Xem mẫu

LUẬN VĂN: Tình hình triển khai áp dụng thuế giá trị gia tăng đối với hoạt động bưu chính viễn thông trên địa bàn thành phố Hà nội Lời nói đầu Việc áp dụng thuế giá trị gia tăng thay thế thuế doanh thu hiện nay ở Việt Nam là một đòi hỏi cấp bách mang tính tất yếu khách quan, nhằm khắc phục các nhược điểm của luật thuế doanh thu, thúc đẩy phát triển sản xuất, lưu thông và xuất khẩu hàng hoá; phù hợp với xu hướng chung trên thế giới, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện chính sách mở cửa, hội nhập với sự với sự hoạt động, phát triển kinh tế trong khu vực và quốc tế. Luật thuế giá trị gia tăng được quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá IX, kì họp thứ 11 thông qua ngày 10/5/97 và bắt đầu được triển khai áp dụng từ ngày 1/1/1999. Với việc triển khai áp dụng luật thuế gia trị gia tăng, các cơ quan quản lí - nhất là cơ quan thuế - đã chuẩn bị chu đáo kỹ càng và hoạch định bước đi thật cụ thể. Tuy nhiên, việc triển khai áp dụng luật thuế này trong công tác quản lí kinh doanh và hạch toán kế toán cụ thể của các doanh nghiệp bưu chính viễn thông còn mang nhiều nét đặc thù riêng. Trên cơ sở nhận thức như vậy, trong thời gian thực tập và nghiên cứu thực tế tai Cục thuế Hà nội, tôi đã mạnh dạn nghiên cứu đề tài “Tình hình triển khai áp dụng thuế giá trị gia tăng đối với hoạt động bưu chính viễn thông trên địa bàn thành phố Hà nội ” Nội dung đề tài gồm 3 chương: * Chương I: * Chương II: Thuế và sự cần thiết áp dụng thuế giá trị gia tăng. Tình hình triển khai áp dụng thuế giá trị gia tăng đối với hoạt động bưu chính viễn thông trên địa bàn thành phố Hà nội. * Chương III: Một số giải pháp nhằm hoàn thiện công tác quản lí thu thuế giá trị gia tăng đối với hoạt động bưu chính viễn thông trên địa bàn thành phố Hà nội. Chương I: thuế và sự cần thiết áp dụng thuế giá trị gia tăng đối với hoạt động bưu chính viễn thông I. Những vấn đề lí luận chung về thuế nhà nước. 1. Sự ra đời và tồn tại của thuế trong nền kinh tế thị trường. Thuế tồn tại cùng với nhà nước. Sự xuất hiện của nhà nước đòi hỏi cơ sở vật chất để đảm bảo điều kiện cho nhà nước tồn tại và thực hiện chức năng của mình. Nhà nước dùng quyền lực chính trị của mình để ban hành những qui phạm pháp luật làm công cụ phân phối tổng sản phẩm xã hội và thu nhập quốc dân, hình thành quỹ tiền tệ tập trung của nhà nước. Mà nguồn thu đó chỉ có thể có được từ việc động viên đóng góp một phần thu nhập xã hội do các tổ chức và các tầng lớp dân cư tạo ra dưới hình thức thuế. Do đó, sự xuất hiện của thuế là một tất yếu khách quan với chức năng chủ yếu, đầu tiên là nhằm đảm bảo nguồn thu để đáp ứng nhu cầu chi tiêu của nhà nước. Để đáp ứng nhu cầu chi tiêu ngày càng tăng trong việc củng cố bộ máy an ninh, quốc phòng, kinh tế, xã hội... hầu hết các nhà nước đều phải khai thác mọi nguồn thu dưới mọi hình thức như: vay mượn, bán tài nguyên, tài sản quốc gia.... Song hình thức động viên nguồn thu qua thuế, phí và lệ phí là phổ biến và chủ yếu nhất. Có thể nói thuế là hình thức động viên cổ xưa nhất của tài chính nhà nước. Trải qua những giai đoạn lịch sử với sự ra tăng về quyền lực và nhiệm vụ của nhà nước, thuế cũng được hoàn thiện hơn về nội dung và hình thức. Thuế tồn tại cùng với sự xuất hiện của sản phẩm thặng dư. Sự hình thành sản phẩm thặng dư trong xã hội là cơ sở chủ yếu tạo ra khả năng và các nguồn động viên về thuế. Như vậy, thuế là một phạm trù có tính lịch sử và là một tất yếu khách quan xuất phát từ nhu cầu đáp ứng chức năng của Nhà nước. Thuế phát sinh, tồn tại và phát triển cùng với sự ra đời, tồn tại và phát triển của Nhà nước. Nhà nước sử dụng thuế làm công cụ để thực hiện các chức năng của mình. Mặt khác, mỗi Nhà nước mang bản chất giai cấp nhất định nên thuế mang bản chất giai cấp của nhà nước sinh ra nó. Trong xã hội chiếm hữu nô lệ và nửa đầu của xã hội phong kiến, nền kinh tế chủ yếu phụ thuộc vào tự nhiên, tự cung, tự cấp, do đó nguồn thu chủ yếu của NSNN là hiện vật (1 bộ phận của sản phẩm thặng dư). Cơ sở chủ yếu để đánh thuế trong giai đoạn này là tài sản nên nó đem lại kết quả thấp, đặc biệt trong trường hợp thiên tai xảy ra thì thuế có thể lấy vào một phần của sản phẩm tất yếu. Đến thời kì quá độ từ xã hội phong kiến sang xã hội tư bản, việc đóng thuế bằng tiền ngày càng trở thành hình thức chủ yếu, giai cấp tư sản còn có nhiều hình thức thu thuế thông qua công trái, phát hành thêm giấy bạc và hình thức thu thuế bằng tiền đã dược áp dụng cho đến ngày nay. Chuyển sang nền kinh tế thị trường, nhu cầu chi tiêu của Nhà nước ngày càng tăng lên đòi hỏi nguồn động viên qua thuế cũng ngày càng tăng. Thuế không chỉ tạo ra nguồn thu cho NSNN mà còn là công cụ để quản lí và điều tiết vĩ mô nền kinh tế. Vì vậy, sự tồn tại của thuế trong nền kinh tế thị trường là tất yếu. Như vây, nhiệm vụ chính của mỗi Nhà nước trong từng giai đoạn lịch sử, đặc điểm của phương thức sản xuất, kết cấu giai cấp là những nhân tố chủ yếu ảnh hưởng tới vai trò, nội dung và đặc điểm của thuế. Do đó, cơ cấu và nội dung của cả hệ thống nói chung cũng như của từng sắc thuế nói riêng phải được nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, cải tiến và đổi mới kịp thời, thích hợp với tình hình nhiệm vụ của từng giai đoạn. Đồng thời phải giải quyết tổ chức phù hợp, đủ sức đảm bảo thực hiên các qui định pháp luật về thuế đã được Nhà nước ban hành trong từng thời kì. Hệ thống thuế được coi là phù hợp không thể chỉ nhìn vào số lượng các sắc thuế ít hay nhiều, vào mục tiêu đơn thuần về động viên tài chính mà phải được phân tích một cách toàn diện mối quan hệ chặt chẽ với yêu cầu phát triển kinh tế lành mạnh với đời sống xã hội, không đối lập với quyền lợi và khả năng đóng góp của nhân dân. Đặc biệt mức động viên đóng góp về thuế không vì mục tiêu phục vụ yêu cầu chi tiêu lãng phí, phô trương bất hợp lí, hoặc để đảm bảo sự hoạt động của một bộ máy cồng kềnh, kém hiệu lực, quá sức chịu đựng của nhân dân... 2. Khái niệm, đặc điểm của thuế: 2.1 Khái niệm thuế. Chúng ta đều biết, cùng với sự phát triển của nhà nước, thuế ngày càng hoàn thiện hơn về nội dung và hình thức. Tuy vậy, xét trên góc độ khái niệm, nhìn nhận về thuế nhà nước chưa có một sự thống nhất tuyệt đối. Theo David Recardo: thuế được cấu thành từ phần của chính phủ lấy trong sản phẩm đất đai và lao động trong nước, xét cho cùng thì thuế được lấy vào tư bản hoặc thu nhập của người chịu thuế. Anghen quan niệm: Để duy trì quyền lực công cộng cần phải có sự đóng góp của công dân cho nhà nước, đó là thuế. Còn theo KarlMarc, thuế là cơ sở kinh tế của bộ máy nhà nước, là thủ đoạn giản tiện do kho bạc thu được bằng tiền hoặc sản vật mà người dân phải đóng góp để dùng vào mọi chi tiêu của nhà nước. Một số nhà kinh tế Việt Nam lại lập luận, thuế là khoản đóng góp mang tính chất bắt buộc mà mọi thành viên trong xã hội hoặc các tổ chức kinh tế phải nộp vào NSNN theo qui định của pháp luật. Một số nhà kinh tế nước ngoài thì cho rằng, thuế là hình thức đóng góp bắt buộc được xây dựng và thu bằng con đường quyền lực nhằm đáp ứng nhu cầu chi tiêu theo chức năng của nhà nước. Trên phương diện kinh tế, thuế là một phương tiện làm thay đổi các cơ cấu tác động `đến tình hình kinh tế. Về xã hội, thuế là phương tiện phân phối lại thu nhập, đảm bảo công bằng xã hội. Những khái niệm về thuế nói trên tuy được diễn đạt theo các cách khác nhau nhưng đều có chung một số đặc điểm chủ yếu, đó là: thừa nhận sự gắn bó trực tiếp không thể tách rời giữa thuế và nhà nước. Chỉ có nhà nước là tổ chức duy nhất ban hành các sắc thuế và thuế là công cụ chủ yếu để tạo lập các nguồn thu cho NSNN nhằm đáp ứng nhu cầu chi tiêu của nhà nước. Nhà nước dùng quyền lực của mình để đặt ra các loại thuế thông qua cơ quan quyền lực cao nhất của nhà nước là Quốc hội. Kết hợp tất cả những hạt nhân hợp lí của các quan điểm trên về thuế, có thể nhận thức về thuế một cách toàn diện như sau: ... - tailieumienphi.vn
nguon tai.lieu . vn