Xem mẫu

  1. KỸ NĂNG TỰ HỌC CỦA HỌC SINH TIỂU HỌC HUYỆN GIO LINH, TỈNH QUẢNG TRỊ NGUYỄN THỊ THÚY AN Trường Đại học Sư phạm - Đại học Huế Tóm tắt: Kỹ năng tự học là hành trang không thể thiếu của hoạt động học tập với mục tiêu “học suốt đời”. Chính vì vậy, kỹ năng này cần được hình thành ở mỗi học sinh, đặc biệt là học sinh tiểu học, những người đang trong giai đoạn làm quen với hoạt động học tập và hình thành nhân cách. Nhằm góp phần cung cấp thêm cơ sở thực tiễn định hướng cho việc hình thành kỹ năng tự học cho học sinh tiểu học, chúng tôi đã nghiên cứu thực trạng kỹ năng tự học của học sinh tiểu học huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị. Kết quả khảo sát cho thấy, kỹ năng tự học của các em ở mức thấp. Ở tất cả các kỹ năng tự học, học sinh có mức độ thực hiện kỹ năng cao nhưng mức độ thành thạo lại thấp. Bên cạnh đó, ở các kỹ năng thành phần có sự khác biệt giữa các học sinh. Từ khóa: kỹ năng tự học, học sinh tiểu học, huyện Gio Linh 1. ĐẶT VẤN ĐỀ Mối quan hệ cơ bản trong giáo dục là mối quan hệ giữa trẻ em và đối tượng lĩnh hội [1]. Trong mối quan hệ này, học sinh sẽ phải tổ chức hoạt động học để đi tới đích là chiếm lĩnh được tri thức khoa học. Thông qua hoạt động học, làm thay đổi động cơ hành vi của các em, giúp các em có khả năng lĩnh hội những kiến thức mới cũng như mở ra những nguồn phát triển về trí tuệ và đạo đức. Xu hướng giáo dục tiểu học hiện nay tập trung nâng cao năng lực tự học của người học. Để có thể lĩnh hội một cách tối ưu nhất khối lượng kiến thức của nhân loại, mỗi người cần phải hình thành kĩ năng tự học. Tự học là con đường thử thách, rèn luyện và hình thành ý chí cao đẹp của mỗi người trên con đường lập nghiệp. Nhờ tự học, con người khắc phục được những mâu thuẫn giữa cái vô hạn của học vấn và giới hạn của tuổi học đường, giữa khát vọng cao đẹp về sự hiểu biết với hoàn cảnh vốn có của bản thân. Đồng thời hình thành kỹ năng tự học ở học sinh sẽ thúc đẩy tính độc lập, tính tích cực và tư duy sáng tạo của các em. Vấn đề tự học hiện nay đã thu hút được nhiều sự quan tâm, chú ý của xã hội và các nhà khoa học. Các tác giả nước ngoài đã có những công trình nghiên cứu lí luận chung về tự học, kỹ năng tự học dưới góc độ giáo dục học, góc độ tâm lý (N.A.Rubakin [7]; Tsunesaburo Makiguchi [10]). Các tác giả trong nước, ngoài đi sâu nghiên cứu lí luận còn có quan tâm đến việc bồi dưỡng, phát triển kỹ năng tự học cho người học dựa trên cơ sở các nghiên cứu thực tiễn tại Việt Nam (Nguyễn Kỳ [4]; Nguyễn Cảnh Toàn [8]; Thái Duy Phiên [9]). Trong khi có nhiều công trình nghiên cứu về lĩnh vực kỹ năng tự học cho sinh viên và học sinh trung học phổ thông (Trần Văn Hiếu [2]; Trần Sỹ Luận [5]; Nguyễn Thị Mai Lan [6]) thì vẫn còn ít công trình nghiên cứu dành cho học sinh tiểu học. Kỹ năng tự học mang tính cá nhân cao, được hình thành và phát triển trong một môi trường giáo dục nhất định. Nên kỹ năng tự học chịu ảnh hưởng rất lớn bởi các yếu tố như phương pháp dạy học của giáo viên, nội dung học tập của bậc học, môi trường học tập của trẻ, sự tác động của các bậc phụ huynh, đặc biệt phải kể tới là đặc điểm học sinh – yếu tố quan trọng nhất quyết định mức độ phát triển kỹ năng của người học. Chính vì vậy, khi nghiên cứu thực trạng kỹ năng tự học của học sinh tiểu học huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị, chúng tôi đã tiếp Kỷ yếu Hội nghị Khoa học Sau Đại học lần thứ hai Trường Đại học Sư phạm Huế, tháng 10/2014: tr. 587-595
  2. 588 NGUYỄN THỊ THÚY AN cận, nghiên cứu dưới nhiều góc độ khác nhau, từ nghiên cứu lý luận, chúng tôi tìm hiểu mức độ phát triển và các yếu ảnh hưởng đến kỹ năng tự học của người học để từ đó đề xuất một số biện pháp nhằm giảm thiểu các yếu tố cản trở và phát triển kỹ năng tự học cho học sinh. Tuy nhiên, trong giới hạn của bài viết này, chúng tôi chỉ trình bày kết quả nghiên cứu thực trạng kỹ năng tự học của học sinh một số trường ở huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị. 2. KHÁCH THỂ VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU - Khách thể nghiên cứu: Nghiên cứu được thực hiện ở 150 học sinh khối 4 và 5 Trường Tiểu học thị trấn Cửa Việt và Tiểu học Gio Sơn, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng trị. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng khảo sát với 6 giáo viên, 100 phụ huynh của hai trường trên. - Phương pháp nghiên cứu: Để tiến hành nghiên cứu thực trạng kỹ năng tự học của học sinh tiểu học, chúng tôi đã sử dụng hệ thống các phương pháp nghiên cứu sau: Phương pháp điều tra bằng bảng hỏi; phương pháp phỏng vấn; phương pháp quan sát,… trong đó phương pháp điều tra bằng bảng hỏi là phương pháp chủ đạo. Các câu hỏi đánh giá về mức độ thực hiện được xây dựng trên thang Likert có 5 mức độ lựa chọn: chưa bao giờ làm; ít khi làm; thỉnh thoảng làm; hay làm; và làm thường xuyên, tương ứng với điểm qui ước là 1, 2, 3, 4, 5. Các câu hỏi đánh giá về mức độ thành thạo gồm có 5 mức độ để lựa chọn như sau: chưa thành thạo; ít thành thạo; tương đối thành thạo; thành thạo; rất thành thạo, tương ứng với điểm qui ước là 1, 2, 3, 4, 5. Độ tin cậy và tính hiệu lực của bảng hỏi đã được kiểm tra và kết quả cho thấy bảng hỏi có độ tin cậy và tính hiệu lực cao, đảm bảo tính chính xác của dữ liệu thu thập được (Cronbach alpha là 0,92; tính hiệu lực cấu trúc đáp ứng, với các câu thành phần đều thỏa mãn điều kiện có trọng số từ 0,32 đến 0,72; KMO = 0,84; kiểm định Barlett với p < 0,001). 3. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU Kỹ năng tự học bao gồm nhiều nhóm kỹ năng thành phần. Trong đó, có bốn nhóm kỹ năng được xem là đặc biệt quan trọng với lứa tuổi học sinh tiểu học, đó là kỹ năng định hướng hoạt động học tập, kỹ năng lập kế hoạch học tập, kỹ năng tự thực hiện các nhiệm vụ học tập và kỹ năng tự kiểm tra, đánh giá hoạt động học tập. Thực trạng phát triển các nhóm kỹ năng này được thể hiện qua mức độ thực hiện và mức độ thành thạo khi thực hiện các kỹ năng thành phần. 3.1. Kỹ năng định hướng hoạt động học tập Với học sinh tiểu học, kỹ năng định hướng hoạt động học tập sẽ giúp các em định hình được những việc cần làm, những kết quả cần đạt được, từ đó, các em có thể tự định hướng, tự điều khiển, tự giám sát hoạt động học tập của bản thân. Chính vì vậy, kỹ năng định hướng hoạt động học tập là một trong những kỹ năng quan trọng của kỹ năng tự học. Trong bảng 1 sau đây, chúng tôi trình bày kết quả phân tích mức độ thực hiện kỹ năng định hướng hoạt động học tập. Bảng 1. Mức độ thực hiện kỹ năng định hướng hoạt động học tập TT Nội dung thực hiện ĐTB ĐLC ThB 1 Nghĩ về kết quả học tập (giỏi, khá, trung bình) mà em muốn 4,29 1,03 1 đạt được cho học kỳ này 2 Nghĩ về việc sắp tới (trong ngày hoặc các ngày sau) sẽ cần học 4,07 0,89 2 bài nào, môn nào, làm bài tập gì 3 Tự xem lại/ nhớ lại những gì cô giáo dặn cần phải làm trong 4,05 0,99 3 những ngày tới Trung bình chung 4,12 Ghi chú: ĐTB: Điểm trung bình; ĐLC: Độ lệch chuẩn; ThB: Thứ bậc
  3. KỸ NĂNG TỰ HỌC CỦA HỌC SINH TIỂU HỌC HUYỆN GIO LINH, TỈNH QUẢNG TRỊ 589 Bảng 1 cho thấy, học sinh thực hiện khá thường xuyên kỹ năng định hướng hoạt động học tập. Cụ thể, học sinh nghĩ về kết quả học tập mà các em muốn đạt được cho học kỳ được thực hiện thường xuyên nhất với ĐTB là 4,29. Điều này cho thấy, học sinh tiểu học đã suy nghĩ tới mục tiêu phấn đấu. Tuy nhiên, để có định hướng hoạt động học tập tốt, học sinh cần phải dựa trên những lời cô giáo dặn và tự mình nghĩ về việc cần làm sắp tới. Để xem xét mức độ phát triển kỹ năng định hướng cần đánh giá mức độ thành thạo khi sử dụng kỹ năng định hướng trong hoạt động học tập của học sinh. Kết quả nghiên cứu mức độ thành thạo ở học sinh tiểu học được thể hiện qua bảng sau: Bảng 2. Mức độ thành thạo kỹ năng định hướng hoạt động học tập TT Nội dung thành thạo ĐTB ĐLC ThB 1 Biết mức kết quả học tập (giỏi, khá, trung bình) mà em muốn đạt 3,57 1,01 3 được cho học kỳ này 2 Biết rằng sắp tới (trong ngày hoặc các ngày sau) em sẽ cần học 3,88 0,92 2 bài nào, môn nào, làm bài tập gì 3 Tự xem lại/ nhớ lại những gì cô giáo dặn cần phải làm trong 3,95 0,92 1 những ngày tới Trung bình chung 3,8 Ghi chú: ĐTB: Điểm trung bình; ĐLC: Độ lệch chuẩn; ThB: Thứ bậc Kết quả từ bảng 2 cho thấy, mức độ thành thạo kỹ năng định hướng hoạt động học tập của học sinh chỉ ở mức độ trên trung bình với ĐTBC là 3,8. Tuy nhiên, ở các nội dung của kỹ năng này có sự khác biệt. Cụ thể ở nội dung tự xem lại/nhớ lại những gì cô giáo dặn cần phải làm cho những ngày tới được học sinh thực hiện thành thạo tốt nhất với ĐTB là 3,95. Tiếp theo là nội dung biết rằng sắp tới (trong ngày hoặc các ngày sau) sẽ cần học bài nào, môn nào, làm bài tập gì với ĐTB là 3,88. Mức độ thành thạo thấp nhất là nội dung biết mức kết quả học tập muốn đạt được cho học kỳ, mặc dù hai việc làm này được học sinh thực hiện thường xuyên hơn với ĐTB là 3,57. Dữ liệu của bảng 1 và bảng 2 cho thấy, có sự khác biệt giữa mức độ thực hiện và mức độ thành thạo. Cụ thể, mức độ thực hiện các kỹ năng định hướng hoạt động học tập có giá trị cao hơn mức độ thành thạo ở hai nội dung: Biết mức kết quả học tập muốn đạt được cho học kỳ này (t(149) = 7,93; p < 0,001) và nghĩ về sắp tới (trong ngày hoặc các ngày sau) em cần học bài nào, môn nào, làm bài tập gì (t(149) = 2,15; p < 0,05). Trong khi đó, mức độ thực hiện và mức độ thành thạo nội dung tự xem lại/nhớ lại những gì cô giáo dặn cần phải làm trong những ngày tới không có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê. Kết quả này cho thấy, học sinh tiểu học đã thực hiện một số nội dung của kỹ năng định hướng hoạt động học tập ở mức độ tương đối cao, nhưng lại thực hiện chưa được thành thạo, khiến hiệu quả của kỹ năng sẽ bị ảnh hưởng. Mặt khác, với điểm trung bình chung của mức độ thành thạo ở kỹ năng định hướng là 3,8 có thể kết luận rằng kỹ năng định hướng hoạt động học tập của học sinh tiểu học chưa cao. Như vậy, việc hướng dẫn học sinh cách thức định hướng hoạt động học tập nhằm phát triển kỹ năng cho người học là rất cần thiết. Giáo viên có thể gợi ý cho học sinh dựa vào năng lực của bản thân để đặt ra mục tiêu phấn đấu, mục tiêu về kết quả ban đầu sẽ cao hơn học lực hiện tại một bậc và sau đó phải nâng cao dần. Đầu năm học và cuối học kỳ I, giáo viên tổ chức cho học sinh cả lớp đặt ra mục tiêu học tập cho học kỳ tiếp theo. Đó là chỉ tiêu phấn đấu cho bản thân, cho tổ, cho lớp để các em có định hướng vươn lên. Ngoài ra, giáo viên cũng cần phải dẫn dắt học sinh dựa vào thời khóa biểu để có những suy nghĩ, những định hướng cho hoạt động học tập sắp tới. Khi có những định hướng tốt thì kết quả học tập của các em sẽ ngày một nâng cao.
  4. 590 NGUYỄN THỊ THÚY AN 3.2. Kỹ năng lập kế hoạch học tập Lập kế hoạch học tập, là khả năng học sinh xác định những hành động học tập cụ thể cần thực hiện và sắp xếp chúng theo thời gian một cách hợp lý nhằm đảm bảo đem lại hiệu quả cao nhất. Lập kế hoạch học tập khoa học và hợp lí sẽ giúp học sinh hoàn thành các nhiệm vụ học tập đúng thời hạn, sử dụng quỹ thời gian hiệu quả và từ đó mang lại kết quả học tập cao. Để xác định kỹ năng lập kế hoạch học tập của học sinh tiểu học, chúng tôi tiến hành xác định ba nội dung cơ bản đó là tự lập thời gian biểu cho việc học ở nhà, xếp thời gian học từng môn ở nhà và sắp xếp thời gian học để thi giữa kỳ. Kết quả nghiên cứu được thể hiện ở bảng sau: Bảng 3. Mức độ thực hiện lập kế hoạch học tập TT Nội dung thực hiện ĐTB ĐLC ThB 1 Tự lập thời gian biểu cho việc học ở nhà 3,39 1,22 3 2 Xếp thời gian học từng môn ở nhà 3,77 1,10 2 3 Xếp thời gian học thi giữa học kỳ/ hết học kỳ cho các môn 3,83 1,04 1 Trung bình chung 3,66 Ghi chú: ĐTB: Điểm trung bình; ĐLC: Độ lệch chuẩn; ThB: Thứ bậc Qua bảng 3 cho thấy, học sinh tiểu học có kỹ năng lập kế hoạch học tập đạt ở mức độ tương đối tốt. Cụ thể, nội dung xếp thời gian học thi giữa kỳ/hết học kỳ ở mức thường xuyên nhất với ĐTB là 3,83. Nội dung tự lập thời gian biểu cho việc học ở nhà ở mức thấp nhất với ĐTB là 3,39. Qua phỏng vấn, một số học sinh cho rằng chỉ đến những lúc thi cử mới bắt đầu lên kế hoạch học tập, còn thông thường các em ít tự lập thời gian biểu cho việc học ở nhà và học từng môn. Như vậy, chúng ta thấy tính thời vụ trong học tập của học sinh. Điều này cũng đã ảnh hưởng rất lớn đến mức độ thành thạo của kỹ năng lập kế hoạch học tập. Bảng 4. Mức độ thực hiện thành thạo lập kế hoạch học tập TT Nội dung thành thạo ĐTB ĐLC ThB 1 Tự lập thời gian biểu cho việc học ở nhà 3,55 1,13 3 2 Tự sắp xếp thời gian học từng môn ở nhà 3,57 0,99 2 3 Tự sắp xếp thời gian học thi giữa học kỳ/ hết học kỳ cho các 3,77 0,96 1 môn Trung bình chung 3,63 Ghi chú: ĐTB: Điểm trung bình; ĐLC: Độ lệch chuẩn; ThB: Thứ bậc Kết quả ở bảng 4 cho thấy, mức độ thành thạo của kỹ năng lập kế hoạch cho học tập ở mức độ tương đối tốt. Trong đó, nội dung tự sắp xếp thời gian học thi giữa học kỳ/hết học kỳ cho các môn được học sinh thực hiện thành thạo hơn kỹ năng tự sắp xếp thời gian học từng môn ở nhà và lập thời gian biểu cho việc học ở nhà. Bởi lẽ, kỹ năng này chính là kỹ năng được các em thực hiện thường xuyên nhất và gắn với nhiệm vụ mà học sinh quan tâm. So sánh giữa bảng 3 và bảng 4 cho thấy có sự khác biệt giữa mức độ thực hiện và mức độ thành thạo. Cụ thể, nội dung xếp thời gian học từng môn ở nhà, mức độ thực hiện có giá trị cao hơn mức độ thành thạo (t(149) = 2,46; p < 0,05). Trong khi đó, mức độ thực hiện và mức độ thành thạo nội dung tự lập thời gian biểu cho việc học ở nhà và xếp thời gian học thi giữa học kỳ không có sự khác biệt. Kết quả cũng cho thấy, giữa mức độ thực hiện và mức độ thành thạo chênh lệch rất thấp, học sinh đã thực hiện một số nội dung thành phần của kỹ năng lập kế hoạch học tập, tuy nhiên mức độ còn ít nên mức độ thành thạo chưa cao. Ngoài ra, với ĐTB chung của mức độ thực hiện là 3,66; mức độ thành thạo là 3,63, chứng tỏ kỹ năng lập kế hoạch học tập của học sinh còn hạn chế. Từ đó cho thấy, để các nội dung kỹ năng được thành
  5. KỸ NĂNG TỰ HỌC CỦA HỌC SINH TIỂU HỌC HUYỆN GIO LINH, TỈNH QUẢNG TRỊ 591 thạo thì học sinh cần phải luyện tập và thực hiện thường xuyên và để có kết quả học tập tốt, học sinh nên tự lập kế hoạch chi tiết cụ thể ngay từ việc học hàng ngày thay vì đợi đến thi mới lên lịch học tập. Đây là một kỹ năng đòi hỏi kinh nghiệm và có tính khoa học cao, nhưng với đặc điểm nhận thức của học sinh tiểu học còn chưa cao nên đây là một kỹ năng khó với các em. Vì vậy, giáo viên và phụ huynh cần phối hợp hướng dẫn, hỗ trợ, theo dõi, yêu cầu các em thực hiện. 3.3. Kỹ năng tự thực hiện các nhiệm vụ học tập Trong hoạt động học tập, tự thực hiện các nhiệm vụ học tập của học sinh được đánh giá là kỹ năng rất quan trọng. Tự thực hiện các nhiệm vụ học tập chính là hoạt động học sinh tìm kiếm và lĩnh hội tri thức. Học sinh tiểu học có kỹ năng này tốt thì khối lượng tri thức mà các em thu nhận được sẽ rất lớn. Để tìm hiểu kỹ năng này, chúng tôi tiến hành khảo sát mức độ tự thực hiện các nhiệm vụ học tập ở 5 nội dung. Kết quả nghiên cứu được thể hiện ở bảng 5. Bảng 5. Mức độ tự thực hiện các nhiệm vụ học tập TT Nội dung thực hiện ĐTB ĐLC ThB 1 Tự dọn dẹp sách vở, giấy tờ, bút thước… trên bàn học của mình 4,34 0,92 2 2 Tự lấy sách vở ra học bài ở nhà mà không cần bố mẹ, anh chị 4,19 0,99 3 nhắc nhở 3 Tự chuẩn bị sách vở, đồ dùng học tập cần đem theo đến trường 4,43 0,90 1 4 Tự ghi chép bài học trên lớp 4,13 1,03 4 5 Tham gia tích cực các hoạt động cô giáo tổ chức trong giờ học 4,05 0,91 5 Trung bình chung 4,23 Kết quả ở bảng 5 cho thấy, kỹ năng tự thực hiện các nhiệm vụ học tập được học sinh thực hiện ở mức độ thường xuyên cao với ĐTBC là 4,23. Tuy nhiên, các nội dung của kỹ năng này ở mức độ khác nhau. Nội dung học sinh thực hiện thường xuyên nhất là tự chuẩn bị sách vở, đồ dùng học tập cần đem tới trường với ĐTB là 4,43, tiếp theo là nội dung tự dọn dẹp sách vở, giấy tờ, bút thước,… trên bàn học cũng được thực hiện thường xuyên. Nội dung tham gia tích cực các hoạt động cô giáo tổ chức trong giờ học được các em thể hiện thấp nhất với ĐTB là 4,05. Qua dự giờ chúng tôi thấy, khi giáo viên tổ chức các hoạt động thảo luận nhóm thì các em thường nói chuyện riêng nhiều hơn và chỉ có một bộ phận học sinh tích cực tham gia, thường đó là em trưởng nhóm, những em có học lực tốt, và đa số là học sinh nữ. Điều này đã ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng học tập của các em. Tuy nhiên, để đánh giá thực trạng kỹ năng tự thực hiện các nhiệm vụ học tập cần xem xét mức độ thành thạo ở kỹ năng này. Kết quả khảo sát mức độ thành thạo của kỹ năng được thể hiện ở bảng 6. Bảng 6. Mức độ thành thạo kỹ năng tự thực hiện các nhiệm vụ học tập TT Nội dung thành thạo ĐTB ĐLC ThB 1 Tự dọn dẹp sách vở, giấy tờ, bút thước,… trên bàn học của mình 4,23 1,01 2 2 Tự lấy sách vở ra học bài ở nhà mà không cần bố mẹ, anh chị nhắc 4,00 1,02 4 nhở 3 Tự chuẩn bị sách vở, đồ dùng học tập cần đem theo đến trường 4,31 0,89 1 4 Tự ghi chép bài học trên lớp 4,06 0,99 3 5 Tham gia tích cực các hoạt động cô giáo tổ chức trong giờ học 3,97 0,93 5 Trung bình chung 4,11
  6. 592 NGUYỄN THỊ THÚY AN Bảng 6 cho thấy, kết quả mức độ thành thạo các kỹ năng gần giống với kết quả mức độ thực hiện. Điều này có thể khẳng định, việc tự chuẩn vị sách vở, đồ dùng học tập cần đem theo đến trường và tự dọn dẹp sách vở, giấy tờ, bút thước,… trên bàn học là những công việc dễ dàng và đơn giản đối với học sinh nên được các em thực hiện thường xuyên và thành thạo. Còn tham gia tích cực các hoạt động cô giáo tổ chức trong giờ học là việc khó khăn với các em bởi các yếu tố về tâm lí, phương pháp dạy học của giáo viên, nội dung học tập nên các em vẫn chưa đánh giá cao về mức độ thành thạo. Dữ liệu ở bảng 5 và bảng 6 cho thấy, có sự khác biệt giữa mức độ thực hiện và mức độ thành thạo của kỹ năng tự thực hiện các nhiệm vụ học tập. Cụ thể, mức độ thực hiện các nội dung tự thực hiện nhiệm vụ học tập có giá trị cao hơn mức độ thành thạo ở nội dung: Tự lấy sách vở ra học bài ở nhà mà không cần bố mẹ, anh chị nhắc nhở (t(149) = 2,40; p < 0,05). Trong khi đó, mức độ thực hiện và mức độ thành thạo nội dung tự dọn dẹp sách vở, giấy tờ, bút thước,… trên bàn học của mình, tự chuẩn bị sách vở, đồ dùng học tập cần đem theo đến trường; tự ghi chép bài học trên lớp; tham gia tích cực các hoạt động cô giáo tổ chức trong giờ học là tương đương, không có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê. Kết quả này cho thấy, học sinh đã thực hiện một số nội dung của kỹ năng tự thực hiện nhiệm vụ học tập ở mức độ tương đối cao, và có thành thạo tương ứng. Để có thêm thông tin về kỹ năng tự thực hiện nhiệm vụ học tập của học sinh, chúng tôi đã phỏng vấn một số em học sinh về việc thực hiện các bài tập mà cô giáo ra về nhà. Kết quả cho thấy, đa số học sinh thường xuyên thực hiện bài tập mà cô giáo ra về nhà trong đó học sinh nữ và học sinh khá, giỏi thực hiện tốt hơn học sinh nam, học sinh trung bình. Một số học sinh còn làm thêm các bài tập ở sách tham khảo. Nhưng nội dung tự làm bài tập của các em còn chưa tốt. Qua trao đổi với phụ huynh học sinh, chúng tôi được biết, nhiều học sinh vẫn chưa thực sự tự giác làm bài tập về nhà hay làm các bài tập nâng cao mà phải đợi cha mẹ, anh chị nhắc nhở mới thực hiện, một số em nếu không có sự hướng dẫn của người lớn thì không thể thực hiện được. Hay còn tồn tại hiện tượng các em làm bài tập xong nhưng khi bố mẹ đặt câu hỏi về vấn đề đó thì các em không giải thích được, và đặc biệt các em cũng rất hiếm khi tự đặt câu hỏi cho bản thân và để đi tìm câu trả lời lí giải cho những thắc mắc. Nên có thể thấy, kiến thức mà trẻ thu nhận được còn chưa sâu. Như vậy, nhìn chung kỹ năng tự thực hiện nhiệm vụ học tập của học sinh vẫn còn ở mức trung bình. Vì vậy, trong quá trình dạy học, giáo viên cần sử dụng các phương pháp dạy học phù hợp với nội dung bài học và phù hợp với đặc điểm tâm sinh lí của học sinh, thay đổi thường xuyên hình thức, phương pháp, kĩ thuật dạy học để thu hút, hấp dẫn tất cả mọi đối tượng học sinh tham gia, đồng thời theo dõi, hướng dẫn học sinh phương pháp ghi chép bài hiệu quả. Gia đình cũng cần phải thường xuyên quan tâm, động viên con em trong học tập. Có như thế mới có thể làm giảm thiểu các vấn đề về tâm lí mang lại những khó khăn cho các em khi thực hiện kỹ năng này. 3.4. Kỹ năng tự kiểm tra, đánh giá hoạt động học tập Tự kiểm tra, đánh giá là một kỹ năng học tập quan trọng. Học sinh sẽ dựa vào kết quả của việc kiểm tra, đánh giá này để điều chỉnh hoạt động học tập. Để học sinh tự kiểm tra, đánh giá đúng đắn, giáo viên giúp trẻ biết rõ được mặt nào mình làm đúng, mặt nào làm không đúng, mặt nào làm tốt, mặt nào chưa tốt, có lợi cho sự phát triển của trẻ. Kết quả nghiên cứu về kỹ năng tự kiểm tra, tự đánh giá của học sinh tiểu học được thể hiện ở bảng sau (bảng 7). Bảng 7. Mức độ thực hiện tự kiểm tra, đánh giá hoạt động học tập TT Nội dung thực hiện ĐTB ĐLC ThB 1 Tự kiểm tra xem mình đã làm xong hết các bài tập ở nhà chưa 4,13 0,83 2 2 Tự kiểm tra xem mình đã học thuộc bài chưa 4,07 0,96 3
  7. KỸ NĂNG TỰ HỌC CỦA HỌC SINH TIỂU HỌC HUYỆN GIO LINH, TỈNH QUẢNG TRỊ 593 3 Tự kiểm tra bài làm/ bài thi của mình sau khi làm xong 4,23 0,89 1 4 Tự sửa lại những phần bài đã làm sai hoặc tự bổ sung phần còn 4,00 0,98 4 sót Trung bình chung 4,11 Bảng 7 cho thấy, học sinh thực hiện việc kiểm tra, đánh giá hoạt động học tập thường xuyên nhất chính là khi đã làm xong các bài làm/ bài thi. Tuy việc kiểm tra bài làm được thực hiện nhiều nhưng việc tự sửa lại những phần bài đã làm sai hoặc bổ sung phần còn sót thì lại rất hạn chế, được các em ít thực hiện nhất. Qua trao đổi và quan sát giờ học của các em chúng tôi thấy rằng, sau khi hoàn thành các bài tập hay học thuộc một vấn đề nào đó, các em rất ngại kiểm tra lại, có chăng đó chỉ là đối phó. Khi thực hiện xong các bài tập, các em thường gấp sách vở lại rồi đi chơi hoặc nói chuyện với bạn bên cạnh hay làm việc riêng. Điều này đã ảnh hưởng rất lớn đến mức độ thành thạo các kỹ năng. Kết quả khảo sát mức độ thành thạo kỹ năng tự kiểm tra, đánh giá hoạt động học tập được thể hiện như sau (bảng 8). Số liệu ở bảng 8 cho thấy, việc cầm vở và kiểm tra xem đã thuộc bài chưa là việc làm dễ dàng với mỗi học sinh nên được các em thực hiện thành thạo nhất. Kết quả cũng cho thấy, học sinh cần phải luyện hơn nữa kỹ năng tự sửa lại những phần bài đã làm sai hoặc tự bổ sung phần còn sót – kỹ năng các em ít thành thạo nhất để nâng cao chất lượng học tập. Bảng 8. Mức độ thành thạo tự kiểm tra, đánh giá hoạt động học tập TT Nội dung thành thạo ĐTB ĐLC ThB 1 Tự kiểm tra xem mình đã làm xong hết các bài tập ở nhà chưa 3,97 0,88 2 2 Tự kiểm tra xem mình đã học thuộc bài chưa 4,04 1,00 1 3 Tự kiểm tra bài làm/ bài thi của mình sau khi làm xong 3,86 1,00 3 4 Tự sửa lại những phần bài đã làm sai hoặc tự bổ sung phần còn 3,79 1,00 4 sót Trung bình chung 3,92 So sánh dữ liệu ở bảng 7 và bảng 8 cho thấy, có sự khác biệt giữa mức độ thực hiện và mức độ thành thạo của kỹ năng tự kiểm tra, tự đánh giá kết quả học tập. Cụ thể, mức độ thực hiện các kỹ năng tự kiểm tra, đánh giá kết quả học tập có giá trị cao hơn mức độ thành thạo ở hai kỹ năng: tự kiểm tra xem mình đã làm xong hết các bài tập ở nhà chưa (t(149) = 2,37; p < 0,05); tự kiểm tra bài làm/ bài thi của mình sau khi làm xong (t(149) = 4,10; p < 0,001); tự sửa lại những phần bài đã làm sai hoặc tự bổ sung phần còn sót (t(149) = 2,50; p < 0,05). Chỉ riêng kỹ năng tự kiểm tra xem mình đã học thuộc bài chưa có mức độ thực hiện và mức độ thành thạo là tương đương, không có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê. Kết quả này cho thấy, học sinh đã thực hiện một số nội dung của kỹ năng tự kiểm tra, đánh giá kết quả học tập ở mức độ tương đối cao, nhưng lại thực hiện chưa được thành thạo lắm, khiến chất lượng của kỹ năng này không cao. Ngoài ra, điểm TBC của mức độ thành thạo là 3,92, điều này cho thấy, kỹ năng của các em còn ở mức thấp. Vì vậy, học sinh cần phải rèn luyện các kỹ năng tự kiểm tra, đánh giá hoạt động học tập và cần phải xem xét lại các phương pháp kiểm tra, đánh giá để có kỹ năng thành thạo hơn nữa. Đồng thời, giáo viên cần phải sử dụng các phương pháp, kiểm tra đánh giá hiệu quả, vận dụng, đổi mới, sáng tạo các phương pháp truyền thống và hiện đại nhằm tích cực hóa kỹ năng tự kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của trẻ.
  8. 594 NGUYỄN THỊ THÚY AN 4. KẾT LUẬN Thông qua quá trình dạy học, giáo viên cần hình thành và phát triển kỹ năng tự học cho học sinh. Tuy nhiên, kỹ năng tự học ở học sinh chỉ được hình thành khi bản thân người học có tâm thế chủ động và tự nguyện rèn luyện kỹ năng. Chính vì vậy, việc tìm hiểu thực trạng kỹ năng tự học cũng như các yếu tố ảnh hưởng tới kỹ năng tự học của học sinh tiểu học là rất cần thiết và từ đó có các biện pháp tác động nâng cao kỹ năng tự học cho các em. Kết quả nhìn một cách tổng thể cho thấy, kỹ năng tự học của học sinh ở mức độ trên trung bình. Kỹ năng tự học của học sinh tiểu học đang gặp những khó khăn ảnh hưởng đến mức độ thực hiện và mức độ thành thạo, mà khó khăn chủ yếu đó là do đặc điểm của lứa tuổi và do bản chất của một số kỹ năng thành phần. Những kỹ năng đơn giản được trẻ thực hiện thường xuyên và thành thạo nhất, còn những kỹ năng đòi hỏi tính khoa học và tư duy cao thì có mức độ thực hiện và thành thạo hạn chế. Qua nghiên cứu cũng cho thấy, mức độ thực hiện kỹ năng tự học xếp theo thứ tự sau: Kỹ năng tự thực hiện các nhiệm vụ học tập, kỹ năng định hướng hoạt động học tập, kỹ năng tự kiểm tra, đánh giá hoạt động học tập, kỹ năng lập kế hoạch học tập. Về mức độ thành thạo được xếp theo vị thứ: Kỹ năng tự thực hiện các nhiệm vụ học tập, kỹ năng tự kiểm tra, đánh giá hoạt động học tập, kỹ năng định hướng hoạt động học tập, kỹ năng lập kế hoạch học tập. Có thể thấy ở tất cả các kỹ năng học sinh thực hiện nhiều nhưng mức độ thành thạo không cao. nguyên nhân của thực trạng trên là do phương pháp học sinh thực hiện các kỹ năng có nhiều giai đoạn chưa đúng và chưa tạo được sự thành thạo trong từng kỹ năng thành phần. Từ kết quả nghiên cứu thực trạng kỹ năng tự học của học sinh tiểu học huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị, chúng tôi cho rằng nhà trường, gia đình cần quan tâm và phối hợp chặt chẽ với nhau hơn nữa trong việc hình thành và phát triển kỹ năng tự học cho các em. Để làm được điều đó, cần thực hiện một số biện pháp như sau: Về phía nhà trường, thứ nhất cần điều chỉnh nội dung, chương trình dạy học bậc tiểu học. Bởi mọi hoạt động dạy và học của giáo viên và học sinh tiểu học hầu như đều bám sát nội dung và chương trình dạy học. Nếu nội dung, chương trình tập trung vào năng lực tự học của người học thì sẽ rất thuận tiện trong việc phát triển kỹ năng cho các em và ngược lại. Thứ hai, đổi mới phương pháp dạy học. Trước những yêu cầu của toàn cầu hóa và xã hội tri thức đối với giáo dục trong giai đoạn hiện nay, đó là giáo dục cần giải quyết mâu thuẫn tri thức ngày càng tăng nhanh mà thời gian đào tạo có hạn, điều đó có nghĩa là giáo dục phải đào tạo được người học có kỹ năng tự học. Mà phương pháp dạy học là “Tổng hợp các cách thức hoạt động của cả thầy và trò trong quá trình dạy học, được tiến hành dưới vai trò chủ đạo của thầy nhằm thực hiện tốt các nhiệm vụ dạy học” [2]. Nên việc đổi mới phương pháp dạy học là một trong những cách thức góp phần phát triển kỹ năng tự học cho người học. Thứ ba, xây dựng môi trường học tập khuyến khích tự học. Vì mỗi cá nhân đều chịu ảnh hưởng sâu sắc của môi trường văn hóa xung quanh. Đối với một đứa trẻ ở tiểu học thì môi trường học đường thực sự trở thành yếu tố quan trọng. Nên để phát triển kỹ năng tự học cho người học, nhà trường có thể xây dựng các mô hình môi trường học tập khuyến khích học sinh tự học. Thứ tư, tổ chức hình thành kỹ năng tự học cho học sinh tiểu học. Do kỹ năng tự học không tự nhiên mà có, đó là cả một quá trình giáo dục và rèn luyện lâu dài. Nên việc tổ chức hình thành kỹ năng tự học cho học sinh tiểu học là rất cần thiết. Thứ năm, đầu tư cơ sở vật chất phục vụ hoạt động tự học của học sinh. Trong quá trình học tập của học sinh, sự đầu tư về cơ sở vật chất của nhà trường là một trong những yếu tố quyết định sự thành công của việc phát triển kỹ năng tự học. Bởi vật chất là các phương tiện hỗ trợ cho học sinh tìm kiếm kiến thức, hình thành kỹ năng.
  9. KỸ NĂNG TỰ HỌC CỦA HỌC SINH TIỂU HỌC HUYỆN GIO LINH, TỈNH QUẢNG TRỊ 595 Về phía gia đình, cần hình thành thói quen tự học ở nhà cho học sinh tiểu học. Vì tự học là phương pháp học tập hữu hiệu nhưng học sinh ngày nay lại không có thói quen, ý thức tự học, ngại tự học, còn các bậc phụ huynh lại có thói quen làm thay cho con cái, không biết cách kích thích trẻ tự mình đi tìm đáp án. Không hình thành thói quen tự học đã làm cho học sinh ngày càng thêm biếng lười, phụ thuộc vào cha mẹ và thầy cô. Điều đó đã ảnh hưởng rất lớn tới sự phát triển phẩm chất trí tuệ của trẻ sau này. Vì vậy, việc hình thành thói quen tự học ở nhà cho học sinh tiểu học là việc làm rất cần thiết đối với mỗi bậc phụ huynh. Đồng thời, các bậc phụ huynh cũng cần phải tạo điều kiện về vật chất cho học sinh tiểu học tự học. Bản chất của tự học là người học tự giác, tự chủ, độc lập, tích cực tham gia vào quá trình học tập. Nên được học tập trong môi trường đầy đủ tiện nghi và có sự hấp dẫn cao sẽ kích thích được tính tò mò, say mê khám phá của trẻ. Từ đó, các em sẽ chủ động học tập mà không cần ai phải nhắc nhở. Khi tiếp nhận và ứng dụng các biện pháp nhằm phát triển kỹ năng tự học cho người học vào quá trình dạy học, giáo viên và phụ huynh cần lưu ý đến tính đặc thù của lứa tuổi học sinh tiểu học, đặc điểm về giới, và chú ý đến tính vừa sức của đối tượng cần tác động, chú trọng phát triển những kỹ năng mà các em còn hạn chế. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Hồ Ngọc Đại (1985). Bài học là gì?. NXB Giáo dục. [2] Trần Văn Hiếu (2002). Xây dựng hệ thống kỹ năng tự học cho sinh viên. Báo cáo tổng kết đề tài khoa học công nghệ cấp Bộ, Trường Đại học Sư phạm Huế. [3] Đặng Vũ Hoạt – Nguyễn Hữu Hợp (2004). Giáo trình giáo dục học tiểu học. NXB Giáo dục. [4] Nguyễn Kỳ (1998). Quá trình dạy tự học – tự đào tạo – tư tưởng chiến lược phát triển Giáo dục Việt Nam. NXB Giáo dục. [5] Nguyễn Thị Mai Lan (2003). Nghiên cứu hoạt động tự học của sinh viên trường Cao đẳng Sư phạm Tuyên Quang. Luận văn Thạc sĩ, trường Đại học sư phạm Hà Nội. [6] Trần Sỹ Luận (2013). Rèn luyện cho học sinh kỹ năng tự học trong dạy học Sinh học 11 trung học phổ thông. Luận án Tiến sĩ, trường Đại học sư phạm Hà Nội. [7] N.A.Rubakin (1982). Tự học như thế nào?. NXB Thanh niên, Hà Nội. [8] Nguyễn Cảnh Toàn (chủ biên) – Nguyễn Kỳ – Vũ Văn Tảo – Bùi Tường (1997). Quá trình dạy- tự học. NXB Giáo dục Hà Nội. [9] Thái Duy Tuyên (2007). Phương pháp dạy học truyền thống và đổi mới. NXB Giáo dục. [10] Tsunesaburo Makiguchi (1994), Giáo dục vì cuộc sống sáng tạo. NXB Tuổi trẻ. Title: SELF - LEARNING SKILLS OF PRIMARY STUDENTS IN GIO LINH DISTRICT, QUANG TRI PROVINCE Abstract: Self - learning skills are indispensable component of "lifelong learning". Therefore, this skill should be formed for each student, especially elementary students, who are acquainting with learning activities and shaping their personality. In order to provide factual basis that orients for developing self-learning skills to elementary school students, we have studied the status of self- learning skills of primary pupils of Gio Linh District, Quang Tri Province. The survey results showed that their self-learning skills were not well-developed. In all components of these skills, students used them moderate frequently but not proficiently. Besides, in various skill components has differences among students. Keywords: Self-learning skills, primary students, Gio Linh District NGUYỄN THỊ THÚY AN, Học viên Cao học, chuyên ngành Giáo dục học (Giáo dục tiểu học), khóa 21 (2012-2014), Trường Đại học Sư phạm – Đại học Huế
nguon tai.lieu . vn