Xem mẫu

  1. HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA CÁC NHÀ NGHIÊN CỨU TRẺ | 11/2019 LỄ HỘI ĐUA THUYỀN - NÉT VĂN HÓA ĐẶC SẮC Ở LỆ THỦY, QUẢNG BÌNH LẠI THỊ HƯƠNG Khoa Khoa học xã hội, Trường Đại học Quảng Bình Email: Laihuongdh@gmail.com Tóm tắt: Thông qua việc nghiên cứu, giới thiệu về lễ hội đua thuyền ở Lệ Thủy, tác giả mong muốn tìm hiểu nét văn hóa truyền thống đặc sắc ở vùng quê sông nước tiêu biểu của tỉnh Quảng Bình. Từ đó, góp phần làm sáng tỏ và khẳng định những giá trị về đời sống tinh thần, tâm linh, phong tục tập quán, tôn giáo, tín ngưỡng, trang phục và các hoạt động thể thao... được biểu hiện qua lễ hội đua thuyền của người dân nơi đây, nhằm lưu giữ di sản văn hóa dân tộc trong lễ hội cộng đồng của cư dân ở huyện Lệ Thủy nói riêng và ở Quảng Bình nói chung. Cũng như trân trọng những giá trị tinh thần tốt đẹp của cha ông để lại, đồng thời thấy được tính cấp thiết trong việc bảo tồn và phát huy giá trị của lễ hội đua thuyền trong đời sống đương đại. Từ khóa: Văn hóa truyền thống, lễ hội, đua thuyền, sông nước, Lệ Thủy. 1. DẪN NHẬP Bất kỳ mỗi vùng đất, mỗi địa phương, mỗi cộng đồng nào cũng đều sáng tạo và lưu giữ những hình thức văn hóa đặc sắc của riêng mình. Ở nước ta, đua thuyền, đua ghe đã trở thành lễ hội truyền thống của nhiều địa phương. Tùy theo điều kiện sản xuất, môi trường tự nhiên, đời sống của từng vùng miền mà dẫn đến mỗi vùng có tục lệ, nghi thức riêng trong tổ chức lễ hội đua thuyền. Cũng như bao miền quê khác, Lệ Thủy là vùng đất có truyền thống văn hóa lâu đời, đồng thời cũng là nơi tập trung, lưu giữ nhiều hình thức lễ hội dân gian tiêu biểu; trong đó lễ hội đua thuyền trên sông Kiến Giang được coi là hình thức sinh hoạt văn hóa tiêu biểu nhất, mang tính thượng võ hấp dẫn thu hút đông đảo người tham gia. Trong phạm vi bài viết này, tôi xin được nêu lên một nét văn hóa đặc sắc ở huyện Lệ Thuỷ, tỉnh Quảng Bình. 2. KHỞI NGUỒN CỦA LỄ HỘI Ở nước ta, đua thuyền đã trở thành truyền thống lâu đời trong đời sống lễ hội. Theo dòng lịch sử, tác giả Bùi Thiết đã khẳng định: “Đua thuyền là một sinh hoạt truyền thống của cư dân Việt cổ có từ thời các vua Hùng mà hình ảnh còn lưu lại trên các hình trang trí ở trống Đông Sơn. Hàng trăm các làng xã từ Bắc đến Nam đều tổ chức đua thuyền trong các lễ hội dân gian” [10; tr.187]. Lễ hội đua thuyền ở Lệ Thủy có tự bao giờ cho đến nay vẫn chưa biết được chính xác. Theo “Ô châu cận lục” của tác giả Dương Văn An viết năm 1553 có câu: “Xuân sang thì mở hội bơi trải với nhiều trai thanh gái lịch Hạ tới thì bày cuộc đấu thăm, dập dìu, rộn rã nơi ca, chốn múa” [1]. Như vậy, xét về mặt thời gian thì chí ít lễ hội đua thuyền ở Lệ Thủy có từ khoảng 400 đến 500 năm trước. Nói đến Lệ Thủy là nói về vùng quê người dân sống chủ yếu bằng nghề trồng lúa nước. Chính kinh tế ruộng nước đã làm nảy sinh mong muốn mưa thuận, gió hòa để đồng ruộng xanh tốt, mùa màng bội thu, và từ đó lễ hội đua thuyền ra đời như để thoả mãn ước nguyện của người nông dân. Tục xưa truyền lại rằng, hàng năm vào rằm tháng bảy. Đây là thời gian nắng gắt trong năm, hàng tháng trời không có mưa, đất khô nứt nẻ, lúa đói nước, héo vàng và hạn hán xảy ra 135
  2. TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM, ĐẠI HỌC HUẾ | HTKH 2019 ở nhiều nơi - vì vậy các làng tổ chức tế lễ, cúng thần thánh phù trợ để có mưa làm mùa. Lễ tế thần kéo dài trong 3 ngày, 3 đêm. Vào những ngày này dân làng tổ chức vui chơi, tắm mát, té nước thể hiện trời mưa. Trùng hợp ngẫu nhiên về thiên lý gặp được trời mưa dân làng mừng rỡ chạy bộ quanh làng, hò reo vui mừng và cầu trời mưa to hơn nữa. Vào những ngày đó, mỗi xóm, mỗi làng đều tổ chức 1 chiếc thuyền và trên đó chở những vị bô lão trong làng để hô cầu mưa (cầu đảo) “lấy nước để uống, lấy nước để cày”. Từ ước muốn đến hiện thực mỗi làng đã đóng một chiếc thuyền để cầu đảo. Từ đó, địa lý giao tranh làng anh và làng tôi trở thành tự phát cùng nhau vui chơi, nảy sinh hơn thua, dẫn đến bơi đua, rồi cứ đến mùa hạn hàng năm dân các làng cúng lễ và “hò huầy” đẩy thuyền xuống sông. Lâu dần tục lệ đã biến thành ngày hội của cả làng, cả tổng rồi của cả huyện. Ngày ấy, nhân dân hai bờ sông Bình Giang (nay là sông Kiến Giang) mở hội đua thuyền bơi trải theo đơn vị làng và tổng. Hơn thế nữa, việc chọn thời điểm là mùa xuân để tổ chức “hội bơi trải” đã thể hiện khát vọng đi lên và niềm lạc quan, yêu đời của của nhân dân. Hội Xuân sau đó chuyển thành nghi lễ cầu đảo được tổ chức vào rằm tháng bảy âm lịch hàng năm. Bơi trải từ một lễ hội mùa Xuân đã chuyển sang mùa thu để gắn với thực tiễn cuộc sống lao động sản xuất nông nghiệp. Điều đó cũng thể hiện sự sáng tạo văn hóa và hưởng thụ văn hóa của người dân nơi đây. Theo truyền khẩu của các bậc cao niên, làng An Xá, xã Lộc Thủy là một làng có truyền thống bơi đua nhất, nhì trong huyện, nên có câu cửa miệng rằng: “Bơi đua Kẻ Thá, chữa lã (lửa) Kẻ Tuy”1 và sự tích đền thờ Bà Lỗ cùng từ đó. Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, hòa chung cùng không khí vui mừng của nước nhà vừa giành được độc lập, lễ hội đua thuyền toàn huyện Lệ Thủy được nhân dân tổ chức vào dịp Quốc khánh 2/9. Về sau dân làng trong huyện đã lấy ngày này làm hội đua thuyền truyền thống hàng năm. “Ai đi đâu đó xa gần Nhớ ngày Quốc khánh về vui hội thuyền” [10]. 3. CÔNG VIỆC CHUẨN BỊ CHO LỄ HỘI Lễ hội bơi trải đua thuyền ở Lệ Thủy thường diễn ra vào những ngày từ 29/8 - 2/9 hàng năm. Nhưng để có ngày lễ hội thật sự hoàn hảo thì trước đó khoảng hơn một tháng các làng, xã đã rộn ràng chuẩn bị các khâu: chọn gỗ, tìm thợ giỏi để đóng thuyền, đẽo chầm, đẽo chèo, nếu có sẵn thì sửa sang lại, kẻ vẽ mầu sắc thuyền bơi, đầu thuyền thường được vẽ hình đầu mặt rồng, đuôi thuyền được vẽ hình con phượng. Công việc không kém phần quan trọng là chọn trai bơi, nữ đua, chuẩn bị trang phục (các tay bơi của một thuyền ăn mặc giống nhau, đầu đội mũ, lưng thắt dây lụa, tuỳ từng thuyền mà chọn cho mình màu sắc riêng: xanh, đỏ, vàng…) chọn người chèo lái, người đánh mõ… Mọi việc được tiến hành một cách cẩn thận và tỷ mỷ nhằm tránh những sai sót trên đường đua. Trước hết, phải kể đến là kỹ thuật đóng thuyền – đây là yếu tố có tính chất quyết định đối với tốc độ con thuyền. Thuở trước, ở một số làng có nhiều người có tài nghệ và bí quyết bắt nôốc (kỹ thuật đóng thuyền) như ông Hương (làng Phúc Lộc), ông Khoán Trẹo (làng An Xá)… Theo lời cụ Nguyễn Lâm ở xã An Thủy, huyện Lệ Thủy, để có một chiếc thuyền bơi hay điều đầu tiên là khâu chọn gỗ, gỗ đóng thuyền bơi được lựa chọn rất kỹ càng, công phu, không bị bọng, không nứt nẻ và phải là những loại gỗ tốt như gỗ chò, hỗ huệnh. Kỹ thuật “bắt nôốc” (đóng thuyền) làm sao giảm được sức cản tối đa của nước và hợp với sức bơi của trai làng. Kinh nghiệm cho thấy thuyền bơi nào “bắt mực” phù hợp với mái khoan (tức là tốc độ buông chầm bơi vừa phải), nhưng thuyền vẫn sẽ lướt nhanh và thường giật 1 Kẻ Thá là làng An Xá, Kẻ Tuy là làng Tuy Lộc, xã Lộc Thuỷ. 136
  3. HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA CÁC NHÀ NGHIÊN CỨU TRẺ | 11/2019 được giải. Thuyền bơi nào ăn mái lăn (tốc độ buông chầm bơi rất nhanh) thì trai làng không đủ sức đưa thuyền bơi về đích trước thiên hạ, vì đường đua dài đến mấy chục kilômét. Do đó, kỹ thuật “bắt nôốc” phải theo tiêu chuẩn giảm lực cản của nước tối đa, thuyền thọn nhẹ và có tốc độ lướt nhanh. Ngày trước, các làng thường bơi “nôốc ngang” với cấu trúc có từ bảy, tám cặp bơi, một người chèo lái, một người chèo phách, một người gõ mõ, một người tát nước. Dần dần về sau người ta thấy “nôốc ngang” vừa ngắn vừa yếu nên chuyển sang dùng “nôốc mực”, “nôốc mực” có ưu thế hơn về mọi mặt, chiều dài gấp một lần rưỡi nôốc ngang, sức chứa từ 11 - 12 cặp bơi. Ngoài một chèo lái, một chèo phách còn có một lái phụ (lái cai), một hoặc hai người gõ mõ, tát nước. Thuyền dài và thon nên có tốc độ lướt nhanh, trai bơi đông tạo sức đẩy lớn. Ngày nay các thôn, xã vẫn dùng “nôốc mực” để bơi nhưng chiều dài thuyền bơi lên tới 15 - 16m, có 13 - 14 cặp chầm, một chèo lái, một chèo phách, một lái cai và hai người đánh mõ thay phiên nhau điều hành chỉ huy, hai người tát nước. Tối đa khoảng 35, 36 người. Đối với thuyền đua (giành cho phụ nữ chèo) thì kích thước của thuyền nhỏ và ngắn hơn thuyền bơi. Mỗi thuyền có 10 - 12 tay chèo gồm 15 phụ nữ độ tuổi 22 – 40, trong đó có một hoặc hai người đánh sanh, một người tát nước. Sau khi chọn gỗ, đóng thuyền là khâu chọn vận động viên. Trai bơi, gái đua được chọn là những người khỏe mạnh, quen với sông nước, có sức bền dẻo dai, tuổi trai bơi từ 25-45, gái đua tuổi 20-40. Trước đây đường đua trong các lần bơi là “ba vòng sáu tao” kể cả bơi làng, xã, tổng và huyện. Nhưng ngày nay tuỳ theo giải xã hay huyện đều có quy định cụ thể. Nếu đua trong phạm vi làng, xã, liên xã thì chiều dài cuộc đua bằng chiều dài của làng, xã, liên xã đó. Còn đua huyện thì chiều dài cuộc đua khoảng 20km đối với trai bơi, 10km đối với nữ đua. Điểm xuất phát cũng là điểm buông phao tại mũi viết (Thượng Phong) trung tâm huyện lỵ, thượng tiêu tại cồn soi cầu trạm (xã Mỹ Thuỷ) và hạ tiêu là Chợ Thùi (làng Phú Thọ xã An Thuỷ). Trước khi vào lễ đua chính thức, cách đó khoảng một tuần đến mười ngày, khi các thuyền bơi đã đóng xong, công việc tuyển chọn đâu vào đấy. Các thuyền bơi của các làng bắt đầu tiến hành bơi thử, người dân địa phương quen gọi là “thụa”. Trong mấy ngày này, trên vùng sông nước Kiến Giang dấy lên tiếng mõ khua, trống dục. Người ta hạ thủy thuyền bơi để tập duyệt với nhau, các thuyền bơi tìm bạn để thử thuyền hay, thuyền dở, họ thường tìm đến các thuyền hay để thử thuyền mình. Đồng thời, đây cũng là dịp để kiểm tra một lần nữa và hoàn thiện các sai sót cuối cùng trong kỹ thuật đóng thuyền. Trước khi đưa thuyền xuống nước (hạ thuỷ) người ta thường tổ chức cúng bái. Tuy nhiên, các nghi thức cúng bái ở mỗi làng mỗi khác. Có làng lập bàn thờ nhưng có làng lại không lập bàn thờ, họ chỉ thắp hương đầu mũi thuyền, các lễ vật dân làng cúng thường có các loại như: chuối, hoa quả, rượu, trà, xôi, gà, đầu heo với đầy đủ thủ vĩ… Những người già trong làng đứng ra làm chủ lễ. Công việc này được tiến hành vào ban đêm trước ngày lễ hội. 4. DIỄN TRÌNH LỄ HỘI ĐUA THUYỀN TRÊN SÔNG KIẾN GIANG Lễ hội đua thuyền ở Lệ Thủy thường được tổ chức thành hai đợt. Đợt 1 tổ chức đua thuyền trong phạm vi xã hoặc liên xã, đợt 2 tổ chức quy mô toàn huyện, đợt 1 thường diễn ra trước đợt 2 khoảng một đến hai ngày, thường tổ chức vào những ngày từ 29 - 31/ 8. Ngày 2/9 là ngày chính thức tổ chức trong toàn huyện. Trong những ngày này khách thập phương đổ về huyện lỵ, trong Nam ra, ngoài Bắc vào, cả những xã miền núi “cơm đùm gạo bới” ngủ lại qua đêm chờ xem bơi đua. ở nhiều nơi các cửa hàng, cửa hiệu mở cửa chuẩn bị các món ăn quê hương phục vụ người đi xem hội… ở các làng, ngày đó đã mổ lợn, giết bò chia đều một phần gạo nếp, thịt cho từng nhân khẩu. Trong từng gia đình, mọi người cùng sửa soạn trang phục và đồ dùng để đi xem hội như may quần áo mới, gói bánh chưng. Bố mẹ còn phát tiền cho con cái chi tiêu trong ngày lễ. Tất cả các hoạt động sản xuất đều tạm ngừng để tập trung cho ngày lễ hội. 137
  4. TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM, ĐẠI HỌC HUẾ | HTKH 2019 Đúng ngày 2/9, lễ hội đua thuyền trên sông Kiến Giang chính thức được tiến hành. Tại trung tâm huyện, các loại cờ đại, cờ hỷ cắm la liệt. Tiếng trống, tiếng cồng nổi lên giục giã các thuyền đua về dự hội. Các thuyền đua ở xa thì 2, 3 giờ sáng đã có mặt. Đúng 7 giờ sáng, các thuyền bơi, đua tới tập trung tại trung tâm huyện để làm lễ diễu hành, có năm số lượng thuyền tham gia lễ hội lên tới 35 chiếc (thuyền bơi 23 chiếc, thuyền đua 12 chiếc) lần lượt dạo quanh khúc sông ở trung tâm huyện để chào khán giả, các cổ động viên và các vị khách quý. Sau đó theo sự bốc thăm của từng thuyền về vị trí để chuẩn bị cuộc đua. Tiếng trống dồn rộn rã, tiếng gõ mõ, tiếng sanh lôi kéo tất cả mọi người về dự hội tập trung tại điểm gọi là “buông phao” (hay bông phao) để xem. Trên sông đủ các màu sắc của thuyền bơi, đua, thuyền xem hội, cờ hoa, sắc áo, của những người tham gia và người xem hội rực rỡ cả mặt sông. Trên bờ hàng ngàn hàng vạn người đứng ngồi chật ních để reo hò cổ vũ, có cả trống lớn trống nhỏ, thanh la hòa nhịp. Khoảng 8 giờ sáng, cuộc đua bắt đầu, các thuyền bơi về đúng vị trí của mình và dàn hàng ngang chờ lệnh. Lúc hiệu lệnh xuất phát vang lên, các tay bơi cùng lúc buông chầm xuống nước. Mặt sông đang yên tĩnh bỗng trở lên cuộn sóng, các con thuyền như đàn rồng căng mình lướt trên mặt nước. Trên bờ già trẻ gái trai đủ mọi tầng lớp trong những bộ áo quần mới nhiều màu sắc của ngày hội đã đứng kín suốt dọc hai bên bờ sông, nơi có thuyền đi qua. Tiếng hò reo, vẫy nón, mũ xen lẫn tiếng cười nói, tiếng chiêng trống hòa cùng tiếng mõ, tiếng hô trải vang dậy làm huyên náo cả một vùng sông nước. Đúng là: “Những chiếc thuyền áo đỏ, áo xanh Tay đua sẵn sàng, bắp thịt tròn cuồn cuộn Súng lệnh nổ, thuyền lao như tên bắn Sóng xô bờ, biển nón khoát nhấp nhô Tiếng mõ rộn ràng, tiếng trống dục liên thanh Thuyền xé nước, tiếng hò reo dậy đất... Tóc bết mồ hôi, tay cầm nón mỏng Nón gẫy vành rồi, em bẽn lẽn nhìn anh” (Thơ Đỗ Quý Dũng) Nhiều cụ ông, cụ bà trên 80 - 90 tuổi chống gậy theo đứa cháu ôm chiếu xuống bờ sông ngồi đợi đoàn thuyền đua đi qua để cổ vũ. Có rất nhiều người reo hò đến khản tiếng, cổ vũ, ngoắt tay (vẩy tay) đến rã rời đến nỗi mũ rơi, nón gẫy, quai đứt, xiêm áo quên cài… Nhiều người đã lội xuống sông, ào xuống nước để tát nước mỗi khi thuyền bơi đi qua. Sự cổ vũ nhiệt tình ấy còn được biểu hiện qua một câu chuyện kỳ lạ nhưng có thật ở làng An Xá. Chuyện kể rằng: Năm ấy, có đò bơi làng An Xá (Lộc Thuỷ) được ăn giải nhất nhờ mưu mẹo của một người phụ nữ. Trước khi bơi chị bảo với trai bơi làng mình rằng khi đã bơi đến khúc sông cong thuộc địa phần của làng ta thì anh em đừng nhìn lên bờ, dù có chuyện gì xảy ra cũng mặc kệ. Thế rồi trong đoàn người chạy theo thuyền để ngoắt, có một chị phụ nữ khoảng 30 tuổi, dáng người khỏe mạnh, xinh xắn đang hăm hở chạy lên phía trước. Khi thuyền bơi gần qua khúc sông cong, người ta thấy người phụ nữ ấy đã đứng ngay ở đó, miệng không ngớt hò la, cổ vũ, hai tay chị khoát mạnh về phía trước. Có lẽ vì quá nhiệt tình la hò, ngoắt cho nôốc bơi làng mình nên chị đã kiệt sức… chiếc quần lĩnh của chị tuột xuống lúc nào không biết. Trai bơi trên sông nhìn thấy “cảnh lạ mắt” cười vang nên sức bơi yếu dần, đò bơi chậm lại. Chỉ có riêng đò bơi của trai làng An Xá đã được chị dặn dò trước nên cắm đầu, cắm cổ bơi, được nước vượt lên về đích đầu tiên. Để nhớ ơn người phụ nữ đó, sau khi bà mất, dân làng lập một đền thờ gọi là đền thờ Bà 138
  5. HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA CÁC NHÀ NGHIÊN CỨU TRẺ | 11/2019 Lỗ. Hàng năm, cứ đến ngày lễ hội đua thuyền dân làng mang lễ vật đến đền thờ cúng bái mong Bà phù hộ cho thuyền bơi của làng mình được giải1. Gắn liền với quang cảnh nhộn nhịp tưng bừng trên sông nước là các hoạt động thể dục, thể thao, bóng chuyền, bóng đá, bóng bàn, vui chơi hò hát, văn nghệ, múa long hổ, chơi bài chòi… được các Ban văn hóa thể thao của xã, huyện tổ chức. Những hoạt động thể thao đó đã làm cho không khí lễ hội thêm náo nức. Sau khi đi hết đoạn đường quy định, các thuyền bơi nào về trước được giải nhất, về thứ hai được giải nhì, về thứ ba được giải ba, về thứ tư được giải khuyến khích. Có năm Ban tổ chức còn trao giải phong cách cho thuyền bơi nào đi đến nơi, về đến chốn, thực hiện tốt quy định của cuộc đua, mặc dù thuyền đó về chót. Lễ hội đua thuyền ở Lệ Thủy thực sự là một ngày hội toàn dân, tất cả mọi thành phần lứa tuổi đều tham gia, cổ vũ. Người Lệ Thủy bất kỳ sinh sống và làm việc ở đâu, bận công việc gì vẫn tranh thủ thời gian về quê hương để xem hội đua thuyền trên sông Kiến Giang trong ngày Tết độc lập với một tình cảm và niềm say mê đến kỳ lạ. “Dù ai đi Tây về Đông/Mồng hai tháng chín vẫn mong về nhà/Về nhà xem hội quê ta/Dưới sông bơi trải, nhà nhà cờ bay”. Hay những lời ca rất bình dị đời thường như mời gọi, như níu kéo: “… Ðua đua đua/Mời về Lệ Thủy, xem này bơi đua/Tháng tám mùa thu người người háo hức/Làng làng rạo rực, đóng thuyền luyện quân/Những chàng trai xuân, những cô gái đảm/Kiến Giang dòng lụa tưng bừng ngày đêm” (Thầy thuốc Nguyễn Anh Trí). Ngày 27/8/2019, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có quyết định về việc công bố Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với Lễ hội đua, bơi thuyền trên sông Kiến Giang, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Đây là niềm vinh dự lớn lao, cũng như sự khẳng định lần nữa của nhà nước về giá trị tinh thần lớn lao của lễ hội đua thuyền ở Lệ Thủy. Sau khi được “khoác” chiếc áo di sản, vẫn còn đó rất nhiều điều phải làm để chứng minh sự tồn tại của lễ hội đua thuyền trong đời sống của người dân Lệ Thủy nói riêng và nhân dân toàn tỉnh Quảng Bình nói chung. 5. KẾT LUẬN Lễ hội đua thuyền hàng năm có lẽ nhiều nơi tổ chức. Song, ở Lệ Thủy đây là ngày lễ hội truyền thống lớn nhất trong năm của một huyện nổi tiếng là huyện lúa đầu tỉnh Quảng Bình. Hội đua thuyền chẳng những là một hoạt động có tính thượng võ, đồng thời còn biểu hiện khát vọng mong muốn cuộc sống no đủ, thanh bình, hạnh phúc và trong tâm thức của người dân, “Đua thuyền đúng là một thứ lễ cầu yên (an cư), cầu thịnh (lạc nghiệp), cầu siêu (siêu độ vong linh)” [4]. Ngày nay, lễ hội đua thuyền có xu hướng thiên về lễ hội thể thao, biểu hiện tinh thần thượng võ, vui chơi giải trí. Nhân dân xứ Lệ lại chọn ngày lễ 2/9 để tổ chức, ý nghĩa của nó không chỉ đơn thuần là mừng tết Độc lập của nước nhà mà còn tưởng nhớ đến Bác Hồ kính yêu, cũng chính là thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ kẻ trồng cây của người dân nơi đây. Mặt khác, lễ hội đua thuyền ở Lệ Thủy còn là hình thức sinh hoạt văn hóa mang đậm bản sắc văn hóa của địa phương. Chính những yếu tố bơi đua đã tạo ra sắc thái riêng biệt trong tập quán canh tác, cư trú, tâm lý ứng xử cũng như sinh hoạt cộng đồng của cư dân ở mảnh đất này. Lễ hội vì thế có tác dụng làm cho tâm hồn người dân phấn chấn để bước vào một mùa vụ mới, góp phần nâng cao năng suất, hiệu quả lao động và thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội. Thông qua lễ hội đã góp phần quảng bá cho hình ảnh một Lệ Thủy năng động, sáng tạo, đang chuyển mình nhanh chóng để hội nhập với các địa phương khác trong toàn quốc. Lễ hội đua thuyền ở 1 Hiện nay, ở làng An Xá vẫn còn miếu thờ Bà. 139
  6. TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM, ĐẠI HỌC HUẾ | HTKH 2019 Lệ Thủy không chỉ là môn thể thao truyền thống rèn luyện sức khỏe mà còn là hình thức sinh hoạt văn hóa mang đậm bản sắc của cư dân vùng sông nước. Qua lễ hội, nếp sống tốt đẹp của văn hóa làng xã được khơi dậy, tình cảm con người được nhân lên, mối quan hệ cộng đồng càng thắt chặt, nhưng bao trùm lên tất cả vẫn là niềm vui, là sự thể hiện của tấm lòng rộng mở, nhân ái bao la, một tinh thần đoàn kết và thượng võ của những con người nơi đây. Phải chăng, đó chính là những nét đẹp của văn hóa có tự ngàn xưa ở một vùng quê văn hiến, đáng được trân trọng giữ gìn và phát triển. Hiện nay, khi lễ hội đã được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, việc bảo tồn và phát huy giá trị của di sản được xem là một việc làm mang tính cấp thiết. Bởi vì, nó không chỉ góp phần gìn giữ một sản phẩm văn hóa dân gian truyền thống của địa phương, để cho thế hệ mai sau có thể hiểu thêm về đời sống sinh hoạt văn hóa độc đáo của cha ông mình trong một vùng nông thôn còn nghèo khó gian nan, mà còn có thể hình dung được phần nào quang cảnh thôn quê mộc mạc, giản dị nhưng đậm tình người, tình quê, từ đó thế hệ trẻ sẽ thêm yêu quê hương đất nước hơn. Đồng thời, đây còn là bước đi lâu dài để thúc đẩy tỉnh nhà ngày càng phát triển hơn về nhiều mặt, để đua thuyền xứng đáng là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của tỉnh nhà đã được công nhận và tôn vinh. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Dương Văn An (2001). Ô châu cận lục, NXB Thuận Hóa. [2] Nhiều tác giả (2000). Quảng Bình nước non huyền diệu, NXB Văn nghệ TP Hồ Chí Minh. [3] Nhiều tác giả. Quảng Bình quê tôi (trước năm 1975), Tập san Hội đồng hương Quảng Bình tại Sài Gòn. [4] Lê Đình Lờng (1996). Đua thuyền ở Lệ Thuỷ, Tập san Sở Văn hóa thông tin Quảng Bình. [5] Dương Văn Sáu (2004). Lễ hội Việt Nam trong sự phát triển du lịch, NXB Trường Đại học Văn hóa Hà Nội. [6] Nguyễn Tú (2007). Những nét đẹp về văn hóa cổ truyền Quảng Bình, NXB Thuận Hóa, Huế. [7] Nguyễn Tú (2006-2010). Văn nghệ dân gian Quảng Bình (4 tập), NXB Văn hóa thông tin. [8] Nguyễn Tú (1998). Quảng Bình nước non và lịch sử, Sở Văn hóa thông tin Quảng Bình [9] Nguyễn Khắc Thái (2014). Lịch sử Quảng Bình, NXB Chính trị hành chính, Hà Nội. [10] Bùi Thiết (2000). Từ điển Hội lễ Việt Nam, NXB Văn hóa thông tin, Hà Nội. [11] https://www.quangbinh.gov.vn/3cms/le-hoi-dua-thuyen-o-le-thuy-%E2%80%93-mot-di-san- van-hoa-vo-gia.htm Title: BOAT RACING FESTIVAL IN LE THUY, QUANG BINH Abstract: Through the research, introduction to boat racing festival in Le Thuy, the author wish to learn the traditional culture unique in the countryside typical river in Quang Binh province. There by contributing to clarify and confirm the value of spiritual life, spirituality, traditions, religion, creed, dress and sports activities ... is expressed through festivals regatta of the people here, to keep the nation's cultural heritage in community festivals of residents in Le Thuy district, Quang Binh in particular and in general. And appreciate the value of good spirit leave his father, and to see the urgency in preserving and promoting the value of boat racing festival of contemporary life. Keywords: Culture, tradition, festivals, boat racing, water River, Lishui. 140
nguon tai.lieu . vn