Xem mẫu

  1. HOÀN THIỆN PHÁP LUẬT VỀ KINH DOANH THEO PHƯƠNG THỨC ĐA CẤP TỪ GÓC ĐỘ HOẠT ĐỘNG BÁN LẺ ThS. Nguyễn Lê Lý Trường Đại học Bạc Liêu Tóm tắt: Kinh doanh theo phương thức đa cấp về bản chất là một trong những hình thức của hoạt động bán lẻ hàng hoá. Mục đích cuối cùng của hoạt động này là đưa hàng hoá từ nơi sản xuất đến với người tiêu dùng nhằm đảm bảo chức năng phân phối của dòng lưu thông hàng hoá trong nền kinh tế. Do vậy, khi xác định mục tiêu và giải pháp thực hiện chính sách pháp luật đối với vấn đề này phải xuất phát từ nguyên tắc và nội dung của pháp luật điều chỉnh hoạt động bán lẻ nói chung. Bài viết đưa ra một số đề xuất hoàn thiện pháp luật điều chỉnh hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp trong điều kiện hiện nay. Từ khoá: Bán hàng đa cấp, bán lẻ đa cấp, kinh doanh đa cấp, phương thức đa cấp. IMPROVING LAW ON MULTI-LEVEL BUSSINESS FROM THE ASPECT OF RETAILING ACTIVITY Abstract: Multi-level marketing is essentially one of the forms of retailing. The ultimate purpose of this activity is to bring goods from manufacturers to consumers to ensure the distribution function of goods flow in the economy. Therefore, when determining the goals and solutions to implement legal policies on this issue, it must be derived from the principles and content of the law adjusting retail activities in general. This article makes some proposals to improve the law governing multi-level business activities in the current conditions. Keywords: Multi-level business, multi-level marketing, multi-level method, multi-level retailing. 1. Dẫn nhập Nghị định 110/2005/NĐ-CP về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp của Chính phủ ban hành ngày 24 tháng 8 năm 2005 (sau đây gọi là Nghị định 110/2005/NĐ-CP) đã xác định bán hàng đa cấp là phương thức tiếp thị để bán lẻ khi đáp ứng các điều kiện tại khoản 11 Điều 3 Luật Cạnh tranh 2004 [1]. Sau gần 10 năm thi hành, Nghị định này đã được thay thế bởi Nghị định 42/2014/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2014 (sau đây gọi là Nghị định 42/2014/NĐ-CP). Đến khi được điều chỉnh bởi Nghị định 40/2018/NĐ-CP, tên gọi của văn bản này đã trả lại đúng với bản chất của đối tượng điều chỉnh của nó. Đó là quản lý “hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp”, thay vì sử dụng cụm từ “bán hàng đa cấp”. Theo đó, hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp là hoạt động kinh doanh sử dụng mạng lưới người tham gia gồm nhiều cấp, nhiều nhánh, trong đó, người tham gia được hưởng hoa hồng, tiền thưởng và lợi ích kinh tế khác từ kết quả kinh doanh của mình và của những người khác trong mạng lưới. Mặc dù vậy, trong nghị định hầu như vẫn tiếp tục dùng 269
  2. cụm từ “bán hàng đa cấp” để hiểu về “phương thức kinh doanh đa cấp” đối với các chủ thể liên quan là doanh nghiệp và người tham gia; thay vì là doanh nghiệp sử dụng phương thức kinh doanh đa cấp hay người tham gia phương thức kinh doanh đa cấp thì được gọi là “doanh nghiệp bán hàng đa cấp”, “người tham gia bán hàng đa cấp” hay “hoạt động bán hàng đa cấp”. Việc sử dụng những từ ngữ này có khả năng gây nhầm lẫn bán hàng đa cấp là một ngành nghề, trong khi đó chỉ là một phương thức kinh doanh [2]. Nhận thấy việc sửa đổi, bổ sung những quy định pháp luật về phương thức kinh doanh đa cấp phải được thực hiện dựa trên xem xét bản chất của hoạt động này đặt trong hệ thống pháp luật điều chỉnh hoạt động bán lẻ, bài viết đưa ra những đề xuất cho việc hoàn thiện pháp luật về kinh doanh theo phương thức đa cấp trên cơ sở tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của pháp luật thương mại và pháp luật thương mại quốc tế có liên quan. Để thực hiện mục tiêu nói trên, tác giả sử dụng một số phương pháp nghiên cứu như phương pháp phân tích để luận giải, làm rõ các vấn đề liên quan đến kinh doanh theo phương thức đa cấp hoặc để phân tích các dự thảo quy định pháp luật có liên quan; phương pháp tổng hợp để liên kết, sắp xếp các yếu tố đã phân tích để đề xuất những phương hướng hoàn thiện quy định pháp luật. 2. Những kết quả, hạn chế của Nghị định 40/2018/NĐ-CP và các phương hướng, giải pháp sửa đổi, bổ sung từ quan điểm của Bộ Công thương [3] Kinh doanh theo phương thức đa cấp là hoạt động kinh doanh sử dụng mạng lưới người tham gia gồm nhiều cấp, nhiều nhánh, trong đó, người tham gia được hưởng hoa hồng, tiền thưởng và lợi ích kinh tế khác từ kết quả kinh doanh của mình và của những người khác trong mạng lưới. Phương thức này chỉ được thực hiện đối với hàng hóa [4]. Cùng với Luật Doanh nghiệp, Luật Cạnh tranh và các Nghị định hướng dẫn thi hành nói trên, hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp được điều chỉnh qua khác giai đoạn kinh tế xã hội khác nhau đã phát huy những hiệu quả tích cực nhất định trong mỗi thời kỳ. Đến nay, với văn bản pháp luật liên quan nổi bật điều chỉnh hoạt động này đang có hiệu lực thi hành là Nghị định 40/2018/NĐ-CP đã có những đóng góp không nhỏ trong nền kinh tế nói chung, nhưng cũng đã bộc lộ những hạn chế nhất định trong điều kiện mới cần được sửa đổi bổ sung cho phù hợp. Mục tiêu khi ban hành Nghị định 40/2018/NĐ-CP là để tạo hành lang pháp lý cho hoạt động kinh doanh bằng phương thức đa cấp nhằm nâng cao tính minh bạch trong hoạt động của doanh nghiệp sử dụng phương thức kinh doanh này; tăng cường hiệu quả công tác quản lý nhà nước và xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, hiệu quả. Thông qua một số các quy định như siết chặt điều kiện đăng ký hoạt động kinh doanh, cách thức quản lý hoạt động của doanh nghiệp kinh doanh theo phương thức đa cấp tại địa phương, đặt ra yêu cầu về trách nhiệm của người tham gia hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp v.v., các mục tiêu đề ra cơ bản đạt được. Qua đó, hoạt động của doanh nghiệp ngày càng hiệu quả hơn, nâng cao doanh thu, sàng lọc những doanh nghiệp bất chính [5] nhằm giảm nguy cơ lợi dụng phương thức kinh doanh này để trục lợi hay hoạt động huy động tài chính. Hiệu quả công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực này ở địa phương do vậy cũng được được nâng lên. 270
  3. Tuy nhiên, trong thời gian qua, trong Tờ trình Chính phủ, Bộ Công thương đã xác định Nghị định 40/2018/NĐ-CP bộc lộ những hạn chế, bất cập của nó trong quản lý nhà nước và điều chỉnh hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Trong đó, các quy định liên quan đến điều kiện đăng ký hoạt động, vấn đề bảo trợ quốc tế, hiện diện của doanh nghiệp tại địa phương, sử dụng tiền ký quỹ và một số quy định liên quan đến sử dụng công nghệ thông tin vẫn còn tồn tại những vướng mắc trong thực tiễn thi hành. Đối với điều kiện đăng ký kinh doanh, Nghị định 40/2018/NĐ-CP được cho rằng chưa có những quy định mang tính sàng lọc đối với doanh nghiệp bằng các biện pháp tiền kiểm, trong khi hơn 2/3 doanh nghiệp hoạt động kinh doanh bằng phương thức đa cấp là những doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Về vấn đề bảo trợ quốc tế, mục tiêu nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước được đặt ra nhằm minh bạch tài chính, thực hiện sự giám sát đầy đủ và kịp thời đối với hoạt động của doanh nghiệp và đảm bảo nguồn thu cho ngân sách. Bên cạnh đó, các quy định về vấn đề hiện diện của doanh nghiệp tại địa phương mang tính hình thức, không phát huy hiệu quả, thể hiện sự đối phó, mục đích quản lý không đạt được. Ngoài ra, quy định sử dụng tiền ký quỹ cũng chưa rõ ràng, chưa giải quyết đầy đủ quyền lợi hợp pháp của người tham gia trong mạng lưới. Cuối cùng, về việc sử dụng công nghệ thông tin trong phương thức kinh doanh này theo quy định phát sinh liên quan các vấn đề về địa điểm đặt máy chủ, xử lý dữ liệu v.v cần được tháo gỡ. Giải quyết các vấn đề nói trên, bản Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 40/2018/NĐ-CP được Bộ Công thương đưa ra những điều chỉnh chi tiết, cụ thể xuất phát từ các mục tiêu, nội dung và giải pháp thực hiện chính sách nhằm tiếp tục tạo hành lang pháp lý quản lý hiệu quả hoạt động này cũng như tạo thuận lợi cho các cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp trong quá trình thực thi và tuân thủ các quy định của pháp luật. Đó là bổ sung quy định về điều kiện hoạt động kinh doanh của nhà đầu tư nước ngoài phải có thời gian hoạt động bán hàng đa cấp tối thiểu 3 năm liên tục một số quốc gia khác; doanh nghiệp vi phạm quy định về tổ chức hội nghị, hội thảo, đào tạo, giới thiệu về hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp theo khoản 3, khoản 4 Điều 5 Nghị định 40/2018/NĐ-CP sẽ không được xem xét cấp giấy chứng nhận đăng ký về sau; bổ sung các quy định về bảo trợ quốc tế về khái niệm, kế hoạch trả thưởng, tỉ lệ hoa hồng trên doanh số cá nhân; sửa đổi, bổ sung các quy định về đại diện tại địa phương như doanh nghiệp có thể uỷ quyền cho một cá nhân cứ trú thoả mãn các điều kiện luật định; sửa đổi bổ sung quy định về xử lý tiền kỹ quỹ, trong đó xác định các nghĩa vụ của doanh nghiệp; sửa đổi bổ sung các quy định về thủ tục hành chính về đăng ký hoạt động (liên quan đến việc sử dụng công nghệ thông tin), gia hạn giấy chứng nhận, thông báo hội nghị, hội thảo, đào tạo, chế độ báo cáo; sửa đổi bổ sung quy định về đào tạo cơ bản bao gồm nội dung, thời lượng đào tạo; bổ sung quy định về chấm dứt hoạt động và điều khoản chuyển tiếp. Các nội dung trên tập trung vào bốn vấn đề lớn mà tờ trình đưa ra bao gồm bổ sung điều kiện nhằm quản lý chặt hơn từ khâu tiền kiểm, đảm bảo hiệu quả quản lý hoạt động của doanh nghiệp tại địa phương, hoàn thiện quy định về sử dụng tiền ký quỹ và quy định liên quan đến bảo trợ quốc tế [6]. Tuy vậy, những đề xuất này vẫn còn nhiều tranh cãi khi chưa hoàn toàn phù hợp với thực tiễn hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp cũng như yêu cầu quản lý nhà nước trong lĩnh vực này. 271
  4. 3. Đề xuất cho việc hoàn thiện khung pháp lý về hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp trên cơ sở pháp luật điều chỉnh hoạt động bán lẻ 3.1 Trước hết, cần thống nhất rằng, kinh doanh theo phương thức đa cấp về bản chất là hoạt động bán lẻ hàng hoá. Theo đại từ điển kinh tế thị trường, bán lẻ là điểm cuối của quá trình lưu thông với đối tượng giao dịch là người tiêu thụ cuối cùng; mạng lưới thương nghiệp bán lẻ đưa hàng hóa trực tiếp bán cho cư dân, cơ quan đoàn thể và xí nghiệp công nghiệp ở thành thị và nông thôn (Nguyễn Hữu Quỳnh, 1998). Dưới góc độ kinh tế hay marketing, bán lẻ được định nghĩa như một loạt các quyết định mang tính chiến lược liên quan đến việc tổ chức các cửa hàng bán lẻ với bốn khía cạnh cơ bản của phương thức bán lẻ bao gồm mối quan hệ giữa nhà bán lẻ và khách hàng, sự lựa chọn định dạng cửa hàng, sự lựa chọn địa điểm và việc quản trị và phối hợp các cửa hàng với nhau (European Union, 1997). Bán lẻ cũng được xem là tất cả những hoạt động có liên quan đến việc bán hàng hóa hay dịch vụ trực tiếp cho người tiêu thụ cuối cùng để họ sử dụng cho bản thân chứ không phải kinh doanh. Việc bán lẻ có thể thực hiện qua nhân viên bán trực tiếp, bưu điện, điện thoại hay các máy bán lẻ tự động (Trần Minh Đạo, 2010). Mặc dù không có một định nghĩa cụ thể nhưng theo PCPC (United Nations, 1991) và danh mục phân loại các ngành dịch vụ của WTO (WTO, 1991) được xây dựng trong suốt quá trình của vòng đàm phám Uruguay, bán lẻ là việc bán hàng hóa cho tiêu dùng cá nhân hoặc tiêu dùng hộ gia đình, bao gồm các dịch vụ đi kèm với việc bán hàng hóa đó. Giải thích này trở thành tiêu chuẩn cho đối chiếu với hoạt động bán lẻ nói chung, vì khi thực hiện cam kết quốc tế đối với dịch vụ phân phối, dẫn chiếu của WTO từ các phân loại ngành của PCPC sẽ được áp dụng. Các phương thức bán lẻ rất đa dạng do nhu cầu của người tiêu dùng tăng cao và thay đổi dựa trên đặc điểm kinh tế khu vực, thành phần xã hội, tập quán sinh hoạt, số lượng nhân khẩu và nhiều yếu tố khác, từ đó có thể phân thành nhiều loại dựa trên các tiêu chí khác nhau. Và ở đây, bán lẻ được thực hiện bởi mạng lưới người tham gia gồm nhiều cấp, nhiều nhánh, trong đó, người tham gia được hưởng hoa hồng, tiền thưởng và lợi ích kinh tế khác từ kết quả kinh doanh của mình và của những người khác trong mạng lưới. Từ đó, nó tồn tại với tên gọi kinh doanh theo phương thức đa cấp. Cho dù sử dụng phương thức gì để tổ chức kinh doanh bán lẻ, mục đích cuối cùng của hoạt động này là đưa hàng hoá từ nơi sản xuất đến với người tiêu dùng nhằm đảm bảo chức năng phân phối của dòng lưu thông hàng hoá trong nền kinh tế. Do vậy, khi xác định mục tiêu và giải pháp thực hiện chính sách pháp luật đối với hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp sẽ phải xuất phát từ việc trước hết đây là một hình thức bán lẻ hàng hoá. 3.2. Thống nhất việc sử dụng các thuật ngữ Như đã đề cập ở phần trên, các văn bản hướng dẫn thi hành cho việc kinh doanh theo phương thức đa cấp sử dụng thuật ngữ liên quan đến hoạt động này không thống nhất. Nghị định 110/2005/NĐ-CP và Nghị định 42/2014/NĐ-CP đặt tên gọi “quản lý hoạt động bán hàng đa cấp”, đến Nghị định 40/2018/NĐ-CP thì dùng “quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp”. Theo đó, ở Nghị định 110/2005/NĐ-CP, hoạt động bán hàng đa cấp được giải thích là phương thức tiếp thị để bán lẻ hàng hóa đáp ứng các điều kiện quy 272
  5. định tại khoản 11 Điều 3 Luật Cạnh tranh. Còn ở Nghị định 42/2014/NĐ-CP và Nghị định 40/2018/NĐ-CP đều xác định kinh doanh theo phương thức đa cấp là hình thức/ hoạt động kinh doanh sử dụng/ thông qua mạng lưới người tham gia gồm nhiều cấp, nhiều nhánh khác nhau, trong đó, người tham gia được hưởng hoa hồng, tiền thưởng và các lợi ích kinh tế khác từ hoạt động kinh doanh của mình và của mạng lưới do mình xây dựng. Như vậy, mặc dù về câu chữ có thể khác nhau, nhưng đối tượng điều chỉnh của cả ba văn bản này hoạt động kinh doanh sử dụng phương thức đa cấp. Tuy nhiên, trong Điều 3 của Nghị định 40/2018/NĐ-CP về giải thích từ ngữ, cụm từ “bán hàng đa cấp” không được dùng để thay thế cho “hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp” vì rõ ràng nó không thể hiện được nội hàm của một phương thức kinh doanh sử dụng trong hoạt động bán lẻ, mà chỉ là từ ngữ quen dùng trong xã hội. Thế nhưng, “doanh nghiệp bán hàng đa cấp” và “người tham gia bán hàng đa cấp” lại dùng để chỉ doanh nghiệp tổ chức hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp để bán hàng hóa và cá nhân giao kết hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp với doanh nghiệp bán hàng đa cấp. Tương tự, trong toàn bộ văn bản, cụm từ “bán hàng đa cấp” được sử dụng hầu hết về sau ở các nội dung liên quan khác như đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp, quản lý hoạt động bán hàng đa cấp v.v. Thậm chí có một chương riêng gọi là “hoạt động bán hàng đa cấp” (chương V) để quy định về trách nhiệm của doanh nghiệp, người tham gia, kế hoạch trả thưởng, hệ thống công nghệ thông tin quản lý v.v. Đến chương VII thì lại đột ngột quay lại với “trách nhiệm quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp”. Ở đây, việc sử dụng thuật ngữ pháp lý tuỳ tiện sẽ dễ gây nhầm lẫn, không thể hiện được cơ sở rõ ràng, chặt chẽ trong vấn đề điều chỉnh pháp luật. Do vậy, cần có sự thống nhất trong sử dụng thuật ngữ như bản chất của nó: là hoạt động kinh doanh sử dụng phương thức đa cấp. 3.3. Tuân thủ các nguyên tắc cơ bản trong hoạt động thương mại khi điều chỉnh pháp luật về hoạt động bán lẻ theo phương thức kinh doanh đa cấp Luật thương mại 2005 dành riêng một mục trong phần những quy định chung để xác định các nguyên tắc cơ bản trong hoạt động thương mại, từ Điều 10 đến Điều 15. Theo đó, những quy tắc được định hình mang tính kim chỉ nam, làm cơ sở cho việc giải thích và áp dụng pháp luật thống nhất trong lĩnh vực thương mại (ĐH Luật TPHCM, 2019) bao gồm nguyên tắc bình đẳng trước pháp luật của thương nhân trong hoạt động thương mại; nguyên tắc tự do, tự nguyện thoả thuận trong hoạt động thương mại; nguyên tắc áp dụng thói quen trong hoạt động thương mại được thiết lập giữa các bên; nguyên tắc áp dụng tập quán trong hoạt động thương mại; nguyên tắc bảo vệ lợi ích chính đáng của người tiêu dùng và nguyên tắc thừa nhận giá trị pháp lý của thông điệp dữ liệu trong hoạt động thương mại. Có thể nhận thấy, hoạt động bán lẻ là biểu hiện rõ nét nhất của hoạt động phân phối - quá trình lưu thông hàng hóa bao gồm vận chuyển, bảo quản, lưu trữ và chuyển giao hàng hóa từ kết quả sản xuất đến tay người tiêu dùng, được thực hiện bởi các chủ thể tham gia với những phương thức và hình thức tổ chức kinh doanh cũng như tạo lập các cơ sở kinh doanh khác nhau nhằm giúp cho quá trình tái sản xuất diễn ra liên tục, thông suốt và hiệu quả. Hoạt động này được thực hiện bởi sự kết hợp của nhiều hoạt động thương mại khác nhau, chịu sự điều chỉnh của Luật thương mại và nhiều đạo luật có liên quan khác. Vì vậy, hoạt động bán lẻ có sử dụng hay không sử dụng phương thức kinh doanh đa cấp đều phải 273
  6. chịu sự chi phối của các nguyên tắc cơ bản trong hoạt động thương mại được quy định trong Luật thương mại nói trên cũng như các nguyên tắc luật định khác có liên quan. Các sửa đổi, bổ sung những quy định về hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp nếu đảm bảo tuân thủ các nguyên tắc này thì sẽ không dẫn đến những tranh cãi xoay quanh các vấn đề về cấm hoạt động bảo trợ quốc tế, khống chế mức trả thưởng hoa hồng cho cá nhân, không thừa nhận giá trị pháp lý của hợp đồng điện tử hay hàng loạt thủ tục hành chính bổ sung gây khó cho doanh nghiệp v.v [7]. Nghĩa là, có được sự đảm bảo tuân thủ các nguyên tắc của hoạt động thương mại nói chung và hoạt động bán lẻ nói riêng, sẽ có những quyết sách cụ thể và chính xác hơn cho hoạt động kinh doanh bằng phương thức đa cấp mà không gây tổn hại đến quyền tự do kinh doanh, sự tự do tự nguyện thoả thuận trong hoạt động thương mại, thừa nhận giá trị pháp lý của thông điệp dữ liệu trong hoạt động thương mại v.v. 3.4. Tuân thủ các cam kết quốc tế có liên quan về dịch vụ phân phối bán lẻ Các biểu cam kết của Việt Nam về thương mại dịch vụ trong WTO hay một số hiệp định thương mại tự do khác như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA), Hiệp định khung ASEAN về dịch vụ (AFAS) đều có những nội dung liên quan đến thoả thuận mở cửa thị trường đối với dịch vụ phân phối nói chung và hoạt động bán lẻ nói riêng. Trong WTO, liên quan đến vấn đề về hiện diện thương mại của các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài (phương thức 3), đây là cam kết về phương thức hiện diện thương mại - là các hình thức pháp lý mà tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ nước ngoài có thể thành lập để hoạt động ở Việt Nam, chính là cam kết về mở cửa cho đầu tư trực tiếp nước ngoài trong các lĩnh vực dịch vụ. Theo Biểu cam kết dịch vụ, về nguyên tắc không có hạn chế tiếp cận thị trường và đối xử quốc gia đối với phương thức 3, ngoại trừ những hạn chế được liệt kê tại Biểu cam kết. Đối với cam kết trong AFAS, tương tự như WTO, qua kết quả đàm phán của Việt Nam qua 10 Gói cam kết chung, về nguyên tắc không có hạn chế tiếp cận thị trường và đối xử quốc gia đối với Phương thức 3, ngoại trừ những hạn chế được liệt kê tại Biểu cam kết. Đối với CPTPP và EVTPP, nghĩa vụ của Việt Nam cũng tương tự. Điều này có nghĩa là Việt Nam chấp nhận các cam kết chung về tiếp cận thị trường đối với phương thức 3. Như vậy, Việt Nam không được đặt thêm điều kiện đối với sự hiện diện thương mại của các doanh nghiệp nước ngoài ngoài phạm vi cam kết trong các biểu cam kết tương ứng của các hiệp định này. Như đã xác định, kinh doanh theo phương thức đa cấp về bản chất là tiến hành hoạt động bán lẻ, thực hiện chức năng phân phối hàng hoá trong nền kinh tế. Các số liệu cũng cho thấy doanh nghiệp đầu tư nước ngoài chiếm tỉ lệ đáng kể trong cơ cấu doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này [8]. Như vậy, vấn đề tuân thủ và thực thi các cam kết quốc tế của Việt Nam liên quan đến hoạt động bán lẻ phải được bảo đảm. Việc đưa ra quy định về thời hạn doanh nghiệp phải có thời gian hoạt động bán hàng đa cấp tối thiểu là 3 năm liên tục ở một quốc gia khác là đặt thêm điều kiện ngoài cam kết đã thoả thuận đối với các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết hoặc gia nhập. Do vậy, quy định này có khả năng dẫn đến việc cản trở quá trình thực thi cam kết và vi phạm các nguyên tắc cơ bản của thương mại quốc tế về không phân biệt đối xử nên cần phải được cân nhắc thận trọng hơn. 274
  7. 4. Kết luận Trong điều kiện hiện nay, khi phân phối bán lẻ hàng hoá ngày càng phát triển với tham gia của nhiều chủ thể kinh doanh bằng những phương thức kinh doanh đa dạng, hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp đặt ra những vấn đề mới trong quản lý và thực thi. Với mục tiêu tăng cường thu hút đầu tư, tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, pháp luật về kinh doanh theo phương thức đa cấp đã và đang được sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện. Tuy nhiên, quá trình đó vẫn còn tồn tại những vướng mắc do chưa được đánh giá đầy đủ và toàn diện về một phương thức kinh doanh đặt trong bản chất kinh tế cốt lõi của nó. Do vậy, việc thay đổi chính sách pháp luật trong lĩnh vực này cần được xem xét bao quát hơn trên cơ sở tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của pháp luật thương mại và chú trọng vấn đề thực thi nghĩa vụ trong các cam kết quốc tế có liên quan của Việt Nam. Các ghi chú [1] Khoản 11 Điều 3 Luật Cạnh tranh 2004 quy định các điều kiện đó bao gồm: (i) hàng hóa được thực hiện thông qua mạng lưới người tham gia bán hàng đa cấp gồm nhiều cấp, nhiều nhánh khác nhau; (ii) hàng hóa được người tham gia bán hàng đa cấp tiếp thị trực tiếp cho người tiêu dùng tại nơi ở, nơi làm việc của người tiêu dùng hoặc địa điểm khác không phải là địa điểm bán lẻ thường xuyên của doanh nghiệp hoặc của người tham gia; và (iii) người tham gia bán hàng đa cấp được hưởng tiền hoa hồng, tiền thưởng hoặc lợi ích kinh tế khác từ kết quả tiếp thị bán hàng của mình và của người tham gia bán hàng đa cấp cấp dưới trong mạng lưới do mình tổ chức và mạng lưới đó được doanh nghiệp bán hàng đa cấp chấp thuận. [2] Phụ lục IV của Luật Đầu tư 2020, “kinh doanh theo phương thức bán hành đa cấp” được đưa vào Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện (58). [3] Thực hiện quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015, Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Công thương hiện đang trong quá trình trình Chính phủ Báo cáo đánh giá tác động của chính sách, thông qua các hội nghị, toạ đàm tổ chức lấy ý kiến rộng rãi về việc xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 40/2018/NĐ-CP ngày 12/3/2018 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp. Nội dung về đánh giá những kết quả và hạn chế của Nghị định 40/2018/NĐ-CP dựa trên kết quả của Báo cáo này. [4] Theo khoản 1 Điều 3 và khoản 1 Điều 4 Nghị định 40/2018/NĐ-CP của Chính phủ ngày 12 tháng 3 năm 2018 về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp. [5] Theo số liệu trong Dự thảo Tờ trình Chính phủ đề nghi xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 40/2018/NĐ-CP của Bộ Công thương, từ năm 2016 đến nay, số lượng doanh nghiệp đăng ký kinh doanh bằng phương thức đa cấp giảm đến 2/3 (1/3 số doanh nghiệp bị thu hồi giấy chứng nhận, 1/3 số doanh nghiệp chấm dứt kinh doanh do hoạt động không hiệu quả); từ năm 2018 đến nay, có gần 20 doanh nghiệp nộp hồ sơ đăng ký hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực này trong đó hơn 2/3 là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. 275
  8. [6] Xem Dự thảo Tờ trình Chính phủ đề nghi xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 40/2018/NĐ-CP của Bộ Công thương. [7] Ý kiến từ Hiệp hội Bán hàng đa cấp, Viện Nghiên cứu Nhà nước và pháp luật và một số doanh nghiệp kinh doanh bằng phương thức đa cấp như Amway, Herbalife, Vinalink, Siberian Health, Oriflame được trình bày tại Toạ đàm “Lấy ý kiến doanh nghiệp dự thảo Nghị định về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, Bộ Công thương phối hợp tổ chức trên nền tảng Zoom ngày 28 tháng 7 năm 2021. [8] Xem Dự thảo Tờ trình Chính phủ đề nghi xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 40/2018/NĐ-CP của Bộ Công thương. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. AEC Blueprint 2025 2. Bộ Công thương (2020), Dự thảo Báo cáo đánh giá tác động sơ bộ một số nội dung đề nghị xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 40/2018/NĐ-CP ngày 12 tháng 3 năm 2018 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp. 3. Bộ Công thương (2020), Dự thảo đề cương Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 40/2018/NĐ-CP ngày 12 tháng 3 năm 2018 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp. 4. Bộ Công thương, (2020), Dự thảo Tờ trình Chính phủ đề nghi xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 40/2018/NĐ-CP ngày 12 tháng 3 năm 2018 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp. 5. Trần Minh Đạo (chủ biên), 2010, Giáo trình Marketing căn bản, NXB Trường Đại học Kinh tế Quốc dân. 6. European Union (1997), The single market review - Impact on Services: Distribution, Volume IV, EU Publications. 7. Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). 8. Hiệp định khung ASEAN về dịch vụ (AFAS). 9. Hiệp định Thương mại tự do giữa nước CHXHCN Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA). 10. Trường ĐH Luật TP.HCM, Giáo trình pháp luật về thương mại hàng hóa và dịch vụ, NXB Hồng Đức, (2019). 11. Nguyễn Hữu Quỳnh và các dịch giả, Đại từ điển kinh tế thị trường, Viện Nghiên cứu và phổ biến tri thức bách khoa, Hà Nội, (1998) 12. United Nations (1991), Provisional Central Product Classification. 13. World Trade Organization (1991), Services Sectoral Classification List. 14. World Trade Organization (2010), Distribution Services - Background Note by the Secretariat. 276
nguon tai.lieu . vn