Xem mẫu

  1. HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA CÁC NHÀ NGHIÊN CỨU TRẺ | 11/2019 HOA KIỀU TRONG CHÍNH SÁCH CỨU NẠN BIỂN CỦA NHÀ NGUYỄN ĐẦU THẾ KỶ XIX PHẠM THỊ THƠM Học viên cao học, Khoa Việt Nam học và tiếng Việt Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG Hà Nội Email: phamthom.410@gmail.com Tóm tắt: Từ những nhận thức sâu sắc về chủ quyền biển đảo và vai trò quan yếu của hải cương; các vị vua đầu nhà Nguyễn đã đưa ra nhiều chính sách quản lý, khai thác, bảo vệ vùng biển, trong đó có chính sách cứu nạn. Đầu thế kỷ XIX, nhà Nguyễn thu hẹp mối quan hệ với người phương Tây, chủ yếu tiến hành các hoạt động kinh tế, chính trị với nhà Thanh. Các Hoa kiều bị nạn trên vùng biển Việt Nam được triều đình ban cho nhiều ân cấp vượt trội như: cung cấp tiền, thức ăn, chỗ ở, đưa về nước, sửa chữa thuyền bè… Bài viết này tập trung làm rõ các mức ân cấp của triều đình nhà Nguyễn đối với người bị nạn là các Hoa kiều, thể hiện vị trí quan trọng của nhà Thanh trong chính sách ngoại giao của nhà Nguyễn đầu thế kỷ XIX. Từ khóa: Nhà Nguyễn, Hoa kiều, chính sách cứu nạn biển, đầu thế kỷ XIX. Quan hệ Việt Nam - Trung Quốc có thể coi là mối quan hệ truyền thống và lâu đời nhất trong lịch sử quan hệ quốc tế của Việt Nam. Do các yếu tố về kinh tế và chính trị, ngay từ sớm những người Trung Quốc mà sử Việt vẫn gọi bằng nhiều tên gọi như người Tùy, Đường nhân, người Minh, người Thanh và gần đây là người Hoa đã có những giao lưu về kinh tế, văn hóa. Việc làm ăn, buôn bán thậm chí định cư giữa người Hoa và người Việt diễn ra liên tục trong lịch sử nhưng thường xuyên hơn cả là hướng di cư từ Trung Quốc sang Việt Nam. Hiện tại có khá ít tài liệu nghiên cứu về các đợt di dân và đời sống của các thương nhân, các dòng người tỵ nạn người Hoa ở Việt Nam. Xét theo bối cảnh kinh tế, chính trị, người Hoa đến Việt Nam xuất phát từ hai nguyên nhân chính. Thứ nhất do hoạt động buôn bán, trao đổi giữa nước ta và Trung Quốc phát triển mạnh mẽ đặc biệt từ khoảng thế kỷ XVI. Họ chính là những thương khách gặp gió mùa không thuận đôi khi thương vụ kéo dài, không kịp mùa gió để về nước đành ở lại qua năm mới quay trở về hoặc những quan quân trí thức “thiên triều” đi công cán gặp nạn được triều đình nhà Nguyễn giúp đỡ. Những người này vẫn giữ quốc tịch Trung Quốc, phần lớn là thương nhân, được người Việt gọi là Khách trú, Hoa Ngũ bang hay Hoa kiều. Thứ hai do các biến động chính trị ở Đại lục (Trung Quốc), nhiều quan lại và dân chúng tìm đến một vùng đất mới để ổn định cuộc sống, trong đó có Việt Nam. Đỉnh điểm của làn sóng di cư này diễn ra vào thời điểm cuối nhà Minh, khi người Mãn chiếm được Trung nguyên lập nên nhà Thanh và bắt nhân dân phải cạo tóc, thắt bím ăn mặc như người Mãn. Trước tình hình đó, các quan lại, thần dân nhà Minh đã rời bỏ đất nước để tránh sự đàn áp của nhà Thanh, giữ lòng trung tín với triều đình cũ. Họ là những người muốn định cư, sinh sống lâu dài ở Việt Nam thậm chí mong muốn trở thành một con dân đất Việt. Cùng với sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế, Hội An trở thành cái tên được nhiều người Hoa lựa chọn khi đặt chân đến vùng đất mới. Sau đó, số lượng người Hoa lại tiếp tục tăng lên do cuộc chiến tranh thuốc phiện dưới thời Thanh Tuyên Tông (từ năm 1839 - 1842) gây ra bởi đế chế Anh. Từ khoảng giữa thế kỷ XVII trở đi, các đợt di dân của người Hoa chủ yếu tiến sâu vào vùng Nam Bộ, đóng vai trò không nhỏ trong quá trình hình thành và khai phá vùng đất Nam Bộ cách đây hơn 300 năm (điển hình là các cuộc nhập cư của Mạc Cửu, Trần Thượng Xuyên, Dương Ngạn Địch…). Dưới triều Nguyễn, người Hoa ở Việt Nam chia thành hai bộ phận rõ rệt là Hoa Ngũ Bang (còn gọi là người Thanh hay Hoa kiều) và Hoa Minh Hương. Về nhóm người Hoa Minh Hương, 147
  2. TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM, ĐẠI HỌC HUẾ | HTKH 2019 ban đầu từ Minh Hương được dùng để chỉ những quan lại, thần dân người Trung Quốc di cư đến Việt Nam sau biến cố chính trị của nhà Minh. Bộ phận thứ hai là những nhóm người Hoa nói các phương ngữ khác nhau, thời gian đến Việt Nam của họ cũng muộn hơn nhóm Minh Hương. Bài viết này chủ yếu tìm hiểu những hoạt động cứu giúp người và tàu thuyền bị nạn trên biển của nhà Nguyễn với bộ phận người Hoa Ngũ Bang (Hoa kiều) trong cái nhìn so sánh với nhóm đối tượng bị nạn là người Tây phương. 1. TƯ TƯỞNG “NHU VIỄN” VỚI HOA KIỀU VÀ NGƯỜI HOA CỦA NHÀ NGUYỄN ĐẦU THẾ KỶ XIX Khác với cộng đồng Hoa Minh Hương, người Hoa ở các bang chủ yếu là những nhà buôn và một số lượng ít quan quân của triều đình nhà Thanh. Họ chỉ đến Việt Nam cư trú trong một thời gian ngắn, không nhập quốc tịch Việt Nam và sinh hoạt trong các bang hội. Thời kỳ này, người Hoa mới đến Việt Nam thường được gọi là người Thanh hay Đường nhân. Chính quyền nhà Nguyễn đã đưa ra những chính sách cụ thể với họ trong đó tư tưởng “Nhu viễn” (khoan hòa, mềm mỏng với người phương xa) là yếu tố nổi bật trong mọi chính sách. Ngay từ thời kỳ Gia Long (1802-1820), nhà nước đã thực thi chính sách bế quan tỏa cảng. Chính sách này càng được thắt chặt hơn nữa dưới triều vua Minh Mạng (1820-1840). Với chính sách này, nhà nước độc quyền mua bán một số mặt hàng, cấm tất cả thương nhân người Việt ra biển buôn bán, hạn chế sự xuất hiện của thương nhân phương Tây ở Việt Nam càng làm tăng vị thế của thương nhân người Hoa. Để vào Việt Nam, người Hoa có thể chọn đường bộ hay đường biển. Với đường bộ, họ phải xin cấp thẻ bài từ cơ quan chuyên quản của các địa phương giáp biên giới. Năm Gia Long thứ 5 (1806), tỉnh Quảng Tây gửi sang Việt Nam một tờ trát ghi rõ với các dân buôn Trung Quốc muốn vào cửa khẩu phải có thẻ bài do hai sảnh Minh Giang và Long Châu ân cấp mới là thực nếu không có tức là giặc cướp vượt biên giới1. Quy định này khiến cho số lượng Hoa kiều vào Việt Nam bằng đường bộ không nhiều. Chính những quy định có phần khắt khe nhằm hạn chế số lượng người Hoa vào Việt Nam trên đường bộ mà phần lớn Hoa kiều đã chọn con đường biển để vào Việt Nam. Với thương nhân người Hoa, triều Nguyễn cho phép thuyền buôn được vào bất cứ cảng nào của Việt Nam trong khi đó người phương Tây chỉ được cập cảng Đà Nẵng. Những người Hoa không phân biệt già trẻ, trai gái đều được lên bờ và sinh sống trong các bang địa phương. Sự dễ dãi của triều Nguyễn trong việc nhập cảnh của người Hoa đã khiến số lượng người Hoa đến Việt Nam tăng lên nhanh chóng. Trước tình hình đó, năm 1829, vua Minh Mạng yêu cầu tất cả những người nước Thanh đến đều phải ghi tên vào sổ hành khách ở trạm cửa khẩu đồng thời phải được bang trưởng tại địa phương thu nhận vào bang đó2. Riêng đối với những Hoa kiều là các sĩ phu, trí thức, quan chức cấp cao nhà Thanh đi công cán, triều Nguyễn lại dành cho họ những biệt đãi riêng. Họ không những không phải đóng thuế, không cần thẻ bài thuyền3 và thực hiện các yêu cầu ở các cửa khẩu mà còn được triều đình đón tiếp long trọng thậm chí trong nhiều trường hợp còn cử người đưa họ trở lại Trung Quốc sau khi đã sống ở Việt Nam một thời gian. Dưới triều Nguyễn, các thương nhân người Hoa chiếm vị trí quan trọng trong chính sách ngoại thương của Việt Nam. Do đó các Hoa thương được hưởng rất nhiều ưu đãi đặc biệt so với thương nhân phương Tây. Thời gian đầu, Gia Long tiến hành đánh thuế các thuyền đến từ 1 Nội các triều Nguyễn (1996). Khâm định Đại Nam Hội điển Sự lệ, Tập 8, NXB Thuận Hóa, Huế, tr.371. 2 Nội các triều Nguyễn (1996). Khâm định Đại Nam Hội điển Sự lệ, Tập 4, NXB Thuận Hóa, Huế, tr.432. 3 Các thuyền buôn Trung Hoa đều phải có thẻ bài thuyền cho phép xuất dương buôn bán từ nhà Thanh để được phép vào các cảng biển của Việt Nam. Ví dụ thuyền buôn Hải Nam, Triều Châu phải có thẻ bài thuyền của cửa quan Việt Hải (Quảng Đông) cùng ấn và chữ ký của viên quan Giang Môn… Thẻ bài thuyền của mỗi địa phương khác nhau sẽ có mức thuế nhập cảng khác nhau. 148
  3. HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA CÁC NHÀ NGHIÊN CỨU TRẺ | 11/2019 Quảng Đông, Phúc Kiến, Thượng Hải, Ma Cao 4000 quan trong đó các thuyền đến từ Triều Châu là 3.000 quan, Hải Nam là 724 quan. Số tiền này bao gồm tiền thuế nhập cảng và một vài khoản đóng góp nhỏ khác như lễ dâng vua, lễ quan cai tàu, sai phái… Về sau, nhận thấy những bất cập trong việc đánh thuế thuyền lớn nhỏ như nhau, năm 1803, Gia Long đưa ra lệ thuế nhập cảng có sự phân chia theo xuất xứ địa phương và theo tải trọng lớn nhỏ của thuyền qua bề ngang lòng thuyền. Từ đó quy định này được thực hiện xuyên suốt triều Nguyễn. Bên cạnh đó, chính quyền phong kiến nhà Nguyễn cũng tạo điều kiện cho người Hoa được bảo lưu hầu như nguyên vẹn các thiết chế văn hóa truyền thống (trang phục, tín ngưỡng, phong tục…) khi sinh sống ở Việt Nam. Ngay từ những ngày đầu, Gia Long đã ban hành một số điều luật quy định về việc thành lập các bang, hội của người Hoa trên đất nước Việt Nam, cho phép họ tụ cư theo nguồn gốc địa phương, giữ gìn các yếu tố văn hóa truyền thống, nhà nước phong kiến không can thiệp vào các công việc nội bộ của từng bang thậm chí không cần thay đổi quốc tịch. Nhìn chung, các vị vua đầu triều Nguyễn đã thực hiện nhiều chính sách phân biệt rõ ràng giữa nhóm người Hoa “Khách trú” (Hoa kiều) và người Hoa Minh Hương trên tinh thần khoan hòa với người phương xa. Với nhóm người Hoa “khách trú”, nhà Nguyễn đã có nhiều chính sách khoan dung, mềm dẻo trong các chính sách liên quan đến cư trú, lập bang hội, đánh thuế,… khiến cho người Hoa ngày càng hiện diện đông đảo hơn trên lãnh thổ Việt Nam. 2. HOẠT ĐỘNG CỨU NẠN BIỂN ĐỐI VỚI HOA KIỀU CỦA TRIỀU NGUYỄN ĐẦU THẾ KỶ XIX Với tư tưởng khoan dung, nhân đạo cùng tư tưởng hướng biển mạnh mẽ, các vị vua đầu triều Nguyễn mà cụ thể là Gia Long và Minh Mạng đã đặt ra chính sách cứu nạn đồng thời tiến hành thực thi hoạt động này một cách liên tục xuyên suốt trong nửa đầu thế kỷ XIX1. Trong các thư tịch của triều Nguyễn và các tư liệu khác thì vùng biển nước ta trải khắp ba kỳ đều có tàu thuyền bị nạn nhưng nhiều hơn cả là ở khu vực Trung Kỳ và quanh các đảo xa bờ. Qua khảo cứu có thể thấy Nghệ An, Thanh Hoá, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Quảng Bình là những tỉnh có số lượng thuyền bè gặp nạn và trôi dạt tới nhiều nhất. Thông thường, đối với các thuyền sau khi bị nạn thường được triều đình cứu giúp tại các cảng biển. Hầu như tháng nào tại các cửa biển này cũng tiếp nhận các trường hợp bị nạn trôi dạt từ phía biển vào. Qua khảo cứu các bộ chính sử của triều Nguyễn như Đại Nam Thực Lục, Hội điển, Minh Mạng Chính yếu và tài liệu Châu bản triều Nguyễn, các chính sách cứu giúp người bị nạn của nhà Nguyễn đầu thế kỷ XIX được quy định rõ ràng với từng đối tượng và được quy định thành lệ về sau. Trong Đại Nam Thực Lục, các sự kiện cứu nạn người nước ngoài được ghi chép một cách thường xuyên trong đó các nạn nhân bị nạn là Hoa kiều chiếm số lượng khá lớn. Hầu hết các ghi chép này đều đề cập đến tên họ nạn dân, địa phương gặp nạn và cập bờ, số lượng các khoản lương thực bạc tiền trợ giúp. Nạn dân phần đông là dân thường và thương nhân đi biển gặp nạn. Thông thường, khi nhận được sự trợ giúp của triều đình, họ đã bị mất hết hàng hóa, thức ăn, nước uống, thậm chí còn thiệt mạng. Theo GS. Lương Chí Minh, từ năm 1801 - 1860, nước ta từng 29 lần cứu giúp người Trung Hoa gặp nạn trên biển2. 1 Để rõ hơn, xin xem thêm Phạm Thị Thơm (2018). Chính sách cứu nạn trên biển dưới triều vua Gia Long - Minh Mạng (1802-1840), Tạp chí Nghiên cứu Đông Nam Á, số 3 (216), tr.60-65. 2 Lương Chí Minh (2008). Sự phục hồi kinh tế và sự phát triển của quan hệ thương mại giữa hai nước Trung - Việt vào những năm đầu nhà Nguyễn in trong Kỷ yếu Hội thảo khoa học Chúa Nguyễn và Vương triều Nguyễn trong lịch sử Việt Nam từ thế kỹ XVI đến thế kỹ XIX, NXB Thế giới, Hà Nội, tr.340. 149
  4. TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM, ĐẠI HỌC HUẾ | HTKH 2019 Trong những năm đầu, việc ân cấp người bị nạn được Gia Long quy định với cả người bị nạn trong nước và nạn nhân nước ngoài. Năm Gia Long thứ 2 (1803) chuẩn định rằng: “Những thuyền buôn bị bão, vỡ thuyền, của cải mất hết, đó là nhà buôn bị nạn. Quan sở tại nên căn cứ vào số nhân khẩu trong thuyền là bao nhiêu cấp phát cho mỗi người một tháng lương thực của công để những người buôn bán đó độ nhật, chờ khi thuận gió cho được tùy tiện (ở lại hay đi)”1. Dưới triều Gia Long, các mức ân cấp chỉ đưa ra ở mức chung chung, chưa phân biệt người sống với người chết, quan quân đi việc công, việc tư hay người bị nạn là người trong nước, người nước ngoài cũng chưa được đưa ra cụ thể. Tất cả những thiếu sót trên tiếp tục được hoàn thiện dưới triều vua Minh Mạng. Năm Minh Mạng thứ nhất (1820) xuống chiếu rằng: “Cho các thành doanh trấn, các cửa sở cửa biển trong hạt mình, mỗi sở cho dự trữ 100 quan tiền, 100 phương gạo rồi sức cho thủ ngự thường ngày tuần tiễu hải phận”. Sau đó, vua đề ra các mức ân cấp với từng đối tượng. Đối với người bị nạn gió khi đi công sai (đi việc công cho triều đình) Cai đội, Phó đội trở lên còn sống, mỗi người 4 quan tiền, 1 phương gạo không may bị chết đuối mỗi người cho 8 quan chôn cất; Chánh đội trưởng, Đội trưởng còn sống mỗi người 2 quan tiền, 1 phương gạo, bị chết đuối mỗi người 4 quan; quân lính còn sống mỗi người 1 quan tiền, 1 phương gạo, bị chết đuối mỗi người 3 quan; dân chúng còn sống mỗi người 5 tiền, 15 bát gạo, chết đuối mỗi người 15 quan tiền. Những người bị nạn gió bão khi đi việc tư thì cấp cho Cai đội, Phó đội trở lên còn sống mỗi người 2 quan tiền, 15 bát gạo, bị chết đuối mà xét đúng thì mỗi người 3 quan tiền; Chánh đội trưởng trở xuống đến quân còn sống mỗi người 3 quan tiền, 10 bát gạo, chết đuối mỗi người 1 quan tiền chôn cất2. Càng về sau, hoạt động cứu nạn càng diễn ra thường xuyên hơn và được triều đình chú trọng hơn bởi Gia Long từng nói: “Thương xót kẻ bị nạn là việc phải làm trước của chính sách nhân từ”3. Qua ghi chép về những ân cấp của triều Nguyễn đối với người nước ngoài, có thể thấy triều đình phân biệt rõ đối tượng người nước ngoài là người Thanh, người Xiêm, người Chà Và (Java) hay người phương Tây. Dù đã có những quy định cụ thể trong việc ân cấp cho từng đối tượng nhưng những quy định trên chỉ được thực hiện mang tính chất tương đối, đặc biệt khi đối tượng bị nạn là Hoa kiều. Trong các tài liệu chính sử của nhà Nguyễn, hầu hết các vụ tai nạn mà nạn nhân là Hoa kiều đều được triều đình ân cấp cao hơn so với mức quy định ban đầu và thậm chí còn sửa chữa thuyền bè rồi sai người đưa về nước. Những đặc ân này ban đầu không hề có trong quy định ân cấp được đặt thành lệ mà các vị vua đầu triều Nguyễn đã đưa ra khi mới lên ngôi. Đối với các Hoa kiều là dân buôn gặp nạn, triều đình tiến hành ân cấp có phần cao hơn dân chúng các nước khác và cho họ về nước hoặc cho phép cư trú ở nước ta. Trong Hội điển ghi rõ: “Nếu là thuyền tư chiếu lệ cấp phát tiền gạo, cho phép tùy tiện đáp về hoặc ở trọ làm ăn sinh sống không phải đưa đi”4. Năm 1829, Đại Nam Thực Lục ghi nhận sự kiện Phó Đại ở Sinh Phù gặp nạn được Minh Mạng ân cấp cho 140 lạng bạc và cho Phó Vệ úy Tiền phong tiền Nguyễn Đắc Súy và Hàn lân viện Thừa chỉ Nguyễn Tri Phương đi thuyền lớn Bình Dương đưa về Quảng Đông5. Năm 1836, vua Minh Mạng ra lệnh cho sáu tỉnh Nam Kỳ có người Hoa nghèo thiếu và khách đáp thuyền mới đến tình nguyện ở lại thì cho đưa đến thành trấn Tây chọn đất cho ở, những người nghèo đói, không có vốn sẽ được Nhà nước cấp cho thóc giống và vật dụng làm ruộng, đối với những người ở lại sinh sống trên đất Việt không cần làm thủ tục nhập cảnh mà chỉ cần sự bảo lãnh của vị bang trưởng người Minh Hương và được ghi tên vào sổ hàng 1 Nội các Triều Nguyễn (1996). Khâm Định Đại Nam Hội điển Sự lệ, Tập 5, NXB Thuận Hóa, Huế, tr.408. 2 Nội các Triều Nguyễn. Khâm Định Đại Nam Hội điển Sự lệ, Tập 5, Sđd, tr.409-410. 3 Nội các Triều Nguyễn. Khâm Định Đại Nam Hội điển Sự lệ, Tập 5, Sđd, tr.385. 4 Đinh Kim Phúc (2014). Hoàng Sa - Trường Sa trong thư tịch cổ, NXB Hội Nhà văn, Hà Nội, tr.379. 5 Quốc Sử quán triều Nguyễn (2004). Đại Nam Thực Lục, Tập 2, NXB Giáo dục Hà Nội, tr.829. 150
  5. HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA CÁC NHÀ NGHIÊN CỨU TRẺ | 11/2019 bang. Trong một số trường hợp, triều đình nhà Nguyễn sẵn sàng bỏ ra một số tiền lớn để hỗ trợ các thuyền gặp nạn đến từ Trung Quốc. Điển hình là trường hợp một thuyền buôn của Hoa kiều bị nạn gió trôi dạt đến xứ Vĩnh Lâm (thuộc Phú Yên) vào năm Gia Long thứ 13 (1814), triều đình đã mua 1 con lợn, 10 con vịt, 20 con gà, 1 vò rượu cho người mang tới thuyền rồi sắp xếp cho họ chỗ nghỉ ngơi. Đối với người bị nạn còn tiến hành ưu cấp cho tiền gạo mỗi tháng tới khi nào họ trở về nước, người chết cấp 10 quan tiền để mai táng1. Nhiều tư liệu Châu bản cũng cho biết về các lần cứu nạn thuyền buôn đến từ Trung Hoa2. Các hoạt động cứu nạn của triều đình nhà Nguyễn cũng được ghi nhận trong các bộ sử của Trung Hoa. Trong Cao Tông Thực Lục năm Gia Khánh thứ 6 (1801) chép lại lời dụ của Quân cơ Cát Khánh như sau: “Một người dân huyện Thuận Đức tên là Triệu Đại Nhiệm đi thuyền gặp bão gió trôi dạt đến Nông Nại (Đồng Nai) được Quốc trưởng nước ấy là Nguyễn Phúc Ánh (Gia Long) sai người đưa tới Phú Xuân giúp sửa chữa lại thuyền, cấp lương thực rồi mang tờ bẩm của viên Quốc trưởng về nước”. Sau đó, vua Trung Hoa đã gửi thư đáp lại “tấm lòng” của vua Gia Long bằng thái độ cảm kích: “Nay người dân trong nước bị tai nạn trôi dạt đến nước ngươi được giúp đỡ để trở về nước lại mang theo tờ bẩm, Bản bộ biết rõ tấm lòng cảm tạ của nước ngươi”3. Qua các ghi chép có liên quan đến hoạt động cứu nạn, có thể thấy triều đình nhà Nguyễn luôn coi trọng việc cứu giúp thuyền của Hoa kiều gặp nạn. Điều này được thể hiện rõ qua chỉ dụ của Minh Mạng năm thứ 12 (1813) khi phê duyệt tập tâu của Lưu Đình Luyện “Hoa kiều bị nạn gió cấp lương ăn 10 ngày, thuyền bè của họ bị vỡ, của cải không còn gì lẽ ra phải xem xét giúp đỡ thêm để tỏ lòng nhân đạo, rộng rãi của vua, thế mà chỉ có chút ít như thế thì ra thể thống gì”4. Riêng đối với thuyền công của Trung Hoa đi công cán gặp nạn không những được trợ cấp hậu hĩnh mà còn được triều đình đón tiếp chu đáo. Mức ân cấp cho đối tượng này thường cao hơn so với đối tượng bị nạn nước ngoài khác và cao hơn rất nhiều mức ân cấp triều đình đưa ra trước đó. Năm Gia Long thứ 9 (1810), thuyền của Thiên tổng tỉnh Phúc Kiến nước Thanh là Tiêu Nguyên Hầu bị nạn dạt vào của biển Cam Ranh (Khánh Hòa) được biệt đãi cấp cho hơn 30 quan tiền, 4 tấm lụa, 5 tấm vải và 6 phương gạo; quân lính đi theo mỗi người được cấp 5 quan tiền, 2 tấm vải, 3 phương gạo. Vua còn trực tiếp xuống dụ rằng: “Thuyền nước ngoài bị nạn, việc giúp đỡ đã có lệ định. Duy Tiêu Nguyên Hầu là người công sai của nước Thanh cho nên đặc biệt thưởng cấp thêm để tỏ ưu đãi”. Sau đó vua cho mời về Kinh và thưởng thêm 100 quan rồi cho đi đường bộ về nước5. Về sau việc biệt đãi với Hoa kiều là quan quân đi làm việc công gặp nạn tiếp tục được duy trì dưới thời vua Minh Mạng. Năm 1833, một chiếc quân thuyền của tỉnh Quảng Đông bị gió bão trôi dạt sang vụng Trà Sơn tỉnh Quảng Nam, nghe tin vua Minh Mạng xuống dụ rằng: “Đó là thuyền công sai chẳng ví như thuyền buôn gặp nạn được”. Sau đó 1 Nội các triều Nguyễn, Khâm Định Đại Nam Hội điển Sự lệ, Tập 5, Sđd, tr.408-409. 2 Có thể nêu một vài trường hợp tiêu biểu như: Tờ Châu bản ngày 7 tháng 5 năm Gia Long thứ 4, Công đồng truyền cho quan trấn Gia Định được rõ 17 chiếc thuyền người Trung Hoa bị gió bão dạt vào Kinh truyền cho quan trấn tiến hành cấp phát lương ngày và tiền cho họ về nước. Tờ Châu bản ngày 23 tháng 12 năm Minh Mạng thứ 14 (1823). Trấn thủ Nghệ An cho biết ngày 12 tháng này, có một chiếc thuyền nhỏ vào đậu ở cửa biển Cửa Y. Khám trên thuyền thấy có 3 người Đường (Trung Hoa) và 1 phụ nữ. Họ khai rằng sống bằng nghề đánh cá, có một chiếc thuyền nhỏ, hằng ngày sáng đi tối về. Ngày 7 tháng ấy, bọn y đi thuyền ra khơi đánh cá thì gặp sóng to gió lớn, bọn y phải trôi dạt theo con thuyền đến ngày 12 thì dạt vào cửa Quyền. Do đang là mùa đông không tiện trở về, đám người này xin cấp lương tiền để sinh sống qua ngày, đợi khi thuận gió sẽ trở về. Sau khi bản tấu được gửi về Kinh, Minh Mạng châu phê: Đã biết. 3 Hồ Bạch Thảo (2004). Cao Tông Thực Lục, Quyển hạ, Thư ấn quán, New Jersey, USA, tr.244. 4 Minh Mạng [Trần Văn Quyền dịch] (2000). Ngự chế văn, Trung tâm Khoa học xã hội nhân văn quốc gia, Viện Nghiên cứu Hán Nôm xuất bản, Hà Nội, tr.322. 5 Quốc Sử quán triều Nguyễn (2004). Đại Nam Thực Lục, Tập 1, NXB Giáo dục, Hà Nội, tr.782. 151
  6. TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM, ĐẠI HỌC HUẾ | HTKH 2019 vua ra lệnh cấp cho 300 quan tiền, 300 phương gạo và cho Lang trung bộ Hộ là Lê Trường Danh đến thăm hỏi an ủi, đem trâu, rượu thịt đến thiết đãi ưu hậu1. Một đối tượng khác cũng được triều đình dành cho những ân cấp biệt đãi ngang hàng với những quan chức cao cấp đó là những bậc trí thức gặp nạn. Năm 1822, có 34 người tỉnh Phúc Kiến gặp bão dạt vào cửa Đà Nẵng, triều đình cấp cho viên Vương Khôi Nguyên 5 lạng bạc, 1 bộ áo hàng, vạt 2 chiếc ngoài bằng trừu trong bằng vải, 1 chiếc quần lụa hàng màu. Sau đó khi biết Vương Khôi Nguyên là người Phúc Kiến đi Đài Loan chấm thi lại mang theo vợ con gặp bão ở hải phận Quảng Ngãi liền sắp xếp đưa về nước bằng đường thủy. Hơn nữa “nghĩ người học trò bị nạn này trải qua bao nguy hiểm tuy đã được ban ơn nhưng đã ở lâu nơi đất khách nay lại thuê thuyền về nước thời lương ăn đường, lộ phí không khỏi thiếu thốn. Vậy lại ban cho 100 lạng bạc để tỏ cái ý tha thiết của trẫm thương xót kẻ họa nạn, quý trọng nhà nho”2. Đến năm Minh Mạng thứ 16 (1835), nhà vua cũng dành những biệt đãi tương tự đối với viên thư viện trưởng giáo huyện Đài Loan nước Thanh là Lẫm sinh Thái Đình Lan 3 cùng 3 tên thư sinh đáp thuyền buôn gặp nạn đã được triều đình ban cấp cho 2 quan tiền, 2 phương gạo, sau đó cấp thêm cho 50 quan tiền, 20 phương gạo và cử người tới hỏi thăm chu đáo, cho phép Thái Đình Lan được trở về bằng đường bộ theo đề nghị của vị Lẫm sinh này4. Những ân cấp đặc biệt của triều đình trong thời gian gặp nạn cũng đã được Thái Đình Lan ghi nhận trong tác phẩm Hải Nam tạp trứ5. Nếu như những người bị nạn là các Hoa thương, quan quân nhà Thanh đi công cán gặp nạn được triều đình tổ chức tiếp đón, khoản đãi rất long trọng thì với đối tượng bị nạn là người phương Tây, các vị vua nhà Nguyễn lại tỏ ra khá dè dặt. Điều này phần nào bắt nguồn từ nhận thức của các vị vua nhà Nguyễn trước nguy cơ đất nước bị xâm lược bởi người phương Tây. Dưới triều vua Gia Long và đặc biệt sang triều vua Minh Mạng, các hoạt động liên quan tới chính trị với phương Tây đều bị từ chối, các hoạt động buôn bán với người phương Tây cũng không nhộn nhịp như thời kỳ các chúa Nguyễn. Đối với các nạn nhân bị nạn là người Anh và người Pháp, triều đình Gia Long – Minh Mạng đều ban phát tiền và gạo rồi cho họ trở về nước, hạn chế việc lên bờ buôn bán. Vua Minh Mạng năm thứ 7 có Chỉ: “Lần ấy thuyền buôn nước Anh đỗ ở hải phận trấn Bình Thuận chạm phải chỗ nông cạn thuyền bị vỡ mà hàng hóa còn. Ta nghĩ bọn ấy đã là nhà bị nạn đáng nên thương xót nhưng nước ở ngoài phương xa cũng không nên để đi lại tự do. Nay cho thành Gia Định cấp tốc châm trước liệu bắt thuyền to hoặc thuyền đại dịch 1 chiếc hay 2 chiếc thủy thủ thuyền hộ phải am hiểu đường đi biển tới Hạ Châu Tân-gia-ba để nước ấy biết triều đình ta có ý thương xót đến thuyền buôn bị nạn”6. Với người phương Tây, chỉ có một số ít trường hợp nạn nhân bị nạn trên các đảo hoặc các vụ tai nạn nghiêm trọng mới được triều đình cho ở lại và chẩn cấp có phần ưu hậu hơn. Phần lớn, các thuyền phương Tây bị nạn sau khi nhận được các ân cấp của triều đình theo quy định đều phải rời khỏi Việt Nam, một số thuyền bị gió nếu có hư hại nhẹ chỉ được triều đình miễn một phần nào thuế nhập cảng. 1 Quốc Sử quán triều Nguyễn, Đại Nam Thực Lục, Tập 2, Sđd, tr.814. 2 Nội các triều Nguyễn, Khâm Định Đại Nam Hội điển Sự lệ, Tập 5, Sđd, tr.410. 3 Đại Nam Thực Lục chép nhầm là Thái Đình Hương. 4 Nội Các Triều Nguyễn, Khâm Định Đại Nam Hội điển Sự lệ, Tập 5, Sđd, tr.411. 5 Hải Nam tạp trứ là tài liệu ghi chép thực địa về sự quan tâm đặc biệt của triều đình nhà Nguyễn trong những ngày Thái Đình Lan gặp nạn trên đất Việt. Đồng thời, đây cũng là dịp để Thái Đình Lan đưa ra những quan sát, đánh giá, nhìn nhận về dân tình phong tục của người dân Việt nửa đầu thế kỹ XIX một cách sinh động và chân thực nhất. 6 Nội các triều Nguyễn, Khâm Định Đại Nam Hội điển Sự lệ, Tập 5, Sđd, tr.438 152
  7. HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA CÁC NHÀ NGHIÊN CỨU TRẺ | 11/2019 Một điểm khác biệt trong hoạt động cứu nạn Hoa kiều của nhà Nguyễn so với các đối tượng khác là hỗ trợ người bị nạn về nước. Qua khảo cứu, với người bị nạn phương Tây triều đình chỉ thực hiện cấp gạo, lo cho họ chỗ ở, đợi có thuyền Tây dương vào cảng buôn bán sẽ cho họ lên thuyền về nước ngoài ra không có lực lượng chuyên trách thực hiện công việc này. Trong khi đó, Hoa kiều gặp nạn thì trước là biệt đãi sau là giúp đỡ đưa về rồi “làm công văn đưa đệ đốc phủ nước ấy biết”1. Riêng đối với thuyền công cán nhà Thanh, tất cả các quan chức, viên chức, biền binh, trí thức khi bị nạn đều được nhà Nguyễn biệt đãi và đưa về nước bằng một trong hai con đường thủy và bộ2 đôi khi triều đình còn chấp nhận yêu cầu của các quan chức, trí thức về việc họ tự chọn con đường để về nước3. Loại thuyền được triều đình sử dụng để đưa nạn nhân về nước là các loại thuyền bọc đồng hiệu chữ Bình (thuyền Bình Dương), thuyền bọc đồng hiệu chữ An (thuyền An Dương). Đây là loại thuyền bọc đồng hạng vừa, dài từ 5 trượng 1 thước đến 6 trượng 1 thước, chiều rộng từ 1 trượng 2 thước đến 1 trượng 3 thước, sâu 1 trượng 2 thước. Thậm chí, có trường hợp triều đình còn dùng cả thuyền lớn Thụy Long để đưa người bị nạn về nước. Đối với Hoa kiều là dân buôn bán, họ được phép ở lại trên đất Việt, một số được triều đình trực tiếp cử người đưa về hoặc nhờ thuyền buôn bán của Hoa kiều đưa về nước. Hội điển ghi rõ “Nếu là thuyền tư, chiếu lệ cấp phát tiền gạo, cho phép tùy tiện đáp về hoặc ở trọ làm ăn sinh sống không phải đưa đi”. Những người ở lại sinh sống trên đất Việt không cần làm thủ tục nhập cảnh mà chỉ cần sự bảo lãnh của vị bang trưởng người Minh Hương và được ghi tên vào sổ Minh Hương. Năm 1829, thuyền buôn bị nạn là Phó Đại sau khi được cấp 140 lạng bạc, thức ăn, nước uống đã được vua Minh Mạng sai phó vệ úy Tiền Phong Nguyễn Đắc Súy và Hàn Lâm Viện Thừa chỉ Nguyễn Tri Phương đưa về Quảng Đông bằng thuyền Bình Dương4. Đây thực sự là những ưu đãi vô cùng lớn của các vị vua đầu triều Nguyễn đối với nhân dân “thiên triều”. Ngoài các ân cấp về người, nhà Nguyễn còn chú trọng giúp đỡ người bị nạn trong việc sửa chữa thuyền bè và bảo quản tài sản. Đối với thuyền bị nạn mà hàng hóa không bị hư hại, triều đình quy định rõ “các thuyền dầu vì bị nạn gió nhưng hàng hóa không hao mất mấy thì lệ thuế thuyền ấy được gia ơn khoan giảm cho 5 phần 10 để bày tỏ ý mềm dẻo đối với người phương xa tới”5. Tuy nhiên, đối với thuyền công Trung Hoa, triều đình không những không đánh thuế mà còn tiến hành sửa chữa chu đáo thậm chí tặng thêm tiền bạc và vũ khí khi họ trở về nước. Năm Gia Long thứ 6 (1807), Hoàng Bảo Hưng và Ma Liệt sang Trung Hoa nộp cống gặp bão phải đậu ở hải phận Bình Định. Sau khi được triều đình cấp tiền và gạo, họ được triều đình sữa chữa giúp thuyền rồi cho về nước6. Năm Minh Mạng thứ 14 (1833), một chiếc thuyền đi tuần biển của tỉnh Quảng Đông bị bão trôi dạt sang vụng Trà Sơn tỉnh Quảng Nam. Biết 1 Nội các triều Nguyễn, Khâm Định Đại Nam Hội điển Sự lệ, Tập 8, Sđd, tr.379. 2 Trong tác phẩm Hải Nam tạp trứ, Thái Đình Lan viết: “Ở Việt Nam, từng có lệ phàm là thuyền Trung Quốc bị bão dạt vào trong cõi nếu là quan văn võ hay hạng thân sĩ thì đều cho quan thuyền hộ tống trở về Trung Quốc”. Tuy nhiên trên thực tế, qua các ghi chép trong Đại Nam Thực Lục của Quốc Sử quán triều Nguyễn thì việc hộ tống người Thanh gặp nạn về nước được tiến hành bằng cả đường thủy và đường bộ (qua Lạng Sơn kèm theo sổ sách giấy tờ). Có lẽ trường hợp của chính vị Lẫm sinh này được triều đình dự định đưa về bằng thuyền và trước đó trường hợp của Cao Khải (thầy của Thái Đình Lan) bị nạn năm 1931 được Lang trung bộ Công là Trần Văn Trung, Viên Ngoại lang bộ Lễ là Cao Hữu Dực và 100 quân dùng đại thuyền Thụy Long đưa gia quyến của Cao Khải về Hạ Môn đã khiến Thái Đình Lan có sự nhầm lẫn. 3 Điển hình là trường hợp của Tường sinh Vương Khôi Nguyên, người tỉnh Phúc Kiến đi Đài Loan chấm thi bị bão, thuyền trôi dạt vào cửa biển Đà Nẵng năm 1822 sau khi được vua Minh Mạng cho cấp phát tiền, quần áo, lương thực, sau đó cho người đưa về nước bằng đường bộ. Nhưng Vương Khôi Nguyên lại xin được hồi hương bằng đường biển và được vua chấp nhận. Hay trường hợp của Thái Đình Lan cũng được triều đình Minh Mạng đồng ý đưa về nước bằng đường bộ theo nguyện vọng của chính vị Lẫm sinh này. 4 Quốc Sử quán triều Nguyễn, Đại Nam Thực Lục, Tập 2, Sđd, tr.829. 5 Nội các triều Nguyễn, Khâm Định Đại Nam Hội điển Sự lệ , Tập 5, Sđd, tr.426. 6 Quốc Sử Quán Triều Nguyễn, Đại Nam Thực Lục, Tập 1, Sđd, tr.687. 153
  8. TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM, ĐẠI HỌC HUẾ | HTKH 2019 chuyện, vua xuống Dụ rằng: “Đó là thuyền công sai, chẳng ví như thuyền buôn gặp nạn được”. Vì vậy cùng với chẩn cấp có phần hậu hĩnh hơn, thuyền ấy có chỗ nào hư hỏng đều được sửa chữa, những binh khí đem theo có nhiều thứ bị hỏng được triều đình tặng cho 40 khẩu súng điểu sang máy Trung Hoa và 40 khẩu súng trường kèm theo đạn dược đủ dùng1. Bên cạnh đó, việc bảo quản các loại vũ khí trên thuyền công của Hoa kiều gặp nạn vào bờ cũng được nhà Nguyễn đặc biệt quan tâm. Khi thuyền công của viên Bá kiến Hứa Ninh An gặp nạn vào năm Gia Long thứ 13 (1814), tỉnh thần Phú Yên đã tiến hành kiểm kê và phụ trách việc bảo quản hơn 100 khẩu súng các loại cùng đạn dược. Sau này, tới năm Minh Mạng thứ 16 (1835), nhà Thanh có công hàm hỏi về số vũ khí ấy, triều đình đã cho phái viên mang sang Quảng Đông trả toàn bộ. Điều đó chứng tỏ rằng trong các chính sách cứu nạn người phương xa, vua Gia Long – Minh Mạng đã giúp đỡ một cách toàn diện cả về người và tài sản, không những giúp họ bảo quản tài sản mà còn tặng thêm nhiều đồ vật có giá trị khi họ về nước. Trong quá trình triển khai chính sách cứu nạn, các vị vua đầu triều Nguyễn đã dành nhiều ưu đãi cho những Hoa kiều bị nạn trên vùng biển Việt Nam. Mọi ân cấp dành cho đối tượng này đều cao hơn với đối tượng bị nạn là người phương Tây đồng thời vượt quá quy định được đặt làm lệ trước đó. Bên cạnh đó, phần lớn các thuyền bè sau khi bị nạn đều được ưu đãi nhiều hơn so với quy định từ trước, hàng hóa làm mất có khi được miễn không phải hoàn lại, có lúc triều đình cũng tặng thêm đồ đạc cho người bị nạn. 3. MỘT VÀI NHẬN XÉT Qua khảo cứu các ghi chép về hoạt động cứu nạn Hoa kiều của nhà Nguyễn đầu thế kỷ XIX, có thể đưa ra một vài nhận xét như sau: Thứ nhất, đầu thế kỷ XIX, các mức ân cấp cho Hoa kiều bị nạn trên biển đã được quy định và được áp dụng trên phạm vi cả nước. Ban đầu các chính sách ân cấp của triều đình bao gồm các hoạt động cấp phát gạo, đồ ăn, nước uống, quần áo cho người bị nạn không phân biệt là người trong nước hay người nước ngoài. Sau này trong quá trình triển khai chính sách cứu nạn, tùy thuộc vào đối tượng bị nạn là Hoa thương hay quan quân đi việc công mà triều đình nhà Nguyễn có các ân cấp theo định mức khác nhau. Với đối tượng bị nạn là người nước ngoài, Hoa kiều luôn nhận được sự giúp đỡ tận tình hơn từ triều đình nhà Nguyễn. Hầu hết, các đối tượng bị nạn là người phương Tây khi bị nạn chỉ được nhận tiền và lương thực theo các hạn mức đã được quy định mà không nhận được những ưu đãi đặc biệt từ triều đình. Trong mọi trường hợp, triều đình còn sẵn sàng vớt hàng hóa, sửa chữa tàu thuyền cho Hoa kiều bị nạn. Thứ hai, tùy thuộc vào mối bang giao giữa các nước bị nạn với Việt Nam và tính chính thống của đoàn thuyền gặp nạn là thuyền công hay thuyền tư mà triều đình tiến hành đưa về nước hay không. Điều này được minh chứng rất rõ với trường hợp bị nạn là người Hoa và người phương Tây. Phần lớn các thuyền được triều đình sửa chữa chu đáo là thuyền lớn của các quan lại nước ngoài đi việc công gặp nạn trên vùng biển nước ta, các thuyền đến từ nước Thanh bao giờ cũng nhận được nhiều ân cấp hơn cả. Hầu hết các nạn nhân bị nạn là Hoa kiều đều được triều đình nhà Nguyễn tiến hành biệt đãi sau đó đưa trở lại Trung Quốc bằng đường bộ hoặc đường thủy. Trong khi đó, các thương nhân phương Tây gặp nạn như người Anh, người Pháp chỉ nhận được các hỗ trợ tại chỗ (tiền, chỗ ở) của triều đình, chỉ trong một số ít trường hợp được triều đình gửi về nước trên các thuyền buôn đến Việt Nam buôn bán sau đó. Thứ ba, sự xuất hiện thường xuyên các ghi chép cứu nạn Hoa kiều trên biển trong các sử liệu chính thống đã cho thấy vai trò, vị trí quan trọng của người Hoa trong sự phát triển kinh tế thương mại của nhà Nguyễn. Qua đó cho thấy nhà Nguyễn đã tạo mọi điều kiện để người Hoa 1 Quốc sử quán Triều Nguyễn (2004), Đại Nam Thực Lục, Tập 3, NXB Giáo dục, Hà Nội, tr.537-538. 154
  9. HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA CÁC NHÀ NGHIÊN CỨU TRẺ | 11/2019 và Hoa kiều hội nhập mạnh mẽ, toàn diện vào xã hội Việt Nam nửa đầu thế kỷ XIX trên mọi phương diện từ kinh tế, chính trị, xã hội. Đồng thời, các hoạt động cứu nạn của nhà Nguyễn trên vùng biển của Việt Nam góp phần đảm bảo an toàn, an ninh hàng hải đồng thời thể hiện được tinh thần hòa hiếu, giao hảo trong mối quan hệ bang giao với các nước láng giềng, là một biểu hiện trực tiếp thể hiện quyền làm chủ, kiểm soát và thực thi chủ quyền biển đảo của nhà nước phong kiến Việt Nam trên Biển Đông trước bạn bè quốc tế. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Minh Mạng [Trần Văn Quyền dịch] (2000). Ngự chế văn, Trung tâm Khoa học xã hội nhân văn quốc gia, Viện Nghiên cứu Hán Nôm xuất bản, Hà Nội. [2] Lương Chí Minh (2008), “Sự phục hồi kinh tế và sự phát triển của quan hệ thương mại giữa hai nước Trung - Việt vào những năm đầu nhà Nguyễn” in trong Kỷ yếu Hội thảo khoa học Chúa Nguyễn và Vương triều Nguyễn trong lịch sử Việt Nam từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XIX, NXB Thế giới, Hà Nội. [3] Nội các triều Nguyễn (1996). Khâm định Đại Nam Hội điển Sự lệ, Tập 5, NXB Thuận Hóa, Huế. [4] Nội các triều Nguyễn (1996). Khâm định Đại Nam Hội điển Sự lệ, Tập 8, NXB Thuận Hóa, Huế. [5] Đinh Kim Phúc (2014). Hoàng Sa - Trường Sa trong thư tịch cổ, NXB Hội Nhà văn, Hà Nội. [6] Quốc Sử quán triều Nguyễn (2004). Đại Nam Thực Lục, Tập 1, NXB Giáo dục. [7] Quốc Sử quán triều Nguyễn (2004). Đại Nam Thực Lục, Tập 2, NXB Giáo dục. [8] Quốc Sử quán triều Nguyễn (2004). Đại Nam Thực Lục, Tập 3, NXB Giáo dục. [9] Quốc Sử quán triều Nguyễn (1974). Minh Mệnh Chính Yếu, Tập 6, Ủy ban dịch thuật - Bộ Văn hóa giáo dục và thanh niên xuất bản, Hà Nội. [10] Hồ Bạch Thảo (2004). Cao Tông Thực Lục, Quyển hạ, Thư ấn quán, New Jersey, USA. [11] Phạm Thị Thơm (2018). Chính sách cứu nạn trên biển dưới triều vua Gia Long - Minh Mạng (1802-1840), Tạp chí Nghiên cứu Đông Nam Á, số 3 (216), tr.60-65. Title: OVERSEAS CHINESE IN MARITIME RESCUE POLICY UNDER NGUYEN DYNASTY IN THE EARLY 19TH CENTURY Abstract: Realizing the importance of island sovereignty and the vital role of the country’s maritime boundary, the Nguyen Dynasty introduced many policies to control, exploit and protect the sea, including a maritime rescue policy. In the early nineteenth century, the Nguyen Dynasty narrowed diplomatic relationship with Westerners, Vietnam's diplomatic relationship with the Qing Dynasty (China) was the main relationship in diplomatic relationships of Vietnam. The Chinese victims in the Vietnam Sea (South China Sea/ Southeast Asia Sea) were bestowed favors and charity by the Nguyen Dynasty including the allowances such as money and food, repair of ships, giving support to victims to return their countries safely… The article is a study of the policy of maritime rescue of Overseas Chinese in distress at sea of Vietnam, reflecting the important position of the Qing Dynasty in the foreign policy of the Nguyen Dynasty in the early nineteenth century. Keywords: Nguyen Dynasty, Overseas Chinese, Maritime Rescue Policy, 19th Century. 155
nguon tai.lieu . vn