Xem mẫu

  1. 1 CHƯƠNG 1 ĐẶT VẤN ĐỀ Biến đổi khí hậu có liên quan đến sự phát thải quá mức khí nhà kính vào khí quyển (chủ yếu là khí CO2) do các hoạt động kinh tế, xã hội của con người đang là mối quan tâm hàng đầu ở nhiều nước trên thế giới. Bởi sự nóng lên toàn cầu gây ra những hiện tượng như mực nước biển dâng cao, hạn hán, ngập lụt, gia tăng các loại bệnh tật, thiếu hụt nguồn nước ngọt, suy giảm đa dạng sinh học và gia tăng các hiện tượng khí hậu cực đoan. Không gì khác, chính những hoạt động không có kiểm soát của con người là nguyên nhân dẫn đến sự biến đổi đó. Các hoạt động của con người như sử dụng nhiên liệu hoá thạch, sản xuất xi măng, chuyển đổi mục đích sử dụng và việc phát thải khí trơ trong công nghiệp đã làm gia tăng nồng độ khí nhà kính trong khí quyển. Khí nhà kính có vai trò như một lớp chăn giữ nhiệt ấm cho trái đất vì chúng có khả năng hấp thụ và phát xạ lại bức xạ hồng ngoại trong đó CO2 có vai trò lớn nhất gây sự nóng lên toàn cầu. Theo các nghiên cứu đã được công bố thì khi nồng độ CO2 trong khí quyển tăng gấp đôi, thì nhiệt độ bề mặt trái đất tăng lên khoảng 3OC. Hiện nay, theo ước tính của IPCC, CO2 chiếm đến 60% nguyên nhân sự nóng lên toàn cầu. Nhận thức được vấn đề này, Việt Nam cùng với 160 quốc gia trên thế giới đã thông qua Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu toàn cầu (UNFCCC). Công ước này cụ thể hóa bằng nghị định thư Kyoto (12/1997). Nội dung quan trọng của Nghị định thư là đưa ra chỉ tiêu giảm phát thải khí nhà kính có tính ràng buộc pháp lý đối với các nước phát triển và cơ chế giúp các nước đang phát triển đạt được sự phát triển kinh tế - xã hội một cách bền vững thông qua thực hiện “Cơ chế phát triển sạch”. CDM đã mở ra cơ hội lớn cho ngành Lâm nghiệp trong việc bán tín chỉ carbon tích lũy
  2. 2 thông qua dự án trồng rừng và tái trồng rừng theo CDM để tạo nguồn sống cho người dân và tái đầu tư phát triển rừng. Việt Nam đã phê chuẩn Công ước khí hậu và Nghị định thư Kyoto nên được hưởng những quyền lợi dành cho các nước đang phát triển thông qua các dự án CDM, Chính phủ đã thông qua Chỉ thị số 35/2005/CT-TTg về tổ chức thực hiện Nghị định thư Kyoto thuộc Công ước khung Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, lần đầu tiên việc định giá rừng được đề cập và trở thành vấn đề quan trọng trong Luật bảo vệ và phát triển rừng sửa đổi năm 2004. Hiện nay, có rất nhiều đề tài nghiên cứu về lượng giá giá trị carbon của rừng, tuy nhiên những nghiên cứu về ảnh hưởng của đất rừng đến lượng carbon tích lũy còn rất hạn chế, mà mối quan hệ giữa đất rừng và lượng carbon tích lũy có ý nghĩa rất lớn trong việc trồng rừng bán tín chỉ carbon tích lũy. Nhờ mối quan hệ này chúng ta có thể xác định được loại đất thích hợp cho trồng rừng bán tín chỉ carbon cũng như xác định được lượng carbon tích luỹ thông qua một số tính chất đất. Xuất phát từ yêu cầu đó đề tài: “Nghiên cứu tương quan giữa một số tính chất đất và khả năng hấp thụ carbon của hai loại rừng trồng Keo tai tượng và Bạch đàn urophylla thuần loài làm cơ sở xác định loại đất thích hợp cho trồng rừng theo cơ chế phát triển sạch tại Phú Thọ” đặt ra là rất cần thiết và có ý nghĩa.
  3. 3 CHƯƠNG 1 TỔNG QUAN VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU 1.1. Trên thế giới 1.1.1. Nghiên cứu về sự biến động CO2 trong khí quyền Nhà bác học Pháp Lavoisier (1672 - 1725) là người đầu tiên phát hiện ra các thành phần cơ bản của không khí. Không khí của khí quyển chứa nhiều loại khí khác nhau: oxy, nhơ, dioxit carbon, ôzôn, mê tan, oxit nhơ, oxit lưu huỳnh, neon, kripton, radon, hêli,... và một lượng hơi nước nhất định. Trải qua nhiều thế kỷ, hàm lượng các chất khí vốn có trong không khí bị biến động hoặc xuất hiện những loại khí mới do con người tạo ra. Điều đó đã dẫn tới sự ô nhiễm không khí. Người ta đã định nghĩa về ô nhiễm không khí như sau: “Không khí gọi là bị ô nhiễm khi thành phần của nó bị thay đổi hay có sự hiện diện của những chất lạ, gây ra những tác hại mà khoa học chứng minh được hay gây ra sự khó chịu đối với con người” [18]. Hàm lượng khí CO2 trong khí quyển hiện nay là 0,35% và tỷ lệ này đang có xu hướng gia tăng. Để đánh giá hàm lượng dioxit carbon của không khí trái đất của thời kỳ xa xưa, các nhà nghiên cứu Liên Xô cũ đã lấy các mẫu băng trong các chỏm núi băng dày 3400m (có niên đại 160 thiên niên kỷ) ở các độ sâu khác nhau. Kết quả phân tích các mẫu băng Bắc cực nói trên của các nhà khoa học Xô Viết và các mẫu băng ở đảo Grinlen của các nhà khoa học ở Grenoble và Berne của Pháp và Thụy Sỹ đều cho thấy rằng không khí bị nhốt trong các khối băng chứa hàm lượng dioxit carbon là 0,02%, tức 200ppm. Các giá trị đó thấp hơn 1/3 so với mức ở thời kỳ tiền công nghiệp (trước cuộc cách mạng công nghiệp cuối thế kỷ 18) là 279 - 280ppm và vào cuối thế kỷ 19, tỷ lệ tăng lên 290ppm. Theo ước tính của IPCC, CO2 chiếm tới 60% nguyên nhân của sự nóng lên toàn cầu, nồng độ CO2 trong khí quyển
  4. 4 đã tăng 28% từ 288ppm lên 366ppm trong giai đoạn 1850 – 1998 (IPCC, 2000). Ở giai đoạn hiện nay, nồng độ khí CO2 tăng khoảng 10% trong chu kỳ 20 năm (UNFCCC, 2005) Người ta ước đoán đến năm 2030, hàm lượng dioxit carbon của khí quyển Trái đất lên tới 600ppm (0,06%) gấp đôi hàm lượng của thế kỷ 19 [18, 42,43]. Sự gia tăng hàm lượng CO2 trong khí quyển là nguyên nhân chính của hiện tượng nóng lên của khí hậu toàn cầu. Tới một ngưỡng nào đó nó sẽ gây mất an toàn cho hệ sinh thái và môi trường sống của con người và sinh vật. Trong tự nhiên thảm thực vật và đại dương có khả năng hấp thụ CO2 nước thải ra chủ yếu do hoạt động sống của con người. Ngày nay, các đo lường của các nhà khoa học đã cho thấy thảm thực vật đã thu giữ 1 trữ lượng CO2 lớn hơn một nửa khối lượng chất khí đó sinh ra từ sự đốt cháy các nhiên liệu hóa thạch trên thế giới. Từ nguyên liệu carbon này hàng năm thảm thực vật trên trái đất đã tạo ra được 150 tỷ tấn vật chất khô thực vật. Khám phá này càng khẳng định thêm vai trò của cây xanh: việc trồng nhiều cây xanh làm giảm hàm lượng CO2 khí quyển hay ngược lại việc phá rừng đã làm tăng hàm lượng đó trong khí quyển. 1.1.2. Khả năng hấp thụ carbon của thực vật Rừng là bể chứa carbon khổng lồ của trái đất. Tổng lượng hấp thu được dự trữ của rừng trên toàn thế giới khoảng 830PgC, trong đó carbon trong đất lớn hơn 1.5 lần carbon dự trữ trong thảm thực vật (Brown, 1997). Đối với rừng nhiệt đới, có tới 50% dự trữ trong đất (Dioxon et al.,1994, Brown, 1997; IPCC, 2000); Pregitzer và Euskirchen, 2004). Theo ước tính, hoạt động trồng rừng và tái trồng rừng trên thế giới có tỷ lệ hấp thu CO2 ở sinh khối là 0.4 – 1.2 tấn/ha/năm ở vùng cực bắc; 1.5-4.5 tấn/ha/năm ở các vùng nhiệt đới (Dioxon et al.,1994; IPCC, 2000).
  5. 5 Brown và cộng sự đã ước lượng tổng lượng carbon mà hoạt động trồng rừng trên thế giới có thể hấp thu tối đa trong vòng 50 năm (1995-2000) là khoảng 60-87 Gt C, với 70% ở rừng nhiệt đới, 25% ở rừng ôn đới và 5% ở vùng cực bắc (Cairns et al.,1997). Tính tổng lại rừng trồng có thể hấp thu được 11-15% tổng lượng CO2 phát thải từ nguyên liệu hóa thạch trong thời gian tương đương (Brown, 1997). Một số kết quả nghiên cứu về khả năng hấp thụ carbon của các dạng rừng: - Năm 1980, Brown và cộng sự đã sử dụng công nghệ GIS dự tính lượng carbon trung bình trong rừng nhiệt đới Châu Á là 144 tấn/ha trong phần sinh khối là 148 tấn/ha trong lớp đất mặt với độ sâu 1m, tương đương 42-43 tỷ tấn carbon trong toàn châu lục. Năm 1991, Houghton R.A đã chứng minh lượng carbon trong rừng nhiệt đới Châu Á là 40-250 tấn/ha, trong đó 50-250 tấn/ha ở phần thực vật và đất (dẫn theo Phạm Xuân Hoàn – 2005). - Năm 1986, Paml, C.A và cộng sự đã cho rằng lượng carbon trung bình trong sinh khối phần trên mặt đất của rừng nhiệt đới Châu Á là 185 tấn/ha và biến động từ 25-300 tấn/ha. Kết quả nghiên cứu của Brown (1991) cho thấy rừng nhiệt đới Đông Nam Á có lượng sinh khối trên mặt đất từ 50-430 tấn/ha (tương đương 25-215 tấn C/ha) và trước khi có tác động của con người thì các trị số tương ứng là 350-400 tấn/ha (tương đương 175-200 tấn C/ha). - Brown và Pearce (1994) đưa ra các số liệu đánh giá lượng carbon và tỷ lệ thất thoát đối với rừng nhiệt đới. Theo đó, một khu rừng nguyên sinh có thể hấp thụ được 280 tấn carbon/ha và sẽ giải phóng 200 tấn C/ha nếu bị chuyển thành du canh, du cư và sẽ giải phóng carbon nhiều hơn một chút nếu được chuyển thành đồng cỏ hay đất nông nghiệp. Rừng trồng có thể hấp thụ khoảng 115 tấn carbon và con số này sẽ giảm từ 1/3 đến 1/4 khi đất rừng chuyển sang canh tác nông nghiệp.
  6. 6 - Năm 1995, Murdiyarso D đã nghiên cứu và đưa ra dẫn liệu rừng Indonesia có lượng carbon hấp thụ từ 161-300 tấn/ha trong phần sinh khối trên mặt đất. - Tại Phillippines, năm 1999 Lasco R cho biết rừng tự nhiên thứ sinh có 86-201 tấn/ha trong phần sinh khối trên mặt đất, ở rừng già con số đó là 185- 260 tấn C/ha (tương đương 370-520 tấn sinh khối /ha, lượng carbon ước chiếm 50% sinh khối). - Tại Thái Lan, Noonpragop K. đã xác định lượng carbon trong sinh khối trên mặt đất là 72-182 tấn/ha. - Ở Malaysia, lượng carbon trong rừng biến động từ 100-160 tấn/ha và tính cả trong sinh khối và đất là 90-780 tấn/ha (Abu Bakar, R). - Năm 2000, tại Indonesia Noordwijk đã nghiên cứu khả năng tích lũy carbon của các rừng thứ sinh, các hệ nông lâm kết hợp và thâm canh cây lâu năm. Kết quả cho thấy lượng carbon hấp thụ trung bình là 2.5 tấn/ha/năm. - Công trình nghiên cứu tương đối toàn diện và có hệ thống về lượng carbon tích lũy của rừng được thực hiện bởi Ilic (2000) và Mc Kenzie (2001). Theo Mc Kenzie (2001), carbon trong hệ sinh thái rừng thường tập trung ở bốn bộ phận chính: thảm thực vật còn sống trên mặt đất, vật rơi rụng, rễ cây và đất rừng. Việc xác định lượng carbon trong rừng thường được thực hiện thông qua xác định sinh khối rừng. Kết quả nghiên cứu về sự biến động carbon sau khai thác rừng: - Theo Lasco (2003) lượng sinh khối và carbon của rừng nhiệt đới Châu Á bị giảm khoảng 22-67% sau khai thác; tại Phillippines, ngay sau khi khai thác lượng carbon bị mất là 50%, so với rừng thành thục trước khai thác; ở Indonesia là 38-75%. - Theo Putz F.E & Pinard M.A (1993), phương thức khai thác cũng có ảnh hưởng rõ rệt tới mức thiệt hại do khai thác trắng hay lượng carbon bị
  7. 7 giảm. Bằng việc áp dụng phương thức khai thác giảm thiểu tác động của Sabah (Malaysia) sau khai thác một năm, lượng sinh khối đã đạt 44-67% so với trước khai thác. Lượng carbon trong lâm phần khai thác theo phương thức thông thường đến 88 tấn/ha (dẫn theo Phạm Xuân Hoàn, 2005). - Nghiên cứu sự biến động carbon sau nương rẫy cho thấy rằng: Nếu rừng bị phá bỏ hoàn toàn để làm nương rẫy hay trở thành trảng cỏ cho khả năng tích lũy carbon giảm nghiêm trọng (dẫn theo Phạm Xuân Hoàn, 2005). - Thay thế rừng tự nhiên bằng rừng trồng hoặc cây công nghiệp lâu năm là hình thức thay đổi phương thức sử dụng đất khá phổ biến ở các nước nhiệt đới và kết quả làm giảm lượng carbon trong các hệ sinh thái mới được hình thành so với rừng tự nhiên vốn có. Tại Indonesia, các đồn điền cọ dầu và cà phê có lượng carbon thấp hơn rừng tự nhiên từ 6-31% (Sitompul.S.M. et al., 2000); các hệ canh tác nông lâm kết hợp và rừng trồng mức chênh lệch này là 4-27% (Hairiah. K. và cộng sự, 2000) (dẫn theo Phạm Xuân Hoàn, 2005). - Theo Rodel D. Lasco (2002), lượng carbon tích lũy bởi rừng chiếm 47% tổng lượng carbon trên trái đất, nên việc chuyển đổi đất rừng thành các loại hình sử dụng đất khác có tác động mạnh mẽ đến chu trình carbon. Các hoạt động lâm nghiệp và sự thay đổi phương thức sử dụng đất, đặc biệt là sự suy thoái rừng nhiệt đới là một nguyên nhân quan trọng làm tăng lượng CO2 trong khí quyển, ước tính có khoảng 1.6 tỷ tấn/năm trong tổng số 6.3 tỷ tấn khí CO2/năm được phát thải ra do các hoạt động của con người. Vì vậy, rừng nhiệt đới và sự biến động của nó có ý nghĩa rất to lớn trong việc hạn chế quá trình biến đổi khí hậu toàn cầu. Với sự ra đời Nghị định thư Kyoto, vai trò của rừng trong giảm phát thải khí nhà kính và chống lại sự nóng lên toàn cầu đã đươc khẳng định. Theo kết quả tính toán, giá trị hấp thụ CO2 của các rừng tự nhiên nhiệt đới khoảng từ 500-2000 USD/ha và đối với rừng ôn đới là từ 100-300 USD/ha (Zang,
  8. 8 2000). Giá trị hấp thụ CO2 ở rừng Amazon được ước tính là 1625 USD/ha/năm, rừng thứ sinh là 1000-3000 USD/ha/năm (Camille Bann và Bruce Aylward, 1994). 1.2. Ở Việt Nam So với những vấn đề nghiên cứu khác trong lĩnh vực lâm nghiệp, nghiên cứu về sinh khối rừng ở nước ta được tiến hành khá muộn (cuối thập kỷ 80 của thế kỷ XX), tản mạn và không có hệ thống. Tuy nhiên, các nghiên cứu cũng đã đem lại những kết quả rất có ý nghĩa: Nguyễn Hoàng Trí (1986) với công trình “Sinh khối và năng suất rừng Đước” đã áp dụng phương pháp “cây mẫu” nghiên cứu năng suất, sinh khối một số quần xã rừng Đước đôi (Zhizophora apiculata) rừng ngập mặn ven biển Minh Hải là đóng góp có ý nghĩa lớn về mặt lý luận và thực tiễn đối với hệ sinh thái rừng ngập mặn ven biển nước ta. Hà Văn Tuế (1994) cũng trên cơ sở phương pháp “cây mẫu” của Newboul, P.J (1967) nghiên cứu năng suất, sinh khối một số quần xã rừng trồng nguyên liệu giấy tại vùng trung du Vĩnh Phúc. Công trình "Đánh giá sinh trưởng, tăng trưởng, sinh khối và năng suất rừng Thông ba lá (Pinus keysia Royle ex Gordon) vùng Đà Lạt - Lâm Đồng" của Lê Hồng Phúc (1996) đã tìm ra quy luật tăng trưởng sinh khối, cấu trúc thành phần tăng trưởng sinh khối thân cây. Tỷ lệ sinh khối tươi, khô của các bộ phận thân, cành, lá, rễ, lượng rơi rụng, tổng sinh khối cá thể và quần thể rừng Thông. Bên cạnh đó, Nguyễn Ngọc Lung và Ngô Đình Quế cũng đã nghiên cứu về động thái, kết cấu sinh khối và tổng sinh khối cho loài cây này. Vũ Văn Thông (1998) với công trình "Nghiên cứu cơ sở xác đinh sinh khối cây cá lẻ và lâm phần Keo lá tràm (Acacia auriculiformis Cun) tại tỉnh Thái Nguyên" đã giải quyết được một số vấn đề thực tiễn đặt ra, đó là nghiên cứu và xây dựng mô hình xác định sinh khối Keo lá tràm, lập các bảng tra sinh khối tạm thời phục vụ cho công tác điều tra kinh doanh rừng.
  9. 9 Cùng với loài Keo lá tràm, Hoàng Văn Dưỡng (2000) đã tìm ra quy luật quan hệ giữa các chỉ tiêu sinh khối với các chỉ tiêu biểu thị kích thước của cây, quan hệ giữa sinh khối tươi và sinh khối khô các bộ phận thân cây Keo lá tràm. Nghiên cứu cũng đã lập được biểu tra sinh khối và ứng dụng biểu xác định sinh khối cây cá lẻ và lâm phần Keo lá tràm. Đặng Trung Tấn (2001) với công trình nghiên cứu “Sinh khối rừng Đước”, đã xác định được: Tổng sinh khối khô rừng Đước ở Cà Mau là 327 m3/ha, tăng trưởng sinh khối bình quân hàng năm là 9500kg/ha. Từ khi Cơ chế phát triển sạch được thông qua và thực sự trở thành một cơ hội mới cho ngành lâm nghiệp thì những nghiên cứu về sinh khối rừng ở nước ta bắt đầu nhận được sự quan tâm đặc biệt của các nhà khoa học. Có thể kể đến một số kết quả sau: Theo Nguyễn Văn Dũng (2005) [4], rừng trồng Thông mã vĩ thuần loài 20 tuổi có tổng sinh khối tươi (trong cây và vật rơi rụng) là 321.7- 495.4 tấn/ha, tương đương với lượng sinh khối khô là 173.4 – 266.2 tấn. Rừng Keo lá tràm trồng thuần loài 5 tuổi có tổng sinh khối tươi (trong cây và trong vật rơi rụng) là 251.1 – 433.7 ha, tương đương với lượng sinh khối khô thân là 132.2 – 223.4 tấn/ha. Vũ Tấn Phương (2006) [11] khi nghiên cứu về sinh khối cây bụi thảm tươi tại Đà Bắc - Hòa Bình; Hà Trung, Thạch Thành, Ngọc Lặc - Thanh Hóa cho kết quả: Sinh khối tươi biến động rất khác nhau giữa các loại thảm tươi cây bụi: Lau lách có sinh khối tươi cao nhất, khoảng 104 tấn/ha, tiếp đến là trảng cây bụi cao 2- 3 m có sinh khối tươi đạt khoảng 61 tấn/ha. Các loại cỏ như cỏ lá tre, cỏ tranh và cỏ chỉ (hoặc cỏ lông lợn) có sinh khối biến động khoảng 22- 31 tấn/ha. Về sinh khối khô: lau lách có sinh khối khô cao nhất, 40 tấn/ha; cây bụi cao 2-3 m là 27 tấn/ha; cây bụi cao dưới 2 m và tế guột là 20 tấn/ha; cỏ lá tre 13 tấn/ha; cỏ tranh 10 tấn/ha; cỏ chỉ, cỏ lông lợn 8 tấn/ha.
  10. 10 Nguyễn Ngọc Lung và Nguyễn Tường Vân (2004) [8] đã sử dụng biểu quá trình sinh trưởng và biểu Biomass để tính toán sinh khối rừng. Kết quả cho thấy: tính theo biểu quá trình sinh trưởng (Nguyễn Ngọc Lung, Đào Công Khanh, 1999), trữ lượng thân cây cả vỏ 1 ha lúc 6 tuổi là 586m3/ha (phần cây sống) thì Biomass thân cây khô tuyệt đối là: 586 x 0,532 = 311.75 tấn. Biomass toàn rừng là: 311.75 x 1.3736 = 428.2 tấn. Còn nếu tính theo biểu Biomass thì giá trị này là 434.2 tấn. Sai số giữa biểu quá trình sinh trưởng và biểu sản lượng là 1.4%, đây là mức sai số có thể chấp nhận được. Ngoài ra còn một số công trình nghiên cứu khác về sinh khối rừng như: Viên Ngọc Nam, Nguyễn Dương Thụy (1991) nghiên cứu sinh khối rừng Đước tại Cần Giờ, Nguyễn Văn Bé (1999) nghiên cứu sinh khối rừng Đước tại Bến Tre. Ngô Đình Quế (2005) [14] với công trình “Nghiên cứu, xây dựng các tiêu chí, chỉ tiêu trồng rừng theo cơ chế phát triển sạch ở Việt Nam” đã tiến hành đánh giá khả năng hấp thụ CO2 thực tế của một số loại rừng trồng ở Việt Nam gồm: Thông nhựa, Keo lai, Keo tai tượng, Keo lá tràm và Bạch đàn uro ở các tuổi khác nhau. Kết quả tính toán cho thấy khả năng hấp thụ CO2 của các lâm phần khác nhau tuỳ thuộc vào năng suất lâm phần đó ở các tuổi nhất định. Để tích luỹ khoảng 100 tấn CO2/ha Thông nhựa phải đến tuổi 16 - 17, Thông mã vĩ và Thông ba lá ở tuổi 10, Keo lai 4 - 5 tuổi, Keo tai tượng 5 - 6 tuổi, Bạch đàn uro ở tuổi 4-5 . Kết quả này là rất quan trọng nhằm làm cơ sở cho việc quy hoạch vùng trồng, xây dựng các dự án trồng rừng theo cơ chế phát triển sạch CDM. Tác giả đã lập phương trình tương quan hồi quy tuyến tính giữa yếu tố lượng CO2 hấp thụ hàng năm với năng suất gỗ và năng suất sinh học. Từ đó tính ra được khả năng hấp thụ CO2 thực tế ở nước ta đối với 5 loài cây trên.
  11. 11 Theo kết quả nghiên cứu của Nguyễn Văn Dũng (2005) [4] tại Núi Luốt – Đại học lâm nghiệp cho thấy rừng Thông mã vĩ thuần loài 20 tuổi lượng có carbon tích luỹ là 80.7 - 122 tấn/ha; giá trị tích luỹ carbon ước tính đạt 25.8 – 39 triệu VNĐ/ha. Rừng Keo lá tràm trồng thuần loài 15 tuổi có tổng lượng carbon tích luỹ là 62.5 – 103.1 tấn/ha; giá trị tích luỹ carbon ước tính đạt 20 - 33 triệu VNĐ/ha. Tác giả cũng đã xây dựng bảng tra lượng carbon tích luỹ của hai trạng thái rừng trồng Keo lá tràm và Thông mã vĩ theo mật độ. Công trình “Nghiên cứu, xây dựng các tiêu chí, chỉ tiêu trồng rừng theo cơ chế phát triển sạch ở Việt Nam” của Ngô Đình Quế (2005) cho thấy, với tổng diện tích là 123.95 ha sau khi trồng Keo lai 3 tuổi, Quế 17 tuổi, Thông ba lá 15 tuổi, Keo lá tràm 12 tuổi thì sau khi trừ đi tổng lượng carbon của đường cơ sở, lượng carbon thực tế thu được qua việc trồng rừng theo dự án CDM là 7553.6 tấn carbon hoặc 27721.9 tấn CO2 (Vũ Tấn Phương, 2006) tính toán trữ lượng carbon trong sinh khối thảm tươi cây bụi tại Hòa Bình và Thanh Hóa là 20 tấn/ha với lau lách; 14 tấn/ha với cây bụi cao 2-3 m; khoảng 10 tấn/ha với cây bụi dưới 2m và tế guột; 6.6 tấn/ha với cỏ lá tre; 4.9 tấn/ha với cỏ tranh; cỏ chỉ, cỏ lông lợn là 3.9 tấn/ha. Đây là một kết quả nghiên cứu rất quan trọng không những chỉ đóng góp cho phương pháp luận nghiên cứu sinh khối cây bụi thảm tươi mà còn là căn cứ khoa học để xây dựng kịch bản đường cơ sở cho các dự án trồng rừng CDM sau này. Nguyễn Ngọc Lung, Nguyễn Tường Vân [8] đã sử dụng công thức tổng quát của quá trình quang hợp để tính ra hệ số chuyển đổi từ sinh khối khô sang CO2 đã hấp thụ là l.630/1. Căn cứ vào biểu quá trình sinh trưởng và biểu Biomass các tác giả tính được 1 ha rừng Thông 60 tuổi ở cấp đất III chứa đựng 707.75 tấn CO2 các tác giả thường thiết lập mối quan hệ giữa lượng carbon tích lũy của rừng với các nhân tố điều tra cơ bản như đường kính, chiều cao vút ngọn, mật độ, cụ thể như Nguyễn Văn
  12. 12 Dũng (2005) [3] đã lập phương trình cho 2 loài Thông mã vĩ và Keo lá tràm; Ngô Đình Quế (2005) [14] đã xây dựng mối quan hệ cho các loài Thông nhựa, Keo lai, Keo tai tượng, Keo lá tràm, Bạch đàn uro; Vũ Tấn Phương (2006) xây dựng các phương trình quan hệ cho Keo lai, Keo tai tượng, Keo lá tràm, Bạch đàn urophylla, Quế. Đây là những cơ sở quan trọng cho việc xác định nhanh lượng carbon tích lũy của rừng trồng nước ta thông qua điều tra một số chỉ tiêu đơn giản. Khả năng hấp thụ carbon của rừng tự nhiên cũng được quan tâm nghiên cứu Vũ Tấn Phương (2006) đã nghiên cứu trữ lượng carbon theo các trạng thái rừng cho biết: rừng giàu có tổng trữ lượng carbon 694.9 – 733.9 tấn CO2/ha; rừng trung bình 539.6 - 577.8 tấn CO2/ha; rừng nghèo 387.0 - 478.9 tấn CO2/ha; rừng phục hồi 164.9 – 330.5 tấn CO2/ha và rừng tre nứa là 116.5 – 277.1 tấn CO2/ha. Theo Hoàng Xuân Tý (2004), nếu tăng trưởng rừng đạt 13/ha/năm, tổng sinh khối tươi và chất hữu cơ của rừng sẽ đạt được xấp xỉ 10 tấn/ha/năm tương đương 15 tấn CO2/ha/năm, với giá thương mại cacbonic tháng 5/2004 biến động từ 3 - 5 USD/tấn CO2 thì một ha rừng như vậy có thể đem lại 45 - 75 USD (tương đương 675.000 - 1.120.000 VNĐ) mỗi năm. Việt Nam đã phê chuẩn Công ước khung của Liên hiệp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC) ngày 16/11/1994 và Nghị định thư Kyoto vào ngày 25/9/2002, được đánh giá là một trong những nước tích cực tham gia vào Nghị định thư Kyoto sớm nhất (Hoàng Mạnh Hoà, 2004). Theo kết quả kiểm kê khí nhà kính ở Việt Nam năm 1994, mức phát thải của nước ta hiện vẫn còn rất thấp: 103 triệu tấn CO2 tương đương (có nhiều loại khí nhà kính, nhưng được quy đổi ra CO2 thì gọi là CO2 tương đương). Tuy nhiên, trong xu thế phát triển của đất nước, chắc chắn mức phát thải này sẽ còn tăng lên. Do vậy, chúng ta phải có những biện pháp thích hợp để hạn chế phát thải ở mức thấp nhất.
  13. 13 Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, hiện nay có một số dự án đang được nghiên cứa xây dựng, triển khai ở Việt Nam là: - Dự án mẫu về chuyển đổi nhiên liệu cho tổ máy số 3 nhà máy điện Thủ Đức - Dự án thu hồi và sử dụng khí bãi rác tại Hải Phòng. - Dự án thu hồi và sử dụng khí bãi rác tại TP. Hồ Chí Minh Các dự án về Lâm nghiệp là rất ít, mới chỉ có hai dự án : "Trồng rừng môi trường trên đất mới ở A Lưới - tỉnh Thừa Thiên - Huế" với lượng CO2 giảm được là 27.528 tấn/năm do Uỷ ban nhân dân huyện A Lưới, Hội nông dân A Lưới, Lâm trường A Lưới và tổ chức phát triển Hà Lan thực hiện. "Dự án hợp tác của Trung tâm nghiên cứu giống cây rừng với Tổ chức IGPO" trong việc cung cấp giống cây Keo lưỡi liềm (Acacia crassicarpa) và Bạch đàn (Eucalyptus terreticomis) đã được cải thiện và chọn lọc để trồng 1.600 ha rừng ở miền Trung. Năng suất sinh trưởng tăng 15 - 20% so với giống cũ, tương đương với lượng carbon được cố định thêm là 6.000 tấn/ha/năm (bằng 22.000 tấn CO2. Ngoài ra, Trung tâm Nghiên cứu Sinh thái và Môi trường rừng thuộc Viện khoa học Lâm nghiệp Việt Nam - một trong những đơn vị đã có nhiều hoạt động liên quan đến trồng rừng CDM như: Nghiên cứu xây dựng tiêu chí cho các Dự án CDM tại Việt Nam. - Đánh giá tiềm năng hấp thụ CO2 của các thảm thực vật khác nhau tại một số tỉnh Hoà Bình, Thanh Hoá. - Dự án Capacity Development for AR-CDM Promotion in Việt Nam do Jica tài trợ thực hiện bởi trường Đại học Lâm nghiệp và Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam. - Thử nghiệm xây dựng đường cơ sở cho dự án CDM trong lâm nghiệp theo yêu cầu của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Theo ước tính của nhóm Nghiên cứu chiến lược Quốc gia về Cơ chế phát triển sạch do Bộ Tài nguyên và Môi trường mới công bố, dự kiến Việt
  14. 14 Nam có thể thu nhập thêm đến 250 triệu USD từ việc bán chứng chỉ giảm phát thải trong giai đoạn từ 2008 đến 2012. Tuy nhiên, thu nhập chính xác còn phụ thuộc vào giá mua bán carbon trên thị trường thế giới. 1.3. Một số nghiên cứu về Keo tai tượng và Bạch đàn Urophylla 1.3.1. Một số nghiên cứu về Keo tai tượng Nghiên cứu loài Keo tai tượng được bắt đầu vào năm 1980, theo Nguyễn Hoàng Nghĩa (1991, một số xuất xứ của 4 loài keo đã được đưa vào thử nghiệm ở nước ta cho thấy, tiềm năng sinh trưởng đáng khích lệ, ở hai địa điểm Ba Vì (Hà Nội) và Hóa Thượng (Thái Nguyên), Keo tai tượng sinh trưởng khá nhất cả về chiều cao lẫn đường kính. Cuối những năm 80 của thế kỷ XX, Keo tai tượng đã trở thành loài keo được ưa chuộng nhất ở nước ta, vì bên cạnh sinh trưởng nhanh nó còn khả năng duy trì độ phì của đất, chống xói mòn. Nhìn chung, ở miền Nam Keo tai tượng lớn nhanh hơn ở miền Bắc, cụ thể ở Bình Sơn (Đồng Nai) loài này đạt chiều cao bình quân 2.8 m/năm và đường kính bình quân đạt 4.5 cm/năm. Ở Tân Tạo - Thành phố Hồ Chí Minh, 2 chỉ tiêu này là 2.6 m/năm và 3.4 cm/năm, trong khi đó ở Ba Vì và Vĩnh Phú 2 chi tiêu này chỉ đạt 1.9 m/năm và 2.4 - 2.6 cm/năm. Một số xuất xứ Acacia mangium đã được đưa vào khảo nghiệm ở một số nơi, mặc dù các khảo nghiệm còn non tuổi, song đã có kết quả bước đầu. Tại Bầu Bàng (Bình Phước), nơi ứ nước trong mùa mưa, 2 xuất xứ sinh trưởng nhanh là Kennedy và Kuranda, còn ở La Ngà, đất tốt và thoát nước trong mùa mưa, các xuất xứ, Kennedy, Bronte và Hawkins sinh trưởng khá nhất. Sinh trưởng của Keo tai tượng ở Bầu Bàng chỉ đạt gần 2 m/năm (xuất xứ khá nhất), trong khi ở La Ngà xuất xứ tốt nhất đạt chiều cao 3.3 m/năm. Đầu năm 1990, Trung tâm nghiên cứu giống cây rừng đã triển khai một khảo nghiệm gồm 39 xuất xứ của 5 loài keo tại Ba Vì, sau 6 tháng sinh trưởng bình quân của 5 loài keo được xếp theo chiều cao (m) và đường kính cổ rễ
  15. 15 (cm). Trong số 5 xuất xứ dẫn đầu, có 4 xuất xứ của Keo lá tràm, 1 xuất xứ của A. carassocarpa. Xuất xứ dẫn đầu của A. mangium chỉ xếp thứ 17 trong số 39 xuất xứ thử nghiệm. Năm 1990, một bộ xuất xứ Keo tai tượng được Trung tâm Khoa học sản xuất lâm nghiệp Đông Nam Bộ thực hiện tại Sông Mây (Đồng Nai) và Bầu Bàng (Bình Phước), cho thấy sinh trưởng của Keo tai tượng ở Bầu Bàng năm 1990 vượt hơn hẳn ở Sông Mây, song các xuất xứ có nhiều thay đổi, thậm chí ngược nhau ở 2 địa điểm. Qua khảo nghiệm xuất xứ đồng bộ tại Đá Chông, Đông Hà và La Ngà (1991) cho thấy, sau 54 tháng tuổi ở Đá Chông và 52 tháng tuổi ở Đông Hà xuất xứ Pongaki xếp thứ 4 trong tổng số 7 xuất xứ, sau 16 tháng tuổi ở La Ngà xuất xứ Pongaki xếp thứ 4 trong tổng số 7 xuất xứ. Xuất xứ Phu và Ceram của Indonexia xếp thứ hạng kém về sinh trưởng lẫn khả năng thích nghi. Huỳnh Đức Nhân (1996) thông báo kết quả khảo nghiệm xuất xứ Keo tai tượng 1988 - 1994, các xuất xứ tham gia được xếp thành 3 nhóm theo vùng địa lý khác nhau: Vùng Caias Queensland (QCR) phân bố dọc bờ biển Đông của Queensland - Australia; Vùng cực bắc Queensland (FNQ) vùng duyên hải phía Bắc Queensland; Vùng Papua New Guinea (PNG) mở rộng dọc theo cao nguyên Oriomo của sông Fly. Khảo nghiệm được tiến hành ở 4 địa điểm là xã Mưu Duệ - Tam Đảo - Vĩnh phúc, Xã Tế Lễ - Tam Thắng - Phú thọ, Gia Thanh - Phong Châu - Phú Thọ, Nhân Mục - Hàm Yên - Tuyên Quang. Kết quả được tóm tắt như sau: Hầu hết các xuất xứ đều có tỷ lệ sống khá cao ở các thí nghiệm, chưa có sai khác về ý nghĩa toán học thống kê. Tỷ lệ sống bình quân từ 83-99%, xuất xứ từ PGN có sức sống khỏe hơn. Xuất xứ tốt nhất ở Mưu Duệ (trên đất nghèo kiệt) chỉ đạt tăng trưởng bình quân là 1m/năm, trong khi xuất xứ tốt
  16. 16 nhất ở Hàm Yên (đất tốt và ẩm hơn) đạt 3m/năm. Hình dạng thân cây của Keo tai tượng ở Phú Thọ kém hơn so với trồng ở Hàm Yên, tỷ lệ cây 1 thân ở Phú Thọ là 61%, trong khi đó ở Hàm Yên là 90%. Các xuất xứ hơn kém nhau khá rõ nét trên cùng một lập địa, nhìn chung chúng hình thành 2 nhóm khá rõ rệt, trong đó nhóm gồm các xuất xứ Papua New Guinea có sức sinh trưởng nhanh tổng sinh khối lớn nhưng thường là nhiều thân, vì vậy nếu mục tiêu là sản xuất gỗ thì nên chọn trồng các xuất xứ từ Queensland tác giả đề nghị trồng rừng kinh doanh lấy gỗ thì nên trồng loài này ở vùng đất tốt và ẩm. Khi nghiên cứu tình hình sinh trưởng và phát triển của bốn loài cây trồng rừng chính tại vừng nguyên liệu giấy Huỳnh Đức Nhân (1996) đưa ra kết quả: trên cùng một lập địa, cùng cấp tuổi (4 - 5) các loài sinh trưởng khác nhau rõ rệt, sinh trưởng của Keo tai tượng đứng trước loài thông Caribe nhưng đứng sau bạch đàn Urophylla và Bạch đàn trắng. Nhìn chung, cả bốn loài đều có lượng tăng trưởng thường xuyên hàng năm lớn nhất ở tuổi 4. Đoàn Thanh Nga (1996) nghiên cứu giâm hom cho Keo tai tượng tại trung tâm nghiên cứu lâm nghiệp Phù Ninh, thông báo một số kết quả: Hom từ chồi gốc, nồng độ IBA 150ppm cho tỷ lệ ra rễ cao nhất 80%, hom từ chồi cành cây mẹ 2 tuổi, nồng độ ma 100ppm cho tỷ lệ ra rễ 42% và hom từ chồi cây mẹ 7 tuổi với các nồng độ ma 50, 100, 150ppm đều không ra rễ. Như vậy, mức độ trẻ hóa đối với cây Keo tai tượng là thực sự cần thiết, mối tương quan giữa tỷ lệ ra rễ của hom và chiều dài của rễ là tương đối chặt. Tác giả kết luận, có sự sai khác giữa các công thức xử lý, hom từ chồi thân 2 tuổi với nồng độ IBA 150ppm được coi là thành công, hệ rễ phát triển tốt, hom khỏe mạnh có đủ điều kiện xuất vườn. Nguyễn Thị The (1996) gây trồng cây Keo tai tượng ở Thanh Hóa lúc đầu cho biết kết quả: Keo tai tượng trồng tại trạm nghiên cứu lâm nghiệp, nơi
  17. 17 có tầng đất dày trên 70 cm, thực bì đặc trưng là Ba soi, Ba bét sinh trưởng tốt cho tỷ lệ sống đạt 94%, sau 2 năm tuổi đường kính gốc bình quân đạt 9.4 cm chiều cao 7.5m, đường kính tán 3.6m. Khi trồng ở các huyện trong tỉnh Thanh Hóa, Keo tai tượng sinh trưởng ở từng nơi khác nhau do điều kiện khí hậu, đất khác nhau. Do có đường kính tán lớn, phân cành sớm nên tác giả đề xuất trồng rừng ở mật độ 1500 cây/ha. Nghiên cứu một số mô hình sản lượng cho rừng trồng Keo tai tượng ở Quảng Ninh làm cơ sở xây dựng biểu sản lượng, Khúc Đình Thành (1999) nhận xét, quy luật kết cấu lâm phần Keo tai tượng hoàn toàn phù hợp với quy luật chung của rùng thuần loài đều tuổi, các chỉ tiêu sản lượng có quan hệ chặt chẽ với chiều cao bình quân tầng trội . Hà Quang Khải (1999), nghiên cứu quan hệ sinh trưởng và tính chất đất của Keo tai tượng trồng thuần loài tại núi Luốt - Xuân Mai - Chương Mỹ - Hà Tây kết quả Keo tai tượng 8 tuổi trồng thuần loài trên đất Feralit nâu vàng, đá mẹ Poocphyrit tại núi Luốt đạt các chỉ tiêu sinh trưởng D1.3=12.6 cm, Hvn=12.7m. Dưới rừng Keo tai tượng đất xung quanh rễ ở vùng gần gốc và xa gốc có sự khác nhau trong 13 chỉ tiêu nghiên cứu thì 10 chỉ tiêu khác biệt về trị số giữa vùng xa gốc và vùng gần gốc. Những chỉ tiêu sinh trưởng Hvn, D1.3 có tương quan với các chỉ tiêu độ phì cửa đất trong khu vực nghiên cứu một cách tổng hợp chứ không phải riêng lẻ theo từng chỉ tiêu một. Chỉ tiêu D1.3 của Keo tai tượng có tương quan với tính chất của đất chặt hơn so với Hvn. Hoàng Thúc Đệ (1997-1998), nghiên cứu về chất lượng và khả năng sử dụng gỗ Keo tai tượng để sản xuất ván dăm và ván bóc đã kết luận, gỗ Keo tai tượng đáp ứng được các yêu cầu cơ bản của nguyên liệu sản xuất ván dăm và bóc. Tuy nhiên, tác giả nhận xét, do sớm phân cành, nên chiều dài thân ngắn, nhiều mắt. Vì vậy, tỷ lệ các khúc gỗ tròn dừng để bóc rất thấp, gỗ đưa vào băm làm ván dăm tỷ lệ cành chiếm tỷ lệ khá cao. Tác giả kiến nghị, phải xem
  18. 18 xét lại vấn đề chọn giống, dẫn giống, xuất xứ, trồng rừng cùng với các nghiên cứu khác để đề xuất các biện pháp lâm sinh tác động làm giảm cong vênh, số lượng mắt và chiều cao dưới cành, độ thon thân cây. 1.3.2. Một số nghiên cứu về Bạch đàn Urophylla Bạch đàn urô là cây gỗ lớn, thân thẳng tròn cao, tán thưa, phân cành cao đến 20 - 25m, đường kính có thể tới l00 cm. Là cây ưa sáng có biên độ sinh thái rộng, có khả năng thích hợp với nhiều dạng đất, Bạch đàn urô phân bố ở độ cao 300 - 2200mm với 2 - 8 tháng khô, nơi nguyên sản Bạch đàn urô có thể cao 25 - 45m, cá biệt có thể cao 55m, đường kính có thể đạt 1 - 2m, Bạch đàn urô là loài cây thích hợp với các lập địa có đất sâu ẩm ở các tỉnh miền bắc, các xuất xứ có triển vọng nhất cho vùng trung tâm là Lewotobi và Egon Flores. Bạch đàn urô có phân bố tự nhiên ở một số vùng nhỏ hẹp tại một số đảo của Indonexia kéo dài 5km kinh độ từ 1220 đến 1270 kinh đông với chiều dài khoảng 500km và giữa các vĩ độ 7.30 và 100 vĩ bắc. Bạch đàn urô có phân bố theo độ cao lớn nhất trong số các loài Bạch đàn, đó là từ độ cao 70 - 2960m (ở Timor) so với mực nước biển. Do thay đổi về độ cao nên biến động về nhiệt độ cũng vì thế mà khá lớn. Trên cùng một đảo với khoảng cách không mấy xa nhau mà các quần thụ phải thích nghi với các điều kiện nhiệt độ rất khác nhau kéo dài từ 270 đến 300C (nhiệt độ tối cao bình quân tháng) trên độ cao 400m xuống 170 - 210C trên ở độ cao 1900m. Trên đảo Timor từ độ cao 1000m trở lên, ngoài lượng mưa cao (1300 - 2200mm) còn thấy cả sương mù thường xuyên. Mặc dù phạm vi phân bố hẹp song loài Bạch đàn urô (E. urophylla) vẫn có lượng biến dị di truyền lớn theo độ cao được thể hiện qua các khảo nghiệm với các xuất xứ của loài ở nhiều nước. (Lê Đình Khả, 1991)
  19. 19 Trong tài liệu: “Hệ thống đánh giá đất lâm nghiệp”, các tác giả đã tiến hành nghiên cứu phân hạng đất cho một số cây trồng chủ yếu như Bồ Đề, Thông nhựa, Thông ba lá, Hồi, Quế, chưa có nghiên cứu về cây Bạch đàn. Nhìn chung Bảng phân hạng đất cây trồng rừng nhằm đạt 4 mục tiêu sau đây: - Phản ánh được độ màu mỡ hiện tại của đất - Phản ánh được cơ cấu cây trồng và sản lượng - Phản ánh được biện pháp kỹ thuật và giá thành - Đơn giản dễ áp dụng trong điều kiện rừng núi của lâm nghiệp. Muốn đạt 4 yêu cầu trên trước hết phải chọn đúng các yếu tố chủ đạo để làm tiêu chuẩn. Đối với đất nông nghiệp thì pH, độ no kiềm, lượng lân dễ tiêu... thường có ý nghĩa rất lớn. Ngược lại đối với nhiều cây rừng khác yếu tố chủ đạo thường thuộc về lý tính đất, chế độ nước và hàm lượng chất hữu cơ. Trên cơ sở yêu cầu của cây trồng và tình hình đất đồi núi vùng Trung tâm miền Bắc, Bảng phân hạng đất dựa vào hai nhóm nhân tố tổng hợp là "độ dày tầng đất" và "độ thoái hoá của đất" lấy "thực vật làm chỉ thị" được xây dựng. Độ dày tầng đất là một yếu tố tổng hợp phản ánh không gian dinh dưỡng và tổng dự trữ thức ăn, dự trữ nước để điều hoà độ ẩm. Mặt khác, trong đa số trường hợp nó phản ánh cả điều kiện đá mẹ và độ dốc. 1.4. Nhận xét và đánh giá chung Điểm qua các công trình nghiên cứu trong và ngoài nước liên quan tới đề tài nghiên cứu cho thấy các công trình nghiên cứu trên thế giới được tiến hành khá đồng bộ ở nhiều lĩnh vực từ nghiên cứu cơ bản cho tới các nghiên cứu ứng dụng, trong đó nghiên cứu sinh khối và khả năng hấp thụ carbon của rừng được nhiều tác giả quan tâm trong những năm gần đây. Các phương pháp nghiên cứu cũng khá đa dạng và được hoàn thiện dần, đặc biệt là đã ứng dụng phương pháp mô hình hóa để biểu diễn các mối quan hệ giữa sinh khối
  20. 20 và lượng các bon tích lũy với các chỉ tiêu điều tra, giúp cho việc ứng dụng vào thực tiễn nhanh và thuận lợi. Ở nước ta, đã có rất nhiều công trình nghiên cứu về sinh khối, năng suất và lượng carbon tích lũy. Tuy nhiên, các nghiên cứu mới chủ yếu tập trung vào rừng trồng một số loài cây chủ yếu như Keo, Đước, Thông,... sinh khối rừng tự nhiên còn ít được quan tâm. Trong các nghiên cứu mới chỉ quan tâm tới những bộ phận có ý nghĩa kinh tế của cây như thân, cành, lá; sinh khối rễ ít được quan tâm. Về nghiên cứu khả năng hấp thụ carbon ở nước ta vẫn còn là một vấn đề mới mẻ, mới bắt đầu tiến hành từ năm 2004 trở lại đây. Nhìn chung, số lượng các công trình nghiên cứu còn rất ít, nội dung nghiên cứu tập trung vào xác định khả năng hấp thụ carbon, xác định tiêu chí rừng CDM. Các kết quả nghiên cứu bước đầu đã cung cấp những thông tin cần thiết về sinh khối và lượng carbon tích lũy ở một số dạng rừng trồng. Tuy nhiên, việc nghiên cứu ảnh hưởng của các tính chất đất đến lượng carbon hấp thụ trong cây hay tương quan giữa lượng carbon tích tụ và các tính chất đất còn rất hạn chế, hầu như chưa có đề tài nào đề cập đến.
nguon tai.lieu . vn