Xem mẫu

  1. LỄ HỘI NÔNG NGHIỆP NHẬT BẢN TRUYỀN THỐNG VÀ BIẾN ĐỔI Nguyễn Trần Thảo Nguyên, Nguyễn Thị Thu Hương, Nguyễn Hàm Yên Khoa Nhật Bản học, Trường Đại học Công nghệ TP. Hồ Chí Minh GVHD: ThS. Lưu Thế Bảo Anh TÓM TẮT Lễ hội nông nghiệp Nhật Bản là minh chứng điển hình của một quá trình hình thành, duy trì và phát triển, đồng thời chịu sự tác động từ nhiều yếu tố khác nhau. Bắt nguồn từ cái nôi chung là nền văn hóa phương Đông với gắn liền với hình ảnh cây lúa nước, kết hợp với kinh tế nông nghiệp phát triển, lễ hội nông nghiệp Nhật Bản đã và đang có sức hút vô cùng lớn đối với những ai quan tâm đến văn hóa – lễ hội của đất nước này. Qua bài viết, chúng tôi mong muốn mọi người có thể hiểu rõ hơn về lễ hội nông nghiệp Nhật truyền thống – hiện đại, những thay đổi trong hình thức tổ chức cũng như tầm ảnh hưởng và ý nghĩa của những thay đổi đấy đối với đời sống của người dân Nhật Bản nói riêng và nước Nhật nói chung. Từ đó có thể có cái nhìn khách quan hơn về văn hóa – lễ hội Nhật Bản. Từ khóa: Hiện đại, lễ hội nông nghiệp, trồng lúa, truyền thống, văn hóa. 1 KHÁI NIỆM LỄ HỘI NÔNG NGHIỆP Vào thời kỳ Yayoi (弥生時代), nghề trồng lúa phát triển đã giúp định hình cấu trúc xã hội. Bên cạnh đó, nền văn hóa lúa nước cũng góp phần thúc đẩy sự phát triển của xã hội nông nghiệp định cư tại Nhật Bản. Chính vì vậy mà từ thời xưa, lễ hội nông nghiệp truyền thống Nhật Bản đã được xem như một bảo tàng văn hóa sống lưu giữ tín ngưỡng, đời sống sinh hoạt, văn hóa, văn nghệ dân gian với mục đích thờ cúng, cảm tạ Thần linh đã ban cho một mùa màng thắng lợi, đồng thời cầu khấn một vụ mùa bội thu trong năm tới. Các lễ hội nông nghiệp ở Nhật bắt nguồn từ các ngôi làng nhỏ, đặc biệt là những nơi thuộc vùng sản xuất nông nghiệp, thường được tổ chức vào cuối hè hoặc đầu thu, đây cũng chính là thời điểm mà người dân thu hoạch những bông lúa chín đều. Khi thờ cúng người ta thường dâng lên Thần linh thành quả đầu tiên của đồng ruộng để bày tỏ lòng thành kính. Đây là lễ hội bao gồm những lễ nghi liên quan đến sản xuất nông nghiệp như “trồng lúa”, “cấy lúa” gắn liền với cuộc sống lao động sản xuất của người dân, thường là người nông dân, ở các địa phương khác nhau. Lễ hội nông nghiệp là một trong những nét đẹp văn hóa đại diện cho nền văn minh lúa nước hình thành từ lâu đời và là nơi phản ánh một cách trung thực nhất tâm thức của một dân tộc cần cù chịu khó, yêu lao động như con người Nhật Bản. 2 LỄ HỘI NÔNG NGHIỆP NHẬT BẢN XƯA VÀ NAY 2.1 Lễ hội nông nghiệp Nhật Bản xưa Lễ hội nông nghiệp xưa được tổ chức với quy mô và không gian tổ chức nhỏ, hầu hết đều mang tính làng xã. Các lễ hội diễn ra chủ yếu trên các thửa ruộng và không có không gian riêng cho 2518
  2. người đến xem. Chính vì tính làng xã, cộng thêm việc công nghiệp, dịch vụ và truyền thông vẫn chưa phát triển mạnh nên thành phần tổ chức chỉ bao gồm người dân địa phương, đặc biệt là những gia đình làm nông. Từng giai đoạn trong lễ hội sẽ được phân công dựa vào độ tuổi và giới tính của người tổ chức. Ví dụ như tại “ lễ hội trồng lúa ở Mibu – tỉnh Hiroshima ( 壬生の花田植)”, mở đầu là tiết mục nhảy điệu trồng lúa của các em nhỏ có độ tuổi từ 7 đến 10, sau đó những cô gái trẻ sẽ hóa thân thành thiếu nữ làm ruộng Saotome (早乙女) để thực hiện nghi thức cấy lúa theo nhịp trống và điệu hát. Tuy lễ hội nông nghiệp rất đa dạng nhưng vẫn có vài nét tương đồng ở các vật dụng cần thiết trong các nghi lễ cũng như phần âm nhạc. Một số hình ảnh thường xuất hiện là kiệu Mikoshi (神輿), xe Dashi (山車), được dựng lên rất thô sơ và đơn giản; lồng đèn Chouchin (提灯) được làm từ giấy truyền thống gọi là Washi (和紙) và trên những chiếc lồng đèn, người ta thường viết tên của lễ hội hoặc địa phương diễn ra lễ hội đó. Ngoài ra, điểm đặc biệt ở các lễ hội nông nghiệp là sử dụng bò diễu hành. Những con bò được lựa chọn là những con bò đen, khỏe mạnh và được huấn luyện từ trước. Con bò dẫn đầu được gọi là bò chính. Một khoảng thời gian dài trước đây, vị trí này được trao cho một con bò đực nhìn khỏe khoắn và mạnh mẽ. Về âm nhạc, một trong số các nhạc cụ được sử dụng phổ biến nhất là trống Taiko (太鼓), được sử dụng trong các cuộc diễu hành để làm hiệu lệnh cho Dashi (山車) di chuyển hoặc được xem như nhạc nền trong các nghi thức. Bên cạnh đó, sáo Shinobue (篠笛) cũng thường được sử dụng trong một vài nghi thức. Shinobue xuất hiện trong các đám rước kiệu, trong các màn diễn xướng hoặc được chơi cùng Taiko ở nghi thức trồng lúa trên đồng ruộng. Người dân cũng hát những câu hát bắt nguồn từ đời sống lao động, gọi là “ Bài ca trồng lúa (田植え歌), hay nhảy những điệu nhảy cầu mùa. Người ta gọi các hoạt động hát hò, nhảy múa trong lúc trồng lúa là Điền lạc – Dengaku (田楽). Trang phục của người tham gia cũng là trang phục lao động thường ngày, đặc trưng nhất là Mijika (みじか) hoặc Suppa (すっぱ), màu xanh lam, được dệt từ cây gai dầu và dài đến gần đầu gối. Một kiểu trang phục khác cũng thường được nhắc tới đó là Kasuri Kimono (絣着物), được may từ loại vải dệt bằng các sợi chỉ nhuộm màu đặc biệt để tạo ra những hoa văn mờ trên đó. Đôi khi còn có thêm loại nón được kết từ rơm gọi là Kasa (笠). Tại “ lễ hội trồng lúa ở Mibu – tỉnh Hiroshima ( 壬生の花田 植)”, khi các bé gái thực hiện điệu nhảy trồng lúa, họ sẽ đội trên đầu chiếc nón Hanagasa (花笠), một loại Kasa có trang trí hoa; trong lễ diễu hành cùng với bò hoặc ngựa, những người đàn ông đội những chiếc nón Sugegasa (菅笠) hoặc Sandogasa (三度笠); một loại Kasa nữa cũng hay xuất hiện là Amigasa (編み笠). 2.2 Lễ hội nông nghiệp Nhật Bản hiện nay Nhờ quy hoạch và dịch vụ phát triển nên lễ hội nông nghiệp hiện nay đã mở rộng quy mô tổ chức. Ngoài không gian chính là các thửa ruộng còn có thêm khu vực cho du khách, các gian hàng và quán ăn. Thành phần tổ chức không chỉ có các hộ làm nông như trước mà nay còn có các cộng tác viên từ nhiều nơi, chính quyền địa phương và các doanh nghiệp liên kết có nhu cầu hợp tác quảng cáo. Bên cạnh khách du lịch, nhà báo và phóng viên cũng đến để phỏng vấn ban tổ chức và chính quyền địa phương về công tác tổ chức lễ hội nông nghiệp. Trong bối cảnh một lượng lớn khách du 2519
  3. lịch từ khắp nơi đổ bộ về để tham gia lễ hội, một số vị trí mới cũng được ra đời, điển hình là vị trí dẫn chương trình (MC), có vai trò dẫn dắt nội dung của một lễ hội nông nghiệp nói chung và từng nghi lễ cũng như ý nghĩa của mỗi nghi lễ nói riêng cho những du khách từ xa đến. Không chỉ vậy, các tiết mục trong lễ hội được cải biên đôi chút để mang tính trình diễn nghệ thuật hơn. Cùng với đó các vật dụng cần thiết được nâng cấp để phù hợp với hiện đại. Kiệu Mikoshi (神輿 ) và xe Dashi (山車) được trang trí lộng lẫy, lồng đèn không chỉ được làm bằng giấy Washi (和紙) mà chúng còn được làm từ nhựa và ở một số nơi còn thắp sáng lồng đèn bằng đèn điện thay vì dùng lửa như ngày xưa. Tiêu chí lựa chọn các con vật như bò hay ngựa trong lễ diễu hành cũng thay đổi. Đối với các lễ hội xưa, sức mạnh luôn được đặt lên hàng đầu thì ngày nay, thẩm mỹ lại được ưu tiên hơn. Ngoài ra người ta còn thiết kế thêm poster quảng cáo, bán các vật phẩm đặc trưng và có linh vật đại diện - Yuru kyara (ゆるキャラ). Người dân địa phương cũng mượn hình ảnh các linh vật này để sáng tạo ra những món quà lưu niệm bày bán ở các gian hàng như thú bông, nón hoặc in lên nhãn của một số sản phẩm như bánh kẹo hay các loại nước đóng chai. Trang phục cũng có sự thay đổi, trừ những người thực hiện nghi lễ và các tiết mục biểu diễn truyền thống, các bộ phận còn lại như chính quyền địa phương hay đại diện doanh nghiệp đều mặc áo Happi (法被). Áo Happi được chia thành nhiều màu tùy vào vị trí trong ban tổ chức và một số lễ hội được UNESCO công nhận là di sản văn hóa, người ta sẽ in dòng chữ “ Di sản văn hóa phi vật thể – Mukei bunkazai (無形文化財)” sau áo, vừa tạo nét riêng vừa thu hút du khách. Sự phát triển của công nghiệp và dịch vụ đã kéo theo sự thay đổi về hình thức tổ chức các lễ hội nông nghiệp theo chiều hướng tích cực nhưng đồng thời cũng phát sinh những hạn chế. Một ví dụ điển hình như do sự tác động của quá trình công nghiệp hóa. Công nghiệp hóa đã khiến nhiều người trẻ rời làng lên thành phố tìm kiếm cơ hội việc làm, cùng với đó, tỷ lệ sinh thấp cũng khiến cho dân số ở các làng quê đang ngày càng giảm sút. Dân số giảm, không đủ người tổ chức kéo theo việc không có đủ kinh phí và nguồn tài trợ cho các loại hình giải trí và các hoạt động thờ cúng cũng như các nghi lễ. Điều này đã khiến cho một số lễ hội nông nghiệp đứng trước nguy cơ bị mai một và biến mất trong tương lai. 3 KẾT LUẬN VÀ RÚT RA BÀI HỌC 3.1 Ý nghĩa đối với xã hội Nhật Bản Lễ hội không phải là hiện tượng bất thành bất biến, lễ hội có sự chuyển biến qua dòng chảy thời gian, có sự cải biến cho phù hợp. Khởi nguyên vốn là một nước mang văn hóa nông nghiệp nên người Nhật rất coi trọng những lễ tế có liên quan đến vụ mùa. Để lễ hội sống trong lòng xã hội đương đại là cơ hội giúp người dân cải thiện cuộc sống. Đối với người Nhật, lễ hội cũng như lễ hội nông nghiệp tại các địa phương không chỉ mang ý nghĩa về văn hóa, tinh thần mà còn được coi như những chương trình kích cầu quy mô nhỏ. Cho đến thời điểm hiện tại, chưa có một con số thống kê chính thức nào về nguồn lợi kinh tế mà nước Nhật thu được từ các lễ hội nói chung và lễ hội nông nghiệp nói riêng. Thế nhưng trong góc nhìn của doanh nghiệp Nhật, đó là một cơ hội quảng bá hình ảnh và làm kinh tế quan trọng. Ngược lại, nhìn từ góc độ sản phẩm địa phương, nhờ các lễ hội nông nghiệp, những sản vật và phong tục tập quán tốt đẹp tại vùng quê của họ mới 2520
  4. có thể quảng bá và được biết đến rộng rãi. Chính vì vậy, ngay trong nội tại nước Nhật, hiệu quả làm việc mang lại kinh tế cho gia đình vẫn cao cùng lúc đó lễ hội vẫn tiếp tục diễn ra mà không làm ảnh hưởng đến năng suất, lao động kém, đất nước đi lùi không phát triển. 3.2 Bài học đối với Việt Nam Thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đang ngày một phát triển, song nông nghiệp vẫn giữ vai trò quan trọng trong nền kinh tế ở nhiều quốc gia. Và khi nhắc đến nông nghiệp thì không thể không nhắc đến Việt Nam. Việt Nam được biết đến là một đất nước có nền văn minh lúa nước phát triển lâu đời, trải qua hàng nghìn năm lịch sử. Trong số hơn 8000 lễ hội cổ truyền của nước ta, xét về nguồn cội đều là lễ hội nông nghiệp, quy mô ban đầu là hội làng. Trong bối cảnh giao thoa giữa truyền thống và hiện đại như hiện nay, kinh tế và văn hóa có mối quan hệ hữu cơ với nhau. Kinh tế có ảnh hưởng lớn trong công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa và ngược lại, văn hóa lại có khả năng kích thích tăng trưởng kinh tế. Nhìn từ kinh nghiệm của Nhật Bản cho thấy, di sản văn hóa luôn là nguồn lực kích thích phát triển kinh tế địa phương, đặc biệt thông qua hoạt động du lịch. Bản chất của du lịch Việt Nam là du lịch văn hóa, du lịch Việt Nam muốn phát triển tất yếu phải khai thác sử dụng giá trị văn hóa truyền thống, cách tân và hiện đại hóa sao cho phù hợp hiệu quả trong đó có kho tàng lễ hội truyền thống. Lễ hội phát triển sẽ kéo theo nhu cầu tiêu dùng một số sản phẩm và các dịch vụ khác tăng, tạo điều kiện cho việc kinh doanh đạt nhiều thuận lợi, tạo công ăn việc làm, thu nhập lớn cho một bộ phận người lao động và các doanh nghiệp. Việc tổ chức có hiệu quả các hoạt động lễ hội vừa giúp khai thác tiềm năng du lịch, vừa có thể giới thiệu các giá trị về bản sắc văn hóa, tín ngưỡng của lễ hội đến với bạn bè quốc tế. 4 TỔNG KẾT Lễ hội nông nghiệp Nhật Bản được hình thành và chịu tác động từ nhiều yếu tố khác nhau. Lễ hội nông nghiệp truyền thống được tổ chức dựa trên cuộc sống lao động của người nông dân với mong muốn cảm tạ Thần linh và cầu cho mùa màng bội thu. Lễ hội nông nghiệp hiện đại có nhiều biến đổi dựa trên sự thay đổi về mặt kinh tế - xã hội. Về hướng tích cực, mục đích và hình thức tổ chức đều được thay đổi để phù hợp với cuộc sống hiện đại và đồng thời phát triển tiềm năng du lịch văn hóa tại Nhật khi du lịch đang chiếm tỉ trọng cao trong nền kinh tế của đất nước này. Mặt khác, công nghiệp hóa hiện đại hóa cũng khiến cho một số lễ hội đang dần bị mai một và có nguy cơ biến mất khi không đủ nhân lực tổ chức. Dù sự thay đổi có diễn ra nhưng ý nghĩa và những lễ nghi truyền thống của các lễ hội nông nghiệp vẫn được người dân trân trọng, gìn giữ, bảo tồn và phát triển cho đến tận ngày nay. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Để hiểu văn hóa Nhật Bản: NXB Văn nghệ. [2] Lễ hội cổ truyền: NXB Khoa học Xã hội Hà Nội [3] 壬生の花田植 | 動画で見るニッポンみちしる~新日本風土記アーカイブス~ [4] 鹿児島県/棒踊り 2521
nguon tai.lieu . vn