Xem mẫu

  1. BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM TP. HỒ CHÍ MINH KHOA NGỮ VĂN -------- HUỲNH THỊ THANH TRÚC NHÌN LẠI ÔNG GIÀ VÀ BIỂN CẢ DƯỚI GÓC ĐỘ NGHI LỄ TRONG GIẢI PHẪU PHÊ BÌNH CỦA NORTHROP FRYE KHÓA LUẬN TỐT NGHIỆP Chuyên ngành: Văn học phương Tây TPHCM, 2018
  2. BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM TP. HỒ CHÍ MINH KHOA NGỮ VĂN -------- NHÌN LẠI ÔNG GIÀ VÀ BIỂN CẢ DƯỚI GÓC ĐỘ NGHI LỄ TRONG GIẢI PHẪU PHÊ BÌNH CỦA NORTHROP FRYE Người thực hiện: Huỳnh Thị Thanh Trúc Người hướng dẫn khoa học: Ths. Nguyễn Thành Trung TPHCM, 2018
  3. I LỜI CẢM ƠN Tôi xin gửi lời cảm ơn chân thành đến trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh và khoa Ngữ Văn đã tạo điều kiện, hỗ trợ tôi trong việc thực hiện khoá luận. Tôi xin chân thành cảm ơn các ý kiến nhận xét, góp ý xây dựng khoá luận của quý thầy cô. Tôi xin bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với ThS. Nguyễn Thành Trung bởi sự tận tâm, nhiệt tình, chu đáo của thầy khi hướng dẫn tôi thực hiện khoá luận tốt nghiệp. Tôi xin cảm ơn gia đình và bạn bè, những người thân yêu đã luôn ủng hộ tôi trong thời gian qua. Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 20 tháng 4 năm 2018
  4. II LỜI CAM ĐOAN Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu của riêng tôi. Các số liệu, kết quả nêu trong khóa luận là trung thực và chưa từng được công bố trong bất kỳ công trình nào khác. Tác giả khoá luận Huỳnh Thị Thanh Trúc
  5. III CÁC BẢNG BIỂU, SƠ ĐỒ TRONG KHÓA LUẬN Hình 1: Sơ đồ các giai đoạn hiến tế Hình 2: Mô hình dạy học module bài Ông già và biển cả Bảng 1: Thời lượng thực hiện chương trình môn Ngữ Văn
  6. IV MỤC LỤC LỜI CẢM ƠN .............................................................................................................. I LỜI CAM ĐOAN ....................................................................................................... II CÁC BẢNG BIỂU, SƠ ĐỒ TRONG KHÓA LUẬN .............................................. III MỤC LỤC ................................................................................................................. IV PHẦN MỞ ĐẦU ......................................................................................................... 1 0.1 Lý do chọn đề tài ........................................................................................ 1 0.2 Lịch sử vấn đề ............................................................................................ 2 0.3 Mục đích nghiên cứu.................................................................................. 6 0.4 Đối tượng, phạm vi nghiên cứu ................................................................. 7 0.5 Phương pháp nghiên cứu............................................................................ 8 0.6 Cấu trúc khóa luận ..................................................................................... 8 CHƯƠNG 1: CƠ SỞ LÝ LUẬN .............................................................................. 10 1.1 Khái niệm nghi lễ hiến tế ......................................................................... 10 1.2 Giải phẫu phê bình – Northrop Frye ........................................................ 16 1.3 Ông già và biển cả - Hemingway ............................................................. 23 CHƯƠNG 2: MỘT SỐ ĐẶC ĐIỂM CỦA NGHI LỄ HIẾN TẾ TRONG ÔNG GIÀ VÀ BIỂN CẢ .............................................................................................................. 29 2.1 Tính đối lập .............................................................................................. 29 2.2 Tính chu kỳ .............................................................................................. 45 2.3 Tính biểu tượng ........................................................................................ 51 CHƯƠNG 3: ỨNG DỤNG DẠY HỌC HIẾN TẾ TRONG ÔNG GIÀ VÀ BIỂN CẢ ................................................................................................................................... 59
  7. V 3.1 Từ Ông già và biển cả – nghi lễ hiến tế, suy nghĩ về dạy học phân hóa . 59 3.2 Từ thực tế thực tập, đề xuất giáo án mẫu cho dạy học chuyên đề ........... 63 3.3 Từ Ông già và biển cả – nghi lễ hiến tế suy nghĩ về đào tạo cho sinh viên ở khoa Ngữ Văn, Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh.................................. 77 PHẦN KẾT LUẬN ................................................................................................... 87 TÀI LIỆU THAM KHẢO ......................................................................................... 90 PHỤ LỤC .................................................................................................................... 1 PHỤ LỤC 1: BẢN LƯỢC DỊCH CÔNG TRÌNH GIẢI PHẪU PHÊ BÌNH ... 1 PHỤ LỤC 2: CÁC TRÍCH DẪN LIÊN QUAN ĐẾN NGHI LỄ TRONG GIẢI PHẪU PHÊ BÌNH ............................................................................................ 34 PHỤ LỤC 3: BÀI VIẾT CỦA TÁC GIẢ ...................................................... 46
  8. 1 PHẦN MỞ ĐẦU 0.1 Lý do chọn đề tài Lý thuyết phê bình văn học trên thế giới đến nay vô cùng phong phú, đa dạng như: Marxist, phân tâm học, nữ quyền, phê bình sinh thái, phê bình huyền thoại… Tuy nhiên, trong thế kỷ XX, do hoàn cảnh lịch sử, xã hội, một số lý thuyết phê bình văn học vẫn chưa được phổ biến rộng rãi ở Việt Nam. Đa phần độc giả biết đến các lý thuyết ấy qua một số bài viết giới thiệu. Giai đoạn cuối thế kỷ XX đến nay, độc giả có điều kiện tiếp cận nhiều lý thuyết hiện đại từ các bài viết, công trình mang tính giới thiệu và ứng dụng của các nhà nghiên cứu Việt Nam. Thuyết phân tâm học, nữ quyền hay phê bình sinh thái đã và đang được chú trọng khai thác. Trong khi đó, thuyết phê bình huyền thoại, cụ thể là thuyết nghi lễ của Northrop Frye trong Giải phẫu phê bình, vẫn chưa được phổ biến rộng rãi ở Việt Nam. Ông già và biển cả của Ernest Hemingway là một tác phẩm đã được nhiều nhà nghiên cứu khai thác chuyên sâu về nội dung và hình thức. Trong đó, nguyên lý tảng băng trôi và nghệ thuật độc thoại nội tâm là hai khía cạnh được khai thác nhiều nhất trong tác phẩm. Khảo sát tất cả công trình nghiên cứu và bài viết về tác phẩm này ở Việt Nam, chưa có bài viết nào khai thác tác phẩm dưới góc nhìn thuyết nghi lễ của Northrop Frye. Vì vậy, luận văn “Nhìn lại Ông già và biển cả dưới góc độ nghi lễ trong Giải phẫu phê bình của Northrop Frye” là công trình nghiên cứu đầu tiên về tác phẩm dưới góc nhìn thuyết nghi lễ của Northrop Frye. Ngoài ra, đặc thù của dạy học Ngữ Văn là hướng đến sự chủ động, sáng tạo của học sinh. Trong tương lai, giáo viên là người chủ động lựa chọn tác phẩm để giảng dạy cho học sinh dựa trên các tiêu chí nhất định của Bộ Giáo dục và Đào tạo sao cho học sinh hình thành những năng lực, phẩm chất cần thiết. Trong hoàn cảnh đó, hướng tiếp cận Ông già và biển cả dưới góc độ nghi lễ hiến tế sẽ là một nguồn
  9. 2 tài liệu tham khảo hữu ích cho các giáo viên trung học phổ thông, đặc biệt là những người thường tổ chức dạy học chuyên đề. Việc lựa chọn đề tài “Nhìn lại Ông già và biển cả dưới góc độ nghi lễ trong Giải phẫu phê bìnhcủa Northrop Frye” để nghiên cứu sẽ mang lại một cái nhìn sơ lược về nghi lễ hiến tế, đồng thời đi sâu vào tác phẩm Ông già và biển cả dưới một góc nhìn mới, đóng góp vào nguồn tài liệu tham khảo chung của nước nhà. 0.2 Lịch sử vấn đề Đề tài “Nhìn lại Ông già và biển cả dưới góc độ nghi lễ trong Giải phẫu phê bìnhcủa Northrop Frye” đặt ra hai vấn đề. Một là tác phẩm Ông già và biển cả của Ernest Hemingway, hai là thuyết nghi lễ của Northrop Frye. 0.2.1 Thuyết nghi lễ Nghi lễ là một đối tượng xuất hiện ở nhiều lĩnh vực khác nhau, thu hút sự quan tâm của các nhà nghiên cứu trên thế giới. Phần lớn các tác giả tập trung nghiên cứu về mối quan hệ giữa nghi lễ và huyền thoại Trong số đó, người đầu tiên phải kể đến là William Robertson Smith với công trình Lectures on the Religion of the Semites, cho rằng nghi lễ là một phương thức phân tích, lý giải suy nghĩ và đức tin của con người. Sau Smith là James George Frazer, một sinh viên của Smith, chú trọng nghiên cứu về phong tục, nghi lễ. Frazer cho rằng huyền thoại chỉ có vị trí thứ cấp, còn “nghi lễ là nguồn gốc của hầu hết các hình thức biểu hiện đời sống văn hoá” (Catherine Bell, 5). Quan điểm này thể hiện phần lớn trong công trình Cành vàng – bách khoa toàn thư về văn hoá nguyên thuỷ năm 1890. Jane Harrison and S. H. Hooke trong lý thuyết nghi lễ huyền thoại của mình đã có phần đồng tình với quan điểm của Frazer. Hooke làm rõ mô hình vương quyền trong văn hoá qua việc xác lập lại một loạt các nghi lễ gắn liền với chu kỳ trồng trọt, trong đó nhà vua bị hạ nhục, chết đi rồi tái sinh để thiết lập lại trật tự xã hội. Trong khi đó, Jane Harrison cùng các nhà nghiên cứu cùng trường phái với ông như Gilbert Murray, Francis M. Cornford, Arthur B. Cook đã phát triển lý thuyết của Frazer khi chứng minh văn
  10. 3 học dân gian cũng như văn học nói chung đều bắt nguồn từ các hoạt động nghi lễ cổ xưa liên quan đến các vị vua, không phải từ hiện thực lịch sử mà là từ trí tưởng tượng dân gian. Nghi lễ là nguồn gốc của huyền thoại, còn sự xuất hiện của huyền thoại liên quan đến chuỗi hoạt động diễn ra trong nghi lễ. Lý thuyết của Jane Harrison đã tác động vào Jessie Weston, gián tiếp ảnh hưởng đến thơ của T. S. Eliot và lý thuyết nghiên cứu văn học của Northrop Frye. Bê cạnh các nhà nghiên cứu về mối quan hệ giữa nghi lễ và huyền thoại còn có một số tác giả tìm hiểu nghi lễ dưới những góc độ khác. Chẳng hạn như tác giả Mircea Eliade (1907–1986) nhìn nhận nghi lễ dưới góc độ tôn giáo. Theo Eliade “thông qua việc ban hành các nghi lễ từ những sự kiện nguyên thuỷ, các sinh vật có tính người xem mình là con người thật, thánh hoá thế gian và thực thi những hoạt động có ý nghĩa cho cuộc sống của họ” (Catherine Bell, 11). Một số người nhìn nhận nghi lễ trong mối quan hệ với phân tâm học, điển hình Sigmund Freud (1856– 1939). Ông xem nghi lễ “[…] là một cơ chế ám ảnh cố gắng ngăn chặn sự trấn áp và cấm kị những ham muốn thông qua nỗ lực giải quyết xung đột nội tâm bên trong mà những ham muốn này gây ra.” (Catherine Bell, 14). Có thể thấy, nghi lễ là một đối tượng được khai thác rất nhiều. Đặt trong mối quan hệ với những yếu tố, lĩnh vựa khác, nghi lễ còn mang lại các giá trị riêng biệt. Khác hẳn với các lý thuyết nghiên cứu nghi lễ trong mối quan hệ huyền thoại, tôn giáo, văn hoá, ngôn ngữ, thuyết nghi lễ của Northrop Frye trong Giải phẫu phê bình xem xét nghi lễ trong mối quan hệ với văn học. Không chỉ kế thừa thuyết nghi lễ của những tác giả đi trước trong mối liên hệ với huyền thoại, văn hoá,... mà Northrop Frye còn phát triển, ứng dụng nghi lễ vào văn học, tìm hiểu các biểu hiện, đặc trưng, và xem nghi lễ như một công cụ khai thác chiều sâu tác phẩm văn chương. Ở Việt Nam, chưa có nhiều công trình nghiên cứu và bài viết về Giải phẫu phê bình. Các bài viết đa phần mang tính chất giới thiệu sơ lược như “cổ mẫu thần thoại” trong mục II, Lý luận phê bình văn học của tác giả Phương Lựu năm 2001, Northrop Frye của tác giả Thi Nguyên năm 2002, Bản dịch từ nguyên bản tiếng Nga
  11. 4 chương một công trình Giải phẫu phê bìnhcủa hai dịch giả Tôn Quang Cường và Trần Minh Tâm năm 2002,… 0.2.2 Ông già và biển cả Tác phẩm Ông già và biển cả kể từ lần đầu tiên xuất hiện ở Việt Nam năm 1962 cho đến nay đã trở thành đối tượng nghiên cứu của rất nhiều tác giả. Các công trình nghiên cứu, bài viết về đối tượng này có thể chia thành bốn nhóm khác nhau. Đầu tiên là nhóm các bài viết, công trình giới thiệu về tác giả Ernest Hemingway và tác phẩm Ông già và biển cả. Trên thế giới, các công trình nghiên cứu, phê bình Ông già và biển cả bước đầu cũng mang tính khái lược về nội dung và nghệ thuật của tác phẩm. Một số công trình có thể kể đến như: Literary history of the United States của tác giả Robort E. Spiller (1957) mang tính tường thuật lịch sử văn học Mỹ từ thế kỷ XVII và giới thiệu tác phẩm trong chương XIX và chương XX; The shapers of American Fiction (1961) của tác giả George Suell, Literature and the American Tradition (1960) của tác giả Leon Howard; một loạt các bài viết trong Hemingway's Ambiguity (Symbolism and Irony (1962); Observations on the style of Ernest Hemingway (1962),…). Ngoài ra còn số bài viết khai thác sâu hơn về nội dung và nghệ thuật như: Ernest Hemingway’s religion of man (1962) của tác giả Robert P. Weeks viết về tính chất mơ hồ, tượng trưng, châm biếm; bút pháp; tín ngưỡng trong Ông già và biển cả; Hemingway and life as play” (1974) của tác giả E. Elliot cho thấy mối liên hệ giữa cuộc đời tác giả với tác phẩm. Cũng như thế giới, giai đoạn đầu, các nhà nghiên cứu chỉ dừng lại ở việc giới thiệu và chỉ ra những giá trị nội dung, nghệ thuật trong tác phẩm. Tạp chí văn học số 12/1962 đăng bài giới thiệu tiểu thuyết Ông già và biển cả của Phong Lê. Trong bài viết này, tác giả phân tích một số nét đặc sắc về nghệ thuật của Hemingway và khẳng định giá trị của chủ nghĩa nhân đạo trong truyện. Đến năm 1990, khi bàn về Tiểu thuyết Pháp hiện đại, những tìm tòi đổi mới, tác giả Phùng Văn Tửu đã phân tích tác phẩm Ông già và biển cả để chứng minh cho luận điểm "Tiểu thuyết là tiền đề của tiểu thuyết". Bài viết tập trung phân tích độc thoại nội tâm trong tiểu thuyết Ông già và biển cả. Tại đây, tác giả đã đề cập đến một số vấn đề đổi mới nghệ thuật
  12. 5 trong tiểu thuyết của Hemingway. Đến năm 1995, trong bài viết Đặc trưng không gian, thời gian và các hình ảnh tượng trưng, huyền thoại trong tiểu thuyết Hemingway đăng trên báo Thông tin khoa học số 4, tác giả Lê Huy Bắc chú trọng đến yếu tố thời gian, cho rằng “thời gian ban ngày lấn át đêm tối”. Ngoài ra, ông còn nhắc đôi dòng về huyền thoại Santiago. Năm 1997, tác phẩm được nhìn nhận và phân tích riêng về cốt truyện, điểm nhìn, từ đó thấy được ý nghĩa thực và ý nghĩa biểu tượng trong bài viết Ông già và biển cả – cốt truyện và điểm nhìn, hiện thực và biểu tượng của tác giả Đặng Anh Đào. Cùng năm đó, trong bài viết Đối thoại và độc thoại nội tâm của Hemingway đăng trên Tạp chí Văn học số 7, 1997, tác giả Lê Huy Bắc tìm hiểu tác phẩm Ông già và biển cả ở phương diện độc thoại nội tâm. Tác giả đã thống kê được số lần Santiago nói (He said) và nghĩ (He thought) lần lượt là 111 và 162 lần. Độc thoại nội tâm dần chuyển thành “hiện tượng đối thoại hóa độc thoại nội tâm” và làm cho tác phẩm không chỉ có một mà còn có hai, ba hoặc nhiều Santiago. Năm 1999, tác giả Lê Đình Cúc nhận xét Ông già và biển cả là cuốn tiểu thuyết thể hiện những thủ pháp nghệ thuật độc đáo của Hemingway: chủ nghĩa hiện thực với khả năng vô cùng của nó. Tháng 10/1999, tác giả Lê Huy Bắc xuất bản quyển sách Ernest Hemingway - núi băng và hiệp sĩ. Đây có thể xem là một tập nghiên cứu có giá trị khá đầy đủ về sáng tác của Hemingway. Đến năm 2001, tác giả tiếp tục tuyển chọn và xuất bản quyển sách E. Hemingway – Những phương trời nghệ thuật. Năm 2002, tác giả Phùng Văn Tửu xuất bản quyển Độc thoại nội tâm trong Ông già và biển cả. Thứ hai là nhóm các bài bàn luận về nguyên lý tảng băng trôi và sử dụng tác phẩm Ông già và biển cả làm ví dụ. Năm 1992, tác giả Đặng Anh Đào trong Văn học phương Tây, tập 3 đã viết về Hemingway dưới cái nhìn của thi pháp học. Tác giả phân tích nguyên lý tảng băng trôi cùng ba tiểu thuyết tiêu biểu của Hemingway như Giã từ vũ khí, Chuông nguyện hồn ai, Ông già và biển cả. Thứ ba là nhóm các bài viết, công trình tiến hành so sánh, đối chiếu các tác giả, tác phẩm với nhau. Ở nước ngoài, các bài viết trong nhóm này xuất hiện nhiều hơn như Joyce’s Dubliners and Hemingway’s in our life: A correlation (1986) của
  13. 6 tác giả Kim Martin Mayo; A Comparative Study of Jack Kerouac & Ernest Hemingway (2012) của tác giả Adam Tyrsett Kuo;... Trong khi đó, ở Việt Nam hiện chỉ có một công trình so sánh, đó là luận văn thạc sỹ Ernest Hemingway và Erich Maria Remarque những tương đồng và khác biệt trong cách nhìn đại chiến thứ nhất qua tiểu thuyết của tác giả Lê Thị Hoa vào năm 2006. Thứ tư là nhóm các bài viết, công trình có ý nghĩa liệt kê các hướng tiếp nhận tiểu thuyết Ông già và biển cả hoặc khai thác tiểu thuyết này dưới góc nhìn mới. Năm 1985, trong bài Nghệ thuật tiểu thuyết Hemingway in trong Tạp chí văn học, số 2, năm 1985, nhà nghiên cứu Lê Đình Cúc đã phát hiện những lớp nghĩa mới khá bất ngờ, táo bạo từ tác phẩm Ông già và biển cả như: Santiago và tôn giáo, Kinh thánh; Santiago và chiến tranh; Santiago và vấn đề sinh thái môi trường. Năm 2005, tác giả Nghiêm Thị Thuý Nga trong luận văn thạc sỹ Dạy học đoạn trích “Ông già và biển cả” (E.Hemingway) theo hướng tiếp cận cổ mẫu đã đề ra phương hướng tiếp cận cổ mẫu khi đọc hiểu đoạn trích Ông già và biển cả với mục tiêu “góp phần phát triển cho học sinh một số năng lực phổ thông (như biết sử dụng các ngữ liệu văn học để giải thích các hiện tượng điển hình hay quen thuộc của cuộc sống…)” (Nghiêm Thị Thuý Nga, 5). Năm 2011, trong công trình nghiên cứu The interpretation of Hemingway´s The Old Man and the Sea (tạm dịch Một kiểu lý giải về tác phẩm Ông già và biển cả của Hemingway), tác giả Lenka Mařáková đã nhìn nhận và phân tích tiểu thuyết Ông già và biển cả dưới góc nhìn Phê bình phân tâm học của Carl Jung. Tại đây, tác giả chỉ ra sự đấu tranh của ông già đó là sự đấu tranh để khẳng định sự tồn tại của mình trong xã hội. Năm 2014, tác giả Nguyễn Thị Hải Yến trong Luận văn thạc sỹ Các hướng tiếp nhận ông già bà biển cả của Ernest Hemingway đã nêu ra ba hướng tiếp nhận: hiện thực, cổ tích, huyền thoại. 0.3 Mục đích nghiên cứu Việc thực hiện đề tài “Nhìn lại Ông già và biển cả dưới góc độ nghi lễ trong Giải phẫu phê bìnhcủa Northrop Frye” hướng tới những mục đích sau:
  14. 7 Thứ nhất, mang đến một cái nhìn khái lược về công trình Giải phẫu phê bìnhcủa Northrop Frye. Bản lược dịch về Giải phẫu phê bìnhcủa Frye đính kèm trong phụ lục sẽ giúp các tác giả nghiên cứu sau này thuận lợi hơn khi tìm hiểu về Giải phẫu phê bìnhcủa Frye. Thứ hai, công trình hy vọng giúp bạn đọc nhìn nhận bản chất của thuyết nghi lễ của Northrop Frye và ứng dụng của lý thuyết này vào một tác phẩm văn học cụ thể, cảm nhận những dấu ấn của nghi lễ cổ xưa trong một tác phẩm văn học phương Tây hiện đại. Thứ ba, công trình hướng tới một cái nhìn khác về tác phẩm Ông già và biển cả của Hemingway, giúp nhà giáo dục có thêm lựa chọn trong công tác giảng dạy, thêm nguồn tài liệu phong phú để dẫn chứng và mở rộng kiến thức cho các em học sinh về văn hoá nguyên thuỷ và các biểu tượng cổ mẫu xuất hiện trong tác phẩm văn học. Ngoài ra, công trình ít nhiều sẽ góp phần giúp những bạn đọc yêu mến tiểu thuyết Hemingway có cái nhìn sâu sắc và đầy đủ hơn. 0.4 Đối tượng, phạm vi nghiên cứu Luận văn tập trung khảo sát tác phẩm Ông già và biển cả dưới góc độ nghi lễ trong Giải phẫu phê bìnhcủa Northrop Frye. Đối tượng nghiên cứu là các đặc điểm nghi lễ hiến tế thể hiện trong tác phẩm qua hành động, suy nghĩ, tình cảm và mối quan hệ giữa các đối tượng trong tác phẩm như các đối tượng xuất hiện trong nghi lễ hiến sinh. Việc nghiên cứu, phân tích tác phẩm dưới góc nhìn mới trước hết làm rõ những giá trị vốn có trong tác phẩm, sau đó hướng đến khai thác các lớp nghĩa mới mẻ, mang lại cái nhìn đa chiều cho Ông già và biển cả. Ngoài ra, luận văn còn tập trung nghiên cứu về ứng dụng giáo dục khi nhìn lại tác phẩm dưới góc độ thuyết nghi lễ. Bắt đầu từ việc suy nghĩ về dạy học phân hoá, luận văn hướng đến đề xuất mô hình dạy học chuyên đề Ông già và biển cả dưới góc nhìn nghi lễ hiến tế tại các lớp chuyên từ thực tiễn giáo dục. Đồng thời, nghiên cứu, tìm hiểu, đề xuất hướng giảng dạy kiểu module, góp phần phát triển óc
  15. 8 tưởng tượng, sáng tạo cho sinh viên khoa Ngữ Văn, trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh. Ông già và biển cả là tác phẩm nằm trong phạm vi văn học phương Tây hiện đại, nghi lễ trong Giải phẫu phê bìnhcũng là một lý thuyết hiện đại nhưng lại dựa vào huyền thoại và nghi lễ cổ xưa để nghiên cứu. Chính vì vậy, trong quá trình thực hiện luận văn cũng cần chú ý đến một số nghi lễ hiến tế từ xa xưa trong văn hoá nhân loại, các yếu tố huyền thoại trong nghi lễ và đặc trưng văn học phương Tây, đồng thời dựa vào thực tiễn dạy học Ngữ Văn từ cấp trung học phổ thông đến đại học để nghiên cứu, tìm hiểu các ứng dụng phù hợp, hiệu quả. 0.5 Phương pháp nghiên cứu Luận văn “Nhìn lại Ông già và biển cả dưới góc độ nghi lễ trong Giải phẫu phê bìnhcủa Northrop Frye” được thực hiện dựa trên cơ sở vận dụng các phương pháp cụ thể như: Phương pháp phê bình huyền thoại Đây là phương pháp Northrop Frye sử dụng để trình bày, lý giải thuyết nghi lễ trong Giải phẫu phê bình. Từ phương pháp này, người viết khái lược một số đặc điểm và đi tìm ứng dụng trong tác phẩm văn học. Cụ thể đó là ứng dụng dạy học Ông già và biển cả cho học sinh trung học phổ thông và sinh viên đại học. Phương pháp xã hội học Luận văn trình bày đặc điểm hoàn cảnh, cuộc đời tác giả Hemingway và Northrop Frye, phần nào chỉ ra những dấu vết nghi lễ hay những biến động trong cuộc đời tác giả ảnh hưởng trực tiếp đến tác phẩm. Phương pháp kí hiệu học Phương pháp này thể hiện qua việc thống kê, tìm hiểu các biểu tượng trong tác phẩm. Nhìn từ nghi lễ, các biểu tượng này mang tính chất giao tiếp, vừa thể hiện lớp nghĩa thông thường vừa mang giá trị sâu sắc. 0.6 Cấu trúc khóa luận
  16. 9 Để nghiên cứu về đề tài “Nhìn lại Ông già và biển cả dưới góc độ nghi lễ trong Giải phẫu phê bìnhcủa Northrop Frye” vừa cụ thể vừa bao quát, luận văn được chia làm ba chương chính: Chương 1: Cơ sở lý luận Chương này tìm hiểu về khái niệm nghi lễ hiến tế trong văn hoá đông tây cũng như trong các quan niệm của những nhà nghiên cứu về nghi lễ để nhìn nhận khái niệm trong nghĩa rộng, thuận lợi cho việc nghiên cứu, phân tích, ứng dụng vào. Ngoài ra, chương khái lược đôi nét về công trình Giải phẫu phê bìnhvà tác giả Northrop Frye - cơ sở để nghiên cứu về thuyết nghi lễ hiến tế. Đồng thời, chương 1 thể hiện cái nhìn sơ bộ về cuộc đời của nhà văn Ernest Hemingway cùng cốt truyện Ông già và biển cả để có cơ sở soi chiếu, lý giải và nghiên cứu đề tài một cách chính xác và cụ thể hơn. Việc tìm hiểu khái niệm từ biểu hiện văn hóa và các tác giả góp phần rút ra bản chất nghi lễ - sợi chỉ xuyên suốt tác phẩm. Quá trình khái lược cuộc đời các tác giả và tác phẩm giúp hệ thống hóa đặc điểm nghi lễ trong tác phẩm, từ đó làm sáng tỏ giá trị nội dung và nghệ thuật. Những điều này được tìm hiểu càng kỹ thì các đặc điểm biểu hiện trong chương hai càng chi tiết, rõ ràng, hệ thống. Chương 2: Một số đặc điểm của nghi lễ hiến tế trong Ông già và biển cả Trong Ông già và biển cả có ba đặc điểm của nghi lễ hiến tế. Đó là sự tồn tại của tính đối lập, tính chu kỳ và tính biểu tượng. Ở mỗi đặc điểm, tác phẩm đều có những biểu hiện đa dạng, phong phú, ứng với các đặc điểm, giai đoạn của nghi lễ hiến tế trong văn hoá xa xưa. Việc khai thác các tính chất, đặc điểm hiến tế từ tác phẩm trong chương 2 cụ thể hóa từ hệ thống lý thuyết trong chương một. Từ đây, những giá trị nội dung, nghệ thuật được khai thác và trình bày trong chương hai trở thành nguồn kiến thức phong phú, mới mẻ trong dạy học. Chương 3: Ứng dụng dạy học hiến tế trong Ông già và biển cả
  17. 10 Trọng tâm của dạy học Ông già và biển cả dưới góc nhìn nghi lễ hiến tế là hướng đến dạy học phân hoá. Từ thực tiễn khảo sát hiện trạng lớp chuyên, trường chuyên trong đợt thực tập sư phạm vừa qua, công trình đề xuất kế hoạch bài dạy chuyên đề cho học sinh lớp 12 khối chuyên. Đồng thời, đề xuất giảng dạy kiểu module cho sinh viên khoa Ngữ Văn, Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chì Minh ở bộ môn Văn học phương Tây theo hướng chuyên môn hoá. Từ lý thuyết chung trong chương một đến những biểu hiện cụ thể từ tác phẩm trong chương hai, chương ba tiến hành trình bày ứng dụng dạy học phân hoá trong bối cảnh mới, biểu hiện qua hình thức giảng dạy chuyên đề cho học sinh phổ thông và cách dạy module cho sinh viên đại học. Cách xây dựng nội dung cần đạt hay mục tiêu bài học đều dựa vào một số đặc điểm hiến tế được làm rõ trong chương một và chương hai. Thế nên, hai chương đầu tìm hiểu kiến thức càng sâu thì ứng dụng tại chương ba càng được thể hiện rõ ràng, bám sát nhu cầu, sở thích, mục dích, động cơ học tập của học sinh, sinh viên. CHƯƠNG 1: CƠ SỞ LÝ LUẬN 1.1 Khái niệm nghi lễ hiến tế Hiến tế có lẽ là một trong những nghi lễ cổ xưa nhất trên thế giới. Nghi lễ hiến tế là một chuỗi hành động tiến hành theo nguyên tắc, khuôn mẫu nhất định, tuỳ vào mục đích mà đối tượng hiến tế được lựa chọn theo những tiêu chí, đặc điểm cụ thể. Chẳng hạn, gà trống, chó và ngựa là ba con vật có chức năng dẫn dắt linh hồn nên được chọn làm vật hiến sinh cho người chết ở Đức. Trong khi đó, ở Nemi xưa kia, những ai muốn trở thành “ông vua của rừng” thì phải tự tay giết chết tư tế đang tại vị, dùng họ làm vật hiến sinh. Vì họ có đủ sức mạnh, tư chất để trở thành vật hiến tế nên người tham gia nghi lễ nhận được lợi ích vô cùng to lớn. Đó là trở thành vị tư tế tiếp theo. Đối tượng hiến tế dù có là đồ vật, cây cối, động vật hay con người thì đều mang tính chất thiêng liêng, đem lại lợi ích cho người tiến hành nghi lễ. Vật hiến tế càng có giá trị, càng thiêng liêng thì lợi ích mà người tham gia nhận được càng lớn.
  18. 11 Nghi lễ hiến tế tồn tại trong văn hoá phương đông và phương tây với các biểu hiện, vai trò, ý nghĩa đa dạng. Ở phương đông, người ta thường tiến hành hiến tế vào lễ kỷ niệm ngày sinh của một đứa trẻ, vào việc xây dựng nhà cửa để quá trình xây cất, sinh sống diễn ra suôn sẻ, để cầu mong phước lành trong năm, để rửa tội,… Vật hiến tế thường xuất hiện trong nghi lễ là dê, gà, bò, lạc đà, cừu,… Ở Nhật Bản, truyền thuyết con dê đực hết sức phổ biến. Ý nghĩa biểu tượng dê đực ở đất nước này có nét tương đồng với nhiều quốc gia trên thế giới. Dê đực đóng vai trò là vật hiến tế, là đối tượng chịu tội thay cho con người. Dê đực chịu tội là minh chứng cho thái độ muốn trút hết tội lỗi lên đối tượng khác. Để nghi lễ diễn ra thành công, dê đực phải hy sinh. Như vậy, dê đực đã gánh hết tất cả tội lỗi cho con người và trở nên vô cùng thiêng liêng khi là vật hiến tế. Nghi lễ hiến sinh có thể được tổ chức sau một chiến thắng nào đó, với ước muốn duy trì may mắn suốt năm. Sau khi tiến hành xong nghi lễ, người ta thường tận dụng một phần máu, xác hay những thứ gắn liền với vật hiến tế để lưu giữ với hy vọng điềm lành sẽ đến. Những nghi lễ này không khó bắt gặp ở Trung Quốc, Ấn Độ cùng một số quốc gia lân cận. Một số sách cổ ở Ấn Độ còn lưu lại đến ngày nay cho thấy nghi lễ hiến sinh thường tổ chức định kỳ sau mỗi chiến thắng. Khi đó, người ta dùng đất ở nơi con lợn hiến sinh để dựng bàn thờ trong nhà với hy vọng sức mạnh của nó mãi tồn tại dưới lớp đất của chiếc bàn thờ. Trong trường hợp khác, ngón tay đau do gảy đàn của con người có thể hồi phục trong tích tắc bởi lẽ “khi các ngón tay bị tê cóng, bạn chỉ cần chạy ra cánh đồng, bắt lấy một con nhện chân dài, rồi nướng con vật khốn khổ đó trên lửa và lấy tro xác của nó xoa lên các ngón tay; sau khi làm như vậy, bàn tay sẽ thanh thoát cũng như những chiếc chân con nhện.” (James George Frazer, 65) Ở phương tây, nghi lễ hiến tế có lẽ khởi điểm trước hết từ tình yêu. Đó là tình yêu của những con người trần thế hoặc tình yêu đối với thần thánh. Tình yêu trở thành động cơ để con người chấp nhận, cố gắng vượt qua đau khổ, trở thành vật hiến sinh, mang lại lợi ích cho đối tượng tham gia. Trong mọi truyền thuyết, độc giả
  19. 12 không khó nhận ra hình ảnh người con trai hoặc người con gái chấp nhận hy sinh. Trường hợp Abraham và Issac là hình tượng nổi bật hơn cả trong các nghi lễ hiến sinh. Tuy nhiên, trong hiến tế, nếu sự tự nguyện nhún nhường gắn với lòng kiêu căng ngầm thì rất dễ dẫn đến nguy cơ tự hành hạ bản thân. Thế nên, khi Abraham đau đớn trước việc chấp nhận hiến sinh không được từ chối thì Sara không chịu nổi kích động vì nghĩ rằng con mình đã qua đời. Điểm chung giữa các nghi lễ hiến sinh là sự thanh tẩy. Nếu khởi điểm trong nghi lễ là tình yêu bị vấy bẩn do lòng thù hận thì nghi lễ đó không có giá trị thanh tẩy nữa. Như vậy, nghi lễ hiến tế sẽ mất đi bản chất vốn có của nó. Đó là lý do vì sao mà cừu non trở thành biểu tượng trong nghi lễ hiến tế ở nhiều nơi trên thế giới. Bởi lẽ cừu non là con vật thuần khiết, trong trắng, quý giá. “Ở Hy Lạp, sự hiến tế được xem là biểu tượng của sự chuộc tội, sự tẩy uế, sự làm nguôi giận, sự cầu phúc.” (Jean Chevalier – Alain Gheerbrant, 397). Thế nên người ta dâng lên cho các vị thần linh trên trời vật hiến tế có màu sáng và các vị thần ở âm ty vật hiến sinh có màu tối. Cách dâng vật hiến tế này phù hợp với mục đích và ý nghĩa tiến trình. Màu sáng, may mắn, sự thuần khiến gắn liền với thế giới thần linh trên trời. Ngược lại, gam màu tối, sự xúi quẩy, u ám lại gắn liền với thế giới các vị thần ở chốn âm ty. Hơn nữa, máu chảy từ cổ vật hiến sinh rưới lên bàn thờ như một sự thanh tẩy, trừ khử những thứ ô uế, xấu xa, bắt đầu lại với những điều mới mẻ, may mắn. Việc dùng máu để tẩy uế là một đặc điểm quan trọng trong nghi lễ hiến sinh ở đây bởi lẽ, người Hy Lạp cho rằng, phạm tội nhẹ thì chỉ cần dùng nước và lửa để thanh tẩy. Tuy nhiên, nếu phạm phải tội giết người, người ta chỉ có thể rửa tội bằng máu. Khi ấy, những người dân trong làng thực hiện nghi lễ hiến sinh. Họ giết chết một loài động vật trong làng và dùng máu tưới lên kẻ phảm tội. Với những tội lỗi nặng nề, chỉ có thể dùng máu mới có thể xoá đi cho con người. Điểm chung của nghi lễ hiến tế ở phương đông và phương tây đều là chọn lọc những vật hiến tế phù hợp với mục đích. Sau đó, tiến hành nghi lễ hiến tế vào thời điểm thích hợp để đạt được lợi ích. Lợi ích con người nhận được từ các nghi lễ hiến
  20. 13 sinh thường gắn với lợi ích cộng đồng. Khái quát theo Từ điển biểu tượng văn hoá thế giới, có thể hiểu nội dung nghi lễ hiến tế “là hành động cho một vật hoặc một người nào đó trở thành thiêng liêng, nghĩa là làm cho cái đem dâng hiến, cho dù đó là của cải riêng hoặc cuộc sống bản thân, cách biệt với người dâng hiến; đồng thời cũng cách biệt với cả nhân quần trần tục; cách biệt với chính mình để được dâng cho Thần Linh, nhằm chứng tỏ sự lệ thuộc, sự phục tùng, sự ăn năn hối lỗi hay tình yêu. Của cải khi đã hiến dâng Thần Linh như vậy trở nên không thể chuyển nhượng được nữa - vì vậy nó thường được thiêu hay huỷ đi - hoặc không được đụng đến vì đã thuộc sở hữu Thánh thần, như vậy thật là hấp dẫn và đáng sợ.” (Jean Chevalier – Alain Gheerbrant, 396) Theo từ điển Hán Việt của Thiều Chửu, nghi (儀) có nghĩa là “làm mẫu, làm phép cho người ta bắt chước”. (Thiều Chửu, 43) Lễ (禮) mang ý nghĩa “Lễ, theo cái khuôn mẫu của người đã qua, định ra các phép tắc, từ quan, hôn, tang, tế cho đến đi đứng nói năng đều có cái phép nhất định phải như thế gọi là lễ.” (Thiều Chửu, 540). Hiến (獻) có nghĩa “là dâng, biếu”. (Thiều Chửu, 470). Tế (祭) “là cúng tế” (Thiều Chửu, 538) Vậy nghi lễ hiến tế có thể hiểu khuôn mẫu các hành động dâng hiến một đối tượng nào đó (thường là con vật, con người) cho một đối tượng khác (thường là thần linh). Cho đến ngày nay, ở các quốc gia phương đông, mỗi khi đến những dịp trọng đại, người ta thường thực hiện nghi lễ cúng tế thần thánh, tổ tiên để ước muốn trở thành hiện thực. Người ta quan niệm bản thân sẽ có được cuộc sống giàu sang, buôn may bán đắt, vợ đẹp con ngoan, gia đình đầm ấm,...nếu cứ đều đặn dâng lễ vật cúng tế cho các thánh thần. Theo từ điển Oxford Learner’s Dictionary, nghi lễ (ritual) được định nghĩa là “một chuỗi những hoạt động lặp đi lặp lại theo cùng một cách thức, đồng thời cũng có thể hiểu là một phần của tôn giáo”. (Nhiều tác giả, 382) Hiến tế (sacrifice) có thể hiểu là “hành động dâng tặng một điều gì đó có giá trị để đổi lấy một điều gì đó quan trọng với mục đích tốt đẹp.” hay “hành động dâng hiến một thứ gì đó có giá trị cho một vị thần” (Nhiều tác giả, 388). Như vậy, nghi lễ hiến tế là một chuỗi
nguon tai.lieu . vn