Xem mẫu

  1. KINH NGHIỆM THÚC ĐẨY TÀI CHÍNH TOÀN DIỆN THÔNG QUA PHÁT TRIỂN LÀNH MẠNH THỊ TRƯỜNG TÀI CHÍNH TIÊU DÙNG CỦA NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC CHI NHÁNH HÀ NỘI ThS. Ngô Thị Thùy Quyên Học viện Tài chính Tóm tắt: Các tổ chức tín dụng phi ngân hàng nói chung và các công ty tài chính nói riêng là một cấu phần quan trọng không thể thiếu trong hệ thống các tổ chức tín dụng và đã có những đóng góp nhất định vào sự phát triển của nền kinh tế đất nước. Tuy nhiên, những hạn chế của các công ty tài chính thời gian gần đây như cảnh báo về lãi suất cho vay, hay cách thu nợ của một số công ty tài chính đang đặt ra câu hỏi lớn cho công tác quản lý nhà nước cũng như hoạt động thực tiễn và định hướng phát triển đối với hệ thống tổ chức tín dụng phi ngân hàng. Tác giả hy vọng những kinh nghiệm phát triển lành mạnh thị trường tài chính tiêu dùng của Ngân hàng Nhà nước chi nhánhHà Nội trong bài viết này có thể góp phần giải quyết phần nào câu hỏi này, từ đó thúc đẩy tài chính toàn diện quốc gia. Từ khóa: tài chính tiêu dùng, công ty tài chính. Việt Nam là một quốc gia đang phát triển với nền kinh tế năng động, có dân số đông, số người trẻ chiếm tỷ lệ khá cao. Đây là lượng khách hàng tiềm năng có nhu cầu tiêu dùng rất cao, là thị trường được các ngân hàng thương mại (NHTM) và các công ty tài chính (CTTC) nhất là các công ty 100% vốn nước ngoài nhắm đến trong chiến lược kinh doanh của mình. Với tiềm năng đó thì việc cạnh tranh để mở rộng thị phần trong lĩnh vực tài chính tiêu dùng (TCTD) ngày càng khốc liệt hơn nhất là khi có sự tham gia của các CTTC cũng như việc thúc đẩy mạnh việc cho vay tiêu dùng của các NHTM. Phát triển dịch vụ TCTD cũng như một xu hướng tất yếu gắn liền với sự phát triển của nền kinh tế và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, thể hiện ở các mặt sau: Thứ nhất, dịch vụ TCTD góp phần nâng cao dân trí về kiến thức tài chính cũng như khả năng ra quyết định về tài chính của người dân. Bởi trong quá trình cấp tín dụng các CTTC tư vấn giúp người dân quản lý tốt tài chính cá nhân cũng như quá trình chi tiêu trong gia đình và cách quản lý chi tiêu hiệu quả nhất. Thứ hai, tạo cơ hội tiếp cận các dịch vụ TCTD cho những người có thu nhập trung bình và thấp, hoặc khu vực nông thôn còn nhiều hạn chế, khi mà ngân hàng truyền thống từ chối cho vay đối với nhóm đối tượng khách hàng này. Thứ ba, thông qua các dịch vụ TCTD tạo nền tảng cho người dân tiếp cận, sử dụng nhiều dịch vụ khác của hệ thống ngân hàng qua đó thúc đẩy tài chính toàn diện của mọi tầng lớp dân cư góp phần phát triển kinh tế xã hội địa phương. Thứ tư, dịch vụ TCTD giúp kích cầu tiêu dùng, tạo thêm các cơ hội việc làm góp phần tăng trưởng kinh tế quốc gia. Thứ năm, dịch vụ TCTD góp phần làm thu hẹp các hoạt động cho vay phi chính thức, giúp người dân có nhu cầu tiêu dùng không phải tìm đến các loại hình cho vay nặng lãi qua đó tránh được rủi ro. Sự hiện diện của CTTC sẽ giúp thị trường tài chính Việt Nam phát triển tích cực và lành mạnh hơn, đồng thời khẳng định vai trò của các CTTC là cần thiết và mang tính tất yếu, góp phần nâng cao khả năng tiếp cận tài chính cho người dân, hướng khách hàng đến một kênh tài chính chính thống có sự quản lý của nhà nước, mà nếu không có kênh vay vốn này nhiều người trong số 321
  2. họ do không đủ điều kiện tiếp cận vốn vay thông thường sẽ phải tìm đến kênh cho vay nặng lãi, không được pháp luật bảo hộ, dẫn đến nhiều hệ lụy về kinh tế xã hội. Thời gian gần đây, có thể thấy trên các phương tiện thông tin báo chí liên tục thông tin về vấn nạn hoạt động của tội phạm cho vay nặng lãi, “tín dụng đen” núp bóng dưới vỏ bọc tiệm cầm đồ, công ty,… ngày càng lộng hành và diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương. Một trong những nguyên nhân khiến thị trường “tín dụng đen” phát triển mạnh là thủ tục vay rất đơn giản, mọi lúc, mọi nơi, đáp ứng mọi yêu cầu của người vay. “Tín dụng đen” không có trần hoặc sàn lãi suất như các tổ chức tín dụng chính quy, mà lãi suất hoàn toàn dựa trên thỏa thuận giữa bên cho vay và đi vay với mức lãi suất “cắt cổ”. Do đó, “tín dụng đen” là một vấn nạn nhức nhối, gây nhiều bất ổn cho xã hội. Để góp phần đẩy lùi “tín dụng đen”, trước hết cần có giải pháp để tăng khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính ngân hàng cho người dân và doanh nghiệp. Sự phát triển mạnh mẽ của tín dụng tiêu dùng ngày càng đáp ứng tốt hơn nhu cầu tài chính của người dân. Đồng thời với việc xây dựng một thị trường cho vay tiêu dùng lành mạnh, bảo đảm việc khách hàng có đầy đủ thông tin về quyền lợi và nghĩa vụ khi vay vốn sẽ góp phần ngăn ngừa tình trạng “tín dụng đen” phát triển. Hàng loạt các thương vụ thành lập hoặc mua lại thành công giữa NHTM và CTTC trong nước thời gian qua được xem như một tín hiệu tích cực từ phía các ngân hàng trong việc mở rộng phân khúc sản phẩm TCTD, giúp cho khách hàng có cơ hội tiếp cận các dịch vụ TCTD phù hợp với mọi nhu cầu vay vốn theo đúng đặc thù hoạt động của các CTTC. Bên cạnh đó, các công ty nước ngoài cũng rất quan tâm, tìm kiếm cơ hội để thâm nhập vào lĩnh vực TCTD thông qua việc thành lập công ty tài chính 100% vốn nước ngoài hoặc công ty liên doanh với NHTM. Việc phát triển các CTTC thời gian qua đã chứng minh rằng loại hình cho vay này có nhiều lợi thế cho nền kinh tế và người dân. Các CTTC thường đáp ứng các khoản vay nhỏ, đa dạng từ mức vài triệu đến vài chục triệu, trong khi các NHTM thường cho vay các khoản lớn. Vì vậy, loại hình cho vay này rất được người tiêu dùng yêu thích. Trên địa bàn thành phố Hà Nội, các CTTC đang từng bước phát triển kinh doanh, tạo dựng được hình ảnh và thương hiệu trong khu vực, chuyên cung cấp các sản phẩm dịch vụ TCTD, bao gồm cho vay ô tô, cho vay tiền mặt, cho vay trả góp và phát hành thẻ tín dụng… giúp khách hàng có cơ hội được tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ đa dạng, phù hợp với mọi nhu cầu vay vốn với thủ tục nhanh gọn, thuận tiện và mạng lưới phân phối rộng. Khách hàng chỉ cần là công dân Việt Nam trong độ tuổi lao động, có chứng minh nhân dân, hộ khẩu, tạm trú là có thể đủ điều kiện vay vốn tại các CTTC. So với các NHTM, CTTC có thể sử dụng nhiều hình thức chứng minh tài chính đơn giản hơn nhiều để vay vốn như vay bằng lương, bằng hóa đơn tiền điện, nước, bằng đăng ký xe hay có thể bằng hợp đồng bảo hiểm nhân thọ. Thời gian giải ngân nhanh chóng trung bình từ 1 -2 ngày, thậm chí có món vay được giải ngân trong ngày. Tính đến 2/2019, cả nước có 16 CTTC thì trên địa bàn thành phố Hà Nội có tới 9 CTTC và 3 chi nhánh hoạt động. Mỗi CTTC chú trọng vào một hoặc vài sản phẩm dịch vụ riêng với dư nợ cho vay tập trung vào sản phẩm dịch vụ này: Công ty TNHH MTV Tài chính Prudential Việt Nam có dư nợ cho vay mua sắm đồ dùng, trang thiết bị gia đình, mua, thuê phương tiện đi lại, phục vụ nhu cầu học tập, khám chữa bệnh là 5631 tỷ; Chi nhánh CTTC TNHH HD Saison tại Hà Nội có dư nợ cho vay trả góp xe máy, điện máy là 868,75 tỷ; Chi nhánh CTTC HomeCredit có dư nợ cho vay trả góp xe máy, điện máy và cho vay tiền mặt là 966 tỷ,… Trước sự phát triển nhanh chóng của hoạt động cho vay tiêu dùng trong thời gian qua, với sự tham gia của nhiều CTTC, bên cạnh những mặt tích cực, cũng đã phát sinh những vấn đề, trong đó đáng chú ý là lãi suất mà các CTTC áp dụng như thế nào là phù hợp được dư luận quan tâm. Mục tiêu quản lý hoạt động này là để vừa tạo điều kiện thúc đẩy sự phát triển thị trường TCTD, vừa đảm bảo được hài hòa lợi ích giữa khách hàng và CTTC. 322
  3. Hiện nay, lãi suất cho vay của các CTTC trên địa bàn Hà Nội áp dụng cho các món vay tiêu dùng là khá cao, phổ biến ở các loại sản phẩm cho vay trả góp tiền mặt, cho vay mua xe máy, điện máy gia dụng (cao nhất đến 75 - 80% /năm). So với lãi suất cho vay tiêu dùng của các NHTM thì mức lãi suất của các CTTC cao hơn gấp nhiều lần. Điều này cũng dễ hiểu bởi vì đặc thù về loại hình cho vay của các CTTC và NHTM là hoàn toàn khác nhau. Nếu đánh giá về phương diện rủi ro thì rủi ro trong cho vay tiêu dùng của các CTTC cao hơn ngân hàng, bởi đối tượng khách hàng thường dưới chuẩn cấp tín dụng của ngân hàng. Rủi ro phát sinh nợ xấu của các sản phẩm tín dụng tiêu dùng được các CTTC triển khai là khó tránh khỏi, khi điều kiện và thủ tục cho vay dễ dàng, không có tài sản đảm bảo, thời gian giải ngân khá nhanh gọn. Như vậy, nếu không quản trị được rủi ro và quản lý được khách hàng thì việc nợ xấu tăng là điều hiển nhiên. Để bù đắp rủi ro thì lãi suất cho vay tỉ lệ thuận với rủi ro. Bên cạnh đó, giá trị các khoản cho vay của CTTC nhỏ lẻ, kỳ hạn vay ngắn dẫn đến các chi phí thẩm định, chi phí đòi nợ, chi phí quản lý khoản vay, chi phí phục vụ… cao hơn mức bình thường. Thêm vào đó, chi phí huy động vốn của các CTTC thường cao hơn so với NHTM bởi họ không được phép nhận tiền gửi từ dân cư mà chỉ được phát hành trái phiếu hoặc chứng chỉ tiền gửi đối với các tổ chức và các CTTC cũng không tận dụng được lợi thế mạng lưới các điểm giao dịch rộng khắp như các ngân hàng. Như vậy, nhận định cho vay ngân hàng với lãi suất thấp hơn CTTC là so sánh thiếu chính xác vì đặc thù khác biệt của hai loại hình cho vay này. Mặt khác, một bộ phận người dân chưa tiếp cận được với dịch vụ tài chính hiện đại nên chưa hiểu cũng như chưa phân biệt được hoạt động dịch vụ của các CTTC và các NHTM nên thường có sự so sánh đánh giá chưa chuẩn xác về hai loại hình cho vay này, dẫn đến nhiều hệ lụy về quyền và nghĩa vụ của mình trong các hợp đồng tín dụng nhất là với đối với các CTTC. Có một thực tế là người dân luôn muốn thủ tục vay nhanh, ngược lại CTTC cho vay cũng muốn an toàn và phải bù đắp rủi ro, đối với NHTM thì việc quản lý tín dụng lại càng khắt khe hơn, đó là điều kiện vay đi kèm với an toàn vốn, do vậy việc tiếp cận dễ dàng các khoản cho vay tiêu dùng của các CTTC cũng có những mặt trái nhất định. Vì vậy, việc nâng cao dân trí về kiến thức tài chính cũng như khả năng ra quyết định về tài chính đối với người tiêu dùng là rất cần thiết như: (i) việc vay vốn đã thật sự cần thiết không; (ii) có đủ khả năng để trả gốc và lãi không; (iii) đã nắm rõ các điều khoản trong hợp đồng chưa, nhất là các khoản phí nào sẽ phát sinh nếu không trả gốc, lãi đúng hạn… Bên cạnh đó, điều quan trọng nhất là các CTTC cần cạnh tranh về tính minh bạch và có trách nhiệm, giải thích đầy đủ các thông tin trong quá trình cho vay đối với khách hàng. Mặc dù không phủ nhận những mặt tích cực mà các CTTC mang lại, song trên thực tế cũng có những cảnh báo về lãi suất cho vay hay cách thu nợ của một số các CTTC. Cũng chính vì vậy, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành một thông tư riêng hướng dẫn hoạt động cho vay tiêu dùng của các CTTC (Thông tư 43/2016/TT-NHNN). Trong đó quy định rõ, cho vay tiêu dùng là việc CTTC cho vay bằng đồng Việt Nam đối với khách hàng là cá nhân nhằm đáp ứng nhu cầu vốn mua, sử dụng hàng hóa, dịch vụ cho mục đích tiêu dùng của khách hàng, gia đình của khách hàng đó với tổng dư nợ cho vay tiêu dùng đối với mỗi khách hàng tại CTTC đó không vượt quá 100 triệu đồng. Mức tổng dư nợ quy định tại khoản này không áp dụng đối với cho vay tiêu dùng để mua ô tô và sử dụng ô tô đó làm tài sản bảo đảm cho chính khoản vay đó theo quy định của pháp luật. Về lãi suất cho vay tiêu dùng, thông tư quy định rõ lãi suất cho vay tiêu dùng của các CTTC thực hiện theo quy định của Ngân hàng Nhà nước về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng. CTTC phải ban hành quy định về khung lãi suất cho vay tiêu dùng áp dụng thống nhất trong toàn hệ thống trong từng thời kỳ, trong đó bao gồm mức lãi suất cho vay cao nhất, mức lãi suất cho vay thấp nhất đối với từng sản phẩm cho vay tiêu dùng. 323
  4. Thông tư cũng yêu cầu hợp đồng cho vay tiêu dùng phải được lập thành văn bản, trong đó phải ghi rõ số tiền cho vay hoặc hạn mức cho vay đối với trường hợp cho vay theo hạn mức; mục đích sử dụng vốn vay; phương thức cho vay; thời hạn cho vay hoặc thời hạn duy trì hạn mức đối với trường hợp cho vay theo hạn mức; lãi suất cho vay tiêu dùng theo thỏa thuận và mức lãi suất cho vay tiêu dùng quy đổi theo tỷ lệ %/năm (một năm là 365 ngày) tính theo số dư nợ cho vay thực tế và thời gian duy trì số dư nợ cho vay thực tế đó; lãi suất áp dụng đối với dư nợ gốc bị quá hạn; lãi suất áp dụng đối với lãi chậm trả; phương pháp tính lãi tiền vay; loại phí và mức phí áp dụng đối với khoản vay… Có thể thấy rằng, việc Ngân hàng Nhà nước ban hành quy định hoạt động cho vay tiêu dùng của các CTTC là vô cùng cần thiết nhằm tạo ra cơ chế quản lý phù hợp với đặc thù hoạt động của CTTC hơn, đồng thời cũng sẽ quản lý chặt chẽ hơn hoạt động cho vay tiêu dùng của các CTTC. Việc đẩy mạnh phát triển các CTTC tham gia vào thị trường cho vay tiêu dùng hiện nay là rất cần thiết. So với các NHTM quy mô của các CTTC còn quá nhỏ, lĩnh vực hoạt động khác nhau, phân khúc, đối tượng khách hàng riêng, phương pháp huy động vốn và các sản phẩm dịch vụ cũng rất riêng, tính cạnh tranh cũng không lớn nên không thể xem là yếu tố tạo áp lực cạnh tranh với các NHTM. Hiện nay, tổng huy động vốn của nhóm CTTC chỉ khoảng 40 nghìn tỷ đồng, chiếm khoảng 0,7% tổng lượng vốn huy động của toàn hệ thống TCTD. Tổng dư nợ tín dụng ngành ngân hàng cung cấp cho nền kinh tế đạt khoảng 5,6 triệu tỷ đồng, trong khi đó, tổ tổng dư nợ của các tổ chức CTTC chỉ khoảng hơn 50 nghìn tỷ (chiếm khoảng 0,01%). Tính riêng trong lĩnh vực cho vay tiêu dùng của các TCTD thì các CTTC cũng mới chỉ chiếm lĩnh được dưới 5% tổng dư nợ cho vay. Cả NHTM và CTTC sẽ hỗ trợ qua lại trong bối cảnh kinh tế Việt Nam đang tăng trưởng mạnh, cung ứng nguồn vốn dồi dào cho từng đối tượng khách hàng và có tác dụng tích cực cho toàn xã hội. Để phát triển thị trường tài chính tiêu dùng đúng hướng và lành mạnh, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp như: - Tiếp tục thực hiện đề án “Cơ cấu lại hệ thống tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020” của Thủ tướng Chính phủ. - Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát chặt chẽ đối với hoạt động TCTD trong việc chấp hành quy định của pháp luật, của Ngân hàng Nhà nước về tiền tệ và hoạt động ngân hàng. - Ban hành chiến lược quốc gia về tài chính toàn diện để mọi người dân được tiếp cận với dịch vụ ngân hàng. - Thúc đẩy phát triển công nghệ 4.0 trong lĩnh vực TCTD, nhất là việc xây dựng cơ sở dữ liệu lịch sử thông tin tín dụng khách hàng. - Tăng cường công tác truyền thông nhằm nâng cao kiến thức tài chính của người dân và thông tin kịp thời về đánh giá hoạt động của các CTTC để minh bạch thông tin. Trên nền tảng thực hiện đồng bộ các giải pháp trên sẽ tạo điều kiện cho thị trường dịch vụ TCTD ngày càng phát triển một cách lành mạnh hiệu quả và bền vững./. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Ngân hàng Nhà nước (2016), Thông tư 43/2016/TT-NHNN. 2. Ngân hàng Nhà nước (2019), Kỷ yếu hội thảo “Phát triển an toàn, bền vững hệ thống các tổ chức tín dụng phi ngân hàng tại Việt Nam”. 3. Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Hà Nội (2019), “Báo cáo kết quả cho vay phục vụ đời sống, cho vay tiêu dùng tại công ty tài chính” đính kèm công văn số 198/HAN-QLTD ngày 14/2/2019. 4. Đề án “Cơ cấu lại hệ thống tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020” của Thủ tướng. 324
nguon tai.lieu . vn