Xem mẫu

  1. HỢP TÁC GIỮA CÁC BÊN HỮU QUAN TRONG HỆ THỐNG GIÁO DỤC NGHỀ NGHIỆP ĐAN MẠCH Torben Schuster* TÓM TẮT: Bài viết mô tả các cấu trúc nền tảng của hệ thống giáo dục nghề nghiệp tại Đan Mạch bao gồm quản lý nhà nước, tài chính, pháp luật, chất lượng đảm bảo chất lượng, sự tham gia của các bên liên quan và phân chia trách nhiệm. Sự tham gia của các bên ở các cấp khác nhau là đặc trưng của giáo dục nghề nghiệp Đan Mạch, đặc trưng này một phần do yếu tố lịch sử, một phần do truyền thống nói chung của thị trường lao động Đan Mạch nhằm đảm bảo thỏa thuận 3 bên và đảm bảo sự quản lý nhà nước của Chính phủ. Cùng với sự tự chủ của các cơ sở đào tạo, đặc trưng này cho phép các chương trình đào tạo thích ứng nhanh với nhu cầu của thị trường và đảm bảo sinh viên tốt nghiệp đáp ứng yêu cầu kỹ năng ở các ngành, lĩnh vực khác nhau. Từ khóa: Quản lý nhà nước giáo dục nghề nghiệp, Đan Mạch, hệ thống kép, kỹ năng. Hệ thống đào tạo nghề của Đan Mạch được dựa trên sự quản lý điều hành ba bên giữa nhà nước, người sử dụng lao động và người lao động, bao gồm khung pháp lý, các tiêu chuẩn trình độ, bằng cấp quốc gia, bảo đảm chất lượng và cấp kinh phí. Các đối tác xã hội đóng một vai trò đã được thể chế hóa trong việc xây dựng chương trình đào tạo, tổ chức đào tạo nghề kép giám sát đào tạo nghề ở cấp độ quốc gia, ngành và cơ sở. Hệ thống đào tạo nghề của Đan Mạch có đặc điểm là sự tham gia của các đối tác xã hội và sự hợp tác với các bên liên quan ở mức độ cao. Các đối tượng này đóng vai trò trung tâm trong việc quản lý và phát triển hệ thống đào tạo nghề của Đan Mạch. Vai trò này là yếu tố then chốt để bảo đảm rằng nội dung đào tạo luôn đáp ứng theo yêu cầu của thị trường lao động. Ngoài ra, các đối tác xã hội đóng một vai trò quan trọng trong việc xác định các mục tiêu học tập của chương trình đào tạo nghề. Và các đối tác xã hội cũng luôn đóng vai trò trung tâm trong việc bảo đảm sự chuyển đổi trơn tru từ kiến thức trên lớp đến công việc thực tiễn dù là trong thời kỳ khủng hoảng tài chính, một phần là do các chương trình đào tạo nghề dẫn đến các bằng cấp, trình độ được công nhận cấp quốc gia. * Chuyên gia tư vấn Đan Mạch 384
  2. Nguồn: Bộ Trẻ em và Giáo dục Đan Mạch Sự hợp tác với các bên hữu quan được tổ chức theo 3 cấp khác nhau mà đại diện là Hội đồng tư vấn về Đào tạo nghề ban đầu, các ủy ban nghề quốc gia và cấp địa phương trong các ban điều hành tại các cơ sở GDNN và trong các ủy ban đào tạo địa phương: Ở cấp độ chính trị trung ương, công tác quản lý điều hành thuộc thẩm quyền của Hội đồng tư vấn về đào tạo nghề ban đầu bao gồm tất cả các bên hữu quan trong lĩnh vực đào tạo nghề, trong đó có các đại diện đến từ các hiệp hội của người sử dụng lao động, công đoàn, các khu vực, thành phố, các cơ quan chủ quản của cơ sở GDNN, các ủy ban nghề và các tổ chức giáo viên – sinh viên. Sự hợp tác giữa các đối tác xã hội diễn ra các trong ủy ban nghề, là đơn vị phụ trách nhiều chương trình chính khác nhau trong lĩnh vực đào tạo nghề. Ở cấp độ địa phương, các đối tác xã hội đóng một vai trò then chốt trong các ban điều hành của các cơ sở GDNN và trong các ủy ban đào tạo địa phương bảo đảm sự hợp tác chặt chẽ giữa các bên hữu quan trong ủy ban địa phương trên cơ sở nhu cầu của các doanh nghiệp địa phương. Các cơ quan thẩm quyền ở Đan Mạch Bộ Trẻ em và Giáo dục quản lý hệ thống đào tạo nghề và phê duyệt các đơn vị thực hiện đào tạo nghề. Sự tham gia của các đối tác xã hội là các cơ quan có thẩm quyền đã được pháp luật quy định cho tất cả các cấp độ của hệ thống, và các trường đào tạo nghề tự chủ được quản lý bởi các ban điều hành trong đó có các đại diện đối tác xã hội. 385
  3. Hệ thống đào tạo nghề Đan Mạch có đặc điểm là mức độ tham gia của các bên hữu quan ở mức độ cao, trong đó không chỉ các cơ quan có thẩm quyền và đối tác xã hội, mà cả các cơ sở GDNN, giáo viên và sinh viên đều tham gia vào việc phát triển các bằng cấp, trình độ đào tạo nghề, trên nguyên tắc đồng thuận và chia sẻ trách nhiệm. Các cơ quan có thẩm quyền trong hệ thống đào tạo nghề Đan Mạch bao gồm: - Bộ Trẻ em và Giáo dục Quốc hội đề ra khung pháp lý tổng quan về đào tạo nghề, đây là lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Bộ Trẻ em và Giáo dục. Bộ này chịu trách nhiệm pháp lý, tài chính và quốc hội tổng thể về đào tạo nghề, đề ra các mục tiêu tổng quan của các chương trình, và đưa ra khung pháp lý trong đó các bên hữu quan, các đối tác xã hội và các cơ sở GDNN, cùng doanh nghiệp có thể điều chỉnh các chương trình đào tạo và phương pháp đào tạo theo nhu cầu của thị trường lao động và sinh viên. Bộ Trẻ em và Giáo dục chịu trách nhiệm phê duyệt các trình độ đào tạo nghề mới trên cơ sở các kiến nghị từ Hội đồng tư vấn về đào tạo nghề ban đầu, và phê duyệt cho các trường thực hiện các chương trình đào tạo nghề chính và cơ bản. Bộ này cũng đề ra các quy tắc, nguyên tắc tổng quát về đào tạo nghề - trong sự hợp tác với Hội đồng tư vấn về đào tạo nghề ban đầu và phối hợp với các ủy ban nghề để xây dựng các quy định về từng chương trình đào tạo nghề. Bộ Trẻ em và Giáo dục cũng chịu trách nhiệm về quản lý chất lượng và bảo đảm sử dụng hiệu quả các nguồn lực. Bộ cũng xác định khung thể chế cho công tác quản lý về pháp lý, kinh tế và giáo dục của các cơ sở GDNN, cấp kinh phí cho phần dạy nghề tại trường đối với các cơ sở GDNN đã kiểm định chất lượng. - Hội đồng tư vấn về đào tạo nghề ban đầu (REU) Là một hội đồng trong đó tất cả các bên hữu quan trong lĩnh vực đào tạo nghề đều có đại diện tham gia. Theo Luật Đào tạo nghề, Hội đồng tư vấn này chịu trách nhiệm tham vấn cho Bộ Trẻ em và Giáo dục về tất cả các vấn đề chính sách và chất lượng quan trọng liên quan đến đào tạo nghề, bao gồm giám sát sự phát triển của xã hội và nêu bật các xu hướng của các thị trường lao động có liên quan đến đào tạo nghề. - Các ủy ban đào tạo nghề Là xương sống của hệ thống đào tạo nghề. Có khoảng 50 ủy ban nghề chịu trách nhiệm cho hơn 100 khóa học chính. Các ủy ban này được thành lập bởi các tổ chức thị trường lao động với số lượng thành viên tham gia tương đương nhau giữa các tổ chức của người sử dụng lao động và người lao động. Các ủy ban này chịu trách nhiệm về các chương trình chính, các chuyên môn, chuyên ngành, thời gian, cấu trúc, thi cử, các trình độ năng lực để đạt đầu vào cho các chương trình chính, v.v… 386
  4. - Các ủy ban đào tạo địa phương Bảo đảm sự liên kết chặt chẽ giữa các cơ sở GDNN, ủy ban địa phương và các nhu cầu cụ thể của thị trường lao động địa phương. Các thành viên thường đến từ thị trường lao động và ủy ban địa phương tương ứng. - Các cơ sở GDNN Các cơ sở GDNN là các đơn vị tự chủ do các ban điều hành dẫn dắt, ban điều hành này có sự tham gia của đối tác xã hội. Các cơ sở GDNN chịu trách nhiệm tổng quan về công tác quản lý hành chính và tài chính của cơ sở mình và các hoạt động giáo dục theo khung pháp lý mà Bộ Trẻ em và Giáo dục đã xác định. Các trường chịu trách nhiệm hàng ngày về hoạt động giảng dạy và thi cử. Khung pháp lý của Đan Mạch Khung quy định về đào tạo nghề được căn cứ trên bốn luật chính. Tất cả các luật này áp dụng trên toàn quốc và quy định cấu trúc pháp lý để hệ thống đào tạo nghề vận hành, bao gồm các chương trình, kinh phí và khung thể chế. Khung quy định về đào tạo nghề ở Đan Mạch bao gồm bốn luật sau đây: 1. Luật đào tạo nghề tạo khung khổ cho hoạt động đào tạo nghề, bao gồm các mục tiêu tổng quan, các nguyên tắc xét tuyển và cấu trúc. Luật này cũng quy định về vai trò của các hội đồng tư vấn, doanh nghiệp, trung tâm giới thiệu việc làm, v.v… Ngoài ra, Luật này quy định mức lương tối thiểu cho người học nghề là vấn đề về thỏa thuận tập thể theo nghề (điều 55). 2. Luật về kỳ thi trung học phổ thông kết hợp với đào tạo nghề (Luật EUX) tập trung vào việc phân luồng cho trình độ kép vừa được học nghề vừa được cấp bằng trung học phổ thông và học tiếp lên đại học. Luật đưa ra các quy định chung về hoạt động giảng dạy cấp trung học phổ thông tại các cơ sở GDNN, theo đó tạo khung khổ cho Luật EUX. 3. Luật về Quỹ bồi hoàn của người sử dụng lao động giúp bảo đảm trả lương cho người học nghề trong thời gian học nghề tại trường. 4. Luật về các cơ sở đào tạo nghề quy định khung cho các cơ sở đào tạo nghề tự chủ và các hội đồng trường. Hoạt động giám sát và nghiên cứu ở Đan Mạch Hệ thống đào tạo nghề của Đan Mạch được quản lý điều hành theo chỉ tiêu và hiệu quả hoạt động. Số liệu thống kê đóng một vai trò then chốt trong việc giám sát hiệu quả hoạt động của hệ thống này. Luật quy định rằng các trường phải có hệ thống bảo đảm chất lượng và liên tục theo dõi, giám sát thông qua hoạt động nghiên cứu và phát triển. 387
  5. Bộ Trẻ em và Giáo dục chịu trách nhiệm thanh tra, kiểm tra và bảo đảm chất lượng, có hướng dẫn chi tiết về phương pháp tiếp cận chất lượng theo các nguyên tắc của khung châu Âu về bảo đảm chất lượng đào tạo nghề EQAVET. Một khía cạnh quan trọng của bảo đảm chất lượng là giám sát kết quả đầu ra của các cơ sở GDNN, bao gồm các chỉ tiêu và chỉ số đầu ra. Mặc dù Bộ chịu trách nhiệm chung, nhưng các bên tham gia khác cũng đóng vai trò quan trọng, đó là các đối tác xã hội, cụ thể là các ủy ban nghề và ủy ban đào tạo địa phương, bản thân các học viên, và các doanh nghiệp thông qua các hiệp hội người sử dụng lao động. Một phần quan trọng của việc giám sát các cơ sở GDNN được tổ chức thông qua “Kế hoạch hành động tăng cường triển khai thực hiện”. Đây là một công cụ quản lý và thực hiện mà mỗi cơ sở GDNN phải sử dụng trong công tác chất lượng và chiến lược của mình. Có bốn phần chính trong kế hoạch hành động: 1. Các chỉ tiêu rõ ràng theo bốn mục tiêu rõ ràng trong đổi mới đào tạo nghề 2015. Ví dụ, tăng số lượng người học chọn đào tạo nghề ngay từ cấp phổ thông, tăng số lượng người học hoàn thành đào tạo nghề, đào tạo nghề phải mang tính thử thách đối với người học để các em có thể phát huy tối đa tiềm năng của mình, củng cố niềm tin về đào tạo nghề. 2. Lập kế hoạch để khớp nối các hợp đồng đào tạo nghề với nhu cầu của người học. 3. Lập kế hoạch về một nền tảng sư phạm và mô phạm chung và phương pháp giảng dạy khác biệt. 4. Lập kế hoạch về một chủ đề cụ thể trong năm. Bộ Trẻ em và Giáo dục cũng chịu trách nhiệm xây dựng các sáng kiến khác nhau để giám sát, đánh giá và nghiên cứu các khía cạnh khác nhau của các hệ thống đào tạo nghề. Ban nghiên cứu Đan Mạch về đào tạo nghề đã giải tán. Từ năm 2012, khu vực đại học cao đẳng có thể thực hiện nghiên cứu, trong đó kinh phí nghiên cứu được cấp để tăng cường, củng cố cơ sở nghiên cứu và các chương trình giáo dục tại các trường cao đẳng, đại học. Trung tâm Phát triển Đào tạo nghề Đan Mạch (NCE) tại trường đại học Metropolitan đang xây dựng một trung tâm kiến thức về đào tạo nghề và từ năm 2013 đã bắt đầu các dự án nghiên cứu. Bên cạnh các trường đại học (đáng chú ý là đại học Roskilde và đại học Aarhus) và NCE, cũng có một số cơ quan khác thực hiện nghiên cứu về đào tạo nghề. Một trong số đó là VIVE – Trung tâm khoa học xã hội ứng dụng Đan Mạch. Đơn vị này được Bộ Trẻ em và Giáo dục ủy quyền giám sát việc thực hiện chương trình đổi mới đào tạo nghề 2014 (www.vive.dk). Một đơn vị khác là EVA – Viện 388
  6. đánh giá Đan Mạch - thực hiện các đánh giá có hệ thống về hệ thống giáo dục, trong đó có đào tạo nghề. Ngoài ra, Bộ Trẻ em và Giáo dục có một cơ sở dữ liệu thống kê lớn, đóng vai trò trung tâm trong việc lập kế hoạch và giám sát hoạt động đào tạo nghề. Sự tham gia của các đối tác xã hội ở Đan Mạch Các đối tác xã hội đóng một vai trò then chốt trong việc quản lý và phát triển hệ thống đào tạo nghề ở Đan Mạch. Các đối tác xã hội này tham gia vào việc quản lý điều hành chung ở cấp độ trung ương trong Hội đồng tư vấn về đào tạo nghề và được tổ chức thành các ủy ban nghề, các ủy ban này đóng một vai trò then chốt trong việc xác định các mục tiêu học tập của các chương trình đào tạo nghề. Các đối tác này cũng phụ trách việc liên tục cập nhật các trình độ bằng cấp đào tạo nghề và xây dựng, phát triển các trình độ bằng cấp mới trên phạm toàn quốc. Các ủy ban nghề cũng phê duyệt các doanh nghiệp mà muốn tổ chức đào tạo nghề. Các đối tác xã hội tham gia vào hoạt động đào tạo nghề ở cấp độ địa phương, ngành và trung ương. Sự tham gia này trong tất cả các cấp độ hệ thống nhằm bảo đảm rằng nội dung đào tạo của một chương trình cụ thể khớp nối với yêu cầu của thị trường lao động về lao động có tay nghề. Các đối tác xã hội đóng một vai trò quan trọng trong việc xác định các mục tiêu học tập của chương trình đào tạo nghề, làm cơ sở cho việc triển khai đào tạo của các trường và doanh nghiệp. Hội đồng tư vấn về đào tạo nghề (REU) Hội đồng bao gồm các đối tác xã hội đến từ tất cả các ngành nghề chính và chịu trách nhiệm tham vấn cho Bộ Trẻ em và Giáo dục về các vấn về chính sách và chất lượng quan trọng trong lĩnh vực đào tạo nghề. Hội đồng tư vấn giám sát sự phát triển của xã hội và nêu bật các xu hướng của các thị trường lao động có liên quan đến đào tạo nghề. Hội đồng tư vấn bao gồm một chủ tịch và 31 thành viên đến từ các đối tác xã hội, các tổ chức của người sử dụng lao động và người lao động, các thành phố, vùng miền và các hiệp hội giáo viên và sinh viên. Hội đồng đưa ra kiến nghị cho Bộ Trẻ em và Giáo dục về việc thiết lập các chương trình đào tạo nghề mới, điều chỉnh, gộp chương trình hoặc ngừng các chương trình đào tạo nghề khác. Bộ Trẻ em và Giáo dục có xem xét đến cả các kiến nghị của Hội đồng tư vấn khi phê duyệt các chương trình đào tạo nghề mới hoặc khi thiết lập các chương trình mà phải có các vị trí thực tập tại các trung tâm giới thiệu việc làm cho những sinh viên không thể tìm được doanh nghiệp để thực tập. Các ủy ban đào tạo nghề Các ủy ban nghề là một xương sống rất quan trọng của hệ thống đào tạo nghề. Khoảng 50 ủy ban nghề chịu trách nhiệm cho khoảng 100 chương trình 389
  7. chính, với tổng số gần 300 trình độ bằng cấp khác nhau và các ủy ban này phê duyệt chính thức đối với các doanh nghiệp muốn bố trí vị trí thực tập thông qua các ủy ban đào tạo địa phương. Các ủy ban này được thành lập bởi các đại diện của các tổ chức thị trường lao động với số lượng thành viên ngang nhau đến từ các tổ chức của người sử dụng lao động và người lao động. Các ủy ban chịu trách nhiệm về bố cục và nội dung của các chương trình chính, bao gồm các chuyên ngành, thời gian, cấu trúc, thi cử, trình độ năng lực để xét tuyển v.v… Các ủy ban cũng chịu trách nhiệm mô tả chương trình giảng dạy quốc gia đối với các chương trình khác nhau và thực hiện sửa đổi, thay đổi nếu cần thiết. Các ủy ban nghề cũng lập báo cáo hàng năm gửi lên Bộ Trẻ em và Giáo dục về các nhu cầu phát triển trong các ngành nghề tương ứng trên thị trường lao động, nội dung này thuộc trách nhiệm xác định các nhu cầu trình độ, bằng cấp mới của các ủy ban. Các ủy ban đào tạo địa phương Ở cấp độ địa phương, các ủy ban đào tạo địa phương bảo đảm sự liên hệ chặt chẽ giữa các cơ sở GDNN, ủy ban địa phương và các nhu cầu cụ thể của thị trường lao động địa phương. Các ủy ban này tham vấn cho các cơ sở GDNN địa phương và hợp tác với các trường này về chương trình đào tạo địa phương. Chương trình đào tạo địa phương phản ánh các điều kiện và mong muốn của địa phương và là cơ sở để triển khai các quá trình dạy và học tại cơ sở GDNN. Thay mặt cho các ủy ban nghề, ủy ban đào tạo địa phương cũng chịu trách nhiệm phê duyệt các doanh nghiệp muốn cung cấp vị trí thực tập bằng cách bảo đảm rằng các doanh nghiệp có môi trường đào tạo thích hợp, bao gồm việc có đầy đủ cơ sở vật chất và cán bộ đào tạo đủ điều kiện. Sự tham gia của các doanh nghiệp ở Đan Mạch Các doanh nghiệp được đại diện bởi các tổ chức của người sử dụng lao động trong tất cả các cấp độ của hệ thống đào tạo nghề Đan Mạch, từ cấp trung ương đến cấp địa phương trong các hội đồng trường… Các doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng trong hệ thống đào tạo nghề vì hai phần ba nội dung của các chương trình đào tạo nghề được thực hiện tại doanh nghiệp. Sự tham gia của các doanh nghiệp khi bố trí các vị trí thực tập trong chương trình đào tạo kép cho người học nghề yêu cầu sự hợp tác chặt chẽ với nhà trường, đây là yếu tố quan trọng đối với hoạt động đào tạo nghề trong một hệ thống kép. Các doanh nghiệp là trung tâm của hệ thống đào tạo nghề Đan Mạch, với hai phần ba nội dung của các chương trình đào tạo nghề được thực hiện tại doanh nghiệp. Tất cả các doanh nghiệp được ủy ban nghề phê duyệt có thể tuyển chọn người học nghề. Tuy nhiên, để được phê duyệt như thế, họ phải có môi trường đào tạo phù hợp và có đủ cơ sở vật chất, cán bộ đào tạo đủ chuyên môn. Để đáp ứng 390
  8. được các yêu cầu này và để hỗ trợ quá trình, các doanh nghiệp có thể nhận được sự hỗ trợ từ ủy ban nghề tương ứng, ủy ban đào tạo địa phương tương ứng hoặc cơ sở GDNN địa phương. Trên thực tế, ủy ban đào tạo địa phương theo ngành mới thực sự là người ra quyết định trong quy trình phê duyệt vì các ủy ban này thường hiểu rõ hơn về các doanh nghiệp địa phương so với các ủy ban nghề cấp trung ương. Các doanh nghiệp có thể nhận được sự hỗ trợ từ các ủy ban đào tạo địa phương và cơ sở GDNN đối với các vấn đề như quy trình tuyển chọn, giải quyết các khía cạnh pháp lý, và dịch các tiêu chuẩn nghề đối với phần đào tạo tại doanh nghiệp. Các doanh nghiệp có thể chia sẻ một người học nghề hoặc là một phần của thỏa thuận học nghề thông thường (các thỏa thuận kết hợp) hoặc là một phần của thỏa thuận mà trong đó các trung tâm giới thiệu việc làm tổ chức và phụ trách một phần đào tạo, còn hai hoặc nhiều doanh nghiệp thực hiện phần còn lại của nội dung đào tạo tại doanh nghiệp (các thỏa thuận ngắn và/hoặc các thỏa thuận còn lại). Các doanh nghiệp chịu trách nhiệm chung về việc bảo đảm rằng hoạt động đào tạo tuân theo các mục tiêu học tập của chương trình cụ thể và phù hợp với kế hoạch đào tạo cá nhân của người học nghề. Hệ thống học nghề phụ thuộc vào các đơn vị sử dụng lao động khi chịu trách nhiệm chung về việc bảo đảm rằng có sự khớp nối giữa cung và cầu về các kỹ năng thị trường lao động bằng cách tiếp nhận đủ số lượng người học nghề. Các doanh nghiệp có đại diện ở tất cả các cấp độ của hệ thống đào tạo nghề: • Trong Hội đồng tư vấn về đào tạo nghề ban đầu (REU), các doanh nghiệp có đại diện thông qua các tổ chức khác nhau của mình. Trong hội đồng, sự tham gia của các doanh nghiệp được chính thức hóa ở cấp độ chính trị. Hội đồng tư vấn chịu trách nhiệm tư vấn cho Bộ Trẻ em và Giáo dục về tất cả các vấn đề chính có liên quan đến đào tạo nghề. • Trong các ủy ban nghề, trong đó các đối tác xã hội đã chỉ định người đại diện đến từ các tổ chức của người sử dụng lao động và người lao động. • Các doanh nghiệp địa phương cũng có đại diện trong các ủy ban đào tạo địa phương. • Và thường có trong ban giám đốc cơ sở GDNN. Các thỏa thuận cấp kinh phí ở Đan Mạch Trong hệ thống đào tạo nghề Đan Mạch, việc cấp kinh phí cho hoạt động đào tạo nghề thuộc về cả nhà nước và doanh nghiệp. Phần đào tạo nghề ở nhà trường do nhà nước cấp kinh phí, phần đào tạo nghề ở doanh nghiệp do doanh nghiệp cấp kinh phí. Doanh nghiệp cũng trả lương cho người học nghề trong toàn bộ thời gian của chương trình đào tạo nghề chính. Quỹ bồi hoàn của người sử dụng lao 391
  9. động bồi hoàn cho doanh nghiệp khi doanh nghiệp trả lương cho người học nghề trong thời gian các em theo học tại trường. Nhà nước và doanh nghiệp là hai bên tham gia chính trong việc cấp kinh phí cho hệ thống GDNN. Phần nội dung học tại trường của các chương trình đào tạo nghề do nhà nước cấp kinh phí dựa trên hệ thống trả phí theo từng sinh viên. Sinh viên không phải trả tiền học phí và các em nhận lương học nghề từ doanh nghiệp ở mức nêu trong hợp đồng đào tạo nghề tương ứng của mình trong suốt thời gian học nghề. Tất cả các doanh nghiệp, cả nhà nước và tư nhân, đều phải nộp một khoản tiền cố định hàng năm vào Quỹ bồi hoàn của người sử dụng lao động cho người lao động của mình, quỹ này sẽ bồi hoàn cho doanh nghiệp khi doanh nghiệp trả lương cho người học nghề trong thời gian học nghề tại trường. Hỗ trợ tài chính cho các cơ sở GDNN Các cơ sở GDNN Đan Mạch là các cơ sở tự chủ và hệ thống được quản lý theo mục tiêu. Có nghĩa là các cơ sở GDNN có quyền tự chủ đáng kể trong phạm vi các mục tiêu tổng quan, bao gồm các mục tiêu quản lý chất lượng và khung pháp lý. Ban điều hành chịu trách nhiệm giải trình trước Bộ Trẻ em và Giáo dục. Các cơ sở GDNN ở Đan Mạch được Bộ Trẻ em và Giáo dục cấp kinh phí từ một gói trợ cấp cơ bản vì là một cơ sở GDNN và theo 5 chỉ tiêu khác nhau có liên quan đến số lượng tuyển sinh: 1) chỉ tiêu sinh viên, 2) chỉ tiêu hoàn thành, 3) chỉ tiêu chi phí chung, 4) chỉ tiêu xây dựng, và 5) chỉ tiêu trung tâm giới thiệu việc làm. Gói trợ cấp cơ bản thay đổi theo các trường. Bốn chỉ tiêu đầu tiên được phân bổ theo số lượng sinh viên. Có sự chênh lệch khá lớn trong mức trợ cấp giữa các chương trình cơ bản và chương trình chính và cũng có sự chênh lệch lớn giữa các chương trình giáo dục khác nhau. Chỉ tiêu số 5 là một ưu đãi kinh tế cho các trường để nhận thêm kinh phí thông qua hệ thống chỉ tiêu nếu trung tâm giới thiệu việc làm tăng số lượng các hợp đồng đào tạo nghề với doanh nghiệp. Hỗ trợ tài chính cho người học nghề Hệ thống đào tạo nghề Đan Mạch là một hệ thống kép. Hệ thống này dựa trên quan điểm rằng người sử dụng lao động quan tâm đến lực lượng lao động có năng lực tốt nhất và được đào tạo phù hợp và do đó sẵn sàng tham gia tích cực vào hoạt động đào tạo người học nghề. Về mặt nguyên tắc, chính phủ trả tiền cho các hoạt động đào tạo tại trường và doanh nghiệp trả tiền cho thời gian mà người học nghề thực tập tại doanh nghiệp. Phần thứ nhất của một chương trình đào tạo nghề (chương trình cơ bản) là học trên lớp (20 – 40 tuần), còn phần thứ hai (chương trình chính) sẽ luân phiên giữa đào tạo trên lớp và tại doanh nghiệp, trên cơ sở thỏa thuận hợp đồng giữa 392
  10. doanh nghiệp và người học nghề. Trong giai đoạn học chương trình cơ bản, sinh viên/người học nghề được hỗ trợ kinh tế từ phía chính phủ dưới dạng trợ cấp nhà nước. Trong giai đoạn học chương trình chính, khi người học có hợp đồng với doanh nghiệp, thì người học sẽ được trả lương theo thỏa thuận tập thể. Nếu sinh viên không có hợp đồng với doanh nghiệp thì đối với một số chương trình, các em có thể thực tập tại một trung tâm giới thiệu việc làm. Sinh viên sẽ được hỗ trợ tài chính từ chính phủ dưới dạng trợ cấp nhà nước. Trong thời gian học chương trình chính, sinh viên có thể thực hiện một phần hoặc toàn bộ nội dung thực tập tại một doanh nghiệp ở nước ngoài. Quỹ bồi hoàn của người sử dụng lao động sẽ hỗ trợ sinh viên về chi phi đi sang nước ngoài. Quỹ cũng chi trả chi phí đi lại khi sinh viên sang nước ngoài và khi các em trở về để theo tiếp phần học tại trường của chương trình chính. Các ưu đãi ở Đan Mạch Nguyên tắc chỉ đạo về ưu đãi là người sử dụng lao động phải tiếp nhận sinh viên học nghề để duy trì hệ thống kép và theo đó bảo đảm nguồn lao động có trình độ chuyên môn cho tương lai. Ngoài ra, tất cả các đơn vị sử dụng lao động nộp vào một quỹ bồi hoàn chung, tham gia cấp kinh phí cho các chương trình học nghề, kể cả đối với các đơn vị không tiếp nhận người học nghề. Có một vài ưu đãi kinh tế cho các doanh nghiệp khi tiếp nhận người học nghề, bên cạnh việc tham gia đào tạo nguồn lao động có trình độ chuyên môn trong tương lai: Quỹ bồi hoàn của người sử dụng lao động: Tất cả các doanh nghiệp nhà nước và tư nhân nộp vào Quỹ bồi hoàn của người sử dụng lao động dù có tiếp nhận người học nghề hay không. Mức đóng hàng năm là khoảng 3.000 DKR (400 Euro) cho mỗi người lao động. Trong thời gian người học nghề học trên lớp, doanh nghiệp có thể được bồi hoàn một phần lớn chi phí lương trả cho người học nghề. Theo đó, tất cả các doanh nghiệp ở Đan Mạch đều đóng góp cho hệ thống GDNN. Là một phần của đàm phán ba bên năm 2016, quyết định bổ sung hai gói tiền thưởng tạm thời để hỗ trợ cho các doanh nghiệp thuê nhiều người học nghề hơn, một gói tiền thưởng lợi ích và một gói tiền thưởng thực tập. Các doanh nghiệp có hợp đồng đào tạo với sinh viên học nghề theo đó được hưởng một gói tiền thưởng thêm. Đối với các cơ sở GDNN, việc các trường nhận thêm kinh phí thông qua hệ thống chỉ tiêu nếu trung tâm giới thiệu việc làm tăng số lượng hợp đồng đào tạo nghề với các doanh nghiệp (chỉ tiêu số 5) là một ưu đãi kinh tế. Chi phí và lợi ích doanh nghiệp ở Đan Mạch 393
  11. Chi phí của doanh nghiệp chủ yếu liên quan đến lương trả cho người học nghề. Lương trả trong giai đoạn đào tạo nghề ở trường được hoàn lại cho doanh nghiệp từ một quỹ chung do tất cả các doanh nghiệp ở Đan Mạch đóng góp. Tuy nhiên, nguyên tắc chỉ đạo về chi phí doanh nghiệp là người học nghề sẽ tham gia làm việc tạo ra sản phẩm, do đó giảm chi phí cho doanh nghiệp. Sinh viên được doanh nghiệp trả lương khi làm việc trong giai đoạn thực tập. Quỹ bồi hoàn của người sử dụng lao động hoàn lại cho doanh nghiệp tiền lương của người học nghề khi các em theo học tại trường. Doanh nghiệp trả lương cho người học nghề theo giai đoạn hợp đồng. Theo thỏa thuận tập thể, lương của người học nghề được quy định là mức lương tối thiểu. Có nghĩa là doanh nghiệp có thể trả cao hơn nếu họ muốn nhưng không được trả thấp hơn mức lương tối thiểu. Lương phải được nói rõ trong hợp đồng giữa người học nghề và doanh nghiệp. Lương này thay đổi theo từng ngành nghề do các thỏa thuận tập thể khác nhau giữa các công đoàn và hiệp hội của người sử dụng lao động. Lương khởi điểm cho sinh viên học nghề dao động từ 9.500 DKR đến 12.500 DKR (1.275 đến 1675 Euro) mỗi tháng theo thỏa thuận tập thể và tăng lên theo mỗi năm. Tất cả các doanh nghiệp, cả nhà nước và tư nhân, đều nộp một khoản tiền cố định hàng năm vào Quỹ bồi hoàn của người sử dụng lao động cho mỗi người lao động của mình dù doanh nghiệp có người học nghề hay không. Trong một số ngành nghề, doanh nghiệp thường trả tiền cho các công cụ và sách vở được sử dụng khi thực tập tại doanh nghiệp và khi học trên lớp. Khớp nối cung và cầu ở Đan Mạch Quá trình từ lúc xác định các nhu cầu kỹ năng mới đến giới thiệu một trình độ, bằng cấp mới có sự tham gia của nhiều bên hữu quan. Điều này được quy định chính thức trong luật, rằng nội dung của trình độ, bằng cấp phải căn cứ tối đa trên các phân tích và dự đoán về nhu cầu trình độ, bằng cấp. Quá trình này bao gồm các bên tham gia và hoạt động sau: - Hội đồng tư vấn về đào tạo nghề ban đầu tư vấn cho Bộ Trẻ em và Giáo dục về các nhu cầu trình độ, bằng cấp mới và đóng, sửa đổi các trình độ bằng cấp hiện có dựa trên số liệu thị trường lao động. - Để hỗ trợ cho công việc của hội đồng tư vấn, các ủy ban nghề quốc gia lập một báo cáo hàng năm về các diễn biến của thị trường lao động có liên quan đến nhu cầu trong tương lai về lao động có trình độ tay nghề của các nghề khác nhau trong lĩnh vực ngành nghề mà họ đại diện. 394
  12. - Ngoài ra, các ủy ban nghề và Bộ Trẻ em và Giáo dục có thể ủy thác các nghiên cứu về nhu cầu kỹ năng trong tương lai đối với một ngành hoặc một nghề hoặc về sự phát triển đa ngành có liên quan đến các phát triển trong lĩnh vực người máy hoặc kỹ năng tổng hợp. - Các ủy ban đào tạo địa phương tham vấn cho các cơ sở GDNN địa phương và tham gia xây dựng chương trình đào tạo địa phương. Các bên tham gia này cùng nhau chịu trách nhiệm xác định các nhu cầu kỹ năng và trình độ, bằng cấp làm cơ sở cho việc xây dựng và điều chỉnh các chương trình đào tạo nghề. Số liệu thống kê về đào tạo nghề và thị trường lao động có trên trang web của Bộ Trẻ em và Giáo dục www.uvm.dk và trang web của cơ quan thống kê Đan Mạch www.dst.dk. Ngoài ra, Bộ Trẻ em và Giáo dục phát hành tài liệu thống kê hàng tháng về các hợp đồng đào tạo nghề mới ký kết và đã kết thúc. Hệ thống đào tạo nghề Đan Mạch là một hệ thống theo định hướng nhu cầu. Mục đích của các cơ chế khác nhau là bảo đảm sự khớp nối giữa cung và cầu cả về lượng và về chất. Tuy nhiên, có một số thiếu khớp nối cấu trúc mang bản chất của vùng và ngành, bị tác động bởi các thay đổi cấu trúc rộng lớn hơn trong nền kinh tế. Trong một số lĩnh vực, rất khó để bảo đảm có đủ số lượng người học nghề như trong sản xuất chế tạo, trong khi đó, các lĩnh vực khác lại không có đủ chỗ học nghề. Số lượng sinh viên tìm nơi học nghề được theo dõi theo thời gian thực thông qua công cụ thống kê do Bộ Trẻ em và Giáo dục quản lý. Các bên hữu quan trong xã hội Đan Mạch là một phần của một hệ thống toàn diện như đã nêu ở trên. Mối quan hệ giữa doanh nghiệp và nhà trường luôn được theo dõi, nghĩa là thông qua sự tham gia trực tiếp hàng ngày trong vai trò doanh nghiệp tiếp đón người học nghề, tham gia vào các ủy ban đào nghề địa phương, đánh giá các kỳ thi, các buổi kiểm tra tay nghề thợ. Mối quan hệ này là động vì luôn có các doanh nghiệp mới, nhân viên mới và quan trọng nhất là nhu cầu mới từ xã hội và đặc biệt là người học. Hệ thống phải thích ứng theo các thay đổi để luôn phù hợp và sự đối thoại liên tục giữa các đối tác là một sự bảo đảm mạnh mẽ cho sự phù hợp đó./. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. https://eng.uvm.dk/ 2. https://www.ug.dk/programmes/aboutugdk 395
nguon tai.lieu . vn