Xem mẫu

  1. THÔNG TIN CHUYÊN ĐỀ SỐ 1/2021 “LỢI ÍCH NHÓM” VÀ “THAM NHŨNG CHÍNH SÁCH” Ở VIỆT NAM: KHÁI NIỆM VÀ TÁC ĐỘNG TIÊU CỰC  PGS, TS NGUYỄN XUÂN PHONG Học viện Báo chí và Tuyên truyền Tóm tắt: Ở Việt Nam, sau 30 năm tiến hành đổi mới, đất nước đạt được nhiều thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, xuất hiện ngày càng nhiều tiêu cực, tham nhũng tệ nạn. Trong hàng loạt các tiêu cực, “lợi ích nhóm” và “tham nhũng chính sách” đang trở thành mối hiểm họa của đất nước, là một trong những nguy cơ làm chệch hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, chia rẽ khối đoàn kết dân tộc, suy yếu sức mạnh quốc gia, suy giảm lòng tin của dân với chế độ. Từ khóa: lợi ích nhóm; tham nhũng chính sách Abstract: In Vietnam, after 30 years of renovation, our country has made significant achievements. However, due to many causes, there is more and more negativeness, corruption, evil. In a series of negativeness, “group interests” and “policy corruption” are becoming a threat to the country, one of the dangers of socialist diversion in Vietnam, National unity, weakening national strength, deteriorating people’s trust in the regime. Keywords: group interests; corruption policy Ngày nhận bài: 09/4/2017 Ngày biên tập: 10/4/2017 Ngày duyệt đăng: 30/5/2017 1. Một số khái niệm cơ bản - Lợi ích. Theo quan điểm Macxit, lợi ích nảy sinh trên cơ sở nhu cầu của các cá nhân. Lợi ích là cầu nối giữa nhu cầu và hiện thực. Nhu cầu của con người lại vô cùng phong phú và luôn thay đổi. Nhu cầu nảy sinh do kết quả sự tương tác 52
  2. THÔNG TIN CHUYÊN ĐỀ SỐ 1/2021 của bản thân với điều kiện xung quanh. Về bản chất, lợi ích dùng để thỏa mãn nhu cầu của các chủ thể. Nhu cầu cá nhân hình thành nhu cầu xã hội, nhu cầu xã hội là sự khái quát từ nhu cầu cá nhân, biểu hiện thông qua các cá nhân. C.Mác và Ph.Ăngghen cho rằng, lợi ích có vai trò là động lực thúc đẩy mọi hoạt động của cá nhân. Trong xã hội những lợi ích cá nhân được giác ngộ, định hướng cùng chiều sẽ tạo động lực mạnh mẽ cho xã hội phát triển, nếu nó ngược chiều nhau sẽ nảy sinh xung đột đi đến triệt tiêu động lực nhau. Do đó, vấn đề thống nhất lợi ích giữa các cá nhân, giữa cá nhân, tập thể, cộng đồng, xã hội... là vấn đề luôn được đặt ra cho con đường khơi dậy động lực phát triển. Trong xã hội có nhiều loại lợi ích khác nhau, tùy theo các giác độ để phân chia. Ở giác độ chủ thể, có thể phân chia lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm, lợi ích tập thể, giai cấp, dân tộc... - Nhóm lợi ích. Nhóm lợi ích được hiểu một cách chung nhất là tập hợp các cá nhân có chung một hay nhiều lợi ích hoạt động theo một cơ chế nhất định nhằm đạt được hoặc gia tăng lợi ích chung của họ. Khi đề cập đến “nhóm lợi ích” trong mối tương quan với quyền lực chính trị, các nhà nghiên cứu thường nhấn mạnh nhóm lợi ích là tập hợp các chủ thể có cùng mối quan tâm và cùng có mục tiêu gây ảnh hưởng đến chính sách của Chính phủ để đạt được các lợi ích của nhóm một cách cao nhất. Từ điển Bách khoa Việt Nam định nghĩa: “nhóm lợi ích là một tập thể gồm nhiều cá nhân, tổ chức, chia sẻ một mối quan tâm chung và cùng nhau thúc đẩy các mục tiêu đó bằng cách tác động vào các chính sách của Chính phủ, là những nhóm vận động hành lang để tạo ra hay thay đổi những luật lệ và cách thức có lợi cho phe nhóm mình, nhằm tạo dựng một vài đặc quyền, đặc lợi để thụ hưởng(1). Dấu hiệu để xuất hiện nhóm lợi ích: + Hình thành một nhóm có tổ chức. + Thành viên của tổ chức này có cùng lợi ích, cùng mục tiêu ở một hoặc một vài lĩnh vực (cùng một cá nhân có thể tham gia nhiều nhóm lợi ích). 53
  3. THÔNG TIN CHUYÊN ĐỀ SỐ 1/2021 + Tìm cách tác động vào chính sách (các chu trình) của Chính phủ để đạt được lợi ích của mình. Sự hình thành và phát triển của nhóm lợi ích là tất yếu trong xã hội đa lợi ích, đa nhu cầu, nhất là khi sự phân hóa về mặt lợi ích ngày càng lớn. Trong xã hội, mỗi cá nhân đều theo đuổi lợi ích riêng. Khi lợi ích riêng của nhiều cá nhân có sự tương đồng và nó trở thành mối quan tâm chung, thành “sợi dây” gắn kết các thành viên cùng chung lợi ích vào một tổ chức gọi là “lợi ích nhóm”. Như vậy, “lợi ích nhóm” là cơ sở để hình thành nên nhóm lợi ích. - Lợi ích nhóm. Là lợi ích của một nhóm cá nhân, hoặc tổ chức tìm cách trục lợi cho bản thân nhóm mình thông qua việc thao túng quá trình hoạch định, thực thi chính sách của nhà nước bất chấp lợi ích của cộng đồng, xã hội. Tính chất của “lợi ích nhóm”: + Tính chất bình phong. “Lợi ích nhóm” thường nhân danh cái cao thượng để đạt được cái thấp hèn, có lợi cho nhóm. Họ nhân danh tập thể, quốc gia để âm thầm chiếm đoạt của cải, danh tiếng cho bản thân và nhóm. Bởi vậy, trong hệ thống chính trị, “lợi ích nhóm” nằm ngay trong một bộ phận cán bộ, đảng viên suy thoái, tuy nhiên để phát hiện ra ai tham gia lợi ích nhóm là vấn đề rất khó khăn phức tạp, bởi vì “lợi ích nhóm” thường do những người có chức, có quyền tạo nên và được che giấu tinh vi bởi quyền lực. + Tính tổ chức. Trong quá trình thực hiện lợi ích, “lợi ích nhóm” liên kết chặt chẽ với nhau, lôi kéo những người có chức, có quyền bằng các lợi ích. Bước đầu hình thành là những nhóm có tổ chức lỏng lẻo đôi khi chỉ là mời dự tiệc, chúc mừng, gặp gỡ... Từ sự tiếp xúc ban đầu đó, những cá nhân có chức, có quyền, có vị thế thường liên kết với nhau thành nhóm. Ban đầu có thể nhóm lợi ích chỉ phục vụ nhu cầu giải trí hội đua thuyền, câu cá, câu lạc bộ những người đồng môn... sau đó sẽ có sự cấu kết ngày càng chặt chẽ để “có việc sẽ nhờ đến nhau” trục lợi. Cái nguy hiểm nhất đối với nước ta là các nhóm lợi ích phần lớn lại nằm bên trong cơ cấu quyền lực nên tính tổ chức khá chặt chẽ vì được bao bọc bởi một hệ thống 54
  4. THÔNG TIN CHUYÊN ĐỀ SỐ 1/2021 quyền lực khép kín. + Tính lũng đoạn. Tính lũng đoạn của “lợi ích nhóm” là sự chi phối, thao túng mang tính chất triệt để, làm cho đối tượng bị chi phối phải làm theo yêu cầu của nhóm bất kể việc đó đúng hay sai. Chính quyền do “lợi ích nhóm” chi phối sẽ hoàn toàn đứng về nhóm lợi ích thay vì bảo vệ quyền lợi của nhân dân, của nhà nước. Nhóm lợi ích mang tính lũng đoạn là sự phát triển đỉnh cao của “lợi ích nhóm”. Ở các nước tư bản thường bị chi phối bởi bàn tay của các nhà tư bản lớn trong các ngành: tài chính, quân sự, dầu mỏ... Lợi ích nhóm chưa được điều tra, nghiên cứu bài bản ở nước ta. Ở một số địa phương đã có sự lũng đoạn của nhóm lợi ích đối với chính quyền. Ở nhiều nơi nhóm lợi ích chi phối mọi chủ trương, chính sách của địa phương, bởi lẽ nhóm lợi ích đã thâu tóm, mua chuộc được các cán bộ lãnh đạo. Sự lũng đoạn về kinh tế, sớm hay muộn cũng dẫn đến sự lũng đoạn về chính trị, chi phối về công tác tổ chức, cán bộ của đảng. “Lợi ích nhóm” là khái niệm được nhắc đến nhiều trong các văn kiện của Đảng, đặc biệt trong Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII. Từ “lợi ích nhóm” có thể hình thành nên “tham nhũng chính sách”. Mặt trái sự năng động của nền kinh tế thị trường đã làm xuất hiện ngày càng nhiều nhóm lợi ích khác nhau, các nhóm này vừa có thể có lợi ích chung, vừa có lợi ích riêng, có lợi ích tích cực, có lợi ích tiêu cực. - Tham nhũng chính sách là hành vi chiếm đoạt lợi ích công thành lợi ích tư thông qua việc soạn thảo, ban hành, thực hiện, đánh giá các chính sách của Nhà nước. Chủ thể của hành vi tham nhũng chính sách là những người có chức, có quyền làm việc trong bộ máy, cơ quan nhà nước, lợi dụng địa vị công tác để trục lợi. “Tham nhũng chính sách” cũng chính là tham nhũng chính trị, hành vi này thường được ngụy trang rất tinh vi, chủ yếu diễn ra dưới các hình thức như: dùng địa vị chính trị, ảnh hưởng chính trị để can thiệp vào việc có hoặc không đưa ra một quyết định mang tính chính trị (chính sách, đạo luật, hiệp định, hiệp ước, thỏa 55
  5. THÔNG TIN CHUYÊN ĐỀ SỐ 1/2021 thuận...) một cách thiên vị nhằm mục đích vụ lợi; “mua bán, trao đổi” các chức vụ chính trị, vị trí có quyền lực, để sau đó sử dụng chức vụ đó, vị trí đó trục lợi. Hành vi “tham nhũng chính sách”, khi bị phát hiện thường bị biện minh bằng sự không hiểu biết kỹ lưỡng, không đầy đủ thông tin, năng lực hạn chế. Do đó, thường không bị kết tội, không phải chịu trách nhiệm, hoặc bị trách nhiệm cũng chỉ ở mức độ nhất định. Việc thông qua, hoặc không thông qua một đạo luật, một chính sách, một quyết định chính trị với một mục đích thiên vị đang xuất hiện phổ biến trong các cơ quan quyền lực nhà nước. Nhận diện “tham nhũng chính sách”: + “Tham nhũng chính sách” liên quan đến việc sử dụng quyền lực công. Quyền lực do cá nhân nào đó nắm giữ không phải là quyền lực tự thân, mà nó được ủy nhiệm bởi một tập thể hoặc do người dân thông qua bầu cử. Nếu không nhận được sự ủy nhiệm quyền lực đó thì cá nhân có tài giỏi đến mấy cũng không thể tham nhũng. + Tham nhũng thường là nói tới tính phi pháp trong hành động. Các chủ thể quyền lực lạm dụng chức vụ, quyền hạn của mình để mưu lợi riêng, thông qua những hành động trái với quy định của pháp luật (ra quyết định bổ nhiệm sai quy định, giao dự án không đúng thủ tục...). Tất nhiên, với cách hiểu ở Việt Nam hiện nay, với khái niệm “lợi ích nhóm” và “tham nhũng chính sách” thì ngay cả khi những hành động của một chủ thể quyền lực nào đó được xem là hợp pháp (tức đúng quy trình), nhưng hành động đó có mục đích, động cơ trục lợi cá nhân, thì vẫn bị coi là hành vi tham nhũng. Trục lợi cá nhân là trường hợp, các quan chức nhà nước, lợi dụng những khoảng trống, sơ hở của pháp luật để đưa ra các quyết định đem lại lợi ích cho bản thân, hoặc nhóm nào đó. Ở đây, trục lợi cá nhân, có thể hành động là hợp pháp, nhưng vô đạo đức và thường là không vì lợi ích của cộng đồng. + “Tham nhũng chính sách” là việc thay đổi, bẻ cong các chính sách sai lệch 56
  6. THÔNG TIN CHUYÊN ĐỀ SỐ 1/2021 so với mục tiêu ban đầu để phục vụ mình cho lợi ích của cá nhân, của nhóm mình. Như vậy, nhóm lợi ích, “lợi ích nhóm” và “tham nhũng chính sách” có quan hệ mật thiết với nhau. Chúng nảy sinh trong xã hội có giai cấp và xuất hiện quyền lực. Chúng kết hợp lại, nhân danh nhà nước qua các chính sách để chiếm đoạt lợi ích cho mình, bất chấp lợi ích cộng đồng. 2. Tác động tiêu cực của “lợi ích nhóm” và “tham nhũng chính sách” Thứ nhất, “lợi ích nhóm” và “tham nhũng chính sách” là một nguyên nhân góp phần gây ra những yếu kém, hạn chế, bất ổn của đất nước. Sau mấy chục năm đổi mới cho đến nay, năng suất lao động xã hội nước ta vẫn thấp (vào loại thấp nhất khu vực Đông Á); hiệu quả đầu tư kém, nợ công cao; thu nhập bình quân đầu người thấp. Nói tóm lại, nếu không cẩn thận nền kinh tế Việt Nam dễ rơi vào “bẫy thu nhập trung bình thấp”. Nguyên nhân các nước bị “bẫy thu nhập trung bình” có yếu tố do tham nhũng lãng phí, đầu tư kém hiệu quả và nhìn lại tình hình nền kinh tế - xã hội nước ta thì có phần lo ngại. Những yếu kém, hạn chế này phần lớn từ sự phân chia, tác động, chi phối của “lợi ích nhóm” đối với hiệu quả các chính sách, chương trình của Chính phủ. Thứ hai, ‘lợi ích nhóm” và “tham nhũng chính sách” tác động nhất định sẽ chệch hướng mục tiêu xã hội chủ nghĩa. Chúng ta mong muốn xây dựng một xã hội trên nền tảng của các giá trị hài hòa thì “lợi ích nhóm” lại thúc đẩy đồng tiền cộng với quyền lực chiếm địa vị thống trị. Thực chất của lợi ích nhóm là đồng tiền chi phối quyền lực. Dùng tiền trực tiếp tham gia giành và chiếm giữ quyền lực, làm cho quyền lực không còn là của nhân dân, cũng có nghĩa là chệch khỏi mục tiêu xã hội chủ nghĩa. “Chủ nghĩa tư bản thân hữu” thực chất là sự biến dạng, biến tướng, sự thoái hóa cao độ của “lợi ích nhóm” gây ra. Thực tế cho thấy, ở đâu và khi nào mà “lợi ích nhóm” không bị ngăn chặn hiệu quả, để nó lây lan, hoành hành, vai trò của nhà nước lành mạnh bị vô hiệu hóa, thì ở đó, khi đó tất yếu “chủ nghĩa tư bản thân hữu” xuất hiện và tồn tại. Thứ ba, “lợi ích nhóm” và “tham nhũng chính sách” gây ra là sự suy đồi về 57
  7. THÔNG TIN CHUYÊN ĐỀ SỐ 1/2021 văn hóa, đạo đức xã hội xuống cấp, các giá trị truyền thống bị băng hoại do đồng tiền và quyền lực chiếm vị trí trung tâm và cao nhất. Việc phân hóa giàu - nghèo sẽ ngày càng trở nên gay gắt, mà sự phân hóa này phần lớn lại tạo ra từ những tình trạng tiêu cực, bất minh của xã hội. Đây là những nguyên nhân sinh ra bất bình đẳng và mâu thuẫn xã hội, là nguồn gốc xung đột xã hội, bất ổn an ninh, trật tự. Thứ tư, “lợi ích nhóm” và “tham nhũng chính sách” tạo ra một môi trường kinh doanh ngầm, bất bình đẳng giữa các chủ thể kinh doanh, tình trạng “cá lớn nuốt cá bé”, củng cố sự độc quyền, cổ súy cho sự cấu kết giữa các nhà hoạt động chính trị với giới doanh nhân. Chúng làm cho chính sách của nhà nước trở thành công cụ cho các “nhóm lợi ích” trục lợi, bóp méo, bẻ cong để tối đa hóa lợi nhuận của nhóm, làm cho quyền lực bị thương mại hóa, trở thành công cụ phục vụ lợi ích cục bộ cho thiểu số. “Lợi ích nhóm” và “tham nhũng chính sách” là nguyên nhân làm tăng chi phí cho các chính sách, dự án. Sự tốn kém về thời gian và tài chính tất yếu phát sinh khi chính sách bị “bẻ cong” gặp phải sự chống đối của số đông những người bị ảnh hưởng tiêu cực từ chính sách. Thứ năm, “lợi ích nhóm” và “tham nhũng chính sách” làm suy yếu trình độ cầm quyền, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, làm giảm sút, mất lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước. Tình trạng này kéo theo sự suy thoái một bộ phận cán bộ, đảng viên kể cả cán bộ cấp cao. Có những nơi nghị quyết của cấp ủy đảng do bị “lợi ích nhóm” chi phối đã làm trái pháp luật dẫn tới bị kỷ luật. Đặc biệt “lợi ích nhóm” trong công tác tổ chức, cán bộ sẽ đưa những cán bộ, đảng viên mỏng đức, kém tài nhưng giỏi “chạy”, giỏi quan hệ, có tiền... vào các vị trí lãnh đạo, từ đó tình trạng ê kíp, bè cánh, phe phái xuất hiện thao túng quyền lực. Thứ sáu, “lợi ích nhóm” và “tham nhũng chính sách” gây ra tình trạng lộn xộn, tung hỏa mù giữa: thật giả; đúng sai; tốt xấu. “Lợi ích nhóm” và “tham nhũng chính sách” làm cho cá nhân người lãnh đạo nói không đi đôi với việc làm, làm mất lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước. Đây cũng là nguyên nhân góp phần làm suy yếu hệ thống chính trị, dẫn đến mất ổn định chính trị, giảm sức 58
  8. THÔNG TIN CHUYÊN ĐỀ SỐ 1/2021 mạnh của một quốc gia. Thứ bảy, “lợi ích nhóm” bóp méo chính sách sử dụng cán bộ. Nạn chạy chức, chạy quyền, sắp xếp cán bộ trên cơ sở quan hệ, tiền tệ, hậu duệ, chứ không phải sử dụng người có tài đức, làm hư hỏng đội ngũ cán bộ. Khi có vị trí quyền lực thì tham nhũng, “tham nhũng chính sách” sẽ dễ dàng nảy sinh. “Lợi ích nhóm” và “tham nhũng chính sách” là sự phát triển, sự gia tăng các hoạt động bè phái, mất đoàn kết nội bộ, phá vỡ các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng, từ đó dễ dẫn đến làm mất vai trò cầm quyền, vai trò lãnh đạo của Đảng. Từ đó, nòng cốt chính trị đổ vỡ, bất ổn định chính trị từ bên trong. Chống “lợi ích nhóm” và “tham nhũng chính sách” là công việc hết sức khó khăn, phức tạp. Ngoài việc cần nhận thức đầy đủ và sâu sắc tình hình và nguy cơ, cần thảo luận rộng rãi trong Đảng và trên công luận. Đảng và cả hệ thống chính trị phải kiên quyết đấu tranh tự phê bình và phê bình, phát hiện “lợi ích nhóm” và “tham nhũng chính sách”. Đây là nhiệm vụ trọng tâm, hết sức hệ trọng và cấp bách hiện nay. Tập thể lãnh đạo từ cấp cao nhất cần có quyết tâm chính trị và thật sự gương mẫu trong việc đấu tranh chống các biểu hiện của “lợi ích nhóm” và “tham nhũng chính sách”. Khẩn trương nghiên cứu ban hành bổ sung, điều chỉnh các cơ chế kiểm soát quyền lực, tăng cường phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Phát huy cơ chế thực thi dân chủ rộng rãi, minh bạch thông tin và quy định rõ trách nhiệm giải trình, điều trần. Tạo hành lang pháp lý chặt chẽ cho báo chí vào cuộc, cho nhân dân thực hiện quyền tham chính. Đổi mới căn bản công tác cán bộ, thực hiện tranh cử trước nhân dân đối với các chức danh bầu cử và thi tuyển công khai đối với các chức vụ quản lý. Thực hiện cơ chế giám sát hoạt động, kết quả công việc, thi hành việc bãi miễn và thay đổi vị trí công tác của cán bộ khi xét thấy không có lợi cho cuộc đấu tranh chống “lợi ích nhóm” và “tham nhũng chính sách” ⎯⎯⎯⎯⎯⎯⎯⎯⎯⎯ (1) Từ điển Bách khoa Việt Nam (2011), Nxb Từ điển Bách khoa, Hà Nội Nguồn: Tạp chí Khoa học nội vụ - 2020 - số 12 - tr.21-25 59
nguon tai.lieu . vn