Xem mẫu

  1. JOURNAL OF SCIENCE OF HNUE DOI: 10.18173/2354-1067.2016-0075 Social Sci., 2016, Vol. 61, No. 5, pp. 167-174 This paper is available online at http://stdb.hnue.edu.vn HOẠT ĐỘNG KINH TẾ CỦA PHỤ NỮ TRONG CỘNG ĐỒNG NGHỀ CÁ VEN BIỂN VIỆT NAM (SO SÁNH TRƯỜNG HỢP TỈNH NAM ĐỊNH VÀ TỈNH KHÁNH HÒA) Trần Thị Hồng Nhung Khoa Việt Nam học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội Tóm tắt. Cùng với xu thế chung của toàn thế giới, tại Việt Nam những năm gần đây, vai trò của người phụ nữ được nâng cao rõ rệt trong mọi mặt đời sống, đặc biệt là kinh tế. Do đó, vấn đề bình đẳng giới đã đạt được nhiều tiến bộ nhờ sự nỗ lực của cả xã hội, mỗi cộng đồng cũng như từng cá nhân. Tuy nhiên, ở một số cộng đồng dân cư mang tính chất đặc thù như cộng đồng nghề cá ven biển, vấn đề này đang gặp nhiều trở ngại và thành quả đạt được còn nhiều hạn chế. Điều này ảnh hưởng đến việc nâng cao vai trò của người phụ nữ nói riêng và tạo ra những bất cập trong quá trình phát triển kinh tế, cải thiện đời sống cả cả cộng đồng. Bằng cách so sánh trường hợp nghiên cứu của hai tỉnh Nam Định và Khánh Hòa, bài báo tập trung làm rõ những nguyên nhân, hiện trạng và những tác động của sự khác biệt vùng về vai trò của người phụ nữ trong đời sống kinh tế của cộng đồng nghề cá ven biển Việt Nam, từ đó khuyến nghị một số vấn đề liên quan đến chính sách trong quá trình phát triển cộng đồng nơi đây. Từ khóa: Cộng đồng nghề cá, hoạt động kinh tế, bình đẳng giới. 1. Mở đầu Hiện nay, phụ nữ Việt Nam góp một phần rất lớn vào quá trình phát triển của đất nước. Với hơn 50% dân số và gần 50% lực lượng lao động xã hội, ngày càng có nhiều phụ nữ tham gia vào hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội và giữ những chức vụ quan trọng trong bộ máy nhà nước. Theo số liệu của Tổng cục thống kê năm 2015, tỉ lệ nữ trong lực lượng lao động là 46,1%. Phụ nữ chiếm ưu thế trong một số ngành như giáo dục, y tế, và dịch vụ. Trong công tác chuyên môn, phụ nữ chiếm số đông trong các bộ môn văn học, ngôn ngữ, y dược, khoa học xã hội, khoa học tự nhiên và kinh tế [8]. Tuy nhiên, các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng dù có nhiều thay đổi nhưng những định kiến về người phụ nữ vẫn tồn tại như một rào cản cho vấn đề bình đẳng giới. Theo số liệu về khuynh hướng việc làm tại Việt Nam, nhiều người trong số các chị em phụ nữ phải tự tạo việc làm hoặc làm việc trong gia đình mà không được trả công [8]. Phụ nữ làm việc trong các khu vực không chính thức có tiền công thấp hơn, tay nghề thấp hơn và ít cơ hội nâng cao tay nghề và đào tạo hơn nam giới [4]. Như vậy, rõ ràng là bất bình đẳng giới vẫn đang tồn tại tương đối rõ rệt trong vấn đề lao động và việc làm của Việt Nam. Ngày nhận bài: 1/2/2016. Ngày nhận đăng: 5/5/2016 Liên hệ: Trần Thị Hồng Nhung, e-mail: trannhungvnh@gmail.com 167
  2. Trần Thị Hồng Nhung Sự bất bình đẳng trong lao động và việc làm được biểu hiện tương đối rõ rệt tại cộng đồng nghề cá. Các nghiên cứu của nhiều tác giả tại các khu vực khác nhau như Nghệ An [5], các tỉnh ven biển Trung Bộ (Nghệ An, Hà Tĩnh, Đà nẵng, Khánh Hòa và Bình Thuận) [9] đều cho thấy mặc dù có sự đóng góp của người phụ nữ vào các hoạt động kinh tế của gia đình nhưng vai trò chính, tiếng nói quyết định vẫn thuộc về nam giới. Tuy nhiên, các tác giả thường chỉ tập trung vào các nghiên cứu trường hợp nên chưa thấy được sự khác nhau của các địa phương. Chính vì vậy, bài viết này chú trọng vào việc làm nổi bật sự khác biệt của hai khu vực nghề cá là miền Bắc và miền Nam để thấy được những ảnh hưởng của điều kiện tự nhiên, đặc điểm nghề cá đến hoạt động kinh tế của người phụ nữ trong các gia đình ngư dân. 2. Nội dung nghiên cứu 2.1. Những hoạt động kinh tế chính của phụ nữ trong cộng đồng nghề cá ven biển Việt Nam Như một quy luật từ bao đời, nghề biển chỉ dành riêng cho đàn ông, là những người trụ cột trong gia đình. Trong một cộng đồng mà nghề biển chiếm tới khoảng 55% tổng số lao động toàn vùng [10], việc đàn ông độc quyền trong việc khai thác đã dẫn đến sự phân công lao động khá rõ ràng: Nam giới đi biển, phụ nữ ở trên bờ chuẩn bị ngư cụ, lương thực, thực phẩm cho người đi biển, chế biến và bản hải sản, cũng như làm mọi việc nhà. Nếu quy trình đánh cá được chia làm 3 khâu: chuẩn bị, đi đánh cá, chế biến và bán cá; thì nam giới đảm nhiệm khâu thứ hai, còn phụ nữ đảm nhiệm hai khâu còn lại. Hình 1. Tỉ lệ lao động nữ trong các hoạt động nghề cá ở Việt Nam [3] Trong nghề cá, phụ nữ không tham gia nhiều vào các hoạt động đánh bắt nhưng lại góp phần đáng kể trong hoạt động nuôi trồng thủy sản, chế biến, buôn bán và các dịch vụ nghề cá và thể hiện rõ những thế mạnh riêng trong công việc. Trong đó vai trò của phụ nữ nổi bật ở một số công đoạn nuôi trồng thuỷ sản: chăm sóc con giống gần 70%, tiêu thụ sản phẩm hơn 80% và tham gia vào quyết định hạch toán giá bán là 70%, tham gia quản lí tài chính 60% và phân bổ chi phí sản xuất 23,8% [1]. Theo báo cáo mới đây của ngành thuỷ sản, phụ nữ chiếm hơn 60% lực lượng lao động trong buôn bán và dịch vụ nghề cá, đặc biệt chiếm hơn 80% trong lao động chế biến thủy sản [3]. . . Như vậy, không thể phủ nhận vai trò lớn của phụ nữ trong chuỗi giá trị sản phẩm nghề cá. Bên cạnh đó, phụ nữ còn góp phần đáng kể cho việc phát triển thế hệ lao động nghề cá mới thông qua hoạt động chăm sóc gia đình, nuôi dưỡng con cái. Ngoài ra, phụ nữ đã bước đầu nắm giữ các vị trí lãnh đạo, chiến lược trong nghề cá và tham gia đóng góp trong công tác bảo vệ tài 168
  3. Hoạt động kinh tế của phụ nữ trong cộng đồng nghề cá ven biển Việt Nam... nguyên môi trường biển. Những dịch vụ ăn theo nghề biển là một trong những lựa chọn của phụ nữ để có thêm thu nhập cho gia đình. Trước các chuyến ra khơi, họ cung cấp nhu yếu phẩm cho tàu thuyền trước mỗi chuyến biển. Đến khi tàu cập bến sau chuyến đánh bắt dài ngày trên biển, thì những người phụ nữ lại bận bịu với những việc làm của mình, họ gánh cá, gánh nước hay gánh đá thuê cho các chủ tàu, họ bắt đầu với công việc vá những tấm lưới đã bị thủng rách sau khi đánh bắt hải sản. . . Mỗi sáng, nhiều phụ nữ chỉ cần ra biển mua sỉ cá từ các phương tiện, sau đó rải ra rổ và bán lẻ lại ngay trên bãi cho những người dân đi mua cá ăn cũng kiếm được vài chục nghìn đồng. Giữ xe, khiêng cá, lột mực. . . cũng là những công việc mà nhiều người rất cần trong thời gian này. Sau mỗi chuyến đi biển, nam ngư dân thường nghỉ ngơi, phục hồi sức khoẻ, chuẩn bị cho chuyến đi tiếp theo chứ không làm bất cứ nghề phụ gì, dù cho thu nhập từ hải sản rất thất thường và có xu hướng ngày càng giảm do cạn kiệt nguồn lợi. Để nuôi sống gia đình, phụ nữ chứ không phải ai khác phải tiến hành nhiều hoạt động khác nhau như buôn bán, dịch vụ. . . để có thêm thu nhập. 2.2. Sự khác biệt vùng miền trong vai trò của phụ nữ - nguyên nhân, hậu quả Để thấy rõ sự khác biệt trong sở dụng lao động nữ tại khu vực ven biển, một cuộc khảo sát đã được tiến hành tại một số xã phường ven biển tại tỉnh Nam Định vào tháng 9/1015 và Khánh Hòa vào tháng 3/2016. Khánh Hòa là tỉnh có nghề đánh bắt xa bờ tương đối phát triển. Có đường bờ biển dài 385 km, lại nằm gần các ngư trường trọng điểm của cả nước, Khánh Hòa có số lượng tàu thuyền đánh bắt xa bờ khoảng 1000 chiếc và sản lượng thủy sản khai thác đứng thứ 10 trong số các tỉnh (thành) của cả nước (khoảng 85 nghìn tấn). Còn Nam Định là tỉnh tương đối đặc trưng cho nghề cá quy mô nhỏ. Sản lượng thủy sản khai thác được của toàn tỉnh chỉ đứng thứ 33 toàn quốc (thấp hơn so với một số tỉnh không giáp biển). Trong tổng số hơn 2000 tàu thuyền đánh bắt của tỉnh, chỉ có khoảng 300 tàu có công suất trên 90CV. Thêm vào đó, với đặc trưng vùng cửa sông, ven biển, các hoạt động nông nghiệp của địa phương vẫn có điều kiện phát triển. Ở khu vực ven biển Nam Định, bên cạnh nghề cá là sinh kế chủ yếu, các gia đình vẫn có thể có thêm thu nhập từ các ngành nghề khác như trồng trọt, chăn nuôi hay các nghề thủ công truyền thống. Đây là điều kiện để phụ nữ địa phương tìm kiếm việc làm. Chính vì vậy, cơ cấu việc làm của phụ nữ vùng ven biển của hai tỉnh tương đối khác biệt. Hình 2. Cơ cấu việc làm phụ nữ vùng ven biển Nam Định và Khánh Hòa [10] Tỉ lệ nữ đi biển cao gần tương đương nam giới là nét đặc thù ở Nam Định, cũng như một số địa phương phía Bắc. Đây cũng là một nét đặc điểm của nghề cá nhỏ ven bờ. Trong tổng số 184 169
  4. Trần Thị Hồng Nhung lao động đi biển được điều tra, thì 60 là lao động nữ (30%). Trong tổng số 71 hộ đi biển (có ít nhất 1 lao động đánh cá), chỉ có 24 hộ là không có lao động nữ đi biển. Như vậy, phạm vi hoạt động của phụ nữ không chỉ dừng lại ở việc nhà, việc chợ mà họ tham gia vào nghề biển như những lao động thực sự. Phụ nữ miền Bắc cũng ra khơi đánh cá cùng chồng, cũng đi câu, cũng nuôi trồng thuỷ sản, và tham gia vào tất cả các hoạt động nghề cá như một lao động chính thức. Đây đã là truyền thống của người phụ nữ miền Bắc từ lâu. Một cuộc khảo sát tại Cửa Lò, Quỳnh Lưu, Nghi Lộc và Diễn Châu (Nghệ An) vào những năm 1997-1998 cũng cho thấy phụ nữ Nghệ An trong các gia đình nghề cá luôn tìm mọi cách để có thêm thu nhập trong gia đình nên họ tham gia vào nhiều hoạt động như dịch vụ, chế biến, buôn bán thủy sản, làm muối, nông nghiệp và các ngành nghề khác [2]. Từ vùng biển Nam Trung Bộ trở vào, một hiện tượng nổi là tỉ lệ những người phụ nữ làm công việc nội trợ chiếm tỉ lệ khá lớn. Tại Khánh Hòa, tỉ lệ phụ nữ trong độ tuổi lao động ở nhà lên đến 25%. Ngoài ra còn phải kể đến một bộ phận những phụ nữ buôn bán nhỏ (19%). Thực chất đây là những người không tìm được việc làm. Họ không thu gom thủy sản của các thuyền khác mà chỉ giải quyết lượng thủy sản mà chồng con họ đánh bắt được để kiếm thêm một chút thu nhập so với việc bán cá cho các chủ thu mua. Một bộ phận trong số họ tìm kiếm thêm thu nhập bằng những công việc tạm thời như vá lưới hay đan lưới thuê nhưng nguồn thu nhập này rất ít ỏi và không thể được coi là một sinh kế ổn định. Trong khi cơ hội tìm kiếm những sinh kế khác quá khó khăn. Rất nhiều phụ nữ tại khu vực này vẫn ngóng đợi những chuyến tàu đánh cá của những người đàn ông trong gia đình dù nhiều khi họ trở về với lượng cá ít ỏi, không đủ bù đắp chi phí. Sự khác biệt này có thể được lí giải bằng các nguyên nhân chủ yếu sau đây: - Trước hết là sự khác biệt của quy mô nghề cá. Ở miền Bắc, nghề cá chủ yếu là quy mô nhỏ (thậm chí là rất nhỏ kiểu thủ công) còn ở miền Nam, đánh bắt thủy sản đang được quy hoạch dần hướng hiện đại, đánh bắt xa bờ. Công suất trung bình của một tàu đánh cá Khánh Hòa là khoảng 110 CV. Phạm vi hoạt động của các tàu đánh bắt của Khánh Hòa không chỉ giới hạn ở trong tỉnh (bao gồm các vịnh Vân Phong, Nha Trang, Cam Ranh, Đầm Nha Phu các vùng lộng, cửa sông) mà có thể vươn ra các vịnh, lộng, cửa sông của các tỉnh giáp ranh như Phú Yên, Ninh Thuận và các vùng biển gần bờ của các tỉnh này. Thậm chí theo mùa vụ cá Nam, cá Bắc tàu thuyền đánh bắt xa bờ của tỉnh Khánh Hòa đã vươn xa ra các vùng biển khơi thuộc Vịnh Bắc Bộ ở Biển Đông, tới tận các quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa tới tận vùng Bắc Biển Đông khu vực Đài Loan, Philippin ở biển Tây Nam tới khu vực biển quốc tế giáp Thái Lan, Malaysia, Indonexia. Ngư trường đánh bắt đã có nơi xa tỉnh tới 200 hải lí. Với ngư dân Nam Định, những năm đầu thập kỉ 90, các nghề khai thác ven bờ là chủ yếu, ngư trường đánh bắt rất gần bờ (chỉ cách bờ chưa đến 30 km và độ sâu không quá 15 m nước). Phương tiện chủ yếu là mủng mảng lắp máy 6 đến 12 CV hoạt động các nghề rê kèm vây, đăng đáy và giã kéo. Từ 1995 trở lại đây, sự phát triển của phương tiện khai thác lớn hơn, ngư cụ được cải tiến thì các nghề khai thác xa bờ bắt đầu phát triển. Năm 2014, số tàu công suất nhỏ dưới 20CV là 1.311 chiếc; loại tàu công suất từ 50 đến dưới 90CV là 97 chiếc; tàu công suất lớn, loại 90CV trở lên chỉ có 357 chiếc. Ngư trường đã ra xa khoảng hơn 50 km, nhưng vẫn chủ yếu ở khu vực vịnh Bắc Bộ, trong tỉnh và đi xa nhất là đến Thanh Hóa [10]. Nghề cá lộng cho phép người phụ nữ có thể tham gia vào các hoạt động khai thác, khi mà các chuyến đánh cá chỉ qua một đêm, hoặc có khi chỉ là các thuyền không có động cơ câu tay hoặc đánh lưới rê. Nhưng nghề cá khơi quá nặng nhọc đối với phụ nữ. Những chuyến đi biển thường kéo dài nhiều ngày, có khi nhiều tháng không thể là môi trường làm việc thích hợp với phụ nữ. Bên cạnh đó, những chủ tàu lớn, đánh bắt cá xa bờ thường có mối quan hệ khá chặt chẽ với các chủ nậu vựa nên toàn bộ sản phẩm đánh bắt cá được đều được chủ nậu quen thu mua. Và khi đó, người phụ nữ trong gia đình cũng không có điều kiện đảm nhiệm việc buôn bán các loại thủy sản nữa. Trong 170
  5. Hoạt động kinh tế của phụ nữ trong cộng đồng nghề cá ven biển Việt Nam... khi đó, những hộ đánh bắt vừa và nhỏ, những người phụ nữ trong gia đình có thể tham gia buôn bán các sản phẩm đánh bắt được. Chính vì vậy, theo điều tra, những hộ đánh bắt xa bờ thường có lực lượng ăn theo đông hơn so với những hộ đánh bắt nhỏ gần bờ - vốn hay làm thêm một số dịch vụ nhỏ khác. - Thứ hai là sự khác biệt của điều kiện tự nhiên. Vùng ven biển phía Nam thường tương đối hạn chế về khả năng phát triển nông nghiệp do điều kiện đất đai (thường bị xâm nhập mặn hoặc vốn đất ít). Chăn nuôi cũng ít có điều kiện phát triển. Nuôi trồng thủy sản (gồm cả nuôi lồng bè và nuôi mặt nước) cũng tạo không ít rào cản cho sự tham gia của người phụ nữ. Còn đối với miền Bắc, vùng đồng bằng ven biển tương đối rộng cho phép các hộ gia đình có thể phát triển đồng thời cả thủy sản và nông nghiệp (chăn nuôi cũng như trồng trọt). Vì vậy, nếu không thể tham gia vào đánh bắt hay nuôi trồng thủy sản, người phụ nữ vẫn có thể đảm nhiệm việc trống cấy và chăn nuôi một số loại gia súc, gia cầm để tăng thêm thu nhập cho gia đình. Một nguyên nhân nữa cũng cần phải được xem xét là sự ưu đãi mà thiên nhiên mang lại cho vùng biển phía Nam so với phía Bắc. Ở các vùng biển phía Nam, nguồn tài nguyên biển phong phú và mật độ dân số lại thấp khiến cho hiệu quả của các chuyến đi biển cao hơn nhiều so với phía Bắc. Chính vì vậy, chỉ cần người đàn ông đi biển cũng mang lại nguồn thu nhập đủ cho gia đình sinh sống (ở mức độ tối thiểu). Vì vậy, người phụ nữ không thể và cũng không cần phải gánh việc đi biển, kiếm cá, kiếm tôm như chồng, con mình. Truyền thống ấy đã kéo dài quá lâu khiến cho hiện nay, dù thu nhập từ nghề biển không còn như trước nhưng cũng khó thay đổi một thói quen đã tồn tại lâu đời. Trong khi đó, ngay từ xa xưa, người phụ nữ miền Bắc đã phải chung lưng đấu cật với những người đàn ông mới mong có đủ nguồn sống cho cả gia đình. - Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến vai trò của phụ nữ trong các hoạt động nghề cá, trong đó quan trọng nhất là kiến thức văn hoá và chuyên môn. Theo số liệu điều tra, những phụ nữ có học vấn trung học cơ sở trở lên có quyết định mạnh dạn và tự tin hơn so với các phụ nữ có trình độ thấp hơn. Theo kết quả điều tra tại Khánh Hòa tháng 3/2016, khoảng gần 1/2 số người trên 15 tuổi chỉ có trình độ học vấn tiểu học và khoảng 1/3 có học vấn trung học cơ sở. Đó là chưa kể đến gần 10% trong số đó rơi vào cảnh mù chữ. Một trong những nguyên nhân khiến cho trình độ học vấn của người dân vùng ven biển thấp là do nhận thức của họ về cơ hội và khả năng tìm kiếm việc làm nhờ học tập còn thấp. Nhiều bậc cha mẹ cho rằng con cái họ không cần học nhiều, chỉ cần biết đọc, biết viết, sau đó học nghề của cha mẹ là đủ. Và đây chính là một rào cản khiến cho người lao động nói chung và lao động nữ nói riêng không có cơ hội tìm kiếm việc làm ở các lĩnh vực mới như công nghiệp và dịch vụ. Trong điều kiện nghề biển rất nặng nhọc thì khả năng tìm việc và tự tạo việc làm của người phụ nữ là khá xa vời. Còn ở miền Bắc, do ý thức của người dân về vai trò của học hành và kiến thức đối với sản xuất và việc tìm kiếm việc làm tương đối tốt nên người lao động có trình độ học vấn khá cao. Người phụ nữ cũng có điều kiện được học hành và có những kiến thức về nuôi trồng thủy sản, về trồng trọt và chăn nuôi, về các ngành nghề khác nên khả năng tìm kiếm được việc làm tốt hơn. - Thứ tư là những vấn đề tâm linh, tư tưởng. “Trọng nam khinh nữ” là tư trưởng phổ biến ở các nước phương Đông và Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ. Tuy nhiên, đối với nghề cá, một nghề mà thu nhập phụ thuộc nhiều vào sự may rủi thì tư tưởng này đã trở thành một loại “tín ngưỡng” và “kiêng kị”, nhất là đối với nghề cá khơi thì càng trở nên nặng nề. Người dân nghề biển có nhiều lễ nghi để cầu xin một chuyến cá bội thu: khi đóng xong bè mảng họ làm lễ hạ thuyền, trước mỗi chuyến ra khơi làm lễ cúng nhật trình. . . và trong các lễ này đều kiêng kị không cho đàn bà con gái qua lại bởi họ quan niệm đàn bà có nhiều âm khí, ô uế [3]. Dân đi biển rất kiêng việc ra đường gặp đàn bà con gái, đặc biệt là phụ nữ có thai. Những gia đình làm nghề chài lưới, nếu trong 171
  6. Trần Thị Hồng Nhung nhà có phụ nữ đang mang thai thì họ phải kiêng làm một số công việc chuẩn bị cho chuyến ra khơi của người đàn ông như không mang lưới xuống thuyền, không tiễn chân, không đi qua mũi thuyền và phải tránh gặp mặt người đi biển trước khi họ ra khơi [6]. Những kiêng kị ấy dần trở thành định kiến về vai trò của phụ nữ trong nghề biển. Người phụ nữ không được bước chân xuống thuyền mà phải ở nhà chờ chồng. Những nguyên nhân kể trên đã tạo nên sự khác biệt rất lớn trong vai trò của người phụ nữ vùng ven biển. Nếu người phụ nữ miền Bắc tham gia vào các hoạt động kinh tế của gia đình như một lao động thực sự thì phần đông phụ nữ miền Nam bị giới hạn trong các công việc gia đình, nội trợ và tham gia một cách thụ động vào đời sống kinh tế của gia đình cũng như của cộng đồng. Hiện trạng này đã gây ra nhiều hậu quả đối với cả cộng đồng, từng gia đình cũng như những người phụ nữ. - Thứ nhất là tác động đối với kinh tế của gia đình. Việc người phụ nữ trong gia đình không có việc làm thường xuyên và ổn định là một khó khăn lớn đối với phát triển kinh tế, cải thiện đời sống gia đình. Tỉ lệ dân số phụ thuộc của Việt Nam nhìn chung đang có xu hướng giảm dần nhưng tình hình này ít được cải thiện ở các vùng ven biển chính do tình trạng thiếu việc làm của người phụ nữ. Và theo kết quả điều tra, những hộ đánh bắt xa bờ thường có lực lượng “ăn theo” đông hơn so với các hộ đánh bắt gần bờ. Người phụ nữ trong gia đình không có kiến thức và khả năng trong lĩnh vực kinh tế mà hoàn toàn phụ thuộc vào chồng con mình. Và khi xảy ra bất trắc đối với những lao động nam trong gia đình, người phụ nữ không có khả năng gồng gánh kinh tế gia đình mình, và do đó gia đình rất dễ rơi vào đói nghèo. Ở khu vực nông thôn ven biển, tỉ lệ hộ nghèo có chủ hộ là nữ có xu hướng gia tăng, từ 16,32% năm 2002 tăng lên 22% năm 2012 [4]. Đây là một thách thức lớn đối với việc giảm nghèo của Việt Nam hiện nay. Khi không có việc làm, thời gian rảnh rỗi nhiều đã làm nảy sinh nhiều hiện tượng “nhàn cư vi bất thiện”. Những cảnh phụ nữ chơi bài bạc, hút thuốc. . . không phải là hiếm gặp trong cộng đồng nghề cá, đặc biệt là các tỉnh phía Nam. Những khó khăn về kinh tế đối khi còn dẫn tới các tệ nạn xã hội như mại dâm, trộm cắp. . . Những vấn đề xã hội này là một bài toán đau đầu cho các nhà quản lí địa phương tại các vùng ven biển - Từ việc kém tiếng nói về kinh tế dẫn tới sự thiệt thòi trong vị thế xã hội của người phụ nữ. Sự phụ thuộc vào kinh tế khiến cho người phụ nữ không có được tiếng nói và sự chủ động trong cuộc sống gia đình cũng như cộng đồng. Và do đó, vấn đề bình đẳng giới, vốn đang được cải thiện nhiều trên phạm vi cả nước, lại khó đạt được những bước tiến đáng kể tại các khu vực ven biển. Một điều đáng lưu ý là trải qua một quá trình lâu dài, sự coi thường vai trò của phụ nữ trong cộng đồng nghề cá ở các tỉnh phía Nam đã dẫn tới ý thức tự coi thường mình và ỷ lại của bản thân những người phụ nữ. Nhiều phụ nữ khi được phỏng vấn đã cho rằng: “Đàn bà thì biết gì mà bàn vào việc làm ăn của mấy ổng” hay “Trong nhà từ làm ăn cho đến con cái, hầu hết là ông xã tui quyết định, có bàn sơ qua với vợ, nhưng cái chính là đàn ông, vì ổng làm nhiều tiền hơn tui và ổng là đàn ông”. Từ quan niệm ấy, những người phụ nữ dường như rất “bằng lòng” với sự phụ thuộc của mình. Họ thấy đó là việc bình thường vì “từ trước đến nay vẫn vậy rồi” và họ dường như không thấy có nhu cầu phải thay đổi hiện trạng ấy. Chính vì vậy, phụ nữ cũng không cần học nhiều. Việc đầu tư cho học hành đều tập trung vào con trai “con gái có cho đi học rồi cũng ở nhà thôi”. Và vì vậy, những lớp lao động nữ bổ sung lại tiếp tục rơi vào vòng luẩn quẩn: thiếu việc làm – phụ thuộc – thiếu kiến thức – thiếu việc làm. - Tâm lí cố đẻ nhiều con trai thống trị ở các cộng đồng ngư phủ. Người dân nghề biển thấy rằng chỉ những gia đình nhiều lao động nam đi biển thì kinh tế mới phát triển, nhất là ở thời buổi sức lao động nghề cá đang được giải phóng và huy động tối đa, vì dẫu rằng nghề cá nhỏ vô cùng 172
  7. Hoạt động kinh tế của phụ nữ trong cộng đồng nghề cá ven biển Việt Nam... khó khăn thì thu nhập của họ vẫn cao hơn nông nghiệp. Cho nên đã sống bằng nghề cá mà không đẻ được con trai để tạo ra sức lao động kế nghiệp nghề biển thì là “đại họa” [7]. Chính vì vậy tỉ lệ sinh đẻ ở các vùng ven biển thường cao, quy mô các gia đình lớn và tỉ lệ gia tăng dân số thường nhanh hơn so với các vùng khác. Năm 2014, tỉ lệ gia tăng dân số của huyện Ninh Ích (Khánh Hòa) khoảng 14,5% trong khi con số này của Hải Hậu (Nam Định) là 12,8% và cả nước là 10,4%. Quy mô hộ gia đình của hai địa phương kể trên lần lượt là 4,2 và 3,8. Điều này có thể được lí giải một phần bằng tâm lí thích sinh con trai ở các vùng biển phía Nam rõ rệt hơn nhiều so với vùng biển phía Bắc. 2.3. Những gợi ý về chính sách để cải thiện hoạt động kinh tế của phụ nữ Trên cơ sở những nghiên cứu ở trên, có thể thấy việc hoạch định những chính sách tập trung cho sự phát triển của phụ nữ là một vấn đề cần thiết và cấp bách để phát triển cộng đồng nghề cá hiện nay, trong đó nên tập trung vào những nội dung chủ yếu sau: - Thay đổi và cải thiện các chính sách về hộ gia đình theo hướng tăng cường bình đẳng giới. Hiện nay những chính sách về xác định chủ hộ liên quan đến vay vốn cho phát triển kinh tế, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. . . đều theo hướng có lợi cho nam giới. Vì vậy cần có sự thay đổi để tạo hành lang pháp lí cho sự chủ động, sáng tạo, năng động của người phụ nữ trong các hoạt động kinh tế. Điều này đặc biệt có hiệu quả đối với người phụ nữ trong nghề cá khi họ được phép tiếp cận nhiều hơn với các nguồn tài sản và tín dụng để phát triển và mở rộng hoạt động kinh tế của mình, cả trong lĩnh vực nghề cá và ngoài nghề cá. - Đảm bảo yếu tố giới trong hoạch định chính sách, chương trình, kế hoạch và dự án phát triển: Ngày nay, yếu tố giới đã trở thành thành phần không thể thiếu được trong hoạch định chính sách, kế hoạch và dự án phát triển, đặc biệt đối với các dự án phát triển nông nghiệp nông thôn. Tuy nhiên, đối với cộng đồng nghề cá, vấn đề này còn chưa được chú ý đúng mức. Đặc biệt cần chú ý đến việc thêm các ngành nghề phụ, các nghề thủ công để giải quyết việc làm cho người phụ nữ trong thời gian chờ chồng con đi biển. - Trong phát triển sản xuất: cần tạo cơ hội để phụ nữ được tiếp cận nhiều hơn với kiến thức và công nghệ mới thông qua việc tham gia tập huấn, hội thảo, xây dựng mô hình phát triển kinh tế, giới thiệu những ngành nghề mới phù hợp với khả năng và thời gian của họ - Vận động và tạo điều kiện cho mọi chị em phụ nữ được thường xuyên tham gia sinh hoạt, hội họp đoàn thể phụ nữ, thanh niên, hội nông dân; được học tập có điều kiện được tiếp cận với sách, báo, các phương tiện truyền thông. . . Nhằm nâng cao trình độ về mọi mặt của phụ nữ, tạo môi trường cho họ phát huy và khẳng định vai trò của mình đối với gia đình và xã hội. - Tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức giới đối với người phụ nữ để nâng cao ý thức của họ trong việc tự coi trọng bản thân, có ý thức và nỗ lực vươn lên để tự khẳng định bản thân và góp phần vào sự phát triển của gia đình cũng như cộng đồng. 3. Kết luận Rõ ràng, sự hạn chế trong hoạt động kinh tế của người phụ nữ tại cộng đồng dân cư nghề cá là một rào cản lớn đối với sự phát triển của người phụ nữ nói riêng và nền kinh tế - xã hội của toàn khu vực nói chung. Điều này đặt ra yêu cầu các nhà quản lí và hoạch định chính sách cần chú ý hơn nữa đến đối tượng này, tạo ra những chính sách hợp lí hơn, tạo môi trường để người phụ nữ có thể phát huy khả năng của mình, góp phần vào việc phát triển kinh tế gia đình và cộng đồng. Để thay đổi những thói quen, những tập quán tồn tại bao đời không phải là điều dễ dàng. Nó đòi 173
  8. Trần Thị Hồng Nhung hỏi sự nỗ lực của từng cá nhân người phụ nữ, cũng yêu cầu sự động viên, khuyến khích và tạo điều kiện của những người nam giới trong gia đình cũng như ngoài cộng đồng. Đó sẽ là lời giải hay cho bài toán về tăng trưởng bền vững vùng ven biển Việt Nam, khu vực giàu tài nguyên nhưng còn nhiều khó khăn cho quá trình phát triển. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Mai Huy Bích, Lê Thị Kim Lan, 1999. Địa vị phụ nữ ngư dân ở một số làng đánh cá miền Trung. Tạp chí Xã hội học số 3&4 , tr.67, 68. [2] Đỗ Thị Minh Đức, 1999. Vai trò của người phụ nữ trong hộ gia đình nghề cá Nghệ An. Kỉ yếu Hội nghị khoa học nữ lần thứ 4, Hà Nội. [3] Lan Hương. Bình đẳng giới trong ngành thủy sản: hành trình còn lắm gian nan. Tạp chí Cộng sản ngày 28/10/2011. Nguồn: http://www. tapchicongsan. org. vn/Home/PrintStory. aspx?distribution=13360&print=true. [4] Nguyễn Thị Thanh Hòa, 2011. Thực hiện bình đẳng giới để phụ nữ Việt Nam tích cực tham gia xây dựng, phát triển đất nước. Tạp chí Quản lí nhà nước, số 189. [5] Lê Tiêu La và Lê Ngọc Hùng, 1998. Vấn đề giới trong kinh tế hộ: tìm hiểu phân công lao động nam nữ trong gia đình ngư dân ven biển miền Trung. Tạp chí Xã hội học, số 3. [6] Nguyễn Thanh Lợi, 2014. Tín ngưỡng dân gian miền biển Khánh Hòa. Tạp chí phát triển kinh tế - xã hội Đà Nẵng số 54. [7] Hà Xuân Thông, 2003. Đặc điểm của các cộng đồng dân cư ven biển. Khóa tập huấn quốc gia về quản lí khu bảo tồn biển. Nha Trang, tháng 8/2003. [8] UNDP. Tăng cường bình đẳng giới và nâng cao năng lực, vị thế cho phụ nữ. Nguồn: http://www. vn. undp. org/content/vietnam/vi/home/mdgoverview/overview/mdg3. html. [9] Lê Ngọc Văn, 1999. Phân công lao động theo giis trong gia đình ngư dân đánh bắt hải sản. Tạp chí Khoa học về phụ nữ, số 1. [10] Số liệu điều tra tại các xã (phường) thuộc Nha Trang và Ninh Hòa (Khánh Hòa) năm 2008 , Giao Thủy và Hải Hậu (Nam Định) năm 2015. ABSTRACT The women’s role in economic life of Vietnam’s coastal fishing communities (case study of Nam Dinh and Khanh Hoa provinces) Along with the general trend of the world, in recent years, the role of Vietnames women was markedly improved in many life’s aspects, especially economic ones. Therefore, the gender equality has made the big progress thanks to the efforts of the each individual, each community and whole society. However, in some specific communities as coastal fishing community, this problem is encountered many obstacles and achievements are limited. This negatively affects to enhance the role of women in family and community; and creates difficulty for the economic development process and for the community life improvement. With a comparative perspective of Namdinh and Khanhhoa provinces, the article focuses on clarifying the causes, current status and some effects of regional difference among women’s role in economic life of Vietnam’s coastal fishing communities. Based on these, this article suggests some recommendations related to development policies for the community. Keywords: Fishery communities, economic activities, gender equality. 174
nguon tai.lieu . vn