Xem mẫu

  1. HÌNH TƯỢNG NHÂN VẬT YÊU MA TỪ TRUYỆN CỔ TÍCH DÂN GIAN ĐẾN TRUYỆN TRUYỀN KỲ TRUNG ĐẠI VIỆT NAM Phạm Văn Hóa1 Tóm tắt: Thông qua khảo sát hệ thống nhân vật yêu ma trong truyện cổ dân gian người Việt ở Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam (Nguyễn Đổng Chi sưu tầm & biên soạn), và truyện truyền kỳ ở các tập Thánh Tông di thảo (Lê Thánh Tông), Truyền kỳ mạn lục (Nguyễn Dữ), Truyền kỳ tân phả (Đoàn Thị Điểm), bài viết bước đầu cho thấy biểu hiện cụ thể của sự kế thừa văn học dân gian ở các mặt yếu tố cội nguồn văn hoá, nội dung phản ánh, cốt truyện và nghệ thuật xây dựng nhân vật yêu ma. Bài viết cũng nhấn mạnh những bước tiến nhảy vọt của tác phẩm truyền kỳ trong việc xây dựng nhân vật yêu ma ở xu hướng nội dung thế tục hóa và tính thời đại. Với hình tượng nhân vật yêu ma, truyện truyền kỳ thể hiện nổi bật bước chuyển biến trong tư duy nghệ thuật và phát huy ưu thế phản ánh cuộc sống của văn học. Bài viết góp phần cho thấy cống hiến của truyện truyền kỳ đối với sự phát triển của văn xuôi tự sự trung đại Việt Nam. Từ khoá: Việt Nam, Truyện cổ tích, Truyện truyền kỳ, Yêu ma, Kế thừa, Bước tiến. 1. Đặt vấn đề Tác phẩm truyền kỳ không chỉ tiêu biểu cho tư tưởng nghệ thuật của truyện chữ Hán mà còn mở đầu cho trào lưu sáng tác truyện ngắn trung đại Việt Nam. Nhiều nhà nghiên cứu đã khẳng định truyện truyền kỳ tiếp nhận ảnh hưởng của truyện truyền kỳ Trung Quốc (truyện truyền kỳ Đường Tống). Nhưng như nhà nghiên cứu người Đài Loan Trần Ích Nguyên khi khảo sát mối quan hệ giữa Truyền kỳ mạn lục (Nguyễn Dữ) với Tiễn đăng tân thoại (Cù Hựu) trên các phương diện nội dung tình tiết, kết cấu và ngôn ngữ nghệ thuật đã khẳng định: “Tác giả truyền kỳ Việt Nam không đơn giản chỉ học hỏi kinh nghiệm nghệ thuật truyền kỳ Trung Quốc mà còn sáng tạo và đổi mới trên cơ sở kế tục truyền thống văn học dân tộc Việt Nam” (Trần Ích Nguyên, 2000, tr. 48). Thông qua khảo sát hệ thống nhân vật yêu ma trong truyện cổ tích ở Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam (Nguyễn Đổng Chi sưu tầm & biên soạn), và truyện truyền kỳ ở các tập Thánh Tông di thảo (Lê Thánh Tông), Truyền kỳ mạn lục (Nguyễn Dữ), Truyền kỳ tân phả (Đoàn Thị Điểm)2, bài viết bước đầu cho thấy biểu hiện cụ thể của sự kế thừa văn học dân gian và những bước tiến nhảy vọt của tác phẩm truyền kỳ. Có thể nói, bước tiến này để lại cho hậu thế một kho tàng kinh nghiệm nghệ thuật quý báu, tạo đà cho truyện ngắn hiện đại phát triển. 2. Yếu tố truyền thừa của hình tượng nhân vật yêu ma từ truyện cổ tích đến truyện truyền kỳ 1. TS, Trường Đại học Đà Lạt 2. Trong bài viết, Thuật ngữ viết tắt: Truyện cổ tích: TrCT; Truyện truyền kỳ: TrTK. Tập truyện viết tắt: Thánh Tông di thảo: TTDT; Truyền kỳ mạn lục: TKML; Truyền kỳ tân phả: TKTP 28
  2. PHẠM VĂN HÓA 2.1. Một số yếu tố văn hóa cội nguồn chi phối việc xây dựng hình tượng nhân vật yêu ma Việc phân loại thế giới nhân vật yêu ma trong truyện cổ tích và truyện truyền kỳ có nguồn gốc sâu xa từ văn hóa3. Mỗi loại nhân vật yêu ma trong truyện cổ tích và truyện truyền kỳ đều có cơ sở hình thành và hàm ý văn hóa khác nhau. Theo diễn trình tư duy nghệ thuật của con người thì nhân vật yêu ma được hình thành sớm nhất từ hệ thống quan niệm tín ngưỡng dân gian “vạn vật hữu linh”. Bên cạnh đó, hình tượng nhân vật yêu ma còn phản ánh đời sống tôn giáo của người Việt xưa. Sự phát triển của loại nhân vật này từ thần linh đến ma quỷ trong lịch sử văn hoá là một quá trình “con người hóa” thế giới chung quanh. Phật giáo, Nho giáo và Đạo giáo là những hệ tư tưởng có ảnh hưởng sâu đậm thế giới quan, chi phối nhân sinh quan của con người thời kỳ phong kiến. Vì vậy, cùng với các hình tượng nhân vật khác, yêu ma không thể không phản ánh đời sống văn hóa tôn giáo của con người Việt Nam thời kỳ này. Đó là tư tưởng “thiên mệnh”, “thiên nhân hợp nhất”, “thiên nhân cảm ứng” của Nho giáo. Tư tưởng này cho rằng, thiên tử thống trị thiên hạ, nên thiên tử/quân tử phải có “đạo đức”, phải biết “tu thân”, đồng thời, gắn với ý nguyện nhân dân. Yêu ma là hiện tượng dị thường trong đời sống hiện thế, nhà nho cho rằng sự xuất hiện này liên quan đến “đức hạnh” của vua. “Thiên tai” là do trời khiển trách, “tai hoạ bất thường” là do trời biểu thị uy phong. Xuất hiện cảnh báo từ trời mà con người không thay đổi hành vi, không hối cải thì sẽ lấy yêu ma để đe dọa trừng trị. Sự xuất hiện của yêu ma trong cổ tích và truyện truyền kỳ đều liên quan tình trạng xã hội rối loạn, không hợp ý trời (Hai ông tướng Đá Rãi, Cứu vật vật trả ân cứu nhân nhân trả oán,Con ma báo thù-TrCT,Truyện yêu nữ Mai Châu, Bữa tiệc đêm ở Đà Giang, Lý tướng quân-TrTK,...). Hình tượng nhân vật yêu ma trong truyện truyền kỳ còn đậm đặc sắc màu nhân quả báo ứng, nghĩa lý đạo Phật (Chuyện Lý tướng quân, Chuyện người con gái Nam Xương - TKML), là thiện ác ở đời, là trừng phạt kẻ ác (Chuyện chức phán sự đền Tản Viên, Chuyện tướng Dạ Xoa - TKML), là chuyện duyên phận (Chuyện Phạm Tử Hư lên chơi thiên tào, Chuyện gã trà đồng giáng sinh - TKML4),... Người Việt Nam từ xưa đã tin vào sự khác biệt giữa giàu nghèo, sang hèn và quan hệ giữa kẻ áp bức với kẻ bị áp bức là kết quả làm phúc hay gây nghiệp của kiếp trước. Các truyện trên như lời yêu cầu con người phải tu nhân tích đức, thành kính hướng đến Phật, từ đó nhận được sự an ủi về tinh thần và tâm lí. Đạo giáo cũng cho thấy tác động trong việc xây dựng hình tượng yêu ma truyện cổ tích và truyền kỳ, trước hết và dễ thấy nhất là việc xem “tinh vật” chính là yêu ma. Rất nhiều truyện cổ tích và truyện truyền kỳ kể về những yêu ma vốn là động thực vật sau một thời gian dài tiếp nhận linh khí của trời đất núi sông mà dần hóa thành tinh (Tiêu diệt mãng xà, Rắn báo oán, Người câu cá nghèo khổ-TrCT; Duyên lạ ở Hoa quốc, Chuyện lạ nhà thuyền chài, Truyện tinh chuột-TrTK,...). Những yêu ma dạng này thường biến đổi về hình dạng, có bùa chú hay phép thuật thần thông, có thể biến thành người có dung mạo đẹp để mê hoặc nhân thế... Đạo giáo quan niệm vũ trụ có 3 giới, thượng – trung – hạ, thượng 3. Chúng tôi chia nhân vật yêu ma thành bốn loại: yêu ma là hồn người chết, yêu ma là người chết hóa thành, yêu ma là nhân vật siêu nhiên đầu thai, yêu ma là động thực vật hay vật vô sinh. 4. Chúng tôi viết tắt Truyện cổ tích thành TrCT; Truyện truyền kỳ thành TrTK; Thánh Tông di thảo thành TTDT, Truyền kỳ mạn lục thành TKML, Truyền kỳ tân phả thành TKTP. 29
  3. HÌNH TƯỢNG NHÂN VẬT YÊU MA TỪ TRUYỆN CỔ TÍCH... giới là nơi tiên ở, trung giới là nơi người ở, hạ giới là nơi quỷ ở. Con người sống thiện thì trở thành tiên, tiên có thể bị giáng làm người, người ác thành quỷ. Tiên, người, quỷ tồn tại trong không gian khác nhau, giữa chúng có thể chuyển hóa lẫn nhau “tuần hoàn qua lại”. Trong truyện cổ tích và truyền kỳ, nhiều yêu ma vốn là người, vì vi phạm một số điều trong tu dưỡng bản thân mà thành yêu ma. Hình tượng yêu ma cổ tích và truyền kỳ còn là sự dung hợp nhận thức về yêu ma của các thời kỳ khác nhau trong lịch sử. Tất cả góp phần giới định hình tượng yêu ma trong truyện cổ tích và truyện truyền kỳ. Điều này cũng khiến cho nội hàm của hình tượng yêu ma được đa dạng hóa. 2.2. Hình tượng nhân vật yêu ma góp phần phản ánh hiện thực xã hội phong kiến Như chúng tôi đã nói, việc xây dựng hình tượng yêu ma trong truyện cổ tích và truyền kỳ có thể chịu hai luồng ảnh hưởng: Thực tiễn đời sống phong tục và tôn giáo của nhân dân và đặc biệt là không khí xã hội phong kiến có phần ảm đạm, bi thương cuối XVI. Nhân vật yêu ma không chỉ phản ánh sức mạnh và sự bí ẩn của tự nhiên mà còn phản ánh đặc tính xã hội, lịch sử và văn hoá. Nhân vật này trong cổ tích và truyền kỳ thường được xây dựng có tính chất khái quát cao, điển hình cho một loại người nào đó trong xã hội. Khi trần gian không có công lý hoặc công lý nằm trong tay kẻ bạc ác, quyền thế; khi dân nghèo bị coi khinh, vua quan thì độc ác, bạo ngược, bất nhân; khi cương thường đạo lý bị đảo lộn cộng với sự thống trị hà khắc của các lực lượng phong kiến, tất cả đẩy con người nhỏ bé vào tình thế tuyệt vọng với một tương lai ảm đạm. Hầu hết yêu ma đều mang dáng hình của người dân tội nghiệp, đáng thương: Cô gái nghèo bị phụ tình hoặc bị ép buộc hôn nhân, tự tử, hồn ma cô gái được ở cõi âm để báo thù (Con kiến kiện củ khoai, Người cưới ma-TrCT); Người vợ cả chết sớm, người vợ vì uất ức bị chồng ruồng bỏ, lại bán cho người khác (Người dì ghẻ ác nghiệt hay là sự tích con dế-TrCT, Chuyện người nghĩa phụ ở Khoái Châu, Chuyện người con gái Nam Xương, Chuyện nghiệp oan của Đào thị-TrTK), Người con mồ côi (Truyện nghiệp oan của Đào thị-TrTK, Bính và Đinh-TrTK,...)... Những con người bị áp bức về mặt chính trị, bị bóc lột về mặt kinh tế và bị bóp nghẹt, kiềm toả về mặt tinh thần đến với thế giới yêu ma để tìm giải pháp cải thiện hiện thực. Họ chỉ có thể tìm đến một cuộc sống no đủ, tươi đẹp, cũng như một tình yêu lứa đôi hạnh phúc ở thế giới khác. Đáng chú ý, hình tượng yêu ma trong sáng tác dân gian lẫn truyện truyền kỳ thể hiện sự dung hợp của quan niệm yêu ma từ các thời kỳ khác nhau trong văn hoá Việt Nam và đều hướng đến thế giới con người, lấy cuộc sống con người làm nền tảng xây dựng hình tượng. 2.3. Mô hình cốt truyện - nhân vật yêu ma Mô hình cốt truyện – nhân vật giàu chất folklore là một yếu tố nghệ thuật truyền thừa của hình tượng nhân vật yêu ma từ truyện cổ tích đến truyện truyền kỳ. Đây cũng là dấu hiệu để chúng ta giải mã hình tượng yêu ma trong các tác phẩm truyền kỳ của nhà nho thế kỷ XVI - XVII. Một vấn đề đặt ra là tại sao ngay từ khi mới xuất hiện, văn học viết, mà cụ thể là truyện truyền kỳ lại có nhu cầu sử dụng folklore nhiều đến vậy. Không riêng ở Việt Nam mà ngay cả với văn học lãng mạn Tây Âu thời trung cổ và nhiều khu vực văn học khác cũng thường xuyên xuất hiện điều này. Trong bảng chỉ mục các motif văn học dân gian của Stith Thompson có tựa đề Bảng phân loại các yếu tố tự sự trong truyện cổ tích, ballad, huyền 30
  4. PHẠM VĂN HÓA thoại, truyện ngụ ngôn, văn học trung đại, tiểu thuyết lãng mạn, tiểu thuyết exempla, truyện thơ tiếu lâm, truyện cười và truyền thuyết địa phương”5, một điều chúng ta có thể dễ dàng nhận ra rằng, trong công trình tra cứu kinh điển này của folklore, đặt bên cạnh các thể loại rõ ràng là của văn học dân gian là sự xuất hiện của truyện lãng mạn thời trung cổ (medieval romances). Các nhà nghiên cứu folklore theo trường phái so sánh loại hình và so sánh lịch sử Mỹ đã nhóm các câu chuyện này, là sản phẩm của nền văn học thành văn vào bảng tra các motif của văn học dân gian. Đó là sự thừa nhận về tình trạng thừa hưởng, tái tạo và biến đổi các chất liệu dân gian của văn học viết thời kỳ đầu ở Tây Âu. Và như chúng tôi đã nói, điều tương tự cũng xảy ra ở Việt Nam với truyện truyền kỳ. Cốt truyện và nhân vật gắn bó với nhau như hình với bóng, chúng không thể tách rời cũng không thể hợp nhất. Nhân vật nói chung không thể thoát ly khỏi cốt truyện, ngược lại cốt truyện bao giờ cũng là cốt truyện của nhân vật. Không khó để ta nhận ra sự ảnh hưởng của văn học dân gian đến tác phẩm truyền kỳ qua hình tượng nhân vật yêu ma. Rất nhiều motif quen thuộc có gốc gác từ truyện cổ tích được sử dụng trong truyện truyền kỳ, như: Người lấy yêu ma, yêu ma độ trì con người, yêu ma báo oán, yêu ma dọa nạt, yêu ma thử lòng người,… Motif người lấy yêu ma trong: Truyện chồng dê, Duyên lạ xứ Hoa (TTDT), Chuyện kỳ ngộ ở trại Tây (TKML), Cây gạo (TKML),... Motif yêu ma độ trì con người có trong: Truyện hai thần hiếu đễ, Người trần ở thuỷ phủ (TTDT), Chuyện người nghĩa phụ Khoái Châu, Chuyện gã trà đồng giáng sinh (TKML),... Motif yêu ma báo oán có thể thấy trong các truyện: Chuyện Lý tướng quân, Chuyện yêu quái ở Xương Giang (TKML),... Motif yêu ma dọa nạt, thử thách con người có trong: Chuyện chức phán sự đền Tản Viên, Chuyện đối tụng ở Long cung (TKML), Tinh chuột (TTDT),... Nhan đề của các truyện truyền kỳ trên cũng khiến ta nhớ đến các kiểu truyện quen thuộc trong cổ tích thần kỳ người Việt. Những motif nhân vật này xuất hiện trong sáng tác truyền kỳ, là cơ sở đánh dấu ảnh hưởng của truyện cổ tích lên thể loại này, cũng như cho thấy quá trình chín muồi của nghệ thuật tự sự nước nhà. Cùng với sự trưởng thành trong nghệ thuật xây dựng hình tượng nhân vật yêu ma, truyện truyền kỳ có bước đột phá về trình độ, ý thức vận dụng ngôn ngữ, hình ảnh,... Việc tiếp thu kỹ thuật tạo dựng motif từ folklore một mặt mang tính vô thức xuất phát từ văn hóa, môi trường sống và nền giáo dục mà nhà nho được thụ hưởng. Một mặt, đó là sản phẩm của sự tự ý thức về mặt kĩ thuật viết trong tác phẩm văn học có yếu tố kỳ ảo. Điều này đánh dấu quá trình chuyển tiếp của yếu tố kỳ ảo trong folklore như một đặc trưng về mặt tư duy, sang đến truyền kỳ đã phát triển thành một đặc tính về mặt nghệ thuật. Khảo sát mô hình cốt truyện – nhân vật yêu ma trong truyện truyền kỳ, chúng tôi mạnh dạn chia thành các kiểu như sau: Kiểu cốt truyện – nhân vật “duyên kỳ ngộ” - nhân vật yêu ma gặp người trần, khi con người “đi lạc” vào thế giới siêu nhiên (15/30 truyện): Chuyện lạ nhà thuyền chài, Duyên lạ xứ Hoa quốc, Chồng dê (TTDT), Chuyện cây gạo, Chuyện kỳ ngộ ở trại Tây, (TKML), Bích Câu kỳ ngộ (TKTP),... Kiểu cốt truyện – nhân vật yêu ma dụ dỗ, mê hoặc con người có khi là để kết duyên, có khi là để làm hại (10/30 5. Dẫn theo Trần Thị An (2008), “Nghiên cứu văn học dân gian từ góc độ type và motif - Những khả thủ và bất cập”, Nghiên cứu Văn học, số 7, tr. 98. 31
  5. HÌNH TƯỢNG NHÂN VẬT YÊU MA TỪ TRUYỆN CỔ TÍCH... truyện): Tinh chuột, Chồng dê (TTDT) Chuyện cây gạo, Bữa tiệc đêm ở Đà Giang (TKML), Vân Cát thần nữ, Bích Câu kỳ ngộ (TKTP),... Kiểu cốt truyện – nhân vật yêu ma hiện về trong giấc mơ của con người (10/30 truyện): Truyện hai thần hiếu đễ, Duyên lạ ở Hoa quốc, Truyện một giấc mộng (TTDT), Chuyện người nghĩa phụ ở Khoái Châu (TKML),... Kiểu cốt truyện – nhân vật con người đến với thế giới yêu ma để đòi công bằng, giải nỗi oan trái, bất hạnh trên trần gian (10/30 truyện): Chuyện yêu quái ở Xương Giang, Chuyện người nghĩa phụ ở Khoái Châu, Chuyện người con gái Nam Xương, Chuyện nàng Lệ nương, Chuyện chức phán sự đền Tản Viên (TKML),... Kiểu cốt truyện – nhân vật yêu ma từ vật thành tinh, biến hóa, tiếp xúc với con người (15/30 truyện): Truyện tinh chuột, Truyện một giấc mộng, Truyện chồng dê, Chuyện lạ nhà thuyền chài, Duyên lạ ở Hoa quốc (TTDT), Chuyện yêu quái ở Xương Giang, Chuyện đối tụng ở Long cung, Chuyện cái chùa hoang ở huyện Đông Triều, Chuyện bữa tiệc đêm ở Đà Giang, Chuyện nghiệp oan của Đào thị, Chuyện kỳ ngộ ở trại Tây (TKML), Hải khẩu linh từ, Long hổ đấu kỳ (TKTP),... Theo đó, trong mỗi truyện không chỉ có một kiểu cốt truyện – nhân vật duy nhất, độc lập. Các kiểu xuất hiện nhân vật yêu ma như trên có sự tương đồng với mô hình cốt truyện dân gian. Nhân vật yêu ma xuất hiện trong các tình tiết truyện truyền kỳ và truyện cổ dân gian đều diễn biến theo trình tự tuyến tính khá đơn giản, sự việc trước kể trước, sự việc sau kể sau. Chúng tôi cũng nhận thấy nhân vật yêu ma trong truyện cổ tích và truyền kỳ thường xuất hiện theo công thức cốt truyện chung sau: Giới thiệu nhân vật yêu ma – các biến cố, sự kiện diễn ra với mâu thuẫn, xung đột – kết thúc, mâu thuẫn được giải quyết. Theo đó, diễn biến những sự việc theo nhân vật và kết thúc. Phần lớn nhân vật yêu ma trong truyện cổ tích và truyền kỳ có tính cách nhất quán, một chiều. Tính cách của nhân vật chủ yếu được bộc lộ qua lời giới thiệu của tác giả và hành động của nhân vật. Tác giả truyền kỳ thường giới thiệu trước tính cách nhân vật yêu ma, sau đó bằng lời thoại cùng hành động, thái độ của nhân vật yêu ma trước diễn biến sự việc được kể mà người đọc thấy được tính cách, phẩm chất nhân vật như tác giả đã giới thiệu (26/30 truyện). Có 4/30 truyện truyền kỳ tác giả chỉ giới thiệu về lai lịch nhân vật yêu ma, không giới thiệu tính cách mà để người đọc tự nhận ra tính cách qua hành động, ngôn ngữ của nhân vật đó. Hầu như không thấy nhân vật yêu ma có mâu thuẫn nội tâm cũng như không có tính cách phức tạp, hai mặt vừa thiện vừa ác, vừa tốt đẹp vừa xấu xa như nhân vật trong sáng tác văn học hiện đại. Rõ ràng giữa sáng tác của nhà nho với dân gian trong cách thức xây dựng nhân vật yêu ma có những nét gần gũi. Nguyên nhân được cho là khuynh hướng tư tưởng của họ gần nhau nên nguyên tắc miêu tả cuộc sống cũng giống nhau. Hình ảnh nhân vật yêu ma trong truyện truyền kỳ có yếu tố gần gũi với dân gian, thô sơ mà khoẻ khoắn, bóc trần con người vì tả thực, gắn liền với đời sống hàng ngày của nhân dân lao động. Có thể lấy hầu hết các truyện truyền kỳ để chứng minh cho công thức cốt truyện và nghệ thuật miêu tả nhân vật yêu ma như trên, từ Truyện tinh chuột, Duyên lạ xứ Hoa, Truyện yêu nữ Mai Châu, Chuyện lạ nhà thuyền chài (TTDT), đến Cuộc nói chuyện ở Kim Hoa, Chuyện cây gạo, Chuyện yêu quái ở Xương Giang, Chuyện kỳ ngộ ở trại Tây, Chuyện người nghĩa phụ Khoái Châu (TKML), Hải khẩu linh từ, Bích Câu kỳ ngộ, Long hổ đấu kỳ (TKTP),... Kết thúc truyện thường là sự chiến thắng của con người trước thế lực yêu quỷ. Điều này như một dấu ấn cho thấy nhân vật yêu ma chính là một trong 32
  6. PHẠM VĂN HÓA những cầu nối giữa truyện truyền kỳ với cổ tích dân gian. Và nhân vật này đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng kết cấu cốt truyện của truyện truyền kỳ. Đó là một minh chứng phần nào cho thấy mối quan hệ, sự tiếp biến những truyền thống dân gian trong sáng tác truyền kỳ. Từ đó, giúp thể loại này giữ vị trí quan trọng trong tiến trình văn học Việt Nam. Tóm lại, trên phương diện cốt truyện và nghệ thuật xây dựng nhân vật yêu ma nói riêng, tác phẩm truyền kỳ có dấu tích của sự kế tục và phát triển từ truyện cổ dân gian. Tuy nhiên, khi nói đến vai trò là chiếc cầu nối của nhân vật yêu ma giữa hai bộ phận văn học, hai loại hình sáng tác, chúng ta không chỉ nói ảnh hưởng của truyện cổ dân gian lên tác phẩm truyền kỳ mà còn nói đến sự sáng tạo của các nhà nho khi tiếp nhận những ảnh hưởng ấy, cụ thể ở đây là trong cách xây dựng nhân vật yêu ma. 3. Bước tiến mới của hình tượng nhân vật yêu ma trong truyện truyền kỳ Tuy đã tiếp thu dân gian nhưng hình tượng yêu ma trong truyện truyền kỳ không phải là một sự sao chép nguyên xi từ truyện cổ tích, mà dám phá vỡ những lối mòn, để trở thành một phương tiện nghệ thuật hoàn thiện hơn, góp phần nâng cao vị trí và giá trị nghệ thuật của truyện truyền kỳ nói chung. 3.1. Nội dung thế tục hoá của hình tượng nhân vật yêu ma Thế kỷ XV – XVII, xã hội phong kiến Việt Nam đã bước vào giai đoạn khủng hoảng, nội chiến liên miên, đẫm máu. Điều nhà nho nhìn và nghe thấy rõ nhất là thân phận con người rơi vào thảm cảnh vợ chồng li biệt, nhà tan cửa nát,... Tác phẩm truyền kỳ đã đụng chạm đến một vấn đề cơ bản của chủ nghĩa nhân đạo trong văn học: Vấn đề thân phận con người. Vũ Thanh khẳng định: “Với các tác phẩm truyền kỳ, lần đầu tiên, con người xuất hiện trong văn học với tư cách là đối tượng phản ánh. Đó là số phận con người bình thường trong xã hội, những phận đời bé mọn, những kiếp người bất hạnh. Nhà nho hiểu và thông cảm cho những khát vọng chân chính của con người” (Vũ Thanh, 2018, tr. 774). Tác giả truyền kỳ đặc biệt gửi gắm qua ý hướng phê phán tình trạng xã hội phong kiến với tầng lớp thượng tầng nhiều rối ren với chiến tranh liên miên. Cùng với tình trạng phân biệt đẳng cấp ngày càng trầm trọng, vua quan không làm tròn trách nhiệm phụ mẫu của dân, nam quyền bất công, thân phận người phụ nữ bị rẻ rúng, mất quyền sống làm người chân chính, không có quyền tự định đoạt hạnh phúc của bản thân, là người dân tồn tại phổ biến tâm lí hoang mang, bi quan, cảm giác bất an trước cuộc sống hiện tại, mờ mịt về cuộc sống tương lai,... Thông qua nhân vật yêu ma, các tác giả cũng đưa hương vị của đời sống thị dân thông tục vào truyện truyền kỳ với nhiều tệ nạn làm lòng người rối ren: Cờ bạc, trộm cắp hoành hành, tật dịch tràn lan, chuyện trai gái phóng đãng, trật tự lễ giáo luân thường bị đảo lộn,... Nhân vật yêu ma trong truyện truyền kỳ được xây dựng như là tấm gương soi hình bóng nhân tính của con người, đồng thời cũng mang sắc thái thẩm mỹ thời đại. Nhà nho cho nhân vật yêu ma lộng hành trong trật tự Nho giáo để làm nổi bật sự tha hóa của nhân thế, sự thối nát của các tổ chức xã hội do con người tạo dựng đã khiến nhân dân mất lòng tin sâu sắc vào con người và xã hội loài người. Nhà nho lại xây dựng một thế giới yêu ma tốt đẹp hơn thế giới nhân gian. Ở thế giới bên kia, yêu ma vốn là người kia có một cuộc sống tốt đẹp hơn, được bảo vệ và yêu thương, thông cảm. Đó phải chăng là cách bày tỏ sự “giải thiêng” của nhà nho 33
  7. HÌNH TƯỢNG NHÂN VẬT YÊU MA TỪ TRUYỆN CỔ TÍCH... đối với diễn ngôn chính thống, thể hiện sự kháng cự của những người thuộc tầng lớp tinh hoa với thế giới quan, nhân sinh quan Nho giáo, đồng thời phô bày một sự khủng hoảng bản sắc mạnh mẽ của những trí thức được đào tạo bởi cửa Khổng sân Trình. Thực tế đời sống nhân dân trong thời kỳ cuối XVI – XVIII hết sức bất an vì nạn binh lửa phong kiến và xã hội rối ren, giai cấp phong kiến cầm quyền không tìm ra được cách thức giải quyết những vấn đề xã hội. Nguyễn Đức Sự khẳng định: “Thời kỳ này không những giới nho sĩ mà cả đông đảo những người bình dân cũng tin vào số trời, thần thánh và những lực lượng siêu nhiên khác. Trong thời loạn, Nho giáo không giúp con người giải thích được mọi hiện tượng phức tạp trong xã hội, không tạo được niềm tin và thoả mãn được đời sống tinh thần của họ. Vì thế, Phật giáo, Đạo giáo lại có dịp phục hưng và phát triển bên cạnh sự sa sút của Nho giáo” (Nguyễn Đức Sự, 2006, tr. 34). Việc xây dựng hình tượng yêu ma của truyện truyền kỳ chịu tác động mạnh mẽ của bối cảnh văn hóa xã hội đương thời. Và bối cảnh thời đại cũng là một nguyên nhân truyện về nhân vật yêu ma chiếm tỉ lệ đa số trong thể loại truyền kỳ trung đại Việt Nam. Truyện truyền kỳ đưa nhân vật yêu ma về với đời thường, ứng xử theo tiêu chuẩn của cuộc sống thực tế. Người là tiền thân của ma, ma là người đã chịu khổ đau mà rời bỏ nhân gian nhưng vẫn quyến luyến nhân thế. Người và yêu ma không tồn tại biệt lập ở hai thế giới, hình như không có ranh giới nào, hơn nữa giữa người và yêu ma còn tương thông, tương liên, tương tri với nhau. Trong truyện truyền kỳ, 20/30 cốt truyện có đề tài tình yêu giữa người với yêu ma, hay tình cảm vợ chồng giữa người với yêu ma. Trong khi đó, số truyện cổ tích có cốt truyện tình yêu giữa người với yêu ma chỉ là 6/47 truyện có nhân vật yêu ma. Các tác giả cấp cho thế giới yêu ma tình cảm con người, yêu ma cũng có tình cảm bình thường nảy sinh trong đời sống nam nữ, không chỉ yêu đương mà còn có thể kết hôn (Duyên lạ ở Hoa quốc (TTDT), Chuyện cây gạo, Chuyện kỳ ngộ ở trại Tây, Chuyện lạ nhà thuyền chài (TKML)...) Tình yêu ở đây cũng trong sáng, cũng khao khát, cũng ghen tuông nghi kị, cũng ích kỷ, vô cảm, cũng thuỷ chung, đợi chờ và gắn bó với nhau cả thể xác lẫn tâm hồn như con người. Không chỉ con người mà yêu ma cũng biết suy nghĩ về thân phận, lo lắng về tương lai. Trong truyện truyền kỳ, tình yêu giữa con người với yêu ma được miêu tả nồng nàn, mãnh liệt, đầy vấn vương và phóng khoáng, tình yêu tự do thay thế “môn đăng hộ đối” (Chuyện yêu nữ ở Mai Châu, Chuyện lạ nhà thuyền chài, Chuyện người con gái Nam Xương, Chuyện người nghĩa phụ ở Khoái Châu (TKML), Truyện chồng dê, Duyên lạ ở Hoa quốc (TTDT)...). Phải chăng, điều này thể hiện sự chuyển đổi lớn của quan niệm nhân sinh. Truyền thống thi thư lễ nhạc không thể làm thoả mãn nhu cầu đời sống tinh thần của người bình dân. Với tình yêu giữa ma với người, đời sống tình cảm trường kỳ cấm đoán của lễ giáo phong kiến được giải toả. Việc xây dựng cốt truyện – nhân vật tình yêu lứa đôi giữa người và yêu ma, truyện truyền kỳ muốn nói lên khát vọng hạnh phúc ở nhân gian của người bình dân. Hơn nữa, hình tượng này còn làm nổi bật lên tinh thần phóng khoáng, muốn thoát khỏi ràng buộc của văn chương phong kiến. Truyện truyền kỳ, chuyện tình người với yêu ma mà còn mang hàm ý phê phán hành vi sai lạc, sự tha hóa nhân cách của con người (Truyện yêu quái ở Xương Giang (TKML), Chuyện nghiệp oan của Đào thị (TKML), Cây gạo (TKML),...). Miêu tả sự đáng sợ của tình yêu người và yêu ma và sự đe doạ của thế giới 34
  8. PHẠM VĂN HÓA yêu ma với cuộc sống con người, nhà nho bày tỏ nhận thức mâu thuẫn trong xã hội hiện thực cũng như là thái độ ngờ vực với cuộc sống hiện tại. 3.2. Bước tiến trong xây dựng hình tượng nhân vật nghệ thuật Khảo sát ba tập truyện truyền kỳ Thánh Tông di thảo, Truyền kỳ mạn lục, Truyền kỳ tân phả, chúng tôi nhận thấy số truyện có nhân vật yêu ma chiếm một tỉ lệ khá cao (30/43 truyện, chiếm 70 %). Ngược lại, liên quan đến đề tài người và thần tiên giao lưu qua lại trong Thánh Tông di thảo (Lê Thánh Tông) chỉ có 7/19 truyện, Truyền kỳ mạn lục (Nguyễn Dữ) chỉ có 4/20 truyện, Truyền kỳ tân phả (Đoàn Thị Điểm) chỉ có 2/4 truyện. Điều này cho thấy truyện truyền kỳ có ý thức làm yếu hóa đề tài truyền thống người thần giao lưu qua lại. Trong các truyện trên, cuộc sống thần tiên không mang màu sắc của chốn cực lạc, thong dong tự tại, an nhàn hạnh phúc. Thần tiên không có năng lực vạn năng, lại càng không có những cuộc tình diễm lệ với người. Thế giới yêu ma trong truyện truyền kỳ cũng không như truyện chí quái Trung Quốc với nhiều phép thần thông biến hóa, mưu ma chước quỷ khủng bố nhân gian. Còn so với truyện cổ tích, đặc điểm và tính cách nhân vật yêu ma truyện truyền kỳ cũng được thể hiện rõ rệt, sống động hơn, cá tính hoá cao độ. Tác giả có nhiều sự dụng công hơn trong việc dựng lên những đoạn đối thoại của nhân vật người với yêu ma, từ đó chân dung nhân vật hiện lên thuyết phục hơn. Bên cạnh lời nói và hành động, yêu ma truyện truyền kỳ còn có tình cảm, tâm trạng - dấu hiệu của sự vận động và phát triển tính cách. Khác với nhân vật yêu ma trong truyện cổ tích thường hành động một cách bản năng, yêu ma truyền kỳ vừa hành động vừa suy nghĩ, hành động thường đi liền với suy nghĩ. Diễn biến tâm lý của nhân vật yêu ma tuy chưa phức tạp nhưng đã có một quá trình vận động hướng đến đời sống nội tâm sống động. Không chỉ sinh tồn trong cùng một không gian, người và yêu ma còn có thể trở thành tri âm, trao cho nhau tình cảm của con người. Nội tâm nhân vật được miêu tả một cách trực diện và mang tâm trạng có màu sắc bi kịch. Mặc dù, rất nhiều truyện có tính tái tạo lại câu chuyện dân gian, nhưng nhân vật yêu ma trong truyện truyền kỳ được đặt trong bối cảnh xã hội phức tạp hơn, cuộc đời có diễn biến khó lường hơn, nghệ thuật xây dựng nhân vật yêu ma, sắp xếp tình tiết trở nên đa dạng và sáng tạo hơn. Con người trong truyện truyền kỳ tiếp xúc với những cảnh phi phàm của thế giới yêu ma, địa ngục lại thường được bố trí hoàn toàn trong trạng thái mơ màng. Chính trạng thái này của nhân vật con người đã phản ánh nhận thức của tác giả về những không gian huyền thoại gắn với yêu ma trong tác phẩm. Cảnh địa ngục, cảnh gắn với thế giới yêu ma được tác giả dồn rất nhiều công phu, chiếm một dung lượng khá lớn trong tác phẩm (20 tác phẩm chiếm ½ không gian truyện, 10 truyện chiếm 2/3 không gian truyện). Lý do là tác giả mượn hình tượng của tôn giáo để gột rửa những ảo tưởng về xã hội hiện thực của nhà nho. Cơ hồ tác giả truyền kỳ muốn làm nhoè đi tính xác thực của không gian địa lý, không gian cụ thể, tạo nên ảo giác về một không gian huyền thoại, một thế giới trong đó có các yếu tố siêu nhiên, kì ảo có thể xuất hiện một cách thuận lợi. Trong cái thế giới như vậy, sự xuất hiện của yêu ma, quỷ quái mới không thành đột xuất (thậm chí còn cần đến sự hiện diện của chúng). Nhân vật yêu ma truyền kỳ giữ một vai trò quan trọng đối với nội dung phản ánh, kết cấu cốt truyện và sự tiến triển, vận động của câu chuyện. Nhật vật yêu ma truyền kỳ có giới 35
  9. HÌNH TƯỢNG NHÂN VẬT YÊU MA TỪ TRUYỆN CỔ TÍCH... tính rõ ràng và tỉ lệ giới tính nam nữ tương đương nhau (nam giới 26/51 nhân vật, chiếm 51%; nữ giới 21/51 nhân vật, chiếm 43,1%, 03 nhân vật không có giới tính rõ ràng). Ngoài Diêm vương, yêu ma nam giới chủ yếu là nhà nho, yêu nữ là hồn ma cô gái ngoan hiền hoặc biến thành cô gái xinh đẹp, quyến rũ. Người phụ nữ đức hạnh bất hạnh thành ma, người con gái nhan sắc thành ma thì đáng sợ, hãm hại, cản trở nhà nho. Nhân vật yêu ma trong truyền kỳ được miêu tả như những con người trần thế, với tất cả khổ đau và sung sướng, lo sợ và hy vọng. Hình ảnh nam nữ gần gũi tình tự, vuốt ve nhau, thiếu nữ tắm khoả thân đùa giỡn hay cảnh trai gái tủm tỉm quàng vai nhau,... dưới con mắt của tác giả truyền kỳ không bị xem là dung tục, suồng sã, tầm thường. 26/43 truyện truyền kỳ chú trọng miêu tả đời sống tình cảm người và yêu ma. Yêu ma trong truyện truyền kỳ chịu ảnh hưởng của vẻ đẹp xác thịt, vật chất. Nguyễn Phạm Hùng đã nhận xét: “Truyện truyền kỳ là những sáng tác văn học viết mở đầu một cách đích thực cho phong cách nghệ thuật phản ánh những cái bình thường thông tục, phản ánh con người trần thế, có tính hiện thực” (Nguyễn Phạm Hùng, 2001, tr. 67). Nhân vật yêu ma đã thực sự trở thành nhân vật văn học. Các nhân vật yêu ma đã cùng con người nhân nghĩa và hiếu hạnh “liên minh” với nhau, tạo thành một lực lượng duy trì và bảo vệ đạo lý ở đời. Điều này giải thích vì sao trong truyện truyền kỳ, nhân vật yêu ma tồn tại với hai khuynh hướng: Khẳng định và phủ định. Có khi hình tượng này nhằm lên án đạo đức phong kiến cùng những phương diện của cơ chế xã hội đang suy đồi. Lúc này, yêu ma luôn đứng về phía những người lương thiện để chống lại cái ác, cái vô đạo đức. Có khi yêu ma là hiện thân của xã hội rối ren, đạo đức suy đồi, sự tác động tiêu cực của đồng tiền và lối sống phóng khoáng vô đạo của tầng lớp thị dân. Điều này đúng như nhận định của Nguyễn Thị Kim Ngân: “Có thể nhận thấy truyện truyền kỳ lúc này đã cố gắng cung cấp một hệ thống tình tiết phức tạp liên quan đến sự xuất hiện của hồn ma mà ở đó bối cảnh đã được trao truyền lý tính cao hơn nhằm giải thích cho những sự kiện vốn không thể nào giải thích trong folklore” (Nguyễn Thị Kim Ngân, 2017, tr. 57). Nhân vật này trong truyện truyền kỳ là hình ảnh của mặt trái trong tư tưởng xã hội và khát vọng sống hạnh phúc. Hình tượng thể hiện tính nhân đạo tích cực của văn học, văn học vì con người, đặt con người lên trên hết. Trong quá trình khảo sát, chúng tôi nhận thấy, ngoại trừ Diêm Vương, hầu hết nhân vật yêu ma trong truyện cổ tích thuộc tầng lớp thấp cổ bé họng, bị coi khinh trong xã hội. Rất ít nhân vật yêu ma nào hành động với chức năng trợ giúp nhân vật chính. Trong số 64 nhân vật yêu ma trong truyện cổ tích, chỉ có 12 nhân vật đóng vai trò trợ giúp con người vượt qua thử thách, khó khăn, chiếm 19%. Khác với nhân vật yêu ma truyện cổ tích thường đóng vai trò cản trở, thử thách nhân vật chính với tính cách độc ác, biểu tượng của chết chóc và địa ngục, hiểm họa và tai nạn của con người, nhân vật yêu ma thuộc tuyến thiện trong truyền kỳ chiếm tỉ lệ khá cao (30 trong 51 nhân vật yêu ma, chiếm 59%), chỉ có 17 trong 52 nhân vật yêu ma trong 9 truyện truyền kỳ có hành động gây hại cho con người. Đưa thế giới xấu xa viết lại thành “đẹp đẽ”, sau đó đem cái “đẹp” đó đối sánh với cái “xấu” của thế giới nhân gian, làm rõ khác biệt giữa hai thế giới, nhà nho muốn bày tỏ thái độ căm ghét thế giới hiện thực xấu xa đáng ghét. Điều này khác với nhân vật yêu ma trong cổ tích và kể cả văn học Lý Trần. Tuy đa số có hoàn cảnh gia đình bất hạnh, hoặc bị oan khuất, không toại nguyện khi làm người, nhưng nhân vật yêu ma truyền kỳ thuộc nhiều tầng lớp khác nhau trong xã hội 36
  10. PHẠM VĂN HÓA (Tích Thiên (Gã trà đồng giáng sinh – TKML), Thị Nghi (Chuyện yêu quái ở Xương Giang – TKML), Ngoạ Vân (Chuyện lạ nhà thuyền chài - TTDT),...) và hồn ma có một số lượng khá lớn (42/51 nhân vật yêu ma – 82,4%). Trong truyện cổ tích, loại yêu ma này rất ít (26/64 nhân vật yêu ma – 41%) mà chủ yếu là những sự vật lâu năm thành tinh. Nhân vật yêu ma truyền kỳ không phục vụ cho nhu cầu nhận thức tôn giáo, tín ngưỡng mà chủ yếu phục vụ cho nhu cầu nhận thức cuộc sống hiện thực của con người. Yêu ma chủ yếu là phương tiện nghệ thuật chứ không còn là mục đích miêu tả. Các nhà nho thời kỳ này từ sớm đã bỏ quan trường, mượn ngòi bút phản ánh hiện thực cuộc sống, mượn hình thức truyền kỳ bày tỏ suy nghĩ của bản thân về cuộc sống, thưởng thức hương vị cuộc đời. Họ đã gần gũi với quần chúng nhân dân trong việc mượn thế lực siêu nhiên để đả kích xã hội hủ bại nhưng lí tưởng thẩm mỹ và hoàn cảnh sống thì khác quần chúng. Tóm lại, ngoài nguyên nhân là diễn biến phát triển của nội bộ chủ đề, là nhu cầu, sự lựa chọn cố ý để phản ánh hiện thực. Rõ ràng việc các nhà nho không ngưỡng mộ thần tiên mà chọn nhân vật yêu ma – đó là sự bế tắc cùng cực của họ về vấn đề con người trong xã hội đó. Cuộc đời hiện tại, thế giới hiện thế này không thể gặp nhau, niềm hy vọng đó sẽ được gửi gắm vào cuộc đời tương lai, thế giới kiếp sau. Chuyện yêu ma trở nên phù hợp với sự bất lực của con người với hiện thế và niềm ngóng trông tương lai. Nhưng những câu chuyện về yêu ma trong truyện truyền kỳ mở ra một vùng đất mới của lĩnh vực đề tài văn xuôi trung đại Việt Nam. 4. Kết luận Người Việt Nam từ xưa thông thường chỉ quan tâm đến “sinh”, rất ít tác phẩm văn chương nói đến vấn đề cái chết. Và cho dù có bàn đến cái chết cũng là vì con người làm thế nào mà “sinh”, đó chính tinh thần truyền thống của văn hóa Việt Nam. Những vấn đề liên quan đến hệ thống ý niệm của con người thời kỳ phong kiến về thế giới bên kia, thế giới khác mặt đất vốn là nơi thể hiện sự âu lo về cái chết hay những gì xảy ra sau cái chết thực chất là thể hiện khát vọng muốn vượt qua sự băng hoại của đời sống hiện thực đương đại và vượt qua sức mạnh khủng khiếp của cái chết của con người. Đây cũng là hành trình của nhân vật yêu ma từ truyện cổ tích đến truyện truyền kỳ. Đương nhiên, tiến lên một bước, nhân vật yêu ma trong truyện truyền kỳ so với truyện cổ tích đã chứa đầy những vấn đề xã hội đương thời. Với truyện truyền kỳ, hình tượng nhân vật yêu ma đã trở thành một hình tượng văn học thể hiện nổi bật bước chuyển biến trong tư duy nghệ thuật và phát huy nhiều ưu thế trong phản ánh cuộc sống của văn học. Đó chính là cống hiến của truyện truyền kỳ đối với sự phát triển của văn xuôi tự sự trung đại. Nhìn vào quá trình phát triển của văn học trung đại Việt Nam, chúng ta nhận thấy, các nhà nho thế kỷ XVI có được may mắn, vì so với thế hệ trước họ được tiếp nhận một di sản văn học dân tộc phong phú và giàu có. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Trần Thị An (2008), “Nghiên cứu văn học dân gian từ góc độ type và motif – Những khả thủ và bất cập”, Tạp chí Nghiên cứu Văn học (7), 13 – 24. 37
  11. HÌNH TƯỢNG NHÂN VẬT YÊU MA TỪ TRUYỆN CỔ TÍCH... [2] Nguyễn Đổng Chi (sưu tầm & biên soạn) (1957), Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam, Nxb Giáo dục, Hà Nội. [3] Đoàn Thị Điểm (1997), Truyền kỳ tân phả (Ngô Lập Chi-Trần Văn Giáp dịch), Nxb Thế giới, Hà Nội. [4] Nguyễn Phạm Hùng (2001), Trên hành trình văn học trung đại, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội. [5] Nguyễn Đức Sự (2006), “Mấy vấn đề nho giáo ở Việt Nam thế kỷ XVI và XVII”, Tạp chí Triết học (9), 32 – 39. [6] Nguyễn Thị Kim Ngân (2017), Folklore và văn học viết – Nghiên cứu từ góc độ “dịch chuyển không gian” trong truyện cổ tích và truyện truyền kỳ, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội. [7] Trần Ích Nguyên (2000), Nghiên cứu so sánh Tiễn đăng tân thoại và Truyền kỳ mạn lục (Phạm Tú Châu-Trần Thị Băng Thanh-Nguyện Thị Ngân dịch), Nxb Văn học, Hà Nội. [8] Lê Thánh Tông (2008), Thánh Tông di thảo (Nguyễn Bích Ngô dịch), Nxb Văn học, Hà Nội. [9] Vũ Thanh (2018), “Thể loại truyện kỳ ảo Việt Nam thời trung đại – quá trình nảy sinh và phát triển đến đỉnh điểm”, Văn học Việt Nam thế kỷ X – XIX: những vấn đề lý luận và lịch sử, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội. [10] Phạm Văn Thắm (1997), “Truyền kỳ mạn lục - giới thiệu văn bản”, Tổng tập tiểu thuyết chữ Hán Việt Nam, Tập 1 (Trần Nghĩa chủ biên), Nxb Thế giới, Hà Nội. IMAGES OF MONSTER CHARACTERS FROM VIETNAMESE FAIRY TALES TO VIETNAMESE MEDIEVAL LEGENDARY TALES PHAM VAN HOA Da Lat University Abstract: Through surveying the system of monster characters in the Vietnamese folk- tales in the Treasures of Vietnamese Fairy Tales (collected and compiled by Nguyen Dong Chi), and legendary tales of the Thanh Tong’s Posthumous Manuscript (Le Thanh Tong), Collection of Strange Tales (Nguyen Du), and New Collection of Legendary Tales (Doan Thi Diem), the article initially shows specific manifestations inherited from folk literature in terms of cultural origins, reflective contents, plots and arts of creating monster characters. The article also highlights the leaps and bounds of legendary tales in creating monster characters in the tendency of secularisation and epochalism. With the image of monster characters, legendary tales show a step forward in artistic thinking and promotes the life- reflecting advantage of literature. The article also indicates the contribution of legendary tales to the development of Vietnamese medieval narrative prose. Keywords: Vietnam, Fairy tales, Legendary tales, Monsters, Inherited, Step forward. 38
nguon tai.lieu . vn