Xem mẫu

  1. Hội nghị Khoa học công nghệ lần thứ XXII Trường Đại học Giao thông vận tải MỘT SỐ TRAO ĐỔI KHI TRIỂN KHAI GIẢNG DẠY MÔN LỊCH SỬ ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM THEO HƯỚNG TIẾP CẬN CDIO Ở TRƯỜNG ĐẠI HỌC GIAO THÔNG VẬN TẢI HIỆN NAY Nguyễn Thế Tấn 1* 1 Trường Đại học Giao thông Vận tải, Số 3 Cầu Giấy, Hà Nội * Tác giả liên hệ: Email: tan_nt@utc.edu.vn; Tel: 0915211747 Tóm tắt: Từ năm học 2020 – 2021, Trường Đại học Giao thông Vận tải thực hiện triển khai đổi mới công tác giáo dục và đào tạo theo hướng tiếp cận CDIO; đây là một yêu cầu khách quan tất yếu đặt ra cho các trường đại học thuộc khối kỹ thuật, nhằm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng tốt nhu cầu của đất nước và hội nhập quốc tế. Triển khai giảng dạy chương trình, giáo trình mới môn Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam định hướng tiếp cận CDIO để phát huy tính chủ động, tích cực của người học, góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục và đào tạo của Nhà trường. Bài viết trình bày làm rõ việc cần thiết đổi mới chương trình, giáo trình môn Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam theo hướng tiếp cận CDIO và những vấn đề cần chuẩn bị để triển khai hiệu quả trên thực tiễn. Từ khóa: Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, phương pháp tiếp cận, CDIO. 1. ĐẶT VẤN ĐỀ Năm 2000, nghiên cứu về phương pháp tiếp cận CDIO trong dạy học đại học đã được Học viện công nghệ Massachusetts (MIT) và một số trường đại học châu Âu khởi xướng. Ban đầu sáng kiến CDIO là quy ước của một số trường, sau đó được phát triển thành một phương pháp tiếp cận trong cải cách giáo dục kỹ thuật. Hiện nay phương pháp tiếp cận CDIO đã được mở rộng sự tham gia của 116 trường đại học trên thế giới trong việc cải cách căn bản, toàn diện công tác đào tạo của các ngành, chuyên ngành chủ yếu thuộc lĩnh vực kĩ thuật. Ở nước ta, từ năm 2010, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh đã tiếp cận phương pháp CDIO trong cải cách giáo dục và đào tạo. Hiện nay, nghiên cứu triển khai cải cách giáo dục theo hướng tiếp cận CDIO được nhiều trường đại học tiến hành, nhưng tập trung chủ yếu ở các trường khối kỹ thuật. Để nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, đáp ứng tốt nhu cầu nguồn nhân lực cho đất nước và hội nhập quốc tế, Trường Đại học Giao thông Vận tải đang thực hiện triển khai đổi mới các hoạt động đào tạo theo hướng tiếp cận CDIO đối với các ngành, -417-
  2. Hội nghị Khoa học công nghệ lần thứ XXII Trường Đại học Giao thông vận tải chuyên ngành và các môn học, trong đó có môn Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam. 2. NỘI DUNG 2.1. Khái quát quá trình chuyển đổi giảng dạy môn Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam và định hướng tiếp cận CDIO trong triển khai trên thực tiễn Thực hiện Quyết định 52/2008/QĐ – BGDĐT của Bộ giáo dục và đào tạo, từ năm học 2008-2009 các môn Triết học Mác - Lênin, Kinh tế chính trị học Mác - Lênin và Chủ nghĩa xã hội khoa học đã hợp thành môn học Những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin; môn Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam đổi thành môn Đường lối cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam; môn học Tư tưởng Hồ Chí Minh được giữ nguyên. Để đáp ứng yêu cầu của đất nước và hội nhập quốc tế, giáo dục đại học ở nước ta đã triển khai đổi mới trên nhiều lĩnh vực. Đối với chương trình và hình thức đào tạo, các trường đã chuyển dần từ đào tạo theo niên chế sang tín chỉ. Thực hiện chủ trương của Bộ Giáo dục và đào tạo, Trường Đại học Giao thông vận tải đã triển khai đào tạo theo hình thức tín chỉ từ khóa 47 Khoa Công nghệ thông tin, năm học 2006-2007; hình thức đào tạo này được thực hiện trên phạm vi toàn trường từ năm học 2009-2010. Trong hình thức đào tạo niên chế, tổng số tiết dạy của các môn lý luận chính trị chiếm khối lượng lớn của khóa học (tùy từng trường, bình quân khoảng 21 đến 25 đơn vị học trình (ĐVHT); trong đó môn Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam là 4 ĐVHT). Khi chuyển sang đào tạo theo hình thức tín chỉ, các môn học được tích hợp và số giờ học giảm nhiều (còn 10 tín chỉ; trong đó môn Đường lối cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam là 3 tín chỉ). Đào tạo theo hình thức tín chỉ đã phát huy tính chủ động tích cực trong giảng dạy và học tập, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo. Việc kết cấu lại chương trình và nội dung, các môn lý luận chính trị vốn được xem là “nặng” đối với sinh viên đã được giảm tải thời lượng học. Sinh viên có nhiều thời gian hơn để học kiến thức ngành và chuyên ngành, đáp ứng cho công việc sau khi tốt nghiệp. Tuy nhiên, ngay từ khi triển khai giảng dạy các môn lý luận chính trị theo chương trình mới, tại các trường đại học đã có nhiều ý kiến, quan điểm khác nhau, chưa có sự thống nhất cao trong tổ chức giảng dạy. Quá trình thực hiện đã xuất hiện một số bất cập như: Các trường khó khăn trong việc bố trí giảng viên giảng dạy; giảng viên được điều chuyển dạy ở những môn không đúng chuyên ngành đã làm ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo. Tại Trường Đại học Giao thông Vận tải, việc chuyển đổi và triển khai giảng dạy môn học Đường lối cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam có nhiều thuận lợi, đội ngũ giảng viên giảng dạy đảm bảo tốt số lượng và chất lượng. Đối với sinh viên, mặc dù hình thức đào tạo theo tín chỉ cho phép họ không phải lên lớp nhiều như học niên chế. Sinh viên có nhiều thời gian cho tự học, chủ động trong học tập. Tuy nhiên do nhiều nguyên nhân, một bộ phận sinh viên không tận dụng được ưu thế của hình thức học này, họ dùng nhiều thời gian tự học cho những công việc khác. Mặt khác, các môn học lý luận chính trị trong đó có môn Đường lối cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam thường trừu tượng, khô khan, khó nhớ, không -418-
  3. Hội nghị Khoa học công nghệ lần thứ XXII Trường Đại học Giao thông vận tải thuộc khối kiến thức chuyên ngành nên sinh viên thường học đối phó, chỉ tập trung học khi có lịch thi. Từ thực tiễn giảng dạy và học tập các môn lý luận chính trị, ngày 28/3/2014, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã có kết luận số 94KL/TW về tiếp tục đổi mới học tập lý luận chính trị trong hệ thống giáo dục quốc dân, yêu cầu cần đánh giá toàn diện việc giảng dạy và học tập các môn lý luận chính trị tại các trường đại học và cao đẳng, từ đó triển khai xây dựng chương trình và biên soạn giáo trình các môn học mới. Trên cơ sở kết luận của Ban Bí thư, ngày 19/7/2019 Bộ Giáo dục và đào tạo đã có công văn hướng dẫn thực hiện chương trình, giáo trình mới các môn lý luận chính trị. Đây là lần đổi mới toàn diện cả về chương trình số môn học, số lượng tín chỉ và nội dung giảng dạy của từng môn theo hướng tiếp cận những phương pháp dạy học tích cực, phù hợp với yêu cầu tiếp tục đổi mới giáo dục đại học hiện nay. - Về số môn học: Từ 3 môn đã được kết cấu trở lại 5 môn học (Triết học Mác - Lênin, Kinh tế chính trị học Mác – Lênin, Chủ nghĩa xã hội khoa học, Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, Tư tưởng Hồ Chí Minh). - Về số lượng tín chỉ: Tổng số của các môn là 11, trong đó môn học Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam được kết cấu 2 tín chỉ. - Về kiến thức chuyên môn: Nội dung kiến thức của các môn học được xây dựng trên nguyên tắc kế thừa những kiến thức cơ bản trước đó của các chuyên ngành, phù hợp với số lượng tín chỉ và những nhận thức mới. Theo chỉ đạo của Bộ Giáo dục và đào tạo, các trường đại học triển khai giảng dạy và học tập chương trình, giáo trình mới các môn lý luận chính trị từ năm học 2019- 2020. Trường Đại học Giao thông Vận tải triển khai từ K60, năm học 2019-2020; môn Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam được thực hiện từ năm học 2020-2021. Hiện nay, Trường Đại học Giao thông Vận tải đang tích cực triển khai đổi mới công tác giáo dục và đào tạo theo hướng tiếp cận CDIO – đây là một yêu cầu khách quan đặt ra cho các trường khối kỹ thuật, nhằm đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng tốt nhu cầu của đất nước và hội nhập quốc tế. Đổi mới công tác giáo dục và đào tạo theo định hướng CDIO được Nhà trường triển khai đối với tất cả các ngành, chuyên ngành và môn học, trong đó có môn Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam. Quá trình đổi mới giảng dạy và học tập chương trình, giáo trình mới các môn lý luận chính trị, trong đó có môn Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam được thực hiện đồng thời với đổi mới công tác giáo dục và đào tạo theo định hướng CDIO của Nhà trường. Để triển khai thực hiện hiệu quả phải có sự chuẩn bị tích cực các điều kiện cần thiết. Vậy, CDIO là gì? đào tạo theo định hướng tiếp cận theo CDIO được được hiểu như thế nào? - CDIO được viết tắt của cụm từ tiếng Anh: Conceive – hình thành ý tưởng, Design – thiết kế, Implement – triển khai, Operate – vận hành, xuất phát từ ý tưởng của một nhóm trường kỹ thuật, khởi đầu từ Viện Công nghệ MIT (Hoa Kỳ). Cho đến nay, mô hình này được các trường đại học, cao đẳng trên thế giới áp dụng ngày càng nhiều. Về bản chất, CDIO là một giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng yêu cầu xã -419-
  4. Hội nghị Khoa học công nghệ lần thứ XXII Trường Đại học Giao thông vận tải hội trên cơ sở xác định chuẩn đầu ra, từ đó thiết kế chương trình và kế hoạch đào tạo phù hợp. - Đào tạo theo mô hình CDIO, sinh viên cần phải đạt bốn khối kỹ năng, kiến thức và khi tốt nghiệp, sinh viên sẽ phát triển được kỹ năng, kiến thức đó. Mục tiêu đào tạo theo tiếp cận CDIO là hướng tới giúp sinh viên có được kỹ năng cứng và mềm cần thiết khi ra trường, đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi của xã hội cũng như bắt nhịp được với những thay đổi rất nhanh của thực tiễn đời sống xã hội. Những sinh viên giỏi có thể làm chủ, dẫn dắt sự thay đổi cần thiết theo hướng tích cực. Đào tạo theo định hướng CDIO gồm bộ 12 tiêu chuẩn. Để triển khai đổi mới công tác giáo dục và đào tạo theo định hướng tiếp cận CDIO, trong năm qua Nhà trường đã tích cực chuẩn bị các điều kiện cần thiết như: Đưa các giảng viên có kinh nghiệm đi học tập về CDIO ở một số nước và trường đại học đã triển khai đạt kết quả. Thành lập Ban chỉ đạo, tổ chức tập huấn cho các giảng viên của các khoa, bộ môn trong trường; xây dựng chương trình, đề cương bài giảng theo các quy định của CDIO và các điều kiện khác cho công tác giảng dạy. Hiện nay, đối với các môn lý luận chính trị, trong đó có môn Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam khi tiến hành triển khai cần phải đảm bảo các nội dung của chương trình, giáo trình đổi mới và các yêu cầu, quy định trong công tác đào tạo theo định hướng tiếp cận CDIO của Nhà trường. 2.2. Một số trao đổi khi triển khai giảng dạy môn Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam theo hướng tiếp cận CDIO hiện nay Thực hiện chủ trương của Bộ Giáo dục và đào tạo, Trường Đại học Giao thông Vận tải triển khai giảng dạy môn học Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam theo chương trình, giáo trình mới từ K60, năm học 2020-2021 và thực hiện giảng dạy theo định hướng tiếp cận CDIO từ K61. Như vậy, thời gian thực hiện chương trình, giáo trình mới và giảng dạy môn học theo hướng tiếp cận CDIO gần nhau, đây là thuận lợi và cũng đặt ra nhiều thách thức. Để triển khai giảng dạy hiệu quả trên thực tiễn cần tập trung vào một số vấn đề sau: - Thứ nhất, Bộ Giáo dục và đào tạo cần nhanh chóng thống nhất chương trình và giáo trình chính thức của môn học để triển khai vào thực tiễn giảng dạy. Để đảm bảo chất lượng và hiệu quả công tác giảng dạy, trước tiên Bộ Giáo dục và đào tạo cần thống nhất được chương trình và giáo trình môn học chính thức. Hiện tại qua nhiều lần hội thảo, chỉnh sửa, tập huấn, Bộ vẫn chưa thống nhất được chương trình và giáo trình chính thức. Mặt khác, nội dung kiến thức trong giáo trình dự thảo còn nhiều hạn chế, thiếu sự thống nhất, nhiều chỗ trùng lặp. Điều đó cho thấy việc chuẩn bị giáo trình cho môn học còn lúng túng, có nội dung kiến thức đưa vào chưa thật phù hợp khi số lượng tiết giảng của môn học bị cắt giảm nhiều. Việc quay trở lại giảng dạy môn Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam tuy có thuận lợi là kế thừa được những tài liệu, kiến thức đã có, nhưng cũng đặt ra cho cả người biên soạn giáo trình và giảng viên trong lựa chọn kiến thức cơ bản để phù hợp với số tín chỉ của môn học. -420-
  5. Hội nghị Khoa học công nghệ lần thứ XXII Trường Đại học Giao thông vận tải Khi triển khai giảng dạy cần căn cứ vào đặc thù đào tạo để sắp xếp môn học theo trình tự phù hợp, đảm bảo các môn học tiên quyết, môn học song song…Tại Trường Đại học Giao thông Vận tải, môn Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam được giảng dạy sau các môn Triết học Mác - Lênin, Kinh tế chính trị học Mác – Lênin, Chủ nghĩa xã hội khoa học và dạy song song, kết hợp với môn Tư tưởng Hồ Chí Minh. Việc bố trí trình tự giảng dạy các môn học lý luận chính trị đã cơ bản đảm bảo lôgic về mặt kiến thức và phù hợp với điều kiện của Nhà trường. - Thứ hai, xây dựng đội ngũ giảng viên đảm bảo về số lượng và chất lượng; tiếp tục tổ chức tập huấn, thống nhất đề cương bài giảng theo định hướng CDIO Đội ngũ giảng viên đảm bảo về số lượng và chất lượng, có cơ cấu độ tuổi hợp lý sẽ quyết định đến chất lượng và hiệu quả giảng dạy. Thực tế cho thấy các trường đại học khi chuyển đổi sang dạy 3 môn học, số tiết bị cắt giảm nhiều nên đã rất bị động trong việc bố trí giảng viên giảng dạy. Nhiều trường đã bố trí giảng viên các chuyên môn khác sang dạy mà chỉ được tập huấn về môn học trong một thời gian rất ngắn, giảng viên thiếu kiến thức nền tảng nên đã ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo. Đến nay khi triển khai trở lại giảng dạy 5 môn học, trong đó có môn Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, các trường đại học lại gặp phải khó khăn trong việc bố trí giảng viên. Đối với trường Đại học Giao thông Vận tải, ngay từ năm học 2008-2009, khi chuyển đổi sang giảng dạy môn Đường lối cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam và đến nay quay trở lại môn Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, đội ngũ giảng viên luôn đảm bảo đúng chuyên môn, nghiệp vụ. Đây cũng là thuận lợi trong việc triển khai thực hiện đổi mới giảng dạy theo hướng tiếp cận CDIO của Nhà trường. Để chuẩn bị triển khai đổi mới công tác giáo dục và đào tạo theo hướng tiếp cận CDIO, thời gian qua Nhà trường đã chuẩn bị tích cực các yêu cầu cần thiết, tổ chức tập huấn và xây dựng chương trình đào tạo của các ngành, chuyên ngành, đề cương của các môn học. Tuy nhiên để thống nhất và triển khai tốt trên thực tiễn, Nhà trường cần tiếp tục tổ chức các lớp tập huấn với hình thức phù hợp để tất cả giảng viên trong trường đều có điều kiện tham gia. Các khoa và bộ môn chuyên môn cần chủ động, tích cực chuẩn bị để triển khai thực hiện. Đối với các môn học lý luận chính trị, trong đó có môn Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, chương trình, giáo trình môn học được thống nhất chung cho tất cả các trường đại học. Vì vậy việc xây dựng đề cương, bài giảng phải đảm bảo các quy định chung và kiến thức cơ bản đã được xây dựng thống nhất, và có sự vận dụng phù hợp với đặc thù của các cơ sở đào tạo. Hiện tại, bộ môn đã xây dựng thống nhất đề cương, bài giảng, nội dung thi theo chương trình, giáo trình dự thảo của Bộ Giáo dục và đào tạo, giảng dạy cho sinh viên K60. Trên cơ sở đề cương, bài giảng đã thống nhất, bộ môn tiếp tục xây dựng theo hướng tiếp cận CDIO và sự phân nhiệm của môn học để giảng dạy cho sinh viên từ K61. - Thứ ba, chú trọng đổi mới phương pháp giảng dạy và đánh giá kết quả học tập của sinh viên -421-
  6. Hội nghị Khoa học công nghệ lần thứ XXII Trường Đại học Giao thông vận tải Chất lượng và hiệu quả của công tác giáo dục và đào tạo ở đại học là sự kết hợp của nhiều yếu tố như đội ngũ giảng viên, giáo trình, tài liệu môn học, cơ sở vật chất và hệ thống học liệu…. Tuy nhiên nếu các nhà trường và đội ngũ giảng viên không chú trọng đổi mới phương pháp giảng dạy và đánh giá kết quả học tập của sinh viên sẽ ảnh hưởng lớn đến chất lượng đào tạo, không đánh giá đúng được năng lực và tạo động lực cho người học. Trước đây khi đào tạo theo hình thức niên chế, giảng viên dạy theo phương pháp thuyết giảng là chính, lấy người dạy là trung tâm nên đã không phát huy được sự chủ động, tích cực của sinh viên. Khi chuyển đổi sang hình thức đào tạo tín chỉ, giảng viên đã có những đổi mới kết hợp nhiều phương pháp giảng dạy khác nhau, nâng cao sự chủ động và tích cực của sinh viên. Đào tạo theo hình thức tín chỉ đã làm thay đổi cách học của sinh viên, họ cần chủ động tích cực hơn khi số tiết lý thuyết trên lớp giảm, số giờ tự học tăng. Về việc đánh giá kết quả học tập của sinh viên: Trước năm học 2008-2009, môn Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam được kết cấu là 4 ĐVHT, dạy theo hình thức niên chế. Sinh viên phải tham dự 80% số giờ học trên lớp mới được dự thi kết thúc môn học, điểm thi có trọng số là 100%. Từ năm học 2009-2010, môn học Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam đổi tên thành môn Đường lối cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam, được kết cấu thành 3 tín chỉ, dạy và học theo hình thức tín chỉ. Sinh viên được đánh giá kết quả học tập bằng điểm quá trình (trọng số 30%) và điểm thi kết thúc học phần (trọng số 70%). Giảng dạy và đánh giá kết quả học tập theo hình thức tín chỉ đã phát huy được sự chủ động tích cực của cả giảng viên và sinh viên, chú trọng đổi mới phương pháp giảng dạy và học tập. Từ năm học 2020-2021, triển khai giảng dạy Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam theo theo hướng tiếp cận CDIO, ngoài việc đảm bảo chương trình, giáo trình, nội dung kiến thức cơ bản, đáp ứng chuẩn đầu ra theo quy định thì phương pháp giảng dạy và đánh giá kết quả học tập của sinh viên có sự thay đổi như sau: - Về phương pháp giảng dạy: Tiếp tục coi trọng các phương pháp đặc thù của môn học trong hình thức đào tạo tín chỉ; đồng thời tập trung vào các kỹ năng làm việc và thảo luận nhóm của sinh viên như đã được phân nhiệm của môn học. - Về đánh giá kết quả học tập của sinh viên: Điều chỉnh trọng số đánh giá, điểm đánh giá quá trình là 40%, điểm kết thúc học phần là 60%. Việc đổi mới phương pháp giảng dạy và đánh giá kết quả học tập của sinh viên theo định hướng CDIO tạo điều kiện phát huy tốt sự chủ động, tích cực của cả giảng viên và sinh viên. Đây là một nội dung quan trọng để nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập môn học, góp phần đảm bảo chuẩn đầu ra của nguồn nhân lực được đào tạo. 3. KẾT LUẬN Trường Đại học Giao thông Vận tải thực hiện triển khai đổi mới công tác giáo dục và đào tạo theo hướng tiếp cận CDIO từ năm học 2020 -2021; đây là một yêu cầu khách quan đặt ra cho các trường đại học thuộc khối kỹ thuật, nhằm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng tốt nhu cầu của đất nước và hội nhập quốc tế. -422-
  7. Hội nghị Khoa học công nghệ lần thứ XXII Trường Đại học Giao thông vận tải Để triển khai hiệu quả chương trình, giáo trình mới môn Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam theo hướng tiếp cận CDIO cần phải được chuẩn bị tích cực tất cả các yêu cầu: Thống nhất chương trình, giáo trình môn học; xây dựng đề cương, đội ngũ giảng viên; đổi mới phương pháp giảng dạy, đánh giá kết quả học tập của sinh viên và một số điều kiện cần thiết khác. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1]. Bộ Giáo dục và đào tạo (2019): Chương trình học phần Lịch sử Đảng Công sản Việt Nam (Sử dụng trong các trường đại học không chuyên lý luận chính trị). [2]. Bộ Giáo dục và đào tạo (2019): Giáo trình Lịch sử Đảng Công sản Việt Nam (Sử dụng trong các trường đại học không chuyên lý luận chính trị - Tài liệu dùng tập huấn giảng dạy năm 2019). [3]. Hồ Tấn Nhựt, Đoàn Thị Minh Trinh (2009) (Biên dịch), “Cải cách và xây dựng chương trình đào tạo kỹ thuật theo phương pháp tiếp cận CDIO”. NXB ĐHQG TPHCM. [4]. Tài liệu Hội nghị CDIO toàn quốc 2012, ĐHQGTPHCM. -423-
nguon tai.lieu . vn