Xem mẫu

  1. HỢP TÁC QUỐC TẾ TRONG GIÁO DỤC NGHỀ NGHIỆP THỰC TRẠNG VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ ĐẶT RA Trương Anh Dũng * TÓM TẮT: Bài viết tập hợp những chủ trương, chính sách của Việt Nam về hợp tác quốc tế (HTQT) trong giáo dục nghề nghiệp (GDNN), trình bày một số vấn đề về thực trạng tại Việt Nam hiện nay, trong đó nêu bật những kết quả đã đạt được, phân tích những hạn chế và nguyên nhân. Trên cơ sở đó, bài viết trình bày những vấn đề đặt ra và đề xuất một số nhiệm vụ, giải pháp để thúc đẩy phát triển HTQT trong GDNN thời gian tới. Từ khóa: giáo dục nghề nghiệp, hợp tác quốc tế, thực trạng, giải pháp phát triển I. CHỦ TRƯƠNG HỢP TÁC QUỐC TẾ TRONG LĨNH VỰC GIÁO DỤC NGHỀ NGHIỆP - Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 của Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đã chỉ rõ mục tiêu đối với GDNN: “Tập trung đào tạo nhân lực có kiến thức, kỹ năng và trách nhiệm nghề nghiệp. Hình thành hệ thống giáo dục nghề nghiệp với nhiều phương thức và trình độ đào tạo kỹ năng nghề nghiệp theo hướng ứng dụng, thực hành, bảo đảm đáp ứng nhu cầu nhân lực kỹ thuật công nghệ của thị trường lao động trong nước và quốc tế”; - Luật Giáo dục nghề nghiệp nêu mục tiêu HTQT trong GDNN là nhằm nâng cao chất lượng GDNN theo hướng hiện đại, tiếp cận nền GDNN tiên tiến trong khu vực và trên thế giới; tạo điều kiện để cơ sở GDNN phát triển bền vững, đào tạo nguồn nhân lực có trình độ và chất lượng cao, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Nhà nước mở rộng, phát triển HTQT trong lĩnh vực GDNN theo nguyên tắc tôn trọng độc lập chủ quyền quốc gia và các bên cùng có lợi. Tổ chức, cá nhân nước ngoài, tổ chức quốc tế, người Việt Nam định cư ở nước ngoài được Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện để tham gia giảng dạy, nghiên cứu, đầu tư, tài trợ, hợp tác, ứng dụng khoa học, chuyển giao công nghệ về GDNN ở Việt Nam; được bảo hộ các quyền, lợi ích hợp pháp theo pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên; - Nghị quyết của Quốc hội về mục tiêu HTQT trong GDNN cũng hướng đến * Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục GDNN 421
  2. “Nâng cao chất lượng GDNN theo hướng hiện đại, tiếp cận nền GDNN tiên tiến trong khu vực và trên thế giới. Tạo điều kiện để cơ sở GDNN phát triển bền vững, đào tạo nguồn nhân lực có trình độ và chất lượng cao, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”; - Chiến lược phát triển Dạy nghề thời kỳ 2011 - 2020 đã nêu: “Tăng cường và mở rộng HTQT để phát triển đào tạo nghề, tập trung xây dựng các trường nghề chất lượng cao, trong đó ưu tiên các trường đạt đẳng cấp quốc tế các nghề trọng điểm cấp độ quốc gia, khu vực và quốc tế”. II. KẾT QUẢ HỢP TÁC QUỐC TẾ TRONG LĨNH VỰC GIÁO DỤC NGHỀ NGHIỆP 1. Các hoạt động hợp tác quốc tế Trên cơ sở quan điểm chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ về HTQT trong GDNN, thời gian qua, một số nội dung hoạt động đã được triển khai như: - Xây dựng các chính sách mở hơn nhằm thu hút vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam: liên kết đào tạo với nước ngoài; đặt văn phòng đại diện của các tổ chức, cơ sở GDNN tại nước ngoài ở Việt Nam và của Việt Nam tại nước ngoài; doanh nghiệp nước ngoài tham gia GDNN,…; - Chuyển giao các bộ chương trình đào tạo từ các nước phát triển và tổ chức đào tạo thí điểm theo tiêu chuẩn của nước chuyển giao và được tổ chức kiểm định quốc tế công nhận trình độ kỹ năng; - Đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý tại nước ngoài; - Xây dựng hệ thống mạng lưới các đối tác phát triển đã và đang hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực GDNN; - Triển khai hiệu quả các dự án hỗ trợ tài chính và hỗ trợ kỹ thuật vốn ODA từ các đối tác phát triển. - Thành lập bộ phận HTQT trong các cơ quan quản lý từ trung ương đến địa phương và tại các cơ sở GDNN. - Tham gia và là thành viên của nhiều tổ chức quốc tế, diễn đàn song phương, đa phương trong lĩnh vực GDNN. - Xây dựng, ký kết biên bản thỏa thuận hợp tác với nhiều quốc gia, tổ chức quốc tế. - Triển khai các hoạt động nghiên cứu với nhiều đối tác quốc tế. - Các cơ sở GDNN chủ động triển khai, tìm kiếm đối tác liên kết đào tạo. 422
  3. Thông qua tiến trình hội nhập sâu rộng và đa chiều trong nhiều khía cạnh của lĩnh vực GDNN, Việt Nam đã từng bước cải thiện cả về số lượng và chất lượng đào tạo, nâng cao trình độ của lực lượng lao động, đáp ứng những yêu cầu ngày càng cao của nền kinh tế thị trường, từng bước thu hẹp khoảng cách trong hoạt động nghiên cứu khoa học. Sự chủ động, tích cực trong việc triển khai các hoạt động HTQT trong lĩnh vực GDNN đã mang lại cho Việt Nam nhiều sự hỗ trợ hiệu quả. Việt Nam đã và đang nhận được sự hỗ trợ về kỹ thuật và tài chính thông qua các dự án từ các nguồn tài trợ quốc tế song phương của chính phủ các nước: Úc, Pháp, Italia, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đan Mạch,…; các tổ chức đa phương như Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), Quỹ Dân số Liên hợp quốc… Bên cạnh đó, GDNN cũng tham gia tích cực và đầy đủ, đóng góp có trách nhiệm vào các hoạt động HTQT song phương và đa phương như các nước tiểu vùng sông Mê Kông, các nước ACMECS; Tổ chức thi tay nghề thế giới, ASEAN; thành viên của UNESCO-UNEVOC, SEMEO VOCTECH,… 2. Hợp tác quốc tế để nâng cao các điều kiện đảm bảo chất lượng của giáo dục nghề nghiệp 2.1. HTQT để đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất và nhà xưởng thực hành phục vụ hoạt động dạy và học góp phần nâng cao chất lượng GDNN Đến nay, Tổng cục Giáo dục đang triển khai 05 dự án và đã kết thúc hơn 20 dự án do các đối tác phát triển hỗ trợ cho Việt Nam. Các dự án có tổng mức đầu tư ODA ước tính khoảng 450 triệu USD bao gồm cả hỗ trợ tài chính và hỗ trợ kỹ thuật. Nhìn chung, ngay từ quá trình thiết kế các dự án, hầu hết các nhà tài trợ không chỉ tập trung vào nâng cao, tăng cường cơ sở vật chất thiết bị cho cơ sở GDNN mà còn dành một khoản vốn phù hợp để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng chương trình, giáo trình... từ nguồn vốn vay ODA (đối với nhà tài trợ ADB, AFD, Keximbank, AFD) hoặc vốn viện trợ không hoàn lại (đối với nhà tài trợ KfW, GIZ, JICA), điều này đã góp phần làm cho tính bền vững của dự án được đảm bảo. Các dự án vốn ODA đã hỗ trợ xây dựng cơ sở vật chất, các điều kiện đảm bảo dạy và học cho các trường như: - Các dự án của CHLB Đức hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất cho 10 trường, đầu tư một số trường theo mô hình đào tạo của Đức thành trường kiểu mẫu của Việt Nam và khu vực ASEAN. - Các dự án của Nhật Bản hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất cho 13 trường được lựa chọn thành trường chất lượng cao của Việt Nam và đào tạo theo mô hình của Nhật Bản. 423
  4. - Dự án của Pháp đầu tư trang thiết bị đào tạo nghề đồng bộ, hiện đại cho các nghề trọng điểm, xây dựng tại trường CĐN LILAMA 2 một tòa nhà thân thiện với môi trường. - Dự án Hàn Quốc thành lập 05 trường Cao đẳng Việt Nam - Hàn Quốc, trang bị cơ sở vật chất để 05 trường trở thành các Trung tâm đánh giá kỹ năng nghề quốc gia. - Dự án của ADB tập trung đầu tư 15 trường nhằm cải cách chính sách trong hệ thống đào tạo nghề góp phần giảm thiểu thiếu hụt kỹ năng ở một số nghề trọng điểm. Trang thiết bị được đầu tư hiện đại và đồng bộ cho nhiều nghề, về cơ bản đã đáp ứng được nhu cầu đào tạo và rút ngắn khoảng cách giữa học và làm, giữa khả năng đáp ứng của trường với yêu cầu của doanh nghiệp. Hiệu suất sử dụng thiết bị đầu tư tại các trường đạt mức cao, đặc biệt đối với các lĩnh vực Điện – Điện tử và Cơ khí, Công nghệ ô tô, Cơ điện tử tại một số trường như trường Cao đẳng Công nghiệp Bắc Ninh, Cao đẳng nghề Cần Thơ, Cao đẳng Cơ điện Hà Nội,… hiệu suất sử dụng thiết bị đầu tư đạt mức từ 95% đến 100%. Nhà xưởng của các trường tham gia các dự án đã được xây dựng và cải tạo khang trang đáp ứng tiêu chuẩn để lắp đặt và sử dụng hiệu quả thiết bị được mua sắm. Riêng đối với các trường thụ hưởng dự án Chương trình đào tạo nghề 2008 và dự án Chương trình đào tạo nghề 2011 do Chính phủ CHLB Đức tài trợ, hệ thống nhà xưởng được xây dựng/nâng cấp đáp ứng các tiêu chuẩn nghiêm ngặt của Đức để lắp đặt thiết bị được đầu tư từ nguồn vốn ODA đã tạo ra một diện mạo mới trong công tác đào tạo nghề chất lượng cao tại địa bàn tỉnh và khu vực. Sau khi lắp đặt thiết bị, mô hình xưởng đào tạo 3 cấp độ đã hình thành trong dự án. Mô hình này đảm bảo tính phù hợp nhất đối với sinh viên để tiếp thu kiến thức và các kỹ năng phục vụ cho công việc sau này. Cụ thể, mô hình đào tạo 3 cấp độ như sau: cấp độ 1 - truyền thụ kỹ năng và kiến thức cơ bản để ứng dụng trong các lĩnh vực nghề rộng; cấp độ 2 - ứng dụng các kỹ năng và kiến thức đã học cũng như các kỹ năng và kiến thức nghề đặc thù; cấp độ 3 - ứng dụng các kỹ năng và kiến thức đã học vào thực tế. Nhờ vào hiệu quả của việc đầu tư đồng bộ từ nhà xưởng đến thiết bị theo tiêu chuẩn của Đức mà các trường thụ hưởng dự án đã tạo dựng được uy tín, thương hiệu và trở thành những địa chỉ thu hút lượng học sinh - sinh viên ngày càng cao. 2.2. HTQT trong việc chuyển giao chương trình, giáo trình đào tạo và liên kết đào tạo theo chuẩn của các nước phát triển Trên cơ sở quan điểm về HTQT và giải pháp thực hiện Chiến lược phát triển GDNN về “tiếp nhận, chuyển giao các bộ tiêu chuẩn kỹ năng nghề của các nghề được đầu tư trọng điểm ở các cấp độ khu vực và quốc tế”, ngành GDNN đã triển khai các hoạt động: 424
  5. - Tiếp nhận, chuyển giao 12 bộ chương trình đào tạo từ Úc, 22 bộ chương trình từ Đức và tổ chức đào tạo thí điểm cho sinh viên trình độ cao đẳng theo tiêu chuẩn của quốc tế. Đến nay đã hoàn thành khóa đào tạo thí điểm đối với 12 nghề chuyển giao từ Úc với 41 lớp được tổ chức tại 25 trường tham gia thí điểm. Hiện cũng đã lựa chọn được 45 trường tham gia tổ chức đào tạo thí điểm 22 nghề theo các bộ chương trình chuyển giao từ Đức, dự kiến sắp tới sẽ tổ chức 66 lớp đào tạo thí điểm cho 1056 học sinh theo chương trình này. Học sinh sau khi tốt nghiệp các khóa đào tạo thí điểm sẽ được cơ sở đào tạo của Đức và Úc công nhận trình độ. Sau khi kết thúc dự án thí điểm, các cơ sở GDNN đã tham gia đào tạo thí điểm các nghề được chuyển giao có thể chủ động phối hợp với cơ sở đào tạo của Đức và Úc tiếp tục tổ chức liên kết đào tạo các nghề đó. - Chuyển giao chương trình đào tạo 13 nghề trong khuôn khổ của 02 dự án là dự án Đầu tư phát triển các trường đào tạo nghề chất lượng cao sử dụng vốn ODA của Chính phủ Pháp và dự án Thành lập 05 trường cao đẳng nghề sử dụng vốn ODA của Chính phủ Hàn Quốc và tổ chức đào tạo tại 09 trường được thụ hưởng dự án. Trên cơ sở tiêu chuẩn năng lực quốc gia do cơ quan phát triển nguồn nhân lực cung cấp miễn phí trong khuôn khổ dự án, chương trình, giáo trình của các nghề đầu tư trong dự án đã được xây dựng phù hợp với nhu cầu của thị trường lao động của Việt Nam và xu hướng phát triển của khoa học công nghệ trong sản xuất và được Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hàn Quốc - KUT xác nhận đạt chuẩn Hàn Quốc; Dự án “Đầu tư xây dựng các trường chất lượng cao” được đầu tư đồng bộ cho 5 nghề trên cơ sở chương trình đào tạo được chuyển giao miễn phí từ Pháp, có hiệu chỉnh phù hợp với đặc điểm của Việt Nam và được tổ chức Trung tâm nghiên cứu sư phạm quốc tế (CIEP) thuộc Bộ Giáo dục Pháp công nhận tương đương chương trình BTS/DUT của Pháp. - Một số cơ sở GDNN của Việt Nam thực hiện liên kết đào tạo với các cơ sở GDNN nước ngoài thông qua tiếp nhận các chương trình đào tạo nước ngoài và liên kết để đào tạo cấp bằng, chứng chỉ của nước ngoài; thí điểm đào tạo theo mô hình các nước phát triển theo năng lực thực hiện như: mô hình đào tạo kép của Đức, KOSEN của Nhật… Hiện tại, trên cả nước đã có 07 cơ sở GDNN có vốn đầu tư nước ngoài, trong đó có 04 trường cao đẳng, 01 trường trung cấp, 02 trung tâm. - Thành lập các đơn vị chuyên trách trong các cơ sở GDNN về HTQT để triển khai công tác này được bài bản, chuyên nghiệp hơn. Các trường đã chủ động và khuyến khích đội ngũ cán bộ, giáo viên của trường tham gia vào các sự kiện, hoạt động quốc tế được tổ chức trong và ngoài nước, tích cực đóng góp ý kiến, tham luận góp tiếng nói quan trọng và dần trở thành thành viên tích cực của các sự kiện, tổ chức trên. 425
  6. 2.3. Bồi dưỡng năng lực của cán bộ quản lý, chất lượng của giáo viên Thông qua hoạt động chuyển giao chương trình đào tạo và nhiều hoạt động hợp tác giữa Việt Nam với các đối tác phát triển, nhiều lượt giáo viên và cán bộ quản lý GDNN đã được đào tạo tại nước ngoài nhằm nâng cao kỹ năng nghề và kỹ năng quản lý. Đến nay đã có khoảng 5.000 lượt giáo viên, cán bộ quản lý đào tạo nghề được đào tạo, trong đó: - Thông qua việc thực hiện chuyển giao các bộ chương trình đào tạo chất lượng cao từ Đức, Úc, đã tổ chức đào tạo, bồi dưỡng về kỹ năng nghề và nghiệp vụ sư phạm tiếp cận trình độ quốc tế cho 655 nhà giáo giảng dạy các nghề được chuyển giao theo tiêu chuẩn quốc tế; - Nhiều lớp bồi dưỡng nâng cao kỹ năng nghề cho nhà giáo, cán bộ quản lý đã được tổ chức: cán bộ quản lý ở trung ương và các trường; nhà giáo của các trường được đi đào tạo, bồi dưỡng tại nước ngoài (Malaysia, Úc, Đức, Pháp, Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc,…) để nâng cao năng lực chuyên môn, tính từ đầu năm 2016 đến nay đã có hơn 200 lượt cán bộ, giáo viên được cử đi đào tạo tại Đức, Úc, Hàn Quốc, Pháp…; - Bên cạnh các hoạt động của các dự án, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cũng phối hợp với các tổ chức quốc tế như: APEFE, EBG, ILO, Hội đồng Anh… tổ chức các khóa đào tạo ngắn hạn nâng cao chất lượng nhà giáo về kiến thức kinh doanh và khởi sự doanh nghiệp, phương pháp đào tạo nghề theo năng lực, đào tạo tiếng Anh chuyên ngành cho giáo viên dạy các nghề trọng điểm quốc tế, khu vực ASEAN. Đây là lực lượng giáo viên nòng cốt được lựa chọn từ các trường giữ vai trò như những hạt nhân của các trường. Sau khi được đào tạo, các giáo viên này sẽ tiếp tục được đảm nhiệm đúng chức năng, nhiệm vụ và truyền đạt lại những kỹ năng, kiến thức đã được tiếp thu cho các giáo viên còn lại tại trường, qua đó nhân rộng những kết quả đào tạo từ dự án. Sau khi kết thúc dự án, có khoảng 1.056 lượt giáo viên, cán bộ quản lý được tiếp tục đào tạo trên cơ sở các thiết bị đã được đầu tư từ dự án. Thông qua các khóa học do dự án tổ chức, giáo viên và cán bộ quản lý tại các trường được học hỏi thêm nhiều phương pháp quản lý, giảng dạy mới, công nghệ mới theo từng nghề từ các quốc gia châu Âu, châu Á, nơi có truyền thống đào tạo nghề tiên tiến. Các giáo viên tham gia giảng dạy của các nghề đầu tư đã được bồi dưỡng, nâng cao năng lực để có thể vận hành, khai thác hiệu quả các trang thiết bị được mua sắm từ dự án. Điều này đã giúp thay đổi phương thức dạy và học tại các trường; giúp nâng cao năng lực của đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý, không chỉ năng lực chuyên môn mà còn nâng cao khả năng ngoại ngữ, kỹ năng giao tiếp, kỹ 426
  7. năng làm việc tập thể... nhằm tạo điều kiện cho các trường có khả năng hội nhập, đáp ứng yêu cầu cấp thiết hiện nay của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. 2.4. Các hoạt động đánh giá kỹ năng nghề được triển khai theo chuẩn của các nước phát triển - Được sự hỗ trợ của các đối tác là các quốc gia phát triển như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, Đức…, Tổng cục đã triển khai đánh giá kỹ năng nghề đối với một số nghề theo tiêu chuẩn của các nước phát triển (người tham gia đánh giá và đạt yêu cầu theo tiêu chuẩn Nhật Bản là 118 người); tổ chức xây dựng tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia cho các ngành nghề trong lĩnh vực ưu tiên; - Phối hợp với các nước ASEAN và đối tác phát triển đóng góp vào việc xây dựng, sửa đổi, hoàn thiện các tiêu chuẩn ASEAN và quốc tế về GDNN; ưu tiên hoàn thiện khung trình độ quốc gia; tham gia xây dựng khung tham chiếu trình độ giữa các nước ASEAN. 2.5. Tổ chức kiểm định đánh giá chất lượng GDNN theo tiêu chuẩn của các đối tác phát triển Đã phối hợp với các đối tác phát triển xây dựng và phát triển hệ thống đảm bảo chất lượng, chuyển giao công cụ đảm bảo chất lượng: phối hợp với Úc triển khai tự đánh giá hệ thống đảm bảo chất lượng theo Khung đảm bảo chất lượng GDNN; phối hợp với Hội đồng Anh xây dựng và phát triển hệ thống đảm bảo chất lượng tại 21 trường cao đẳng; phối hợp với Văn phòng GIZ chuyển giao các công cụ đảm bảo chất lượng để lồng ghép xây dựng hệ thống quản lý chất lượng. Một số trường đã được kiểm định và theo tiêu chuẩn kiểm định của một số tổ chức kiểm định quốc tế như: Ofsted, Hợp tác kỹ thuật Bỉ, Hội đồng Anh, GIZ và LuxDev của Luxembourg. 3. Hợp tác quốc tế trong các hoạt động nghiên cứu khoa học Với sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, các đối tác phát triển như APEFE, ILO, AECID, Hội đồng Anh, JAVADA, ngành GDNN đã tổ chức triển khai nhiều hoạt động nghiên cứu khoa học về xây dựng khung trình độ quốc gia; đào tạo và giải quyết việc làm; phát triển tiêu chuẩn kỹ năng nghề; hệ thống đánh giá và khung trình độ quốc gia. Hoạt động xây dựng và trao đổi các ấn phẩm, tài liệu về hoạt động chuyên môn với các tổ chức khoa học của các nước phát triển, các tổ chức quốc tế cũng đã tăng nhanh cả về số lượng cũng như khẳng định chất lượng. Các hoạt động hợp tác dẫn đến việc thu hẹp khoảng cách, tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau, công nhận lẫn nhau về trình độ kỹ năng và văn bằng, chứng chỉ. Việc 427
  8. xây dựng và ban hành khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân và khung trình độ quốc gia Việt Nam tương thích với khung tham chiếu năng lực ASEAN đảm bảo quá trình đào tạo nhà giáo, học sinh sinh viên hiện đang triển khai thích ứng với quá trình hội nhập của Việt Nam trong thời gian tới. 4. Hợp tác quốc tế thông qua tham gia các Kỳ thi tay nghề ASEAN và thế giới Việt Nam đã và đang tích cực tham gia các kỳ thi tay nghề ASEAN và kỳ thi tay nghề thế giới. Kết quả tại các kỳ thi tay nghề ASEAN, Việt Nam luôn có thành tích cao (luôn đứng trong Top 03 ASEAN, trong đó có 03 lần nhất toàn đoàn). Tại các Kỳ thi tay nghề thế giới, Việt Nam đã 02 lần đạt được huy chương đồng và năm 2019, tại kỳ thi tay nghề thế giới lần thứ 45 tại Kazan, Liên bang Nga, đoàn Việt Nam đã xuất sắc đạt 01 huy chương bạc và 8 chứng chỉ kỹ năng nghề xuất sắc. Những kết quả đó thúc đẩy phong trào thi đua học tập, rèn luyện tay nghề; khuyến khích người dạy và người học phát huy năng lực sáng tạo, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của quốc gia; thúc đẩy phong trào dạy và học nghề; tìm ra những mô hình đào tạo, rèn luyện hiện đại, hiệu quả cho lao động có tay nghề cao góp phần thực hiện mục tiêu chiến lược phát triển dạy nghề 2011-2020. Khi tham gia các kỳ thi, Việt Nam đã chủ động đóng góp ý kiến, xây dựng và hoàn thiện cơ chế nhằm giúp nâng cao hiệu quả và tính thiết thực của các kỳ thi quốc tế. Các kỳ thi ASEAN và thế giới là nơi thể hiện các kỹ năng và khoa học công nghệ hàng đầu, tạo điều kiện cho Việt Nam xây dựng chương trình đào tạo, chuẩn đầu ra, chuẩn kỹ năng phù hợp với xu hướng phát triển của khu vực và thế giới. Thông qua các kỳ thi, các tập đoàn, công ty đa quốc gia, các tổ chức quốc tế, chuyên gia trong nước và quốc tế đã có cơ hội cùng làm việc, cùng sáng tạo và giới thiệu, trao đổi kỹ năng, mở ra những cơ hội hợp tác về công nghệ tiên tiến, vật liệu mới. III. ĐÁNH GIÁ CHUNG 1. Kết quả đạt được Theo báo cáo của các trường, công tác tuyển sinh đã có sự cải thiện rõ rệt sau khi tham gia các chương trình, dự án HTQT. Học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp với kỹ năng nghề cao đã có khả năng tìm được việc làm thích hợp, tạo ra thu nhập cho bản thân và gia đình giúp làm giảm tỷ lệ thất nghiệp và đóng góp không nhỏ vào sự nghiệp phát triển chung của đất nước. Mối quan hệ hợp tác giữa doanh nghiệp - nhà trường được thúc đẩy tích cực. Kết quả đào tạo, kết quả tuyển sinh và hiệu quả sử dụng chương trình, giáo trình, học liệu cũng như trang thiết bị được đầu tư từ các chương trình dự án HTQT cho thấy các chương trình, dự án đã mang lại một diện mạo mới cho lĩnh 428
  9. vực giáo dục nghề nghiệp, giúp cho hệ thống GDNN ngày càng được xã hội quan tâm và càng được nhiều phụ huynh cũng như học sinh tin tưởng lựa chọn để học tập và phát triển nghề nghiệp tương lai. Trong bối cảnh tình hình quốc tế và khu vực về lĩnh vực GDNN được hội nhập ngày càng sâu rộng, GDNN đã tích cực triển khai hiệu quả các hoạt động HTQT nhằm từng bước tiếp cận, thu hẹp khoảng cách với GDNN của các nước có nền GDNN phát triển trong khu vực và thế giới. Mở rộng HTQT với các đối tác phát triển đã giúp hoàn thiện luật pháp, chính sách vĩ mô, mang lại cho các cơ sở GDNN trang thiết bị hiện đại, chất lượng tốt, đáp ứng xu hướng hiện đại hóa trong GDNN; nhiều nhà xưởng, phòng thí nghiệm được cải tạo, nâng cấp, xây dựng; đội ngũ giáo viên được đào tạo nâng cao trình độ,… góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, cải thiện chất lượng nguồn nhân lực phục vụ cho nhu cầu phát triển ngày càng cao của xã hội, đáp ứng được những yêu cầu về trình độ chuyên môn của các doanh nghiệp trong và ngoài nước. 2. Hạn chế Mặc dù đã đạt được các kết quả đáng kể như trên, hoạt động HTQT về GDNN của nước ta cần tiếp tục được đẩy mạnh hơn nữa mới đáp ứng được các yêu cầu phát triển KT-XH và phát triển nguồn nhân lực của đất nước. HTQT về GDNN trong thời gian qua đã bộc lộ một số hạn chế sau đây: - Chưa tận dụng tối đa nguồn vốn ODA, kinh nghiệm của các đối tác phát triển vào GDNN; - Thời gian các dự án thường kéo dài hơn so với cam kết của các đối tác phát triển, các dự án thường xuyên phải gia hạn; - Chưa có lộ trình cụ thể và bước đi phù hợp nhằm định hướng cho cơ sở GDNN trong việc hợp tác với các cơ sở GDNN danh tiếng của thế giới; - Thu hút đầu tư nước ngoài vào GDNN còn hạn chế; - Các cơ sở GDNN chưa chủ động xây dựng kế hoạch đào tạo nhân lực, cơ sở vật chất để tiếp nhận các dự án như: đào tạo chuyên môn và ngoại ngữ cho giáo viên, cán bộ quản lý; xây dựng nhà xưởng để lắp đặt thiết bị,…; - Nghiên cứu và ứng dụng các kết quả nghiên cứu khoa học với các nước phát triển vào lĩnh vực GDNN còn hạn chế, chưa đáp ứng kịp các yêu cầu phát triển hiện nay. 3. Nguyên nhân - Công tác truyền thông về các hoạt động HTQT trong lĩnh vực GDNN chưa được quan tâm; 429
  10. - Quy trình, thủ tục phê duyệt các dự án kéo dài, xin ý kiến của nhiều đơn vị, các đơn vị chậm có ý kiến góp ý; - Các quy định và thủ tục về đầu tư ODA rất phức tạp, không nhất quán và thay đổi liên tục; - Thủ tục thẩm định cho vay lại phức tạp, không có hướng dẫn chung nên khó thực hiện, các cơ sở GDNN khó đáp ứng được yêu cầu vay lại; - Thủ tục giao kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn phức tạp, giao thiếu vốn ODA so với nhu cầu, chậm trễ trong bổ sung kế hoạch vốn ODA; - Việt Nam là nước thu nhập trung bình nên yêu cầu nguồn vốn đối ứng các đối tác phát triển; - Nguồn kinh phí cho hoạt động HTQT còn hạn chế, thiếu có kinh phí để triển khai các hoạt động mà Việt Nam đã cam kết thực hiện trong các thỏa thuận hợp tác; - Khả năng sử dụng ngoại ngữ và kỹ năng làm việc trong môi trường quốc tế của giáo viên, cán bộ quản lý các cấp còn hạn chế. Còn nhiều cơ sở GDNN chưa có nhân lực chuyên môn, phải bố trí kiêm nhiệm phụ trách cho nội dung hợp tác quốc tế; - Phần lớn HTQT của nước ta vẫn dựa vào sự hỗ trợ của phía bạn, chưa phát huy được tiềm năng của cơ sở GDNN, của đất nước để phát huy hiệu quả hợp tác quốc tế; - Các cơ sở GDNN chưa đánh giá đúng, đầy đủ về vai trò của HTQT trong việc xây dựng thương hiệu và tăng cường chất lượng. IV. NHỮNG YÊU CẦU ĐẶT RA Nhìn chung, HTQT về GDNN đã giúp Việt Nam tiến gần hơn với trình độ, kỹ thuật đào tạo nghề của các quốc gia phát triển bằng các hoạt động: chuẩn hóa các điều kiện trong dạy và học về đội ngũ nhà giáo, thiết bị đào tạo, nâng cao công tác quản lý, quản trị cơ sở, lựa chọn có chọn lọc các mô hình đào tạo phù hợp như mô hình đào tạo kép của Đức, KOSEN của Nhật Bản, tiếp nhận chuyển giao các chương trình đào tạo của các nước tiên tiến, chỉnh sửa phù hợp với các điều kiện của Việt Nam để đưa vào giảng dạy như các bộ chương trình được chuyển giao từ Úc, Đức,... Qua đó, chất lượng đào tạo GDNN không ngừng được nâng lên, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động, của người sử dụng lao động và di chuyển nguồn nhân lực toàn cầu. Kỹ năng nghề của lao động Việt Nam được cải thiện, nâng cao,... thể hiện qua các kỳ thi tay nghề khu vực và trên thế giới. GDNN đang trong quá trình và HTQT là một trong những giải pháp quan trọng, cơ bản để thực hiện mục tiêu đó. 430
  11. Tuy nhiên, GDNN cũng đang đứng trước những cơ hội và thách thức không nhỏ, nhất là tác động của quá trình hội nhập, sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạnh công nghiệp 4.0 đòi hỏi cần có những giải pháp đồng bộ, thiết thực để đổi mới và nâng cao chất lượng GDNN, trong đó, nhóm giải pháp về HTQT là rất quan trọng. HTQT trong lĩnh vực GDNN cần triển khai trên cơ sở phát huy tối đa nội lực; gắn kết chặt chẽ và thúc đẩy quá trình hoàn thiện cơ chế, chính sách về hợp tác quốc tế, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thông qua xây dựng và hoàn thiện các văn bản pháp quy, thiết lập cơ quan quản lý đủ thẩm quyền và năng lực để chỉ đạo, điều hành, kiểm tra, giám sát và phối hợp các hoạt động hợp tác quốc tế. Xác định rõ thẩm quyền và trách nhiệm của các cấp, từ trung ương đến địa phương trong các hoạt động hội nhập, HTQT, cụ thể: - HTQT trong lĩnh vực GDNN phải được thực hiện đồng bộ trong một chiến lược hội nhập quốc tế tổng thể với lộ trình, bước đi phù hợp với điều kiện thực tế và năng lực của đất nước; - Cần triển khai trên cơ sở phát huy tối đa nội lực; gắn kết chặt chẽ và thúc đẩy quá trình hoàn thiện cơ chế, chính sách về HTQT…; - Xây dựng và triển khai chiến lược tổng thể về HTQT trong lĩnh vực GDNN, chú trọng việc đổi mới cơ chế hợp tác, phát triển số lượng và chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế; - Thực hiện hiệu quả các cam kết, điều ước và thỏa thuận quốc tế về GDNN mà Việt Nam đã tham gia. Xây dựng và triển khai chiến lược, tham gia các diễn đàn hợp tác, đối thoại với các đối tác quan trọng trong một kế hoạch tổng thể với lộ trình hợp lý, phù hợp với lợi ích và khả năng của đất nước; - Đẩy mạnh việc tham gia của các doanh nghiệp, các tổ chức trong nước, khu vực và toàn cầu vào hoạt động GDNN; - Chủ động và tích cực tham gia các thể chế song phương và đa phương, góp phần xây dựng cơ chế hợp tác cùng có lợi, đặc biệt chú trọng việc tham gia xây dựng Cộng đồng ASEAN; - Phát huy vai trò tại các tổ chức, diễn đàn, cơ chế hợp tác mà nước ta là thành viên; - Tăng cường hợp tác quốc tế, mở rộng trao đổi và học tập kinh nghiệm của các nước phát triển về GDNN cho đội ngũ cán bộ quản lý GDNN các cấp; hợp tác để công nhận lẫn nhau về văn bằng GDNN với các nước trong khu vực và thế giới. 431
  12. V. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP THỰC HIỆN TRONG THỜI GIAN TỚI - Mở rộng HTQT về GDNN với các nước, trong đó ưu tiên các nước là đối tác chiến lược, đối tác thường xuyên; - Tạo hành lang pháp lý thuận lợi để thu hút nguồn vốn ODA, FDI cho đổi mới và nâng cao chất lượng GDNN, nguồn vốn đầu tư của các doanh nghiệp nước ngoài để hợp tác đào tạo, phát triển cơ sở GDNN chất lượng cao tại Việt Nam; - Tham gia các tổ chức quốc tế về GDNN như: đảm bảo chất lượng, kiểm định và công nhận chất lượng GDNN, tiêu chuẩn kỹ năng nghề; thúc đẩy việc công nhận lẫn nhau về văn bằng chứng chỉ về GDNN giữa Việt Nam và các nước trên thế giới; - Tăng cường hợp tác nghiên cứu khoa học về GDNN, nghiên cứu, ứng dụng các thành tựu khoa học và công nghệ tiên tiến để nâng cao chất lượng GDNN; - Khuyến khích các cơ sở GDNN trong nước mở rộng hợp tác, liên kết đào tạo với các cơ sở đào tạo ở nước ngoài, nhất là trong việc tiếp nhận chuyển giao chương trình, giáo trình, học liệu, phương pháp giảng dạy và học tập; tiếp nhận sinh viên nước ngoài đến học tập và gửi sinh viên Việt Nam đến cơ sở đối tác để học tập, nghiên cứu; mở rộng diện tuyển chọn sinh viên đi học tập tại các quốc gia phát triển bằng nguồn ngân sách nhà nước và các nguồn khác; - Thúc đẩy sự hình thành và phát triển của hệ thống chuyển đổi tín chỉ giữa các nước ASEAN; thực hiện công nhận văn bằng và chuyển đổi tín chỉ giữa các nước trong khu vực và thế giới; mở rộng các chương trình trao đổi và dịch chuyển sinh viên quốc tế; - Tăng cường kiểm định chất lượng GDNN theo chuẩn khu vực và quốc tế; - Nâng cao năng lực cho bộ máy và cán bộ làm công tác HTQT của cơ quan quản lý nhà nước về GDNN và các cơ sở GDNN; - Riêng đối với các dự án ODA, kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ không vay có điều kiện cho các dự án tiếp theo. Đồng thời, cần điều chỉnh các quy định hiện hành về vốn ODA đảm bảo sự thống nhất và rõ ràng về trách nhiệm của các bên liên quan, và đơn giản hóa thủ tục cũng như số lượng các bước phê duyệt trong quá trình chuẩn bị dự án; có hướng dẫn cụ thể và rõ ràng về các quy trình, thủ tục để thẩm định khả năng vay lại của các trường. Cần đơn giản thủ tục và giao đủ vốn kế hoạch vốn ODA cho các dự án theo yêu cầu. Cần có quy định về tỷ lệ vay lại áp dụng riêng cho từng lĩnh vực, nhất là những lĩnh vực không có khả năng thu hồi vốn trực tiếp./. 432
  13. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Ban Chấp hành Trung ương. (2013). Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu CNH, HĐH trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế 2. Ban Cán sự Đảng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. (2018). Nghị quyết số 617-NQ/ BCSĐB ngày 28/12/2018 về tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng GDNN đến năm 2021 và định hướng đến năm 2030. 3. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. (2019). Báo cáo Đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp - Giải pháp đột phá đến năm 2020. 4. Quốc hội (2014), Luật Giáo dục nghề nghiệp. 5. Quốc hội (2019), Luật Giáo dục sửa đổi. 433
nguon tai.lieu . vn