Xem mẫu

  1. HỘI THẢO KHOA HỌC QUẢN TRỊ VÀ KINH DOANH – COMB 2016 HỢP TÁC– GIẢI PHÁP NÂNG CẤP CHUỖI GIÁ TRỊ NÔNG SẢN THỰC PHẨM - TÌNH HUỐNG TẠI CHUỖI CUNG ỨNG RAU AN TOÀN ĐÀ NẴNG COOPERATION - SOLUTION TO IMPROVE VALUE CHAIN OF AGRICULTURAL FOOD - THE CASE IN SUPPLY CHAIN OF SAFE VEGETABES IN DA NANG TS. Lê Thị Minh Hằng Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng hang.ltm@due.edu.vn TÓM TẮT Nhiều nghiên cứu trên thế giới đã khẳng định vai trò của hợp tác đối với việc cải thiện hiệu quả của chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm. Hợp tác có thể hỗ trợ phát huy hiệu quả, giảm chi phí, dẫn tới cải thiện giá trị gia tăng của một số mắt xích trong chuỗi. Bài nghiên cứu tập trung vào phân tích chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm, vai trò của hợp tác trong chuỗi nông sản thực phẩm. Một nghiên cứu thực nghiệm đã được thực hiện để mô tả trạng thái của chuỗi cung ứng RAT tại Đà Nẵng, các phương pháp phân tích chuỗi giá trị định tính và định lượng cũng được sử dụng để mô tả chi tiết chuỗi giá trị RAT, nhận diện giá trị gia tăng tại từng mắt xích. Trên cơ sở đó, nghiên cứu đã đề xuất một số phương án phát triển hợp tác để hiệu chỉnh cấu trúc chi phí-lợi nhuận trên chuỗi, kích thích các thành viên tích cực tham gia vào phát triển chuỗi RAT. Từ khóa: Chuỗi cung ứng thực phẩm, chuỗi cung ứng RAT, phân tích chuỗi giá trị, hợp tác, nâng cấp chuỗi RAT ABSTRACT Many researches around the world have confirmed the role of cooperation in improving the efficiency of the supply chain of agricultural products. Cooperation can help promote efficiency, reduce costs, leading to improve the added value of some links in the chain. The paper focuses on the analysis of the supply chain of agricultural products, the role of cooperation in the agricultural food chain. An experimental study was performed to describe the state of RAT supply chain in Da Nang, the method of qualitative and qualitative value chain analysis are also used to describe the details of RAT value chain, identifying the added value at each link. On that basis, the research proposes a number of options for developing cooperation to adjust the cost - profit structure in the chain, stimulating members to actively participate in the development of RAT chain. Keywords: food supply chain, RAT supply chain, value chain analysis, cooperation, improve RAT 1. Giới thiệu Với đặc trưng nhỏ và siêu nhỏ của đại bộ phận doanh nghiệp Việt Nam, giải pháp nào để các doanh nghiệp có thể cạnh tranh với những tập đoàn nước ngoài, để có thể sống sót trong nền kinh tế toàn cầu như hiện nay ? Hợp tác với những doanh nghiệp khác, trở thành một mắt xích trong chuỗi cung ứng toàn cầu đang là giải pháp hữu hiệu giúp các doanh nghiệp Việt Nam hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới. Từ những năm 90s, hợp tác đã trở thành chủ đề nóng mà nhiều tập đoàn quan tâm (Simchi-Levi, 1999). Hợp tác thúc đẩy thành viên trên chuỗi chia sẻ thông tin và nguồn lực để cùng nhau dự báo, hoạch định và thực thi hoạt động kinh doanh (Ramanathan, 2010). Nhiều công trình nghiên cứu trên thế giới đã chứng minh hiệu quả của hợp tác trên chuỗi trong việc giảm chi phí, tăng lợi nhận, tăng độ chính xác của dự báo và hoạch định, giảm chi phí tồn kho… (Gavirneni, 1999 ; Aviv, 2007). Nyaga (2010) còn cho rằng việc hợp tác, chia sẻ thông tin giữa các đối tác còn có tác dụng cải thiện cam kết và niềm tin của khách hàng. Trong chuỗi cung ứng nông sản nói chung và chuỗi cung ứng thực phẩm nói riêng, hợp tác đóng một vai trò quan trọng trong việc duy trì một chuỗi cung ứng hiệu quả. Với đặc trưng nhỏ lẻ, phân tán của sản xuất nông nghiệp, hệ thống sản xuất nông nghiệp truyền thông đang không đáp ứng được những đòi hỏi của một thị trường tiêu thụ hiện đại (Hu, Chen, Song; 2008). Trước thực trạng này, 108
  2. TRƯỜNG ĐẠI HỌC KINH TẾ - ĐẠI HỌC ĐÀ NẴNG chúng tôi đã tiến hành phân tích chuỗi giá trị của chuỗi cung ứng rau an toàn RAT tại Đà Nẵng, dựa trên cấu trúc chi phí-giá trị gia tăng của các mắt xích để đề xuất phương án hợp tác, nâng cấp chuỗi giá trị, góp phần phát triển bền vững chuỗi giá trị RAT. 2. Cơ sở lý luận 2.1. Chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm Về bản chất chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm cũng chứa đựng các đặc trưng cơ bản của một chuỗi cung ứng, đó là tập hợp « các bộ phận liên quan trực tiếp hay gián tiếp tới việc đáp ứng nhu cầu của khách hàng” (Chopra; 2011). Tuy nhiên, do sản phẩm nông nghiệp thường có tuổi thọ ngắn; sự khác biệt giữa các sản phẩm cao; hệ thống sản xuất mang tính mùa vụ không ổn định; chất lượng và sản lượng của các hệ thống sản xuất không đồng nhất; quá trình vận chuyển, bảo quản, quản lý chất lượng mang những đặc trưng riêng đặc thù; và khả năng truy xuất nguồn gốc khó khăn (Van der Vorst, 2006) nên chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm có thêm một số đặc trưng khác biệt. Chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm chứa đựng toàn bộ các công đoạn để đưa thực phẩm từ trang trại tới bàn ăn như: sản xuất, kiểm tra chất lượng, đóng gói, tồn kho, vận tải, phân phối và marketing (Iakovou, Vlachos, Achillas, & Anastasiadis, 2012). Những công đoạn này được hỗ trợ bởi hoạt động logistic, tài chính, các dịch vụ hỗ trợ. Một chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm có 5 dòng chảy: dòng vật chất, dòng tài chính, dòng thông tin, dòng sản xuất và dòng năng lượng (Tsolakis, Keramydas, Toka, Aidonis, & Iakovou, 2014) nhiều hơn so với ba dòng chảy vật chất, thông tin và vốn trong chuỗi thông thường. Ngoài 5 thành phần cơ bản của một chuỗi cung ứng thông thường (nhà cung cấp, nhà sản xuất, nhà phân phối, nhà bán lẻ và khách hàng) thì trên chuỗi nông sản thực phẩm xuất hiện sự tham gia của các tổ chức nghiên cứu, tổ chức công nghiệp, nông dân/trang trại sản xuất, hợp tác xã nông nghiệp, các thương lái, nhà sản xuất/chế biến, nhà vận tải, nhà xuất nhập khẩu, nhà bán sỉ, bán lẻ và khách hàng (Jaffee, Siegel, & Andrews, 2010; Matopoulos,Vlachopoulou, Manthou, & Manos, 2007; Van der Vorst, 2006). Trong đó, đáng chú ý là sự kết hợp giữa công-nông nghiệp trong chuỗi thực phẩm với sự gia tăng ngày càng nhiều của khu vực tư nhân (Bachev, 2012). 2.2. Quản lý chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm an toàn Một trong những trọng tâm của quản trị chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm hiện nay là vấn đề chất lượng, vệ sinh an toàn của sản phẩm đầu ra. Do những đặc trưng riêng biệt của nông sản thực phẩm, việc quản lý chất lượng trên chuỗi, từ trang trại tới bàn ăn gặp nhiều khó khăn. Đây cũng là rào cản lớn nhất đối với nông sản thực phẩm Việt Nam trong việc cạnh tranh trên thị trường nội địa cũng như việc thâm nhập vào thị trường quốc tế. Để có thể nâng cao chất lượng nông sản thực phẩm, cần phải gia tăng các biện pháp quản lý hiện đại nhằm nâng cao năng lực và hiệu quả của chuỗi dựa trên cơ sở chuẩn hóa toàn bộ quy trình, thủ tục làm việc trong toàn bộ chuỗi, từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ, đặc biệt là quy trình lựa chọn nhà cung ứng. Bên cạnh đó, cần xây dựng hệ thống giám sát chặt chẽ, khuyến khích người dân và doanh nghiệp tham gia chuỗi và thực hiện theo quy chuẩn. Hiện nay, nhìn chung việc quản lý chất lượng chuỗi cung nông sản thực phẩm được thực hiện theo hai trường phái. Thứ nhất là quản lý chất lượng theo các bộ tiêu chuẩn, chẳng hạn như ISO 22000, HACCP, VietGap, GlobalGAP. Thứ hai, là sử dụng biện pháp truy xuất nguồn gốc. Hệ thống này cho phép cung cấp thông tin về phía trước và phía sau. Dòng thông tin là một vấn đề quan trọng, mấu chốt trong quản lý chuỗi cung ứng thực phẩm. Thông tin giúp nhà quản lý, người dân hay các thành phần khác trong xã hội khi tham gia vào chuỗi 109
  3. HỘI THẢO KHOA HỌC QUẢN TRỊ VÀ KINH DOANH – COMB 2016 cung ứng an toàn thực phẩm có thể truy xuất dữ liệu, kiểm tra, giám sát theo thời gian thực (real time- giám sát dữ liệu đúng lúc nó xảy ra) từ khâu chọn giống, nuôi trồng, thu hoạch, sản xuất, xử lý, lưu trữ, phân phối, cho đến khâu tiêu thụ sản phẩm hay gọi là từ trang tại đến bàn ăn. Đồng thời, các giải pháp CNTT đem lại những triển vọng khả quan cho việc giải quyết những thách thức về truy xuất nguồn gốc và giám sát VSATTP. Dòng thông tin giúp thiết lập một kênh hợp tác làm việc mới giữa các nhà sản xuất thực phẩm, vận tải và các công ty bán lẻ, bệnh viện, trường học, cơ quan quản lý nhà nước... mà trước đây chưa từng có để đảm bảo phân phối hiệu quả và an toàn thực phẩm. Chẳng hạn, các công ty sử dụng thiết bị kiểm tra được kết nối với nhau để có thể xác định được chất lượng thực phẩm ngay khi nó rời nhà máy hoặc kho. Sau đó các nhà quản lý đội xe có thể tận dụng hệ thống CNTT để kiểm soát nhiệt độ của thực phẩm trong buồng lạnh của xe tải trong quá trình vận chuyển bởi các cảm biến nhiệt độ. Bất kỳ sự thay đổi nhiệt độ có thể đưa ra những cảnh báo và tự động điều chỉnh độ lạnh của xe tải. Cuối cùng, khách hàng nhận được thực phẩm an toàn đúng thời gian và không gặp bất kỳ vấn đề nào khác. 2.3. Hợp tác trong chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm Rất nhiều nghiên cứu trên thế giới đã tập trung nghiên cứu, phân tích để thấy rõ lợi ích cũng như tính tất yếu của việc hợp tác giữa các mắt xích trong chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm. Tại Brazil, quốc gia xuất khẩu cà phê hàng đầu thế giới, sự lỏng lẻo trong hợp tác giữa các nông hộ đã làm cho họ không bảo đảm được chất lượng của cà phê. Kết quả là nông dân buộc phải giảm giá để cạnh tranh với nhau trên thị trường (Cafaggi, et al. 2012). Mới đây, Schuster và Maertens (2013) đã tiến hành phân tích định lượng chuyên sâu và đã khám phá ra rằng mối quan tâm của hộ nông dân và doanh nghiệp là khác nhau. Trong khi người nông dân mới chỉ quan tâm đến chất lượng, vệ sinh an toàn của sản phẩm thì các doanh nghiệp đã tập trung nỗ lực của mình vào các vấn đề như đạo đức và môi trường. Sự bất đồng này ảnh hưởng mạnh mẽ đến sự hợp tác giữa họ. Nghiên cứu của Bacon et al. (2014) cho thấy, tại miền Bắc Nicaragua, do thiếu liên kết giữa nông hộ và thị trường, cà phê sau khi thu hoạch của nông dân không được bán với giá hợp lý. Tại đây, những tổ chức nông dân địa phương đã được hình thành để thiết lập mối quan hệ hợp tác giữa nông dân và những thành phần khác tham gia vào thị trường (Bacon et al., 2014). Nhìn chung, nhiều nghiên cứu trên thế giới đã cho thấy đại bộ phận nông dân nói chung đang sản xuất nhỏ lẻ, tự phát. Vì năng lực có hạn, nên họ gặp nhiều khó khăn về vốn cũng như các nguồn lực phục vụ cho sản xuất, và đặc biệt, họ gặp khó khăn trong việc bảo đảm chất lượng, trong việc tuân thủ các tiêu chuẩn về nông sản do thị trường yêu cầu. Các nghiên cứu cũng cho rằng sự tham gia của nông dân vào các chuỗi cung ứng còn hạn chế. Mối quan hệ liên kết giữa sự không chuyên nghiệp của nông dân với chuỗi cung ứng chuyên nghiệp còn yếu ớt (Oxfam, 2010). Thiếu sự tham gia của các trung gian trong việc kết nỗi giữa sản lượng sản xuất nhỏ của nông dân với các đơn hàng xuất khẩu quy mô lớn, yêu cầu chất lượng cao của doanh nghiệp. Để giải quyết vấn đề này, không có biện pháp nào khác là phải tạo dựng và đầu tư vào quan hệ đối tác giữa các nông hộ và doanh nghiệp. Điều này có thể tạo ra một chuỗi cung ứng bền vững, đem lại danh tiếng, thương hiệu cho doanh nghiệp, đồng thời xóa đói giảm nghèo, nâng cao năng suất, phát triển cơ sở hạ tầng và sự thịnh vượng chung của xã hội (Oxfam, 2010). Nhìn chung, nhiều quốc gia đã nhận thấy sự yếu kém của chuỗi cung ứng nông sản liên quan nhiều tới việc thiếu hợp tác giữa nông hộ và các thành phần khác trên chuỗi. Và kết quả của sự thiếu hợp tác này đã làm giảm giá trị, hiệu quả kinh doanh của các chuỗi nông sản thực phẩm. Với đòi hỏi ngày càng khắt khe của thị trường thế giới, các chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm phải được cải tiến, 110
  4. TRƯỜNG ĐẠI HỌC KINH TẾ - ĐẠI HỌC ĐÀ NẴNG nâng cao khả năng ứng dụng các hệ thống quản lý chất lượng hiện đại, khả năng truy xuất nguồn gốc đáp ứng đòi hỏi của khách hàng. 3. Tổng quan về chuỗi rau an toàn Đà Nẵng 3.1. Thực trạng về sản xuất rau tại Đà Nẵng Đà Nẵng một thành phố trực thuộc trung ương với ngành kinh tế chủ lực là công nghiệp, dịch vụ, hoạt động sản xuất nông nghiệp của thành phố khá khiêm tốn, tập trung chủ yếu tại Hòa Vang và một phần nhỏ tại Phường Hòa Hải và Phường Hòa Quý thuộc Quận Ngũ Hành Sơn. Theo báo cáo của Sở NN&PTNT, thành phố có 1650 ha sản xuất rau với sản lượng 25.000 tấn/năm3. Đặc biệt, Thành phố đã đầu tư gần 90 tỷ (dự án Qseap) để hình thành các vùng sản xuất rau an toàn tại Cẩm Nê (13,7 ha), Yến Nê (2ha)- Hòa Tiến Túy Loan Tây- Hòa Phong (20ha); Thạch Nham Tây- Hòa Nhơn (9ha); Phú Sơn 2, 3 (13ha), Phú Sơn Nam (17,5ha) và cánh đồng 19/8– Hòa Khương, trong đó có 13ha đạt chuẩn VietGAP. Tuy nhiên, cho tới nay số diện tích thực hiện sản xuất chỉ đạt khoảng 30ha4 với 2205 hộ dân, chiếm 27% so với kế hoạch là 794 hộ. Nhìn chung sản xuất nông nghiệp tại Đà Nẵng tồn tại dưới 3 hình thức: tổ chức sản xuất cá nhân hộ gia đình truyền thống, HTX và doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp. Trong đó, đại bộ phận là các cá nhân hộ gia đình sản xuất nhỏ lẻ, với diện tích bình quân 2 sào/hộ. Việc sản xuất tự phát, chủng loại, sản lượng thay đổi thất thường và không có kênh phân phối ổn định. Tại các vùng RAT được thành phố quy hoạch, đặc biệt là những vùng có chứng chỉ VietGAP, có tồn tại một số HTX nông nghiệp. Tuy nhiên, các HTX vẫn chủ yếu hoạt động theo cơ chế cũ. Cho tới nay, chưa HTX nào có thể bảo đảm việc cung ứng vật tư nông nghiệp đầu vào cũng như bao tiêu sản phẩm đầu ra cho xã viên. Vì vậy, mặc dù đã có 13ha được cấp chứng chỉ VietGAP nhưng đa số sản phẩm vẫn được bán tại chợ, trộn chung với các sản phẩm rau thông thường khác. Bên cạnh hộ sản xuất nhỏ lẻ và HTX nông nghiệp, ở Đà Nẵng đã có hai doanh nghiệp sản xuất RAT với diện tích mỗi doanh nghiệp khoảng 3ha. So với hộ sản xuất nhỏ lẻ và HTX, doanh nghiệp đang chứa đựng nhiều ưu thế trong việc triển khai các biện pháp khoa học kĩ thuật tiên tiến, hỗ trợ sản xuất RAT cũng như thực hiện truy xuất nguồn gốc. Tuy nhiên, cho tới hiện tại hoạt động của các doanh nghiệp đang rất khó khăn do chi phí sản xuất lớn, đầu ra của họ chưa tiếp cận được với thị trường, tỷ trọng lớn sản phẩm đầu ra mặc dù được sản xuất an toàn vẫn phải bán tại chợ đầu mối với giá bằng rau thông thường. 3.2. Thực trạng hoạt động phân phối rau tại Đà Nẵng Theo báo cáo của Sở NN&PTNT6, mỗi ngày thành phố tiêu thụ khoảng 178 tấn rau tươi các loại trong đó lượng rau do thành phố tự sản xuất chiếm từ 5-8%, còn lại là nhập từ ngoại tỉnh. Lượng rau nhập từ ngoại Tỉnh tập trung chính tại chợ đầu mối Hòa Cường sau đó cung cấp đến các điểm bán lẻ. Trong khi đó lượng rau sản xuất tại Đà Nẵng và một phần của Quảng Nam (như Hội An) thì chỉ tập trung một lượng nhỏ tại chợ đầu mối, phần còn lại được vận chuyển thẳng đến các chợ lẻ (sơ đồ 1). 3 Báo cáo sơ kết tình hình thực hiện nhiệu vụ 6 tháng đầu năm 2016, Sở NN&PTNT ĐN 4 Báo cáo Tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH, QP-AN của Hòa Vang 5 Báo cáo của Sở NN&PTNT trong cuộc gọp về VSATTP ngày 18.05.2016 6 Báo cáo tại hội nghị VSATTP ngày 18.05.2016 111
  5. HỘI THẢO KHOA HỌC QUẢN TRỊ VÀ KINH DOANH – COMB 2016 Sơ đồ 1: Chuỗi cung ứng rau tại Đà Nẵng Nhìn chung, hình thức phân phối rau tươi tại Đà Nẵng đa dạng từ truyền thống tới hiện đại, từ kênh trực tiếp tới gián tiếp thông qua nhiều trung gian, trong đó hình thành một số điểm phân phối hiện đại với các sản phẫm đã qua sơ chế, được bao gói với xuất xứ rõ ràng. Tuy nhiên, chưa một hệ thống phân phối nào khẳng định được thế mạnh trong việc cung ứng RAT. Hệ thống phân phối hiện đại, với ưu điểm về sự rõ ràng trong sản phẩm và truy xuất nguồn gốc thì lại gặp vấn đề về chi phí tăng cao, sản lượng bán nhỏ dẫn tới tồn kho dài ngày, làm giảm giá trị của RAT. Hệ thống phân phối truyền thống ngược lại, có thể giảm chi phí bán hàng nhưng lại chưa xử lý được vấn đề phân biệt giữa RAT và rau thông thường, điều này làm cho việc xây dựng lòng tin đối với người tiêu dùng trở nên khó khăn. Với thực trạng này, chúng tôi sẽ tiến hành phân tích chuỗi giá trị, tìm kiếm các giải pháp để hiệu chỉnh chi phí, nâng cấp chuỗi giá trị, góp phần phát triển bền vững chuỗi RAT trên thị trường Đà Nẵng. 4. Phân tích chuỗi giá trị rau an toàn 4.1. Phân tích chuỗi giá trị Mục đích của việc phân tích chuỗi giá trị là để xác định giá trị gia tăng trong từng mắt xích của một chuỗi cung ứng. Việc xác định giá trị gia tăng này đóng vai trò quan trọng trong việc thiết kế chuỗi cung ứng. Các mối quan hệ hợp tác giữa các thành viên trong chuỗi chỉ tồn tại và phát triển khi các mối quan hệ đó có tạo giá trị gia tăng. Và chính nhờ bản chất “giá trị” này mà các thành viên trên chuỗi tự động duy trì sự hợp tác, tự động thực thi đúng vai trò của mình, mà có thể không cần sự giám sát của người khác. Giá trị gia tăng có thể được tính theo nhiều phương pháp khác nhau, từ phương pháp định tính tới định lượng. Taylor (2005) đã đề xuất việc sử dụng phương pháp sơ đồ hóa để mô tả toàn bộ nhiệm vụ chi tiết của từng thành phần. Phương pháp này cho ta thấy chi tiết sự phân công chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của từng thành viên trên chuỗi. Dzanja, Kapondamgaga, & Tchale (2013) thì lại đã đề xuất 112
  6. TRƯỜNG ĐẠI HỌC KINH TẾ - ĐẠI HỌC ĐÀ NẴNG phương pháp phân tích cấu trúc chi phí để phân tích giá trị định lượng của chuỗi cung ứng. Phương pháp này được thực hiện thông qua việc phân tích định lượng chi tiết cấu trúc chi phí tại mọi mắt xích trên toàn chuỗi. Các chỉ số về tài chính như chi phí, cấu trúc chi phí, lợi nhuận, tỷ suất sinh lợi... sẽ được tính toán. Phân tích này nhằm ước lượng chi phí, lợi nhuận và lợi thế cạnh tranh của từng giai đoạn trên chuỗi. Sau khi các chỉ số tài chính được tính toán, tiếp theo sẽ có các phân tích để đánh giá mức độ hiệu quả của từng mắt xích trên chuỗi, từ đó đề xuất các giải pháp hiệu chỉnh chuỗi giá trị. Việc phân tích chuỗi giá trị có ý nghĩa to lớn trong việc loại bỏ những hoạt động không tạo ra giá trị, có biện pháp điều chỉnh phù hợp để làm tăng giá trị gia tăng trên toàn chuỗi. Trong phạm vi nghiên cứu này, chúng tôi đã tiến hành phân tích một chuỗi giá trị thông thường và so sánh chuỗi nó với chuỗi giá trị rau an toàn để trả lời câu hỏi “Tại sao giá trị của rau an toàn luôn cao hơn 2-3 lần rau thông thường?” 4.2. Phương pháp nghiên cứu Để có thể phân tích được chuỗi giá trị rau tại Đà Nẵng, chúng tôi đã sử dụng phương pháp phức hợp bao gồm cả phân tích định tính và định lượng. 4.2.1. Nghiên cứu định tính thông qua thảo luận nhóm với chuyên gia Chuyên gia được lựa chọn là những người đang tham gia vào quá trình sản xuất, phân phối RAT, cụ thể: - 11 cá nhân đang tham gia sản xuất và phân phối rau an toàn tại Đà Nẵng (04 cuộc phỏng vấn) - 7 cá nhân đang tham gia phân phối thực phẩm an toàn tại Đà Nẵng (04 cuộc phỏng vấn) - 7 nhân viên đang làm việc tại BigC, Metro và VinMark trong bộ phận hàng thực phẩm tươi sống (05 cuộc phỏng vấn) 4.2.2. Nghiên cứu định lượng thông qua BCH điều tra Chúng tôi đã tiến hành phát bảng câu hỏi điều tra 200 cá nhân, hộ gia đình sản xuất rau tại Hòa Vang, Cẩm Lệ và Bắc Mỹ An và 200 cá nhân tham gia phân phối rau quả tại một số chợ trên địa bàn Đà Nẵng để điều tra về vai trò, nhiệm vụ của từng đối tượng trên chuỗi và cấu trúc chi phí, lợi nhuận. Kết quả thu được từ các nghiên cứu cho phép chúng tôi phân tích chuỗi giá trị rau thông thường và RAT tại Đà Nẵng như sau: 4.3. Mô tả định tính chuỗi giá trị Nhìn chung chuỗi cung ứng rau an toàn tại ĐN cũng bao gồm những mắt xích cơ bản của một chuỗi cung ứng nông sản, trong đó nguy cơ gây ra mất an toàn VSTP tập trung vào 3 nhóm đối tượng là nhà sản xuất nông nghiệp, nhà phân phối và sản xuất VTNN. Trên chuỗi có xuất hiện HTX, tuy nhiên theo nghiên cứu thực nghiệm, 100% HTX ở Đà Nẵng đóng vai trò như một nhà trung gian phân 113
  7. HỘI THẢO KHOA HỌC QUẢN TRỊ VÀ KINH DOANH – COMB 2016 phối, mua đi bán lại sản phẩm rau củ của nông dân. Trên chuỗi cũng xuất hiện một số doanh nghiệp (khoảng 10 doanh nghiệp chuyên cung ứng thực phẩm tươi sống cho các bếp ăn tập thể như trường học, doanh nghiệp. Giá trị gia tăng của đối tượng doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm tươi sống này so với tiểu thương bán sỉ ngoài chợ đó là khả năng hợp thức hóa chứng từ, hóa đơn mua hàng. Trong chuỗi cung ứng rau an toàn hiện tại ở Đà Nẵng, hoạt động sơ chế, đóng gói, dán nhãn đang đóng vai trò quan trọng, chính những công đoạn này đã tạo ra sự phân biệt giữa rau an toàn với rau thông thường, và góp phần tạo “niềm tin” đối với người tiêu dùng. So với chuỗi rau thông thường, trong chuỗi rau an toàn vai trò của những mắt xích “truyền thống” như nông dân, thương lái, người bán sỉ bị giảm đi đáng kể, thay vào đó là sự nâng cao vai trò của các doanh nghiệp, hệ thống bán lẻ hiện đại. Bảng 1. Mô tả định tính chuỗi giá trị cung ứng rau an toàn tại Đà Nẵng 4.4. Mô tả định lượng chuỗi giá trị Dữ liệu thu thập được từ nghiên cứu định tính và định lượng, với việc sử dụng phương pháp của Dzanja và cs (2013); và Anic, Nusinovic (2005) chúng tôi đã tính được giá trị gia tăng tại các mắt xích như sau: 114
  8. TRƯỜNG ĐẠI HỌC KINH TẾ - ĐẠI HỌC ĐÀ NẴNG Bảng 2. Giá trị gia tăng tại công đoạn sản xuất của người nông dân Kết quả điều tra cho thấy việc sản xuất rau an toàn tổng chi phí sản xuất cao hơn so với sản xuất rau thường khoảng 20%. Nguyên nhân của thực tế này là do các nhà xản xuất rau an toàn phải đầu tư nhiều hơn cho khâu chăm sóc. Tuy nhiên, việc chênh lệch 20% vẫn không đáng kể nhưng lợi nhuận của sản xuất RAT chỉ bằng ½ rau thông thường là do người sản xuất phải bán RAT với giá rau thông thường. Thực tế chỉ ra rằng, hiện nay tại Đà Nẵng, không một hộ nông dân nào có thể bán rau của mình với giá rau an toàn do họ không thể tự sơ chế, bao gói và thực hiện một số hoạt động marketing để bán hàng. Để khắc phục thực trạng này các hộ dân buộc phải bán rau sản xuất được thông qua HTX, là tổ chức có đủ vốn và các điều kiện khác đối với việc thực hiện được các hoạt động marketing, đóng gói sản phẩm. Vì nguyên nhân này đối với rau an toàn, trên chuỗi cung ứng có sự tồn tại của mắt xích HTX. Tỷ xuất lợi nhuận của các HTX trong chuỗi cung ứng rau an toàn là rất thấp, chỉ đạt 8,2%. Xét một cách chi tiết thì hiện giá thu mua rau an toàn của các hợp tác xã từ những hộ nông dân trực tiếp sản xuất chỉ ngang với giá rau bình thường là 6.500 VNĐ/kg. Trong khi đó chi phí dành cho các khâu sau thu hoạch như sơ chế, đóng gói, vận chuyển sản phẩm đến người tiêu dùng là rất cao ở mức gần 5.100 VNĐ (bảng 5). 115
  9. HỘI THẢO KHOA HỌC QUẢN TRỊ VÀ KINH DOANH – COMB 2016 Bảng 3. Giá trị gia tăng tại mắt xích HTX Đối với doanh nghiệp sản xuất RAT, doanh nghiệp trang bị đầy đủ các điều kiện khoa học công nghệ, kỹ thuật sản xuất hoàn chỉnh và diện tích sản xuất lớn nên các chi phí sản xuất rau an toàn cũng thấp hơn hơn so với các hộ nông dân sản xuất nhỏ lẻ. Với chính sách và CSHT hiện có của Đà Nẵng, chi phí đầu tư ban đầu vào sản xuất của doanh nghiệp cũng không lớn, khoảng 100 triệu/ha. Do đó, so với nông dân và HTX, chi phí sản xuất trên cùng một đơn vị diện tích của doanh nghiệp nhỏ hơn. Nhưng chi phí sản xuất rau an toàn vẫn cao hơn khoảng 1,6 lần so với rau thường. Nếu sản phẩm rau an toàn có thể bán ra thị trường với giá 12.000 VNĐ thì lợi nhuận của doanh nghiệp sẽ là 46,3%, có nghĩa là cao hơn gần 6 lần so với các hộ nông dân (bảng 6). Tuy nhiên, trên thực tế doanh nghiệp không thể bán được 100% sản phẩm của mình với giá rau an toàn. Một tỷ lệ lớn sản lượng vẫn phải bán tại chợ sỉ với giá của rau thông thường. Bảng 4. Giá trị gia tăng của doanh nghiệp sản xuất rau an toàn 116
  10. TRƯỜNG ĐẠI HỌC KINH TẾ - ĐẠI HỌC ĐÀ NẴNG Hiệu quả kinh tế tại các mắt xích của chuỗi giá trị rau an toàn được trình bày trong bảng 7, 8. Bảng 5. Chuỗi giá trị RAT Nhìn dữ liệu chúng ta thấy, trong chuỗi rau an toàn, chỉ duy nhất doanh nghiệp sản xuất hưởng có lợi nhuận cao hơn so với chuỗi rau thông thường. Còn lại, từ người sản xuất, tới người bán lẻ lợi nhuận bán RAT đều thấp hơn lợi nhuận từ bán rau thông thường. Đặc biệt, trong chuỗi rau an toàn, mặc dù giá bán lẻ gấp 2.2 lần giá bán rau thường, nhưng tỷ lệ lợi nhuận của các trung gian phân phối nhỏ hơn nhiều một chuỗi bán rau thông thường, lý do là: Bảng 6. So sánh chuỗi giá trị rau an toàn và rau thường - Chi phí sơ chế, đóng gói. Marketing, vận chuyển, bán hàng của rau an toàn lớn, từ 5.000- 8.000/kg 117
  11. HỘI THẢO KHOA HỌC QUẢN TRỊ VÀ KINH DOANH – COMB 2016 - Sản lượng bán của chuỗi rau an toàn nhỏ hơn nhiều so với rau thông thường  làm tăng chi phí bán hàng/đơn vị sản phẩm Với những phân tích này, duy nhất có doanh nghiệp sản xuất là có % lợi nhuận của việc sản xuất rau an toàn cao hơn rau thông thường. Những thực tế chưa có doanh nghiệp nào có thể bán được toàn bộ sản lượng rau an toàn của mình với giá của rau an toàn. Do đó, có thể nói việc sản xuất, cung ứng rau an toàn không hấp dẫn đối với bất kì mắt xích nào trên chuỗi, ngay cả việc người tiêu dùng phải trả giá gấp 2-3 lần giá rau thường thì phần chênh lệch giá đó cũng không đủ bù đắp chi phí phát sinh trong phân phối rau an toàn. Với những phân tích này, chúng ta thấy nghịch lý là chi phí phát triển trên chuỗi rau an toàn chủ yếu do công đoạn phân phối, bao gồm chi phí đóng gói, bán hàng, chi phí bảo quản, chi phí cho điểm bán... Thực ra những chi phí này lại không làm tăng thêm sự ”an toàn” cho rau an toàn. Người tiêu dùng cần rau an toàn chứ thực chất không cần việc đóng gói bao bì bắt mắt hay cần một điểm bán sang trọng. 5. Giải pháp nâng cấp chuỗi rau an toàn Với dữ liệu phân tích ở trên, chúng ta thấy giá trị gia tăng tại mọi mắt xích trong chuỗi RAT đều nhỏ, đó là lý do dẫn tới không đối tượng nào mặn mà với việc sản xuất, kinh doanh RAT trong khi thị trường có nhu cầu lớn. Vấn đề chính ở đây là việc gia tăng chi phí sơ chế, đóng gói và bán hàng quá lớn, cho nên để nâng cấp chuỗi RAT cần phải có những nỗ lực giảm các chi phí này. Phát triển hợp tác ngang và dọc được coi là giải pháp hiệu quả cho tình huống này. 5.1. Thúc đẩy hợp tác ngang giữa các nhà sản xuất Thực trạng sản xuất nông nghiệp, nhỏ lẻ và manh mún, đại đa số việc sản xuất vẫn dựa vào nông hộ với diện tích canh tác nhỏ, phương thức canh tácthủ công như hiện nay của Đà Nẵng đang tạo ra nhiều bất lợi cho việc phát triển chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn. Việc sản xuất nhỏ lẻ không chỉ làm gia tăng chi phí mua các yếu tố đầu vào, chi phí sản xuất mà còn có nhiều hạn chế trong việc chuyển đổi sang sản xuất sản phẩm an toàn. Tương tự như tình trạng của các nước khác, nông dân đang bị ép giá do không làm chủ được thị trường. Việc áp dụng khoa học kĩ thuật, thực thi và tuân thủ các quy định về quản lý chất lượng, chẳng hạn như VietGAP hay việc xây dựng thương hiệu là không thể đối với các hộ sản xuất nhỏ lẻ. Do đó, con đường duy nhất để cải thiện tình trạng sản xuất, nâng cao khả năng đáp ứng nhu cầu thị trường đó là việc thiết lập liên kết giữa các nhà sản xuất. Ouden (1996) cho rằng liên kết ngang giúp giảm chi phí sản xuất do tận dụng được lợi thế quy mô, tăng sự linh hoạt, do việc liên kết có thể vừa xử lý được vấn đề lợi thế quy mô, vừa xử lý được vấn đề sự đa dạng của chủng loại sản xuất. Để thúc đẩy hợp tác ngang giữa các nhà sản xuất, chính quyền địa phương nên thúc đẩy phát triển một số doanh nghiệp và HTX hạt nhân. Những pháp nhân này sẽ đóng vai trò cung ứng đầu vào và bao tiêu đầu ra cho nông dân, sẽ thay mặt Nhà nước thực hiện kiểm tra, giám sát chất lượng, VSATTP, phát triển thương hiệu cũng như các hoạt động marketing cần thiết hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm an toàn. 5.2. Thúc đẩy hợp tác dọc trên chuỗi Theo dữ liệu phân tích, do sự hợp tác lỏng lẻo trên chuỗi làm nảy sinh khả năng trộn lẫn hàng hóa khi di chuyển từ mắt xích này tới mắt xích khác cao. Vì vậy, trên chuỗi đã nảy sinh một hành động là bao gói RAT. Việc bao gói RAT làm phát sinh chi phí sơ chế, đóng gói, chi phí vận chuyển và bảo quản, từ 5000-8000/kg bằng với giá bán ra từ đơn vị sản xuất. Trong khi đó việc bao gói, bảo quản này 118
  12. TRƯỜNG ĐẠI HỌC KINH TẾ - ĐẠI HỌC ĐÀ NẴNG không làm gia tăng giá trị đối với khách hàng. Vì vậy, các mắt xích trên chuỗi có thể tăng cường hợp tác để giảm những hành động không tạo ra giá trị này. Một số phương án có thể triển khai thực hiện là: Phát triển kênh phân phối trực tiếp từ người sản xuất tới người tiêu dùng. Người sản xuất tự bán và cam kết sự bảo đảm với người tiêu dùng. Như vậy có thể loại bỏ toàn bộ các công đoạn như bao gói, sơ chế... Tuy nhiên, hộ nông dân cá thể vẫn không thể trực tiếp thực hiện các hoạt động kiểm tra, giám sát hay marketing cho RAT, vì vậy vẫn cần xuất hiện mắt xích HTX. HTX và doanh nghiệp có thể trực tiếp tổ chức bán RAT, khi đó chi phí bán hàng của họ phát sinh thêm khoảng 8500/kg. Nhưng do loại bỏ toàn bộ chi phí bao gói và các chi phí liên quan nên giá trị gia tăng của mọi mắt xích tăng lên và HTX có thể mua giá cao hơn (8000/kg), bảo đảm lợi ích cho người sản xuất. Bảng 7. Chuỗi giá trị RAT tại kênh phân phối trực tiếp Hợp tác trao đổi thông tin giữa các mắt xích để bảo đảm khả năng truy xuất nguồn gốc. Nếu có thể thiết lập sự hợp tác chặt chẽ giữa nhà sản xuất, người bán lẻ và cơ quan quản lý nhà nước trong việc chia sẻ thông tin về quản lý nguồn gốc xuất xứ RAT thì trên chuỗi có thể bỏ qua công đoạn sơ chế, đóng gói, công đoạn làm gia tăng giá trị. Mô hình hợp tác giữa ba bên có thể được hình thành như sau: 119
  13. HỘI THẢO KHOA HỌC QUẢN TRỊ VÀ KINH DOANH – COMB 2016 - Cơ quan quản lý NN tại địa phương chịu trách nhiệm quản lý chất lượng RAT tại điểm sản xuất, tiến hành niệm phong và cung cấp giấy chứng nhận, mã số lô, kèm theo mỗi lô hàng xuất bán của nhà sản xuất - Tại các chợ truyền thống, ban quản lý chợ, đại diện của Cơ quan quản lý NN sẽ làm đầu mối kiểm tra, giám sát các lô hàng RAT nhập vào chợ, bảo đảm còn nguyên niêm, có mã số, chứng từ hợp lệ kèm theo - Sử dụng kết hợp các ứng dụng CNTT như việc sử dụng hệ thống camera tại điểm bán lẻ, sử dụng phần mềm bán hàng tại điểm bán để kiểm soát lượng hàng vào-ra... đễ hỗ trợ cho kiểm giám sát dòng hàng hóa vào ra tại điểm bán lẻ. Với mô hình này, trên chuỗi có thể loại bỏ các chi phí liên quan tới đóng gói, sơ chế. 6. Kết luận Tóm lại, chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm mang những đặc trưng riêng biệt của sản phẩm nông sản. Với tình hình sản xuất và cung ứng nông sản hiện nay của Việt Nam, để có thể nâng cấp chuỗi giá trị, nâng cao giá trị hàng nông sản, bảo đảm những đòi hỏi khắt khe của thị trường, cần phải có những thay đổi cơ bản trên toàn chuỗi. Công trình nghiên cứu này đã tiến hành một nghiên cứu thực nghiệm trên chuỗi cung ứng RAT tại Đà Nẵng, tiến hành phân tích giá trị và dựa vào giá trị gia tăng của từng mắt xích để đề xuất phương án hợp tác, hiệu chỉnh lại các chi phí chưa hợp lý của chuỗi. Đây có thể là công trình nghiên cứu mang tính ứng dụng lớn, có ý nghĩa thực tiễn trong bối cảnh vệ sinh an toàn thực phẩm đang là mối lo của Việt Nam. Ngoài ra, nghiên cứu cũng đã gợi mở việc phát triển quan hệ hợp tác để hiệu chỉnh cấu trúc chi phí-lợi nhuận, góp phần cải thiện giá trị gia tăng của các mắt xích trong chuỗi. DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Asia-Pacific Association of Agricultural Research Institutions. Linking Farmers to Market: Some Success Stories from Asia-Pacific Region. Compilation of various reports. Bangkok, Thailand: Asia- Pacific Association of Agricultural Research Institutions, 2008. [2] Bachev H. (2012). Issues and challenges for farm and enterprise diversification and integration of small scale farmers into value chains in EECA, in Enabling Environment for Producer-agribusiness Linkages in EECA, ed. S.Tanic, FAO, Rome. [3] Bacon, Christopher M., et al. "Explaining the 'hungry farmer paradox': Smallholders and fair trade 120
  14. TRƯỜNG ĐẠI HỌC KINH TẾ - ĐẠI HỌC ĐÀ NẴNG cooperatives navigate seasonality and change in Nicaragua's corn and coffee markets." Global Environmental Change (2014): 133-149. [4] Cafaggi, Fabrizio, et al. "Accessing the Global Value Chain in a Changing Institutional Environment." 2012 [5] Dzanja, J., Kapondamgaga, P., & Tchale, H. (2013). Value Chain Analysis of Beef in Central and Southern Malawi (Case Studies of Lilongwe and Chikhwawa Districts), 4(6), 92–103. [6] Fulton, M. (2000). New generation co-operatives, Presentation to the legal awareness for marketing specialty agricultural products seminar by the Alberta Agricultural, Food and Rural Development, Edmonton. –Alberta. – 2000. [7] Iakovou E., Vlachos D., Achillas C., Anastasiadis F. (2012). A Methodological Framework for the Design of Green Supply Chains for the Agrifood Sector. Working Paper. [8] Jaffee S., Siegel P., Andrews C. (2010). Rapid agricultural supply chain risk assessment: a conceptual framework. Agriculture and rural development discussion paper; no. 47. Washington, DC: World Bank. [9] Lyne M., Collins R. (2008) South Africa’s new Cooperatives Act: a missed opportunity for small farmers and land reform beneficiaries Agrekon., Vol. 47. Iss: 2, pp. 180-197. [10] Matopoulos A. , Vlachopoulou M., Manthou V., Manos B. (2007). A conceptual framework for supply chain collaboration: empirical evidence from the agri‐food industry, Supply Chain Management: An International Journal, Vol. 12 Iss: 3, pp.177 – 186. [11] Oxfam International. Think Big. Go small. Adapting business models to incorporate smallholders into supply chains. Part of 'Briefings for Business' series. Oxford, United Kingdom: Oxfam International , 2020. [12] Samaratunga, Parakrama A. "Innovative practice in integrating small farmers into dynamic supply chains: a case study of Ma's Tropical Food Company." Regoverning Markets Innovative Practice series. 2006. [13] Schuster, Monica and Miet Maertens. "Do private standards create exclusive supply chains? New evidence from the Peruvian asparagus export sector." Food Policy (2013): 291-305. [14] Taylor, D. H. (2005). Value chain analysis: an approach to supply chain improvement in agri-food chains. http://doi.org/10.1108/09600030510634599. [15] Tsolakis, N. K., Keramydas, C. a., Toka, A. K., Aidonis, D. a., & Iakovou, E. T. (2014). Agrifood supply chain management: A comprehensive hierarchical decision-making framework and a critical taxonomy. Biosystems Engineering, 120, 47–64. [16] Ouden M., Dijkhuizen A.A, Vertical cooperation in agricultural production-marketing chains, wich special reference to product differentiation in pork, in:Agribusiness: An International Journal 12(3), 1996. [17] Van Der Vorst (2006). Performance measurement in agri-food supply-chain networks. Quantifying the agri-food supply chain, pp. 15-26. [18] World Bank. "Is there a place for Smallholder Producers in Supply-Chains?" ARD Workshop (2004). 121
nguon tai.lieu . vn