Xem mẫu

  1. KINH NGHIỆM THÚC ĐẨY TÀI CHÍNH TOÀN DIỆN TỪ MỘT SỐ QUỐC GIA TRONG KHỐI ASEAN. LIÊN HỆ VỚI VIỆT NAM TS. Vương Thị Minh Đức Học viện Ngân hàng, Phân viện Bắc Ninh Tóm tắt Tài chính toàn diện (Financial Inclusion) được hiểu là việc cung cấp dịch vụ tài chính phù hợp và thuận tiện cho mọi cá nhân và tổ chức, đặc biệt đối với người có thu nhập thấp và dễ bị tổn thương nhằm tăng cường cơ hội tiếp cận tài chính, góp phần tạo cơ hội sinh kế, luân chuyển dòng vốn đầu tư và tiết kiệm trong xã hội, qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Trong những năm qua, tài chính toàn diện là một trong những vấn đề nhận được sự quan tâm của các quốc gia trên thế giới thực hiện mục tiêu phát triển hệ thống tài chính bền vững, cung cấp các sản phẩm dịch vụ tài chính đa dạng, phù hợp với mức phí hợp lý tới tất cả các chủ thể trong xã hội. Thực tế, một số quốc gia trong khối ASEAN như Thái Lan, Malaysia, Philipines đã gặt hái được nhiều thành công trong việc thúc đẩy tài chính toàn diện, tạo đà để xây dựng một nền kinh tế phát triển bền vững. Tại Việt Nam, vấn đề thúc đẩy tài chính toàn diện cũng nhận được sự quan tâm của nhiều học giả, các nhà hoạch định chính sách, trong phạm vi bài viết này, tác giả tập trung vào nghiên cứu về kinh nghiệm thúc đẩy tài chính toàn diện của một số quốc gia trong khối ASEAN, từ đó liên hệ với thực tế tại Việt Nam nhằm rút ra những bài học kinh nghiệm cũng như đề xuất một số giải pháp nhằm thúc đẩy tài chính toàn diện ở Việt Nam. Từ khóa: Tài chính toàn diện, thúc đẩy tài chính toàn diện 1. Khái quát về thúc đẩy tài chính toàn diện Tài chính toàn diện được coi là trụ cột quan trọng của tăng trưởng kinh tế và giảm nghèo bền vững, góp phần huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực xã hội. Theo định nghĩa của Ngân hàng thế giới (WB), tài chính toàn diện có nghĩa là các cá nhân và doanh nghiệp có thể tiếp cận và sử dụng các sản phẩm dịch vụ tài chính, các giao dịch thanh toán, tiết kiệm và bảo hiểm đáp ứng nhu cầu của họ và có mức chi phí hợp lý, được cung cấp theo một cách thức có trách nhiệm và bền vững. Theo quan điểm của tổ chức Liên minh tài chính toàn diện (Alliance for Financial Inclusion - AFI) thì tài chính toàn diện là việc cung cấp cho người sừ dụng các dịch vụ tài chính sẵn có với mức chi phí hợp lý, làm cho khách hàng sử dụng các dịch vụ tài chính một cách thường xuyên, đưa ra những dịch vụ tài chính được thiết kế phù hợp với nhu cầu của người sử dụng. Từ những quan điểm về tài chính toàn diện có thể thấy rằng, tài chính toàn diện chính là việc cung cấp các dịch vụ tài chính chính thức (thanh toán, chuyển tiền, tiết kiệm, tín dụng, bảo hiểm) một cách thuận tiện phù hợp với chi phí hợp lý tới tất cả mọi người dân. Việc thúc đẩy tài chính toàn diện có ý nghĩa với tất cả các quốc gia trên thế giới. Xét cho cùng mục tiêu của mọi quốc gia chính là mang lại cuộc sống tốt nhất cho người dân, thông qua phát triển tài chính toàn diện góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giúp cho mọi người dân trong xã hội có thể tiếp cận được các dịch vụ tài chính một cách thuận tiện với các chi phí hợp lý nhất, thực hiện mục tiêu giảm đói nghèo trong xã hội.Nâng cao khả năng tiếp cận các dịch vụ tài chính của ngân hàng (NH) và các tổ chức cung ứng các dịch vụ tài chính có tác động tích cực đối với bộ phận người dân có thu nhập thấp thông qua khả năng thực hiện các giao dịch hàng ngày như gửi tiền, vay tiền, thực hiện các dịch vụ thanh toán, chi trả, bảo hiểm. Đồng thời thông qua tài chính toàn diện giúp các hộ gia đình quản lý các khoản chi tiêu, trợ giúp về tài chính cho các doanh nghiệp quy mô nhỏ, giảm thiểu các tổn thất phát sinh, tạo điều kiện cải thiện phúc lợi xã hội đối với bộ phận dân cư có thu nhập thấp. 498
  2. 2. Kinh nghiệm thúc đẩy tài chính toàn diện tại một số quốc gia Asean Trong tuyên bố chung về tầm nhìn cộng đồng ASEAN đến 2025 với những cam kết về hợp tác xây dựng một cộng đồng thống nhất, ổn định, phồn vinh trong đó đã chỉ rõ Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) vào năm 2025 sẽ là một cộng đồng “hội nhập và gắn kết cao; cạnh tranh, sáng tạo và năng động; cùng với tăng cường kết nối và hợp tác theo ngành; và một cộng đồng dung nạp và tự cường hơn, hướng tới người dân, lấy người dân làm trung tâm, đồng thời hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu”. Hiện nay tài chính toàn diện được coi là một trong những vấn đề được ASEAN rất quan tâm, ủy ban công tác về toàn diện tài chính (WC-FINC) được giao nhiệm vụ thúc đẩy các sáng kiến trong khu vực để nâng cao mức độ toàn diện tài chính trong ASEAN. Trên thực tế, nhiều nước trong khối ASEAN cũng đạt được nhiều thành tựu trong việc thúc đẩy phát triển tài chính toàn diện, trong phạm vị bài viết, tác giả tập trung xem xét thực tiễn tại 3 quốc gia Malaysia, Philippines và Thái Lan.  Tại Malaysia Trong số những nước có thu nhập trung bình trên thế giới, Malaysia được đánh giá là một quốc gia có mức độ phát triển tài chính toàn diện tốt nhất. Theo số liệu thống kê khoảng 90% tỷ lệ người dân trong độ tuổi trưởng thành ở Malaysia có tài khoản ở các tổ chức tài chính, thực hiện các giao dịch gửi, rút tiền, thanh toán, đầu tư và hầu hết các hộ gia đình ở Malaysia có thể tiếp cận rất nhiều các sản phẩm dịch vụ tài chính phù hợp với nhu cầu của họ. Những thành công của Malaysia là kết quả của sự nỗ lực không ngừng của các cơ quan chức năng và ngành tài chính trong hơn 20 năm qua. Sau cuộc khủng hoảng kinh tế ở châu Á, Malaysia xây dựng kế hoạch tổng thể 10 năm trong giai đoạn 2001-2010 (Kế hoạch tổng thể ngành tài chính) và giai đoạn 2010-2020 (Kế hoạch tài chính), toàn diện về các vấn đề tài chính và đưa ra một tập hợp các chính sách thực hiện. Các kế hoạch tài chính được thực hiện dựa trên khung giám sát chặt chẽ trong đó chất lượng và sự hài lòng của khách hàng được đặt lên hàng đầu. Tài chính toàn diện được xem là mục tiêu quan trọng ở tầm quốc gia trong suốt thời gian dài. Có thể nói, so với các nước có thu nhập trung bình trên thế giới, Malaysia là một trong những quốc gia tiên phong trong việc xác định muc tiêu phát triển tài chính toàn diện và đưa ra những kế hoạch hành động quyết liệt để thực hiện những mục tiêu đó. Malaysia xây dựng chiến lược quốc gia về tài chính toàn diện trong đó xác định tầm nhìn và kết quả mong muốn. Trong quá trình thúc đẩy tài chính toàn diện, ngành NHở Malaysia đóng vai trò then chốt trong việc thực hiện các kế hoạch của chiến lược phát triển tổng thể để thực hiện mục tiêu thúc đẩy tài chính. Sau khủng hoảng tài chính châu Á, một cuộc tái thiết NH đã được triển khai ở Malaysia trong đó nhiều NH nhỏ đã sáp nhập với nhau để hình thành nên các tổ chức tài chính lớn mạnh hơn để có thể cung cấp các sản phẩm dịch vụ tài chính đa dạng đối với khách hàng. Malaysia cũng giao nhiệm vụ cho NH Trung ương chịu trách nhiệm trong việc xây dựng và thực thi các chính sách nhằm thúc đẩy tài chính toàn diện. Malaysia coi các DNNVV là yếu tố đóng vai trò quan trọng trong tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, gia tăng sự tăng trưởng kinh tế và huy động các nguồn lực xã hội tham gia vào quá trình đầu tư phát triển. Năm 2009, Malaysia thành lập Cơ quan DNNVV (SME Corp) với 5 chức năng chính, đó là: điều phối các chương trình và chính sách cho DNNVV, cung cấp dịch vụ tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp thông qua đào tạo; kết nối kinh doanh, xây dựng dữ liệu liên quan đến DNNVV, phổ biến thông tin và các kết quả nghiên cứu. Từ việc nhấn mạnh vai trò then chốt của các NH thương mại đóng vai trò chủ yếu trong việc tăng cường khả năng tiếp cận tài chính cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, Malaysia cũng xây dựng chính sách bảo lãnh tín dụng nhằm duy trì sự phát triển bền vững và ở mức độ cao của các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Hệ thống bảo lãnh tín dụng được phân thành 3 cấp (bảo lãnh tín dụng của Chính phủ, của các hiệp hội, của khu vực tư nhân). 499
  3. Mạng lưới các tổ chức tài chính, hợp tác xã và các tổ chức tài chính vi mô cũng được phát triển rộng khắp Malaysia giúp cho người dân ở mọi miền đất nước có thể tiếp cận các sản phẩm tài chính dễ dàng. Chương trình phát triển mạng lưới đại lý cho ngân hàng được Malaysia đưa ra vào năm 2012. cho phép các tổ chức tài chính được cấp phép liên kết với các cửa hàng, đơn vị bán lẻ và bưu điện đặt tại những làng, xã không có chi nhánh ngân hàng để cung ứng các dịch vụ tài chính cho người dân, điều này cho phép các tổ chức tài chính tiếp cận tới người dân đặc biệt là ở khu vực nông thôn một cách hiệu quả hơn thông qua việc sử dụng các cửa hàng bán lẻ phi NH. Theo đánh giá của World Bank, năm 2011, chỉ có 46% các chủ thể vi mô ở Malaysia được tiếp cận với các dịch vụ tài chính, khi chính sách ngân hàng đại lý được thực hiện, vào năm 2015 con số đó đã tăng lên 97%. Cùng với việc củng cố hệ thống tài chính thì Malaysia đặc biệt chú trọng việc giáo dục nâng cao hiểu biết về tài chính đối với người dân, các chính sách về giáo dục tại Malaysia hướng đến nền kinh tế tri thức, thương mại hóa các sản phẩm học thuật, đây là một trong những yếu tố quan trọng để thúc đẩy việc phát triển tài chính toàn diện, tăng cường khả năng tiếp cận tài chính toàn diện tới mọi tầng lớp trong xã hội. Bảng 1: Tỷ lệ người trưởng thành có tài khoản ở một số quốc gia có thu nhập trung bình Đơn vị tính: % Quốc gia 2011 2014 2017 Brazil 55,86 68,1 70,04 Poland 70,19 77,86 86,73 Malaysia 66,17 80,67 85,34 Turkey 57,6 56,67 68,59 Russia 48,17 67,38 75,76 Thế giới 50,6 62 68,5 Nguồn: World Bank /Account ownership at a financial institution or with a mobile-money-service provider Thông qua bảng số liệu so sánh có thể thấy, tỷ lệ dân số trưởng thành có tài khoản tại các ngân hàng hoặc tài khoản tại các tổ chức cung cấp dịch vụ tài chính qua điện thoại ở Malaysia là khá cao so với tỷ lệ này ở các quốc gia có thu nhập trung bình, mặt khác so với mức độ trung bình trên thế giới thì tỷ lệ này cao hơn rất nhiều.Năm 2011, có 66,17% người dân trưởng thành có tài khoản giao dịch nhưng 3 năm sau đó con số này có sự cải thiện nhanh chóng đạt 85,34% vào năm 2017. Thành công của Malaysia trong phát triển tài chính toàn diện xuất phát từ việc ngay từ đầu Malaysia đã xây dựng chiến lược dài hạn về tài chính toàn diện, bên cạnh xây dựng chiến lược cụ thể Malaysia cũng thiết lập một hệ thống giám sát chặt chẽ tiến độ thực hiện, đầu tư lớn vào việc hiện đại hóa cơ sở hạ tầng, hệ thống thanh toán, xây dựng và củng cố hệ thống tài chính, áp dụng các quy định thúc đẩy tài chính toàn diện nhưng không làm ảnh hưởng đến sự ổn định của hệ thống tài chính và đặc biệt coi trọng việc giáo dục tài chính cho người dân.  Tại Thái Lan Thái Lan được xem là một trong những nước có nền kinh tế mạnh ở khu vực ASEAN. Trong thập kỷ qua, Thái Lan đã đạt được nhiều thành công trong việc giảm tỷ lệ đói nghèo và đạt mức tăng trưởng kinh tế với mức thất nghiệp và lạm phát thấp. Thái Lan cũng có nhiều thành tựu đáng chú ý trong việc thúc đẩy tài chính toàn diện và tăng cường khả năng tiếp cận tài chính của người dân. Chiến lược tổng thể về tài chính toàn diện của Thái Lan tập trung vào 3 vấn đề trọng 500
  4. tâm đó là: Cung cấp dịch vụ thanh toán, tín dụng, tiết kiệm và bảo hiểm; Chú trọng giáo dục tài chính và Cải thiện chất lượng cơ sở hạ tầng quản lý tài chính. Theo nghiên cứu của FinScope (2013) cho thấy 74% dân số trưởng thành có quyền truy cập vào tài khoản NH, với 23% sử dụng các dịch vụ tài chính chính thức khác và chỉ 1% sử dụng các dịch vụ không chính thức. Kể từ sau cuộc khủng hoảng kinh tế 1997, chính sách về phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) đã trở thành một trong những tiêu điểm trong các chính sách cải cách kinh tế của Thái Lan. Chính phủ Thái Lan thành lập Cơ quan Xúc tiến doanh nghiệp vừa và nhỏ (OSMEP) vào năm 2001 với chức năng chính là hoạch định chính sách và điều phối thực hiện chính sách đối với DNVVN cung cấp các dịch vụ hỗ trợ, tư vấn cũng như cung cấp thông tin nhằm kết nối kinh doanh cho DNNVV. Trong lĩnh vực thanh toán, Thái Lan cũng triển khai phương thức thanh toán điện tử kiểu mới, thay đổi phương thức thanh toán và giao dịch, từ năm 2016, người dân Thái đã có thể dùng căn cước, số điện thoại di động, hoặc địa chỉ email là có thể chuyển tiền hoặc thanh toán khi mua hàng. Mặt khác, tại Thái Lan, 3 nhà mạng lớn nhất nước là AIS, True Move và DTAC đã hợp tác và cho phép người dùng chuyển tiền trực tiếp qua lại giữa các mạng chỉ bằng số điện thoại, không cần tài khoản NH. Chính những điều này giúp Thái Lan có thể đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, tạo động lực cho việc thúc đẩy tài chính toàn diện. Trong lộ trình thúc đẩy tài chính toàn diện quốc gia, Chính phủ Thái Lan đặc biệt quan tâm tới lĩnh vực giáo dục tài chính cho người dân với các chương trình giáo dục được thực hiện tại khắp nơi trên cả nước, hướng tới nhiều đối tượng người dân. Các chương trình nâng cao hiểu biết tài chính có sự tham gia của các tổ chức tài chính chuyên nghiệp, các NH thương mại, các cơ quan quản lý, các tổ chức xã hội và tổ chức phi chính phủ. Các chương trình này đã mang lại những chuyển biến tích cực trong việc nâng cao hiểu biết tài chính, là cơ sở quan trọng để thúc đẩy tài chính toàn diện bởi lẽ khi người dân có hiểu biết tốt về tài chính sẽ có khả năng quản lý, sử dụng tài chính tốt hơn và có sự chuẩn bị tốt hơn cho cuộc sống thông qua các kế hoạch bảo hiểm và tiết kiệm. Theo nghiên cứu của Mastercard, trong khoảng thời gian từ quý 1/2012 đến quý 1/2013, chỉ số hiểu biết tài chính của Thái Lan đã tăng từ 65-68 điểm, trong khi mức trung bình của các nước trong khu vực là 66 điểm. Thái Lan cùng với Philippines cũng là quốc gia có mức tăng điểm mạnh nhất (tăng 3 điểm) trong số 16 quốc gia khu vực châu Á - Thái Bình Dương bao gồm Úc, New Zealand, Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Bangladesh, Malaysia, Philippines, Thái Lan, Indonesia, Singapore, Việt Nam, Ấn Độ và Myanmar. Bangladesh và Myanmar. Hình 1: Chỉ số hiểu biết tài chính của các quốc gia Châu Á -Thái Bình Dương Nguồn: Mastercard Index of Finacial Literacy Report 2013H1 501
  5. Thành công của Thái Lan trong giáo dục tài chính toàn diện đã giúp các hộ gia đình có thể xây dựng được các kế hoạch tài chính dài hạn hơn, là cơ sở để thực hiện các chính sách tăng trường và phúc lợi xã hội. Đối với lĩnh vực bảo hiểm - một cấu phần quan trọng của dịch vụ tài chính, Thái Lan cũng đặc biệt chú trọng đến việc triển khai bảo hiểm y tế bắt buộc và tự nguyện cho người lao động và người dân, đảm bảo người dân được khám chữa bệnh với mức chi phí thấp nhất khi mua bảo hiểm y tế. Hiện nay, hệ thống bảo hiểm ở Thái Lan có 3 chương trình bảo hiểm khác nhau: bảo hiểm y tế dành cho công chức, bảo hiểm y tế dành cho khối doanh nghiệp và bảo hiểm y tế toàn dân với mức độ bao phủ lên tới 99,87% dân số. Thái Lan thực hiện lộ trình bao phủ y tế từ khu vực chính thức, sau đó mở rộng cho đối tượng thu nhập thấp, đồng thời xây dựng cơ chế bảo đảm công bằng trong mức hoàn trả cơ sở y tế dựa trên kết quả hoạt động chăm sóc sức khỏe người dân.  Tại Philipines Trong chiến lược quốc gia về tài chính toàn diện, Philippines tập trung vào việc xây dựng kế hoạch phát triển các chương trình phát triển tài chính song song với việc đo lường và giám sát, theo dõi tiến độ và các kết quả đạt được Tại Philippines, Ngân hàng trung ương Philippines - Bangko Sentral Pilipinas (BSP), giữ vai trò trọng yếu trong thúc đẩy tài chính toàn diện. Tài chính toàn diện được xác định là mục tiêu quan trọng trong việc phát triển hệ thống tài chính. Philippines thực hiện phát triển hệ thống tài chính toàn diện trên cơ sở hướng đến phục vụ nhu cầu người dân, nhất là đối với khu vực dân cư chưa từng sử dụng hay chưa đủ điều kiện được sử dụng các dịch vụ tài chính như các doanh nghiệp nhỏ và người nghèo ở Philippines. Trong quá trình phát triển một hệ thống tài chính toàn diện, các chính sách được thực hiện quyết liệt và chặt chẽ với việc đa dạng các sản phẩm, mở rộng kênh phân phối và mạng lưới giao dịch, giảm các rào cản về việc gia nhập và sử dụng các sản phẩm tài chính. Điểm nhấn trong thúc đẩy tài chính toàn diện ở Philippines đó là tập trung phát triển tài chính vi mô và coi trọng việc thúc đẩy số hóa trong phát triển các dịch vụ ngân hàng. Philippines tập trung phát triển tài chính vi mô trên cơ sở tạo lập và xây dựng hành lang pháp lý và cơ chế chính sách phù hợp đối với các tổ chức tài chính vi mô theo định hướng nâng cao chất lượng tài sản, minh bạch hóa thông tin và đáp ứng được những nhu cầu đa dạng của người dân. Hiện nay ở Philippines có ba loại hình tổ chức cung cấp dịch vụ tài chính vi mô: Ngân hàng tiết kiệm và nông thôn, các hợp tác xã cung cấp dịch vụ tiết kiệm và tín dụng, các tổ chức phi chính phủ cung cấp các dịch vụ tài chính vi mô. Các ngân hàng tham gia vào các hoạt động tài chính vi mô dưới sự giám sát của BSP. Các tổ chức tài chính vi mô lớn nhất Philippines cũng thành lập Trung tâm thông tin tín dụng để các nhà cung cấp tài chính vi mô mở rộng các khoản vay cho đối tượng khách hàng là các doanh nghiệp nhỏ thông qua hệ thống chia sẻ dữ liệu tài chính vi mô. Bên cạnh việc phát triển mạng lưới tài chính vi mô, Philippines đăc biệt xây dựng nền tảng tài chính kỹ thuật số để tạo cơ hội tiếp cận các khu vực thị trường mà cơ sở hạ tầng thông thường không thể phục vụ được.Thống đốc Ngân hàng trung ương Philippines ngài Nestor Espenilla Jr. đã nhấn mạnh rằng: “Tương lai của hệ thống tài chính nằm ở việc sử dụng kỹ thuật số và sử dụng nó để đạt được tài chính toàn diện”. Nền tảng tài chính kỹ thuật số sẽ cho phép một loạt các nhà cung cấp các dịch vụ tài chính mở rộng thị trường và xúc tác cho sự phát triển của các sản phẩm và dịch vụ tài chính. Điều này sẽ khuyến khích cạnh tranh mà cuối cùng sẽ có lợi cho người tiêu dùng. Ở Philippines, tỷ lệ dân số có điện thoại di động rất lớn, do đó công nghệ có thể được sử dụng để mở khóa tiềm năng tiếp cận tài chính từ những khách hàng không có tài khoản ở ngân hàng. Khi khách hàng quen thuộc và tin tưởng vào các dịch vụ tài chính kỹ thuật số và khi dữ liệu được tạo từ nền tảng giao dịch kỹ thuật số, các dịch vụ tài chính bổ sung như tiết kiệm, tín dụng và bảo hiểm phù hợp với nhu cầu của khách hàng thì việc cung ứng những sản phẩm dịch vụ tài chính đến mọi đối tượng dân cư cũng thuận lợi dễ dàng hơn. 502
  6. Có thể nói việc nghiên cứu thực tế phát triển tài chính toàn diện tại một số quốc gia điển hình trong khối ASEAN là cơ sở để rút ra bài học kinh nghiệm về những thách thức cụ thể phải đối mặt và các biện pháp theo đuổi để tăng cường sự toàn diện tài chính. 3. Liên hệ thực tế với Việt Nam Tại Việt Nam, trong dự thảo chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đã đưa ra mục tiêu tổng quát về tài chính toàn diện đó là “ Mọi người dân và doanh nghiệp đều được tiếp cận và sử dụng thuận tiện các sản phẩm, dịch vụ tài chính phù hợp với nhu cầu, với chi phí hợp lý do các tổ chức cung cấp dịch vụ tài chính cung ứng một cách có trách nhiệm và bền vững”. Trong quyết định 986/QĐ-TTg ngày 08/8/2018 về Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã nêu rõ quan điểm: “Hệ thống tiền tệ, ngân hàng và hoạt động các tổ chức tín dụng là huyết mạch của nền kinh tế, tiếp tục giữ vai trò trọng yếu trong tổng thể hệ thống tài chính Việt Nam. Ổn định hoạt động của hệ thống tổ chức tín dụng đóng vai trò chủ chốt trong ổn định tiền tệ và ổn định tài chính, là điều kiện tiên quyết để ổn định kinh tế vĩ mô và tăng trưởng bền vững, và phải được bảo đảm bằng sự phối hợp đồng bộ, hiệu quả giữa chính sách tiền tệ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác, cùng sự phát triển hài hòa, cân đối giữa khu vực ngân hàng, chứng khoán và bảo hiểm”. Việt Nam hiện nay được xếp vào nhóm quốc gia có mức độ tiếp cận các dịch vụ tài chính ở mức thấp. So với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới, tỷ lệ người trưởng thành có tài khoản ở các tổ chức tín dụng và các tổ chức cung ứng dịch vụ tài chính phi ngân hàng còn ở mức hạn chế. Bảng 2: Tỷ lệ người trưởng thành có tài khoản ở Việt Nam và một số nước trong khu vực ASEAN Quốc gia 2011 2014 2017 Việt Nam 21,37 30,95 30,79 Lào 26,7 - 29,05 Campuchia 3,66 22,1 21,67 Thái Lan 72,6 78,1 81,6 Philippines 26,55 31,28 34,49 Singapores 98,2 96,35 97,93 Indonesia 19,58 36,06 48,86 Thế giới 50,6 62 68,5 Nguồn: World Bank /Account ownership at a financial institution or with a mobile-money-service provider Dựa trên dữ liệu mà ngân hàng thế giới công bố có thể thấy, so với các nước trong khu vực và trên thế giới tỷ lệ người trưởng thành có tài khoản ở Việt Nam chiếm tỷ lệ rất khiêm tốn, năm 2017 là 30,79% chỉ cao hơn Lào và Campuchia, kém xa so với tỷ lệ này theo mức trung bình của thế giới. Người dân Việt Nam, đặc biệt người dân vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa hiện có năng lực hiểu biết tài chính khá thấp so với các nước trên thế giới và trong khu vực. Mặt khác, tỷ lệ sử dụng tiền mặt trong thanh toán ở Việt Nam ở mức rất cao do thói quen tiêu dùng của người dân cũng là một trở ngại lớn trong việc triển khai các giải pháp tài chính toàn diện. Các sản phẩm tài chính chủ yếu tập trung vào các sản phẩm về tiết kiệm và tín dụng, các dịch vụ thanh toán chưa thật sự được chú trọng nhất là đối với khu vực dân cư ở địa bàn nông thôn. Ở Việt Nam hoạt động tín dụng không chính thức vẫn còn tồn tại phổ biến, nhiều bộ phận dân cư vẫn chưa thể tiếp cận được nguồn vốn từ các tổ chức tài chính chính thức. 503
  7. Trên thực tế, Việt Nam cũng đã và đang triển khai nhiều chính sách và hoạt động trong khuôn khổ tài chính toàn diện như phát triển tài chính vi mô, thanh toán không dùng tiền mặt, nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ NH của người dân, số tài khoản tiền gửi thanh toán của cá nhân tại Việt Nam có sự gia tăng rõ rệt tuy nhiên việc tiếp cận dịch vụ tài chính NH chủ yếu phát triển ở các thành phố lớn, đô thị còn ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa tiếp cận dịch vụ tài chính NH còn tồn tại nhiều hạn chế. Bảng 3: Số tài khoản tiền gửi thanh toán của cá nhân tại Việt Nam Năm Số lượng tài khoản (nghìn) Số dư (tỷ VNĐ) 2012 42 115,91 85 370 2013 46 762,997 115 050 2014 54 449,596 156 318 2015 60 207,266 202 886 2016 68 698 252 177 2017 69 188 325 516 Quý 3/2018 74 985 347 658 Nguồn: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Trong thời gian qua, số lượng tài khoản cá nhân và số dư tài khoản cá nhân có xu hướng tăng nhanh, các NHthương mại Việt Nam đã quan tâm và tập trung khai thác, đẩy mạnh hiện đại hóa công nghệ ngân hàng, phát triển các loại hình dịch vụ mới, đa tiện ích và đã được xã hội chấp nhận như máy giao dịch tự động (ATM), internet banking, home banking, PC banking, mobile banking với các tiện ích gia tăng đáp ứng nhu cầu khách hàng một cách tối ưu.Các hệ thống bán lẻ này đều trang bị máy thanh toán thẻ để đem lại tiện ích cho người tiêu dùng và đã dần tạo được thói quen thanh toán thẻ của một bộ phận lớn chủ thẻ. Bảng 4: Số lượng máy ATM/POS/EFTPOS/EDC ở Việt Nam Năm Thiết bị Số lượng Số lượng Giá trị thiết bị giao dịch (Món) giao dịch (Tỷ) ATM 15 265 155 806 032 272 496 2013 POS/EFTPOS/EDC 129 653 7 037 907 35 977 ATM 16 018 159164477 322 220 2014 POS/EFTPOS/EDC 172 036 9957320 42 600 ATM 16 937 176 502 329 416 132 2015 POS/EFTPOS/EDC 223 381 17 330 074 54 630 ATM 17 472 182 714 349 477 306 2016 POS/EFTPOS/EDC 263 427 30 916 694 70 172 ATM 17 329 186 006 662 504 306 2017 POS/EFTPOS/EDC 253 031 36 168 795 90 298 ATM 18 173 224 326 831 622 967 Quý 3/2018 POS/EFTPOS/EDC 294 503 55 454 568 117 887 Nguồn: Vụ Thanh toán - NHNNVN Bên cạnh đó việc thanh toán các dịch vụ đời sống thông thường như thanh toán tiền điện nước, cước viễn thông… qua ngân hàng ngày càng trở nên phổ cập. Việt Nam cũng đã xây dựng mạng lưới các định chế tài chính chuyên biệt phục vụ người nghèo, người thu nhập thấp, đối tượng chính sách xã hội và cư dân nông thôn gồm Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Hợp tác và quỹ tín dụng nhân dân, Ngân hàng 504
  8. Chính sách xã hội, các tổ chức tài chính vi mô. Cùng với đó là những nỗ lực của Chính phủ trong việc chỉ đạo các tổ chức tài chính tín dụng chú trọng hơn trong việc cung cấp các sản phẩm và dịch vụ đa dạng cho nhiều đối tượng khách hàng, trong đó bao gồm cả những đối tượng là người nghèo và các doanh nghiệp nhỏ. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng thành lập Ban chỉ đạo về lĩnh vực công nghệ tài chính. Ban chỉ đạo có nhiệm vụ tham mưu, đề xuất các giải pháp nhằm hoàn thiện hệ sinh thái, kể cả hoàn thiện khuôn khổ pháp lý nhằm tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp Fintech ở Việt Nam phát triển, phù hợp với chủ trương, định hướng của Chính phủ, là một trong những cơ sở quan trọng để thúc đẩy tài chính toàn diện ở Việt Nam. Trong lĩnh vực giáo dục, giáo dục về tài chính cá nhân cũng đã được triển khai vào giảng dạy ở một số trường đại học, những chương trình về phổ biến kiến thức tài chính hướng tới nhiều đối tượng người học khác nhau từ học sinh các cấp cho tới người tiêu dùng trưởng thành cũng được thực hiện ở nhiều địa phương trong cả nước thông qua kênh trực tiếp và qua các chương trình truyền hình. 4. Một số đề xuất Xuất phát từ việc xem xét những kinh nghiệm về thúc đẩy tài chính toàn diện của một số quốc gia trong khối ASEAN, trên cơ sở liên hệ với tình hình thực tế tại Việt Nam, theo quan điểm của tác giả bài viết để thúc đẩy phát triển tài chính toàn diện, cần chú trọng một số vấn đề sau: Thứ nhất: Hoàn thiện khung pháp lý cho thúc đẩy tài chính toàn diện. Khung pháp lý chính là cơ sở nền tảng cho việc thực hiện các hoạt động. Chính phủ cần tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý cho việc phát triển cơ sở hạ tầng về tài chính, xây dựng chiến lược phát triển tài chính toàn diện trên cơ sở tăng cường các hoạt động giám sát, kiểm tra tiến độ triển khai. Việc phát triển tài chính toàn diện cũng cần có sự phối kết hợp của các bộ ngành có liên quan để đảm bảo các chính sách được thực thi một cách tốt nhất. Thứ hai: Phát triển hệ thống tài chính ngân hàng một cách bền vững. Với một hệ thống tài chính dựa vào ngân hàng là chủ yếu như Việt Nam thì ngành ngân hàng có một vị trí đặc biệt trong việc thúc đẩy tài chính toàn diện. Chính phủ cần tập trung nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống các tổ chức tín dụng, đẩy mạnh minh bạch hóa thông tin, tăng cường phát triển các dịch vụ tài chính dựa trên nền tảng công nghệ số. So với dịch vụ ngân hàng truyền thống, dịch vụ ứng dụng công nghệ số giúp tạo sự khác biệt. Nó không chỉ giúp ngân hàng giảm chi phí, mà còn giúp khách hàng tiếp cận sản phẩm dịch vụ ngân hàng dễ dàng hơn. Từ kinh nghiệm của Malaysia, Việt Nam xem xét việc phát triển hệ thống đại lý ủy thác thanh toán để tăng cường khả năng tiếp cận và sử dụng cho người dân, đặc biệt là đối tượng người có thu nhập thấp ở vùng sâu, vùng xa. Đối với bản thân mỗi tổ chức tín dụng cũng cần xây dựng chiến lược phát triển tổng thể để phát huy những thế mạnh của công nghệ hiện đại, tạo ra các sản phẩm, dịch vụ, tiện ích mới cho khách hàng đặc biệt trong bối cảnh giao dịch trực tuyến sẽ ngày càng chiếm ưu thế so với giao dịch trực tiếp, định vị ngân hàng mình đang ở phân khúc thị trường nào để phát triển đa dạng kênh phân phối đi đôi với nâng cao hiệu quả hoạt động. Thứ ba: Đẩy mạnh phát triển ứng dụng công nghệ trong cung ứng sản phẩm dịch vụ tài chính. Ứng dụng công nghệ cao có thể tạo nên những kết quả đột phá trong tài chsinh toàn diện là xu hướng ở nhiều quốc gia đã được thực hiện và mang lại kết quả tốt. Kinh nghiệm từ Philippines cho thấy việc thúc đẩy công nghệ cao trong cung ứng dịch vụ ngân hàng có thể giúp các hộ dân, những người có thu nhập thấp ở những vùng sâu vùng xa tiếp cận dễ dàng hơn với các sản phẩm dịch vụ tài chính. Ở Việt Nam, tỷ lệ người dân sử dụng điện thoại rất cao, do vậy việc đẩy mạnh triển khai các dịch vụ tài chính thông qua hệ thống viễn thông hoàn toàn có thể thực hiện được. Thứ tư: Chú trọng phát triển hệ thống tài chính vi mô. Hệ thống tài chính vi mô đóng vai trò quan trọng đối với công cuộc giảm nghèo và hỗ trợ phát triển. Tài chính vi mô ở Việt Nam 505
  9. hiện nay bao gồm ở cả khu vực chính thức, khu vực bán chính thức, khu vực phi chính thức. Tuy nhiên, một bộ phận lớn dân cư thu nhập thấp không đủ điều kiện tiếp cận vốn từ những kênh chính thức đã phải vay vốn từ những khu vực phi chính thức với chi phí lớn và rủi ro cao. Tài chính vi mô là kênh cung ứng vốn quan trọng giúp người nghèo - những đối tượng khó khăn trong việc tiếp cận những nguồn vốn và dịch vụ tài chính chính thức thưc hiện các kế hoạch kinh doanh nhỏ, khơi tăng thêm nguồn thu nhập để ổn định cuộc sống. Do vậy quan tâm phát triển hệ thống tài chính vi mô là yếu tố quan trọng để thực hiện mục tiêu tài chính toàn diện đã được kiểm chứng ở nhiều quốc gia trên thế giới. Thứ năm: Tăng cường các hoạt động giáo dục tài chính cá nhân đối với người dân. Từ việc nghiên cứu kinh nghiệm của Thái Lan có thể thấy rằng, bằng cách xây dựng chiến lược tăng cường giáo dục tài chính cá nhân trên quy mô rộng khắp, Thái Lan đã cải thiện được mức độ nhận thức về tài chính của người dân một cách nhanh chóng, chính điều này là điều kiện quan trọng để phát triển các sản phẩm tiết kiệm, tín dụng, thanh toán và bảo hiểm một cách rộng khắp đến mọi khu vực dân cư trong xã hội thực hiện mục tiêu thúc đẩy tài chính toàn diện. Ở Việt Nam, các hoạt động giáo dục tài chính tới người dân đã từng bước được triển khai một cách rộng rãi, tuy nhiên, để thực hiện được mục tiêu phát triển tài chính toàn diện, các chương trình giáo dục tài chính cẩn được xây dựng và triển khai thống nhất theo một chiến lược quốc gia cũng như chưa được thực hiện theo một lộ trình dài hạn nhằm phục vụ mục tiêu nâng cao hiểu biết tài chính cho cộng đồng./ TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (2018), Dự thảo về chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2035 2. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (2017), Sơ lược về tài chính toàn diện 3. Quyết định số 986/QĐ-TTg, Quyết định V/v Phê duyệt chiến lược phát triển ngành ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 4. Bangko Sentral Pilipinas,(2018), Financial Iclusion in the Philippines, Issue No.08, Series of 2018 5. Finscope (2013), Thailand survey highlights, Finmark.org.za 6. World Bank (2017), Financial Inclusion in Malaysia - Distilling Lessons for Other Countries, Knowledge & Research, World Bank Group 7. www. Asean.mofa.gov.vn, Tầm nhìn cộng đồng ASEAN 2025 8. www.bnm.gov.my ,Overview of Financial Inclusion in Malaysia 9. www1.mastercard.com, Mastercard index of financial literacy report (2013H1) 506
nguon tai.lieu . vn