Xem mẫu

  1. TẠP CHÍ KINH TẾ - CÔNG NGHIỆP Số 28 – Tháng 07/2021 MỐI QUAN HỆ GIỮA VĂN HÓA TỘC NGƯỜI VÀ ĐỊA DANH Ở TỈNH SÓC TRĂNG The relationship between ethnic culture and place-names in Soc Trang province 1 Nguyễn Minh Ca 1 Giảng viên khoa Ngữ văn, Trường Đại học Tây Đô, Cần Thơ, Việt Nam nguyenminhca@gmail.com Tóm tắt — Về mặt nhận thức luận, hai yếu tố văn hóa và ngôn ngữ có mối quan hệ tương tác qua lại lẫn nhau, nếu ngôn ngữ là phương tiện chuyên chở văn hóa thì văn hóa chứa đựng trong ngôn ngữ. Ngôn ngữ là sản phẩm kết tinh của văn hóa tộc người, hình thành trong quá trình lao động của tộc người. Nhờ vào tồn tại của ngôn ngữ mà một phần văn hóa tộc người được lưu truyền, gìn giữ. Vì vậy, để nghiên cứu văn hóa, chúng ta không thể bỏ qua yếu tố nghiên cứu văn hóa trong ngôn ngữ. Bài viết trình bày một số nội dung mang tính lí luận khi nghiên cứu mối quan hệ giữa văn hóa và ngôn ngữ nói chung và văn hóa với địa danh nói riêng. Địa danh là sản phẩm văn hóa phản ánh nhận thức tộc người; Địa danh chứa đựng đặc trưng văn hóa tộc người và ý thức tộc người; Sự phân bố tộc người dẫn đến việc hình thành địa danh. Khung lý thuyết nêu trên hy vọng giúp ích cho các nhà ngôn ngữ học và văn hóa học trong nghiên cứu mối quan hệ giữa văn hóa và ngôn ngữ ở thời điểm hiện tại. Abstract — In terms of epistemology, the two factors of culture and language have an reciprocal interactive relationship, if language is a means of transporting culture, culture is contained in language. Language is a crystallized product of ethnic culture, formed during ethnic work. Thanks to the existence of the language, a part of ethnic culture has been passed down and preserved. Therefore, to study culture, we cannot ignore the element of cultural research in language. The article presents some theoretical content when studying the relationship between culture and language in general and culture with place-names in particular. Place-names are real cultural products reflect ethnic perceptions; Place- names contain ethnic cultural characteristics and ethnic consciousness; The ethnic distribution led to the formation of place-names. The above theoretical framework is expected to help linguists and culturalists in studying the relationship between culture and language at present. Từ khóa — Văn hóa, địa danh, tỉnh Sóc Trăng, culture, place-names. 1. Giới thiệu Địa danh là một bộ phận của ngôn ngữ, ra đời trong quá trình lao động sản xuất. Địa danh ngoài chức năng định danh còn mang trong mình những giá trị văn hóa lịch sử về vùng đất, con người – nơi địa danh được hình thành. Nghiên cứu mối quan hệ giữa văn hóa và địa danh là nghiên cứu sự tác động qua lại giữa hai yếu tố văn hóa và ngôn ngữ. Dựa trên bình diện ngôn ngữ (địa danh), nghiên cứu chỉ ra những yếu tố văn hóa tồn tại trong địa danh như văn hóa nhận thức của địa danh, văn hóa tộc người, ý thức tộc người trong địa danh hay việc phân bố tộc người là nguyên nhân hình thành địa danh ở tỉnh Sóc Trăng nói riêng và địa danh nói chung. 2. Mối quan hệ giữa văn hóa tộc người và địa danh 2.1. Địa danh là sản phẩm văn hóa phản ánh nhận thức tộc người Địa danh trước hết là sản phẩm của quá trình lao động có tính lịch sử của các tộc người. Chức năng cơ bản của địa danh xét về mặt ngôn ngữ là dùng để định danh, gọi tên. Ngoài ra, địa danh còn lưu giữ nhiều giá trị văn hóa, lịch sử, dân tộc,… Nhà nghiên cứu Lê Trung Hoa (2005) cho rằng: Địa danh xuất hiện trong những điều kiện lịch sử, địa lý nhất định. Do đó, nó mang những đặc điểm của thời điểm và môi trường nơi nó chào đời. Rồi thời gian trôi qua, không 27
  2. TẠP CHÍ KINH TẾ - CÔNG NGHIỆP Số 28 – Tháng 07/2021 gian biến đổi, nhưng nó vẫn được bảo lưu được những đặc điểm đó. Vì vậy, địa danh trở thành những tấm bia lịch sử - văn hóa của một vùng đất (tr.67). Trong quá trình cộng cư và lao động sản xuất của các tộc người, việc đặc tên địa danh theo quy luật phản ánh các đặc điểm của tự nhiên, nhận thức theo quy luật phản ánh hiện thực, sự kiện lịch sử,… là một tất yếu của nguồn gốc hình thành địa danh. Văn hóa nhận thức trong cách đặc tên của các tộc người có thể kể đến là nhận thức về các sự vật, hiện tượng được các tộc người tiếp xúc trong quá trình lao động như tên của các con sông, kênh rạch, các hiện tượng tự nhiên, tên động vật, thực vật, các hướng Đông, Tây, Nam, Bắc trong địa danh. Nhà nghiên cứu Trần Văn Sáng (2017) khẳng định: Không thể nghiên cứu mối liên quan giữa văn hóa với ngôn ngữ mà lại bỏ qua vấn đề nhận thức, vấn đề tư duy của những người thuộc một cộng đồng văn hóa – ngôn ngữ đang được nghiên cứu (tr.172). Qua khảo sát địa danh, tác giả ghi nhận được khá nhiều địa danh thể hiện văn hóa nhận thức của các tộc người anh em trong quá trình lao động sản xuất ở tỉnh Sóc Trăng. Trong đó có 50 địa danh mang thành tố sông, 43 địa danh mang thành tố kênh, 55 địa danh mang thành tố rạch, 49 địa danh mang thành tố bưng, 25 địa danh mang thành tố giồng. Về các địa danh chỉ các loài động thực vật có 18 địa danh mang thành tố chỉ tên của các loài động vật và 64 địa danh mang tên thực vật. Về các địa danh chỉ phương hướng Đông, Tây, Nam, Bắc có 18 địa danh chỉ hướng Đông, 18 địa danh chỉ hướng Tây, 1 địa danh chỉ hướng Nam và 2 địa danh chỉ hướng Bắc. Điển hình như cầu Kênh 8A (thành phố Sóc Trăng), đường Kênh Mười Sự (đường tỉnh 937B), kênh Bưng Tróp (huyện Mỹ Tú), kênh Giồng Cát (huyện Kế Sách), ấp Mỹ Đông 1, Mỹ Đông 2 (thị xã Ngã Năm),… Hiện tượng này cũng xảy ra ở nhiều địa phương khác khi nghiên cứu văn hóa nhận thức về địa hình của các tộc người Tây Thừa Thiên Huế, nhà nghiên cứu Trần Văn Sáng (2017) đã thống kê được 109 ngọn núi, 17 ngon đồi, 20 động, 10 con đèo, 33 con sông, 43 con suối, 78 ngọn khe, 7 con thác, 1 gò, 4 đầm, 2 hồ và 2 vực. Ngoài ra cách đặt tên của các tộc người Tây Thừa Thiên cũng mang màu sắc dân dã, thể hiện lối tư duy trực quan, cụ thể và đơn giản. Ví dụ như núi Ta Vi (núi có nhiều cây giang mộc), núi Cà Lương (núi không có cây cối, đồi trọc),… Tương tự khi nghiên cứu ở Nam Bộ và thành phố Hồ Chí Minh nói riêng với trên 6000 địa danh, tác giả Lê Trung Hoa (2005) đã thống kê được 31 tên suối, 35 rỏng, 47 bàu, 25 vườn, 942 rạch. Địa danh ở thành phố Hồ Chí Minh còn cho ta biết ở đây xưa kia có cây cối và cầm thú mà ngày nay không còn nữa như: Rạch Thai Thai, rạch Thiền Liền, rạch Láng Voi, rạch Hóc Hươu, rạch Bàu Nai,… (huyện Củ Chi). 2.2. Địa danh "ẩn chứa" đặc trưng văn hóa tộc người và ý thức tộc người Đặc trưng văn hóa tộc người được nhận diện khi nghiên cứu địa danh có thể kể đến đó là tín ngưỡng, tôn giáo và ý thức tộc người. Về tín ngưỡng và tôn giáo có trong địa danh tuân thủ theo quy luật phản ánh sự tồn tại của thực thể văn hóa tại nơi địa danh ra đời. Qua việc tìm hiểu về nguồn gốc địa danh, nhiều địa phương cho ta biết được tại nơi đó có nhiều phong tục tập quán, tín ngưỡng, tôn giáo của tộc người đã từng tồn tại hay hiện tại những dấu tích ấy vẫn còn hiện diện. Địa danh ở tỉnh Sóc Trăng là kết quả của quá trình cộng cư và quá trình nhận thức của các cộng đồng tộc người anh em Khmer, Việt, Hoa,… Chính sự cộng cư của cộng đồng ba dân tộc này đã tạo nên sự đa dạng về văn hóa. Đặc trưng văn hóa tộc người qua địa danh được thể hiện qua các yếu tố tín ngưỡng, tôn giáo và tâm lý tộc người. Về tín ngưỡng, có thể nói hình thức tín ngưỡng thờ Neak Tà có ảnh hưởng khá sâu sắc trong đời sống của cư dân Khmer nói chung và tên gọi địa danh nói riêng. Neak Tà vốn được xem là thần bản thổ, thần bảo hộ phum, sóc, dân làng. Tín ngưỡng thờ Neak Tà vốn có vai trò rất quan trọng trong quá trình khai hoang lập ấp của tộc người Khmer vùng đồng bằng sông 28
  3. TẠP CHÍ KINH TẾ - CÔNG NGHIỆP Số 28 – Tháng 07/2021 Cửu Long nói chung và ở tỉnh Sóc Trăng nói riêng. Về chức năng, Neak Tà có khi phù hộ dân làng nhưng cũng có khi trừng phạt họ, vì vậy không ai dám phỉ báng “Ông Tà”. Do đó, tín ngưỡng thờ Neak Tà có một vị trí rất quan trọng trong việc gắn kết tình cảm cộng đồng. Nhờ hình thái tín ngưỡng này, tác giả có thể giải mã nguồn gốc của một số địa danh gắn với dân tộc Khmer như: Kênh Ông Tà (huyện Thạnh Trị), rạch Tha La Ông Tà (huyện Kế Sách),… Đối với tộc người Hoa và tộc người Việt, bốn con vật Long, Lân, Quy, Phụng vốn là những con vật linh thiêng trong thần thoại Trung Quốc với những đặc tính xuất chúng. Việt Nam cũng chịu ảnh hưởng từ quan niệm này của người Hoa. Ở Sóc Trăng thì Long, Quy và Phụng xuất hiện nhiều trong địa danh. Long (rồng) thường được mượn danh dùng cho các bậc đế vương, tượng trưng cho uy quyền. Quy (rùa) đại diện cho tướng quý, sống thọ. Phụng (phượng hoàng) đại diện cho hạnh phúc lứa đôi. Qua khảo sát có 51 địa danh mang yếu tố Long điển hình là rạch Bưng Long, ấp Bưng Long, sông Long Phú (huyện Long Phú), rạch Long Ẩn, ấp Tăng Long (huyện Cù Lao Dung), ấp Long A, ấp Long Hòa, ấp Long Thành, ấp Long Thạnh (thị xã Ngã Năm),… Có 04 địa danh mang yếu tố Quy là ấp Tân Quy A, ấp Tân Quy B, chợ Tân Quy A (huyện Long Phú), ấp Tân Quy (thị xã Vĩnh Châu). Ngoài ra còn có 09 yếu tố Phụng gồm ấp Phụng An (huyện Kế Sách), xã Song Phụng, ấp Phụng An, ấp Phụng Tường 1, ấp Phụng Tường 2, ấp Phụng Sơn (huyện Long Phú), ấp Phụng Hiệp (huyện Châu Thành), quốc lộ Quản Lộ Phụng Hiệp, khu du lịch Cồn Số 3 Song Phụng (huyện Cù Lao Dung). Về tôn giáo, người dân Sóc Trăng chủ yếu theo đạo Phật và đạo Thiên Chúa. Sinh hoạt tôn giáo của họ được ghi nhận qua những địa danh chứa các thành tố như Chùa, Đình, Nhà Thờ, Miễu. Qua khảo sát, có 18 địa danh có thành tố Chùa: Giồng Chùa, ấp Giồng Chùa (huyện Trần Đề), cầu Chùa, cầu Chùa Mới, ấp Cầu Chùa, kinh Cầu Chùa (huyện Kế Sách), kinh Chùa (huyện Mỹ Xuyên), rạch Chùa Ông, ấp Chùa Ông (huyện Long Phú), ấp Giồng Chùa A, ấp Giồng Chùa B (huyện Châu Thành), ấp Giồng Chùa (huyện Thạnh Trị), đường Rạch Chùa (đường tỉnh 939), cầu Chùa Tà Ân, cầu Chùa, cầu Chùa Tà Ân 2 (huyện Mỹ Tú), cầu Đường Chùa (thị xã Ngã Năm), chợ Chùa Mới (thị xã Vĩnh Châu). Bên cạnh đó có 05 địa danh mang thành tố Đình là kinh Đình Trụ, rạch Đình Trụ (huyện Cù Lao Dung), cầu Đình 1, cầu Đình 2 (huyện Mỹ Xuyên), đường Rạch Đình Trụ (đường tỉnh 933B). Với 05 địa danh chứa thành tố Nhà Thờ là cầu Nhà Thờ Lớn, bến đò Nhà Thờ Bô Na (huyện Mỹ Tú), bến đò Vàm Nhà Thờ - Ngan Rô (huyện Cù Lao Dung), rạch Cống Nhà Thờ (huyện Thạnh Trị), cầu Nhà Thờ (đường tỉnh 940). Ngoài ra có 02 địa danh chứa thành tố Miễu là cầu Miễu (huyện Mỹ Xuyên) và rạch Miễu (huyện Kế Sách). Ý thức tộc người là ý thức tự giác, gìn giữ bản sắc của tộc người, có người còn gọi là lòng tự tôn của dân tộc. Nhờ có ý thức tộc người nên ta có thể khu biệt được những đặc trưng văn hóa của các tộc người khi họ sống cạnh nhau. Ý thức tộc người rất cần thiết cho bối cảnh toàn cầu hóa như ngày nay khi giao lưu kinh tế, văn hóa giữa các quốc gia diễn ra ngày càng sâu rộng. Biểu hiện về ý thức tộc người trong địa danh qua các huyền thoại, truyền thuyết, về các anh hùng dân tộc của các tộc người. Qua việc khảo sát địa danh tỉnh Sóc Trăng, tác giả ghi nhận có nhiều địa danh đã đi vào huyền thoại và truyền thuyết, lưu dấu những cư dân ngày đầu vào Nam lập ấp. Tuy mỗi thành tố địa danh được kể qua huyền thoại, truyền thuyết có thể là của tộc người Việt, Khmer, Hoa, hay Chăm,… nhưng tựu trung lại các địa danh lí giải, ghi dấu sự ra đời của vùng đất mới của các tộc người anh em trong quá trình cộng cư và khai phá. Trong số các huyền thoại và truyền thuyết được khảo sát có thể kể đến là huyền thoại về địa danh Ba Thắc, huyền thoại về địa danh Nhu Gia, truyền thuyết về địa danh sông Bãi Xàu (huyện Mỹ Xuyên), huyền thoại về địa danh sông Mỹ Thanh ở Sóc Trăng. Một số địa danh gốc Khmer có truyền thuyết gắn liền với những yếu tố lịch sử của tỉnh như địa danh Bang Long – Giếng nước, Mỹ Thanh, Ba Xuyên,… Có đề cập đến Chúa Nguyễn Ánh, sau này là triều đình Nhà Nguyễn. Hiện tượng này cũng 29
  4. TẠP CHÍ KINH TẾ - CÔNG NGHIỆP Số 28 – Tháng 07/2021 xuất hiện tương tự khi nghiên cứu ở các địa phương khác. Ví dụ như địa danh đồi Kăn Rơn ở Tây Thừa Thiên Huế (pangkong Kăn Rơâng – đồi mang tên nữ dân công người Pa – cô) được ghi lại trong truyền thuyết, cổ tích (Trần Văn Sáng, 2017, tr198). Truyền thuyết về địa danh Ông Phò (Vĩnh Long) vì tiêu diệt cọp, ông bị chúng vả vào mặt, dấu tay của cọp đã hằn lên một vết thương không chữa trị được (Ngô Thị Thanh, 2015, tr101). 2.3. Sự phân bố tộc người dẫn đến việc hình thành địa danh Đặc điểm về việc lựa chọn nơi ở, phương thức canh tác cũng như ý thức tộc người, tín ngưỡng và tôn giáo của các tộc người bản địa đã ảnh hưởng, tác động thậm chí là chi phối đến việc hình thành địa danh của địa phương. Đặc biệt là nơi cư trú và địa danh văn hóa của vùng canh tác. Yếu tố địa chính trị cũng có ảnh hưởng nhất định, nhưng sẽ có hiện tượng thay đổi nhanh chóng khi thể chế thay đổi. Nếu như tộc người Khmer chọn những nơi cao, khô ráo để định cư, lùi xa những kênh, rạch thì tộc người Việt lại chọn những nơi có nước ngọt của kênh, rạch để canh tác, sinh hoạt. Bên cạnh đó người Hoa giỏi thương nghiệp, chữa bệnh có xu hướng đi rất nhiều nơi để mua bán trao đổi hàng hóa. Ban đầu các tộc người anh em Việt – Hoa – Khmer,… định cư ở những nơi khác khu biệt về tên gọi của đơn vị tổ chức xã hội, người Khmer ở trong những phum (phum), sóc (srôk), tha la (sala), người Hoa tổ chức thành những Minh Hương xã, Thanh Hà xã, người Việt thành lập những làng (đơn vị nhỏ hơn còn gọi là xóm). Sau này do nhu cầu phát triển nên xảy ra hiện tượng cộng cư, giao lưu tiếp biến văn hóa giữa các tộc người trong cùng địa vực. Tộc người bản địa Khmer thường chọn sống ở các khu đất cao ráo. Điều này có lẽ xuất phát từ phong tục tập quán của họ. Theo dân tộc này thì sông, rạch là nơi ma quỷ bắt nhốt hồn người bệnh. Vì vậy, người Khmer thường có khuynh hướng lùi dần vào bên trong tạo thành những phum (phum), sóc (srôk), tha la (sala) riêng. Trong tiếng Khmer, phum, sóc chính là đơn vị cư trú xóm, làng, là hình thức tổ chức cư trú chủ yếu theo quan hệ hôn nhân, huyết thống. Thông thường, mỗi sóc gồm nhiều phum. Qua khảo sát địa danh của tác giả (năm 2009 và cập nhật năm 2018), địa danh Khmer có 79 địa danh, chiếm 3,5% tập trung nhiều ở những địa danh chỉ địa hình và địa danh chỉ các công trình xây dựng như ấp PôNôCamBôth (huyện Mỹ Xuyên), cầu Kế Sách (huyện Kế Sách),… Những minh chứng về sự phân bố không gian sinh sống của người Khmer ghi dấu qua thành tố địa danh “Sóc” như kênh Sóc Dông (huyện Long Phú), kênh Sóc Trăng (thành phố Sóc Trăng), giồng Tam Sóc (huyện Mỹ Tú),… Theo tổng điều tra dân số và nhà ở của Tổng cục thống kê (2009), người Khmer ở Việt Nam có dân số 1.260.640 người, có mặt tại nhiều tỉnh vùng Nam Bộ. Tập trung nhiều nhất là ở tỉnh Sóc Trăng (397.014 người, chiếm 30,7 % dân số toàn tỉnh và 31,5 % tổng số người Khmer tại Việt Nam). Kế tiếp là tỉnh Trà Vinh (317.203 người, chiếm 31,6 % dân số toàn tỉnh và 25,2 % tổng số người Khmer tại Việt Nam). Điều này lý giải tại sao văn hóa tộc người bản địa Khmer lại “đậm đặc” ở Sóc Trăng và Trà Vinh đến như vậy. Theo nhà nghiên cứu Huỳnh Lứa (2017), người Việt vào thế kỉ XVII đã có mặt ở Sóc Trăng nhưng rất thưa thớt, “nguyên nhân là do nơi đây vùng đất thấp, quanh năm ngập nước sình lầy, họ thiếu nước ngọt và nhiễm mặn trầm trọng”. Mãi đến thế kỉ XIX, dưới thời vua Gia Long và sau đó là vua Minh Mạng, nhờ chính sách khẩn hoang nên người Việt ở khu vực này đông dần lên “nhiều làng mới thuần Việt hoặc cư trú xen lẫn giữa người Việt – người Hoa – người Khmer đã lập nên nhiều thôn”. Dấu ấn của tộc người Việt qua địa danh được thể hiện rõ qua các địa danh chỉ địa hình mang thành tố giồng, gò, sông, bãi, cù lao,… được xác định là nơi ở đầu tiên của cư dân Việt di dân vào vùng đất Sóc Trăng vì nhu cầu sinh hoạt cần nước ngọt và giao thông thuận lợi. Địa danh thuần Việt có 752/2261 địa danh, chiếm 33,26%. Trong đó, tộc người Việt bản địa định danh các địa danh mang thành tố giồng như: Giồng Cát, kênh Giồng Cát (huyện Kế sách), Giồng Me, Giồng Nhản, Giồng Nổi (thị xã Vĩnh Châu), Giồng Chát, Giồng Chùa, kênh Gồng Chát (huyện Trần Đề). 30
  5. TẠP CHÍ KINH TẾ - CÔNG NGHIỆP Số 28 – Tháng 07/2021 Như tác giả đã nhận định, người Việt thường sinh sống tập trung theo tổ chức xóm, làng. Qua khảo sát có 33 thành tố "Xóm" tiêu biểu như kênh Xóm Chòi, kênh Xóm Phố (huyện Kế Sách), kênh Xóm Cũ, kênh Xóm Lung (huyện Mỹ Xuyên), kênh Xóm Lầu (thị xã Vĩnh Châu), kênh Xóm Tro (huyện Thạnh Trị), ấp Xóm Mới (thị xã Vĩnh Châu),… Bên cạnh đó 3 thành tố "Làng" gồm kênh Làng (thị xã Ngã Năm), kênh Làng Mới (huyện Thạnh Trị), kênh Làng Mới (thị xã Vĩnh Châu). So với sự phân bố nơi cư trú của tộc người Việt và tộc người Khmer thì hầu hết người Hoa có khuynh hướng phân bố ở các trung tâm, phố, chợ đông đúc để tập trung làm thương nghiệp. Trước đây, người Hoa thường tập trung sinh sống theo kiểu “lãnh sự quán”, cư dân sống rải rác khắp vùng, gọi là xã như Minh Hương xã, Thanh Hà xã. Khảo sát địa danh ở tỉnh Sóc Trăng, kết quả cho thấy địa danh có nguồn gốc Hán Việt nhiều hơn cả, có 773 địa danh, chiếm 34,19%. Ví dụ địa danh ấp Phụng Hiệp (huyện Châu Thành), cầu Tân Lập (thị xã Vĩnh Châu), ấp Phụng An (huyện Long Phú), ấp Đắc Thời, ấp Đắc Lực (huyện Châu Thành),… Qua số liệu tác giả phân tích, có thể thấy được cách đặt địa danh ở Sóc Trăng ảnh hưởng khá nhiều từ các yếu tố gốc Hán Việt. Nguyên nhân của hiện tượng này có thể lí giải như sau: Thứ nhất, do tâm lý đặt tên địa danh mang ước vọng của người dân khi đến vùng đất mới, mơ ước về sự an bình, thịnh vượng. Theo Nguyễn Thuý Diễm (2012) thì: Xu hướng này phát triển mạnh mẽ dưới thời phong kiến. Một mặt, ở thời kỳ này, chữ Hán đóng vai trò quan trọng. Mặt khác, nếu như những địa danh Nôm bình dị, mộc mạc thì những địa danh Hán Việt lại thể hiện tính triết lý cao siêu, phản ánh được tâm tư, nguyện vọng, tình cảm của người dân địa phương và mang tính hệ thống cao (tr.110). Thứ hai, tỷ lệ người Hoa ở Sóc Trăng cũng khá lớn so với các tộc người Việt, Khmer, (Tổng cục Thống kê, 2009). Người Hoa ở Sóc Trăng có 64.910 người, chỉ sau thành phố Hồ Chí Minh là 414.045 người và tỉnh Đồng Nai là 95.162 người, do vậy có những ảnh hưởng nhất định về văn hóa, tín ngưỡng, tôn giáo, ngôn ngữ,… nói chung trong đó có địa danh của tỉnh Sóc Trăng. Địa danh mang thành tố Pháp ngày nay không còn nhiều, chỉ còn tên của một vài con đường ở thành phố Sóc Trăng như: Sông Maspero, cầu Saintard, đường Calmette (thành phố Sóc Trăng),… Ngoài ra còn có một số địa danh vốn là từ mượn Mã Lai (như huyện Cù Lao Dung, thị trấn Cù Lao Dung, trong đó “pulaw” có nghĩa là cồn, đảo) và Indonesia (như cầu Chà Và (Java) – thành phố Sóc Trăng). 3. Kết luận Có thể nói, nghiên cứu thành tố văn hóa có trong địa danh ở tỉnh Sóc Trăng góp phần làm sáng tỏ mối quan hệ tương tác qua lại giữa ngôn ngữ và văn hóa. Nếu như ngôn ngữ là phương tiện biểu hiện của văn hóa thì văn hóa cũng đồng thời ẩn chứa, tồn tại trong ngôn ngữ. Không thể nghiên cứu văn hóa mà bỏ qua ngôn ngữ và ngược lại. Nghiên cứu mối quan hệ giữa ngôn ngữ và văn hóa ở địa danh tỉnh Sóc Trăng, tác giả ghi nhận những đặc trưng của mối quan hệ giữa văn hóa tộc người và địa danh như: Địa danh là sản phẩm văn hóa phản ánh nhận thức tộc người; Địa danh “ẩn chứa” đặc trưng văn hóa tộc người, ý thức tộc người; Sự phân bố tộc người dẫn đến việc hình thành địa danh. Việc xác định nội hàm của mối quan hệ giữa văn hóa và ngôn ngữ cũng như mối quan hệ giữa văn hóa tộc người và địa danh bước đầu mang tính chất chủ quan của người nghiên cứu. Trong tương lai, tác giả hy vọng các nhà khoa học sẽ tập trung nghiên cứu có hệ thống vấn đề trên để làm sáng rõ mối quan hệ giữa hai ngành khoa học này. 31
  6. TẠP CHÍ KINH TẾ - CÔNG NGHIỆP Số 28 – Tháng 07/2021 TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Huỳnh Lứa và cộng sự (2017). Lịch sử khai phá vùng đất Nam Bộ. NXB Tổng hợp TPHCM. [2] Lê Trung Hoa (2005). Tìm hiểu nguồn gốc địa danh Nam Bộ và tiếng Việt văn học. NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội. [3] Ngô Thị Thanh (2015). Địa danh tỉnh Vĩnh Long dưới góc nhìn văn hóa dân gian. Luận án tiến sĩ chuyên ngành Văn hóa học, Viện Văn hóa: Hà Nội. [4] Nguyễn Thuý Diễm (2012). Nghiên cứu địa danh tỉnh Sóc Trăng. Luận văn thạc sĩ chuyên ngành Ngôn ngữ học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM. [5] Trần Văn Sáng (2017). Đặc điểm Ngôn ngữ - Văn hóa của địa danh ngôn ngữ dân tộc thiểu số ở Tây Thừa Thiên Huế. NXB Thuận Hóa, Thừa Thiên Huế. [6] Tổng cục thống kê Việt Nam (2009). Tổng điều tra dân số và nhà ở. Truy cập ngày 23/3/2021. [Nguồn] https://www.gso.gov.vn/pxweb2/?pxid=V0201&theme=D%C3%A2n%20s%E1%BB%91%20v% C3%A0%20lao%20%C4%91%E1%BB%99ng, [7] Wikipedia Người Khmer Việt Nam, truy cập ngày 23/3/2021. [Nguồn] https://vi.wikipedia.org/wiki/Ng%C6%B0%E1%BB%9Di_Khmer_(Vi%E1%BB%87t_Nam)#D %C3%A2n_s%E1%BB%91_v%C3%A0_%C4%91%E1%BB%8Ba_b%C3%A0n_c%C6%B0_tr %C3%BA, Ngày nhận: 22/03/2021 Ngày duyệt đăng: 18/06/2021 32
nguon tai.lieu . vn