Xem mẫu

MỘT MÌNH MỘT NGỰA VÀ CHUYỆN CỦA LÝ
BƯỚC CHUYỂN TRONG QUAN NIỆM NGHỆ THUẬT VỀ CON NGƯỜI
CỦA MA VĂN KHÁNG
PHÙNG THỊ HẢI YẾN
Trường Đại học Sư phạm, Đại học Huế
BÙI THANH TRUYỀN
Trường Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh
Tóm tắt: Một mình một ngựa và Chuyện của Lý được sáng tác vào giai đoạn
thứ ba của đường văn Ma Văn Kháng. Những cách tân trong quan niệm nghệ
thuật về con người ở hai tiểu thuyết là minh chứng cho tài năng, tâm huyết
và hành trình sáng tạo không ngừng của tác giả. Đây cũng là cơ sở quan
trọng khiến thế giới nhân vật trong hai tác phẩm tạo được ấn tượng cho độc
giả đương đại.
Từ khóa: Một mình một ngựa, Chuyện của Lý, quan niệm nghệ thuật về con
người, nhân vật.

1. MỞ ĐẦU
Với nhiều người, tuổi tác thường là gánh nặng, là buông bỏ; nhưng với Ma Văn Kháng,
điều này lại minh chứng thuyết phục cho quy luật gừng càng già càng cay. Càng thâm
niên trong nghiệp chữ, sáng tác của ông càng đằm chín, càng bộc lộ rõ trách nhiệm với
cõi người, cõi nghề, một nỗ lực phi thường để đạt tới “một cái đẹp thật tráng lệ trong văn
chương” [2, tr. 195]. Xem cái Đẹp như một Sinh Đạo, cháy bỏng mơ ước tạo ra những
chế phẩm văn chương hoàn thiện, toàn mĩ là nguồn lực vô biên để ông thủy chung với
nghiệp viết, gần 60 năm cầm bút vẫn là người “học nghề mê mải”, bất chấp mọi nghịch
cảnh đời thường: “Cái đẹp, chỉ có nó mới đủ sức đưa ta đi trên con đường sáng tạo thiên
lý. Cái Đẹp, chiếm lĩnh được nó là mãn nguyện, là chiến công” [2, tr. 33-34].
Một mình một ngựa và Chuyện của Lý được viết vào lúc nhà văn đã đạt những giải
thưởng văn học lớn và tưởng đã phải gác bút vì bạo bệnh. Ra đời trong giai đoạn sáng
tác thứ ba của đường văn Ma Văn Kháng, tiếp tục viết về đề tài miền núi Tây Bắc như
các tiểu thuyết ở giai đoạn sáng tác trước, nhưng cả hai cuốn sách lại mang đậm yếu tố
tự truyện, chất hồi kí, đầy những vang động của xã hội đương thời. Đây là một bước
chuyển, một cuộc phiêu lưu mới của ông: tái hiện một hình mẫu văn chương mà ở đó
chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa đã được điều chỉnh bằng việc xây dựng hình ảnh
những con người mới. Bên cạnh kiểu con người mang lí tưởng cách mạng như vẫn
thường thấy trong các tiểu thuyết Vùng biên ải, Đồng bạc trắng hoa xòe, Ngược dòng
nước lũ, Gặp gỡ ở La Pan Tẩn… [3], [4], [5], [6], ở hai sáng này, những dục vọng của
tính người trong từng nhân vật đã làm mờ nhòe các nét tính cách vốn được xây dựng
theo lối “điển hình hóa” quen thuộc. Tác giả không hề che giấu ý định đã trở thành
phương châm của một phu chữ mải miết đi tìm những “phút giây huyền diệu”: cố gắng
Tạp chí Khoa học và Giáo dục, Trường Đại học Sư phạm Huế
ISSN 1859-1612, Số 02(34)/2015: tr. 74-79
 

MỘT MÌNH MỘT NGỰA VÀ CHUYỆN CỦA LÝ...

75

xây dựng những con người đại diện cho những Cái Đẹp phi thường, tráng lệ, ngạo nghễ
đối mặt với khó khăn, thử thách, vượt qua số phận và hoàn cảnh sống khắc nghiệt để
vươn lên trong cuộc sống. Những nhân vật trung tâm trong hai tác phẩm như ông Quyết
Định, Khánh, Dương, Nhu, cái Lý… là những hình tượng sáng ngời tinh thần nhân văn.
Viết về họ với một thái độ rất mực trân quý, Ma Văn Kháng muốn khẳng định sự tồn tại
bất diệt của Cái Đẹp trong cuộc sống.
2. NHỮNG ĐỔI MỚI QUAN NIỆM NGHỆ THUẬT VỀ CON NGƯỜI TRONG MỘT
MÌNH MỘT NGỰA VÀ CHUYỆN CỦA LÝ
Sự đổi mới và đa dạng của văn học nói chung, sáng tác của một tác giả nói riêng, trước
hết thể hiện trong quan niệm nghệ thuật về con người [7]. Là thành tố mang đậm tính
lịch sử - xã hội, quan niệm nghệ thuật về con người trong tiểu thuyết Ma Văn Kháng
cũng thay đổi theo từng giai đoạn sáng tác trong tương quan với những biến động lớn
của thời đại. Với tác giả Mùa lá rụng trong vườn, con người - đó là một luận đề lớn
ngày càng phải được nhận thức, chiêm nghiệm bằng chiều sâu triết học, xã hội học, văn
hóa học và tâm lí học nghệ thuật. Ở các tiểu thuyết về đề tài miền núi thuộc giai đoạn
đầu, nằm trong mạch nguồn của văn học cách mạng, nhà văn cũng không thoát khỏi
quan niệm con người sử thi, tức con người chủ yếu được nhìn từ góc độ xã hội, tìm thấy
ý nghĩa cuộc đời trong sự gắn bó với cộng đồng, tan hòa giữa đám đông, tập thể, ít có
dịp đối diện với bản thân, sống với chính mình. Ở giai đoạn tiếp theo, trong sự chuyển
đổi của văn học hậu chiến, khai thác đề tài về cuộc sống thành thị, Ma Văn Kháng đã
sớm tạo được phong cách nhờ thành công trong việc khắc chạm chân dung con người cá
thể với giá trị tự thân và ý thức về cái tôi đậm chất đời thường. Sang giai đoạn sáng tác
thứ ba – giai đoạn “tái Tây Bắc” - với hai tiểu thuyết tiêu biểu là Một mình một ngựa và
Chuyện của Lý, tác giả tiếp tục mang đến cho người đọc một cảm nhận mới mẻ trong
quan niệm nghệ thuật về con người.
Trước hết, con người đích thực, theo Ma Văn Kháng, chính là tinh hoa của tạo hóa, là
cái lí do sâu xa nhất của cuộc đời. Trong Chuyện của Lý, nhà văn tái hiện hành trình
làm người của một đứa trẻ “không giá thú”. Lý là cô bé sinh ra đã chịu nhiều thiệt thòi,
không được sự công nhận của chính quyền và người đời. Là “một thành viên của nhân
loại năm tỉ con người” nhưng Lý “không phải là công dân nước Việt Nam dân chủ cộng
hòa”, “không được hưởng gì hết từ khi hoài thai trong bụng mẹ” chỉ vì đứa trẻ ấy là
“con ngoài giá thú”, là “con không cha”, “con hoang”. Mặc dù sống trong sự vô thừa
nhận về mặt hành chính của xã hội quan phương, nhưng may mắn thay, Lý lại được cái
tình người bình dị, ắp đầy nâng niu, dung dưỡng. Những lời của ông Thòn như là tuyên
ngôn của nhà văn về con người: “Con người nói chung và con cái nói riêng là cái lí sâu
xa, là cái phúc lộc của cuộc đời” vì “không có con người thì sao có cuộc đời này. Không
có đứa trẻ thì làm sao có cuộc sống và tình yêu thương!”. Lý là hiện thân cho “niềm
phúc lộc của cuộc đời”, là “buổi rạng đông một ngày mới xán lạn, niềm hi vọng và tin
cậy trong tương lai của chúng ta”. Đó là mầm sống hồn nhiên, tràn đầy sinh lực, là
“niềm kiêu hãnh của Con Người”, đại diện ưu tú của lớp thiếu nhi Việt Nam trưởng
thành trong cuộc sống vừa phồn tạp vừa tươi đẹp của đất nước.

76

PHÙNG THỊ HẢI YẾN – BÙI THANH TRUYỀN

Một mình một ngựa giống như một cuốn hồi kí tự thuật lại những tháng năm “nhọc nhằn
– thương nhớ” của Ma Văn Kháng khi làm thư kí cho Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai. Mục đích
viết tác phẩm, như thổ lộ của nhà văn, là “vẽ lại chân dung những con người mà mình
từng được sống và làm việc qua con mắt nhìn của một ông giáo, một tiểu trí thức, trong
tinh thần thực sự cầu thị. Nghĩa là cố gắng gọi đúng tên sự vật, không tô hồng, huyền
thoại hóa họ và nhất là không tô đen bóp méo, phủ định sạch trơn” [2, tr. 273]. Không
còn là cái nhìn thiên về lối tư duy phân lập thiện – ác rạch ròi như các tiểu thuyết về đề
tài miền núi trước đây, mục đích miêu tả nhân vật như trên thể hiện rõ quan niệm mới
của nhà văn về con người trong văn xuôi đương đại: chân ảnh của cá nhân là sự tổng
hòa của các mặt đối lập. Với quan niệm tân tiến như vậy, tính cách của từng người hiện
lên sống động, tròn đầy và chân thật hơn. Nhân vật đã có ý thức và năng lực phản tỉnh
để nhận ra những mặt tốt - xấu, ưu - nhược trong chính bản thân mình. Ông Quyết Định
là nhân cách rất đáng tôn trọng, một hình mẫu của người cách mạng sáng ngời lí tưởng:
sống mực thước, không bao giờ lợi dụng quyền uy để làm điều gì xâm hại quyền lợi của
tập thể và cá nhân khác, kiên định lập trường tư tưởng, luôn có ý thức hoàn thiện bản
thân bằng việc tự kiểm điểm và sửa chữa khuyết điểm, được cán bộ và nhân viên trong
cơ quan tôn trọng, nhân dân tin yêu,… Bên cạnh đó, con người này vẫn còn mắc phải
nhược điểm lớn là nhu nhược, thiếu quyết đoán, “tên là Quyết Định mà có dám quyết
định gì đâu”. Nhân vật Văn Hiến là một “thằng cố nông láu tôm láu cá”, kiêu căng tự
phụ, xoi mói, kèn cựa, thành kiến, ghen tị với đồng nghiệp, lợi dụng quyền lực để trù
dập người khác, quan hệ bất chính với cấp dưới… Tuy nhiên, ông ủy viên thường vụ
xuất thân cố nông này lại là người có tư chất của một lãnh đạo: năng lực hiểu biết và
quyết đoán, ham mê cái mới, dám nghĩ dám làm. Đây cũng là “người năng nổ nhất, có
năng lực nhất trong Thường vụ, đặc biệt là ở lĩnh vực sản xuất nông nghiệp”, “có tác
phong sâu sát và có niềm say mê bất tận”. Ông Ké Lanh tính cách già nua, ề à lê thê
trong nói năng, lạc hậu, bảo thủ đến mức cực đoan, thường nhận xét lẩm cẩm, ngô nghê,
mang tính quy chụp nhưng lại là người “thủy chung vẫn là một tâm tình nồng nhiệt.
Một mũi tên bật ra khỏi rãnh nỏ và cứ thế mà bay, không chệch đường, không cấn cái”.
Qua nhìn nhận của Toàn, chân dung của lớp cán bộ văn phòng cũng hiện ra chân thật,
không có ai toàn thức, toàn năng cả: “Họ có nhiều nhược điểm. Họ chẳng tốt hơn những
người ở các lĩnh vực khác, nhưng cũng chẳng xấu hơn đâu. Đặt Toàn vào vị trí của họ,
chắc gì Toàn có thể làm nổi như họ? (…) Dẫu rằng còn nhiều điều bất cập, nhưng hiển
nhiên đó là những ưu thế vượt trội của họ mà Toàn không thể có”.
Một mình một ngựa và Chuyện của Lý có sự thừa tiếp cách lí giải, cắt nghĩa về con
người của Ma Văn Kháng trong các tiểu thuyết trước đó như Võ sĩ lên đài, Côi cút giữa
cảnh đời: Nhân cách, số phận mỗi cá nhân là kết tinh của thời đại và truyền thống gia
đình, dân tộc. Chính thời đại cách mạng đã sản sinh ra những nhân vật anh hùng như
ông Quyết Định, Đồng, Dương... - những thế hệ “cán bộ vàng luôn trung thành với lí
tưởng, quên mình, xả thân cho sự nghiệp, tận tụy hết lòng với phong trào, quý trọng và
quan tâm đến đời sống của nhân dân”. Nhưng cũng chính thời đại mà “mỗi con người
không phải là một cá nhân” và “đề cao thái quá chủ nghĩa tập thể” lại là môi trường
thuận lợi cho sự nảy sinh những kẻ cơ hội nhân danh tập thể để trục lợi như Văn Quyền,

MỘT MÌNH MỘT NGỰA VÀ CHUYỆN CỦA LÝ...

77

Trần Quàn. Không những thế, con người còn thuộc về một gia đình, một gia hệ, dân tộc
nên họ còn được tiếp nhận sức mạnh truyền lưu từ những nguồn năng lượng ấy. Sinh ra
trong một gia đình “con nhà nòi cách mệnh”, là “con trai duy nhất của một vị đại tá tình
báo hoạt động ở trong Nam”, Chu Văn Dương đã sớm hình thành nhân cách và khí chất
của một chiến sĩ, một nhà lãnh đạo tài ba luôn tận hiến tâm lực cho đại sự xây dựng
cuộc sống mới. Trái lại, Văn Quyền lớn lên trong một môi trường nhiễm độc với bố là
tướng cướp, mẹ là chủ nhà chứa nên ăn sâu trong máu của hắn là bản chất của một tên
phóng đãng, vô luân. Còn cái Lý là kết tinh của tình yêu, vẻ đẹp hình thể và tâm hồn
của bố mẹ. Sức sống tự nhiên tiếp nhận từ nguồn cội là sinh lực lớn để cô bé vượt qua
số phận không may của mình. Mảnh đất Phong Sa nhỏ bé nhưng nhiều phong vị của
những lễ hội, tập tục, không hiếm những con người chân chất nghĩa tình, thêm vào đó là
những biến động của cuộc sống riêng chung cũng là những yếu tố tạo nền tảng cho sự
hình thành và phát triển nhân cách tốt đẹp của Lý sau này.
Sự tiên phong trong nhận thức, hành xử giúp nhiều người trong Một mình một ngựa và
Chuyện của Lý vượt thoát những quan điểm bảo thủ, lạc hậu một thời để vươn lên trong
xây dựng đời sống mới. Nhưng đôi lúc, sự cấp tiến của con người lại dẫn đến bi kịch
của chính họ. Trong Một mình một ngựa, nhân vật trung tâm - bí thư Tỉnh ủy Quyết
Định – đã đơn thương độc mã đi vào sào huyệt của thổ ti phong kiến, thuyết phục họ đi
theo cách mạng. Cuộc đời ông là cuộc đời một con người say mê chiến công, lập nhiều
kì tích như huyền thoại nhưng cũng chịu không ít trả giá, bầm dập. Cô đơn dường như
đã trở thành trạng thái thường trực ở con người này: “Tựu trung, như định mệnh từ ông
bước ra, trước sau ông vẫn chỉ là một chiến binh một người một ngựa xông pha nơi
chiến trận”. Đơn độc đương đầu với khó khăn trong công cuộc xây dựng đất nước, trong
hoàn cảnh chiến tranh gian khó và trong ý thức con người còn mông muội, nhiều định
kiến hẹp hòi, nặng tính chất giáo điều, có lúc ông tưởng chừng như không còn sức, cảm
giác như mình “đứng trong sương mù chỉ nhìn thấy ba bước chân”. Trong hội nghị
Mường Thông, con người đầy bản lĩnh, nhiệt tâm này cũng phải cảm thấy “cô đơn lắm”
vì “một mình kiên trì một ý tưởng”, đối đầu với tất cả, “hoàn toàn ở vào thế một mình
một cõi ở nơi đầu sóng ngọn gió”, “tiền duyên chỉ còn lại một lô cốt cố thủ”. Cô đơn
với cả những người ngỡ cùng hội cùng thuyền vì giữa thời buổi bấy giờ, tình đồng chí
không còn giữ được vẻ thiêng liêng, đẹp đẽ như xưa: “Cùng là cấp ủy với nhau mà ganh
ghét, tị nạnh, tìm cách dìm dập nhau đủ trò. Tiếng là đứng đầu một tỉnh mà nhiều khi xử
sự với nhau, với công việc như lũ tiểu nhân, như bày trẻ nít”. Ông cũng lẻ loi và yếm
thế biết bao khi một mình kiên định bảo vệ chân lí. Sự bất lực trước án kỉ luật đầy vô lí,
bất công của ông Đồng và Hưng khiến ông Bí thư tỉnh ủy Hoàng Liên, ngay cả trong
cơn nguy kịch chưa biết sống chết thế nào vẫn khôn nguôi dằn vặt, hối lỗi. Không ít lúc,
nhân vật còn cảm thấy bản thân rơi vào trạng thái “vô cố tri” trong quan hệ với người
vợ đầu ấp tay gối của mình. Là người đam si với công cuộc xây dựng cuộc sống mới,
hầu như ông không còn dành thời gian cho bản thân. Trong khi Yên, vợ ông, “hai con
rồi mà ánh mắt còn tươi mưởi thế kia, vóc hình còn óng ả, rạng rỡ, đa cảm và sôi nổi thế
kia!” thì ông lại là một người ham mê chiến công, ham mê công việc đến mức bận rộn
tối ngày, do vậy đã “tự làm vơi cạn nguồn dục vọng và lạc thú đàn bà của mình”, trở

78

PHÙNG THỊ HẢI YẾN – BÙI THANH TRUYỀN

thành một kẻ “kém cỏi”, “thiểu năng” trong chuyện chăn gối với vợ. Điều đó phần nào
khiến mối tình của ông với Yên khởi đầu là cuộc kì ngộ giữa anh hùng và mĩ nhân thì
giờ đây giữa hai người xuất hiện một trạng thái không cân bằng, một vết rạn ngày càng
sâu rộng. Việc tái hiện bi kịch đời thường ẩn sau hào quang huyền thoại của nhân vật
cho thấy sự mới mẻ, toàn diện và nhân bản trong tư duy nghệ thuật của nhà văn xuất
phát từ nỗ lực phi thường để không ngừng “khuấy động văn đàn” [8].
Toàn (Một mình một ngựa), Dương (Chuyện của Lý) là những nhân vật đồng dạng với
ông Quyết Định. Chính nỗ lực “phá trói” để vượt ra ngoài những suy nghĩ, định kiến
hạn hẹp, nặng tính chất giáo điều, quy chụp của cái thời mà mỗi con người “không phải
là một cá nhân”, “không phải là của riêng mình”, mà là “một thành viên của một cơ
cấu”, “một cái đinh ốc, một cánh tay đòn, một bộ phận của một cỗ máy”, được “giản
lược hóa đến cùng”, bị “triệt tiêu nguyện vọng, ý muốn riêng tư” cũng đã dẫn đến bi
kịch của hai người đàn ông giàu lí tưởng, khát vọng sống tốt đẹp này. Những đề xuất
độc sáng, đầy tinh thần trách nhiệm của Toàn, dưới con mắt của con người thời ấy,
bỗng trở thành những ý kiến ngoài lề, phản động, đi ngược lại nếp nghĩ của số đông và,
đáng buồn thay, chúng lại trở thành “chứng cứ ngoại phạm” cho những kẻ cơ hội, thiển
cận sử dụng để buộc tội anh: “Cách mạng hàm chứa trong nó sự hỗn độn nên nó là
mảnh đất màu để đẻ ra những lũ quái thai, bọn cơ hội cặn bã”; “Cách mạng tuyệt đối
không được sử dụng bọn vô sản lưu manh”; “Chủ nghĩa tập thể thô sơ triệt tiêu cá nhân
là nguyên nhân tan rã của hợp tác xã, là tiền đề sinh ra tầng lớp lãnh đạo đặc quyền đặc
lợi”,… Chung cuộc, cũng như ông Quyết Định, Toàn rơi vào trạng thái buồn chán, thất
vọng bởi lạc loài, đơn độc ngay trong chính tập thể, với những người vốn được gọi là
“đồng chí” mà hiếm ai đồng ý, đồng tình với mình. Còn Dương – “một tín đồ của chủ
nghĩa anh hùng mang màu sắc lãng mạn” – khi đích thân cùng đồng đội săn bắt cướp
hoặc chân trần lặn lội khắp hai mươi tám xã, tám mươi tư thôn bản để nắm tình hình bà
con làm ăn sinh sống, vị Bí thư huyện ủy này cũng chịu bao điều tiếng thị phi, những
trò ném đá giấu tay bẩn thỉu của thiên hạ, trong đó phần đông là những kẻ cơ hội, đục
nước béo cò, chuyên sống bằng đố kị, kèn cựa, luôn tìm mọi cách triệt hạ những người
nổi trội hơn mình. Thành công trong việc khắc họa kiểu nhân vật – người lãnh đạo cô
đơn trong bi kịch lạc thời này là một đóng góp quan trọng của Ma Văn Kháng cho văn
xuôi hôm nay.
3. KẾT LUẬN
Hệ quả tất yếu – cũng là minh chứng khả tín cho những nỗ lực cách tân trong quan niệm
nghệ thuật về con người của Ma Văn Kháng - là người viết đã tạo sinh một hệ thống
nhân vật đầy ám gợi. Đó là chân dung thế hệ cán bộ vùng cao tâm huyết với sự nghiệp
bảo vệ, xây dựng đất nước như ông Quyết Định, Dương, Đồng, Hưng, Toàn, Đình…
Qua họ, người đọc thấy được chân ảnh của một lớp người với những ưu điểm, thiếu sót
cụ thể. Đó là những thường dân Tây Bắc nghĩa tình, nhân hậu như ông Thòn, bà Pham
(Chuyện của Lý), bà cụ Dư (Một mình một ngựa). Tuy mỗi nhân vật có một đời sống
riêng nhưng tất cả đều có chung những nét tính cách ổn định, bất biến: lòng vị tha, nhân
hậu, đức hi sinh, lối sống trọng tình… Sự hiện diện của họ không chỉ đem lại một trạng

nguon tai.lieu . vn