Xem mẫu

  1. KHOA LUẬT ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI BỘ MÔN LÝ LUẬN VÀ LỊCH SỬ NHÀ NƯỚC VÀ PHÁP LUẬT ---0-0--- TRẦN TUẤN KIỆT Những giá trị kế thừa của chế định hồi tỵ và định hướng áp dụng trong phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam hiện nay KHÓA LUẬN TỐT NGHIỆP HÀ NỘI - 2020
  2. KHOA LUẬT ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI BỘ MÔN LÝ LUẬN VÀ LỊCH SỬ NHÀ NƯỚC VÀ PHÁP LUẬT ---0-0--- TRẦN TUẤN KIỆT Những giá trị kế thừa của chế định hồi tỵ và định hướng áp dụng trong phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam hiện nay KHÓA LUẬN TỐT NGHIỆP Người hướng dẫn khoa học: PGS.TS. Nguyễn Minh Tuấn HÀ NỘI - 2020 1
  3. LỜI CAM ĐOAN Tôi xin cam đoan báo cáo này là nghiên cứu của riêng tôi. Các tài liệu, tư liệu được sử dụng trong báo cáo có nguồn dẫn rõ ràng, các kết quả nghiên cứu là quá trình lao động trung thực của tôi. Tôi xin chân thành cảm ơn! NGƯỜI CAM ĐOAN Trần Tuấn Kiệt 2
  4. MỤC LỤC MỞ ĐẦU ................................................................................................................... 5 CHƯƠNG 1. SƠ LƯỢC VỀ KHÁI NIỆM VÀ LỊCH SỬ HÌNH THÀNH CỦA CHẾ ĐỊNH HỒI TỴ ................................................................................................ 8 1.1. Định nghĩa ........................................................................................................... 8 1.2. Lịch sử hình thành và phát triển .......................................................................... 9 1.2.1. Nguồn gốc của luật hồi tỵ ................................................................................ 9 1.2.1.1. Sự hình thành và xu thế phát triển của bộ máy nhà nước quan liêu ở Việt Nam .................................................................................................................................. 9 12.1.2. Sự hình thành và phát triển các mối quan hệ xã hội căn bản trong truyền thống văn hóa Việt Nam ........................................................................................... 14 1.2.2. Luật hồi tỵ ở Việt Nam: triều đại Lê Thánh Tông .......................................... 21 1.2.2.1. Bối cảnh....................................................................................................... 21 1.2.2.2. Sơ lược về những cải cách hành chính và bộ máy nhà nước thời Lê Thánh Tông .............................................................................................................. 22 1.2.2.3. Luật hồi tỵ dưới triều Lê Thánh Tông ......................................................... 26 1.2.2.4. Nhận xét....................................................................................................... 28 1.2.3. Luật hồi tỵ ở Việt Nam: triều Minh Mạng trở về sau .................................... 28 1.2.3.1. Bối cảnh....................................................................................................... 28 1.2.3.2. Sơ lược về tổ chức bộ máy nhà nước thời Minh Mạng ............................... 29 1.2.3.3. Luật hồi tỵ dưới triều Minh Mạng............................................................... 31 1.2.3.4. Sự kế thừa và phát huy các quy định hồi tỵ của Minh Mạng của các đời vua nhà Nguyễn ............................................................................................................... 33 1.2.3.5. Nhận xét....................................................................................................... 35 1.2.4. Tiểu kết: .......................................................................................................... 35 CHƯƠNG 2. TRIỂN VỌNG KẾ THỪA VÀ PHÁT HUY CHẾ ĐỊNH HỒI TỴ TRONG XÂY DỰNG ĐỘI NGŨ CÁN BỘ, CÔNG CHỨC HIỆN NAY ......... 38 2.1. Sơ lược về xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức Việt Nam hiện nay .... 38 3
  5. 2.1.1. Khái niệm cán bộ, công chức ......................................................................... 38 2.1.2. Sơ lược về tổ chức bộ máy nhà nước Việt Nam hiện đại ............................... 42 2.1.2.1. Hình thức nhà nước Việt Nam..................................................................... 42 2.1.2.2. Khái quát về tổ chức bộ máy nhà nước Việt Nam ...................................... 45 2.1.3. Tổng quan về quy chế pháp lý của cán bộ, công chức, viên chức của Việt Nam . 47 2.2. Những triển vọng của việc áp dụng chế định hồi tỵ trong phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam hiện nay ..................................................................................... 50 2.2.1. Sự hiện diện của những quy định mang tính chất hồi tỵ trong pháp luật Việt Nam50 2.2.2. Cơ sở của việc áp dụng chế định hồi tỵ trong bối cảnh ngày nay ................. 55 CHƯƠNG 3. ĐỊNH HƯỚNG ÁP DỤNG LUẬT HỒI TỴ VÀO XÂY DỰNG ĐỘI NGŨ CÁN BỘ, CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC VIỆT NAM HIỆN NAY . 57 3.1. Chú ý đến yêu cầu về sự cân bằng giữa hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước và hiệu quả chống tham nhũng ....................................................................... 57 3.2. Kiến nghị một số quy định mang tính hồi tỵ có thể áp dụng trong bối cảnh hiện tại ..................................................................................................................... 58 KẾT LUẬN ............................................................................................................. 61 DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO .............................................................. 62 4
  6. MỞ ĐẦU 1. Tính cấp thiết của đề tài Luật “hồi tỵ” đã xuất hiện rải rác trong quan chế các triều đại quân chủ Việt Nam kể từ Lê Sơ, và cho đến nay vẫn xuất hiện một cách khiêm tốn trong một số quy định pháp luật về tổ chức nhân sự của bộ máy nhà nước hiện đại. Được áp dụng tại Việt Nam lần đầu dưới triều vua Lê Thánh Tông và phát triển đến đỉnh cao dưới triều Minh Mạng, chế định hồi tỵ đã đóng góp phần không nhỏ vào việc giữ gìn sự trong sạch của bộ máy nhà nước, ngăn chặn tham nhũng và thiên vị. Thực tế trong các cơ quan chính quyền hiện nay, tình trạng “gia đình trị”, hiện tượng “cả họ làm quan” không phải hiếm gặp. Nhiều ví dụ đã từng được báo chí phản ánh trong thời gian qua như tại (An Dương) Hải Phòng, (Mỹ Đức) Hà Nội, Bắc Giang… và đặc biệt là trường hợp “gia đình họ Triệu” ở Hà Giang, khiến cho dư luận buộc phải nghi vấn liệu có thiên vị, cất nhắc người nhà hay không. Đây là một điều kiện thuận lợi cho tham nhũng nảy sinh, thậm chí nghiêm trọng hơn, được che đậy; và thực tế là những sự việc như vậy thường chỉ được phát hiện sau nhiều năm, và thường là khi số lượng thành viên của một gia đình, họ tộc trong bộ máy chính quyền địa phương trở nên đủ nhiều để gây chú ý trong dư luận. Luật “hồi tỵ” được xây dựng và áp dụng nhằm ngăn chặn những tình huống tương tự xảy ra. Vì vậy,mặc dù là một chế định đã tồn tại từ thời quân chủ lạc hậu, nhưng luật “hồi tỵ” vẫn là một giải pháp có giá trị đối với sự nghiệp phòng, chống tham nhũng của nhà nước ta. Tuy nhiên, việc nghiên cứu luật “hồi tỵ” nhằm ứng dụng vào công tác cán bộ ngày nay vẫn còn đang bỏ ngỏ. Vì thế người viết khóa luận chọn đề tài “Những giá trị kế thừa của chế định hồi tỵ và định hướng áp dụng trong phòng, chống tham nhũng Việt Nam hiện nay” nhằm đề xuất một số định hướng cho việc áp dụng trở lại chế định này, phục vụ phòng, chống tham nhũng hiệu quả hơn. 2. Tình hình nghiên cứu Chế định hồi tỵ với tư cách là một trong các biện pháp phòng, chống tham nhũng 5
  7. được áp dụng bởi các triều đại quân chủ Việt Nam thời kỳ trung đại cho đến nay vẫn chưa nhận được nhiều sự quan tâm của các nhà khoa học. Trong hầu hết các công trình nghiên cứu chỉ dừng lại ở việc liệt kê chế định hồi tỵ như một trong tổng thể các biện pháp phòng, chống tham nhũng đã được các triều đại áp dụng như bài viết “Kinh nghiệm xây dựng và sử dụng đội ngũ quan lại trong nền hành chính Việt Nam thời kỳ phong kiến” của tác giả Nguyễn Thị Việt Hương; “Lê Thánh Tông và vấn đề xây dựng đội ngũ quan lại – bài học kinh nghiệm” của tác giả Trương Vĩnh Khang; “Lê Thánh Tông và vấn đề xây dựng đội ngũ quan lại – bài học kinh nghiệm” của tác giả Tạ Ngọc Huyền; “Quan chế dưới triều vua Lê Thánh Tông và giá trị kế thừa trong xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức Việt Nam hiện nay” của tác giả Hoàng Thị Kim Quế; “Những biện pháp chống tham nhũng của các nhà nước phong kiến Việt Nam” của tác giả Vũ Thị Phụng... Nhìn chung các nghiên cứu này chưa đi sâu vào phân tích các vấn đề pháp lý của chế định hồi tỵ. Một số công trình tiên phong trong lĩnh vực này là nghiên cứu ‘Hồi tỵ - bài học quý trong đổi mới công tác cán bộ” của tác giả Đỗ Minh Cương; luận văn thạc sĩ “Vận dụng pháp luật hồi tỵ thời kỳ phong kiến Việt Nam trong phòng chống tham nhũng ở nước ta hiện nay” của tác giả Quyền Hồng Nhung. Đây là những công trình có giá trị trong cả khoa học lý luận và thực tiễn. Những công trình này chính là cơ sở, tiền đề để tìm hiểu, nghiên cứu sâu hơn về vấn đề áp dụng chế định hồi tỵ vào phòng chống tham nhũng ở Việt Nam hiện nay. Trên cơ sở đó, tác giả hy vọng sẽ tiếp thu được những tinh hoa của những công trình nghiên cứu đã công bố, đồng thời với sự nghiên cứu nghiêm túc, tác giả sẽ đưa ra được những phân tích rõ ràng hơn các vấn đề về tư tưởng đằng sau và các khía cạnh pháp lý của chế định hồi tỵ, từ đó đề xuất các định hướng nghiên cứu và áp dụng quy định này. 3. Mục đích và nhiệm vụ của việc nghiên cứu đề tài Đề tài nghiên cứu các vấn đề lý luận liên quan đến chế định hồi tỵ, đồng thời nghiên cứu triển vọng và đưa ra một số đề xuất áp dụng vào phòng, chống tham nhũng hiện nay. Để thực hiện nhiệm vụ đó, việc nghiên cứu đề tài có nhiệm vụ sau:  Nghiên cứu, làm rõ các vấn đề lý luận về nguồn gốc, sự phát triển và các khía cạnh pháp lý của luật hồi tỵ, phân tích trong mối tương quan với những nhu cầu cụ thể và nguyên tắc của nhà nước thời quân chủ; 6
  8.  Nghiên cứu, làm rõ các nguyên tắc của nhà nước hiện đại nói chung và xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nói riêng tại Việt Nam;  Qua đó, chỉ ra những vấn đề về tham nhũng mà chế định hồi tỵ có thể được cân nhắc như một giải pháp bổ sung có hiệu quả và đưa ra những đề nghị mang tính chất định hướng. 4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu Khóa luận nghiên cứu về vấn đề áp dụng chế định hồi tỵ vào phòng chống tham nhũng ở Việt Nam hiện nay. Phạm vi nghiên cứu của khóa luận tập trung vào các quy định hồi tỵ được áp dụng trong lịch sử các triều đại quân chủ Việt Nam và các quy định về xây dựng, tổ chức, sử dụng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức Việt Nam hiện đại. 5. Phương pháp nghiên cứu Đề tài vận dụng các phương pháp của Chủ nghĩa duy vật biện chứng Mác-Lê nin và các phương pháp chuyên ngành khoa học pháp lý để giải quyết những vấn đề lý luận và pháp lý liên quan, trong đó, chú trọng sử dụng các phương pháp lịch sử để thấy được sự ra đời và phát triển của các quy định hồi tỵ; phương pháp logic pháp lý để làm rõ bản chất nội hàm các quy định hồi tỵ và các nguyên tắc pháp luật trong xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức Việt Nam hiện đại nói riêng, các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước Việt Nam nói chung. 6. Kết cấu của khóa luận Ngoài phần Mở Đầu, Kết Luận và Danh Mục Tài Liệu Tham Khảo, khóa luận có 03 chương với nội dung: Chương 1: Sơ lược về khái niệm và lịch sử hình thành của chế định hồi tỵ Chương 2: Triển vọng kế thừa và phát huy chế định hồi tỵ trong xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức hiện nay Chương 3: Định hướng áp dụng luật hồi tỵ vào xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức việt nam hiện nay 7
  9. CHƯƠNG 1. SƠ LƯỢC VỀ KHÁI NIỆM VÀ LỊCH SỬ HÌNH THÀNH CỦA CHẾ ĐỊNH HỒI TỴ 1.1. Định nghĩa Luật “hồi tỵ” (chữ Hán: 迴避 (phồn thể) hoặc 回避l (giản thể), tiếng Anh: Rules of Avoidance) có thể hiểu sơ lược là “luật về sự tránh né”. Luật hồi tỵ là một chế định đặc biệt trong pháp luật Việt Nam thời quân chủ, được xây dựng nhằm hạn chế việc những người có quan hệ gần gũi, nhất là người trong gia đình, dòng tộc có cơ hội làm việc trong cùng một cơ quan nhà nước hoặc các cơ quan nhà nước khác nhau nhưng có quan hệ mật thiết với nhau về mặt hành chính (thường là trong cùng một lãnh thổ hành chính); cũng như hạn chế người làm quan phát triển những mối quan hệ ngoài công việc. Mục tiêu của những quy định này là nhằm tránh việc những người nắm quyền hành bao che, nâng đỡ người thân thuộc hoặc lạm dụng quyền hạn thực hiện hành vi tiêu cực khác, ảnh hưởng đến quản lý địa phương và cơ quan của mình. Quy định hồi tỵ cũng được áp dụng trong các kỳ thi tuyển dụng quan lại của triều đình quân chủ Nho giáo. Các quy định như vậy nhắm đến việc loại bỏ hiện tượng những người thân thuộc gần gũi với nhau kéo bè kết phái bao che, hỗ trợ lẫn nhau, là môi trường lý tưởng của tham nhũng. Luật Hồi tỵ ở Việt Nam bắt đầu xuất hiện từ đời Hồng Đức (1460 – 1497), học tập những quy định tương tự từ Trung Hoa vốn đã có từ triều đại nhà Tùy. Luật hồi tỵ dưới triều Nguyễn, Nguyễn Sĩ Giác đã lý giải khá đơn giản nhưng đúng tinh thần, rằng: “Trong một nha môn hay một hạt, cha con anh em hay thân thích khác không được làm cùng một việc, nếu chánh phủ không biết mà bổ, thì các đương sự phải khai ra, để đổi một người đi nơi khác. Nhất là các khoa thi các viên chức được sự chân khảo quan, nếu có anh em, con cháu dự kỳ thi đó, phải khai thực mà xin hồi tỵ, chứ không được nhận làm khảo quan”.1 1 Nguyễn Sĩ Giác (dịch) (1962), Đại Nam điển lệ toát yếu, Đại học Luật khoa Sài Gòn. Xem chú thích Điều 97 “Hồi tỵ”. 8
  10. 1.2. Lịch sử hình thành và phát triển 1.2.1. Nguồn gốc của luật hồi tỵ Dưới đây sẽ chứng minh luật hồi tỵ ra đời do hai nguyên nhân: (i) sự phát triển tất yếu của bộ máy nhà nước quan liêu đặt ra yêu cầu cao về chống tham nhũng và đảm bảo hiệu quả của bộ máy đó; và (ii) sự hình thành và phát triển của các mối quan hệ xã hội đặc biệt quan trọng đối với cá nhân gồm quan hệ gia đình, quan hệ dòng tộc và quan hệ với quê hương, điều đã gợi ý một cách tiếp cận trong phòng chống tham nhũng: phân lập, cách ly những mối quan hệ này khỏi các quan hệ công. 1.2.1.1. Sự hình thành và xu thế phát triển của bộ máy nhà nước quan liêu ở Việt Nam Bộ máy hành chính quan liêu của Việt Nam được xây dựng và phát triển qua các triều đại quân chủ song song với sự phát triển của đất nước. Chiếm vai trò trung tâm trong các bước phát triển của bộ máy quan liêu trong thời quân là nhu cầu mở rộng, tăng cường khả năng quản lý, kiểm soát đất nước của triều đình trung ương nhằm tập trung quyền lực về trong tay quân vương. Lịch sử nhà nước và pháp luật Việt Nam trong thời kỳ nhà Triệu (khoảng thế kỷ II TCN trở về trước) vẫn còn nhiều tranh cãi, và còn rất nhiều chi tiết vẫn chưa được các học giả thống nhất. Tuy nhiên, về phương diện nhà nước và pháp luật, có một số vấn đề đã đạt được sự đồng thuận tương đối rộng rãi trong các cuộc thảo luận học thuật về lịch sử: thời kỳ Hùng Vương có sự hiện diện của chế độ công xã nông thôn (gọi là các “bộ”, đứng đầu bởi các “Lạc tướng” cha truyền con nối – tức là các tù trưởng địa phương) và được lãnh đạo bởi một “Hùng Vương” – thủ lĩnh của một liên minh các bộ lạc.2 Do nhu cầu liên kết quần chúng mạnh để trị thủy và chống lại các cuộc tấn công từ bên ngoài, cấu trúc sơ khai của một bộ máy nhà nước đã xuất hiện. 2 Xem thêm: Nguyễn Minh Tuấn (2007), Nhà nước Văn Lang – Nhà nước siêu làng, Tạp chí Khoa học của Đại học Quốc gia Hà Nội, chuyên san Kinh tế - Luật Tập 23, Số 3 tại: http://tuanhsl.blogspot.com/2007/11/ti-sao-ni-nh-nc-vn-lang-l-nh-nc-siu-lng.html, truy cập ngày 29/4/2020. 9
  11. Bộ máy nhà nước Việt Nam bắt đầu đạt được sự phát triển đáng kể là từ khi Triệu Đà cai trị Việt Nam. Việc chấp nhận hay không nhà Triệu là một triều đại quân chủ Việt Nam hay là một thế lực phương Bắc xâm lược cũng là một vấn đề gây tranh cãi, đăc biệt là trong giới sử học, tuy nhiên bằng việc đặt vùng dất cũ của Văn Lang thành quận huyện của nước Nam Việt, nhà Triệu lần đầu tiên cho người Việt trải nghiệm mô hình nhà nước trung ương – địa phương giản đơn. Ảnh hưởng quan trọng nhất của thời kỳ Bắc thuộc lần thứ nhất nối tiếp sau kỷ nhà Triệu là sự du nhập của Nho giáo. Sử Việt Nam ghi lại một số nhân vật người Hán có vai trò then chốt trong việc phát triển du nhập Nho giáo vào nước ta, có thể kể đến như Tích Quang (chức Thái thú quận Giao Chỉ dưới thời Hán Bình Đế), Nhâm Diêm (chức Thái thú quận Cửu Chân dưới thời Hán Quang Vũ Đế) và đặc biệt là Sĩ Nhiệp (Sĩ Vương) (chức Thái thú quận Giao Chỉ cuối đời Hán và trong thời kỳ Tam Quốc). Bộ máy nhà nước Việt Nam tiếp tục phát triển dần lên trên nền tảng văn hóa mà những ảnh hưởng Nho giáo giữ vị trí trung tâm, cho đến thời điểm Bảo Đại thoái vị năm 1945 và nền quân chủ Việt Nam chấm dứt. Bắt đầu từ năm 938 khi nước ta giành độc lập và thiết lập chính quyền, tổ chức nhà nước khá giản đơn. Đại Việt Sử Ký Toàn Thư chỉ chép ngắn gọn: “Tiền Ngô [Vương] nổi lên không chỉ có công chiến thắng mà thôi, việc đặt trăm quan, chế định triều nghi phẩm phục, có thể thấy được quy mô của bậc đế vương”.3 Buổi đầu dựng nước, chưa có quốc hiệu mà vẫn gọi là Tĩnh hải quân (theo cách gọi khi còn bị nhà Đường đô hộ), đóng đô tại Cổ Loa, bộ máy nhà nước cơ bản học theo bộ máy đô hộ cũ: tuy Ngô Quyền đã xưng vương nhưng ở địa pương vẫn đặt chức thứ sử đứng đầu 8 châu.4 Tuy vậy, vẫn còn dấu vết của tâm lý địa phương chủ nghĩa: việc di dời kinh đô về Hoa Lư không chỉ do nhu cầu phòng thủ quân sự mà còn thể hiện tâm lý địa phương không chỉ riêng trong Hoàng tộc và triều đình, mà còn của các tập đoàn quyền lực khác ở phủ Đô Hộ cũ nữa.5 3 Sử thần triều Lê (1998), Đại Việt Sử Ký Toàn Thư (Tập 1), NXB Khoa học xã hội, tr.205. 4 Đào Duy Anh (2005), Đất nước Việt Nam qua các đời, Nhà xuất bản Văn hóa thông tin, tr.111. 5 Tạ Chí Đại Trường (2009), Sơ thảo: Bài sử khác cho Việt Nam, ấn bản điện tử, tr. 69. Có tại: https://nhatbook. com/wp-content/uploads/2018/12/Bai-Su-khac-cho-Viet-Nam_-Ta-chi-Dai- Truong.pdf, truy cập ngày 29/4/2020. 10
  12. Nối tiếp nhà Ngô là thời kỳ thường được gọi là “loạn 12 sứ quân”,6 trong đó cục diện cát cứ chiếm vai trò chủ đạo kể từ khi Nam Tấn Vương Ngô Xương Văn mất (năm 965),7 kết thúc khi Đinh Bộ Lĩnh chấm dứt thời kỳ này và lập nhà Đinh, chuyển nơi đóng đô về Hoa Lư do nhu cầu phòng thủ. Sử sách cũng chép không quá chi tiết về bộ máy nhà nước thời kỳ này. Đại Việt sử ký toàn thư vắn tắt: “[Thái Bình] năm thứ 2 [971], (Tống Khai Bảo năm thứ 4) bắt đầu quy định ấp bậc văn võ, tăng đạo” và “[Thái Bình] năm thứ 5 [974], (Tống Khai Bảo năm thứ 7). Mùa xuân, tháng 2, quy định về quân mười đạo: mỗi đạo có mười quân, 1 quân có lữ, 1 lữ có 10 tốt, 1 tốt 10 ngũ, 1 ngũ 10 người”. Như vậy bộ máy nhà nước phát triển hơn nhà Ngô không nhiều, trừ việc chia lại hành chính để cai trị. Nhà Đinh quản lý toàn bộ Đại Cồ Việt, tuy nhiên tại từng vùng mức độ có khác nhau; những vùng nào xa kinh đô thì vẫn chỉ duy trì mối quan hệ rất lỏng lẻo với trung ương.8 Sau khi Đinh Tiên Hoàng mất, nhà Tiền Lê thành lập, nhà nước cũng không có nhiều sự thay đổi, ngoài việc chia lại các đơn vị hành chính thành các lộ, phủ, châu. Một hiện tượng đáng chú ý ở thời Tiền Lê là việc nhà vua phong vương và chia đất cho các hoàng tử, khiến cho quyền lực bị phân tán mạnh thay vì tập trung hóa. Tổng quát, bộ máy nhà nước Ngô – Đinh – Tiền Lê có hai đặc điểm: (i) Cơ cấu tổ chức đơn giản, mối quan hệ giữa trung ương và địa phương tương đối yếu, hiện tượng cát cứ phổ biến; và (ii) Phát triển quân sự phục vụ phòng thủ là ưu tiên hàng đầu của các nhà cầm quyền do liên tục phải ngăn ngừa nguy cơ bị xâm lược và đánh dẹp các lực lượng địa phương đối đầu (thực tế đây là mối đe dọa lớn hơn với sự tồn tại của triều đình trung ương). Tổng kết về tình trạng cát cứ địa phương thời kỳ này, PGS.TS. Nguyễn Minh Tuấn bình luận: “Trong giai đoạn phôi thai của nhà nước phong kiến, khi cuộc đấu tranh vũ trang giữa các lực lượng cát cứ và giữa chính quyền trung ương với các lực lượng cát cứ địa phương diễn ra mạnh mẽ thì chính quyền mới phải giải cho được bài toán về mối quan hệ giữa phân tán và tập quyền. Phân tán là bản chất của tính tiểu nông vốn vẫn tiềm ẩn. Trong thời kỳ cai trị phong kiến phương Bắc tính tự trị địa phương là rất cao, luôn 6 Một chi tiết đáng chú ý là thực tế, Đinh Bộ Lĩnh đã bắt đầu chống lại nhà Ngô từ năm 951. Xem Sử thần triều Lê (1998), Đại Việt sử ký toàn thư (Tập 1), NXB Khoa học xã hội, tr.207. 7 Sử thần triều Lê (1998), Đại Việt sử ký toàn thư (Tập 1), NXB Khoa học xã hội, tr.208-209. 8 Nguyễn Khắc Thuần (2008), Thế thứ các triều vua Việt Nam, Nhà xuất bản Giáo dục, tr.96. 11
  13. trong thế bùng phát, nguy cơ phân tán quyền”.9 Đây là một tình trạng rất bất lợi cho chính quyền trung ương mà sau này các triều đại quân chủ đều cố gắng giải quyết. Bước phát triển lớn đầu tiên của nhà nước Việt Nam bắt đầu khi nhà Lý thành lập. Vua Lý Thái Tổ dời đô từ vùng Hoa Lư về lại Đại La. Các triều vua nhà Lý đã tiến hành một loạt cải cách hành chính quan trọng, bao gồm việc phân định hệ thống cơ quan trong triều đình trung ương và chia đất nước thành nhiều đơn vị hành chính nhỏ, đơn vị hành chính địa phương có 4 cấp, hệ thống quan liêu đã bắt đầu hình thành. Nhà Lý đã bắt đầu áp dụng khoa cử từ thời Lý Nhân Tông (kỳ thi Minh Kinh bác học và Nho học tam thường năm 1075), bên cạnh các phương pháp truyền thống vốn có là tuyển cử, nhiệm cử và nộp tiền. Nhà Lý cũng đặt ra chế độ hộ tịch và chính sách “ngụ binh ư nông”, đánh dấu việc quản lý nhà nước đối với các địa phương đã phát triển đến một mức độ khác hẳn với các triều đại trước. Một loạt các cải cách khác như phát triển tổ chức bộ máy cấp trung ương, phát triển hệ thống đường sá, đặt ra hệ thống ngựa trạm... và đặc biệt là sự ra đời của bộ luật thành văn đầu tiên – bộ “Hình thư” đã cho thấy một nhà nước được tổ chức quy củ, mang tính tập quyền và thống nhất.10 PGS.TS. Trần Thị Vinh bình luận: “Nền hành chính quốc gia thời Lý, do Lý Thái Tổ là người đầu tiên xây dựng, đặt nền tảng cho sự phát triển về sau là một nền hành chính theo chế độ quân chủ tập trung quan liêu với hệ thống chính trị thống nhất từ trung ương tới địa phương được tập trung quyền hành vào trong tay triều đình, đứng đầu là vua”.11 Nhà Trần tiếp nối đà phát triển này: ở trung ương có bộ phận trung khu gồm Tể tướng, quan chức ở Khu mật viện, Hành khiển môn hạ sảnh tách khỏi và đứng trên cơ quan chức năng (các thượng thư sảnh và các cơ quan khác). Đây là bước phát triển trong kết cấu và cơ chế bộ máy nhà nước thời Trần. Tại địa phương có thêm một cải tiến quan trọng: ở địa phương đặt thêm các bộ phận hà đê (như 9 Nguyễn Minh Tuấn (2007), Mô hình chính quyền thời Ngô – Đinh – Tiền Lê, ấn bản điện tử tại: http://tuanhsl. blogspot.com/2007/11/t-chc-chnh-quyn-trung-ng-thi-ng-inh-tin.html, truy cập ngày 29/4/2020. 10 Tham khảo các phân tích về tổ chức nhà nước thời Lý trong Lê Thanh Bình (2001), Quan hệ giữa chính quyền trung ương với địa phương và việc phân chia vùng lãnh thổ thời Lý, Kỷ yếu hội thảo quốc tế lần thứ nhất Việt Nam học. 11 Trần Thị Vinh (2008), Thể chế chính trị ở Việt Nam thế kỷ XI – XIII dưới thời Lý, Kỷ yếu hội thảo quốc tế lần thứ ba Việt Nam học. 12
  14. trông coi đê điều), thủy lộ đề hình (trông coi giao thông đường thủy), liêm phóng (thanh tra, giám sát), khuyến nông. Sự quản lý của nhà nước không chỉ dừng ở mức độ giữ gìn sự ổn định đất nước, mà còn nhằm hỗ trợ phát triển kinh tế. Hê thống quan liêu phục vụ một nhà nước quân chủ tập quyền đã phát triển đến mức độ tương đối hoàn chỉnh. Bắt đầu từ cuối thế kỷ XIII, khuynh hướng nhà nước quân chủ dần dần đưa nho sĩ vào nắm các chức vụ quan trọng thay cho tầng lớp quý tộc bắt đàu rõ ràng.12 Sự thay đổi này đưa lại hai lợi ích: một mặt, chức năng quản lý của nhà nước được đặt vào tay những người có học vấn cao được tuyển chọn kỹ càng, đảm bảo hơn hiệu quả của bộ máy; mặt khác, hạn chế các cơ hội gia tăng quyền lực của chính những quý tộc, tông thất, đảm bảo quyền lực chỉ tập trung vào tay quân vương. Từ thời Lý – Trần trở về sau như sẽ được phân tích dưới đây, mô hình bộ máy hành chính Việt Nam quân chủ đã thành hình: một bộ máy quan liêu từ trung ương đến địa phương vừa nhằm tăng cường vai trò quản lý của nhà nước trong mọi mặt đời sống, vừa nhằm tập trung quyền lực vào tay hoàng đế thay vì phân chia cho các hoàng thân hoặc các đại thần có quá nhiều quyền hành. Xu hướng này là tất yếu trong sự phát triển của đất nước. Một mặt, bộ máy hành chính quan liêu được tổ chức theo mô hình thống nhất từ trên xuống dưới đảm bảo những người có quyền lực tại địa phương không thể vận dụng quyền lực đó mà không gắn bó chặt chẽ với trật tự hành chính mà nhà vua ngự trị trên đỉnh, cũng như khó có thể tự tách mình ra khỏi trật tự này để gây dựng thế lực cho cá nhân; mặt khác, bộ máy này đảm bảo duy trì trật tự chung của cả nước và thực hiện các chính sách, mệnh lệnh mà nha vua ban hành, giúp nhà vua thực hiện quyền lực tối cao của mình một cách hiệu quả nhất trên phạm vi toàn lãnh thổ. Tuy nhiên, bộ máy nhà nước càng mở rộng về chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức và quy mô càng, việc thống nhất điều hành của chính quyền trung ương càng khó khăn, nguy cơ tham nhũng càng lớn. Điều này đòi hỏi những biện pháp quản trị hữu hiệu, vừa ngăn cản được tham nhũng vừa phải bảo đảm được hiệu quả hoạt động của cả bộ máy. 12 Trần Thị Vinh (1988), Tìm hiểu thiết chế và tổ chức nhà nước thời Trần, Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, Số 240+241 (Tháng 3+4), tr.22. 13
  15. Ở đây đã đặt ra một thách thức quan trọng đối với mục tiêu này: bộ máy nhà nước quan liêu thời quân chủ không có sự phân chia rạch ròi các quyền lực nhà nước, và nhất thiết mọi quyền hành phải được tập trung vào tay nhà vua, đảm bảo nhà vua có quyền lực tối cao và toàn diện. Các cơ chế phân quyền (chiều dọc lẫn chiều ngang) để tạo ra khả năng kiềm chế, giám sát công quyền đều không thể nào đáp ứng yêu cầu này; do đó, phòng, chống tham nhũng thời kỳ này đòi hỏi những biện pháp khác phù hợp hơn. 12.1.2. Sự hình thành và phát triển các mối quan hệ xã hội căn bản trong truyền thống văn hóa Việt Nam Trong suốt quá trình phát triển của lịch sử dân tộc Việt Nam thời kỳ cổ, trung và cận đại, các mối quan hệ gia đình, dòng tộc, và đồng hương có vai trò và sức ảnh hưởng đối với cá nhân tăng dần theo thời gian. Đây là kết quả của nhiều yếu tố, trong đó quan trọng nhất là (i) những hệ quả của nền kinh tế nông nghiệp, đặc biệt là thực tế kinh tế tiểu nông đóng vai trò chủ đạo trong thời gian dài; và (ii) những ảnh hưởng của các học thuyết Nho giáo về đạo đức, nhất là về chữ “Hiếu”. Sự trân trọng các yếu tố gia đình, dòng tộc và quê hương đã được ghi nhận như một yếu tố quan trọng của đạo đức, nhưng mặt khác, các triều đình quân chủ cũng nhận thấy nguy cơ những mối quan hệ cục bộ này được một quan chức trong bộ máy nhà nước coi trọng hơn trách nhiệm mà họ được giao; và lợi ích của những người thân thích được đặt cao hơn lợi ích của cộng đồng. Dưới đây sẽ chứng minh sự hình thành và phát triển của những mối quan hệ cơ bản trên chịu sự quyết định bởi hai yếu tố: (i) nền kinh tế nông nghiệp quy mô nhỏ và giản đơn, bắt đầu bởi điều kiện tự nhiên thuận lợi và phát triển chịu ảnh hưởng mạnh mẽ các quyết sách kinh tế của các triều đình quân chủ dẫn dắt bởi hệ tư tưởng Nho giáo; và (ii) sự ảnh hưởng trực tiếp của Nho giáo đến đời sống tinh thần của nhân dân. Sự phân chia khía cạnh kinh tế (vật chất) và khía cạnh tinh thần này chỉ mang ý nghĩa tạo ra sự thuận tiện cho việc phân tích một vấn đề cụ thể này trong tổng thể truyền thống văn hóa Việt Nam – theo Đào Duy Anh, văn hóa bao gồm mọi phương diện từ học thuật, tư tưởng đến các sinh hoạt về kinh tế, chính trị, xã hội, các phong tục tập quán, “hai tiếng văn hóa chẳng qua là chỉ chung các phương diện sinh hoạt của loài người nên ta có thể nói rằng: Văn hóa tức là sinh hoạt”.13 13 Đào Duy Anh (1992), Việt Nam văn hóa sử cương, NXB Thành phố Hồ Chí Minh, tr.13. 14
  16. (a) Những ảnh hưởng của nền kinh tế nông nghiệp nhỏ lẻ, giản đơn đến tâm lý người Việt Do đặc thù của nền sản xuất Việt Nam có xuất phát điểm là sảm xuất nông nghiệp dựa vào phù sa và nước ngọt để tưới tiêu từ sông Hồng, tư duy kinh tế xem trọng nông nghiệp đã hình thành từ lâu đời trong văn hóa Việt. Những điều kiện tự nhiên trực tiếp ảnh hưởng đến vấn đề này bao gồm khí hậu, đất đai, nguồn nước ngọt của các sông..., tức là những điều kiện đặc biệt thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp, mà chiếm ưu thế nhất là hoạt động trồng cây lúa nước. Học giả Nguyễn Văn Huyên viết: “nông nghiệp là nguồn của cải chủ yếu của dân tộc Việt Nam. Lúa gạo chiếm vị trí hàng đầu chính là vì cây lúa rất cần đất bùn và ẩm, khí hậu nóng có có mưa nhiều và đều, cũng như cần một lực lượng nhân công đông đảo và rẻ tiền nên rất thích hợp với diềm châu thổ Việt Nam, chạy ven một đại dương to lớn của khu vực gió mùa miền nam châu Á”.14 Vì vậy Việt Nam được gọi là “Nông quốc”.15 Sự coi trọng nông nghiệp được thể hiện rõ ràng nhất qua truyền thống các vua cày ruộng tịch điền từ Kinh Lễ. Chương Nguyệt Lệnh chép: “Tháng ấy [mùa xuân] thiên tử bèn bắt đầu làm lễ dâng lúa gạo lên cho thượng đế. Thiên tử chọn buổi sáng ngày đầu, tự thân mang theo cày bừa, cho các quan phò tá cùng đi xe ngựa, dẫn tam công cửu khanh chư hầu và các đại phu kính cẩn cùng cày ruộng tịch điền. Thiên tử (đẩy cày tượng trưng) năm lần, khanh và chư hầu (đẩy cày tượng trưng) chín lần”16. Phong tục này được các vua Việt Nam tiếp tục từ nhà Tiền Lê, như theo sử chép: “Đinh Hợi [Thiên Phúc] năm thứ 8 [987] (Tống Ung Hy năm thứ 4). Mùa xuân, vua lần đầu cày ruộng tịch điền ở núi Đọi được một hũ nhỏ vàng. Lại cày ở núi Bàn Hải, được một hũ nhỏ bạc, nhân đó đặt tên là ruộng Kim Ngân”.17 Địa vị thống trị của hoạt động nông n ghiệp tại Việt Nam.cũng một phần nhờ ảnh hưởng của Nho giáo.Theo quan niệm Nho giáo, việc làm nông là thiết thực nhất với đời 14 Nguyễn Văn Huyên (2016), Văn minh Việt Nam, NXB Hội nhà văn, tr. 218. 15 Phan Kế Bính (1970), Việt Nam phong tục, Sài Gòn, tr. 253. 16 Nguyễn Tôn Nhan (dịch và chú giải) (1999), Kinh Lễ, NXB Văn Học, tr.101-102. 17 Sử thần triều Lê (1998), Đại Việt Sử Ký Toàn Thư (Tập 1), NXB Khoa học xã hội, tr.224. 15
  17. sống dân chúng, theo tinh thần “dân dĩ thực vi thiên” (dân lấy lương thực làm trọng).18 Các triều đại quân chủ Việt Nam đặc biệt là từ triều đại Lê Sơ trở đi do đó đều không quá chú ý đến phát triển thương mại hay các nghề thủ công mà tập trung vào phát triển nông nghiệp. Điều này lý giải sự quan tâm đặc biệt của triều đình về vấn đề ruộng đất và thủy lợi, bao gồm việc khai khẩn đất hoang, lập đồn điền, đắp đê và đào kênh. Sự ác cảm với thương mại và sự thờ ơ với thủ công nghiệp thể hiện khá rõ rệt triều Nguyễn. Thương mại bị hạn chế một cách mạnh mẽ: nội thương không quá phát triển do loại tiền lưu thông không tiện dụng (hệ thống tiền đồng vốn đã có từ thời Lê Sơ),19 trong khi đó ngoại thương bị nhà nước độc quyền. Năm 1834, vì những lo ngại phong trào nổi dậy của nhân dân lan rộng, Minh Mạng ra lệnh cấm chợ. Ở thời Nguyễn, mặc dù hệ thống đường sá giao thông đã có mức độ phát triển cao, các nghề thủ công cũng đạt được nhiều tiến bộ, ví dụ như việc đóng được tàu hơi nước vào năm 1839, tuy nhiên các chính sách của nhà Nguyễn không khuyến khích thủ công nghiệp.20 Những chính sách bất lợi cho thủ công nghiệp và cả thương nghiệp khiến cho nông nghiệp vẫn tiếp tục giữ thế độc tôn. Nguyễn Thế Anh đã nhận ra hiện tượng người dân dưới triều Nguyễn cất trữ tiền đồng thay vì đầu tư, một phần do tâm lý nông nghiệp đã hình thành trong nhân dân.21 Hệ quả không tránh khỏi của nền kinh tế nông nghiệp giản đơn là tư duy tiểu nông hình thành. Đời sống người nông dân gắn bó với ruộng đồng – những tài sản giá trị rất lớn nhưng không thể di chuyển, và sản xuất nông nghiệp không được kết nối tốt với thương mại do đó nông dân không có nhiều điều kiện hay nhu cầu đi xa khỏi phạm vi làng quê 18 Xem thêm: http://honguyenquancong.com/ve-to-so-%E2%80%9Cnuoc-lay-dan-lam-goc-dan-lay- an-lam-dau%E2%80%9D-gui-vua-gia-long-nam-1810-va-tam-long-thuong-dan-cua-vi-tong-tran- bac-thanh-nguyen-van-thanh, truy cập ngày 15/5/2020. 19 Lục Đức Thuận (1992), Tiền cổ Việt Nam, NXB Khoa học xã hội, tr.67. 20 Trương Hữu Quýnh (chủ biên) (2002), Đại cương Lịch sử Việt Nam (Tập 1), NXB Giáo dục, tr. 453. 21 Tác giả Nguyễn Thế Anh dẫn lại lời tâu của bộ Hộ lên vua Minh Mạng: “nhân dân hay chôn vàng, bạc và tiền đồng, thành thử vàng bạc ngày một lên giá, và hay đem bán ra người ngoại quốc, cho nên vàng bạc ngày một bớt số. Xin sức để cho các nhà hào phú có để của cho con cháu thì mua ruộng đất có sinh lợi hơn, mà cấm không cho bán ra nước ngoài”. Xem: Nguyễn Thế Anh (1971), Kinh tế & Xã hội Việt Nam dưới các vua triều Nguyễn, Nhà xuất bản Lửa Thiêng, tr 214- 215. 16
  18. mình đang sống. Mọi sinh hoạt thường ngày chỉ nằm trong một phạm vi nhỏ hẹp như vậy, do vậy quan hệ với những người cùng làng là rất gắn bó. Do đó, quê hương, làng xã có mức gắn bó rất chặt ché với một người về mặt tình cảm. Gia đình vốn là hạt nhân của xã hội Việt Nam. Dưới chế độ phụ hệ, còn hình thành các quan niệm về huyết thống, dòng tộc cha truyền con nối. Đó là quan hệ gia tộc, theo Đào Duy Anh giải thích gồm có hai mức độ: “một là nhà, hay tiểu gia đình, gồm vợ chồng cha mẹ và con cái, hai là đại gia đình, gồm cả đàn ông và đàn bà do cùng một ông tổ sinh ra, kể cả người chết lẫn người sống”. Hai mối quan hệ này được điều chỉnh bởi nhiều quy tắc đạo đức và tập quán phức tạp.22 Ở cấp độ gia đình, dòng tộc, sự gắn bó với làng quê cũng rất chặt chẽ: nhà thờ tổ họ đặt tại làng, người nào qua đời cũng được chôn cất tại làng. Do đó, làng là một cấu trúc xã hội đặc biệt quan trọng. Các làng thường có mức độ tự trị cao, hương ước, lệ làng có tác động điều chỉnh với cá nhân rõ rệt hơn so với luật pháp do trung ương ban hành. Quan hệ cá nhân – làng – nước là quan hệ nền tảng của xã hội Việt Nam.23 Nhân dân ta có câu nói “phép vua thua lệ làng”, mặc dù không thực sự thể hiện đúng bản chất mối quan hệ giữa làng và nước (hay cụ thể hơn là quan hệ giữa luật tục riêng của làng và luật pháp được nhà nước ban hành, chẳng hạn, đời vua Lê Thánh Tông đã ra chiếu “Nhất cấm dân tục thiết lập tư ước” vào năm 1471)24 nhưng cũng cho thấy sự độc lập nhất định của làng xã. Bản hương ước như một bản “Hiến Pháp” của làng, tạo ra sự ràng buộc, áp đặt và cưỡng chế của cộng đồng làng xã đối với mỗi cá nhân, nắm cá nhân để nắm tổ chức buộc nó phải vận hành thống nhất.25 Như vậy, đối với một cá nhân người Việt, gia đình, dòng tộc, quê hương là 3 điều gắn bó chặt chẽ nhất. Đây là một xu hướng phát triển tự nhiên của một nền văn hóa Á 22 Xem thêm Đào Duy Anh, sđd, tr.113-133. 23 Mối quan hệ giữa luật pháp của triều đình trung ương và hương ước, lệ làng là hết sức phức tạp. Xem các phân tích của PGS.TS Lê Minh Thông tại Lê Minh Thông, Luật nước và hương ước lệ làng trong đời sống pháp lý của các cộng đồng làng xã Việt Nam. VNH3.TB7.851. 24 Trương Sỹ Hùng (2009), Hương ước Hà Nội (tập 1), NXB Từ điển Bách Khoa, Hà Nội, tr. 21. 25 Xem thêm: http://svhttdl.phutho.gov.vn/tin/bai-hoc-ve-tu-quan-lang-xa-thong-qua-huong-uoc- quy-uoc156.html, truy cập ngày 16/5/2020. 17
  19. Đông dựa trên cơ sở kinh tế nông nghiệp. Nét văn hóa này tạo ra lối sống có tình nghĩa, con người có lòng biết ơn và có đạo đức, là một truyền thống văn hóa cần bảo tồn và phát huy. Tuy nhiên, phải nhận thức khía cạnh tiêu cực của thực tế này là để lại một nguy cơ rõ rệt người dân coi trọng lợi ích của gia đình, dòng tộc, làng xã hơn là lợi ích của đất nước. (b) Sự ảnh hưởng trực tiếp lên văn hóa, tâm lý người Việt của học thuyết Nho giáo Tư tưởng Nho giáo có một vai trò quan trọng trong việc phát huy các mối liên hệ gia đình, dòng tộc và làng xã với cá nhân càng trở nên sâu sắc. Cụ thể, Nho giáo đã củng cố và nhấn mạnh vai trò quan trọng các mối quan hệ giữa cá nhân với gia đình, dòng tộc và quê hương. Từ điển tiếng Việt định nghĩa “gia đình” là “tập hợp người cùng sống chung thành một đơn vị nhỏ nhất trong xã hội, gắn bó với nhau bằng quan hệ hôn nhân và dòng máu, thường gồm có vợ chồng, cha mẹ và con cái”,26 tức là ứng với khái niệm “tiểu gia đình” của Đào Duy Anh như đã đề cập ở trên. Gia đình là một đơn vị cơ bản, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong tư tưởng Nho giáo. Theo quan niệm Nho giáo, mọi người trong xã hội đều bị trói buộc bởi năm mối quan hệ tự nhiên: cha - con, vợ - chồng, anh - em, vua - tôi, bạn - bè. Năm mối quan hệ này phản ánh hai mặt của cuộc sống hiện thực là quan hệ gia đình và quan hệ xã hội.27 Những mối quan hệ này được coi như một phần của trật tự xã hội: kinh điển Nho giáo đặt ra rất nhiều quy tắc xử sự liên quan, trở thành một tập hợp các nghi thức ứng xử căn bản gọi là “Lễ”. Vai trò của “Lễ” đặc biệt được đề cao: Kinh Lễ viết “chim anh võ có thể biết nói nhưng vẫn thuộc loài chim; con tinh tinh có thể biết nói nhưng vẫn thuộc loài cầm thú. Làm người mà không có lễ thì tuy biết nói đấy nhưng có khác gì loài cầm thú?”.28 Khẳng định vai trò của gia đình với tư cách là một hạt nhân cơ 26 Viện Ngôn ngữ học (1994), Từ điển Tiếng Việt, NXB Khoa học Xã hội, Trung tâm Từ điển học, Hà Nội. 27 Xem thêm: http://philosophy.vass.gov.vn/nghien-cuu-theo-chuyen-de/Triet-hoc-Van-hoa/Tu- tuong-Nho-giao-ve-gia-dinh-va-viec-xay-dung-gia-dinh-moi-o-Viet-Nam-hien-nay-228.html, truy cập ngày 16/5/2020. 28 Nguyễn Tôn Nhan, sđd, tr. 37. 18
  20. bản, biểu hiện đạo đức của quốc gia, Kinh Lễ khẳng định, nhấn mạnh nhiều lần trong chương Đại Học: “Gọi là muốn yên trị nước, trước tiên phải chỉnh tế nhà mình (vì) không dạy được nhà mình mà lại có thể dạy được người (khác) là việc không có”29, “Cha, con, anh, em đủ làm khuôn phép, sau đó mới làm khuôn phép được cho dân”30. Đường lối đức trị làm đầu của Nho giáo coi việc giữ gìn lễ tiết trong gia đình là cơ sở để giữ gìn trật tự kỷ cương trong xã hội. Mối quan hệ gia đình vô cùng được coi trọng. Mà trong đời sống xã hội phụ hệ thì không thể tách rời gia đình khỏi dòng tộc, quê hương. Sự liên hệ gia đình – dòng họ có một trình tự logic rõ ràng: mỗi người con đều phải có hiếu, phải biết ơn cha mẹ; cho nên sự kết nối các thế hệ mới tồn tại; luôn luôn trong gia đình, người cha (gia trưởng) là nhân vật trung tâm, có tiếng nói và nhiều uy quyền nhất, do đó mối liên kết giữa các thế hệ ấy xoay quanh sự chuyển giao thế hệ giữa những người nam, gọi là “họ nội”. Ngoài ra, Nho giáo cũng đề cao hết sức sự thờ cúng tổ tiên, coi đó là một biểu hiện của lòng biết ơn và thành kính, mà trung tâm là nghi thức để tang và nghi thức tế lễ. Tăng Tử nói: “Nhà cầm quyền thận trọng đối với tang lễ cha mẹ, tế tự tổ tiên đời xưa, thì đức của dân trở nên thuần hậu vậy”.31 Dòng tộc được xem trọng: Mạnh Tử quy việc xa rời người thân là tội lớn nhất của con người: “Tội lớn nhất của người ta là bỏ hết người thân thích, nghĩa vua tôi, trên dưới”.32 Ngay trong nội dung các tư tưởng Nho giáo Trung Hoa (dù là Nho giáo nguyên thủ hay là Nho gíao của đời sau như Tống Nho, Minh Nho...) đều có những nội dung khá hà khắc, chẳng hạn như hạ thấp vai trò và quyền của người phụ nữ, hay đề cao việc con cái tuân theo đúng tư tưởng của người cha... mà trong phạm vi của khóa luận này sẽ không đi vào phân tích sâu. Tuy nhiên, trải qua một quá trình tiếp biến văn hóa lâu dài, người Việt đã tiếp thu và thay đổi một số tư tưởng cho phù hợp với truyền thống văn hóa dân gian, và có một số mặt tiến bộ hơn. Những tư tưởng Nho giáo mang đặc trưng Việt Nam này là những vấn đề cần chú ý làm rõ. 29 Nguyễn Tôn Nhan, sđd, tr. 343. 30 Nguyễn Tôn Nhan, sđd, tr. 345. 31 Nguyễn Đức Lân (dịch và chú giải) (1999), Tứ Thư tập chú, NXB Văn hóa Thông tin, tr.204. 32 Nguyễn Đức Lân, sđd, tr.1321. 19
nguon tai.lieu . vn