD thích hợp với kinh doanh quy mô nhỏ ở các địa phương. Cũng nhờ đó, HKD là nơi huy động có hiệu quả nguồn vốn trực tiếp trong dân cư,khai thác và thúc đẩy một cách rộng rãi và có hiệu quả các nguồn lực tham gia vào hoạt động kinh tế. Đánh giá cho thấy hiệu quả sử dụng vốn của HKD cao hơn nhièu so với khu vực doanh nghiệp: nếu như các doanh nghiệp chỉ tạo ra 0,7 đồng doanh thu trên 1 đồng vốn, thì tỷ lệ này là 3 đồng đối với HKD. Chính sự phát triển của HKD trong nhiều lĩnh vực khác nhau và đặc biệt gia tăng mạnh mẽ trong các ngành dịch vụ đã góp phần tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của quan hệ hàng hoá - tiền tệ, nâng cao tính cạnh tranh trong nền kinh tế. - Đóng góp cho tăng trưởng kinh tế Với đóng góp lên đến 30% GDP của nền kinh tế Việt Nam hàng năm, cho thấy HKD có những đóng góp rất quan trọng trong tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhậpdân cư. Số liệu thống kê năm 2018 của Tổng cục thống kê cho thấy cơ cấu kinh tế của Việt Nam năm 2018 tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực theo xu hướng giảm tỷ trọng các ngành nông, lâm ngư nghiệp và thuỷ sản, tăng tỷ trọng ngành công nghiệp, xây dựng và dịch vụ. Trong đó khu vực dịch vụ chiếm tỷ trọng lên đến 41,17%, hoạt động thương mại dịch vụ như bán buôn, bán lẻ, dịch vụ lưu trú và ăn uống…có đóng góp lớn vào tăng trưởng GDP. Với số lượng lên đến hơn 5 triệu hộ, phát triển ở các lĩnh vực chủ yếu phục vụ nhu cầu sinh hoạt đời sống, HKD có vai trò đáng kể trong tạo ra của cải vật chất, hàng hóa,
  6. 674 KINH TẾ TƯ NHÅN Ở HÂI PHÒNG - THỰC TRÄNG VÀ GIÂI PHÁP dịch vụ cho xã hội, trực tiếp đóng góp cho tăng trưởng kinh tế. Đặc biệt, nhờ có mạng lưới rộng khắp, phát triển cả ở những vùng xa, khu vực khó khăn mà các lĩnh vực kinh doanh khác không đáp ứng được, đây cũng là kênh phân phối và lưu thông hàng hóa quan trọng, giúp cân đối thương mại và phát triển kinh tế của địa phương. - Giải quyết các vấn đề xã hội. HKD là nơi tạo ra nhiều việc làm nhất so với các doanh nghiệp hoạt động theo quy định của Luật Doanh nghiệp. Số liệu thống kê những năm qua cho thấy, lao động làm việc tại các HKD luôn chiếm 40 - 45% tổng lao động của khu vực doanh nghiệp, cao hơn so với doanh nghiệp tư nhân trong nước (34-36%) và cao hơn nhiều so với doanh nghiệp nhà nước (khoảng 8%) cũng như doanh nghiệp FDI (14-15%)(1). Điều này có ý nghĩa rất quan trọng trong tình hình sức ép rất lớn về việc làm trong xã hội như hiện nay. Không chỉ tạo việc làm, tăng thu nhập và xoá đói giảm nghèo trực tiếp cho chính những người làm chủ, HKD còn gián tiếp tạo thu nhập, nâng cao đời sống cho những đối tượng là người có thu nhập thấp, người nghèo ở cả khu vực thành thị và khu vực nông thôn. Chính nhờ có những HKD này nên những người nghèo mới tiếp cận được với các hàng hoá, dịch vụ sớm hơn, nhanh hơn và với giá bình dân hơn. Đồng thời, khu vực này cũng là nơi tiếp nhận những người lao động không đủ trình độ, tiêu chuẩn làm việc trong khu vực doanh nghiệp, khu vực hành chính sự nghiệp... Sự tồn tại của HKD trong các lĩnh vực dịch vụ truyền thống hay hoạt động trong các làng nghề đã góp phần vào việc gìn giữ, bảo tồn và phát triển các ngành nghề truyền thống của Việt Nam. Vì vậy, tạo việc làm, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động xã hội và góp phần vào chương trình xoá đói, giảm nghèo cho thấy vai trò không nhỏ của HKD trong giải quyết các vấn đề xã hội hiện nay. 2. Thực trạng khung pháp lý của hộ kinh doanh hiện nay 2.1 Hộ kinh doanh vẫn đang được điều chỉnh bằng văn bản dưới luật. Mặc dù là chủ thể chiếm số lượng đông đảo nhất trong các chủ thể tham gia hoạt động kinh doanh, tuy nhiên, cho đến nay chưa có bất kỳ văn bản luật nào quy định cụ thể về địa vị pháp lý của HKD. Vì vậy các quy định về quyền và nghĩa vụ pháp lý của chủ thể này có thể nói là chưa được các nhà lập pháp quan tâm xây dựng nhằm đảm bảo một hành lang pháp lý minh bạch cho hoạt động của nó. Nghị định số 78/2015/NĐ-CP ngày 14/9/2015 của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp được sửa đổi bổ sung bằng Nghị định số 108/2018/NĐ-CP ngày 23/8/2018 của Chính phủ là văn bản đang có hiệu lực trực tiếp quy định về HKD. Chương VIII của Nghị định này gồm 14 điều luật (từ Điều 66 đến Điều 79) quy định về thành lập và đăng ký HKD cho thấy sự bất hợp lý về hình thức quy định khi mà nội dung này được ghi nhận trong một văn bản với tên gọi “Nghị định về đăng ký doanh nghiệp”, trong khi HKD không được thừa nhận là doanh nghiệp, không chịu sự điều chỉnh chung của Luật doanh nghiệp. (1) Số liệu Tổng cục thống kê năm 2014, 2015.
  7. PHÁT TRIỂN KINH TẾ TƯ NHÅN Ở HÂI PHÒNG - VÇN ĐỀ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN 675 Bên cạnh Nghị định số 78/2015/NĐ-CP, hoạt động kinh doanh của cá nhân trong lĩnh vực thương mại còn được điều chỉnh bằng Nghị định số 29/2007/NĐ-CP của Chính phủ ngày 16/3/2007 về hoạt động thương mại một cách độc lập thường xuyên không phải đăng ký kinh doanh. Theo quy định của Nghị định này, cá nhân hoạt động thương mại là cá nhân tự mình hàng ngày thực hiện một, một số hoặc toàn bộ các hoạt động được pháp luật cho phép về mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ và các hoạt động nhằm mục đích sinh lợi khác nhưng không thuộc đối tượng phải đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật về đăng ký kinh doanh và không gọi là “thương nhân” theo quy định của Luật thương mại (Ví dụ: người buôn bán rong, buôn bán vặt, buôn chuyến…). Nghị định số 29/2007/NĐ-CP quy định tập trung về phạm vi kinh doanh của cá nhân hoạt động thương mại và trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước đối với hoạt động của các đối tượng này. 2.2 Quy định pháp luật về hộ kinh doanh còn chưa hoàn thiện, chưa đầy đủ, chưa rõ ràng, thiếu nhất quán Theo quy định tại Nghị định số 78/2015/NĐ-CP, HKD hiện nay có thể do một cá nhân, nhóm người hoặc hộ gia đình làm chủ. Xét về mô hình, có thể thấy HKD do một cá nhân làm chủ có nhiều điểm giống loại hình doanh nghiệp tư nhân; HKD do một nhóm người làm chủ có nhiều điểm giống loại hình công ty hợp danh; HKD do hộ gia đình làm chủ giống với hình thức hộ gia đình theo quy định của Bộ luật dân sự. Tuy nhiên, nếu như Luật doanh nghiệp có quy định cụ thể về cơ cấu tổ chức quản lý đối với các loại hình doanh nghiệp thì pháp luật về HKD chưa có quy định về vấn đề này. Vì vậy, hoạt động của HKD vẫn dựa trên cơ chế đại diện theo quy định chung của Bộ luật dân sự đối với loại chủ thể hộ gia đình. Điều này không chỉ gây khó khăn cho HKD trong việc xác lập các quan hệ kinh doanh mà còn khó xác định trách nhiệm và quyền lợi của các thành viên trong hoạt động của HKD. Về vấn đề sử dụng lao động, nghị định số 78/2015/NĐ-CP quy định hộ kinh doanh “sử dụng dưới 10 lao động”. Tuy nhiên, việc “sử dụng” lao động ở đây là loại lao động như thế nào lại chưa rõ ràng. Theo quy định của pháp luật lao động hiện hành, người lao động có thể lao động theo hợp đồng lao động có thời hạn, hợp đồng lao động không xác định thời hạn hoặc làm việc theo thời vụ hoặc công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng. Trong khi đó, theo quy định của Luật doanh nghiệp năm 2014: “hộ kinh doanh sử dụng thường xuyên từ 10 lao động trở lên phải đăng ký thành lập doanh nghiệp theo quy định của Luật này” (Khoản 2 Điều 212). Như vậy, theo Luật doanh nghiệp chỉ trong trường hợp số lượng lao động sử dụng của HKD là lao động có tính chất “thường xuyên” thì mới được xác định là tiêu chí để buộc HKD chuyển đổi thành doanh nghiệp. Việc quy định không thống nhất giữa các văn bản này cũng như những bất cập trong thực trạng quản lý lao động hiện nay là nguyên nhân dẫn đến khó khăn trong việc xác định HKD đủ điều kiện để phải chuyển đổi lên doanh nghiệp.
  8. 676 KINH TẾ TƯ NHÅN Ở HÂI PHÒNG - THỰC TRÄNG VÀ GIÂI PHÁP 2.3 Khung pháp lý đối với hộ kinh doanh còn nhiều bất bình đẳng so với doanh nghiệp. Mặc dù HKD hoạt động kinh doanh một cách chuyên nghiệp và có nhiều điểm tương đồng với doanh nghiệp tư nhân như không có tư cách pháp nhân, chịu trách nhiệm vô hạn đối với hoạt động kinh doanh, không bị hạn chế về quy mô vốn đầu tư, không được phát hành chứng khoán. Tuy nhiên, HKD có một số bất lợi so với doanh nghiệp ở một số khía cạnh sau: - Về quyền kinh doanh: Theo quy định của pháp luật hiện nay, trong một số lĩnh vực kinh doanh, chủ thể thực hiện hoạt động kinh doanh chỉ có thể là doanh nghiệp (tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, dịch vụ lữ hành…). Vì vậy HKD bị hạn chế không thể tham gia kinh doanh trong những lĩnh vực này. Bên cạnh đó, theo quy định hiện hành, HKD chỉ được bảo hộ đối với tên gọi của hộ trong phạm vi đơn vị hành chính cấp huyện điều này đồng nghĩa với quyền kinh doanh bị giới hạn trong phạm vi cấp huyện. - Về quy mô kinh doanh: Nếu như doanh nghiệp được kinh doanh tại nhiều địa điểm, được phép thành lập một hoặc nhiều chi nhánh, văn phòng đại diện ở trong nước, nước ngoài để mở rộng quy mô kinh doanh, thìHKD chỉ được phép kinh doanh tại duy nhất một địa điểm. - Về sử dụng lao động: Theo quy định hiện hành, HKD chỉ được sử dụng dưới 10 lao động, trường hợp sử dụng thường xuyên từ 10 lao động trở lên phải chuyển đổi thành doanh nghiệp. Trong khi đó doanh nghiệp được phép tuyển dụng lao động theo nhu cầu sản xuất kinh doanh. - Về chính sách ưu đãi: Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đưa ra nhiều biện pháp hỗ trợ đối với các doanh nghiệp, nhưng những hỗ trợ này không được áp dụng với HKD vì theo pháp luật hiện hành HKD cho dù có quy mô tương đương các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ nhưng lại không phải là doanh nghiệp. 3. Một số kiến nghị hoàn thiện khung khổ pháp lý của hộ kinh doanh 3.1. Bổ sung tiêu chí phân biệt hộ kinh doanh và doanh nghiệp Theo quy định pháp luật hiện hành, để phân biệt HKD và doanh nghiệp dựa trên duy nhất một tiêu chí là số lượng lao động. Điều này là bất hợp lý vì có những HKD sản xuất các mặt hàng tiểu thủ công nghiệp (Ví dụ như các HKD trong các làng nghề) mặc dù sử dụng từ 10 lao động trở lên nhưng có quy mô vốn nhỏ, doanh thu thấp thì việc buộc phải chuyển đổi sang hoạt động theo hình thức doanh nghiệp sẽ gây ra nhiều khó khăn về thủ tục hành chính, chi phí họat động. Ngược lại, có những HKD có quy mô vốn lớn, áp dụng công nghệ hiện đại chỉ sử dụng một vài lao động vận hành hệ thống máy móc, doanh thu cao thì không thuộc diện bắt buộc phải chuyển đổi đồng thời vẫn được hưởng chính sách khoán thuế mà không phải thực hiện chế độ sổ sách kế toán, thống kê theo quy định, có thể gây ra sự thất thoát thuế cho nhà nước. Trong khi đó, theo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017, Nghị định số 39/2018/NĐ-CP ngày 11-3-2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, tiêu chí để xác định doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa được quy định bao gồm số lao động tham gia bảo hiểm xã hội
  9. PHÁT TRIỂN KINH TẾ TƯ NHÅN Ở HÂI PHÒNG - VÇN ĐỀ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN 677 bình quân năm, doanh thu, nguồn vốn. Do đó, cần bổ sung thêm tiêu chí quy mô vốn, mức doanh thu hoặc lợi nhuận làm cơ sở phân biệt giữa HKD và doanh nghiệp. 3.2. Luật hóa các quy định đối với hộ kinh doanh. Trong xây dựng chính sách và quy chế pháp lý cho hộ kinh doanh hiện nay đang tồn tại hai luồng quan điểm. Quan điểm thứ nhất là đưa hộ kinh doanh vào làm đối tượng điều chỉnh của Luật doanh nghiệp, coi hộ kinh doanh như doanh nghiệp và sử dụng khung khổ pháp lý đối với doanh nghiệp để điều chỉnh. Dựa trên quan điểm này, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật đầu tư, Luật doanh nghiệp đã sửa đổi phạm vi áp dụng cảu Luật doanh nghiệp và đưa ra quy định bổ sung Chương VIIa, quy định về HKD với 2 điều luật: Điều 187b, Điều 187c. Quan điểm thứ hai là cần thiết phải xây dựng một khung khổ pháp lý chắc chắn cho HKD trên cơ sở tháo gỡ những khó khăn hiện nay đối với mô hình kinh doanh này, khuyến khích, tạo điều kiện cho HKD phát triển theo năng lực. Những người ủng hộ quan điểm này cho rằng việc buộc các HKD hiện nay phải chuyển đổi hoạt động dưới hình thức doanh nghiệp là một quá trình “cưỡng ép”, phi thực tế(1), gây khó khăn cho không chỉ ban soạn thảo Luật doanh nghiệp, HKD mà còn cho các bộ, ngành, cho giới luật sư, chuyên gia tư vấn doanh nghiệp…2 Theo ý kiến riêng của tác giả, việc đưa HKD vào Luật doanh nghiệp để điều chỉnh như dự thảo đang xây dựng là chưa phù hợp. Sự tồn tại của HKD trong thực tế là nhu cầu không thể phủ nhận và không thể buộc tất cả các HKD hiện tại phải hoạt động giống như với doanh nghiệp. Việc ban hành các quy định pháp luật điều chỉnh HKD phải xuất phát từ yêu cầu tạo đòn bẩy hữu hiệu nhất để thúc đẩy khu vực này phát triển và đóng góp cho kinh tế. Vì vậy, trước hết các nhà làm luật cần xác định lại nội hàm khái niệm doanh HKD trong các văn bản quy phạm pháp luật hiện nay. Chỉ nên đưa đối tượng HKD do cá nhân làm chủ hoạt động với quy mô nhỏ và HKD do hộ gia đình làm chủ điều chỉnh bằng Luật về HKD, đồng thời quy định rõ địa vị pháp lý đối với đối tượng này, quyền, nghĩa vụ trong hoạt động kinh doanh, tổ chức quản lý. Đối với HKD do nhóm người làm chủ và HKD do cá nhân làm chủ có quy mô xác định chuyển sang kinh doanh theo LDN với loại hình tương ứng (Công ty hợp danh, Doanh nghiệp tư nhân). 3.3 Bổ sung các quy định pháp luật nhằm tạo điều kiện đơn giản hóa thủ tục, chi phí thành lập và xác lập cơ chế hỗ trợ sự phát triển của hộ kinh doanh Hiện nay Việt Nam có hơn 5 triệu HKD, nhưng trong số đó chỉ có khoảng 1,6 triệu hộ có đăng ký kinh doanh, đó cũng là những HKD đã đạt đến một quy mô nhất định. Với 3.4 triệu HKD còn lại, chủ yếu là những HKD có quy mô nhỏ và các hộ gia đình sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, làm muối… không phải đăng ký kinh doanh. Cùng với việc xác (1) “Khuyến khích hộ kinh doanh phát triển theo năng lực”, http://www.daibieunhandan.vn/default.aspx?tabid=75&NewsId=418622, truy cập 25/8/2019. (2) “Đưa hộ kinh doanh cá thể vào Luật doanh nghiệp: một đề xuất thực sự gây khó”, Lê Duy Bình, Tọa đàm Nghiên cứu khung khổ pháp lý cho HKD theo Luật Doanh nghiệp
  10. 678 KINH TẾ TƯ NHÅN Ở HÂI PHÒNG - THỰC TRÄNG VÀ GIÂI PHÁP định lại nội hàm khái niệm HKD như đã trình bày ở trên, nên chăng cần quy định theo hướng gỡ bỏ yêu cầu phải đăng ký kinh doanh đối với đối tượng này nhằm khuyến khích, tạo điều kiện để mọi người dân, đặc biệt là những người có nhu cầu khởi nghiệp có thể tham gia kinh doanh theo hình thức này. Mặc dù có sự khác biệt giữa HKD và doanh nghiệp, nhưng đây đều là những chủ thể có đóng góp tích cực vào nền kinh tế, thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế thị trường do đó đòi hỏi phải có một mặt bằng chính sách ưu đãi, hộ trợ phù hợp. Vì vậy cần có những quy định hỗ trợ đối với HKD về vốn, về mặt bằng sản xuất, về công nghệ… tương tự như với các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, doanh nghiệp khởi nghiệp. III. KẾT LUẬN HKD là một trụ cột quan trọng của khu vực kinh tế tư nhân ở Việt Nam và vẫn luôn là hình thức được ưu tiên hàng đầu trong việc lựa chọn để khởi nghiệp. Tuy nhiên cho tới nay, HKD vẫn được coi là thuộc khu vực không chính thức hoặc bán chính thức. Hoàn thiện khung khổ pháp lý đối với HKD là thực sự cần thiết nhằm khẳng định địa vị pháp lý, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, minh bạch và bình đẳng cho chủ thể kinh doanh này trong nền kinh tế đáp ứng nhiệm vụ “khuyến khích, tạo điều kiện cho các hộ kinh doanh mở rộng quy mô, nâng cao hiệu quả hoạt động…” mà Nghị quyết số 10-NQ/TW Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã đề ra. TÀI LIỆU THAM KHÂO 1. Chính phủ, Nghị định số 43/2010/NĐ-CP ngày ngày 15/4/2010 về đăng ký doanh nghiệp 2. Chính phủ, Nghị định số 78/2015/NĐ-CP ngày 14/9/2015 về đăng ký doanh nghiệp 3. Niên giám Tổng cục thống kê 4. Lê Duy Bình, “Đưa hộ kinh doanh cá thể vào Luật doanh nghiệp: một đề xuất thực sự gây khó”, Tọa đàm Nghiên cứu khung khổ pháp lý cho HKD theo Luật Doanh nghiệp do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) phối hợp tổ chức 4/2019. 5. Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, Chính thức hóa HKD ở Việt Nam thực trạng và khuyến nghị chính sách, Báo cáo nghiên cứu, 2017. 6. Viện nghiên cứu kinh tế trung ương, Chuyên đề số 18: Phát triển kinh tế tư nhân và cơ cấu lại nền kinh tế trong điều kiện CMCN 4.0, 2018. 7. XavierOudin, Laure Pasquier Doumer, IRD, TS. Nguyễn Thắng,The importance of household business and informal sector for inclusive growth in vietnam, NXB Thế giới, 2017 8. Dự thảo Luật doanh nghiệp sửa đổi (Lần 3), http://duthaoonline.quochoi.vn/DuThao/Lists/DT_DUTHAO_LUAT/View_Detail.aspx?ItemI D=1623&LanID=1704&TabIndex=1, truy cập 20/8/2019. 9. Khuyến khích hộ kinh doanh phát triển theo năng lực, http://www.daibieunhandan.vn/default.aspx?tabid=75&NewsId=418622, truy cập 25/8/2019.
nguon tai.lieu . vn