Xem mẫu

  1. TẠP CHÍ KINH TẾ - CÔNG NGHIỆP Số 29 + 30 – Tháng 01/2022 MỘT SỐ NÉT ĐẶC TRƯNG VĂN HÓA BIỂU HIỆN TRONG ĐỊA DANH Ở THÀNH PHỐ TÂN AN, TỈNH LONG AN Some cultural features expressed in locations in place name of Tan An city, Long An province 1 Đỗ Thành Hưng 1 Phó hiệu trưởng, Giáo viên ngữ văn Trường THPT Hùng Vương, Long An, Việt Nam dothanhhung.c3hungvuong@longan.edu.vn Tóm tắt — Trong địa danh thành phố Tân An, ứng với mỗi loại hình địa danh người ta sẽ dùng các phương thức, các chất liệu ngôn ngữ khác nhau để định danh. Trên cơ sở tiếp cận lý thuyết nghiên cứu địa danh, chức năng nhiệm vụ của địa danh, lý thuyết phân loại địa danh với phương pháp điều tra điền dã, phỏng vấn,… Tác giả tìm hiểu một số nét đặc trưng văn hóa biểu hiện trong địa danh ở thành phố Tân An, tỉnh Long An. Các loại hình địa danh được khảo sát trong địa danh thành phố Tân An đã biểu hiện những khía cạnh khác nhau của văn hoá địa bàn như đời sống kinh tế, sinh hoạt, tín ngưỡng. Thông qua những yếu tố có liên quan như địa lí, lịch sử, tôn giáo, tín ngưỡng, tâm lí, nguyện vọng của con người và ngôn ngữ. Trong đó, ngôn ngữ với những đặc trưng riêng biệt của phương ngữ Nam Bộ, là thành tố trực tiếp của văn hoá, đã được truyền tải vào địa danh hết sức sinh động. Abstract — In place name of Tan An city, for each type of place name, people will use different methods and linguistic materials to identify. On the basis of the theoretical approach to place research, the functions and tasks of the place, the theory of place name classification with fieldwork investigation methods, interviews,... The author research some cultural features expressed in place name in Tan An city, Long An province. The types of place names surveyed in Tan An city have expressed different aspects of the local culture such as economic life, activities, beliefs. Through related factors such as geography, history, religion, beliefs, psychology, human aspirations and language. In particular, the language with distinct characteristics of the Southern dialect, which is a direct element of culture, has been conveyed to the place name very vividly. Từ khóa — Đặc trưng văn hoá, địa danh, Tan An city, place name. 1. Giới thiệu Sự đa dạng của văn hoá thành phố Tân An được thể hiện khá rõ qua sự đa dạng của địa danh. Nói khác đi, địa danh như là một địa chỉ tin cậy ghi lại dấu ấn văn hoá vật thể cũng như văn hoá phi vật thể. Nghiên cứu địa danh dưới góc độ văn hoá cho thấy sự ảnh hưởng của văn hoá đối với ngôn ngữ là rất rõ. Vì thế chúng ta có thể khẳng định địa danh là nhân tố bảo tồn các giá trị văn hoá. Trong địa danh thành phố Tân An có sự giao lưu, cộng hưởng của các nền văn hoá: Văn hoá Việt, văn hoá Ấn và văn hoá Trung Hoa. Qua địa danh, những phong tục tập quán, tín ngưỡng dân gian được thể hiện một cách chân thực, sinh động. Đó là sức sống tiềm tàng của đời sống tâm linh mà người dân Long An đã gửi gắm qua các tên gọi. 2. Nội dung 2.1. Mối quan hệ giữa ngôn ngữ và văn hoá Các nhà nghiên cứu đã khẳng định rằng: Ngôn ngữ và văn hoá có mối quan hệ gắn bó mật thiết với nhau. Ngôn ngữ ra đời để đảm nhiệm vai trò là phương tiện giao tiếp, tư duy, nhưng đồng thời là công cụ để bảo tồn, lưu giữ, sáng tạo và phát triển văn hoá. Ngôn ngữ phản ánh những thuộc tính, bản chất và sự tồn tại của văn hoá. Vấn đề này Nguyễn Đức Tồn (2002) cho rằng: “Là một thành tố của văn hoá tinh thần, ngôn ngữ giữ vị trí đặc biệt của nó. Bởi vì ngôn ngữ là phương tiện tất yếu và là điều kiện cho sự nảy sinh, phát triển hoạt động của những thành tố khác trong văn hoá. Ngôn ngữ là một trong những thành tố đặc trưng nhất của bất cứ nền văn 30
  2. TẠP CHÍ KINH TẾ - CÔNG NGHIỆP Số 29 + 30 – Tháng 01/2022 hoá dân tộc nào, chính trong ngôn ngữ, đặc điểm của nền văn hoá dân tộc được lưu giữ lại rõ ràng nhất”. Như vậy, văn hoá được cấu thành từ nhiều yếu tố. Trong đó, ngôn ngữ là một yếu tố có vai trò vô cùng quan trọng. Nó vừa thể hiện ở bề nổi lại vừa thể hiện ở chiều sâu của các tầng văn hoá. Đồng thời nó còn là địa hạt mà con người qua sự tư duy, giao tiếp, ứng xử của mình đã có thể bộc lộ những nét đặc điểm của văn hoá như tâm lí, nguyện vọng, quan điểm, tín ngưỡng, nhận thức và nhân cách. Bên cạnh đó, văn hoá phát triển góp phần bảo tồn và lưu giữ ngôn ngữ trong cộng đồng dân tộc. 2.2. Một số nét đặc trưng văn hoá biểu hiện trong địa danh thành phố Tân An 2.2.1. Đặc điểm văn hoá trong địa danh thành phố Tân An qua hiện tượng phản ánh sự tồn tại của các di sản vật thể: Địa danh thành phố Tân An phản ánh rõ nét sự tồn tại các di sản văn hoá vật thể thông qua các yếu tố chỉ công trình xây dựng như nhà thờ, chùa, đền, đình, miếu,… Cụ thể có 21 phức thể địa danh chứa yếu tố “chùa” như: Chùa Nguyên Thỉ, chùa Long An Tự (Phường 1); chùa Quan Âm, chùa Bồ Đề (Phường 2); chùa Thiên Long, chùa Thiên Châu, chùa Long Phước (Phường 3); chùa Thiên Khánh, chùa Thiền Tông, chùa Bồ Đề (Phường 4); chùa Tịnh Độ, chùa Ân Thọ, chùa Tịnh An (Phường 5); chùa Hội Nguyên (Phường 6); chùa Diệu Quang, chùa Thiên Phước (Phường Khánh Hậu); chùa Long Châu (Xã An Vĩnh Ngãi); chùa Hội Long, chùa Tịnh An (Xã Nhơn Thạnh Trung); chùa Vĩnh Phú (Xã Lợi Bình Nhơn). Phức thể địa danh chứa yếu tố “đền” với 02 phức thể đền thờ và lăng mộ Nguyễn Huỳnh Đức (Phường Khánh Hậu); đền thờ Châu Thị Kim (Phường 7). Phức thể địa danh chứa yếu tố “nhà thờ” là 03 phức thể là nhà thờ Tin lành Tân An (Phường 3); nhà thờ Tân An (Phường 4); nhà thờ Bình Quân (Phường 4). Có 09 phức thể địa danh chứa yếu tố “miếu” là: Long Hiệp miếu (Phường 1); miếu thờ bà Thiên Hậu (Phường 2); miếu Ba Cô (Phường 3); miếu Ông Phủ (Phường 4); miếu Cô Hồ, miếu Ông Hổ; miếu Nhơn Bình (Phường 6); miếu Ngũ Hành (Phường 7); miếu thờ Thánh Mẫu (Xã Lợi Bình Nhơn). Ngoài ra với 21 phức thể địa danh chứa yếu tố “đình” như: Đình thần Bình Lập (Phường 3); đình Bình Quân (Phường 4); đình Thọ Cang, đình Bình Phú (Phường 5); đình Bình Cư 1, đình thần Hòa An, đình Xuân Sanh thôn (Phường 6); đình thần An Trị (Phường 7); đình thần Bình Tâm (Xã Bình Tâm); đình Tân Khánh, đình Nhơn Hậu (Phường Tân Khánh); đình Ngãi Lợi, đình Bình Yên (Xã Lợi Bình Nhơn); đình Ấp 2, đình Đạo Thạnh, đình Hướng Bình (Xã Hướng Thọ Phú); đình thần Làng (Xã An Vĩnh Ngãi); đình thần Bình Trung, đình Nhơn Thuận, đình Kim Cang (Xã Nhơn Thạnh Trung). Tất cả những địa danh trên là những công trình kiến trúc gắn với đời sống văn hoá và tâm linh của nhân dân thành phố Tân An. 2.2.2. Đặc điểm văn hoá trong địa danh thành phố Tân An qua hiện tượng phản ánh sự tồn tại của các di sản phi vật thể: Thứ nhất, đặc điểm văn hoá thể hiện qua dấu ấn của tôn giáo trong địa danh. Cũng như hầu hết các địa bàn trên cả nước, địa bàn thành phố Tân An ghi dấu ấn của hai tôn giáo: Đạo Phật và Thiên Chúa giáo. Đây là hai tôn giáo lớn có vai trò và tầm ảnh hưởng ngay từ khi xuất hiện. Nói tới Phật giáo là nói tới hệ thống chùa chiền. Một thành phố duy nhất của tỉnh Long An, là trung tâm kinh tế văn hoá xã hội của tỉnh nên có tới 21 chùa tập trung ở thành phố đã thể hiện rất rõ sự phát triển của đạo Phật nơi đây. Bên cạnh đó cũng cho thấy đời sống tâm linh của người dân thật là phong phú. Khoảng đầu công nguyên, Phật giáo đã có mặt tại Việt Nam. 31
  3. TẠP CHÍ KINH TẾ - CÔNG NGHIỆP Số 29 + 30 – Tháng 01/2022 Ở thành phố Tân An, dù chưa có số liệu chính thức nhưng theo các nhà nghiên cứu, Phật giáo có mặt ở đây đã vài trăm năm. Việc xây dựng chùa trước hết là để thờ Phật, song cũng có khi Phật được gọi là Bụt. Thực ra Phật cũng là Bụt dù tên gọi có khác nhau. Phật và Bụt đều được phiên âm từ chữ Buddha (tiếng Phạn). Mặt khác, đình chùa ở Việt Nam nói chung và ở thành phố Tân An nói riêng không chỉ là nơi thờ Phật mà còn để thờ các vị vua, các bà phi, các công chúa, các vị thần. Ví dụ: Đình Xuân Sanh (Phường 6), đình thần Khánh Hậu (Phường Khánh Hậu) thờ thành hoàng,... Hơn nữa, đình chùa còn là nơi sinh hoạt văn hoá, là bến đỗ để nương tựa tâm hồn. Người dân Long An nói chung, thành phố Tân An nói riêng khi vào chùa chưa hẳn đã hiểu sâu sắc về tôn giáo này, không hiểu Đại thừa và Tiểu thừa là gì nhưng chắc chắn đi lễ Phật, thờ Phật là cầu xin ông Bụt cứu giúp những người gặp hoạn nạn, khó khăn, đem lại công lí và sự công bằng cho mọi người hay ít ra cũng là để thanh tịnh tinh thần. Như vậy, dù nơi đây chưa phải là trung tâm của Phật giáo nhưng qua các địa danh là những ngôi chùa mà chúng tôi đã trình bày ở trên cho phép chúng tôi khẳng định rằng Phật giáo đã có một vị trí không thể thiếu trong đời sống của nhân dân nơi đây và là một nét văn hoá tâm linh quý báu. Bên cạnh Phật giáo, Thiên Chúa giáo cũng là một trong những tôn giáo có tầm ảnh hưởng khá lớn đối với người dân thành phố Tân An. Sự hiện diện và ảnh hưởng của tôn giáo này trên địa bàn khá đậm nét. Điều này phản ánh qua các phức thể địa danh chứa nhà thờ như: Nhà thờ Tin lành Tân An (Phường 3); nhà thờ Tân An (Phường 4); nhà thờ Bình Quân (Phường 4). Từ đó chúng ta có thể khẳng định rằng Thiên Chúa giáo cũng có ảnh hưởng khá lớn đến cư dân trong địa bàn. Như vậy, đạo Phật và Thiên Chúa giáo đều cùng tồn tại trên địa bàn thành phố Tân An qua thực tế cũng như qua các địa danh mà chúng tôi đã sưu tầm được. Điều này cũng chứng tỏ rằng đời sống văn hoá và đời sống tâm linh của người dân trên địa bàn là khá phong phú và đa dạng. Thứ hai, đặc điểm văn hoá thành phố Tân An qua dấu ấn tín ngưỡng trong địa danh. Tín ngưỡng là một biểu hiện, một thành tố của văn hoá dân gian và ở dân tộc nào, vùng miền nào cũng có tín ngưỡng. Tín ngưỡng thể hiện niềm tin, sự ngưỡng mộ của người Việt Nam về một đối tượng tự nhiên hoặc xã hội nào đó mà người ta cho rằng nếu tôn vinh, thờ phụng sẽ đem lại lợi ích về vật chất, hoặc tinh thần cho cá nhân, hoặc nhóm, cộng đồng người. Trong địa danh, tín ngưỡng được thể hiện qua việc linh thiêng hoá một lực lượng siêu nhiên, một con người hào kiệt hay một người có công lao trong công cuộc đấu tranh chống ngoại xâm, xây dựng xóm làng. Những địa danh thể hiện tín ngưỡng này như đền thờ và lăng mộ Nguyễn Huỳnh Đức (Phường Khánh Hậu); nhà Vuông (Xã Bình Tâm),… Trong địa danh thành phố Tân An, dấu ấn tín ngưỡng được thể hiện ở hai khía cạnh: Thờ cúng tổ tiên và thờ anh hùng dân tộc. Một là, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên. Đã từ rất lâu, người ta cho rằng chết là về với tổ tiên nơi chín suối và tin rằng ông bà tổ tiên vẫn đi lại phù hộ, giúp đỡ con cháu, từ đó hình thành nên tín ngưỡng thờ tổ tiên. Đây là hoạt động sinh hoạt tín ngưỡng có mặt ở nhiều dân tộc Đông Nam Á và cũng là đặc trưng của vùng văn hoá này. Trong tâm thức người Việt, thờ cúng tổ tiên gần như một thứ tôn giáo và hầu như gia đình nào cũng có bàn thờ tổ tiên, lớn hơn nữa trong dòng họ có xây dựng nhà thờ họ. Hai là, tín ngưỡng thờ anh hùng dân tộc. Đây là tín ngưỡng xuất hiện rất sớm ở Việt Nam, nhằm mục đích ghi công những người có công lao trong công cuộc chống giặc ngoại xâm và xây dựng xóm làng. Không những vậy, tín ngưỡng này còn đoàn kết mọi người, mọi tầng lớp trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trên địa bàn thành phố Tân An, tín ngưỡng thờ anh hùng dân tộc được thể hiện rất rõ qua địa danh chỉ công trình xây dựng như di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia – lăng mộ Nguyễn Huỳnh Đức. 32
  4. TẠP CHÍ KINH TẾ - CÔNG NGHIỆP Số 29 + 30 – Tháng 01/2022 2.3. Sự thể hiện cụ thể qua phương diện văn hoá sinh hoạt trong địa danh thành phố Tân An Trước tiên, các phương diện văn hoá trong địa danh thành phố Tân An thể hiện qua phương diện văn hoá sinh hoạt. Yếu tố văn hoá sản xuất, sinh hoạt của người dân Long An thể hiện trong các ngành nghề. Trong các nghề có mặt trên địa bàn thành phố Tân An thì nghề làm bánh tráng là nổi tiếng hơn cả, đặc biệt làng nghề bánh tráng Nhơn Hòa (Phường 5) được Ủy ban Nhân dân tỉnh Long An công nhận là làng nghề truyền thống cấp tỉnh. Nằm bên dòng Vàm Cỏ Tây hiền hòa có làng nghề bánh tráng Nhơn Hòa, (phường 5 thành phố Tân An, tỉnh Long An), hàng trăm năm qua đã nức tiếng khắp Nam Bộ với sản phẩm bánh tráng truyền thống. Tiếp theo, đó chính là phương diện văn hoá sản xuất. Đặc trưng văn hoá sản xuất của người Việt nói riêng và của cư dân Đông Nam Á nói chung là nền văn hoá của các cư dân thuộc nền văn minh nông nghiệp lúa nước với ba yếu tố: Văn hoá núi, văn hoá đồng bằng và văn hoá biển. Trong đó, yếu tố đồng bằng tuy có sau nhưng lại đóng vai trò chủ đạo. Dấu hiệu để nhận ra nghề trồng lúa nước được thể hiện qua các địa danh chỉ vùng đất nhỏ phi dân cư (đồng), các công trình thuỷ lợi như sông, bến, kênh, đập, rạch,… Ngoài ra, yếu tố văn hoá sản xuất còn được thể hiện qua những địa danh có liên quan đến nghề truyền thống, tuy số lượng không nhiều đó là xóm Lò Rèn (Phường 1) chuyên đúc những dụng cụ làm đồng, làm vườn, xóm Bún (Phường 3 và Phường 5) chuyên sản xuất loại thực phẩm là bún để sử dụng trong bữa ăn hàng ngày; xóm Đáy chuyên làm nghề đánh bắt cá trên sông bằng phương tiện giăng đáy,... 2.4. Sự thể hiện cụ thể qua phương diện văn hoá lịch sử trong địa danh thành phố Tân An Cuối cùng, phương diện văn hoá trong địa danh thành phố Tân An thể hiện chính là phương diện văn hoá lịch sử. Là cửa ngõ đồng bằng sông Cửu Long, thành phố Tân An đã ghi dấu nhiều chiến công oanh liệt trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc. Chính vì thế, những địa danh thể hiện các phương diện văn hoá lịch sử gắn liền với những di tích lịch sử, những công trình văn hoá của thành phố Tân An. Chẳng hạn di tích lịch sử Đền thờ và lăng mộ Nguyễn Huỳnh Đức, dinh Tổng Thận, nhà Vuông, nhà thuốc Minh Xuân Đường, bảo tàng Long An, đình Xuân Sanh; đình Khánh Hậu. Công trình văn hoá tại Tân An bao gồm: Mộ 42 liệt sĩ, nhà bia truyền thống An Vĩnh Ngãi, tượng đài “Long An trung dũng, kiên cường, toàn dân đánh giặc”. Mỗi địa danh, mỗi nẻo đường nơi đây dường như đều gắn liền với chặng đường phát triển lịch sử của tỉnh Long An nói chung, đặc biệt là lịch sử Cách mạng của thành phố Tân An nói riêng. Mỗi di tích, mỗi địa danh nổi tiếng trên đất Tân An đều mang vẻ đẹp, sắc thái riêng và ẩn chứa những câu chuyện ý nghĩa. Đây được xem như một phần của những trang sử hào hùng được viết nên bởi các thế hệ đi trước mà thế hệ trẻ Tân An ngày nay có quyền tự hào và trân trọng gìn giữ cho muôn đời sau. 3. Kết luận Cho tới nay, các công trình đã công bố liên quan đến địa danh Long An như: Địa chí Long An với cái nhìn khái quát về Long An hay những công trình nghiên cứu về những nét văn hoá được gìn giữ trong các lễ hội, các làng nghề, các di tích lịch sử là: Nhà Trăm Cột, chùa Tôn Thạnh, đồn Rạch Cát, làng nghề trống Bình An, lễ hội làm chay đình Dương Xuân Hội,... Đã đem đến những hình ảnh và cái nhìn cụ thể về nét văn hoá dân gian của tỉnh Long An. Đặc biệt công trình các tên đường tại thành phố Tân An, tỉnh Long An đã liệt kê một cách đầy đủ nhất về tên đường với những câu chuyện lịch sử đằng sau nó. Như vậy, có thể thấy chưa có một công trình nào nghiên cứu địa danh thành phố Tân An, tỉnh Long An một cách tổng thể với phương pháp ngôn ngữ học. 33
  5. TẠP CHÍ KINH TẾ - CÔNG NGHIỆP Số 29 + 30 – Tháng 01/2022 Qua bước đầu khảo sát địa danh ở thành phố Tân An, trong đó có những nét văn hoá đặc trưng thể hiện qua địa danh, bên cạnh những thuận lợi, tác giả gặp không ít những khó khăn, trở ngại để giải quyết được rốt ráo vấn đề tưởng như đơn giản này. Bắt tay vào nghiên cứu địa danh, một lĩnh vực cũ mà lại mới, bởi lẽ địa danh ra đời, tồn tại, biến đổi và phát triển qua từng thời kỳ khác nhau, gắn với một vùng đất nhất định, phản ánh nét đặc trưng của địa phương. Vì vậy, công việc của tác giả là làm thế nào phản ánh được những đặc điểm chung của địa danh Việt Nam, trên cơ sở đó lột tả được những nét rất riêng mà địa danh phản ánh trên vùng đất Tân An này. Sự đa dạng của văn hoá thành phố Tân An được thể hiện khá rõ qua sự đa dạng của địa danh. Nói khác đi, địa danh như là một địa chỉ tin cậy ghi lại dấu ấn văn hoá vật thể cũng như văn hoá phi vật thể. Nghiên cứu địa danh dưới góc độ văn hoá cho thấy sự ảnh hưởng của văn hoá đối với ngôn ngữ là rất rõ. Vì thế chúng ta có thể khẳng định địa danh là nhân tố bảo tồn các giá trị văn hoá. Trong địa danh thành phố Tân An có sự giao lưu, cộng hưởng của các nền văn hoá: Văn hoá Việt, văn hoá Ấn và văn hoá Trung Hoa. Qua địa danh, những phong tục tập quán, tín ngưỡng dân gian được thể hiện một cách chân thực, sinh động. Đó là sức sống tiềm tang của đời sống tâm linh mà người dân Long An đã gửi gắm qua các tên gọi. Mặt khác, trong quá trình phát triển của lịch sử xã hội, người dân thành phố đã không ngừng vươn lên, vượt qua cái khó, cái khổ bằng tinh thần và ý chí sắt đá trong công cuộc dựng nước và giữ nước. Đó cũng là một nét văn hoá truyền thống của người Việt nói chung và người dân thành phố Tân An nói riêng. Các địa danh mà tác giả đã trình bày ở trên đã phần nào chứng minh cho điều này. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Lê Trung Hoa (2006). Địa danh học Việt Nam. NXB Khoa học Xã hội. [2] Nguyễn Tài Cẩn (2001). Một số chứng tích ngôn ngữ, văn tự và văn hóa. NXB Đại học Quốc gia Hà Nội. [3] Nguyễn Đức Tồn (2002). Tìm hiểu đặc trưng văn hóa - dân tộc của ngôn ngữ và tư duy của người Việt (trong sự so sánh với những dân tộc khác). NXB Đại học Quốc gia Hà Nội. [4] Phan Ngọc (2000). Thử xét văn hóa, văn học bằng ngôn ngữ học. NXB Thanh Niên, Hà Nội. [5] Trần Trí Dõi (2001). Ngôn ngữ và sự phát triển văn hóa xã hội. NXB Văn hóa Thông tin, Hà Nội. [6] Trần Ngọc Thêm (1999), Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam. NXB TPHCM. [7] Trần Quốc Vượng (chủ biên, 2000), Cơ sở văn hóa Việt Nam. NXB Giáo dục, Hà Nội. [8] Saussure, F.D. (1973). Giáo trình Ngôn ngữ học đại cương (Tổ Ngôn ngữ học dịch). Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, NXB Khoa học Xã hội. Ngày nhận: 21/07/2021 Ngày duyệt đăng: 15/12/2021 34
nguon tai.lieu . vn