Xem mẫu

  1. Hội thảo khoa học Quốc gia Quản lý tài nguyên, môi trường và phát triển bền vững vùng Tây Bắc, Việt Nam KẾ THỪA VÀ PHÁT HUY GIÁ TRỊ CỦA LUẬT TỤC TRONG XÂY DỰNG HƯƠNG ƯỚC, QUY ƯỚC Ở TỈNH SƠN LA Hà Ngọc Hòa Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Sơn La Email hangochoasp2@gmail.com Tóm tắt: Hương ước lần đầu được nhắc đến trong Bộ luật Hồng Đức dưới triều vua Lê Thánh Tông, sau đó được các triều đình phong kiến Việt Nam và thực dân Pháp duy trì để quản lý làng xã, cộng đồng dân cư. Sau giải phóng 1954, do quan niệm hương ước không còn thích hợp với xã hội mới nên Nhà nước ta không đề cập đến việc xây dựng, thực hiện hương ước. Bước vào thời kỳ đổi mới, nhất là từ năm 1998 trở về đây, trước yêu cầu bảo vệ, duy trì, phát triển các phong tục tập quán, giá trị văn hóa tốt đẹp, xóa bỏ các hủ tục, tệ nạn nảy sinh nhằm xây dựng đời sống văn hóa mới, chủ trương xây dựng và thực hiện hương ước đã được Đảng và Nhà nước ta quan tâm thực hiện. Sơn La cũng như nhiều địa phương khác trong cả nước, từng có những luật tục được giai cấp thống trị sử dụng để quản lý xã hội. Bên cạnh những mặt tiêu cực không phù hợp còn có những mặt mang giá trị nhất định, nếu biết kế thừa và phát huy trong xây dựng hương ước, quy ước sẽ là một nhân tố quan trọng trong quản lý xã hội, góp phần thực hiện hiệu quả phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” ở Sơn La hiện nay. 1. LUẬT TỤC Ở SƠN LA VÀ NHỮNG GIÁ TRỊ Trước kia, luật tục ở Sơn La chủ yếu là của người Thái, một dân tộc chiếm đa số trong xã hội. Từ xa xưa trong cộng đồng Thái đã có những bộ luật tục làm quy tắc ứng xử và phương tiện cai quản dân chúng của giai cấp thống trị. Hầu hết các luật tục được lưu hành dưới hình thức truyền miệng, được thể hiện dưới dạng văn vần. Cùng với bộ luật thành văn của triều đình Trung ương, loại luật tục này cũng được Nhà nước vận dụng khi cần xử lý những vấn đề pháp lý liên quan đến những điều kiện đặc thù của địa phương. Từ thế kỷ XV, luật tục Thái đã được văn bản hóa và sử dụng song hành với Bộ Luật Hồng Đức dưới triều Lê sơ: “Từ khi nên nước, nên đất, nên cỏ, nên giời, nên gió, trời mới ban luật, ban lệ, trước định thế nào, nay phải theo như thế. Dưới trần có năm mươi chỗ mường Kinh, năm mươi chỗ mường Thái. Vì bảo ban không được, dạy dỗ không nghe, vua Hồng Đức mới ban luật, ban lệ xuống các mường Kinh nơi có quan tần, quan xứ, có quan phủ, quan huyện cai quản. Còn đối với các mường người Thái,… vua cũng định ra luật, ra lệ cho các tạo hàng châu, hàng mường, hàng bản phải nhớ. Từ đó đến nay, từ khi vua Hồng Đức đã định ra luật lệ ban xuống, nếu việc quan không biết xử, cứ chiếu theo các điều trong luật, trong lệ này mà xét” [1]. Như vậy, có thể thấy cùng thời gian xuất hiện của các hương ước ở miền xuôi, tại một số châu mường của người Thái ở Tây Bắc đã xuất hiện những bộ luật tục thành văn làm quy tắc ứng xử trong xã hội bản mường. Trong luật tục Thái xưa đã có sự phân biệt rạch ròi các thành phần dân cư trong xã hội thành 47 loại người và 17 loại tội cùng cách xử lý. Bên cạnh điều chỉnh mối quan hệ giữa người với người, luật tục Thái còn có ảnh hưởng rất lớn tới thái độ ứng xử của con người đối với môi trường thiên nhiên. Ví dụ như mỗi bản luôn quy định rõ trong địa giới của mình khu vực cấm gồm những khu rừng khai thác lâm sản và khu rừng dành cho tâm linh, không được phép sử dụng nếu chưa có ý kiến của hội đồng bô lão (tiếng Thái là “Thảu ké háng mương”); những khúc suối cấm không được khai thác, vũng nước cấm để mở hội đánh bắt cá hàng năm,... được quy định hết sức chặt chẽ trong lệ bản, luật mường. Luật tục của dân tộc Thái không phải chỉ quan tâm tới việc trừng phạt tội ác, thi hành công lý mà hơn thế còn quan tâm tới việc ngăn ngừa tội ác. Hầu hết luật tục của người Thái đen ở Tây Bắc đều phổ biến những điều luật được cô đúc thành những thành ngữ ngắn gọn, dễ nhớ. Sau này được chép thành sách như Luật dựng bản dựng mường của Thuận Châu, Mai Sơn, Mai Châu,... tục lệ dựng nhà, tục lệ lấy vợ lấy chồng, luật săn bắn,… Luật tục nào cũng bao hàm những lời khuyên răn, động viên làm điều tốt, ngăn cản làm điều ác, rất giá trị như tập “Quam son côn” (lời răn dạy người) rất phổ biến trong cộng đồng người Thái ở Mai Sơn. Luật mường thường có ba phần: Phần thứ nhất nói về những quy định quyền hạn, cách thức xử phạt của từng cấp, cách chống án; Phần thứ hai phân loại những hạng người xấu, tốt trong xã hội, thái độ đối với từng hạng người; Phần thứ ba là phần chủ yếu và được trình bày đầy đủ, chi tiết nhất bao gồm các nội dung:
  2. 466 Hà Ngọc Hòa - Luật về tranh chấp ruộng; - Luật về việc giết người không được lệnh của chúa đất; - Luật về việc dựng vợ gả chồng; - Luật đối với người ăn cắp; - Luật về việc để tang chồng; - Luật đối với người đánh người; - Luật về việc bỏ vợ, bỏ chồng; - Luật đối với người chửi cay nghiệt; - Luật về việc hai vợ chồng cùng bỏ nhau; - Luật đối với người phạm tội hủ hóa, loạn luân; - Luật đối với trường hợp có gia đình tuyệt tự; - Luật về săn sóc vợ chồng khi đau ốm; - Luật về trâu đánh nhau chết; - Luật về việc lấy con nuôi; - Luật đối với trường hợp dân chạy đi mường khác; - Luật về việc lấy vợ. - Luật về việc quý tộc bị phạt vạ; Các điều khoản cụ thể bao gồm nhiều điều luật mang tính hình sự, dân sự và luật hôn nhân gia đình. Những hành động chống đối chính quyền, làm rối loạn trật tự xã hội đều bị trừng phạt. Ngoài việc chịu án phạt, người phạm tội còn phải chịu một số tiền kèm theo rượu thịt để cúng vía cho người bị hại, giống như một hình thức đền bù danh dự. Các điều khoản đều được trình bày tỉ mỉ, chi tiết và bao hàm gần như đầy đủ các trường hợp có thể xảy ra. Ví dụ trong điều khoản ăn cắp, tất cả những trường hợp ăn cắp các nhu yếu phẩm, vật dụng,… đều được liệt kê rất chi tiết. Trong điều khoản giết người, đánh người, lăng mạ người khác, các loại người có thể là đối tượng phạm tội đều được ghi. Phạm tội loạn luân được quy định với tất cả các đối tượng có thể phạm phải, trong trường hợp phạm tội hủ hóa còn phân biệt trường hợp có rủ nhau đi trốn và không rủ nhau đi trốn,… Sự chi tiết trong luật tục cho thấy những người xây dựng nên nó có tri thức uyên thâm và ý thức trách nhiệm rất cao với xã hội mà họ đang sống, làm cho bộ luật có giá trị cao trong quản lý xã hội. Người nắm rõ và theo dõi việc thực hiện luật tục này là những người thuộc dòng dõi mo mường. Họ là người hiểu biết rộng, am hiểu chữ Thái, chuyên tư vấn cho phìa tạo việc giữ gìn lệ luật, duy trì và truyền bá văn nghệ dân gian, phong tục ở địa phương. Đồng thời mo cũng là người chịu trách nhiệm biên chép các bản luật tục, kiến nghị sửa đổi khi có những điều khoản chưa phù hợp. Cấp bản là đơn vị quản lý kinh tế - xã hội dưới cấp mường thì có tạo hoặc quan bản là những bậc cao niên thông thạo phong tục tập quán, lệ bản luật mường phụ trách theo dõi. Trong luật tục Thái, tính nhân đạo thể hiện khá rõ nét. Người phạm tội tùy theo hoàn cảnh được hưởng mức xử phạt nặng nhẹ khác nhau. Ví dụ nếu cùng ăn cắp lúa, gạo nếu vào mùa đói “vì lúa không ai bán, xin không ai cho, sắp chết đói nên mới phải ăn cắp” nên theo luật mường mức phạt thấp hơn so với việc ăn cắp lúa mùa no. Nếu lấy một nải chuối, vài ba cây mía khi đi đường xa hay khi đang làm đồng ăn cho đỡ đói khát thì không coi là ăn cắp và không bị phạt vạ. Có nơi còn quy định ăn cắp từ 9 bó lúa trở lên mới bị phạt,… Đáng chú ý là luật tục Thái còn có những điều khoản quy định trách nhiệm vợ chồng phải chăm sóc nhau khi đau ốm, thể hiện việc đề cao bình đẳng trong gia đình cũng như vai trò của người phụ nữ trong xã hội: “Vợ chồng đã lấy nhau, khi đau ốm dù trường hợp nào cũng phải trông nom săn sóc nhau chu đáo. Nếu vợ ốm, chồng phải săn sóc thuốc thang, nếu chồng bỏ đi, không trông nom, phạt nhà chồng 35 lạng bạc kèm rượu, trâu. Nhà chồng mất thêm 5 lạng bạc kèm rượu, trâu cúng vía cho nhà bên vợ. Nếu chồng ốm, vợ phải săn sóc, thuốc thang, phải trông nom suốt đời. Nếu vợ bỏ đi, không trông nom, phạt nhà gái 35 lạng bạc kèm theo rượu, trâu. Nhà gái mất thêm 5 lạng bạc kèm theo rượu, trâu cúng vía cho chồng” [2]. Hay như luật nhận con nuôi, khi đã có con mà nhận thêm con nuôi thì tài sản phải chia cho công bằng. Tuy con gái không được chia của nhưng cha mẹ có quyền gây vốn riêng cho gia đình con gái bằng cách cho ở rể và lo liệu cơ ngơi riêng cho gia đình con gái khi ra ở riêng. Khi cha mẹ mất, con rể cả đứng ra làm ma chay cho cha mẹ và được hưởng một phần gia sản, đó cũng là cách chia của cho con gái. Một điểm nữa thể hiện sự bao quát trong luật tục Thái là còn đề cập đến những vấn đề mà xã hội ngày nay chưa có quy định nào điều chỉnh, như trâu bò húc nhau chết: “Trâu bò còn đương ở nhà chủ, trâu nơi khác đến tự nhiên húc chết, chủ trâu phải đền một thành hai. Nếu trâu nơi khác đến đánh, bị trâu nhà húc chết thì chủ trâu nhà không phải đền vì tại trâu tự nghịch, tự chết thôi. Nếu trâu nhà người ta đã đem đi chăn trong rừng, ngoài ruộng mà mình đã biết, lại còn đem trâu đến chăn cùng chỗ, bảo lại không nghe, trường hợp trâu mình húc chết trâu người đã đem chăn từ trước, chủ trâu phải đền một thành hai. Nếu người đến chăn sau bị húc chết, chủ trâu đến chăn trước không phải đền gì cả,…” [3]. Hay như luật đối với người chửi mắng cay nghiệt: Chửi mắng ông bà, cha mẹ, cậu dì, chú bác, anh em,… Kẻ trên, người dưới hay người bằng vai vế đều bị phạt bạc rượu và làm vía kèm rượu, lợn cho người bị chửi. Ngoài ra, trong luật tục Thái, các khía cạnh về văn hóa như phong tục, tập quán, các nghi lễ vừa mang tính nhân bản sâu sắc vừa chứa đựng những sắc thái văn hóa độc đáo vẫn còn những giá trị nhất định đối với việc xây
  3. Kế thừa và phát huy giá trị của luật tục trong xây dựng hương ước, quy ước ở tỉnh Sơn La 467 dựng đời sống văn hóa ở bản, xã hiện nay, góp phần gìn giữ và phát huy những thuần phong mỹ tục của quê hương, đề cao các chuẩn mực đạo đức và tập quán tốt đẹp của dân tộc. Nhìn lại lịch sử nhiều thế kỷ qua, các cấp tỉnh, huyện, xã đều có những thay đổi về nhiều mặt để phù hợp với tình hình cụ thể của địa phương, nhưng bản là đơn vị cư trú tương đối ổn định, vẫn là cộng đồng sinh hoạt kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa của cư dân ở nông thôn. Trong mỗi bản đều có trưởng bản, chi bộ, chi đoàn, chi hội phụ nữ, tổ mặt trận,… là những cánh tay kéo dài của chính quyền tỉnh - huyện - xã. Đồng thời những mô thức liên kết về dòng họ, về tín ngưỡng, tôn giáo, về lễ hội, đặc điểm kinh tế,… vẫn là những yếu tố tự nhiên, khách quan được kế thừa và tái sinh liên tục. Cơ cấu xã hội bản mường cổ truyền của dân tộc Thái, đặc biệt là mối quan hệ cộng đồng của các bản vẫn là một trong những nhân tố chi phối hành vi ứng xử của con người. Vì thế, khi xây dựng các thiết chế điều chỉnh quan hệ xã hội ở cơ sở, chúng ta không thể không quan tâm học hỏi, tiếp thu những giá trị trong luật tục xưa. Hiện nay, trình độ dân trí của đồng bào Sơn La tuy đã được nâng lên, song mức độ hiểu biết pháp luật của một bộ phận dân cư còn nhiều hạn chế, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa. Thực tế đó cho thấy để pháp luật có thể đi vào mọi ngõ ngách của đời sống nhân dân cần phải cụ thể hóa nó bằng hương ước, góp phần hướng dẫn và điều chỉnh các hành vi và lối sống của nhân dân phù hợp với truyền thống, đặc điểm của từng bản, xã. 2. MỘT SỐ VẤN ĐỀ TRONG XÂY DỰNG HƯƠNG ƯỚC, QUY ƯỚC Ở SƠN LA Sau khi có chủ trương “Khuyến khích xây dựng và thực hiện các hương ước, các quy chế về nếp sống văn minh ở các thôn, xã” tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 5 (khóa VII) và Chỉ thị số 24/1998/CT-TTg ngày 19/6/1998 của Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước của làng, bản, thôn, ấp, cụm dân cư. Tại kỳ họp thứ III ngày 12/1/2001, Hội đồng Nhân dân tỉnh Sơn La khóa XI đã thông qua Nghị quyết phê chuẩn định hướng nội dung hương ước tại Sơn La; ngày 03/7/2002 Ủy ban Nhân dân tỉnh Sơn La ban hành Kế hoạch số 1129/KH-UB nhằm xây dựng và thực hiện hương ước ở bản, tổ dân phố, tiểu khu, cụm dân cư ở Sơn La; ngày 6/8/2002, Liên ngành Sở Tư pháp, Sở Văn hóa - Thông tin và Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam tỉnh ban hành Hướng dẫn số 113/HD-LN việc xây dựng và thực hiện hương ước của bản, tổ dân phố, tiểu khu và cụm dân cư,… Từ đó đến hết năm 2018, toàn tỉnh Sơn La có 3.304 bản quy ước, hương ước được phê duyệt [4]. Việc xây dựng hương ước, quy ước ở Sơn La khẳng định vị trí, vai trò của nó trong xây dựng, thực hiện nếp sống văn minh, thực hiện dân chủ ở cơ sở, phát huy vai trò tự quản và xây dựng tình đoàn kết, tương thân, tương ái trong cộng đồng dân cư. Tuy đã đạt được những kết quả khả quan, nhưng việc thực hiện hương ước, quy ước tại Sơn La vẫn còn một số hạn chế nhất định. Qua khảo sát có thể thấy việc xây dựng hương ước, quy ước ở một số bản, tổ dân phố, tiểu khu trên địa bàn tỉnh còn rập khuôn, không thể hiện được nét đặc trưng của địa phương mình; Còn máy móc, sao chép, xây dựng mang tính hình thức. Các nội dung điều khoản trong hương ước còn chung chung, chưa cụ thể, bao quát. Nội dung các hương ước, quy ước còn lặp lại nhiều quy định của pháp luật, chưa điều chỉnh được những quan hệ xã hội phát sinh mà pháp luật không quy định dẫn đến hương ước thường dài và khó nhớ, chưa bám sát với tình hình thực tế ở địa phương. Một số địa phương còn chạy theo thành tích hoặc hành chính hóa việc xây dựng hương ước, quy ước; Coi đây là nhiệm vụ của công chức tư pháp, hộ tịch, công chức văn hóa, xã hội, của cán bộ thôn, bản mà chưa huy động vai trò tích cực của nhân dân tham gia xây dựng, đóng góp ý kiến trong quá trình soạn thảo dẫn đến hương ước, quy ước chưa thể hiện rõ những nét đặc trưng về văn hóa, xã hội, phong tục tập quán, thuần phong, mỹ tục của mỗi tổ, bản, tiểu khu; chưa sát thực với đời sống của người dân, nên ít nhiều làm giảm tính khả thi của hương ước, quy ước. Mặt khác, việc xây dựng, phê duyệt hương ước, quy ước được tiến hành đồng loạt dễ dẫn đến tình trạng các bản hương ước, quy ước sao chép, rập khuôn giống nhau, chưa thể hiện được tính đặc thù của từng địa bàn cơ sở. Năng lực, trình độ của đội ngũ cán bộ xây dựng hương ước, quy ước còn hạn chế; Điều kiện tiếp cận với các văn bản quy phạm pháp luật không nhiều dẫn đến chất lượng xây dựng hương ước, quy ước không cao, nhiều văn bản còn nặng tính hình thức, hô hào, thiếu gần gũi với đời sống cộng đồng, làm cho nhiều người, nhất là giới trẻ ít quan tâm. Việc thẩm định, phê duyệt còn chậm, hoặc thẩm định không kỹ dẫn đến chất lượng của hương ước, quy ước không cao. Việc rà soát, chỉnh sửa các nội dụng không phù hợp còn chưa thường xuyên, thường chỉ thực hiện khi có những thay đổi chung trong toàn quốc, cũng như chưa có chế tài xử lý nghiêm khắc đối với các hộ gia đình, cá nhân không thực hiện đúng hương ước, quy ước mà hoàn toàn phụ thuộc vào sự tự giác của người dân. Việc đầu tư kinh phí để xây dựng hương ước, quy ước chưa được quan tâm đúng mức, công tác tuyên truyền vận động cán bộ, nhân dân thực hiện các quy định của hương ước, quy ước còn hạn chế và thiếu tính thường xuyên, do đó tác dụng của hương ước, quy ước trong đời sống hàng ngày chưa phát huy được.
  4. 468 Hà Ngọc Hòa Trên thực tế, có nhiều bản hương ước, quy ước quy định biện pháp phạt tiền đối với các vi phạm hành chính đã được pháp luật quy định, thậm chí còn cao hơn quy định của pháp luật trong cùng một hành vi vi phạm. Do đó, Nhà nước đã hướng dẫn xây dựng hương ước, quy ước không được quy định xử phạt đối với hành vi vi phạm đã được pháp luật quy định. Sau khi được Ủy ban Nhân dân tỉnh Sơn La ban hành mẫu hương ước, quy ước, bản tiểu khu, tổ dân phố ngày 31/12/2019 hướng dẫn chỉnh sửa hương ước, quy ước cho phù hợp thì nhiều hầu hết các địa phương đã bỏ các hình thức xử phạt trong hương ước khiến cho tính răn đe của hương ước, quy ước không còn. Điều này chưa phù hợp với tinh thần chỉ đạo chung của Nhà nước. Mặc dù không cho phép xử phạt đối với những hành vi đã được pháp luật quy định nhưng đối với những hành vi chưa được pháp luật điều chỉnh thì vẫn cho phép đưa vào hương ước, quy ước các biện pháp xử phạt. Một vấn đề nữa là hầu hết các bản hương ước, quy ước của các bản, tổ dân phố, tiểu khu sau khi sáp nhập đều không còn phù hợp do địa bàn có những thay đổi về địa giới, dân cư, dân tộc,… do đó cần được sửa đổi cho phù hợp với tình hình mới. Đối với những bản có nhiều thành phần dân tộc cùng cư trú cũng cần biên soạn hương ước, quy ước đảm bảo tính bao quát, phù hợp với tất cả các dân tộc. Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ không chuyên trách ở bản, tiểu khu, tổ dân phố hiện nay đang bị cắt giảm phụ cấp, xảy ra tình trạng xin nghỉ đồng loạt ở nhiều nơi đã gây khó khăn rất lớn cho công tác chỉ đạo của chính quyền các cấp đối với mọi hoạt động ở địa phương cũng như khâu giám sát thực hiện hương ước, quy ước ở cấp cơ sở. 3. KIẾN NGHỊ, ĐỀ XUẤT Có thể thấy các hương ước, quy ước đang áp dụng ở Sơn La hiện nay phần nào giống với hệ thống lệ bản, luật mường của dân tộc Thái trong lịch sử. Cả hai thiết chế này đều đóng vai trò rất lớn trong việc quản lý xã hội sản sinh ra nó. Tuy nhiên, trong điều kiện một xã hội khá cách biệt với chính quyền trung ương xưa kia, Sơn La sẽ ít có điều kiện để hệ thống pháp luật Nhà nước được áp dụng triệt để và luật tục của giai cấp thống trị cũ còn có nhiều điểm bất bình đẳng mang tính bóc lột. Do đó việc chọn lọc và phát huy những giá trị của luật tục như đã phân tích ở trên trong xây dựng hương ước, quy ước hiện nay không phải là điều dễ dàng thực hiện. Trước hết, để phát huy được giá trị của hương ước, quy ước, cần xây dựng cơ chế cho các bản, tiểu khu, tổ dân phố có khả năng tự quản một cách hợp lý, không nên áp đặt một cách duy ý chí những chính sách có tính chất mệnh lệnh, giáo điều không xuất phát từ thực tế đời sống nhân dân. Cần quan tâm, chú ý đến những biến đổi về kinh tế - xã hội ở các bản, tiểu khu, tổ dân phố để điều chỉnh các chính sách kịp thời. Trong thời gian tới cần tổ chức đánh giá định kỳ tình hình xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước thông qua việc tổ chức hội nghị chuyên đề để nhân rộng những mô hình tiêu biểu, đồng thời chỉ rõ những hạn chế, yếu kém trong quá trình triển khai thực hiện. Tổ chức quán triệt, tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước để góp phần nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cán bộ, nhân dân về việc xây dựng, duy trì, thực hiện hương ước, quy ước; tổ chức tập huấn chuyên sâu nhằm bồi dưỡng, nâng cao kiến thức cho đội ngũ cán bộ, công chức xã, bản, tiểu khu và tổ dân phố để khắc phục những hạn chế, thiếu sót trong công tác xây dựng và thực hiện hương ước. Tăng cường giám sát, thẩm định lại hương ước, quy ước trên địa bàn tỉnh, tăng cường vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và các tổ chức thành viên trong thực hiện hương ước, quy ước. Trong hương ước, quy ước nên có nhiều hình thức khen thưởng, tôn vinh đối với những gia đình, cá nhân thực hiện tốt hương ước, quy ước. Đồng thời cần nghiên cứu các hình thức, mức độ xử phạt hợp lý, phù hợp với pháp luật đối với các trường hợp vi phạm để tăng tính răn đe của hương ước, quy ước. Cần tiếp tục hướng dẫn các bản, tổ dân phố, tiểu khu chỉnh sửa, biên soạn hương ước, quy ước bám sát các quy định của Nhà nước, lựa chọn những nội dung phù hợp với phong tục, tập quán và điều kiện kinh tế - xã hội ở địa phương. Chính quyền các cấp cần quan tâm chỉ đạo, khắc phục ngay tính hình thức trong việc xây dựng hương ước, quy ước. Các bản, tổ dân phố, tiểu khu cần phát huy cao tính dân chủ “dân biết, dân bàn”, coi đây là sản phẩm chung của cộng đồng, tranh thủ ý kiến tham gia của các đoàn thể, hộ gia đình, ban soạn thảo không nên “duy ý chí” và “xin ý kiến nhân dân” qua hội nghị một cách hời hợt. Không nên sao chép dập khuôn những quy định của pháp luật, nên lựa chọn một số phong tục, truyền thống văn hóa tốt đẹp mang tính bản sắc của địa phương để đưa vào dự thảo, khơi gợi lòng tự hào, yêu quê hương. Cần phát huy hơn nữa vai trò của lớp người cao tuổi ở địa phương, những người am hiểu về phong tục tập quán để cùng nghiên cứu vận dụng các giá trị của luật tục vào trong hương ước, quy ước. Mặt khác, cần chắt lọc cả những kinh nghiệm quản lý xã hội truyền thống của cả các dân tộc khác trong xây dựng và thực hiện hương ước, nhất là những thuần phong mỹ tục, các chuẩn mực đạo đức và tập quán tốt đẹp để bản hương ước, quy ước không còn là tập hợp những quy định khô cứng mà còn là cuốn sổ truyền thống ghi lại những giá trị tốt đẹp lưu truyền cho hậu thế./.
  5. Kế thừa và phát huy giá trị của luật tục trong xây dựng hương ước, quy ước ở tỉnh Sơn La 469 TÀI LIỆU THAM KHẢO [1]. Lai lịch dòng họ Hà Công - lệ mường và luật mường, Tư liệu về lịch sử và xã hội dân tộc Thái, Đặng Nghiêm Vạn, Cầm Trọng, Khà Văn Tiến, Tòng Kim Ân, Nhà xuất bản Khoa học và Xã hội 1977, Tr 253. [2]. Ngô Đức Thịnh, Cầm Trọng, Luật tục Thái ở Việt Nam, Nhà xuất bản Văn hóa dân tộc, 1999, Tr.404. [3]. Ngô Đức Thịnh, Cầm Trọng, Luật tục Thái ở Việt Nam, NXB Văn hóa dân tộc, 1999, Tr.404, 350. [4]. Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Sơn La, Báo cáo kết quả triển khai thực hiện Quyết định số 22/2018/QĐ-TTg ngày 08/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước. CONTINUING AND PROMOTING VALUES IN DEVELOPING VILLAGE CONVENTION – A STUDY CONDUCTED IN SON LA Ha Ngoc Hoa The Son La Association for the Science of History Email: hangochoasp2@gmail.com Abstract: Village conventions, which were first recorded into Hong Duc Law under the reign of King Le Thai Tong Dynasty, were maintained by Vietnamese feudal dynasties and the French to regulate a village and commune in the Vietnamese countryside. After the Revolution in 1954, the concept of village conventions had no more place in the new society, so the Vietnamese State did not stipulate the creation and implementation of village conventions. In the context of Innovation, specifically, since 1998, given the need to protect, maintain, and develop the fine customs, traditions, and cultural values, eliminate burdensome customs and arising social evils to create new cultural lifestyles, the State has given its increasing attention to strategies for building up and implementing village conventions. Like other provinces and cities throughout the country, Son La had witnessed the conventions employed by ruling forces to manage a society. These conventions are characterized by ill-formed practices that are no longer appropriate in the current context; however, they have certain values. In the event of being inherited and promoted, village conventions play a pivotal role in social management, contributing effectively to the propaganda “The social engagement and solidarity in building up heightened cultural lifestyles” and the move “The social engagement and solidarity in building up new villages and civilized cities” in Son La in the new context.
nguon tai.lieu . vn