Xem mẫu

  1. KINH TẾ VIỆT NAM 2015 VÀ TRIỂN VỌNG PHÁT TRIỂN TRONG NĂM 2016 PGS. TS. Trần Kim Chung CN. Đào Xuân Tùng Anh Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương Tóm tắt Kinh tế năm 2015 có nhiều khởi sắc so với giai đoạn trước đó. Tuy nhiên, bên cạnh các tín hiệu tích cực, nền kinh tế vẫn tồn tại nhiều hạn chế là rào cản cho tăng trưởng kinh tế năm 2016. Có nhiều cách nhìn nhận, đánh giá tình hình kinh tế. Nghiên cứu này tiếp cận theo hướng đi trực diện vào các khía cạnh tình hình. Kiểm điểm về 3 nút thắt (thể chế, kết cấu hạ tầng; nhân lực); 3 trọng tâm tái cơ cấu (doanh nghiệp nhà nước; ngân hàng; đầu tư công); tăng trưởng; lạm phát và thị trường bất động sản. Ngoài tóm tắt và kết luận, nghiên cứu này gồm 3 phần. Phần 1 đánh giá tình hình kinh tế năm 2015. Phần 2 xem xét triển vọng của các yếu tố trong năm 2016. Phần 3 xem xét một số rủi ro có thể xảy ra trong kinh tế Việt Nam 2016. 1. Tình hình kinh tế 2015 Một là, tăng trưởng GDP cao nhất trong 5 năm 2011-2015 (cao nhất trong 8 năm gần đây). Tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2015 ước tăng 6,68% so với năm 2014. Trong đó, riêng GDP quý 4 tăng tới 7,01%, cao hơn mức tăng 6,12% của quý 1, 6,47% của quý 2 và 6,87% trong quý 3. Như vậy, tăng trưởng GDP năm nay đạt cao nhất trong 5 năm qua (năm 2011 tăng 6,25%, năm 2012 tăng 5,25%, năm 2013 tăng 5,42%, năm 2014 tăng 5,98%). Lạm phát thấp nhất trong 14 năm. CPI tháng 12 năm 2015 chỉ tăng 0,6% so với tháng 12 năm 2014. Đây là mức lạm phát thấp nhất trong 14 năm qua, thấp hơn mức 0,8% của năm 2001 và cao hơn mức “âm” 0,6% của năm 2000, mức tăng 0,1% của năm 1999. Như vậy, xét về trung hạn, năm 2015 là một năm thành công của tăng trưởng kinh tế và hạn chế lạm phát. Đây là kết quả đáng được đánh giá cao nếu nhìn lại tính hình kinh tế năm 2011 - năm nền kinh tế đối mặt với khủng hoảng. Hơn nữa, kết 63
  2. quả này đặt một nền tảng vững chắc, ổn định cho nền kinh tế bước vào kế hoạch 5 năm 2016-2020. Hai là, ngân sách khó khăn. Bội chi ngân sách ước khoảng 5% GDP. Nguồn thu bị thu hẹp trong khi chi tiêu tăng. Nguồn thu từ dầu thô giảm. Trong thu ngân sách 2015, dầu thô chỉ còn chiếm 6% trong tổng thu (Con số 66.000 tỷ đồng thu từ dầu thô còn thấp hơn cả phần nợ đọng thuế là 76.000 tỷ đồng). Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nếu giá dầu thô giảm về 40 USD/thùng, ngân sách nhà nước (NSNN) sẽ hụt thu khoảng 11,5 nghìn tỷ đồng.1 Thu từ đi vay gặp trần nợ công. Đến ngày 31/12/2015, mức nợ công dự kiến khoảng 61,3% GDP, đến năm 2016 dự báo sẽ tiệm cận mức trần an toàn của Quốc hội (65%). Thu từ thuế bị thu hẹp do việc cắt giảm thuế nhập khẩu theo các FTA, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp (từ 22% xuống còn 20%), bổ sung một số lĩnh vực miễn thuế thu nhập doanh nghiệp, lĩnh vực chịu thuế 5% và 10%. Chi ngân sách chịu áp lực lớn từ chi thường xuyên và chi trả nợ. Chỉ khoảng 15% NSNN chi cho đầu tư phát triển, còn lại là chi thường xuyên và chi trả nợ (hàng năm khoảng 20%). Nguyên nhân cơ bản là do giá dầu giảm làm giảm nguồn thu từ xuất khẩu dầu thô. Đồng thời, nợ đọng thuế lớn làm ngân sách khó khăn. Trong bối cảnh khó khăn về nguồn thu, xử lý ngân sách, tài chính năm 2015 đã đóng góp lớn trong ổn định để tăng trưởng kinh tế. Ba là, điều hành tiền tệ, ngân hàng thành công. Tín dụng đã tăng 17,17% so với đầu năm, cao hơn mức tăng cùng kỳ các năm 2011-2014 (bình quân khoảng 12,6%), và cao hơn chỉ tiêu dự kiến khoảng 13-15% đưa ra đầu năm 2015. Thị trường tài chính tiếp tục phát triển thiếu cân đối, thị trường vốn phát triển yếu, áp lực dồn vào chân chính sách tiền tệ. Giữa quý III, Ngân hàng Nhà nước ứng cho Bộ Tài chính vay 30.000 tỷ cho ngân sách Nhà nước. Tái cơ cấu ngân hàng tiếp tục đẩy mạnh, số lượng ngân hàng thu hẹp xuống còn 35 ngân hàng. Tỷ lệ nợ xấu của hệ thống đến 30/11/2015 giảm còn 2,72%, đạt mục tiêu đưa ra đầu năm của Thủ tướng (dưới 3%). Tăng cường áp dụng các quy chuẩn quốc tế trong quản trị ngân hàng (Basel II). Ba ngân hàng yếu kém được Ngân hàng Nhà nước đã mua lại với giá 0 đồng, giúp tránh đổ vỡ hệ thống ngân hàng, xử lý nợ xấu và tạo niềm tin cho người gửi tiền, thanh khoản của các ngân hàng này cơ bản được đảm bảo.2 Điều hành tỷ giá theo hướng linh hoạt, hỗ trợ cho các mục tiêu phát triển kinh tế. 1 Nguyễn Minh Phong (2015). Cân đối ngân sách nhà nước khi giá dầu giảm. http://www.nhandan. com.vn/mobile/_mobile_kinhte/_mobile_chinhsach/item/27265202.html 2 Vneconomy.vn (2015).Nới lỏng kiểm soát cho 3 “ngân hàng 0 đồng”.http://vneconomy.vn/tai- chinh/noi-long-kiem-soat-cho-3-ngan-hang-0-dong-2015100511403953.htm 64
  3. Tỷ giá được điều chỉnh 3 lần, vào tháng 1, tháng 7 và tháng 11. Lần điều chỉnh tháng 1 với biên độ tăng 1% nhằm chủ động hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu. Lần điều chỉnh tháng 7 (tăng 1%) và tháng 11 (tăng 1%, biên độ giao dịch lên +/- 3%) nhằm ứng phó với bất lợi trên thị trường tài chính quốc tế và sự phá giá của đồng nhân dân tệ. Chính sách nới lỏng tín dụng tiếp tục được thực hiện trên cơ sở duy trì ổn định mặt bằng lãi suất. Lãi suất huy động ổn định ở mức 5,4-6,5%/năm với kỳ hạn 6-12 tháng, trên 12 tháng ở kỳ hạn 6,4-7,2%/năm. Lãi suất cho vay từ 6,8- 9%/năm đối với ngắn hạn, 9,3-11%/năm đối với trung và dài hạn; trong các lĩnh vực ưu tiên, lãi suất ở mức 9-10%/năm cho vay trung và dài hạn.3 Có thể thấy, cùng với tăng trưởng cao và lạm phát thấp, tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại đã đạt những thành tựu lớn trong năm 2015. Bốn là, hội nhập kinh tế quốc tế quyết liệt. Năm 2015, hàng loạt các FTA quan trọng được ký kết hoặc kết thúc đàm phán và tiến tới ký kết. TPP kết thúc đàm phán vào ngày 5/10/2015, hiện đang trong quá trình ký kết chính thức tại các quốc gia (dự kiến trong tháng 2/2016). AEC chính thức được thành lập từ ngày 31/12/2015, đưa ASEAN thành “một cơ sở sản xuất và thị trường thống nhất” (hiện nay đã thực hiện được 93% các giải pháp đề ra). FTA Việt Nam- EU được ký kết đầu tháng 12/2015. 65% hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang EU được miễn thuế. Các cam kết về đầu tư, kinh doanh cởi mở, thông thoáng hơn sẽ giúp thúc đẩy luồng vốn đầu tư chất lượng cao từ EU vào Việt Nam.4 RCEP, với hạt nhân là ASEAN, đã đạt được nhiều thỏa thuận quan trọng về thuế quan. 65% mặt hàng với khoảng 8.000-9.000 danh mục hàng hóa được cắt giảm thuế. 20% mặt hàng không nằm trong danh mục giảm thuế lần đầu tiên, được kỳ vọng sẽ giảm thuế suất về 0% trong lộ trình 10 năm sau 2017.5 Việt Nam và Hoa Kỳ, Trung Quốc đã có chuyến thăm và làm việc của các đoàn nguyên thủ quốc gia. Bên cạnh quốc phòng an ninh, các vấn đề kinh tế cũng được đưa ra bàn thảo, mở ra quan hệ hợp tác ngày càng sâu rộng hơn giữa doanh nghiệp Việt Nam với doanh nghiệp Hoa Kỳ và Trung Quốc. Bên cạnh đó, nhiều chính sách được đưa ra để thúc đẩy hội nhập kinh tế quốc tế. Ngày 24/10/2015, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 1052/NQ-UBTVQH về một số định hướng, nhiệm vụ và giải pháp thúc đẩy quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, xác định mục tiêu, các định 3 Nld.vn (2015). Lãi suất tiền gửi không có sự đột biến. http://nld.com.vn/dong-tien-cua-ban/lai-suat- tien-gui-khong-co-su-dot-bien-20151207150804156.htm 4 Trungtamwto.vn (2015).Kết thúc cơ bản đàm phán FTA Việt Nam-EU.http://www.trungtamwto.vn/ vn-eu-fta/ket-thuc-co-ban-dam-phan-fta-viet-nam-eu 5 Trungtamwto (2015).Đàm phán Hiệp định RCEP - Cơ hội phía trước.http://www.trungtamwto.vn/ cachiepdinhkhac/dam-phan-hiep-dinh-rcep-co-hoi-phia-truoc 65
  4. hướng căn bản của quá trình hội nhập trong giai đoạn tới. Các quy định dần được hoàn thiện theo thông lệ, quy định quốc tế. Tính đến hết ngày 15/12/2015 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa cả nước đạt hơn 312,87 tỷ USD, tăng 10,3% (tương ứng tăng 29,3 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2014. Tính đến hết ngày 15/12/2015 kim ngạch nhập khẩu hàng hóa đạt hơn 158,18 tỷ USD, tăng 12,7% (tương ứng tăng 17,87 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2014. Thâm hụt của cả nước tính đến hết ngày 15/12/2015 là gần 3,5 tỷ USD. Như vậy, năm 2015 có thể là một trong những năm đánh dấu sự tăng cường vị thế Việt Nam trên trường quốc tế - từ một nước đến sau trong các cuộc chơi hội nhập trước đây, với TPP, Việt Nam trở thành một trong những nước đi đầu, đặt ra cuộc chơi trong hội nhập của thế kỷ XXI. Năm là, cổ phần hóa và thoái vốn doanh nghiệp nhà nước mạnh mẽ. Năm 2015, cả nước thoái được 9.924 tỷ đồng, gấp đôi năm 2014 (4.184 tỷ đồng). Trong đó, các lĩnh vực bất động sản, bảo hiểm, chứng khoán, tài chính, ngân hàng là 4.418 tỷ đồng, bán cổ phần vốn nhà nước không cần nắm giữ tại các doanh nghiệp khác là 5.506 tỷ đồng. Tiếp tục sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Kết quả sắp xếp doanh nghiệp đạt mục tiêu đề ra giai đoạn 2011-2015. Quản trị nội bộ doanh nghiệp nhà nước được tăng cường. Năm 2015, đã ban hành Luật Quản lý và Sử dụng vốn nhà nước trong sản xuất kinh doanh. Hiệu quả hoạt động, sức cạnh tranh của doanh nghiệp nhà nước có nhiều cải thiện, trên 80% doanh nghiệp có lãi. Tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu là 1,52 lần, trong giới hạn cho phép. Như vậy, có thể thấy năm 2015, tái cơ cấu hệ thống doanh nghiệp - một trong ba trọng tâm tái cơ cấu, đặc biệt là doanh nghiệp nhà nước đang đi đúng lộ trình. Sáu là, thể chế kinh tế về môi trường kinh doanh tiến bộ tích cực. Nhiều văn bản liên quan đến hoạt động đầu tư, đặc biệt là đầu tư công đã được ban hành. Nghị định số 77/2015/NĐ-CP ngày 7/9/2015 của Chính phủ về Kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm, là văn bản pháp lý đầu tiên và cao nhất quản lý kế hoạch đầu tư công hàng năm và trung hạn của các cấp chính quyền. Nghị định 30/2015/NĐ-CP ngày 17/3/2015 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư, tăng tính cạnh tranh trong đấu thầu các dự án PPP, dự án có sử dụng các khu đất, quỹ đất có giá trị thương mại cao. Nghị định số 91/2015/NĐ-CP ngày 13/10/2015 của Chính phủ hướng dẫn Luật Quản lý sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, là bước đi đầu tiên trong việc nâng cao hiệu quả sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp. Nghị định số 59/2015/NĐ-CP ngày 18/6/2015 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng, hướng dẫn thi hành Luật Xây dựng 66
  5. 2014 đối với dự án đầu tư xây dựng (gồm cả các dự án có nguồn vốn đầu tư công), bao gồm việc lập, thẩm định, phê duyệt dự án; thực hiện dự án; kết thúc xây dựng và khai thác sử dụng; hình thức và nội dung quản lý dự án đầu tư xây dựng. Nghị quyết 19 được ban hành năm thứ 3 liên tiếp, tiếp tục nhấn mạnh về việc cải thiện môi trường kinh doanh tiến tới mức bình quân chung của ASEAN. Quyền của người nước ngoài được mở rộng, cho phép người nước ngoài được sở hữu nhà tại Việt Nam (từ ngày 1/7/2015), nới “room” tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại các doanh nghiệp trong nước (tháng 9/2015). Năm 2015 có thể được coi là thành công trong việc tiếp tục đổi mới thể chế kinh tế thị trường, đặc biệt là trong việc tăng cường năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Bảy là, vốn đầu tư toàn xã hội năm 2015 tăng trưởng khá, với động lực tăng trưởng chính là đầu tư ngoài nhà nước. Tổng vốn đầu tư năm 2015 ước đạt 1.345 nghìn tỷ đồng, tăng 124,3 nghìn tỷ đồng so với năm 2014, tương đương 10,18%, cao hơn bình quân chung cả giai đoạn 2011-2015 (khoảng 9,8%/năm). Trong đó, đầu tư của khu vực kinh tế ngoài nhà nước đạt 565 nghìn tỷ đồng, tăng 96,5 nghìn tỷ đồng so với năm 2014, tương đương 20,6%, gấp khoảng 2 lần mức tăng trưởng vốn đầu tư chung, và góp khoảng 78% vào tăng trưởng đầu tư toàn xã hội. Đầu tư từ khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt tốc độ tăng trưởng khá, khoảng 15% so với năm 2014, đạt 305 nghìn tỷ đồng. Tính từ ngày 01/7/2015 đến 15/12/2015, tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 12,9 tỷ USD với số dự án đăng ký mới là 842 dự án, dự án đăng ký tăng thêm vốn là 788 dự án.6 Đầu tư nhà nước giảm nhẹ, ước đạt 475 nghìn tỷ đồng, giảm khoảng 11,8 nghìn tỷ so với năm 2014 (khoảng 2,6%). Tuy nhiên, tương tự như những năm trước đây, huy động vốn thông qua hệ thống ngân hàng vẫn là kênh huy động vốn chủ yếu. Thị trường chứng khoán trong năm 2015 tiếp tục gặp khó khăn, dù đã có điểm sáng. Đến 22/12/2015, cả nước đã có 128 doanh nghiệp cổ phần hóa lần đầu, với tổng trị giá 10.896 tỷ đồng. Trong đó, có 71 doanh nghiệp bán đạt trên 90% tổng số cổ phần chào bán. Tuy nhiên, tính chung lại, tổng số cổ phiếu bán được mới đạt 36,25% tổng số lượng cổ phần chào bán (khoảng 6.903 tỷ đồng). Trong bối cảnh khó khăn nguồn vốn đầu tư công, đạt được mức đầu tư 2015 là một nỗ lực lớn trong điều hành của Đảng và Chính phủ. 6 Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2015). Báo cáo tóm tắt tình hình thực hiện Nghị quyết số 59/NQ-CP về triển khai thi hành Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư. Báo cáo tại Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với địa phương ngày 28-29/12/2015. 67
  6. Bảng 1. Cơ cấu vốn đầu tư xã hội năm 2015 Giá trị Tỷ trọng (nghìn tỷ đồng) Tổng 1.345 100% I Đầu tư công 475 35.3% 1 Vốn đầu tư từ nguồn NSNN 195 14.5% 2 Vốn TPCP 85 6.3% 3 Vốn tín dụng nhà nước 60 4.5% 4 Đầu tư của DNNN 135 10.0% II Vốn đầu tư ngoài nhà nước 870 64.7% 5 Đầu tư hộ gia đình và khu vực tư nhân 565 42.0% 6 Đầu tư trực tiếp nước ngoài 275 20.4% 7 Đầu tư khác 30 2.2% Nguồn: Bộ Kế hoạch và Đầu tư Tám là, hạ tầng giao thông, đặc biệt là giao thông đường bộ, có chuyển biến rõ rệt. Nghị định số 15/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 của Chính phủ về đầu tư theo hình thức đối tác công tư là văn bản pháp lý cao nhất và đầy đủ nhất hiện nay quy định về đầu tư theo hình thức PPP, được kỳ vọng là động lực thu hút đầu tư tư nhân cho phát triển cơ sở hạ tầng tại Việt Nam. Xếp hạng chỉ số cạnh tranh của cơ sở hạ tầng giao thông Việt Nam 2015-2016 được cải thiện7, tăng 9 bậc, đứng ở vị trí 67 so với vị trí thứ 76 giai đoạn 2014-2015. Tốc độ tăng cao hơn so với một số quốc gia trong khu vực như: Trung Quốc, Indonesia (giữ nguyên vị trí), Malaysia tăng 1 bậc… Điểm nổi bật nhất của ngành giao thông vận tải trong thời gian qua là đã linh hoạt huy động được một nguồn vốn lớn lên đến hơn 200 nghìn tỷ đồng từ vốn ngoài ngân sách để đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông. Vốn ngoài ngân sách cho giao thông sẽ chiếm tỷ trọng từ 50 - 60%. Một loạt tuyến đương quan trọng như quốc lộ 1, quốc lộ 5, quốc lộ 14 đã đi vào sử dụng làm tăng năng lực lưu thông vận tải. Có thể thấy, cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông, một trong ba trọng tâm của Nghị quyết Đại hội XI của Đảng đang có những đột phá quan trọng. 7 Xếp hạng chỉ số cạnh tranh của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF). 68
  7. Chín là, nguồn nhân lực và những vấn đề có liên quan đến chất lượng nguồn nhân lực đang có những thay đổi căn bản. Trước hết, cách thức thi và tuyển sinh đại học (một vấn đề quan trọng và được quan tâm, chi phí lớn của xã hội) thay đổi trong năm 2015. Bên cạnh đó 225 nghìn cử nhân và thạc sĩ đang được coi là thất nghiệp cũng là một vấn đề lớn trong xã hội, hàm chứa nhiều vấn đề, trong đó có sự mất cân bằng giữa cung và cầu về giáo dục đại học. Đây là một nghịch lý trong bối cảnh Việt Nam đang khan hiếm nguồn nhân lực chất lượng cao trong quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Hơn nữa, bảo hiểm và lương hưu đang được điều chỉnh lại và đang thu hút nhiều sự quan tâm của các bên hữu quan. Tất cả các yếu tố về nguồn nhân lực và chất lượng nguồn nhân lực đang trong quá trình thay đổi. Đây là điểm nghẽn thứ ba của nền kinh tế, đã được chỉ ra tại Nghị quyết XI của Đảng nhưng cho đến 2015 vẫn còn nhiều vấn đề cần tiếp tục xử lý. Mười là, thị trường bất động sản khởi sắc. Cả năm 2015, tín dụng đổ vào bất động sản có thể đạt từ 18-20%, cao hơn mức bình quân 14-15% cả giai đoạn 2012-2014, tập trung lớn nhất vào phân khúc xây dựng, sửa chữa, mua nhà, xây dựng đô thị (chiếm trên 60%). Các ngân hàng đẩy mạnh cho vay mua nhà để ở với các gói tín dụng ưu đãi như gói tín dụng 2.500 tỷ đồng “kích cầu- lãi thấp” của OCB, gói tín dụng 1.000 tỷ đồng “vay dễ- lãi thấp” của VietCapital Bank. Khối lượng sản phẩm cung ứng ra thị trường và khối lượng giao dịch tăng mạnh. Theo thống kê của Công ty Savills Việt Nam, nguồn cung sản phẩm cuối năm 2015 đến hết 2016 tại TPHCM sẽ đạt khoảng 57.500 đơn vị sản phẩm. Các đợt bung hàng số lượng lớn liên tục diễn ra, như 514 căn hộ được chào bán tại dự án The Art của Công ty Trách nhiệm hữu hạn (TNHH) Nhà Gia Hòa, 648 căn hộ thuộc dự án Lavita Garden của Hung Thinh Corp. Khối lượng giao dịch nhà ở tăng mạnh. Trong 3 quý đầu năm 2015 cả nước có tổng cộng khoảng 28.000 giao dịch, trong đó tại Hà Nội là 5.700 giao dịch tăng 70%, TP.HCM là 5.900 giao dịch tăng 200% so với cùng kì năm ngoái. Dòng vốn nước ngoài lớn chảy vào thị trường bất động sản trong năm 2015. Tính riêng thị trường địa ốc Hồ Chí Minh, 2 dự án FDI lớn trị giá 3,2 tỷ USD được ký kết tại khu đô thị mới Thủ Thiêm. Đối với hoạt động đầu tư gián tiếp, một số hoạt động đầu tư lớn trong 9 tháng đầu năm 2015 như: Tập đoàn Chow Tai Fook mua lại 4 tỷ USD giá trị cổ phiếu của khu nghỉ dưỡng cao cấp Nam Hội An; quỹ đầu tư tư nhân Gaw Capital Partners (Hong Kong) mua lại 4 dự án ở Hà Nội, Đà Nẵng, Quảng Nam và TP HCM từ 69
  8. Indochina Land;…8 Tuy nhiên, phân khúc bất động sản đất nền nhà ở và nhà thấp nền vẫn là điểm yếu của thị trường. Tồn kho đất nền nhà ở và nhà thấp tầng đến tháng 10/2015 khoảng 31 nghìn tỷ đồng, gấp khoảng 1,7 lần tồn kho nhà chung cư và đất nền thương mại. Tuy nhiên, nhiều dự án nhà ở thuộc phân khúc biệt thự, nhà liền kề tại các dự án khu vực ven đô tiếp tục được chào bán. Theo thống kê của Savills, quý 3/2015 nguồn cung sơ cấp biệt thự và nhà liền kề tại TP Hồ Chí Minh tăng 47% theo quý và 142% theo năm. Nguồn cung được dự báo sẽ tiếp tục tăng trong quý 4/2015 với khoảng 2.250 căn từ 15 dự án được chào bán. Như vậy, thị trường bất động sản dường như là van xả của lạm phát. Tuy nhiên, chưa đủ dấu hiệu để có thể kết luận là thị trường bất động sản đã bị bong bóng. 2. Triển vọng kinh tế 2016 Một là, tăng trưởng GDP năm 2016 tăng trưởng theo xu hướng tiệm tiến ngoại suy. Các yếu tố thúc đẩy tăng trưởng chủ yếu tiếp nối đà phát triển, diễn biến của năm 2015. Chưa có yếu tố đột phá cho tăng trưởng trong ngắn hạn. Chi tiêu công tiếp tục gặp khó khăn do hạn chế của ngân sách. Các FTA được đánh giá là động lực cho tăng trưởng vẫn chưa có hiệu lực (TPP, FTA Việt Nam- EU…). AEC vẫn đang trong quá trình hoàn thiện các quy định. Do vậy, mức tăng trưởng GDP của năm 2016 sẽ tương đương hoặc cao hơn 0,1-0,2 điểm phần trăm so với năm 2015. Bên cạnh đó, lạm phát tiếp tục duy trì ở mức thấp hơn tăng trưởng GDP. Mục tiêu lạm phát đặt mức dưới 5%. Lạm phát thấp được duy trì bởi mức giá thấp của nhóm hàng nguyên vật liệu sản xuất và năng lượng, đặc biệt là giá dầu (dự báo giá dầu Brent từ mức 57 USD/thùng xuống còn 53 USD/một thùng, dầu Mỹ từ 52 USD/thùng xuống còn 48 USD/thùng)9. Dự báo của ADB cho thấy, lạm phát cả năm năm 2016 đạt 4% (điều chỉnh tháng 11 năm 2015).10 Dự báo của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, lạm phát khoảng 3,5-4,5%, tùy thuộc vào mức độ cải cách giá hàng hóa cơ bản và dịch vụ công. Hai là, thâm hụt ngân sách tiếp tục ở mức 5%, tương đương 2015. Nguồn thu tiếp tục bị thu hẹp. Thu từ thuế tiếp tục giảm do chính sách cắt giảm thuế theo các FTA sắp có hiệu lực và cam kết gia nhập WTO, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp và điều chỉnh danh mục chịu thuế thu nhập cá nhân. Thu từ dầu thô tiếp tục giảm trong năm 2016 do sự suy giảm của giá dầu thế giới. Nguồn đi vay bị thắt chặt, do dự báo nợ công sẽ chạm mức trần an toàn 65% của Quốc hội 8 Vnexpress (2015), Dòng vốn ngoại tạo cú hích cho thị trường bất động sản.http://kinhdoanh. vnexpress.net/tin-tuc/bat-dong-san/dong-von-ngoai-tao-cu-hich-cho-thi-truong-bat-dong-san- 3291322.html 9 Cafef.vn (2015), Moody’s hạ dự báo giá dầu năm 2016. http://cafef.vn/hang-hoa-nguyen- lieu/moody-s-ha-du-bao-gia-dau-nam-2016-20151020165929152.chn 10 ADB (2015), Asian Development outlook 2015 Update: Enabling women, energizing Asia. 70
  9. (khoảng 64,5%). Chi tiêu có xu hướng giảm tăng do các chính sách thắt chặt chi tiêu thường xuyên, tinh gọn bộ máy, nhưng trong năm 2016 chưa có nhiều thay đổi. Chi trả nợ tiếp tục lớn, đặt gánh nặng lên chi ngân sách. Sức ép chi ngân sách vẫn tiếp tục tăng. Theo dự báo của Ủy ban Tài chính- Ngân sách của Quốc hội, năm 2016, dự báo chi ngân sách tăng 11%, trong khi thu ngân sách chỉ tăng 9,4%.11 Ba là, chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô. Lãi suất cho vay có khả năng tăng nhẹ do tăng tỷ lệ lạm phát (dự báo khoảng 4% so với mức 2% của năm 2015). Chính sách nới lỏng tín dụng tiếp tục được thực hiện, nhằm đạt được mục tiêu tăng trưởng cao hơn năm 2015. Mục tiêu tăng trưởng tín dụng được Ngân hàng Nhà nước đặt ra từ 18-20%.12 Tỷ giá được điều chỉnh nhạy bén hơn. Tỷ giá VND/USD tiếp tục điều chỉnh theo hướng tăng. Dự báo của HSBC, tỷ giá VND/USD có thể đạt 23.300 vào cuối năm 2016.13 Bốn là, xuất khẩu năm 2016 tăng trưởng khá về số lượng, nhưng tăng chậm hơn về giá trị do giá thế giới giảm đối với một số hàng nông sản chủ lực của Việt Nam như cao su, cà phê, gạo, cá tra, cá basa. Chưa có nhiều đột biến về số lượng xuất khẩu trong năm 2016 do hầu hết các FTA mới chưa có hiệu lực (chưa được giảm thuế). Trong các thị trường chính, xuất khẩu sang thị trường Mỹ sẽ tăng khá do sự phục hồi của kinh tế Mỹ. Xuất khẩu sang các nước ASEAN tăng khá do việc hình thành AEC từ cuối năm 2015. Nhập khẩu trong năm 2016 tăng nhanh, đặc biệt là nhóm hàng máy móc, thiết bị để xây dựng các nhà máy sản xuất chuẩn bị cho các FTA mới có hiệu lực. Năm là, cải cách doanh nghiệp nhà nước tiếp tục xu thế của năm 2015. Số lượng doanh nghiệp cổ phần hóa trong năm 2016 tương đương mức của năm 2015. Số vốn thoái ra ngoài ngành của tập đoàn, tổng công ty nhà nước cao hơn mức của năm 2015. Hiệu quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước tiếp tục được cải thiện. Sáu là, môi trường kinh doanh tiếp tục được cải thiện, tiếp tục tập trung vào lĩnh vực đầu tư công và hoạt động đấu thầu. Dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật Đầu tư công, Thông tư quy định về mẫu giám sát và đánh giá đầu tư, Thông tư 11 Vneconomy (2015). Ngân sách 2016: Tăng chi nhiều hơn tăng thu. http://vneconomy.vn/thoi- su/ngan-sach-2016-tang-chi-nhieu-hon-tang-thu-2015102004165371.htm 12 Tổng kết hoạt động ngành ngân hàng năm 2015. 13 Vneconomy.vn (2015). HSBC dự báo tỷ giá lên 22.800 VND vào cuối năm. http://vneconomy.vn/tai-chinh/hsbc-du-bao-ty-gia-len-22800-vnd-vao-cuoi-nam- 2015100205436216.htm 71
  10. hướng dẫn về đấu thầu hàng hóa qua mạng, Thông tư quy định về đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ đấu thầu,… đang trong quá trình lấy ý kiến hoàn thiện. Bảy là, tăng trưởng giá trị đầu tư năm 2016 tiệm tiến mức của năm 2015 (trên 10%) với hai động lực là kinh tế trong nước và kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài do xu thế “đón đầu” các FTA mới. Đầu tư của khu vực nhà nước tiếp tục không tăng mạnh, qua đó tổng vốn đầu tư xã hội sẽ không tăng mạnh, không tăng thậm chí giảm nhẹ, xuất phát từ các khó khăn trong thu ngân sách và gánh nặng chi thường xuyên và chi trả nợ. Tám là, cơ sở hạ tầng tiếp tục được cải thiện. Trong đó, PPP được đánh giá là trọng tâm trong huy động nguồn vốn xã hội cho phát triển cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông vận tải. Trong năm 2016, hàng loạt thông tư hướng dẫn Nghị định số 15/2015/NĐ-CP được ban hành, góp phần thúc đẩy dòng vốn tư nhân vào các dự án cơ sở hạ tầng: Thông tư hướng dẫn chung Nghị định 15, Thông tư về lựa chọn dự án, đề xuất dự án, báo cáo nghiên cứu khả thi, Thông tư hướng dẫn sử dụng, quản lý nguồn vốn phát triển dự án,… Chín là, các vấn đề nhân lực và chất lượng nguồn nhân lực tiếp tục được điều chỉnh. Đây sẽ là một trong những trọng tâm trong năm 2016. Cách thức thi và tuyển sinh đại học tiếp tục được điều chỉnh phù hợp hơn. Mất cân đối cung- cầu lao động với nhóm lao động trình độ đại học tiếp tục gia tăng do việc mở rộng tuyển sinh đại học những năm trước đây, cũng như số lượng việc làm tạo ra chưa đủ bù đắp sự dư thừa cung lao động trình độ này. Chế độ tính bảo hiểm chưa có thay đổi đột biến, do lộ trình áp dụng cách tính mới là từ năm 2018. Tuy nhiên, cách tính bảo hiểm mới tiếp tục được đưa ra bàn thảo, và sẽ có điều chỉnh phù hợp với tình trạng doanh nghiệp và người lao động. Đây sẽ là một trong những trọng tâm của chính sách trong những năm tới. Mười là, thị trường bất động sản tiếp tục khởi sắc, nhưng vẫn cho thấy một số rủi ro nhất định. Một là, có khả năng dư cung căn hộ lớn, do hàng loạt các dự án mới hoàn thành/chào bán trong năm 2016 trong khi sức hấp thụ của thị trường còn hạn chế. Nguồn cung sản phẩm đến hết 2016 tại Thành phố Hồ Chí Minh sẽ đạt khoảng 57.500 đơn vị sản phẩm. Tại Hà Nội, năm 2016 cũng sẽ có thêm khoảng 24.000 căn hộ từ 43 dự án sẽ gia nhập thị trường. Khả năng hấp thụ của thị trường nhìn chung sẽ suy giảm (quý 3/2015 chỉ đạt khoảng 35% tại Hồ Chí Minh). Hai là, phân khúc biệt thự, nhà liền kề vẫn là điểm nghẽn của thị trường, khi số lượng tồn kho lớn, nhu cầu hạn chế, trong khi hàng loạt các dự án mới khởi công trong năm 2015 sẽ được chào bán trong năm 2016. Khả năng tăng trưởng mạnh có thể đạt đến những chưa có nhiều dữ kiện để cho rằng thị trường bất động sản sẽ bị bong bóng trong năm 2016. 72
  11. 3. Những rủi ro, thách thức của kinh tế Việt Nam 2016 Kinh tế Việt Nam có thể có được những triển vọng tốt, tuy nhiên, cần dự liệu và chuẩn bị phòng tránh một số rủi ro và thách thức tiềm tàng. Một là, rủi ro về kinh tế quốc tế. Thứ nhất, quan hệ quốc tế giữa Nga - EU và Mỹ. Thứ hai, Tình hình chính trị và kinh tế khu vực Ả Rập, đặc biệt là vấn đề khủng bố. Thứ ba, quan hệ giữa các nước ASEAN và Trung Quốc, đặc biệt vấn đề Biển Đông. Đây là những vấn đề nằm ngoài ảnh hưởng tác động, hoặc nếu có, cũng không quyết định, nhưng lại có ảnh hưởng đến kinh tế Việt Nam. Hai là, rủi ro về năng lực thể chế. Cải cách thể chế để hội nhập thành công, để chuyển sang nền kinh tế thị trường đầy đủ, để có thể công nghiệp hóa, đòi hỏi tiếp tục đổi mới, cải cách thể chế. Giai đoạn hiện này, cải cách thể chế đòi hỏi nhiều hơn, khó hơn đối với giai đoạn trước. Vì vậy, đây thực sự là rủi ro tiềm tàng nếu các cải cách thể chế không đáp ứng yêu cầu. Ba là, rủi ro về các yếu tố bất ổn tiềm tàng của kinh tế vĩ mô. Một số những vấn đề cần xét đến như là những vấn đề cần lưu ý. Thứ nhất, vấn đề giá dầu thô. Thứ hai, vấn đề nợ công. Thứ ba, vấn đề xử lý nợ xấu, nợ động, tồn kho trong nền kinh tế của giai đoạn trước (ngân hàng, chứng khoán, bất động sản…). Nếu những rủi ro này xảy ra đơn lẻ, tình hình kinh tế sẽ không đạt được như triển vọng. Nếu tất cả các rủi ro xảy ra, tình hình kinh tế sẽ có nhiều biến động không dự báo được. 4. Kết luận Kinh tế năm 2016 là tiệm tiến ngoại suy của kinh tế năm 2015. Các yếu tố tích cực tiếp tục khởi sắc như: tăng trưởng GDP, tiền tệ, lạm phát, môi trường đầu tư, cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực, cải cách doanh nghiệp nhà nước, hội nhập kinh tế quốc tế. Các yếu tố cản trở hoặc tiềm ẩn rủi ro đối với tăng trưởng kinh tế chậm được cải thiện như vấn đề thâm hụt ngân sách, rủi ro tiềm ẩn của thị trường bất động sản, kinh tế và quan hệ kinh tế quốc tế. Khả năng cao là kinh tế Việt Nam đang bắt đầu vào một chu kì tăng trưởng kinh tế mới. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. ADB (2015). Asian Development outlook 2015 Update: Enabling women, energizing Asia. 2. Cafef.vn (2015). Moody’s hạ dự báo giá dầu năm 2016. http://cafef.vn/ hang-hoa-nguyen-lieu/moody-s-ha-du-bao-gia-dau-nam-2016- 20151020165929152.chn. 73
  12. 3. Nguyễn Minh Phong (2015). Cân đối ngân sách nhà nước khi giá dầu giảm. http://www.nhandan.com.vn/mobile/_mobile_kinhte/_mobile_chinhsach /item/27265202.html. 4. Nhandan.com (2015). 11 tháng, thu hút thêm 20,22 tỷ USD vốn FDI. http://www.nhandan.com.vn/mobile/_mobile_kinhte/_mobile_tintuc/ite m/28138902.html. 5. Nld.vn (2015). Lãi suất tiền gửi không có sự đột biến. http://nld.com.vn/ dong-tien-cua-ban/lai-suat-tien-gui-khong-co-su-dot-bien- 20151207150804156.htm. 6. Trungtamwto (2015). Đàm phán Hiệp định RCEP - Cơ hội phía trước. http://www.trungtamwto.vn/cachiepdinhkhac/dam-phan-hiep-dinh-rcep- co-hoi-phia-truoc. 7. Trungtamwto.vn (2015).Kết thúc cơ bản đàm phán FTA Việt Nam- EU.http://www.trungtamwto.vn/vn-eu-fta/ket-thuc-co-ban-dam-phan- fta-viet-nam-eu. 8. Vneconomy (2015). Ngân sách 2016: Tăng chi nhiều hơn tăng thu. http://vneconomy.vn/thoi-su/ngan-sach-2016-tang-chi-nhieu-hon-tang- thu-2015102004165371.htm. 9. Vneconomy.vn (2015). HSBC dự báo tỷ giá lên 22.800 VND vào cuối năm. http://vneconomy.vn/tai-chinh/hsbc-du-bao-ty-gia-len-22800-vnd- vao-cuoi-nam-2015100205436216.htm. 10. Vneconomy.vn (2015).Nới lỏng kiểm soát cho 3 “ngân hàng 0 đồng”. http://vneconomy.vn/tai-chinh/noi-long-kiem-soat-cho-3-ngan-hang-0- dong-2015100511403953.htm. 11. Vnexpress (2015).Dòng vốn ngoại tạo cú hích cho thị trường bất động sản.http://kinhdoanh.vnexpress.net/tin-tuc/bat-dong-san/dong-von- ngoai-tao-cu-hich-cho-thi-truong-bat-dong-san-3291322.html. 12. Vnexpress.net (2015). Phó thủ tướng: 'Ai không muốn cổ phần hóa thì đứng sang một bên'. http://kinh-doanh.-vnexpress.-net/tin-tuc/doanh- nghiep/pho-thu-tuong-ai-khong-muon-co-phan-hoa-thi-dung-sang-mot- ben-3311817.html. 13. WEF (2015). Báo cáo năng lực cạnh tranh toàn cầu 2015-2016. 74
nguon tai.lieu . vn