Xem mẫu

  1. TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN, ĐHQGHN KHOA TÂM LÝ HỌC Nguyễn Ngọc Quang MỐI LIÊN HỆ GIỮA SỰ QUAN TÂM CÓ ĐIỀU KIỆN CỦA MẸ VỚI MỨC ĐỘ LO ÂU VÀ TRẦM CẢM CỦA CON CÁI KHÓA LUẬN TỐT NGHIỆP ĐẠI HỌC NGÀNH TÂM LÝ HỌC Hệ đào tạo: Chính quy Khóa học: QH-2015-X HÀ NỘI, 2019
  2. TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN, ĐHQGHN KHOA TÂM LÝ HỌC Nguyễn Ngọc Quang MỐI LIÊN HỆ GIỮA SỰ QUAN TÂM CÓ ĐIỀU KIỆN CỦA MẸ VỚI MỨC ĐỘ LO ÂU VÀ TRẦM CẢM CỦA CON CÁI KHÓA LUẬN TỐT NGHIỆP ĐẠI HỌC NGÀNH TÂM LÝ HỌC Hệ đào tạo: Chính quy Khóa học: QH-2015-X Người hướng dẫn: TS. Đặng Hoàng Ngân HÀ NỘI, 2019
  3. Lời cảm ơn Khóa luận tốt nghiệp có thật nhiều ý nghĩa đối với tôi. Nó không chỉ là sự kết thúc của một quãng thời gian, mặc dù khó khăn, nhưng cũng thật đẹp đẽ trong cuộc đời tôi, không chỉ là điều đánh dấu sự bắt đầu của một giai đoạn mới có lẽ cũng không kém phần thử thách ở trước mắt, nó còn là lời cảm ơn mà tôi muốn gửi đến rất nhiều người đã ở bên cạnh tôi trong suốt bốn năm theo học ngành Tâm lý học tại trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn. Tôi muốn gửi lời cảm ơn tới những bạn học sinh và sinh viên đã tham gia không chỉ nghiên cứu này mà còn nhiều nghiên cứu khác mà tôi đã thực hiện. Sự giúp đỡ rộng lượng và kiên nhẫn của các bạn là một nguồn động lực cho tôi cố gắng hoàn thiện kỹ năng và tư duy nghiên cứu để có được những nghiên cứu chất lượng hơn. Tôi muốn gửi lời cảm ơn tới các bạn học của tôi ở khoa Tâm lý học, đặc biệt là các bạn Mai Phan, Thùy Dung, Thùy Tiên, Linh Chi, Phương Thục, Minh Nhân, Đức Huy, Phương Thảo, Thảo Hoàng, Xuân Thanh, Minh Quân, Anh Đức, bởi vì bằng cách này hay cách khác đã động viên và giúp đỡ tôi trong suốt những tháng ngày học tập và nghiên cứu vừa qua. Việc học và nghiên cứu về tâm lý hẳn sẽ bớt phần ý nghĩa và thú vị đối với tôi nếu như không có các bạn ở bên. Tôi cũng muốn gửi lời cảm ơn tới những thân chủ của tôi bởi vì các bạn đã sẵn lòng tin tưởng mà trao cho tôi một phần trái tim của các bạn. Bởi vì những phần đó, dù đau đớn hay hạnh phúc, đều đã dạy cho tôi rất nhiều về những nỗi đau khổ, về sự nhẫn nãi, về sự cởi mở, về sự chấp nhận, về sự thấu cảm, và về sự sống. Chính những câu chuyện của các bạn đã là một phần lý do thôi thúc tôi thực hiện nghiên cứu này. Tôi cũng muốn gửi lời cảm ơn tới Ths. Phạm Lê Hoàng Minh vì những những nỗ lực của anh đã cho tôi cơ hội được gặp gỡ với các thân chủ. Tôi muốn gửi lời cảm ơn tới các thầy cô của khoa Tâm lý học vì đã luôn tạo ra một bầu không khí học thuật thân thiện và cởi mở. Tôi đặc biệt muốn gửi lời cảm ơn tới PGS. TS. Nguyễn Văn Lượt vì đã ở bên cạnh tôi từ những bước đi đầu tiên của tôi trên con đường nghiên cứu khoa học. Sự kiên nhẫn và khích lệ mà thầy dành cho tôi đã giúp tôi nỗ lực cố gắng và đạt được những thành tựu trong lĩnh vực này. Tôi cũng muốn gửi lời cảm ơn tới TS. Đặng Hoàng Ngân bởi vì cô đã luôn khuyến khích tôi tự do theo đuổi những câu hỏi nghiên cứu mà tôi mong muốn trong suốt quá trình làm khóa luận tốt i
  4. nghiệp; đã luôn động viên và đặt niềm tin vào khả năng của tôi dù tôi vẫn thường tỏ ra lơ là; đã luôn cởi mở và tôn trọng những quyết định của tôi đối với khóa luận này. Tối cũng muốn bày tỏ sự biết ơn đối với ba nhân vật có ảnh hưởng rất lớn tới đời sống tinh thần của tôi và do đó cũng đã phần nào ảnh hưởng tới việc theo học tâm lý cũng như việc thực hiện khóa luận tốt nghiệp này của tôi. Đó là nhà tâm lý học người Mỹ Carl Rogers, Hòa Thượng Viên Minh, và Đức Phật. Cuối cùng, tôi muốn dành tặng khóa luận tốt nghiệp này cho mẹ của tôi, không phải như một sự trách móc mà như một lời cảm ơn và xin lỗi đối với mẹ bởi vì tôi đã luôn không thấy được rằng mẹ vẫn luôn luôn yêu thương tôi bằng những điều tốt đẹp nhất mà mẹ có thể làm được... Hà Nội, ngày 10 tháng 06 năm 2019 Nguyễn Ngọc Quang ii
  5. Lời cam đoan Tôi xin cam đoan rằng đây là công trình nghiên cứu khoa học do riêng tôi thực hiện với sự hướng dẫn của TS. Đặng Hoàng Ngân. Các quan điểm, lập luận, các số liệu thu thập được, cùng với những bình luận trong công trình nghiên cứu khoa học này đều có nguồn gốc rõ ràng, trung thực, và chưa từng được công bố. Nghiên cứu cũng đã được thông qua bởi giảng viên hướng dẫn. Tôi xin hoàn toàn chịu trách nhiệm về sự cam đoan này. Hà Nội, ngày 21 tháng 05 năm 2019 Sinh viên thực hiện Nguyễn Ngọc Quang iii
  6. Tóm tắt khóa luận tốt nghiệp Mối liên hệ giữa sự quan tâm có điều kiện của mẹ với mức độ lo âu và trầm cảm của con cái Nguyễn Ngọc Quang Khóa QH-2015-X, Khoa Tâm lý học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội Tóm tắt: Nghiên cứu được thực hiện nhằm tìm hiểu về mối liên hệ giữa sự quan tâm có điều kiện của mẹ với mức độ lo âu và trầm cảm của con cái cũng như một số biến số nhân khẩu khác. Mẫu nghiên cứu là mẫu thuận tiện bao gồm 416 sinh viên có độ tuổi trung bình là 20.36 với độ lệch chuẩn hóa là 1.30. Trong đó, nam chiếm 16.80% và nữ chiếm 83.20%. Các khách thể tham gia nghiên cứu bằng cách trả lời một bảng câu hỏi bao gồm các câu hỏi về đặc điểm nhân khẩu và các thang đo đánh giá nhận thức về sự quan tâm có điều kiện của mẹ, mức độ lo âu, và mức độ trầm cảm. Kết quả phân tích cho thấy sự quan tâm tiêu cực và tích cực có điều kiện của mẹ đều có tương quan thuận chiều có ý nghĩa thống kê ở mức độ trung bình với các triệu chứng lo âu và trầm cảm của con cái. Bên cạnh đó, phần trăm biến thiên của các triệu chứng lo âu và trầm cảm của con cái được giải thích bởi cả hai biến số sự quan tâm tích cực và tiêu cực có điều kiện của mẹ lần lượt là 28% và 20%. Trong đó, so với sự quan tâm tiêu cực có điều kiện, sự quan tâm tích cực có điều kiện có khả năng dự báo lớn hơn đối với mức độ lo âu và thấp hơn đối với mức độ trầm cảm. Nhất quán với những nghiên cứu trước đây, các kết quả này cho thấy ảnh hưởng tiêu cực của sự quan tâm có điều kiện đối với sức khỏe tinh thần của con cái. Cụ thể, trong khi sự quan tâm tiêu cực có điều kiện của mẹ có khả năng dẫn tới các triệu chứng lo âu và trầm cảm ở con cái thì sự quan tâm tích cực có điều kiện của mẹ lại đặt con cái vào tình trạng thường xuyên lo âu và dễ bị tổn thương tâm lý. Các kết quả này kêu gọi sự thay đổi nhận thức của cha mẹ trong việc sử dụng sự quan tâm hay tình yêu thương của mình như là một cách thức để thúc đẩy con cái thực hiện những hành vi được kỳ vọng. Từ khóa: lý thuyết tự quyết, lý thuyết nhân vị trọng tâm, sự quan tâm tích cực có điều kiện, sự quan tâm tiêu cực có điều kiện, lo âu, trầm cảm, nuôi dạy con iv
  7. Mục lục Mở đầu........................................................................................................................ 1 Lý do chọn đề tài .................................................................................................... 1 Mục đích nghiên cứu............................................................................................... 4 Đối tượng nghiên cứu ............................................................................................. 4 Khách thể nghiên cứu ............................................................................................. 4 Câu hỏi nghiên cứu ................................................................................................. 5 Giả thuyết nghiên cứu ............................................................................................. 5 Nhiệm vụ nghiên cứu .............................................................................................. 5 Phương pháp nghiên cứu ......................................................................................... 5 Chương 1. Cơ sở lý luận ............................................................................................. 6 1.1. Khái niệm và phân loại sự quan tâm có điều kiện của cha mẹ........................... 6 1.2. Đo lường sự quan tâm có điều kiện của cha mẹ ................................................ 9 1.3. Tổng quan nghiên cứu về sự quan tâm có điều kiện của cha mẹ ..................... 12 1.3.1. Hệ quả của sự quan tâm có điều kiện của cha mẹ ....................................... 12 1.3.2. Khác biệt trong ảnh hưởng của sự quan tâm có điều kiện của cha và của mẹ ..... 19 1.3.3. Tiền đề của sự quan tâm có điều kiện của cha mẹ ....................................... 22 1.4. Lo âu và trầm cảm.......................................................................................... 24 1.5. Mối liên hệ giữa sự quan tâm có điều kiện của cha mẹ với mức độ trầm cảm và lo âu ở con cái ....................................................................................................... 25 Chương 2. Phương pháp............................................................................................ 28 2.1. Khách thể nghiên cứu ..................................................................................... 28 2.2. Mẫu nghiên cứu ............................................................................................. 29 2.3. Công cụ nghiên cứu ....................................................................................... 29 2.3.1. Thang đo Nhận thức của Con cái về Sự Quan tâm có Điều kiện của Mẹ .. 29 2.3.2. Thang đo Rối loạn Lo âu Lan tỏa 7 item...................................................... 31 2.3.3. Bảng Câu hỏi Sức khỏe Bệnh nhân 9 item................................................... 31 2.4. Phân tích dữ liệu ............................................................................................ 32 Chương 3. Kết quả .................................................................................................... 33 3.1. Thống kê mô tả các biến nghiên cứu .............................................................. 33 3.2. So sánh sự quan tâm có điều kiện của mẹ giữa nam và nữ .............................. 33 3.3. So sánh sự quan tâm có điều kiện của mẹ giữa thành thị và nông thôn ........... 34 v
  8. 3.4. Mối liên hệ giữa sự quan tâm có điều kiện và trình độ học vấn của mẹ .......... 34 3.5. Mối liên hệ giữa sự quan tâm có điều kiện của mẹ và khoảng cách tuổi ......... 34 3.6. Mối liên hệ giữa sự quan tâm có điều kiện của mẹ và mức độ lo âu và trầm cảm ở con cái ............................................................................................................... 35 3.7. Khả năng dự báo các triệu chứng lo âu và trầm cảm ở con cái theo sự quan tâm có điều kiện của mẹ............................................................................................... 35 Chương 4. Thảo luận................................................................................................. 37 4.1. Sự khác biệt giữa nam và nữ về mức độ quan tâm có điều kiện của mẹ .......... 37 4.2. Sự khác biệt về mức độ quan tâm có điều kiện của mẹ giữa các khu vực........ 38 4.3. Mối liên hệ giữa sự quan tâm có điều kiện và trình độ học vấn của mẹ .......... 38 4.4. Mối liên hệ giữa sự quan tâm có điều kiện và khoảng cách tuổi ..................... 38 4.5. Mối liên hệ giữa sự quan tâm có điều kiện của mẹ với mức độ lo âu và trầm cảm ở con cái ........................................................................................................ 39 Kết luận .................................................................................................................... 42 Tài liệu tham khảo .................................................................................................... 45 Phụ lục A: Thang đo Nhận thức của Con cái về Sự Quan tâm có Điều kiện của Mẹ .. 55 Phụ lục B: Thang đo Rối loạn Lo âu Lan tỏa 7 item .................................................. 57 Phụ lục C: Bảng Câu hỏi Sức khỏe Bệnh nhân 9 item ............................................... 58 vi
  9. Danh mục bảng biểu Bảng 1. Đặc điểm nhân khẩu của mẫu nghiên cứu..................................................... 28 Bảng 2. Thống kê mô tả cho các biến số nghiên cứu ................................................. 33 Bảng 3. Thống kê mô tả cho quan tâm có điều kiện ở nam và nữ .............................. 33 Bảng 4. Thống kê mô tả cho quan tâm có điều kiện ở thành thị và nông thôn ............ 34 Bảng 5. Tương quan giữa các biến số nghiên cứu...................................................... 35 Bảng 6. Kết quả phân tích hồi quy tuyến tính dự báo lo âu và trầm cảm ở con cái theo quan tâm có điều kiện của mẹ ................................................................................... 35 vii
  10. Mở đầu Lý do chọn đề tài Trầm cảm và lo âu đang ngày càng trở nên phổ biến ở trẻ em và thanh thiếu niên. Thống kê dịch tễ được thực hiện trên mẫu đại diện quốc gia với 10 trên tổng số 63 tỉnh/thành phố cho thấy tỷ lệ trẻ em đang gặp phải những vấn đề tâm lý nghiêm trọng, trong đó có cả trầm cảm và lo âu, là khoảng 12% (Weiss và c.s., 2014). Nghiên cứu của Nguyen, Dedding, Pham, Wright, và Bunders (2013) cho thấy tỷ lệ mắc phải lo âu và trầm cảm ở học sinh cấp hai lần lượt là 22.80% và 41.10%. Theo Điều tra Quốc gia về Vị thành niên và Thanh niên Việt Nam, có tới 73.10% vị thành niên và thanh niên trong độ tuổi từ 14 đến 25 từng cảm thấy buồn, 27.70% cảm thấy buồn hoặc bất lực tới mức không thể thực hiện các hoạt động bình thường, và 21.30% từng cảm thấy mất niềm tin vào tương lai. Nhiều nghiên cứu trước đây đã cho thấy trầm cảm và lo âu không chỉ tác động tiêu cực tới sức khỏe thể chất và tâm lý của cá nhân (chẳng hạn như làm suy giảm hệ miễn dịch, làm tăng nguy cơ mắc phải các triệu chứng loạn thần, nghiện chất, hay tự sát) mà còn gây ra những gánh nặng về kinh tế và xã hội (làm mất khả năng lao động, đòi hỏi chi phí chữa trị cao; Baxter, Vos, Scott, Ferrari, & Whiteford, 2014; Johnson, Dupuis, Piche, Clayborne, & Colman, 2018; Lynch & Clarke, 2006; Naicker, Galambos, Zeng, Senthilselvan, & Colman, 2013). Trong số những yếu tố có ảnh hưởng đến khả năng mắc phải trầm cảm và lo âu ở trẻ em và thanh thiếu niên, cách nuôi dạy con của cha mẹ có thể trở thành yếu tố bảo vệ nhưng cũng có thể là yếu tố nguy cơ (Huberty, 2012). Sự quan tâm có điều kiện của cha mẹ, trong đó tình cảm hay sự quan tâm của cha mẹ phụ thuộc vào việc con cái có đáp ứng được các kỳ vọng của cha mẹ hay không, là một trong những cách nuôi dạy con phổ biến của các cha mẹ. Mặc dù có nhiều quan điểm và lý thuyết ủng hộ cho cách nuôi dạy con này, nhiều tác giả cho rằng sự quan tâm có điều kiện của cha mẹ là một dạng kiểm soát tâm lý và tất yếu sẽ để lại những hệ quả tiêu cực đối với sức khỏe tinh thần của con cái (Assor, Roth, & Deci, 2004; Soenens & Vansteenkiste, 2010). Ủng hộ quan điểm này, các nghiên cứu trước đây đã cho thấy sự quan tâm có điều kiện của cha mẹ có mối liên hệ với sự nội hóa theo hướng tiêu cực các giá trị mà cha mẹ mong muốn đối với con cái, cảm giác ép buộc phải thực hiện các hành vi mà cha mẹ kỳ vọng, sự dồn nén các cảm xúc tiêu cực, sự suy giảm năng lực xúc cảm, cùng với tính ái kỷ (Assor và c.s., 2004; Roth & Assor, 2010, 2012; Roth, Assor, Niemiec, 1
  11. Ryan, & Deci, 2009). Hơn thế nữa, sự quan tâm có điều kiện của cha mẹ còn tạo cho con cái cảm giác không được chập nhận và do đó dẫn tới sự oán giận đối với cha mẹ (Assor và c.s., 2004), làm suy giảm chất lượng mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái (Kanat-Maymon, Roth, Assor, & Raizer, 2016). Sự quan tâm có điều kiện của cha mẹ cũng có mối liên hệ với lòng tự trọng thấp và lòng tự trọng có điều kiện mà qua đó làm xuất hiện tính cầu toàn thiếu thích ứng, cùng với sự bất ổn trong cảm nhận về bản thân của con cái (Curran, 2018; Wouters, Colpin, Luyckx, & Verschueren, 2018). Trong khi đó, nhiều nghiên cứu đã chứng minh có mối liên hệ giữa sự dồn nén các cảm xúc (Campbell-Sills, Barlow, Brown, & Hofmann, 2006), chất lượng mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái (Raudino, Fergusson, & Horwood, 2013), lòng tự trọng có điều kiện, lòng tự trọng thấp (Sowislo & Orth, 2013), tính cầu toàn (O’Connor, Rasmussen, & Hawton, 2010), và sự dao động của lòng tự trọng (M. H. Kernis, Cornell, Sun, Berry, & Harlow, 1993) với trầm cảm và lo âu. Phân tích trong nghiên cứu của Wouters và c.s. (2018) cho thấy sự quan tâm có điều kiện của cha mẹ làm tăng lòng tự trọng có điều kiện và qua đó làm tăng các triệu chứng lo âu ở con cái. Bên cạnh đó, sự quan tâm có điều kiện của cha mẹ cũng làm suy giảm lòng tự trọng và qua đó làm tăng mức độ trầm cảm và lo âu. Nghiên cứu của Perrone, Borelli, Smiley, Rasmussen, và Hilt (2016) cũng cho thấy sự quan tâm có điều kiện của mẹ có mối liên hệ với các triệu chứng trầm cảm. Như vậy, các bằng chứng gián tiếp đã gợi ý mối quan hệ giữa sự quan tâm có điều kiện của cha mẹ và mức độ trầm cảm và lo âu ở con cái. Tuy nhiên chưa có nhiều nghiên cứu cung cấp bằng chứng trực tiếp về mối liên hệ này. Mặt khác, các nghiên cứu trước đây chỉ dựa vào việc đo lường sự quan tâm có điều kiện trên một vài lĩnh vực (chẳng hạn học tập, thể thao, kiểm soát cảm xúc, hành vi ủng hộ xã hội, hay tôn giáo) nên có thể không phản ánh hết được ảnh hưởng của sự quan tâm có điều kiện của cha mẹ đối với mức độ trầm cảm và lo âu ở con cái. Do đó, cần có thêm các nghiên cứu với cách đo lường chung về tính có điều kiện của sự quan tâm của cha mẹ đối với con cái để tìm hiểu về mối liên hệ trực tiếp này. Cụ thể, thay vì đề cập đến những yêu cầu trong từng lĩnh vực cụ thể, thang đo có thể yêu cầu người trả lời đánh giá tính điều kiện của sự quan tâm của cha mẹ dựa trên việc họ có đáp ứng được các kỳ vọng, mong muốn, hay yêu cầu nói chung của cha mẹ hay không. Các nghiên cứu trước đây về sự quan tâm có điều kiện chủ yếu tập trung vào hệ quả của cách nuôi dạy con này. Chưa có nhiều nghiên cứu tìm hiểu về các yếu tố về tâm 2
  12. lý xã hội ảnh hưởng tới sự quan tâm có điều kiện của cha mẹ. Trong khi đó, mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái luôn luôn chịu sự chi phối của bối cảnh văn hóa xã hội. Chẳng hạn, sự quan tâm có điều kiện của cha mẹ dành cho con trai và con gái có thể khác biệt do định kiến về giới. Giữa cha mẹ ở khu vực thành thị và khu vực nông thôn cũng có thể có sức khác biệt trong việc sử dụng sự quan tâm có điều kiện để thúc đẩy con cái đạt được các kỳ vọng. Áp lực của đời sống đô thị có thể khiến cho cha mẹ có nhiều kỳ vọng vào con cái hơn và do đó làm gia tăng khả năng cha mẹ sử dụng sự quan tâm có điều kiện. Nghiên cứu cho thấy những cha mẹ nhìn nhận xã hội là có tính cạnh tranh cao thì càng có xu hướng sử dụng sự quan tâm có điều kiện đối với con cái (Assor, Kanat- Maymon, & Roth, 2014). Bên cạnh đó, trình độ học vấn của cha mẹ cũng là một yếu tố có thể tác động đến sự quan tâm có điều kiện của cha mẹ. Cha mẹ có trình độ học vấn cao hơn có thể có xu hướng nuôi dạy con theo phong cách dân chủ hơn thay vì kiểm soát hay độc đoán, và do đó ít có khả năng sử dụng sự quan tâm có điều kiện hơn. Ngoài ra, khoảng cách thế hệ giữa cha mẹ và con cái cũng có thể là nguyên nhân dẫn tới sự quan tâm có điều kiện của cha mẹ. Những cha mẹ thế hệ trước đây có thể có tính áp đặt nhiều hơn so với những cha mẹ thế hệ gần đây và khoảng cách tuổi tác giữa cha mẹ và con cái có thể là rào cản (Shapiro, 2004) để cha mẹ có thể nuôi dạy con theo hướng ủng hộ sự tự chủ trong đó đòi hỏi phải có khả năng lắng nghe và thấu hiểu các cảm nhận của con cái thay vì áp đặt. Tại Việt Nam, khi các thế hệ cha mẹ gần đây đang ngày càng ý thức được những tác động tiêu cực của các hình thức trừng phạt thể xác đối với con cái, sự quan tâm có điều kiện có thể coi là một trong những cách nuôi dạy con thay thế phổ biến. Mặc dù các nghiên cứu trước đây đã chỉ ra tác động không mong muốn của sự quan tâm có điều kiện của cha mẹ đối với con cái, phần lớn những kết quả này thu được từ những mẫu khách thể ở phương Tây và do đó đặt ra câu hỏi về khả năng suy rộng đối với bối cảnh văn hóa phương Đông như tại Việt Nam. Theo lý thuyết Tự quyết, tác động tiêu cực của sự quan tâm có điều kiện của cha mẹ đối với sức khỏe tinh thần của con cái trước hết xuất phát tự sự xung đột giữa mong muốn thỏa mãn nhu cầu gắn kết và nhu cầu tự chủ (Ryan & Deci, 2017) do về bản chất, cách nuôi dạy con này cũng là một hình thức kiểm soát tâm lý (Soenens & Vansteenkiste, 2010). Tuy nhiên, sự xung đột này có thể không xảy ra trong những nền văn hóa mà ở đó công nhận thẩm quyền của cha mẹ đối với con cái và coi việc con cái vâng lời cha mẹ như là một biểu hiện của lòng hiếu thảo (McHale, 3
  13. Dinh, & Rao, 2014). Nghiên cứu của Kwak và Jang (2014) trên nhóm khách thể người Hàn Quốc, một nước có nhiều giá trị gia đình tương đồng với văn hóa Việt Nam do chịu ảnh hưởng của Khổng giáo, cho thấy sự quan tâm có điều kiện của mẹ dựa trên việc kiểm soát cảm xúc của con cái có mối liên hệ nghịch chiều với niềm tin vào năng lực bản thân, khả năng tự ý thức về cảm xúc, và sự dao động lòng tự trọng của con cái. Mặc dù kết quả này tương đồng với những nghiên cứu ở nhóm khách thể phương Tây, vẫn cần có thêm các nghiên cứu về sự quan tâm có điều kiện của cha mẹ ở văn hóa phương Đông. Mục đích nghiên cứu Nghiên cứu này được tiến hành nhằm tìm hiểu về mối liên hệ giữa sự quan tâm có điều kiện của mẹ và mức độ lo âu và trầm cảm ở con cái. Nghiên cứu tìm hiểu về sự quan tâm có điều kiện của mẹ do một mặt hạn chế về nguồn lực và mặt khác ở Việt Nam, vai trò nuôi dưỡng và giáo dục con cái của người mẹ vẫn lớn hơn so với người cha (McHale và c.s., 2014; Mestechkina, Son, & Shin, 2014). Kết quả của nghiên cứu được kỳ vọng sẽ góp phần làm sáng tỏ mối quan hệ trực tiếp giữa các biến số này cũng như trả lời cho câu hỏi về khả năng suy rộng kết quả của các nghiên cứu trước đây trong bối cảnh văn hóa phương Đông nói chung, và văn hóa Việt Nam nói riêng. Hơn thế nữa, các kết quả nghiên cứu cũng được kỳ vọng là cơ sở để đưa ra một số kiến nghị về cách nuôi dạy con cho cha mẹ. Đối tượng nghiên cứu Nghiên cứu tập trung vào mối liên hệ giữa sự quan tâm có điều kiện của mẹ và các triệu chứng trầm cảm và lo âu ở con cái. Bên cạnh đó, nghiên cứu cũng quan tâm tới sự khác biệt giữa các nhóm phân chia theo đặc điểm nhân khẩu về mức độ của sự quan tâm có điều kiện của mẹ. Cụ thể, sự khác biệt về sự quan tâm có điều kiện của mẹ đối với nam và nữ (hay con trai và con gái), giữa thành thị và nông thôn, giữa các nhóm trình độ học vấn của mẹ. Nghiên cứu cũng tìm hiểu mối liên hệ giữa khoảng cách tuổi tác giữa mẹ và con với sự quan tâm có điều kiện của mẹ. Khách thể nghiên cứu Khách thể nghiên cứu là sinh viên đại học được lựa chọn theo tiêu chí trước năm 17 tuổi chưa từng có khoảng thời gian nào sống xa mẹ hơn một năm nhằm đảm bảo khách thể có sự tương tác với mẹ từ nhỏ cho đến năm 17 tuổi và cũng để hạn chế ảnh hưởng của những khoảng thời gian xa mẹ đến kết quả nghiên cứu. 4
  14. Câu hỏi nghiên cứu Cụ thể hơn, nghiên cứu hướng tới trả lời các câu hỏi (1) Có sự khác biệt giữa nam và nữ (hay con trai và con gái) về sự quan tâm có điều kiện của mẹ không? (2) Có sự khác biệt giữa khu vực thành thị và nông thôn về sự quan tâm có điều kiện của mẹ không? (3) Sự quan tâm có điều kiện của mẹ có mối liên hệ như thế nào với trình độ học vấn của mẹ? (4) Sự quan tâm có điều kiện của mẹ có mối liên hệ như thế nào với khoảng cách tuổi tác giữa mẹ và con? (5) Sự quan tâm có điều kiện của mẹ có mối liên hệ như thế nào với mức độ trầm cảm và lo âu ở con cái? Và (6) Sự quan tâm có điều kiện của mẹ có khả năng dự báo như thế nào đối với mức độ trầm cảm và lo âu ở con cái? Giả thuyết nghiên cứu Dựa trên lý thuyết và các kết quả nghiên cứu trước đây, nghiên cứu này đặt ra các giả thuyết đó là (1) Có sự khác biệt giữa nam và nữ về sự quan tâm có điều kiện của mẹ; (2) Có sự khác biệt giữa khu vực thành thị và nông thôn về sự quan tâm có điều kiện của mẹ; (3) Sự quan tâm có điều kiện của mẹ có mối liên hệ nghịch chiều với trình độ học vấn của mẹ; (4) Sự quan tâm có điều kiện của mẹ có mối liên hệ thuận chiều với khoảng cách tuổi tác giữa mẹ và con; (5) Sự quan tâm có điều kiện của mẹ có mối liên hệ thuận chiều với mức độ trầm cảm và lo âu ở con cái; (6) Sự quan tâm có điều kiện của mẹ có khả năng dự báo đối với mức độ trầm cảm và lo âu ở con cái. Nhiệm vụ nghiên cứu Để trả lời cho các câu hỏi nghiên cứu và kiểm chứng các giả thuyết, chúng tôi xác định các nhiệm vụ cần thực hiện bao gồm (1) Xây dựng cơ sở lý luận nghiên cứu (khái niệm, phân loại, cách đo lường, tổng quan các nghiên cứu trước đây về sự quan tâm có điều kiện); (2) Xây dựng và lựa chọn công cụ nghiên cứu để đánh giá sự quan tâm có điều kiện của mẹ và mức độ trầm cảm và lo âu ở con cái; (3) Tiến hành thu thập dữ liệu thông qua bảng câu hỏi nghiên cứu; và (4) Phân tích dữ liệu thu được để trả lời cho các câu hỏi nghiên cứu. Phương pháp nghiên cứu Nghiên cứu sử dụng phương pháp điều tra bằng bảng câu hỏi và phân tích dữ liệu thu được từ bảng câu hỏi này bằng phần mềm SPSS 23.0 và STATA 14.0 để trả lời cho các câu hỏi và kiểm chứng các giả thuyết nghiên cứu. 5
  15. Chương 1. Cơ sở lý luận 1.1. Khái niệm và phân loại sự quan tâm có điều kiện của cha mẹ Nhiều nghiên cứu và lý thuyết đã chỉ ra rằng tình yêu thương mà cha mẹ dành cho con cái là một trong những yếu tố quan trọng có ảnh hưởng tới sự phát triển tâm lý xã hội của mỗi cá nhân. Mặc dù vậy, một số nhà tâm lý học cho rằng, nghiên cứu về tình yêu thương của cha mẹ không nên chỉ quan đến việc cha mẹ có yêu thương con hay không mà còn phải quan tâm tới cách mà cha mẹ trao đi tình yêu thương ấy (Kohn, 2006). Trong khi một số cha mẹ cố gắng trao cho con tình yêu thương một cách vô điều kiện, nhiều cha mẹ vẫn sử dụng tình yêu thương của mình như một công cụ để kiểm soát con cái và do đó để lại những hệ quả tiêu cực đối với tâm lý của chúng cũng như mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái. Ảnh hưởng của tính điều kiện trong tình yêu thương của cha mẹ đối với sự lành mạnh tâm lý của con cái lần đầu tiên được hệ thống hóa trong lý thuyết về sự phát triển nhân cách theo tiếp cận Nhân vị Trọng tâm (Rogers, 1951, 1959). Trong lý thuyết này, sự quan tâm có điều kiện của cha mẹ được mô tả thông qua khái niệm sự nhìn nhận tích cực có điều kiện. Theo đó, cha mẹ nhìn nhận con cái một cách tích cực có điều kiện là khi cha mẹ chỉ bày tỏ những thái độ tích cực như chấp nhận, coi trọng, quan tâm, hay yêu thương, đối với con cái khi nào chúng đáp ứng được những kỳ vọng, mong muốn, hay yêu cầu của cha mẹ. Do mỗi đứa trẻ đều có nhu cầu nhận được tình yêu thương của cha mẹ, sự nhìn nhận tích cực có điều kiện có thể buộc chúng phải cảm nhận, suy nghĩ, và hành xử theo những cách mà cha mẹ mong muốn để được đổi lại sự chấp nhận từ cha mẹ. Khi những hành vi được kỳ vọng này đối nghịch lại với những mong muốn hay trải nghiệm thật sự, con cái có thể sẽ phải đối mặt với những xung đột nội tâm, từ đó dẫn tới những rối nhiễu tinh thần. Trái lại, sự nhìn nhận tích cực vô điều kiện của cha mẹ dành cho con cái sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho khuynh hướng hiện thực hóa, hay khuynh hướng phát triển tiến tới việc tối ưu hóa các tiềm năng và chức năng tâm sinh lý ở con cái, từ đó dẫn tới sự lành mạnh tâm lý. Thực tế, khái niệm sự nhìn nhận tích cực có điều kiện và vô điều kiện đã được đề cập trước hết trong mối quan hệ trị liệu giữa nhà trị liệu Nhân vị Trọng tâm và thân chủ (Bozarth, 2013). Mặc dù đã có nhiều bằng chứng về ảnh hưởng của sự nhìn nhận tích cực có điều kiện và vô điều kiện đối với hiệu quả trị liệu tâm lý, cho tới gần đây vẫn chưa có nhiều nghiên cứu được tiền hành nhằm tìm hiểu về hai thái độ này trong 6
  16. các mối quan hệ liên cá nhân khác, đặc biệt là mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái, như lý thuyết Nhân vị Trọng tâm đã đề xuất. Một nghiên cứu được tiến hành bởi Assor và c.s. (2004) đã cung cấp những bằng chứng đầu tiên ủng hộ cho quan điểm của Carl Rogers và mở đường cho việc tìm hiểu về ảnh hưởng của sự quan tâm có điều kiện của cha mẹ đối với sự lành mạnh tâm lý của con cái. Trong nghiên cứu này, dựa trên lý thuyết Tự quyết (Ryan & Deci, 2017), các tác giả đã tiếp cận sự quan tâm có điều kiện của cha mẹ với tư cách là một cách thức xã hội hóa mà trong đó cha mẹ tỏ ra yêu thương và chấp nhận con cái khi chúng tuân theo những kỳ vọng của cha mẹ; và rút lại những thái độ đó khi con cái không đáp ứng. Kết quả nghiên cứu ban đầu của Assor và c.s. (2004) cho thấy sự quan tâm có điều kiện của cha mẹ có thể thúc đẩy con cái thực hiện những hành vi được kỳ vọng nhưng đồng thời cũng gây ra những hệ quả tiêu cực như con cái cảm thấy bị ép buộc thay vì được tự chủ đối với hành vi của mình, cảm thấy tiêu cực về bản thân, khó cảm thấy hài lòng dù thành công, và trở nên hổ thẹn mỗi khi thất bại. Hơn nữa, sự quan tâm có điều kiện còn khiến cho con cái cảm thấy bị ruồng bỏ và hình thành thái độ oán giận đối với cha mẹ. Mặc dù các kết quả trên đây đã làm sáng tỏ phần nào những ảnh hưởng tích cực và tiêu cực đối với con cái của sự quan tâm có điều kiện của cha mẹ, một trong những hạn chế của nghiên cứu này và một số nghiên cứu ban đầu khác là chưa phân biệt hai chiều hướng tác động của sự quan tâm có điều kiện của cha mẹ (Roth và c.s., 2009). Cụ thể, chiều hướng thứ nhất, hay sự quan tâm tích cực có điều kiện, là việc cha mẹ tỏ ra yêu thương, coi trọng, và tình cảm hơn với con cái khi con cái hành động phù hợp với kỳ vọng của cha mẹ. Trong khi đó, ở chiều hướng ngược lại, hay là sự quan tâm tiêu cực có điều kiện, cha mẹ tỏ ra bớt yêu thương, bớt coi trọng, và bớt tình cảm với con cái khi chúng không đáp ứng những mong muốn của cha mẹ. Chiều hướng thứ hai này có sự tương đồng với cách nuôi dạy con rút lại tình yêu thương thuộc cấu trúc kiểm soát tâm lý (Barber, 1996). Tuy nhiên, sự quan tâm tiêu cực có điều kiện không bao gồm những yếu tố khác của sự kiểm soát tâm lý như gây cảm giác tội lỗi hay làm cho hổ thẹn. Nhằm phân biệt giữa sự quan tâm có điều kiện và sự kiểm soát tâm lý, cũng như dựa trên lý thuyết và các bằng chứng gián tiếp cho thấy ảnh hưởng khác biệt của hai cách quan tâm có điều kiện, Roth và c.s. (2009) kiến nghị cần nghiên cứu sự quan tâm có điều kiện của cha mẹ thông qua hai cách thức cụ thể này. Phân tích nhân tố khám phá trong nghiên cứu của các tác giả này cho thấy các item đo lường sự quan tâm tích cực 7
  17. có điều kiện và sự quan tâm tiêu cực có điều kiện tải lên hai nhân tố khác nhau và hai cấu trúc này có tương quan thuận với nhau ở nhiều mức độ khác nhau tùy theo lĩnh vực. Bên cạnh đó, nghiên cứu cũng báo cáo sự khác biệt về tác động của sự quan tâm tích cực có điều kiện và sự quan tâm tiêu cực có điều kiện. Trong khi sự quan tâm tích cực có điều kiện thúc đẩy quá trình nội hóa và từ đó tạo ra sự thúc ép con cái phải đáp ứng các kỳ vọng của cha mẹ thì sự quan tâm tiêu cực có điều kiện lại làm xuất hiện cảm giác oán giận cha mẹ ở con cái và biểu hiện ra bằng việc không thực hiện các hành vi mà cha mẹ mong muốn. Các kết quả này xác nhận quan điểm cho rằng cần nghiên cứu sự quan tâm có điều kiện thông qua hai chiều cạnh này. Tuy nhiên trên thực tế, nhiều nghiên cứu trước đây vẫn được tiến hành theo hướng tìm hiểu tác động của sự quan tâm có điều kiện như một cấu trúc đơn nhất thay vì có sự phân biệt giữa sự quan tâm tích cực có điều kiện và sự quan tâm tiêu cực có điều kiện. Một điểm đáng lưu ý đó là hai từ “tích cực” và “tiêu cực” trong các khái niệm này không được sử dụng với ý nghĩa là “tốt” hay “xấu” mà được hiểu theo nghĩa “có mặt/xuất hiện/tăng lên” hay “không có mặt/biến mất/giảm đi”. Việc lưu ý về ý nghĩa của hai từ này là cần thiết bởi nó giúp phân biệt hai khái niệm này với khái niệm sự nhìn nhận tích cực có điều kiện và sự nhìn nhận tiêu cực có điều kiện được sử dụng trong lý thuyết về quá trình phát triển nhân cách theo tiếp cận Nhân vị Trọng tâm. Trong lý thuyết này, “tích cực” và “tiêu cực” được sử dụng với ý nghĩa “tốt” và “xấu”. Sự nhìn nhận tích cực là khái niệm được dùng để chỉ những thái độ như quan tâm, chấp nhận, tôn trọng, yêu thương, ấm áp. Nó có ý nghĩa trái ngược với khái niệm sự nhìn nhận tiêu cực được dùng để chỉ những thái độ như coi thường, ghét bỏ, kỳ thị. Như vậy, cụm từ “sự nhìn nhận tích cực” có cùng ý nghĩa với từ “quan tâm” trong khái niệm sự quan tâm có điều kiện. Nói cách khác, khái niệm sự nhìn nhận tích cực có điều kiện được sử dụng trong tiếp cận Nhân vị Trọng tâm có cùng ý nghĩa với khái niệm sự quan tâm có điều kiện, và do đó có thể được phản ánh thông qua cả hai khái niệm là sự quan tâm tích cực có điều kiện và sự quan tâm tiêu cực có điều kiện. Tóm lại, sự nhìn nhận tích cực có điều kiện không có cùng ý nghĩa với sự quan tâm tích cực có điều kiện bởi từ “tích cực” trong hai khái niệm này có ý nghĩa khác biệt. Như vậy, khái niệm sự quan tâm có điều kiện của cha mẹ đang được nghiên cứu hiện nay bởi nhiều tác giả trên thế giới (Assor và c.s., 2004) có cùng nội hàm với khái niệm sự nhìn nhận tích cực có điều kiện trong lý thuyết Nhân vị Trọng tâm. Theo đó, sự 8
  18. quan tâm có điều kiện của cha mẹ là việc sự quan tâm và tình cảm mà cha mẹ dành cho con cái bị phụ thuộc vào việc con cái có đáp ứng được các kỳ vọng của cha mẹ hay không. Cụ thể hơn, sự quan tâm có điều kiện được thể hiện theo hai chiều hướng đó là sự quan tâm tích cực có điều kiện - cha mẹ tỏ ra yêu thương và coi trọng con cái hơn khi chúng đáp ứng các yêu cầu của cha mẹ - và sự quan tâm tiêu cực có điều kiện - cha mẹ tỏ ra bớt yêu thương và coi trọng con cái khi chúng không đáp ứng được các mong muốn của cha mẹ dành cho chúng. 1.2. Đo lường sự quan tâm có điều kiện của cha mẹ Phương pháp đo lường sự quan tâm có điều kiện của cha mẹ chủ yếu hiện nay là thang đo tự báo cáo. Với cách thức đo lường này, cần quan tâm tới các vấn đề đó là (1) đo lường theo lĩnh vực với đo lường chung; (2) đo lường từ góc nhìn của con cái với đo lường từ góc nhìn của cha mẹ; và (3) đo lường cảm nhận với đo lường hành vi. Trong các nghiên cứu trước đây, sự quan tâm cót điều kiện của cha mẹ dành cho con cái chủ yếu được đánh giá thông qua cảm nhận của con cái theo từng lĩnh vực cụ thể mà cha mẹ đặt kỳ vọng. Hướng đo lường này có những ưu và nhược điểm nhất định. Một trong những hạn chế ở các nghiên cứu trước đây đó là việc đo lường sự quan tâm có điều kiện của cha mẹ theo từng lĩnh vực cụ thể. Trong những nghiên cứu này, các tác giả cho rằng sự quan tâm có điều kiện của cha mẹ không tồn tại ở tất cả các lĩnh vực trong cuộc sống (Assor và c.s., 2004). Chẳng hạn, cha mẹ có thể tỏ ra quan tâm hay coi trọng con cái nhiều hơn khi con cái đạt được thành tích cao trong học tập nhưng lại không có nhiều sự thay đổi về thái độ khi con cái tích cực tham gia các hoạt động thể thao hay nghệ thuật. Vì lý do này, các tác giả thường tiến hành đo lường sự quan tâm có điều kiện của cha mẹ trong một vài lĩnh vực cụ thể như học tập, thể thao, điều chỉnh cảm xúc, hành vi ủng hộ xã hội, hay thực hành tôn giáo (Assor và c.s., 2004; Brambilla, Assor, Manzi, & Regalia, 2015; Curran, Hill, & Williams, 2017). Đo lường theo hướng này có thể đem lại những kết quả cụ thể làm cơ sở cho các kiến nghị về can thiệp (chẳng hạn ảnh hưởng của sự quan tâm có điều kiện của cha mẹ dựa trên kết quả học tập với sự kiệt sức vì học tập ở con cái; Moon, 2017). Tuy nhiên, trên thực tế, cha mẹ thường có những kỳ vọng, mong muốn, hay yêu cầu đối với con cái ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Chẳng hạn, cha mẹ có thể kỳ vọng con trai có thành tích học tập cao đồng thời có những đặc điểm của một người con trai lý tưởng theo quan điểm của cha mẹ như mạnh mẽ, quyết đoán, biết suy nghĩ cho gia đình, hiếu thảo. Việc chỉ đo lường dựa trên một lĩnh 9
  19. vực cụ thể (chẳng hạn như chỉ ở lĩnh vực học tập) do đó có thể không thể phản ánh được toàn bộ mức độ của sự quan tâm có điều kiện của cha mẹ. Đo lường cảm nhận chung của con cái về tính phụ thuộc của sự quan tâm từ cha mẹ vào việc con cái có đáp ứng được hay không các yêu cầu, mong muốn, hay kỳ vọng của cha mẹ (chẳng hạn Kanat-Maymon và c.s., 2016) có thể giải quyết được hạn chế này. Cách đo lường này không tiếp cận trên toàn bộ những lĩnh vực của cuộc sống mà thay vào đó khi các khách thể được yêu cầu đánh giá sự thay đổi thái độ của cha mẹ phụ thuộc vào việc họ có đáp ứng được các điều kiện của cha mẹ hay không, mỗi một khách thể sẽ liên tưởng đến những điều kiện khác nhau của riêng bản thân mình. Như vậy, cách đo lường này có thể phán ảnh được toàn bộ ảnh hưởng của sự quan tâm có điều kiện của cha mẹ đến khách thể ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Kết quả thu được từ tiếp cận đo lường như vậy có thể được sử dụng để nghiên cứu mối liên hệ giữa sự quan tâm có điều kiện với các biến số mang tính chất xuyên lĩnh vực như niềm tin vào năng lực bản thân, lòng tự trọng, tiêu điểm kiểm soát, tính cầu toàn, mức độ trầm cảm, lo âu, hay sự lành mạnh về tâm lý. Bên cạnh việc đo lường theo lĩnh vực, ngoại trừ một số nghiên cứu (Assor và c.s., 2014, 2004; Israeli-Halevi, Assor, & Roth, 2015), các nghiên cứu trước đây chủ yếu sử dụng kết quả thu được từ câu trả lời của con cái đối với các bảng hỏi tự báo cáo. Cách đo lường này tỏ ra phù hợp với quan điểm hiện tượng học. Theo đó, nhận thức chủ quan của cá nhân đối với một kích thích thay vì bản thân kích thích đó mới là yếu tố tác động đến hành vi và cảm xúc của cá nhân (Rogers, 1951, 1959). Quan điểm này cũng được ủng hộ bởi nhiều nghiên cứu trước đây cho thấy kết quả đo lường về phong cách nuôi dạy con của cha mẹ từ góc nhìn của con cái, so với từ góc nhìn của cha mẹ, có giá trị dự báo tốt hơn đối với các hệ quả về tâm lý xã hội (Hoffman, 1970; Kuppens, Grietens, Onghena, & Michiels, 2009). Tuy nhiên cách đo lường này cũng có thể chịu ảnh hưởng bởi các yếu tố chủ quan ở con cái, chẳng hạn như thành kiến hay trạng thái cảm xúc (Saeed & Hanif, 2014). Tương tự, kết quả tự báo cáo thu được từ cha mẹ cũng có thể phần nào chịu tác động bởi thành kiến. Chẳng hạn, nghiên cứu của Israeli-Halevi và c.s. (2015) cho thấy có mối tương quan thuận chiều giữa kết quả đo lường sự quan tâm có điều kiện của mẹ từ góc nhìn của con cái và từ góc nhìn của mẹ nhưng không quá mạnh. Điều gợi ý khả năng có sự thiếu nhất quá trong cảm nhận của mẹ và của con về cách nuôi dạy con của mẹ. Do đó việc so sánh nhận thức của con cái với nhận thức 10
  20. của cha mẹ hay của một người thứ ba (chẳng hạn như ông bà hay cha mẹ còn lại) về sự quan tâm có điều kiện của cha mẹ là cần thiết để đưa ra những điều chỉnh thích hợp từ cả phía con cái và cha mẹ để hạn chế mức độ tác động của sự quan tâm có điều kiện. Ngoài ra, các hệ quả tâm lý cũng sẽ được đánh giá khách quan hơn thông qua người thứ ba như thầy cô giáo hay ông bà thay vì từ chính bản thân con cái. Cuối cùng, mặc dù nhận thức của mỗi cá nhân với cùng một kích thích là khác nhau nhưng vẫn có thể kỳ vọng là sẽ xác định được một số hành vi điển hình đem lại cho con cái cảm nhận về sự quan tâm có điều kiện. Chẳng hạn, tạm ngưng - một trong những kỹ thuật gây nhiều tranh cãi khi được khuyến khích sử dụng bởi nhiều nhà giáo dục, nhà tâm lý học phát triển, và các chương trình hướng dẫn cách nuôi dạy con nhằm giúp cha mẹ thay đổi hành vi của trẻ nhỏ từ 3 đến 7 tuổi (Everett, Hupp, & D. Joe Olmi, 2010; Morawska & Sanders, 2011) - có thể sẽ truyền tải tới trẻ thông điệp về tình yêu thương có điều kiện. Tạm ngưng được định nghĩa là việc tách trẻ khỏi những phẩn thưởng bao gồm cả sự chú ý của cha mẹ trong một thời gian ngắn sau khi trẻ thực hiện một hành vi không được cha mẹ mong muốn và chỉ được quay trở lại môi trường củng cố tích cực khi hành vi không mong muốn (chẳng hạn như khóc lóc, gào thét, hay ăn vạ) chấm dứt (Quetsch, Wallace, Herschell, & McNeil, 2015), do đó có thể là biểu hiện của sự quan tâm có điều kiện. Việc xác định các hành vi của cha mẹ gây ra cảm nhận về sự quan tâm có điều kiện sẽ đem lại nhiều kết quả có ý nghĩa thực tiễn trong bối cảnh ngày càng có nhiều những kỹ thuật nuôi dạy con được giới thiệu cho các cha mẹ mà không dựa trên các bằng chứng khoa học rõ ràng. Tuy nhiên, do phần lớn các nghiên cứu trước đây về sự quan tâm có điều kiện của cha mẹ đều dựa trên việc đo lường cảm nhận chủ quan của con cái hay của cha mẹ nên câu hỏi về những hành vi điển hình này vẫn chưa được làm rõ. Do đó, trong tương lai cần có thêm các nghiên cứu được thiết kế theo cả hai kiểu định tính và định lượng để khám phá câu trả lời cho nghi vấn này, từ đó làm cơ sở cho việc xây dựng một thang đo theo tiếp cận hành vi đối với sự quan tâm có điều kiện trong mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái. Như vậy, phần lớn các nghiên cứu trước đây đo lường sự quan tâm có điều kiện của cha mẹ bằng thang đo tự báo cáo từ góc nhìn của con cái theo từng lĩnh vực cụ thể. Hướng đo lường này có những ưu điểm nhưng cũng có những hạn chế nhất định cần phải được khắc phục trong tương lai để tạo cơ sở cho những nghiên cứu sâu rộng hơn về sự quan tâm có điều kiện. Những khắc phục đó có thể bao gồm đo lường không theo 11
nguon tai.lieu . vn