Xem mẫu

  1. Hiện trạng và biện pháp cải thiện chất lượng đàn cá rô phi nuôi Hiện trạng và biện pháp cải thiện chất lượng đàn cá rô phi nuôi - Ts. Phạm Thanh Liêm, Khoa Thủy sản – Đại học Cần Thơ Cá rô phi được nuôi rộng rãi trên thế giới với sản lượng hàng năm vào khoảng 2,8 triệu tấn (FishStat, 2008). Đây là loài cá mau lớn, dễ nuôi, ít dịch bệnh và có thể nuôi trong nhiều loại hình thủy vực khác nhau. Trước đây, cá rô phi thường được nuôi ghép với các loài cá khác trong ao hay trên ruộng lúa nhằm sử dụng hết nguồn thức ăn trong thủy vực. Tuy nhiên, với nhu cầu ngày càng tăng của thị trường, hiện nay cá rô phi hầu như được nuôi thâm canh trong ao hay bè. Sản lượng cá rô phi ở nước ta khoảng 50 ngàn tấn, chiếm 2,2% tổng sản lượng thủy sản nuôi (FishStat, 2008).
  2. Hiện trạng đàn cá rô phi nuôi ở Đồng bằng sông Cửu Long Có 3 loài cá rô phi được di nhập vào Việt nam. Cá rô phi đen Oreochromis mossambicus là một trong những loài cá được di nhập sớm nhất (1951), nhưng do thành thục sớm và chu kỳ sản ngắn khiến cho mật độ cá nuôi trong ao trở nên dày đặc, cá giảm tăng trưởng, kích thước nhỏ và sản lượng thấp. Cá rô phi vằn O. niloticus được nhập từ Đài Loan vào năm 1973 đã nhanh chóng trở thành loài cá nuôi quan trọng nhờ tăng trưởng nhanh và có kích thước thương phẩm lớn (Nguyễn Công Dân và ctv, 2000). Đến năm 1996, cá rô phi xanh O. aureus đã được di nhập vào Việt Nam để phục vụ cho các nghiên cứu tạo dòng cá rô phi có khả năng chịu lạnh và sản xuất cá rô phi đơn tính đực thông qua kỹ thuật lai tạo (Bạch Thị Tuyết và ctv, 2000). Bên cạnh 3 loài cá trên, nhiều dòng cá rô phi khác cũng đã được di nhập vào nước ta. Năm 1994, cá rô phi vằn dòng Ai cập, dòng Thái Lan và cá rô phi dòng GIFT (Genetically Improved of Farm Tilapia) được di nhập vào nuôi thử nghiệm ở nước ta, kết quả nuôi cho thấy cá rô phi GIFT có tốc độ tăng trưởng cao hơn 15-20% so với các dòng cá bản
  3. địa. Năm 1997, cá rô phi siêu đực dòng Egypt-Swans được di nhập cho thử nghiệm sản xuất cá rô phi đơn tính đực. Kết quả lai giữa cá siêu đực dòng Egypt-Swans với cá cái dòng GIFT cho tỉ lệ cá đực lên đến 97%. Cá rô phi đỏ (rô phi lai Oreochromis spp.) cũng là một đối tượng nuôi được ưa chuộng hiện nay ở Việt Nam vì có màu sắc đẹp, thịt ngon và tăng trưởng nhanh. Cá được di nhập lần đầu tiên vào năm 1991 từ Thái Lan. Do nhu cầu ngày càng tăng, các dòng cá rô phi đỏ Israel và Malaysia cũng đã được di nhập vào những năm 1995-1996. Nhiều cơ sở nuôi cũng đã nhập cá rô phi đỏ từ Philippines và Cuba (Nguyễn Văn Tư, 2003). Trở ngại lớn nhất trong việc nuôi cá rô phi ở Việt Nam nói chung và Đồng Bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) nói riêng là tỉ lệ cá đạt kích cỡ thương phẩm (hơn 500g/con) thấp do con giống kém chất lượng và những yếu kém trong quản lý đàn cá bố mẹ. Đặc điểm chung của các đàn cá rô phi nuôi hiện nay ở ĐBSCL là đồng huyết ở mức độ cao và tính đa dạng di truyền thấp do sử dụng quần đàn cá nhập nội có số lượng cá thể ít làm cá bố mẹ cho sinh sản. Mặt khác, khả
  4. năng sinh sản cao và tính dễ dàng tạp lai với nhau giữa các loài cá rô phi làm cho tiến trình di nhập gen từ loài này sang loài khác xảy ra nhanh chóng kết quả là làm thay đổi cấu trúc di truyền của quần thể và tạp nhiễm nguồn gen. Sự tạp lai giữa O. niloticus và O. mossambicus ở miền Nam vào những năm 1980 và thiếu các kỹ thuật quản lý sinh sản đã tạo ra các quần thể cá lai kém chất lượng với tăng trưởng chậm, sinh sản kém và kích thước thương phẩm nhỏ (Nguyễn Văn Tư, 2003). Điều này khiến cho nghề nuôi cá rô phi không phát triển được trong một thời gian dài. Để phát triển nghề nuôi, các cơ quan nghiên cứu và nhà sản xuất đã di nhập nhiều dòng cá chất lượng cao như cá rô phi vằn dòng Ai cập, Thái lan, Đài loan, Philippines, dòng GIFT… nhằm cải thiện chất lượng của các đàn cá nuôi hiện có thông qua phương pháp lai tạo (lai chéo và lai xa) và chọn lọc. Tuy nhiên, các trại sản xuất giống và người nuôi thường có thói quen sử dụng các dòng cá hiện có mà không quan tâm đến nguồn gốc, sự biểu hiện các tính trạng và khả năng tái lập quần đàn. Nếu việc di nhập và phân phối các dòng cá chất lượng cao thiếu sự giám sát, quản lý nguồn
  5. gốc và kỹ thuật lưu giữ các dòng thuần chủng thì việc tạp nhiễm nguồn gen và suy giảm chất lượng đàn cá nuôi sẽ xảy ra nhanh chóng. Kết quả khảo sát cá rô phi đỏ nuôi ở Đồng Tháp, Vĩnh Long và Tiền Giang cho thấy tần số xuất hiện cá có đốm đen trung bình là 2,4%, nhiều cơ sở nuôi ở Đồng Tháp cá có tần số xuất hiện đốm đen lên đến 10%, đây là một biểu hiện phân ly tính trạng khi sử dụng con lai làm cá bố mẹ. Một số biện pháp cải thiện chất lượng đàn cá rô phi nuôi Việc phát triển các dòng cá rô phi được cải thiện về di truyền và lưu giữ để phục vụ cho việc sản xuất con giống cung cấp cho người nuôi là việc làm cần thiết và hiệu quả nhằm phát triển bền vững nghề nuôi cá rô phi ở ĐBSCL. Các kỹ thuật cải thiện chất lượng giống có thể được áp dụng trong chọn giống cá rô phi bao gồm di nhập giống, lai tạo, chọn lọc và kỹ thuật di truyền. Các kỹ thuật này cũng có thể được sử dụng phối hợp nhau trong các chương trình chọn giống. Di nhập giống Di nhập nguồn gen là một trong những kỹ thuật cải thiện
  6. nhanh chóng và có hiệu quả đối với các quần đàn cá rô phi vốn đang bị thoái hóa do cận huyết ở ĐBSCL. Mặc dù nghề nuôi cá rô phi ở ĐBSCL phát triển nhờ vào các dòng cá nhập nội có chất lượng cao (như rô phi vằn Đài Loan, rô phi đỏ, hay rô phi dòng GIFT), nhưng nếu chỉ thực hiện di nhập giống thì không đảm bảo được nhu cầu con giống của người nuôi. Di nhập giống cần kết hợp kỹ thuật lai chéo với các dòng cá hiện có vốn mang các tính trạng thích nghi với môi trường tốt hơn các dòng cá mới di nhập. Kỹ thuật lai xa Lai xa khác loài là kỹ thuật cải thiện giống ngắn hạn, kết quả có thể đạt được chỉ sau 1-2 thế hệ và tính trạng cải thiện thường không gia tăng ở các thế hệ tiếp theo. Tuy nhiên, kết quả cải thiện giống bằng phương pháp lai xa khác loài còn rất ít và không bền trong các điều kiện sản xuất giống đại trà. Một thí dụ thành công về cải thiện giống bằng lai xa là trường hợp cải thiện khả năng chịu lạnh của cá rô phi vằn O. niloticus bằng phép lai với O. aureus ở Israel (Wohlfarth, 1994). Cá rô phi đỏ, một loài nuôi phổ biến hiện nay, cũng là kết quả của kỹ thuật lai xa khác loài.
  7. Có 2 loại cá rô phi đỏ được nuôi ở ĐBSCL, một là con lai O. urolepis mossambicus x O. niloticus và loại thứ hai là con lai O. niloticus x O. hormorum (MRC, 2009). Trở ngại kỹ thuật lai xa khác loài trong các trang trại là phải duy trì cùng một lúc 2 loài cá, tránh hiện tượng thất thoát và tạp lai giữa con lai với 2 loài cá bố mẹ. Mặc khác, do cơ chế cách ly sinh sản nên sản lượng con giống thường thấp hơn loài thuần chủng. Việc sử dụng con lai để sản xuất giống làm suy giảm nhanh chóng chất lượng con giống ở các thế hệ tiếp theo, điều này cũng quan sát được trên cá nuôi ở ĐBSCL với việc xuất hiện cá có đốm đen trên cơ thể, giảm tăng trưởng, sức sinh sản kém và dễ nhiễm bệnh. Kỹ thuật chọn lọc Chọn lọc được xem như một kỹ thuật cải thiện chất lượng dài hạn, kết quả cải thiện của tính trạng gia tăng lên theo mỗi thế hệ. Chương trình chọn giống cá rô phi dòng GIFT là một thí dụ thành công của phương pháp này. Trên cơ sở lai chéo giữa các quần thể O. niloticus tự nhiên ở châu Phi và các quần thể cá thuần hóa ở các quốc gia châu Á, kết quả chọn lọc đã tạo ra cá rô phi dòng GIFT có tốc độ tăng
  8. trưởng tăng 60% và tỉ lệ tăng trưởng tăng 40% so với các dòng cá O. niloticus ở Philippines (ICLARM, 1998). Trên cơ sở của dòng GIFT Phlippines, việc chọn giống được tiếp tục thực hiện ở các quốc gia châu Á nhằm tạo ra các dòng cá có các biểu hiện và tính thích nghi tốt hơn. Cá rô phi dòng GIFT có khả năng chịu lạnh, một dòng cá do Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản 1 (RIA 1) sản xuất, là kết quả chọn lọc đồng thời nhiều tính trạng trên cá rô phi dòng GIFT. Kỹ thuật chọn lọc cũng đang được áp dụng cho việc chọn giống cá rô phi đỏ cung cấp cho ĐBSCL do Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản 2 (RIA 2) thực hiện. Dòng cá rô phi đỏ của RIA 2 là kết quả chọn lọc từ các dòng cá từ Ecuador, Colombia, Jamaica và Israel (MRC, 2009). Kỹ thuật di truyền Một trong những kỹ thuật di truyền đã được ứng dụng trong việc cải thiện chất lượng giống là kỹ thuật tạo cá siêu đực. Phương pháp này dựa trên cơ chế xác định giới tính của cá O. niloticus: cơ chế XY, theo đó con cái là đồng giao tử XX và con đực ở dạng dị giao tử XY. Cá siêu đực sẽ có kiểu di truyền xác định giới tính là YY. Trên lý
  9. thuyết, khi cho cá siêu đực YY sinh sản với cá cái XX sẽ cho ra thế hệ con có kiểu di truyền là XY. Thực tế việc áp dụng kỹ thuật cá siêu đực với mỗi dòng cá khác nhau sẽ cho kết quả khác nhau. Cá siêu đực dòng Egypt-Swansea khi cho sinh sản với cá cái cùng dòng thì thế hệ con có tỉ lệ con đực từ 74-100%, trong khi đó dòng Egypt-Thái Lan tạo quần đàn có tỉ lệ đực từ 36-100% (Tuan et al., 1999). Việc ứng dụng kỹ thuật di truyền hiện nay vẫn còn nhiều hạn chế đặc biệt là trong các trang trại có qui mô sản xuất lớn. Một số kết quả khảo sát cho thấy tăng trưởng của quần thể cá sản xuất từ cá siêu đực kém hơn cá sản xuất bằng hormon chuyển đổi giới tính (Pham et al., 1998); tỉ lệ cá siêu đực thấp không đủ cho việc điều khiển sinh sản trong hệ thống nuôi bán thân canh và thâm canh và chi phí sản xuất cá rô phi siêu đực cao. Để có thể thực hiện được các kỹ thuật cải thiện giống trên các đàn cá nuôi ở ĐBSCL, bước đầu tiên là phải tiến hành việc đánh giá chất lượng các dòng cá hiện có với các tính trạng mong muốn (tăng trưởng, tỉ lệ sống, khả năng kháng bệnh và thích nghi môi trường…). Việc xác định các đặc
  10. điểm di truyền cũng sẽ cung cấp các thông tin cơ bản vể thành phần của quần đàn, mức độ tạp nhiễm gen. Sau đó tiến hành xác lập quần đàn gốc làm cơ sở cho chọn giống, thiết kế các chương trình sinh sản, chọn giống và các phương thức quản lý nguồn gen.
nguon tai.lieu . vn